Hãy Để Tất Cả Theo Gió Bay Đi

Chương 20




Phía sau tiếng gọi, người con trai chậm rãi dừng bước nhưng vẫn quay lưng lại với nó.

- Cậu nghĩ tôi là loại người thế nào, giúp người chỉ để mong trả ơn chắc? Thế thì tôi không cần, số tiền này nhất định tôi sẽ trả cậu.

- Tùy cậu!

Hai tiếng được phát ra từ người đối diện nó, nghe sao nhẹ bẫng mà chất chứa sự vô cảm. Cậu ta thật ra là con người như thế nào?

***

- Xui xẻo thật, mất ví lại quên đem theo điện thoại, giờ cũng không có tiền đi xe về nữa chứ, ôi cái chân của tôi!

Một ngày đẹp trời thế này mà tâm trạng cau có của nó thật chẳng hợp chút nào, nhưng cái chân đang mỏi rã rời truyền cả sự mệt mỏi lên cái đầu của nó thì biết làm thế nào được. Vừa đau chân, vừa khát nước lại còn đói bụng nữa, hôm nay là ngày gì mà xui thế không biết. Bất chợt, Zen nhớ ra điều gì đó vội đưa tay lục hai túi quần, một lúc sau móc ra được ba nghìn, nó mừng rỡ:

- Hết khát rồi!

Zen chạy ngay đến tiệm tạp hoá gần nhất và mua ngay một chai nước khoáng, trong lúc đang chờ lấy đồ thì nó bắt gặp một vị khách vừa bước vào cửa hàng. Đó là một người đàn ông trung niên khoảng trên năm mươi; bộ quần áo ông đang mặc trông tàn và khá bẩn, có đôi chỗ bị sờn rách có chỗ lại bị bụi bẩn bám vào. Trong khi vị khách trao đổi với bà chủ về thứ cần mua thì nó lại đứng quan sát người đàn ông này. Nước da đen, rất đen của ông như minh chứng cho một cuộc đời phơi da dưới cái nắng gay gắt của đất nước thuộc vùng khí hậu nhiệt đới như của Việt Nam; mái tóc loang lổ nhiều sợi bạc là tàn tích của tuổi già, của sự cơ cực hay là do lớp bụi phủ của những con đường ông đã đi qua. Người đàn ông mua được một bao gạo nhỏ, chỉ bằng chiếc cặp xách nó hay đeo đi học mỗi ngày, ông ôm bao gạo vào người như sợ rằng chỉ một chút lơ là thôi là nó sẽ tuột mất khỏi tay ông. Người đàn ông còn hỏi mua gì đó mà nó và bà chủ cửa hàng không nghe rõ lắm, cái giọng khàn đục và nhỏ của ông xen lẫn thứ tiếng ngoại tỉnh rất khó để nhận biết được. Nó đoán đây là một người hành khất, vì một lí do nào đó mà lưu lạc đến đây. Sau một vài lần nghe vị khách lặp lại câu nói, bà chủ quán cũng hiểu ra. Sau đó, bà cầm lấy một gói mì ăn liền trong đống mì gần đó và đưa cho vị khách:

- Ba ngàn.

Người đàn ông cầm ba ngàn trên tay, vừa đủ số tiền còn lại mà ông đang có, nhưng sao nó thấy ông cứ băn khoăn do dự mãi, đôi mắt nhuốm màu mệt mỏi theo thời gian của ông cứ chốc chốc lại liếc vào số tiền trên tay. Điều đó khiến một người ngoài cuộc như nó cũng thấy băn khoăn. Và rồi câu trả lời đã xuất hiện ngay sau đó. Bà chủ quán cầm lấy hai ngàn trên tay người đàn ông và nói:

- Tôi lấy hai ngàn thôi!

Câu nói của bà chủ như có sức mạnh kì diệu rút hết mọi gánh lo âu của vị khách, ông mừng rỡ cảm ơn rối rít rồi lại cất bước đi tiếp trên con đường của mình. Nhìn theo bóng người đàn ông đi khuất, nó cảm thấy lòng mình rối bời. Nó xúc động trước hành động cao thượng của bà chủ quán, nó cảm thấy thương cảm cho người hành khất xấu số, và nó chợt nghĩ về mình và mọi người xung quanh. Chỉ một ngàn đồng nhỏ nhoi, ít ỏi thôi mà đối với nhiều người đó là niềm vui, là nụ cười, là nước mắt, và nó chợt nhận ra rằng có những thứ đối với chúng ta thật nhỏ nhặt, không đáng bận tâm nhưng đối với những người khác đó là những điều tạo nên giá tri đích thực của cuộc sống...

***