Hắc Thánh Thần Tiêu

Chương 9: Nhìn về thân thế




Từ đất Dư vào Sở, từ Sở vào Tương Châu, nơi nào Vưu sư phó cũng có an bày nơi ăn chốn ở cho Tiết Thiếu Lăng.

Chàng cứ chiếu theo tờ kê khai lộ trình đến nơi nào phải vào khách sạn nào, mỗi đoạn đường phải tạm nghỉ ở địa phương nào, làm y như vậy nên cũng đỡ vất vả.

Một hôm, vào giữa Ngọ, chàng đến phủ Trường Sa.

Trường Sa là một tỉnh lỵ của hạt Tương Nam, nơi đầu mối giao thông của cả lục và thủy đạo. Thị trấn vô cùng phồn thịnh.

Y theo lộ trình, trước hết Tiết Thiếu Lăng tìm khách sạn cất hành trang, rồi mới bóc cẩm nang ra xem.

Chàng đến Tương Giang lão điếm dừng ngựa lại, thuê một căn phòng khá thanh tịnh, nghỉ ngơi.

Sau khi ăn xong bữa cơm tối, chàng không kịp đóng cửa phòng, vội vàng vặn cao ngọn đèn, mở bọc lấy bức cẩm nang ra, bóc niêm đọc. Bút tích đúng là của Vưu sư phó, viết theo lối thảo.

Bức cẩm nang viết như sao :

“Thiếu Hoa! Trước hết sư phụ hỏi con, con có y theo lộ trình thẳng đến Trường Sa không? Đúng ra sư phụ phải đồng trình với con, nhưng phải để cho con nếm mùi tân khổ trên dặm dài, như vậy là giúp cho con thu thập thêm kinh nghiệm giang hồ đó.

Hiện tại, con đã đến nơi rồi, sư phụ đã yên tâm phần nào. Trong khi thân phụ con bị bọn ác tặc bắt đi sư phụ lại bảo con đến Trường Sa, tựa hồ ngược với đạo hiếu. Song, sư phụ tự tin mình có đủ sức cứu nạn cho người nên bất chấp tiểu tiết đó. Lúc con mở phong cẩm nang này đọc thì phụ thân con đã trở về nhà rồi, con cứ tin như thế để an lòng lo việc khác”.

Tiết Thiếu Lăng sửng sốt thầm nghĩ :

- Vậy ra sư phụ sai ta đến Trường Sa không phải để tìm người trợ lực cứu nạn cho cha!

Chàng đọc tiếp :

“Con từng nghe sư phụ đề cập đến một việc trọng yếu, vì việc trọng yếu đó nên sư phụ sai con đến Trường Sa. Sỡ dĩ sư phụ không cho con biết nguyên nhân, sợ con hỏi mãi mà sư phụ không tiện trả lời... Bây giờ, đã đến lúc ta thố lộ cho con biết. Việc trọng yếu đó chính là mối huyết hải thâm thù mà con cần phải thanh toán”.

Huyết hải thâm cừu? Tiết Thiếu Lăng biến sắc. Nếu là huyết hải thâm thù thì chẳng hóa ra cha mẹ chàng bị sát hại rồi chăng?

Chàng lại đọc :

“Con nên dằn tính nóng, phải hết sức dè dặt, tập tánh kiên cường mới mong trả được mối thù không đội trời chung đó”.

Tiết Thiếu Lăng cầm chắc tờ cẩm nang, tay run run, đầu chàng nhức buốt như vừa bị một chiếc côn đập vào, có thể cha mẹ chàng đã bị hại rồi chăng?

Không thể như vậy được! Lúc Vưu sư phó viết bức cẩm nang này, cũng như lúc trao cho chàng thì Tiết phu nhân còn sống, dù có xảy ra điều gì bất hạnh thì chỉ xảy ra cho một mình Tiết thần y còn kẹt trong tay ác tặc, chứ mẹ chàng chưa việc gì kia mà? Vả lại Vưu sư phó quả quyết là hiện tại cha chàng đã được cứu thoát và đã trở về nhà rồi, thế nghĩa là gì chứ?

Tại sao Vưu sư phó lại bảo chàng có mối huyết hải thâm thù? Chàng đọc tiếp :

“Con không nên quá thương tâm bởi con không phải là giòng dõi Tiết thần y”...

Tiết Thiếu Lăng kinh dị hấp tấp xem mấy giòng chữ kế :

“Con là con trai của một vị cố nhân của Hắc Thánh Thần Tiêu Du Long Tang Cửu. Mười hai năm trước, cha mẹ ruột con bị hạ sát, con cũng bị trọng thương. Tang đại hiệp đến nhờ Tiết thần y chữa trị cho con suốt một năm dài mới lành mạnh. Sự tình thế nào ta chỉ biết bao nhiêu đó thôi, sau này con gặp Tang đại hiệp, người sẽ thuật tận tường cho con hiểu”.

Tiết Thiếu Lăng rơi lệ.

Thì ra cha mẹ ruột của chàng đã chết về tay kẻ thù, còn vợ chồng Tiết thần y là nghĩa phụ và nghĩa mẫu?

Chàng tự hỏi, cha mẹ ruột là ai? Ở đâu? Vì nguyên nhân nào có mối tử thù đến nỗi bị hạ sát?

Thời kỳ thơ ấu không còn ghi một ấn tượng nào trong tâm não chàng. Bất quá, chàng mang máng nhớ là mình ở tại một ngọn núi, chàng có lần hỏi Tiết phu nhân, phu nhân hàm hồ đáp ứng.

Chàng đọc tiếp :

“Thiếu Hoa chính thật là tên con, giờ thì có lẽ con hiểu đại khái tại sao ta bảo con đổi tên cải dung mạo. Võ công con chưa đủ để chế ngự kẻ thù thì tốt hơn nên ẩn núp dưới danh nghĩa nhà họ Tiết tránh sự chú ý của cừu gia. Tiết thần y tinh thông võ học đã truyền hết lại cho con, ta cũng tận tình chỉ điểm cho con trong suốt mười năm qua, tuy nhiên, sở đắc của con sánh với kẻ thù còn cách xa như trời với vực, chưa chắc con tự bảo vệ an toàn nói chi đến báo thù rửa hận? Muốn cho con đủ sức trả thù, ta sai đến Trường Sa. Đến nơi rồi, liền ngày hôm sau phải đến Bạch Nhược Phố tìm gặp Trương Quả Lão. Theo ta biết, lão Trương là chỗ quen thân với Tang đại hiệp, có điều lão ấy lạnh nhạt tính, ít giao thiệp với ai, con hãy cố mà chiều chuộng lão. Con hãy xuất trình chiếc thiết tiêu làm chứng cớ, nói rằng vâng lệnh Tang đại hiệp đến đây nhờ lão giới thiệu con với một bậc dị nhân, có thể lão không từ chối đâu. Được bậc lão dị nhân đó thu nhận, con không còn lo sợ kém tài báo thù nhà nữa. Từ nay, con hãy khắc khổ luyện tập đừng phân tâm lo nghĩ việc nhà. Sẽ có dịp ta đến thăm con”.

Đọc xong bức cẩm nang, Tiết Thiếu Lăng ngây người như tượng gỗ.

Dùng thiết tiêu làm chứng cớ? Thiết tiêu đã bị lão đạo sĩ du phương đánh tráo mất rồi, còn đâu.

Tâm thần bấn loạn, trí óc quay cuồng, điều mà chàng lo ngại nhất là không có chiếc thiết tiêu, chắc chắn Trương Quả Lão không tin chàng.

Tuy nhiên trước sự việc đã rồi, chẳng còn làm sao xoay chuyển tình hình, dù sao thì chàng cũng phải thử đến Trương Quả Lão, xem thái độ lão như thế nào rồi hãy tính.

Sáng sớm hôm sau, chàng thanh toán tiền cơm tiền trọ xong, hỏi đường cưỡi ngựa đến Bạch Nhược Phố.

Bạch Nhược Phố là một thôn nhỏ độ vài mươi nóc nhà về hướng Tây, dưới chân Nhạc Ly sơn. Cư dân gồm những nông phu chất phác, thật thà an phận trong cuộc sống bình tịnh.

Tiết Thiếu Lăng đến Bạch Nhược Phố cho ngựa đi chầm chậm, định tìm người hỏi thăm nhà.

Tại đầu đường dẫn vào thôn bên cội cây cao lớn có một lão nhân ngồi ngắm trời mây, dáng dấp ung dung nhàn hạ.

Tiết Thiếu Lăng giục ngựa đến gần, nhảy xuống đất, vòng tay cung kính hỏi :

- Kính chào lão trượng, nơi đây có phải Bạch Nhược Phố chăng?

Lão nhân nhướng mắt nhìn chàng :

- Đúng rồi! Khách quan muốn tìm ai?

Tiết Thiếu Lăng đáp :

- Tại hạ muốn tìm Trương Quả Lão, chẳng hay gia cư của Trương tiên sinh ở về hướng nào?

Lão nhân gật đầu :

- Tưởng khách quan tìm ai, chứ Trương Quả Lão thì dễ chỉ lắm. Lão ấy thông thạo địa lý, chuyên xem hướng xây nhà, chọn đất mộ cho người. Nhà lão ở tận cuối thôn nằm về hướng Tây, khách quan cứ đi tới là gặp. Nhưng phải nhanh chân nhé, không khéo lão lại xuất ngoại, không biết phải chờ đến bao giờ lão mới trở về, phiền lắm!

Tiết Thiếu Lăng cung kính vái chào :

- Đa tạ lão trượng!

Chàng nắm cương giắt ngựa tiến đi theo hướng lão nhân đã chỉ. Chàng thầm nghĩ :

- “Thì ra cái lão Trương này là tay địa lý”.

Nhìn theo bóng chàng, lão nhân điểm một nụ cười, tự lẩm bẩm :

- Kiếm Trương Quả Lão! Ai cũng kiếm lão! Người kiếm lão sao mà nhiều quá vậy?

Nụ cười của lão có vẻ bí mật, câu nói của lão có vẻ mơ hồ, dù Tiết Thiếu Lăng có nghe cũng không hiểu nổi.

Cuối thôn nơi hướng Tây, dựa chân núi, có một ngôi nhà tường đất mái tranh.

Từ xa, Tiết Thiếu Lăng đã thấy một tấm bảng dựng cạnh cổng ra vào, nơi có bảy chữ to lớn :

“Trương Quả Lão biến lý âm dương”.

Tiết Thiếu Lăng cột ngựa vào cội cây gần đó, đoạn bước đến gần cửa gõ nhẹ mấy tiếng rồi cất giọng cung kính :

- Có tiên sinh ở nhà không?

Bên trong có tiếng người hỏi vặn lại, vọng ra :

- Ai đấy? Cứ vào!

Cửa đóng hờ, chàng xô vẹt cánh bước vào.

Bên trong cách bài trí rất đơn giản, vật dụng chỉ gồm hai cái ghế tre và một chiếc bàn gỗ tạp cũ kỹ. Ngôi nhà chia làm hai phần, phần trước làm gian tiếp khách, phía sau là ngọa phòng và gian nhà trú.

Chừng như Trương Quả Lão không hề quét dọn từ ngày dựng ngôi nhà nên rác rưới bừa bãi khắp nơi. Rác đã lên mốc, một mùi thoang thoảng xông lên trong không gian, khó ngửi vô cùng.

Chàng vào trong đứng đợi không lâu, từ phía hậu phòng một lão nhân bước ra. Lão nhân vận áo dài bằng bố màu tro xanh, tác độ hơn sáu mươi, hình vóc khô ốm, một tay cầm chiếc địa bàn, tay kia cầm chiếc gậy mây.

Trông dáng điệu đó, Tiết Thiếu Lăng biết là lão sắp sửa xuất ngoại.

Lão nhìn chàng, điểm một nụ cười tươi, thốt :

- Tướng công đến kịp lúc quá, chậm một chút lão phu đã đi rồi.

Lão đặt chiếc địa bàn lên bàn, tay kia vẫn còn cầm gậy tiếp nói :

- Ngồi! Tướng công ngồi xuống đi.

Tiết Thiếu Lăng vòng tay nghiêng mình :

- Tại hạ đến bất ngờ làm phiền tiên sinh quá.

Trương Quả Lão cười nhẹ :

- Có gì đâu! Tướng công không nên khách sáo. Lão phu chuyên xem phong thủy cho người đời, nuôi sống qua ngày nghề buộc tiếp khách. Khách đến là có tiền ăn, tiền mặc, làm gì có sự phiền nhiễu mà tướng công ngại.

Rồi lão vào đề ngay :

- Tướng công muốn xem âm trạch hay dương trạch?

Âm là chọn phần mộ, dương là chọn nền, chọn hướng xây nhà. Song, cả hai điều đó không phải là mục tiêu của Tiết Thiếu Lăng.

Chàng lắc đầu :

- Tại hạ không có ý nhờ tiên sinh xem phong thủy.

Trương Quả Lão thoáng trầm gương mặt :

- Vậy công tử đến đây làm gì?

Tiết Thiếu Lăng chính xác :

- Tại hạ từ Lạc Dương đến đây.

Trương Quả Lão trố mắt :

- Từ Lạc Dương đến đây?

Giọng lão trở nên lạnh lùng, mất hết vẻ niềm nỡ ban đầu :

- Từ ngàn dặm đến đây lại không phải vì mục đích xem phong thủy, hay là gia trạch bất an? Không! Lão phu không chịu đi xa đâu.

Tiết Thiếu Lăng vẫn lắc đầu :

- Cũng không phải vì việc xem gia trạch. Tại hạ vâng lệnh một vị thuộc hàng cha chú, không ngại đường xa tìm đến lão tiền bối.

Trương Quả Lão cười lạnh một tiếng :

- Ai là lão tiền bối của tướng công? Vị thuộc hàng cha chú nào đó có liên quan gì đến lão phu?

Tiết Thiếu Lăng giật mình thầm nghĩ :

- “Lão này đúng là nhìn vào sự việc gì cũng đều tưởng đến mối lợi trước tiên, nghe nói mình không xem phong thủy là thay đổi thái độ liền”.

Chàng bất mãn vô cùng, song nhớ đến lời dặn dò của Vưu sư phó bảo mình phải hết sức chiều chuộng lão, đừng làm cho lão phật ý, chàng đành phải dằn tính nóng, cố dịu giọng cung kính thốt :

- Vị cha chú của tại hạ là một cố nhân của lão tiền bối.

Trương Quả Lão khoát tay :

- Lão phu chẳng hề quen biết ai cả! Lão phu ngoài cái việc xem phong thủy cho người, không giao du với ai làm gì có bằng hữu.

Tiết Thiếu Lăng ngây người trước thái độ trắng trợn của Trương Quả Lão.

Trong lúc bần thần, chàng còn biết nói gì.

Trương Quả Lão lạnh lùng nhìn chàng một lúc lâu, rồi ngồi xuống chiếc ghế tre hỏi :

- Ngươi tên họ là gì?

Chàng điểm một nụ cười chua chát. Thêm một lần nữa, chàng nhận xét con người đối diện nuôi dưỡng một tinh thần vụ lợi quá mạnh. Lão tưởng chàng đến xem phong thủy, chắc sẽ có món thù lao béo bỡ, nên gọi tâng chàng là tướng công, rồi khi biết được chàng vì mục đích khác mà đến đây, lão đổi cách xưng hô liền.

Tuy nhiên chàng thành thật đáp :

- Tại hạ tên họ là Tiết Thiếu Lăng.

Trương Quả Lão mơ màng :

- Tiết Thiếu Lăng! Từ Lạc Dương đến...

Bỗng lão vụt nhìn chàng :

- Thần Y Tiết Đạo Lăng là gì của ngươi?

Tiết Thiếu Lăng nghiêng mình :

- Thân phụ của tại hạ.

Lão “Ạ” lên một tiếng, gật gật đầu :

- Ngươi là con của Tiết thần y! Ngươi tìm ta có việc gì?

Giọng nói của lão vẫn lạnh lùng, song gương mặt đã có phần dịu lại.

Tiết Thiếu Lăng thầm nghĩ :

- “Sư phụ bảo ta cải tên quả có chỗ diệu dụng”.

Chàng cung kính trình bày :

- Tại hạ đến đây quả không phải do ý thân phụ, mà là do lệnh của vị cha chú...

Trương Quả Lão gằn giọng :

- Vị cha chú đó là ai?

Tiết Thiếu Lăng ngó thẳng vào mắt lão :

- Một lão tiền bối, họ Tang, tên Cửu. Giang hồ gọi là Hắc Thánh Thần Tiêu.

Trái với sự chờ đợi của Tiết Thiếu Lăng, dường Trương Quả Lão đã biết trước việc đó rồi, lão không có vẻ gì lấy làm lạ cả. Lão hừ lạnh :

- Việc của Tang lão đầu mặc lão ấy lo liệu, tìm đến ta làm gì?

Lão thốt câu đó để tự nói với mình, không phải hướng về Tiết Thiếu Lăng, nên chàng không mở miệng. Chàng tự nghĩ :

- “Đúng là lão này có quen biết với Tang lão tiền bối”.

Lão đưa tay vuốt chòm râu, nghiêng nghiêng mặt hỏi :

- Lão ấy nói gì với ngươi?

Tiết Thiếu Lăng không dám mất lễ độ, nghiêng mình đáp :

- Tang lão tiền bối dạy tại hạ đến đây nhờ lão tiền bối thành toàn cho một việc, là giới thiệu với một vị cao nhân, thu nhận tại hạ làm môn đồ...

Trương Quả Lão chận lại :

- Muốn lão phu giới thiệu với ai?

Đôi mắt lão chớp chớp tinh quang sáng ngời, lão nhìn Tiết Thiếu Lăng một lúc rồi tiếp :

- Lão ấy không bảo với ngươi là ta phải giới thiệu ngươi với ai à? Thân phụ của ngươi tinh thông võ học của hầu hết các môn phái sao ngươi không học với người? Lại mang thân tìm nơi khác?

Tiết Thiếu Lăng xúc động linh cơ, tưởng rằng Trương Quả Lão và Tang lão tiền bối có chỗ giao tình thân mật. Hai người đã nói với nhau về thân thế của chàng, do đó lão Trương không tỏ vẻ gì kinh ngạc khi chàng trình bày lý do đến đây. Trái lại, dường như lão đã chuẩn bị thái độ đối phó với sự tình sẵn rồi thì phải.

Chàng cung kính thốt :

- Tang lão tiền bối từng bảo, tại hạ có mối huyết hãi thâm thù, nếu không nhờ tiền bối thương tưởng đến thì suốt đời tại hạ không thể báo cừu được.

Trương Quả Lão chớp chớp mắt :

- Lão ấy đã nói rõ với ngươi như vậy sao?

Tiết Thiếu Lăng thoáng hy vọng thầm nghĩ :

- “À! Thì ra mình đoán đúng! Lão này biết rõ thân thế của mình”.

Đột nhiên Trương Quả Lão lắc đầu :

- Không được rồi! Lúc đó thực sự lão có hứa với Tang lão đầu là sau này lão sẽ tìm cách giới thiệu với ân sư. Nhưng, mấy năm sau này, ân sư lập ý không tiếp kiến người ngoài, không buồn nghe đến việc trần gian, thành thử lão không thể giúp được...

Tiết Thiếu Lăng vỡ lẽ, vị cao nhân đó không ai khác hơn là sư phụ của Trương Quả Lão, và Tang lão tiền bối đã lo liệu cho chàng từ lâu rồi.

Bây giờ, nghe Trương Quả Lão khước từ không giới thiệu chàng với vị cao nhân, chàng nhớ đến mối thù của cha mẹ thấy không hy vọng gì báo phục mối thù sâu như biển, nặng như non đó, bất giác rơi lệ quì xuống, lạy theo lễ bái sự sụp lạy mấy lạy :

- Vãn bối có mối thù phụ mẫu, mối thù đó không thể không báo phục, xin cầu lão tiền bối thành toàn...

Trương Quả Lão vội đứng lên, tránh sang một bên :

- Ngươi đứng dậy đi.

Lão hừ một tiếng nhẹ hỏi :

- Ngươi nói Tang lão đầu sai ngươi đến đây, lão có trao cho ngươi một tín vật gì làm bằng không?

Tiết Thiếu Lăng thầm kêu khổ ấp úng :

- Tang lão tiền bối có trao cho vãn bối một chiếc thiết tiêu làm bằng...

Trương Quả Lão chớp mắt :

- Thiết tiêu đâu?