Hai Tờ Di Chúc

Chương 14





Ái Lan cảm thấy thích thú và yêu mến thực tình hai chị em cô gái đã niềm nở tiếp đón em :
- Hai chị tử tế quá, cho em trú ẩn lúc mưa to gió lớn này.
Mỹ Ngọc nói ngay :
- Được tiếp rước cô thực là một điều quý hóa cho chúng tôi đó. Cô đã thấy rõ, nội quanh đây còn có ai đâu nào ? Các bạn hữu của chị em tôi thì đều ở cả Di Linh, người gần nhất thì cũng ở tận ngoài Phi Nôm lận. Mà chúng tôi lại rất hiếm có dịp ra tới ngoài đó, cô à !
Ái Lan:
- Thôi mà chị Mỹ Ngọc ! Đừng gọi em là cô nữa nghe ! Em thích chị gọi em bằng Ái Lan như mọi người hơn, nghe chị ! Em chỉ đáng tuổi em hai chị !
Chỉ ít phút sau, ba cô gái đã vui vẻ chuyện trò, cười nói reo vui như những người bạn thân thích từ lâu lắm vậy.

Mỹ Liên quay vào bếp, lôi ra một khay bánh ngọt, đặt lên tấm vỉ sắt để cho nguội. Rồi hướng về phía Mỹ Liên và Ái Lan :
- Nào, bây giờ ba chị em mình qua bên phòng ăn, chị cắt bánh ngọt cho các em nếm để chấm điểm tài khéo của chị, đi ! Ái Lan !
Mỹ Liên sốt sắng đứng dậy kéo Ái Lan :
- Ái Lan thấy không ? Chị Mỹ Ngọc giỏi nữ công lắm ! Còn Mỹ Liên chỉ thích chạy nhảy bên ngoài thôi, hà !
Mỹ Ngọc mở chạn đồ ăn và quay mặt lại vừa cười vừa nói với Ái Lan :
- Chị và Mỹ Liên thực tình không có ý xấu, nhưng quả thực chị chỉ muốn cho trận mưa bão này kéo dài... thiệt là dài đó, Ái Lan !
Em, bản tính trẻ nít "rắn mắt" trả đũa ngay :
- Càng tốt ! Em cũng mong vậy đó hai chị ! Miễn sao về tới Đà Lạt trước khi sập tối là được à !
Phòng ăn rất rộng, nhưng kê quá ít đồ nên trông có vẻ trống trải gần như là rỗng không vậy. Một cái tràng kỷ kiểu cổ, một cái bàn gỗ mộc và bốn cái ghế dựa lâu ngày đã lên nước đen bóng. Và một cái lò sưởi xây sát tường, bên trong đám lửa than sáng ấm lách tách nổ. Sàn nhà bằng gỗ được lau chùi nhẵn bóng. Bốn khung cửa sổ có màn gió màu trắng buông rủ. Tất cả những thứ đó chứng tỏ rằng, dù sống trong cảnh nghèo nàn đạm bạc, hai chị em Ngọc Liên vẫn cố gắng tạo cho bên trong căn nhà một không khí ấm cúng vui tươi.
Ái Lan chợt hỏi :
- Nhà còn ai không, hay chỉ có hai chị thôi ?
Mỹ Liên gật đầu :

- Đúng vậy đó Ái Lan ! Nhà chỉ có hai chị em thôi ! Sau khi má tụi tôi mất, thì ba tháng sau, ba tôi, vì buồn rầu sinh bệnh, cũng mất theo luôn. Từ đó tới nay, hai chị em tôi sống côi cút quạnh hiu như vậy đó ! Ngoảnh đi ngoảnh lại thế mà đã được hai năm rồi. Mau thật ! - Giọng nói Mỹ Liên nghe khác hẳn đi, khàn đục như ẩm mùi nước mắt.
Một lúc sau, Ái Lan mới lại lên tiếng :
- Mà sao hai chị tiếp tục làm lụng sống được ở đây ? Việc trang trại, theo em biết, thì vất vả lắm, nhà lại chẳng có đàn ông ?
Mỹ Ngọc điềm đạm :
- Cái nông trại nhà chị hiện nay thì cũng không còn gì là đáng kể nữa đâu. Bán dần bán mòn mãi, đến giờ chỉ còn lại hơn hai mẫu thôi Ái Lan !
Chợt Mỹ Liên cười lên khanh khách :
- Ái Lan muốn biết chị em mình sinh sống bằng cách nào, nhưng không hỏi thẳng đấy, chị Ngọc à ! Có gì khó hiểu đâu hả, Ái Lan ! Cứ trông mấy cái màn gió ở cửa sổ, ở cửa thông xuống bếp và ở cửa phòng ngủ kia, là đủ biết kìa. Chị Ngọc, một cây kim chỉ vá may, vẫn nhận đồ may ở tiệm Thịnh Lợi Đà Lạt về nhà may ăn công đấy. Khi thưa việc, chị nhận thêm đồ con nít ở Phi Nôm, may cắt quần áo của hai chị em. Còn tôi thì làm "xếp" gà !
Ái Lan bật reo lên :
- "Xếp" gà ? Nghĩa là chị Mỹ Liên là một nhà chăn nuôi gà ? Dữ a ! Có vất vả và kiếm được khá tiền không chị Mỹ Liên ?

- Cũng khá ! Nhưng không phải vụ nào cũng lãi nhiều đâu Ái Lan. Như năm nay chẳng hạn ! Giá gà hạ, mà thức ăn, cám, bột lại cao, trứng bán cũng không chạy lắm. Nhưng chị có cái thú đam mê việc chăn nuôi, trông thấy những con gà con "khai mỏ", mổ trứng chui ra không khác những cụm bông gòn chiêm chíp gọi mẹ thì thích ghê lắm. Năm nay mà lùng được giống gà Leghorn nuôi để dành bán vào dịp Tết thì phải biết ! Cái loại gà trắng đó, Ái Lan biết không ?
Mỹ Ngọc nở nụ cười thật tươi :
- Mỹ Liên thì đặc biệt là một chủ trại chăn nuôi lắm rồi đó, Ái Lan ! Hai chị em chia nhau công tác : chị thì nội vụ, còn Liên thì ngoại giao. Được chưa ?
Mỹ Liên thoáng chút đăm chiêu :
- Mùa hạ thì không có gì đáng ngại. Rau muống, rau cần trồng dễ nên số lượng rau cắt đem bán cũng khá lắm. Nhưng mỗi khi mùa đông tới, trồng bắp su và sà lách như ở Đà Lạt, con gái sức yếu kham sao nổi việc tưới tắm, xới cỏ, bỏ phân. Mà rau muống, rau cần về mùa lạnh lại