Hảo Nữ Trung Hoa

Chương 14: Người đàn bà thời thượng




Mùa thu năm 1995, tôi đệ đơn xin từ chức Giám Đốc Phát Triển và Xây Dựng Kế Hoạch Chương Trình với lý do là tôi phải làm quá nhiều công việc cùng lúc và rằng khối lượng công việc của chương trình truyền thanh của tôi, - báo cáo, biên tập, trả lời thư thính giả, vân vân - ngày càng tăng. Thực ra, điều tôi muốn là không gian cho riêng mình. Tôi đã mệt mỏi với việc phải đọc cả núi tài liệu đầy những điều cấm đoán và tham gia vào những cuộc họp liên miên. Tôi cần phải dành thời gian để tìm hiểu về người phụ nữ Trung Quốc nhiều hơn nữa.

Các lãnh đạo không hề vui vẻ với quyết định của tôi, nhưng khi ấy thì họ đã hiểu tôi khá rõ: nếu ép tôi giữ chức vị đó, có thể tôi sẽ bỏ hẳn đài mà đi. Miễn là tôi còn ở lại, họ sẽ còn sử dụng được danh tiếng và quan hệ rộng khắp của tôi.

Khi mọi người biết quyết định của tôi, trong đài tôi trở thành đề tài của những cuộc tranh luận và phỏng đoán liên miên. Không ai hiểu tại sao tôi lại bỏ vị trí bảo đảm có thể tiếp tục thành đạt trong sự nghiệp công chức như vậy. Một số người bảo tôi sắp gia nhập làn sóng doanh nhân mới, một số dự đoán tôi sắp được nhận một chân giảng viên lương cao bổng hậu tại trường đại học, những người khác lại nghĩ tôi sẽ sang Mỹ. Hầu hết đều nói một cách đơn giản, “Dù Hân Nhiên có làm gì thì việc đó cũng là một việc thời thượng.” Mặc dù việc được coi là người khởi xướng phong trào và là một phụ nữ thời thượng xem chừng là một chuyện tốt, song tôi biết đã có bao người đã phải khốn khổ do mốt rồi.

Mốt ở Trung Quốc luôn luôn mang tính chính trị. Vào những năm 1950, người ta khởi xướng mốt học theo lối sống Cộng Sản của Liên Xô. Họ hô vang những khẩu hiệu chính trị như: Bắt kịp Mỹ và vượt Anh trong hai mươi năm! và tuân theo từng chỉ thị mới nhất của Mao Chủ Tịch tới từng chữ. Trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa có mốt đi về nông thôn để giáo dục lại. Nhân văn và trí tuệ bị đày đến những nơi mà ở đó con người không biết có nơi nào trên thế giới phụ nữ có thể nói “không” và đàn ông có thể đọc báo.

Thập niên tám mươi, khi chính sách Cải Cách và Mở Cửa được ban hành, người ta lại bắt đầu có mốt làm kinh doanh. Trong một thời gian ngắn, chỗ nào cũng thấy người ta đề danh thiếp là “Giám đốc Kinh doanh”; còn có câu nói rằng: Trong một tỉ người có chín mươi triệu người làm kinh doanh và mười triệu người nữa đang chờ tạo dựng cơ nghiệp.

Người Trung Quốc chưa bao giờ theo trào lưu do lựa chọn, họ luôn luôn bị chính trị cuốn vào các trào lưu. Trong những cuộc phỏng vấn với những người phụ nữ Trung Quốc nói riêng, tôi khám phá ra rằng nhiều người phụ nữ được gọi là “thời thượng” hoặc “tạo trào lưu” đã từng bị buộc phải trở thành như vậy, rồi bị làm cho khốn khổ bởi chính thứ mốt mà họ là hiện thân. Đàn ông Trung Quốc nói rằng thời nay phụ nữ mạnh mẽ là mốt - nhưng phụ nữ thì tin rằng đằng sau mỗi người phụ nữ thành đạt luôn có một người đàn ông khiến mình đau khổ.

Tôi từng phỏng vấn một nữ doanh nhân nổi tiếng, một người đàn bà sống cuộc đời mình trước mắt thiên hạ. Bà luôn được xem là người khởi xướng trào lưu và tôi đã đọc nhiều bài viết về bà trên báo. Tôi rất tò mò muốn biết bà cảm thấy thế nào khi là người thu hút chú ý đến thế, và làm thế nào bà trở nên nổi tiếng như thế.

Chu Đình đặt một phòng riêng hạng sang tại một khách sạn bốn sao cho cuộc phỏng vấn - bà bảo tôi rằng để đảm bảo chúng tôi được riêng tư. Khi xuất hiện, ấn tượng bà tạo ra cho tôi là niềm vui thích khi làm một phụ nữ thời thượng. Bà mặc một bộ quần áo đắt tiền, thanh lịch bằng len casomia và lụa, trang sức lấp lánh leng keng khắp người mỗi khi bà cử động. Bàn tay bà nặng trĩu những nhẫn. Tôi nghe nói bà đã từng đặt những bữa tối xa xỉ tại tất cả các khách sạn lớn và thay ôtô như thay áo. Bà là tổng giám đốc phụ trách kinh doanh các loại thực phẩm chức năng cho một số công ty lớn trong vùng. Tuy nhiên, sau cuộc phỏng vấn, tôi nhận thấy có một người phụ nữ rất khác bên dưới vẻ ngoài thời thượng ấy.

Bắt đầu cuộc phỏng vấn, Chu Đình nhắc đi nhắc lại với tôi vài lần rằng đã lâu lắm rồi bà không nói về những cảm xúc thật của mình. Tôi nói rằng tôi luôn hỏi phụ nữ về những câu chuyện thực của họ vì chân thực vốn dĩ là nguồn sống của đàn bà. Bà nhìn tôi dò xét rồi đáp rằng sự thật chẳng bao giờ là mốt cả.

Trong thời Cách Mạng Văn Hóa, mẹ Chu Đình, một giáo viên, bị Hồng Vệ Binh bắt tham gia các buổi học chính trị. Cha bà được phép ở nhà: ông bị u tuyến thượng thận và ốm đến mức hầu như không thể cầm nổi đũa. Một Hồng Vệ Binh sau này kể lại rằng họ thấy ông không đáng phải bận tâm. Mẹ của bà cuối cùng bị tù vài năm.

Từ năm lớp một, Chu Đình đã bị bắt nạt vì nguồn gốc gia đình. Có lúc các bạn cùng lớp đánh bà thâm tím cả người, đôi khi chúng còn cắt vào cánh tay bà rất tàn nhẫn, để lại những vết thương chảy máu. Nhưng nỗi đau đớn vì những cuộc tấn công đó còn xa mới sánh nổi nỗi kinh hoàng khi bị đám công nhân, các đội tuyên truyền và nhóm chính trị đóng tại trường học nữa hỏi về mẹ, họ thường dứt tóc hoặc đập vào đầu bà khi bà im lặng. Bà sợ bị thẩm tra đến mức cứ nhìn thấy một cái bóng nào đó in lên cửa sổ lớp học là bà lại run lên.

Cuối Cách Mạng Văn Hóa, người ta tuyên bố mẹ Chu Đình vô tội và bị buộc tội sai là thành phần phản cách mạng. Cả hai mẹ con đã phải chịu nỗi khốn khổ không đáng suốt mười năm. Cha Chu Đình cũng không thoát: vào giai đoạn sau của Cách Mạng Văn Hóa, Hồng Vệ Binh bao vây giường bệnh của ông và đặt ra hàng loạt câu chất vấn cho tới khi ông chết.

“Ngay cả bây giờ, tôi vẫn thường giật mình tỉnh giấc bởi những cơn ác mộng vì bị đánh đập hồi nhỏ,” Chu Đình nói.

“Ở trường, chuyện như của bà có hiếm không?” Tôi hỏi.

Nắng đổ vào phòng và Chu Đình kéo rèm che cho chúng tôi khỏi bị chói.

“Ở trường, tôi tách khỏi mọi người; ít ra là tôi vẫn nhớ các bạn cùng lớp luôn nói một cách hào hứng về chuyện đến trường đại học xem mẹ tôi bị đấu tố, hoặc nghe trộm xem tôi bị đội chính trị thẩm vấn.”

“Và kể từ đó, trong cuộc sống bà tách khỏi mọi người vì nhiều lý do khác nhau.”

“Đúng thế,” Chu Đình đáp. “Trước tiên là mẹ tôi, rồi những người đàn ông xung quanh tôi khẳng định rằng mọi người luôn để ý đến tôi.”

“Về công việc hay cuộc sống riêng tư của bà?”

“Về cuộc sống riêng của tôi, phần lớn là vậy,” Bà đáp.

“Nhiều người nói rằng phụ nữ truyền thống thì không thể có những cảm xúc hiện đại, và những người phụ nữ hiện đại thì không thể tiết hạnh hay chung thủy. Bà có nói được mình đã chọn con đường nào trong hai con đường đó không?”

Chu Đình xoay xoay những chiếc nhẫn. Tôi nhận thấy bà không đeo nhẫn cưới.

“Về bản chất, tôi rất truyền thống, nhưng, như cô biết đấy, tôi bị buộc phải từ bỏ cuộc hôn nhân của mình,” bà nói.

Tôi từng được mời đến một cuộc nói chuyện trong đó Chu Đình đưa ra những đề xuất cho một chính sách về ly hôn, nhưng tôi chẳng biết gì về trải nghiệm cá nhân của bà ngoài những thông tin đọc được trên báo.

“Cuộc hôn nhân đầu tiên của tôi - thực ra là chỉ có một cuộc hôn nhân đó thôi - cũng giống như nhiều người khác ở đất nước Trung Quốc này. Bạn bè giới thiệu tôi với người đàn ông sau này đã trở thành chồng tôi. Hồi đó tôi ở Mã Yên Sơn còn anh ở Nam Kinh, vì vậy chúng tôi chỉ được gặp nhau mỗi tuần một lần. Đó là khoảng thời gian yên bình: mẹ tôi đã được thả; tôi có việc làm và một mối tình. Khi mọi người khuyên tôi dành thời gian để sống và học tập kinh nghiệm trước khi quyết định một điều gì, tôi cự lại, nghĩ rằng sự khuyên răn của họ quá giống với những lời của các viên chức đội chính trị từng thẩm vấn tôi suốt thời Cách Mạng Văn Hóa. Bạn trai tôi và tôi đang chuẩn bị kết hôn thì anh bị tai nạn lao động cụt hết năm ngón bàn tay phải. Bạn bè và gia đình bảo tôi nên suy nghĩ kỹ về chuyện kết hôn với anh; anh bị tàn tật và chúng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Để biện hộ, tôi kể lại những câu chuyện tình nổi tiếng từ thời cổ đại đến hiện đại, cả của Trung Quốc lẫn nước ngoài, và bảo mọi người rằng, Tình yêu là vô điều kiện, là hy sinh. Nếu yêu ai đó làm sao người ta có thể bỏ rơi người yêu khi anh ấy gặp khó khăn? Tôi bỏ việc và đến Nam Kinh kết hôn với người đàn ông ấy.”

Tôi rất cảm thông với quyết định của Chu Đình. “Mọi người xung quanh xem hành động của bà là khờ dại, nhưng hẳn là bà đã rất tự hào về mình, và cũng rất hạnh phúc nữa là đằng khác,” tôi nói.

Chu Đình gật đầu. “Đúng, cô nói hoàn toàn đúng, khi ấy tôi thực sự rất hạnh phúc. Tôi không sợ lấy một người đàn ông tàn tật chút nào. Tôi thấy mình giống như người nhân vật nữ chính trong tiểu thuyết lãng mạn vậy.” Bà kéo rèm lên một chút, một tia nắng yếu ớt chiếu xiên vào gáy bà, lóe sáng trên chiếc vòng cổ làm hắt lên tường một đốm sáng.

«Khi bắt đầu sống chung, tôi mới thấy mọi chuyện thay đổi hẳn. Lãnh đạo của đơn vị nơi chồng tôi làm việc ở mỏ sắt Mai Sơn, Nam Kinh, đã từng hứa sẽ phân cho tôi một công việc tốt tại bệnh viện ở đó để giúp đỡ chúng tôi sau khi cưới, nhưng khi tôi đến họ chỉ phân cho tôi làm y tá trong trường tiểu học. Và họ viện lý do là tôi không có hộ khẩu địa phương để ngăn không cho tôi đủ tiêu chuẩn xét thăng cấp hay tăng lương năm đó. Tôi không hề ngờ rằng những lãnh đạo có phẩm cách và đáng kính đó lại nuốt lời như vậy.

Nhưng công việc mới của tôi không phải là vấn đề lớn nhất. Tôi sớm nhận ra rằng chồng tôi là một kẻ trăng hoa không cải tạo được. Anh ta ngủ với bất kỳ người đàn bà nào sẵn sàng ngủ với anh ta, từ những bà già hơn anh ta cả chục tuổi tới những đứa con gái trẻ. Ngay cả những kẻ lang thang tóc tai rối bù mặt mũi bẩn thỉu anh ta cũng không từ. Tôi phát điên lên. Khi tôi mang thai, anh ta đi ra ngoài suốt đêm không về và đưa ra đủ mọi lý do, nhưng anh ta lại luôn để lòi đuôi ra.

Cuối cùng, tôi cảnh cáo anh ta và anh ta đồng ý dừng việc đó lại. Không lâu sau, anh ta bảo tôi rằng thỉnh thoảng anh ta phải làm việc muộn. Khi một đồng nghiệp của anh ta tới tìm, tôi bảo anh ta đang làm ngoài giờ. Đồng nghiệp của anh ta bảo: “Anh ta không làm ngoài giờ đâu!"

Tôi hiểu ngay là chồng mình lại ngựa quen đường cũ. Tôi giận điên lên, vội nhờ hàng xóm trông hộ con và chạy sang nhà người đàn bà mà tôi biết là chồng tôi từng cặp kè trước khi anh ta đồng ý dừng việc trăng hoa lại. Nhà cô ta chỉ cách nhà tôi mấy con phố. Khi tới nơi, tôi thấy xe đạp của chồng dựng ở cổng. Tôi run lên vì giận khi gõ cửa. Tôi chờ một lúc lâu và gõ cửa lần nữa, cho tới khi một người đàn bà quần áo xốc xếch ra mở cửa ngách, hét tướng: “Ai đấy hả, làm gì mà làm ầm cả lên giữa nửa đêm thế hả?“ Giây lát sau cô ta nhận ra tôi và lắp bắp, “Là cô à? Cô làm gì ở đây? Anh ta... anh ta không ở chỗ tôi”.

“Tôi không tới đây tìm anh ta, tôi tới gặp cô!" Tôi nói.

“Tôi ư? Cô muốn gì ở tôi? Tôi chẳng làm gì đụng chạm đến cô cả".

“Tôi có thể vào trong nói chuyện được không?”

“Không, không tiện!”

“Được thôi, chúng ta có thể nói ngay tại cửa. Tôi chỉ muốn nói với cô rằng xin đừng qua lại với chồng tôi nữa. Anh ta đã có gia đình”.

Ả đàn bà đó kêu toáng lên, “Chính là chồng cô ngày nào cũng chạy tới chỗ tôi đấy chứ, tôi có bao giờ tới nhà cô đâu!"

“Có phải cô đang cố nói với tôi rằng cô sẽ không từ chối anh ta đúng không hả? Anh ta...” Tôi đột nhiên ấp úng, mồ hôi lạnh toát ra. Tôi không quen đối đầu.

""Rõ nực cười“, người đàn bà đó mỉa mai. “Cô không giữ nổi một người đàn ông và buộc tội tôi vì không chịu đóng cửa sao?”

“Cô? Cô...” Tôi giận đến mức không nói nên lời.

“Tôi? Tôi thì sao nào? Nếu cô không được làm cái ấy thì cũng đừng có mà chạy rông rồi tru lên như con mèo động đực thế. Là cô thì cô cũng chẳng từ nếu nổi cái máu đó đâu!” Cô ta ăn nói như một ả điếm chuyên nghiệp vậy, nhưng đó lại là một người đàn bà có học, một bác sĩ.

Đột nhiên, chồng tôi xuất hiện, tay vẫn đang cài nốt cúc áo. “Các người cãi cọ cái gì hả, hai con chó cái này? Để tôi cho cô biết thế nào là một thằng đàn ông!" Trước khi tôi kịp phản ứng, anh ta rút ngay một thanh tre và lao vào đánh tôi.

Ả nhân tình của anh ta gào lên, “Anh phải dạy cho con mụ đó một bài học từ trước rồi!"

Tôi thấy đau nhói ở vai trái khi anh ta đập trúng tôi. Bàn tay phải bị què cản trở anh ta nên tôi tránh được những cú đánh tiếp theo.

Nhiều người ở khu dân cư đó nghe thấy tiếng ồn ào thì chạy ra khỏi nhà. Họ đứng trơ mắt ra nhìn trong khi tôi bị chồng đuổi đánh còn ả nhân tình thì gào lên chửi rủa. Cuối cùng công an cũng tới, lúc ấy thì tôi đã bầm dập, nhưng tôi nghe thấy một bà già nói, “Mấy con chó vàng đó (chỉ công an) thật nhiễu sự, cứ thích chõ mũi vào chuyên nhà người khác".

Ở bệnh viện, bác sĩ gắp ra khỏi người tôi hai mươi hai mảnh giằm tre. Người y tá phẫn nộ trước chuyện xảy ra với tôi tới mức cô đã viết một lá thư thuật lại chuyện đó gửi tới tờ báo của thành phố. Hai ngày sau một tấm ảnh chụp tôi khắp người băng bó xuất hiện trên báo kèm theo bài báo về vấn đề phụ nữ cần phải được tôn trọng. Nhiều người, tất nhiên hầu hết là phụ nữ, tới thăm tôi ở bệnh viện, mang theo đường sữa hoa quả. Phải đến vài tuần sau đó tôi mới đọc được bài báo ấy. Tôi bị mô tả nhầm thành một người vợ bị bạo hành trong suốt một thời gian dài. Tôi không biết liệu có phải trường hợp của mình bị phóng đại lên vì có ai đó cảm thấy thương tôi, hay vì có ai đó muốn phản công lại nhân danh tất cả những người phụ nữ bị bạo hành bằng cách đưa chồng tôi ra tòa không."

“Bà có thử đính chính lại sự sai lạc đó không?”

“Không, tôi quá hoang mang bối rối, không biết phải làm gì. Đó là lần đầu tiên tôi lên báo. Hơn nữa, trong thâm tâm tôi thấy biết ơn bài báo đó. Nếu người ta chỉ đơn giản xem sự việc là chồng tôi đang tề gia thì làm sao mọi chuyện tốt lên cho phụ nữ được?”

Nhiều người Trung Quốc vẫn coi chuyện đàn ông đánh đập vợ hay con cái của anh ta là tề gia. Đặc biệt, những người phụ nữ nông dân lớn tuổi chấp nhận thực tế là như vậy, sống theo châm ngôn: Người vợ khốn khổ ngậm đắng nuốt cay cho tới ngày được làm mẹ chồng của người Trung Quốc, họ tin rằng mọi người đàn bà đều phải chịu chung số phận. Vì vậy, những người nhìn Chu Đình bị đánh mới không hề nhúc nhích để giúp bà.

Chu Đình thở dài. “Đôi khi tôi nghĩ rằng số tôi cũng chưa đến nỗi khốn khổ lắm. Sinh ra là đàn bà ở thời trước hẳn còn khốn khổ hơn nữa. Chưa bàn tới chuyện được học hành - nếu sinh vào thời đó, chắc tôi chỉ được ăn cơm thừa canh cặn của chồng.”

“Bà thật giỏi tự an ủi,” tôi nói, thầm nghĩ rằng nhiều người phụ nữ Trung Quốc cũng hay tự an ủi mình với những ý nghĩ kiểu đó.

“Chồng tôi bảo học lắm làm tôi hư người.”

“Không phải anh ta tự nghĩ ra đâu. Chính Khổng Tử đã nói rằng phụ nữ ít tài là đức mà.” Tôi ngừng lại, rồi hỏi, “Có phải sau đó bà lại xuất hiện trên mặt báo trong vụ mưu sát bất thành?”

“Đúng, tôi cho là thế. Báo chí hồi đó biến tôi trở thành kẻ gây chuyện và đã dạy cho tôi bài học về quyền lực của truyền thông. Tới ngày nay, không ai tin tôi khi tôi nói với họ chuyện gì đã thực sự xảy ra. Họ đều nghĩ rằng bất kỳ chuyện gì được in trên báo đều là Thánh Kinh.”

“Vậy bà nghĩ rằng bài báo đó là không chính xác,” tôi khích nhẹ.

Chu Đình trở nên kích động. “Tôi tin vào quả báo, nếu tôi nói dối thì sét đánh tôi đi!”

“Xin đừng cảm thấy là bà phải thề thốt như vậy,” tôi nhẹ nhàng nói. “Tôi sẽ chẳng tới đây nếu tôi không muốn nghe câu chuyện từ phía bà.”

Được xoa dịu, Chu Đình tiếp tục.

«Tôi gửi đơn xin ly hôn, nhưng chồng tôi quỳ lạy xin tôi cho anh ta một cơ hội cuối cùng, bảo rằng một người tàn tật như anh ta không thể sống được nếu thiếu tôi. Tôi bị giằng xé: sau khi đã đánh đập tôi tàn tệ, tôi không tin là anh ta có thể thay đổi, nhưng tôi sợ rằng anh ta sẽ không thể sống thiếu tôi. Chuyện ong bướm thì ngon lành lắm, nhưng liệu những người tình có đồng cam cộng khổ với anh ta mãi không?

Nhưng một hôm tôi đi làm về sớm thì bắt gặp chồng mình và một người đàn bà, cả hai đều gần như trần truồng. Máu nóng bốc lên đầu, tôi hét lên với người đàn bà đó, “Tự gọi mình là đàn bà được à, đánh đĩ ngay trong nhà tôi? Cút ngay!"

Tôi hét lên và chửi rủa thậm tệ. Người đàn bà đó lập cập chạy vào phòng ngủ của tôi và thu nhặt quần áo trên giường. Tôi vớ lấy một con dao phay trong bếp và nói với chồng tôi, “Nói tôi nghe xem, anh là loại đàn ông gì?"

Chồng tôi đá vào háng tôi thay câu trả lời. Hăng tiết lên, tôi ném con dao phay về phía anh ta, nhưng anh ta cúi xuống né được và đứng đó tròn mắt nhìn tôi, choáng váng vì tôi lại dám tấn công anh ta. Tôi run lên vì giận; tôi hầu như không nói nên lời. “Anh... cả hai các người... đang làm gì hả? Nếu các người không thú nhận hết... một trong ba sẽ chết ngay tại đây!" Tôi nói.

Tôi giật lấy chiếc thắt lưng da treo trên cửa ra vào. Vừa nói, tôi vừa quất tới tấp như điên như dại, nhưng cả hai đều nhảy tránh. Khi tôi quay sang quật chồng tôi, người đàn bà kia lỉnh ra ngoài. Tôi đuổi riết theo cô ta tới tận đồn công an, quật cô ta bằng thắt lưng trong khi cô ta hét lên rằng sẽ không bao giờ ngủ với chồng tôi nữa. Ngay khi vừa chạy qua cổng đồn, cô ta đã tót vào phòng trực kêu toáng lên: “Cứu với, tôi bị tấn công!".

Tôi không biết là người đàn bà đó có quan hệ với một tay công an trong đồn, hay là một trong các tình nhân của cô ta làm việc tại đó. Khi một người công an chạy tới và vặn tay tôi ra sau lưng, tôi hét lên: “Anh nhầm rồi!"

“Im mồm!” Anh ta cộc cằn nói.

“Anh nhầm to rồi. Người đàn bà đó thông dâm với chồng tôi ngay tại nhà tôi, anh nghe rõ chưa?” Tôi vùng vẫy trong cái khóa tay của anh ta.

“Gì cơ?” Anh ta kêu lên. Những tay công an khác đã có mặt tại đó đều sững người. Cô biết đấy, chuyện quan hệ ngoài vợ ngoài chồng hồi đó là một tội nặng. Chuyện đó có thể bị kết án tù hơn ba năm.

Tay công an bỏ tôi ra. “Cô có bằng chứng gì không?" Anh ta hỏi.

“Nếu tôi cung cấp bằng chứng, các anh sẽ làm gì với cô ta?” Tôi hỏi, chắc chắn là tôi có thể tìm ra bằng chứng.

Anh ta không trả lời trực tiếp vào câu hỏi của tôi. “Nếu cô không đưa ra được chứng cứ nào thì chúng tôi sẽ bắt giam cô vì tội vu khống và hành hung người khác", anh ta nói. Hồi đó chưa có những trình tự pháp lý cho ra hồn. Giờ nghĩ lại, tôi tự hỏi liệu những người công an đó có hiểu luật chút nào không.

“Cho tôi ba tiếng”, tôi nói vậy, “nếu tôi không thể tìm ra chứng cứ anh cứ việc tới mà bắt tôi".

Một người công an lớn tuổi, có lẽ là trưởng đồn đáp, “Được, chúng tôi sẽ cử người đi cùng cô thu thập chứng cứ".

Chồng tôi đang ngồi trên ghế sofa hút thuốc lá khi tôi đi về cùng một người nhân viên công an. Anh ta kinh ngạc, nhưng tôi không thèm để ý đến anh ta mà đi thẳng vào phòng ngủ, rồi vào toa lét, nhưng không tìm được thứ gì khả nghi. Cuối cùng, tôi mở thùng rác trong bếp ra và nhìn thấy một chiếc quần lót phụ nữ, đũng quần dính ướt tinh dịch.

Người cảnh sát nhìn tôi và gật đầu. Chồng tôi đang quan sát vẻ lo lắng khi tôi lục soát nhà, tái nhợt đi và lắp bắp, “Cô... cô làm gì vậy hả?"

“Tôi sẽ tống các người vào tù”, tôi quả quyết nói.

“Nhưng thế thì cô sẽ hủy hoại cuộc đời tôi mất!” Anh ta kêu lên.

“Anh chính là người đã làm quá nhiều điều để cuộc đời tôi bị hủy hoại!" Tôi nói, rồi cầm theo bằng chứng đi cùng người công an kia.

Tại đồn công an tôi bị một sĩ quan kéo ra một chỗ bảo muốn bàn bạc với tôi một chút. Tôi sửng sốt. “Bàn bạc? Anh muốn bàn bạc gì với tôi?" Tôi hỏi.

"Ờ, người phụ nữ mà cô đang buộc tội thông dâm là em dâu của trưởng đồn. Nếu chuyện này lộ ra thì sẽ rất bất lợi cho ông ấy. Chồng của người đàn bà đó cũng đã xin chúng tôi dàn xếp với cô. Anh ta nói rằng vợ anh ta mắc chứng cuồng dâm, và con gái của anh ta chỉ mới mười bốn tuổi; nếu chúng tôi bỏ tù cô ta, gia đình cô ta sẽ lâm vào tình thế khó khăn.

“Thế còn gia đình tôi, tôi sẽ phải làm sao?” Tôi nói, bắt đầu nổi giận.

“Có phải là cô đang làm thủ tục ly hôn không? Ly hôn rất khó; cô sẽ mất ít nhất ba năm. Chúng tôi có thể nhờ ai đó biện hộ cho cô trước tòa, và thậm chí còn cung cấp lời chứng nếu cô muốn, để đẩy nhanh tiến trình”.

Tôi hiểu anh ta muốn gì. “Anh sẽ cung cấp lời chứng kiểu gì cho tôi?" Tôi hỏi.

Tay sĩ quan tỏ ra muốn giúp đỡ. Anh ta bảo, “Chúng tôi có thể làm chứng là chồng cô ngoại tình".

“Anh sẽ đưa ra bằng chứng gì?” Tôi nghĩ tới mớ đồ tôi đang cầm trên tay.

“Ờ, đằng nào cũng có nhiều tin đồn về chồng cô. Chúng tôi chỉ cần xác nhận những gì người ta đồn là đúng”.

“Anh không cần phải bịa ra một câu chuyện nào đó đâu”, tôi nói. “Đây là chứng cứ của buổi tối ngày hôm nay". Ngớ ngẩn thế nào tôi lại đưa cho anh ta chiếc quần lót mà không hỏi giấy biên nhận hay yêu cầu ký biên bản ghi nhận thỏa thuận giữa chúng tôi. Tôi chỉ muốn kết thúc mọi việc nhanh chóng.

Tại phiên tòa xử ly hôn hai tuần sau, tôi tuyên bố rằng đồn công an sẽ xác nhận cho tôi. Chánh án tuyên bố: “Trả lời yêu cầu của chúng tôi, đồn công an mà cô nói đến không có bất kỳ ghi chép nào về bất kỳ vụ việc gì liên quan đến cô".

“Làm sao mà Công An Nhân Dân lại có thể lừa dân như thế được?" Chu Đình thốt lên."

Tôi không ngạc nhiên về tình trạng thiếu đạo đức nghề nghiệp trong lực lượng công an, nhưng vẫn hỏi, “Bà có báo cáo sự việc này với chính quyền không?”

“Báo cáo ư? Cho ai? Trước khi tôi kịp quay về đồn công an để xin họ làm xác nhận cho mình thì một tờ báo địa phương đã cho đăng một bài tiêu đề là Người Vợ Trả Thù. Tôi bị mô tả là một người vợ hung dữ đang bị chồng đòi ly dị. Bài báo được đăng lại trên các tờ báo khác và mỗi lần xuất hiện nó lại được xào xáo: cuối cùng thì tôi trở thành người đàn bà điên lảm nhảm trong vũng máu!”

Tôi cảm thấy xấu hổ vì các đồng nghiệp của mình đã bóp méo câu chuyện của Chu Đình theo cách đó. “Bà phản ứng thế nào?”

“Chỉ là thêm một chuyện phải đương đầu. Gia đình tôi đã tan nát và lúc ấy tôi về sống với mẹ.”

“Thế còn căn hộ cũ của bà?” Vừa hỏi dứt tôi đã biết câu trả lời: ở những đơn vị nhà nước, hầu như mọi thứ được cấp cho mỗi gia đình đều do người chồng đứng tên.

“Đơn vị nói căn hộ là do chồng tôi đứng tên, vì vậy nó thuộc về anh ta.”

“Vậy đơn vị nghĩ bà sẽ sống ở đâu?” Những người đàn bà ly hôn bị xem như đồ thải, tôi thầm nghĩ.

“Họ bảo tôi sẽ phải tìm một chỗ nào đó ở tạm chờ đến đợt phân nhà tiếp theo.”

Tôi biết rằng trong cách nói của công chức, đợt tiếp theo có thể phải mất nhiều năm mới thành hiện thực. “Và bà phải mất bao lâu để được cấp cho một căn hộ?” Tôi hỏi.

Chu Đình cười khẩy: “Đến chín năm sau cũng vẫn chưa có gì.”

“Họ hoàn toàn không làm gì cho bà hết?”

“Gần như không. Tôi tới gặp chủ tịch công đoàn, một phụ nữ chừng năm mươi, để nhờ giúp. Bà ta nói bằng giọng tử tế: Với phụ nữ điều đó rất dễ. Chỉ cần tìm một người đàn ông có một căn hộ là cô sẽ có mọi thứ cô cần”.

Tôi phải cố gắng lắm để hiểu thế giới quan của người cán bộ Đảng có thể nói ra điều như vậy. “Bà chủ tịch công đoàn nói như vậy ư?”

“Bà ta nói vậy, nguyên văn.”

Tôi nghĩ tôi đã bắt đầu hiểu Chu Đình hơn một chút. “Và thế là bà không bao giờ tính đến chuyện hành động chống lại những gì giới truyền thông đã làm với mình?” Tôi hỏi, không mong là bà đã làm như vậy.

“Không, à, rốt cuộc tôi cũng đã làm một chuyện. Tôi gọi cho tòa soạn, nhưng họ lờ đi, vì thế tôi trực tiếp trình bày với tổng biên tập. Nửa đùa nửa dọa, ông ta bảo tôi rằng: “Chu Đình, mọi chuyện giờ đã kết thúc; nếu cô không ngừng lại, cũng chẳng ai buồn nghĩ lại chuyện ấy nữa đâu. Cô có muốn lại bị đưa lên báo nữa không? Cô có muốn thách đố báo chí lần này không?” Ghét phải chuốc thêm sự bực mình, tôi đồng ý bỏ qua chuyện đó."

“Bên trong bà có một trái tim mềm yếu,” tôi nói.

“Đúng thế, vài người bạn bảo tôi khẩu xà tâm phật. Thế phỏng có ích gì? Có bao nhiêu người nhìn xuyên qua lời nói mà thấu tới trái tim cô chứ?”

Bà ngừng lại, rồi tiếp tục.

«Tôi không chắc lắm về chuyện tại sao tôi lại xuất hiện trên báo lần thứ ba; tôi nghĩ là do tình yêu. Ở trường tôi có một giáo viên trẻ tên là Ngụy Hải. Anh ta không phải là dân gốc địa phương, vì vậy anh ta sống trong nhà tập thể của trường. Lúc đó tôi vẫn đang làm thủ tục ly hôn. Tôi ghét phải nhìn thấy chồng, và cũng sợ anh ta đánh nữa, vì vậy tôi thường ở lại văn phòng sau giờ làm và đọc mấy tờ tạp chí. Ngụy Hải thường ngồi trong phòng giáo viên đọc báo. Một hôm anh ta đột nhiên nắm lấy tay tôi và bảo, “Chu Đình, không việc gì phải khổ sở như vậy. Hãy để tôi làm cho chị hạnh phúc!" Nước mắt lấp lánh trong mắt Ngụy Hải; tôi không bao giờ quên được hình ảnh đó.

Tôi vẫn chưa ly hôn được, bên cạnh đó còn những mối e ngại khác về chuyện bắt đầu mối quan hệ với Ngụy Hải. Anh ta ít hơn tôi chín tuổi; phụ nữ già đi nhanh lắm... chúng tôi sẽ bị đồn thổi nhiều lắm; tôi sợ. Cô cũng biết câu: Phải dè chừng lời nói của đàn ông - đúng, những lời đó có thể giết người ta được, Chu Đình đay nghiến.

Rốt cuộc việc ly hôn của tôi cũng đã xong xuôi, khi ấy tôi đã bị đặt biệt hiệu là người đàn bà hư hỏng. May thay, đó cũng là lúc bắt đầu cải cách kinh tế. Mọi người mải chạy theo tiền bạc nên không có nhiều thì giờ săm soi chuyện đời tư của người khác. Tôi bắt đầu sống với Ngụy Hải. Anh ta tốt với tôi lắm lắm, theo mọi cách có thể. Tôi thật hạnh phúc khi ở bên anh, thậm chí với tôi anh còn quan trọng hơn cả con trai tôi.

Quả là một bước lớn, tôi nghĩ vậy, khi nghĩ tới quan điểm truyền thống đặt con trai lên trên tất cả của người Trung Quốc.

Sau một năm chung sống, đại diện công đoàn và một cán bộ quản lý ở đơn vị của tôi tới đề nghị chúng tôi làm giấy đăng ký kết hôn càng sớm càng tốt. Dù lúc đó Trung Quốc đã bắt đầu mở cửa, việc chung sống không giá thú vẫn bị nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, xem như đi ngược lại thuần phong mỹ tục. Nhưng niềm hạnh phúc và sức mạnh mà cuộc sống bên nhau đã ban cho đẩy tôi vượt hẳn lên trên nỗi sợ định kiến của người khác. Với chúng tôi, đám cưới chỉ là vấn đề thời gian. Sau khi các cán bộ đến, chúng tôi quyết định tuần sau sẽ xin đơn vị giấy chứng nhận để có thể đăng ký kết hôn. Sống với nhau hơn một năm, nên chúng tôi không tổ chức tiệc mừng hay tỏ ra đặc biệt phấn khích.

Tối thứ Hai tuần sau đó, tôi hỏi Ngụy Hải xem anh đã xin giấy chứng nhận chưa. Anh ta bảo chưa. Tôi cũng chưa xin được vì bận việc, vì vậy chúng tôi đồng ý với nhau là nhất định sẽ lấy giấy chứng nhận trước thứ Tư. Sáng thứ Tư, tôi gọi điện cho Ngụy Hải để báo là tôi đã lấy được giấy chứng nhận của mình, và hỏi anh đã lấy được chưa. Không có gì trục trặc, anh bảo vậy. Khoảng ba giờ chiều anh ta gọi lại cho tôi và bảo tôi rằng mẹ tôi muốn tôi tới Mã Yên Sơn gặp bà. Anh ta chẳng nói là để làm gì. Tôi lập tức nghĩ rằng có chuyện gì đó xảy ra với bà, nên xin phép nghỉ sớm, và hối hả chạy tới bến xe vào lúc bốn rưỡi. Khi tôi đến nhà mẹ một tiếng sau đó, nghẹn cả thở vì lo lắng, bà hỏi ngạc nhiên tôi, “Có chuyện gì? Ngụy Hải gọi báo nó sẽ tới Mã Yên Sơn và bảo mẹ ở nhà. Có chuyện gì xảy ra với hai đứa vậy?"

“Con không rõ”, tôi bối rối đáp. Không nghĩ gì thêm, tôi ra khỏi nhà mẹ và chạy tuốt tới bến xe buýt để đón Ngụy Hải ở xe Nam Kinh xuống. Hơn một năm chung sống với nhau không làm phai mờ cảm giác ban đầu của tình yêu. Hồi đó tôi gần như không chịu nổi khi phải xa anh ta; để anh ta đi làm cũng đủ làm tôi thấy đau đớn, và tôi chờ anh ta về nhà hàng ngày. Tôi đắm đuối trong cơn mê muội.

Khoảng tám rưỡi tối, vẫn chưa thấy Ngụy Hải xuất hiện ở bến xe. Tôi phát điên lên. Tôi hỏi tất cả các lái xe đến bến rằng có tai nạn hay trục trặc gì trên đường không và có phải tất cả các xe đều chạy theo đúng lịch trình không. Họ trả lời chắc như đinh: không có gì bất thường xảy ra cả. Hơn chín giờ, tôi quyết định không thể chờ thêm được nữa và lên xe buýt quay trở về Nam Kinh xem Ngụy Hải có bị ốm ở nhà không. Tôi không dám nghĩ có chuyện gì khác có thể xảy ra với anh. Nghĩ rằng Ngụy Hải có lẽ đang ở trên xe buýt tới Mã Yên Sơn trong khi tôi lại đi theo hướng ngược lại trên cùng một con đường, tôi bật chiếc đèn pin đem theo và soi ra ngoài cửa sổ xe buýt, căng mắt ra nhìn đám xe cộ đang chạy qua. Tôi hầu như chẳng nhìn thấy gì cả, nhưng cố gắng làm việc đó cũng xoa dịu tôi. Sau một hồi, xe buýt của tôi bị công an giao thông chặn lại. Người công an chặn xe lại bảo rằng có vẻ như ai đó trên xe đang đánh tín hiệu bằng ánh sáng đèn pin, vì vậy họ muốn tất cả mọi hành khách xuống xe để kiểm tra. Tôi vội vàng chạy lên đầu xe và giải thích rằng tôi đã bật đèn pin vì tôi sợ chồng mình đã bắt nhầm xe buýt. Tay công an tức giận cho xe chạy và tất cả các hành khách đều cằn nhằn tôi vì làm xe bị chặn. Tôi không hề phiền lòng - tôi xin lỗi và tiếp tục nhìn ra ngoài cửa sổ xe.

Chúng tôi sống không xa bến xe buýt lắm; khi về tới căn hộ, thấy ánh đèn hắt ra từ các cửa sổ, tim tôi nhảy lên. Nhưng cả hai cánh cửa đều khóa, điều này thật lạ: cửa trong thường không khóa nếu có người ở nhà. Một con sóng khủng khiếp tràn qua tới khi tôi nhìn thấy căn hộ trống trơn. Bản năng thúc giục tôi mở tủ quần áo trong phòng ngủ. Tôi lạnh toát cả người: quần áo của Ngụy Hải đã biến mất cả. Anh ta đã đi rồi."

“Ngụy Hải đi? Bỏ nhà ra đi?”

Môi dưới của Chu Đình run lên. “Đúng, anh ta đã đi. Anh ta mang theo tất cả đồ đạc của mình. Anh ta đi ngay sau khi chúng tôi quyết định kết hôn.”

Tôi thấy thương bà sâu sắc. “Anh ta có để lại lời nhắn, thư từ hay lời giải thích nào không, bất cứ thứ nào?”

“Không một lời,” bà nói, ngước mặt lên để nước mắt khỏi chảy xuống má.

“Ôi, bà Chu Đình,” tôi thốt lên, không biết phải nói gì.

Nước mắt chảy xuống mặt bà.

«Tôi sụm xuống. Tôi không biết mình nằm run lẩy bẩy trên sàn bao lâu nữa. Khi nghe tiếng bước chân bên ngoài, một tia hy vọng cuối cùng khiến tôi đứng dậy được. Anh họ của Ngụy Hải đứng ngoài cửa. Anh ta nói Ngụy Hải nhờ anh ta mang trả chìa khóa cho tôi. Sau cánh cửa vẫn đóng, tôi bảo anh ta rằng muộn rồi và giờ không phải lúc, tôi sẽ nói chuyện với anh ta vào hôm sau. Anh ta không còn cách nào khác đành phải đi.

Tôi khóa tất cả cửa sổ cửa ra vào lại, vặn van bình ga, ngồi xuống và bắt đầu ghi âm băng. Tôi muốn xin lỗi mẹ tôi vì không trả được ơn nuôi dưỡng; tôi muốn xin lỗi con trai tôi vì không hoàn thành trách nhiệm của người mẹ; tôi không còn lòng nào mà cũng chẳng đủ sức để sống tiếp nữa. Tôi không định để lại lời nào cho Ngụy Hải, nghĩ rằng linh hồn tôi sẽ bày tỏ tình yêu và nỗi đau với anh ta ở dưới suối vàng. Đầu tôi và người tôi như muốn nổ tung, và tôi gần như không nhấc nổi người lên khi nghe thấy giọng nói bên ngoài cửa sổ:

“Đình, mở cửa, mẹ cô đang đợi cô bên ngoài đây!”

“Đừng làm gì ngu ngốc, cô là người lớn rồi. Một người đàn ông thì có ý nghĩa gì? Trên đời thiếu gì đàn ông tốt!”

“Đừng có bật diêm lên dù có định làm gì!”

“Mau lên... cái cửa sổ này đủ lớn... đập vỡ nó ra... mau lên...”

Tôi không biết chuyện gì xảy ra sau đó. Điều tiếp theo tôi nhận thức được là mẹ tôi đang nắm tay mình và khóc. Khi thấy tôi mở mắt, bà nức nở đến nỗi không nói nổi lời nào. Sau này, bà kể lại rằng tôi đã bất tỉnh hơn hai ngày."

“Chỉ có tôi mới hiểu là mình vẫn chưa thực sự tỉnh lại: trái tim tôi vẫn còn bất tỉnh. Tôi đã ở trong bệnh viện mười tám ngày. Khi ra viện, tôi chỉ còn ba mươi tám cân.”

“Phải mất bao lâu bà mới vượt qua nỗi đau đó?” Tôi ngay lập tức nhận ra rằng câu hỏi của mình thật ngớ ngẩn: Chu Đình không thể quên đi nỗi đau ấy.

Bà lau nước mắt: “Suốt hai năm liền tôi hầu như không ngủ được. Tôi mắc một căn bệnh kỳ lạ: hễ nhìn thấy một người đàn ông, bất kỳ người đàn ông nào, cũng khiến tôi phát ốm. Nếu trên xe buýt có một người đàn ông va phải tôi là về nhà tôi sẽ ngay lập tức chà xà bông khắp người. Chuyện này kéo dài gần ba năm. Tôi không thể chịu nổi việc ở lại đơn vị cũ từ sau khi Ngụy Hải bỏ đi, vì vậy tôi xin nghỉ việc. Hồi đó bỏ việc rất khó, nhưng tôi chẳng có yêu cầu gì mà cũng chẳng có gì phải sợ. Tôi nhận lời mời làm việc của một công ty tiêu thụ sản phẩm. Với vốn tri thức và một chút khiếu kinh doanh, tôi nhanh chóng trở thành một nhà đại lý thành công và nổi tiếng trong ngành công nghiệp thực phẩm. Tôi được vài công ty lớn săn đón và có thể tích lũy kinh nghiệm ở những lĩnh vực khác nhau. Kể từ đó tiền không còn là vấn đề đối với tôi. Tôi thậm chí còn bắt đầu trở nên hoang phí. Nhưng tôi vẫn không quên được Ngụy Hải”.

Bà chăm chăm nhìn lên trần hồi lâu, như thể để tìm kiếm một thứ gì đó. Cuối cùng, bà quay lại nhìn tôi. "Vì tôi thành công trong kinh doanh, báo chí lại bắt đầu chú ý đến tôi. Họ gọi tôi là Nữ hoàng bán hàng. Những hoạt động kinh doanh của tôi được đăng tải trên báo và các nhà báo tìm mọi cớ để phỏng vấn tôi. Nhưng lúc đó tôi đã biết cách bảo vệ mình và né được họ khi cần thiết. Vì vậy chuyện đời từ của tôi chưa bị đăng lên báo lần nào. Tôi quen giám đốc của một công ty thương mại lớn ở Thượng Hải, người này theo đuổi tôi vì hai lý do. Thứ nhất, công ty của ông ta cần tôi giúp mở rộng thị trường. Thứ hai, ông ta chưa từng kết hôn vì ông ta bị bất lực. Nghe nói tôi rất ghét bị đàn ông chạm vào người nên ông ta nghĩ rằng chúng tôi có thể sẽ là một cặp ăn ý. Ông ta bám khá dai và đề nghị tặng tôi một phần bảy số cổ phần của ông ta làm sính lễ. Tôi thích thú trước thỏa thuận này: tôi không còn phải làm việc dưới trướng ai nữa và có một người bạn trai mà không phải chịu đựng việc bị sờ mó. Một tờ báo thương mại ở Thượng Hải đã giành độc quyền đăng tải một bài lấy tiêu đề là: Nữ hoàng Kinh doanh lấy nhà tài phiệt Thượng Hải. Chờ đợi một cú hích với Thị Trường. Tin tức nhanh chóng được đăng lại trên nhiều báo khác.

“Đám cưới sẽ tổ chức sớm chứ?” Tôi hỏi, thâm tâm thành thật mong rằng Chu Đình sẽ tìm được bến đỗ cho mình.

“Không, nó đã bị hủy,” bà ôn tồn nói, tay chạm vào ngón đeo nhẫn.

“Tại sao? Có phải giới truyền thông lại cản đường bà?” Tôi sợ rằng, cánh báo chí có lẽ lại gây khó khăn cho Chu Đình thêm lần nữa.

“Không, lần này thì không. Đó là vì Ngụy Hải xuất hiện trở lại.”

“Ngụy Hải trở lại tìm bà ư?” Tôi thấy thật chướng tai gai mắt.

“Không, anh ta xuất hiện ở một trong các buổi đào tạo cán bộ kinh doanh địa phương của tôi. Trái tim tôi đã khô héo lâu quá rồi; ngay khi mắt tôi bắt gặp anh ta, mọi cảm xúc lại tràn về,” Bà lắc lắc đầu nói.

Tôi không thể ngăn được sự ngờ vực trong giọng nói của mình và hỏi, “Bà vẫn còn yêu anh ta à?”

Chu Đình phớt lờ âm sắc đó. “Đúng. Khi nhìn thấy anh ta, ngay tức thì tôi đã biết rằng tôi vẫn yêu anh ta sâu nặng như trước”.

“Thế còn anh ta? Anh ta có còn yêu bà không? Dẫu...?”

“Tôi không biết, tôi không muốn hỏi. Tôi sợ mở lại những vết thương cũ. Ngụy Hải giờ trông yếu đuối lắm. Anh ta đã không còn tinh thần như khi cầm tay tôi đề nghị đến sống với anh ta nhiều năm trước, nhưng vẫn còn một cái gì đó quả quyết mà tôi khao khát trong đôi mắt anh ta,” bà nói với vẻ mãn nguyện.

Không giấu nổi sự không đồng tình của mình, tôi thốt lên, “Bà quay lại với anh ta ư?” Tôi đã gặp quá nhiều người đàn bà luôn luôn tha thứ cho người đàn ông gây ra nỗi đau cho cuộc đời họ.

“Đúng vậy. Tôi trả lại cổ phần cho tay thương gia người Thượng Hải kia, hủy bỏ đính ước rồi thuê một ngôi nhà khác ở với Ngụy Hải. Chúng tôi vẫn ở cùng nhau.”

Tôi chú ý đến sự vắn tắt trong lời kể của Chu Đình. Lấy làm lo lắng, tôi hỏi dồn, “Bà có hạnh phúc không?”

“Tôi cũng không biết nữa. Không ai trong chúng tôi khơi lại vấn đề tại sao anh ta lại bỏ tôi đi. Có những chuyện giữa chúng tôi mà tôi nghĩ chúng tôi sẽ không bao giờ có thể chạm tới.”

“Bà có nghĩ rằng nếu bà vẫn nghèo anh ta sẽ quay lại với bà không?” Tôi dò hỏi.

Câu trả lời của bà ta khá dứt khoát. “Không, anh ta sẽ không quay lại.”

Tôi lúng túng. “Vậy nếu một ngày nào đó anh ta xây dựng được cơ nghiệp riêng hoặc độc lập được về tài chính, bà có nghĩ là anh ta sẽ rời bỏ bà không?”

“Có, nếu anh ta có cơ nghiệp riêng, hoặc nếu anh ta gặp một người đàn bà khác thành đạt hơn, chắc chắn anh ta sẽ đi.”

Tôi càng thêm lúng túng hơn. “Thế còn bà thì sao?”

“Ý cô muốn hỏi là tại sao tôi lại vẫn sống với anh ta chứ gì?” Bà ta tỏ ra bướng bỉnh, đôi mắt ngấn nước.

Tôi gật đầu.

“Bởi lời những lời tỏ tình đầu tiên và hạnh phúc tôi đã có khi ở bên anh ta; đó là những ký ức vui vẻ nhất của tôi.”

Với tôi, Chu Đình giống như bất cứ người đàn bà mê muội nào khác sống với người đàn ông không xứng đáng với mình. Tôi gián tiếp bày tỏ thái độ không đồng tình của mình, hỏi bà, “Có phải bây giờ bà đang nuôi dưỡng những cảm xúc của mình với Ngụy Hải bằng ký ức không?”

“Đúng, cô có thể nói như vậy. Phụ nữ thực sự rất dễ mủi lòng.”

“Ngụy Hải có biết bà chỉ nghĩ như vậy không?”

“Anh ta đã ngoài bốn mươi rồi. Thời gian hẳn đã phải dạy anh ta.” Câu trả lời mệt mỏi của Chu Đình khiến câu hỏi của tôi nghe có vẻ ngờ nghệch. “Về tình cảm, đàn ông không bao giờ giống phụ nữ; họ sẽ không bao giờ có thể hiểu chúng ta. Đàn ông giống như núi; họ chỉ biết mặt đất dưới chân và cây trên sườn núi. Nhưng đàn bà thì giống như nước".

Tôi nhớ đã nghe câu này từ Tĩnh Di, người phụ nữ chờ đợi người yêu suốt bốn mươi lăm năm. “Tại sao đàn bà lại giống như nước?” Tôi hỏi.

“Người ta bảo phụ nữ giống như nước. Tôi nghĩ là vì nước là khỏi nguồn của sự sống và nó biến đổi hình dạng theo môi trường xung quanh. Giống như phụ nữ, nước cũng hiến mình hoàn toàn mỗi khi nó nuôi dưỡng cho sự sống,” Chu Đình nói bằng một giọng đầy suy ngẫm. “Nếu Ngụy Hải có cơ hội, anh ta sẽ không ở lại một ngôi nhà mà anh ta không có nhiều quyền lực lắm chỉ vì tôi.”

“Đúng, nếu một người đàn ông không có nghề nghiệp hoặc sống dựa vào một người đàn bà thì sự đảo ngược vai trò đó sẽ là cách dẫn đến thảm họa.”

Chu Đình im lặng trong giây lát. “Cô có nhìn thấy dòng tiêu đề Nữ doanh nhân cứng rắn từ chối cuộc hôn nhân chiến lược để thắp lại ngọn lửa cũ, hoặc tương tự thế không? Có trời mới biết người ta nghĩ về tôi thế nào sau khi mẩu tin đó bị xào xáo lại vài lần. Giới truyền thông đã biến tôi thành một người đàn bà ghê gớm: mưu sát bất thành, ngoại tình, tôi bị biến thành người đã gây ra mọi thứ đó. Điều đó đã tách tôi ra khỏi những người phụ nữ khác, bạn bè và người thân cũng giữ khoảng cách với tôi. Nhưng tai tiếng đã đưa lại cho tôi những món lợi bất ngờ.” Chu Đình cười cay đắng.

“Có phải bà đang nói rằng công việc của bà được lợi từ đó?”

“Đúng thế, tin đồn về tôi khiến người ta để ý đến những lời rao hàng của tôi vì tò mò.” Bà xòe hai bàn tay trưng ra những chiếc nhẫn tô điểm cho chúng.

“Như vậy đời sống riêng tư đã góp phần tạo nên những thành tựu trong sự nghiệp của bà,” tôi trầm ngâm, không vui trước ý nghĩ rằng đó là cách phụ nữ thành đạt.

“Có thể nói như vậy. Nhưng người ta không biết cái giá mà tôi đã phải trả.”

Tôi gật đầu. “Một số người nói rằng phụ nữ luôn luôn phải hy sinh tình cảm để thành đạt.”

“Ở Trung Quốc, gần như trường hợp nào cũng thế,” Chu Đình nói, thận trọng lựa từng từ.

“Nếu một người phụ nữ hỏi bà về bí quyết thành công, bà sẽ trả lời thế nào?” Tôi hỏi.

“Trước tiên, dẹp những tình cảm nhi nữ mềm yếu sang một bên, rồi để cho giới truyền thông há hốc miệng ra vì kinh ngạc khi thấy mình khác biệt thế nào. Thứ hai, hãy cứa vào tim mình để tạo ra một câu chuyện hấp dẫn. Rồi dùng chính những vết sẹo làm cơ hội kinh doanh; trưng nó ra cho thiên hạ xem; kể cho họ nghe về nỗi đau của mình. Khi người ta thốt lên trước những vết thương cô đã phải chịu đựng, thì hãy bày những món hàng của cô lên quầy của họ và thu tiền về.”

“Ôi, bà Chu Đình! Sự thực không như thế chứ, phải không?”

“Đúng, nó là thế đấy. Theo như những gì tôi hiểu, nó là vậy,” Bà ta nghiêm túc nói.

“Vậy làm sao bà sống nổi?” Tôi hỏi, một lần nữa phải kinh ngạc trước sự can đảm của người phụ nữ.

“Cô có chai trên bàn tay không? Hoặc sẹo trên người? Sờ vào đó xem, cô có cảm thấy gì không?” Chu Đình nhẹ nhàng nói, nhưng những lời nói của bà khiến tôi hết hy vọng.

Bà đứng dậy. “Tôi e là đã sáu giờ tối và tôi phải tới mấy cửa hàng lớn kiểm tra mức tồn kho của họ. Cảm ơn cô vì buổi gặp gỡ hôm nay.”

“Cảm ơn bà. Tôi hy vọng rằng những vết chai trong tim bà sẽ được tình yêu làm mềm đi,” Tôi nói.

Chu Đình đã hoàn toàn lấy lại được sự điềm tĩnh. Bà trả lời bằng một giọng cứng rắn, “Cảm ơn cô, nhưng thà cứ chai sạn còn hơn là lại đau đớn.”

Khi tôi rời khỏi khách sạn, mặt trời đang lặn. Tôi nghĩ buổi sáng sớm trời mới trong lành làm sao và nó hẳn phải mệt mỏi đến thế nào sau một ngày làm việc. Mặt trời cho đi; phụ nữ yêu - sự nếm trải của cả hai đều như nhau. Nhiều người tin rằng những người phụ nữ Trung Quốc thành đạt chỉ quan tâm tới tiền bạc. Ít người biết được họ đã phải chịu đau đớn thể nào để có được địa vị ngày hôm nay.