Tiểu Yến chớp chớp mắt cười nhẹ :
- Tiểu tỳ có chuẩn bị cho tướng công mấy món thức ăn, có lẽ tướng công đang đói, để tiểu tỳ mang vào đây cho tướng công nhé.
Nghe nhắc đến thức ăn, Tiết Thiếu Lăng thấy đói liền. Đã hai ngày hai đêm rồi chàng có ăn uống gì đâu? Dĩ nhiên là chàng không từ chối, khẽ gật đầu :
- Phiền cô nương quá!
Tiểu Yến nhoẻn miệng cười, quay mình bước ra ngoài.
Nhìn theo bóng nàng, Tiết Thiếu Lăng thầm nghĩ :
- “Liễu đầu này khá lanh lợi đấy, mình phải từ từ dò xét, nếu quá hấp tấp sợ nàng sinh nghi. Nàng mà nghi thì mình cầm như vô vọng”.
Vì bị thương nặng, chân khí tiêu hao phần lớn, đáng lý phải tĩnh dưỡng chàng lại nói nhiều, trong lúc nói nhờ gắng gượng nên không nghe thấy một cảm giác nào, khi Tiểu Yến bước ra rồi chàng nằm yên, ảnh hưởng của sự gắng gượng vừa qua làm chấn động toàn thân chàng, chỗ bị thương nơi ngực nhói lên đau đớn vô cùng.
Chàng nhắm mắt lại, vận công điều tức cho cơn đau lắng dịu.
Một lát sau, chàng nghe tiếng chân bước nhẹ nhàng vào phòng. Mở mắt ra, thấy Tiểu Yến mang đến cho chàng một cái mâm gỗ.
Nàng dịu giọng thốt :
- Tướng công mệt mỏi lắm phải không? Tiểu tỳ mang thức ăn đến đây, tướng công dùng cho lại sức.
Tiết Thiếu Lăng nhìn nàng :
- Làm sao ăn được?
Tiểu Yến cười nhẹ :
- Tướng công mang trọng thương không thể cử động được, tiểu tỳ vâng lệnh phục vụ tự nhiên phải làm sao cho tướng công ăn được chứ!
Nàng đặt chiếc mâm gỗ xuống chiếc ghế bên cạnh, đoạn ngồi xuống mép giường, múc từ muỗng canh, muỗng cơm đưa lên tới miệng chàng.
Nàng nói :
- Món canh này nấu với ngó sen tươi, không công phạt thương thế, tướng công yên trí ăn đi.
Dù muốn dù không, Tiết Thiếu Lăng cũng phải há miệng nhận những muỗng cơm canh do nàng dâng hiến.
Chàng nghĩ, muốn làm gì cũng phải có sức khỏe. Sức khỏe trên hết, có sức khỏe mới có tinh thần liệu việc chu đáo, thì tại sao chàng phải khách sáo? Giả sử trong thức ăn có chất độc đã đành, nhưng làm gì có chất độc? Ở đây chúng muốn giữ chàng thiếu gì cách, sao lại phải dùng cách đó?
Chàng cứ ăn, nữ tỳ đút cho bao nhiêu chàng ăn bấy nhiêu.
Qua một lúc, chàng ăn trọn bát canh và chén cơm.
Tiểu Yến nhoẻn miệng cười :
- Tướng công no chứ?
Tiết Thiếu Lăng đáp :
- No!
Chàng nhìn nàng cười trả :
- Đa tạ cô nương tận tình chăm sóc cho tại hạ.
Tiểu Yến chớp chớp mắt :
- Bất quá tiểu tỳ chỉ vâng lệnh chủ nhân hầu hạ tướng công, nếu tướng công muốn nói điều ân nghĩa, hãy đợi khi gặp chủ nhân hẳn nói!
Nàng đứng lên, vừa nâng chiếc mâm vừa tiếp :
- Tướng công nằm yên tịnh dưỡng đi nhé, sáng sớm mình phải lên đường rồi.
Nàng thổi tắt ngọn đèn bước ra khỏi phòng.
Còn lại một mình, Tiết Thiếu Lăng tìm hiểu nguyên nhân khiến cho Đường chủ biệt đãi chàng.
Tiểu Yến đã nói, ngoài ba vị Phó đường chủ ra, không một ai trong bọn nàng biết được mặt mũi thật của Đường chủ. Vậy lão già áo xanh đó là ai?
Tại sao lão phải giữ sự thần bí tuyệt đối? Đến cả bọn thuộc hạ thân tín mà lão cũng không lộ diện?
Còn Chủ thượng? Nhân vật cao cấp này là ai?
Chàng miên man suy nghĩ một lúc, bất giác chàng thiếp đi lúc nào không hay.
Trong lúc chàng ngủ, một người xuất hiện bên cạnh giường, người đó dù xê dịch nhẹ đến đâu cũng không tránh khỏi làm kinh động chàng.
Chàng giật mình, vừa mở mắt ra thì người đó đã nhanh tay điểm vào huyệt ngủ của chàng, làm chàng thiếp lại như cũ.
Trong cảnh mông lung như trong cơn mộng, chàng nghe đôi bàn tay nóng bỏng đang sờ mó vào người chàng. Bàn tay di động đến đâu chàng nghe nóng đến đấy. Dần dần, hơi nóng chuyền đến khắp các kinh mạch, hơi nóng càng lúc càng cao độ, chàng muốn kêu thét lên, nhưng tiếng kêu không thoát ra khỏi cửa miệng nổi.
Chàng ỳ ra mà chịu, qua một lúc lâu, hơi nóng dịu lại dần dần rồi dứt hẳn.
Đôi bàn tay rời mình chàng, một giọng nói nhỏ như cánh ve kêu, văng vẳng bên tai chàng :
- Hãy nhớ trong vòng sáu khắc thời gian, không được vọng động làm xáo trộn chân khí.
Tuy giọng nói rất nhỏ, song lọt vào tai chàng như chuông gióng boong boong, chàng nghe rất rõ.
Rồi chàng ngủ thiếp đi, một giấc ngủ vô cùng khoan khoái.
Sáng hôm sau chàng tỉnh lại, mở mắt ra, hình bóng đầu tiên mà chàng trông thấy là Tiểu Yến, nàng đã đứng cạnh giường không biết từ lúc nào. Nàng giương tròn đôi mắt đẹp nhìn chàng điểm một nụ cười :
- Tướng công ngủ có ngon không?
Tiết Thiếu Lăng cũng cười gật đầu đáp lại :
- Ngon lắm.
Chàng chợt thấy như mình vừa trải qua một cơn mộng ly kỳ, khi nhớ lại sự việc hôm qua, hiện tại y phục chàng đẫm ướt mồ hôi, nơi ngực không còn đau đớn nữa.
Chàng ngầm vận khí thử nghe chân khí lưu thông như thường, không khác nào lúc chàng hoàn toàn lành mạnh. Chừng như chân khí có phần sung mãn hơn là khác.
Điều đó làm chàng hết sức lạ lùng.
Ai đã phụ nhỉ bảo chàng đừng vọng động hôm qua? Người đó hiển nhiên đã dùng nội lực chữa trị thương thế cho chàng.
Tiểu Yến đứng nhìn chàng, sợ chàng lại bắt chuyện hỏi dài dòng nên nhẹ nhàng khuyên :
- Tướng công nên tịnh dưỡng, chỉ độ nửa ngày nữa thôi, đến Nhạc Dương rồi sẽ có người chữa trị cho tướng công lành hẳn. Hiện giờ tuy trong người khoan khoái nhưng chưa thực sự bình phục, nếu vọng động thì thương thế sẽ hoành hành trở lại như thường.
Tiết Thiếu Lăng mỉm cười nói :
- Tại hạ thấy khỏe rất nhiều...
Nói đến đó, một ý niệm phát sinh, nên nhân cơ hội này chúng mang chàng đến sào huyệt của chúng, chàng sẽ dọ thám cho biết tổ chức của chúng như thế nào.
Nghĩ vậy, chàng thở mạnh, thở gấp hơn, tỏ vẻ còn mệt nhọc lắm, rồi hỏi một cách rất khó khăn :
- Lại phải đi Nhạc Dương à?
Tiểu Yến gật đầu :
- Đã chuẩn bị thuyền xong rồi, chờ tướng công tỉnh lại là khởi hành liền.
Tiết Thiếu Lăng trầm ngâm một chút :
- Tại hạ muốn thỉnh giáo một điều, chẳng hay cô nương có vui lòng chỉ giáo cho chăng?
Tiểu Yến điềm nhiên :
- Tướng công muốn hỏi điều gì?
Tiết Thiếu Lăng hỏi liều :
- Trương Quả Lão có thực sự bị thương không? Lão có cùng đi với tại hạ không?
Tiểu Yến chớp mắt, nhoẻn miệng cười :
- Trương Quả Lão cùng nhiều người nữa đã được đưa đi ngày hôm qua, còn thuyền này chỉ được chuẩn bị dành riêng cho tướng công thôi.
Tiết Thiếu Lăng lại hỏi :
- Còn Đường chủ?
Tiểu Yến vẫn cười :
- Đường chủ đã khởi hành, lưu tiểu tỳ lại đây chờ tướng công.
Tiết Thiếu Lăng ạ lên một tiếng khẽ :
- Đa tạ cô nương!
Tiểu Yến tiếp :
- Tướng công đã tỉnh rồi vậy mình nên lên đường cho sớm. Đường xa, thuyền sẽ tròng trành trên sông nước, có thể sẽ làm cho thương thế của tướng công bị chấn động, xin tướng công cho tiểu tỳ điểm vào huyệt ngủ cho mê, tướng công nghĩ sao?
Tiết Thiếu Lăng biết rõ nàng vâng lệnh chủ hành sự, không phải do bản tâm nàng muốn thế, nên thản nhiên gật đầu :
- Cô nương chu đáo lắm, mình dè dặt như vậy có lợi hơn. Tại hạ cũng thấy trong người còn yếu quá, sợ không đủ chịu nổi sóng gió.
Tiểu Yến nở một nụ cười cảm tình :
- Tướng công thành thật lắm! Vì bắt buộc chứ không phải tiểu tỳ dám vô lễ với tướng công đâu.
Nàng nói xong, đưa tay điểm vào huyệt ngủ của chàng liền.
Tiết Thiếu Lăng cười thầm, nghĩ :
- Ta đã tinh luyện pháp vận khí hộ trì các huyệt đạo, nàng dùng thủ pháp thông thường làm sao chế ngự nổi các huyệt đạo của ta.
Nhưng chàng vẫn nhắm mắt vờ hôn mê thiêm thíp.
Tiểu Yến không chậm trễ, lấy mềm cuộn chàng lại rồi vỗ tay hai lượt. Bên ngoài cửa có tiếng chân vang lên, hai tên đại hán áo đen xuất hiện.
Tiểu Yến phân phó :
- Mang xuống thuyền ngay!
Hai tên đại hán bước đến giường.
Tiểu Yến lại tiếp :
- Hãy khoan! Vị tướng công này bị thương nặng, các ngươi phải nhẹ tay nhẹ chân một chút. Đường chủ ân cần dặn dò nếu có điều gì sơ xuất thì các ngươi mất mạng đấy.
Tiết Thiếu Lăng nghĩ thầm :
- Bây giờ ta không còn nghi ngờ là Đường chủ của chúng vờ vĩnh với ta nữa. Đúng là y biệt đãi ta!
Hai tên đại hán bế chàng đặt lên một chiếc cáng có nệm êm, khiêng chàng ra khỏi phòng.
Vì bị mềm trùm kín từ đầu đến chân nên Tiết Thiếu Lăng không còn trông thấy gì cả.
Một lát sau, hai đại hán dừng chân lại, chàng có cảm giác như bị đưa từ trên cao xuống thấp, độ chừng hai đại hán đã ra tới bờ sông, xuống thuyền. Có lẽ thuyền tròng trành nên chúng bước không được ổn chân như trước.
Đặt chiếc cáng vào khoang thuyền xong, hai đại hán bước ra ngoài.
Tiết Thiếu Lăng lắng nghe không có tiếng động nào khác ngoài tiếng sóng vỗ lách chách vào mạn thuyền.
Chàng toan tốc mềm ngồi dậy đảo mắt quan sát, nhưng vừa lúc đó có tiếng chân người bước tới cửa khoang rồi một giọng nói ồ ề vang lên :
- Nhổ sào được chưa cô nương?
Tiểu Yến đáp, tiếng nói của nàng nghe rất gần chừng như nàng đang ngồi cạnh chàng :
- Lại phải hỏi! Tất cả đều xuống thuyền cả rồi, tất nhiên là phải đi chứ, hỏi làm gì?
Tiết Thiếu Lăng giật mình :
- Thì ra liễu đầu đang ở cạnh ta, nếu ta hấp tấp hành động thì hỏng mưu đồ rồi.
Chàng nhắm mắt nằm yên.
Con thuyền chao chao dao động, Tiết Thiếu Lăng biết đã rời bến rồi. Chàng nghe trong người hơi mệt, nhắm mắt ngủ thiếp đi lúc nào không rõ.
Khi chàng tỉnh dậy, chàng nghe như mình đang bị mang đi, rồi một lát sau, như bị đưa vào một tòa nhà.
Những kẻ mang chàng tiến lên thang, lên đến tầng lầu trên đặt chiếc cáng xuống, kế đó có kẻ khác bế chàng đặt lên chiếc giường, cũng có nệm êm.
Chàng biết là cuộc hành trình đã chấm dứt, bọn hộ tống chàng đã đưa chàng đến địa điểm theo lệnh của Đường chủ.
Một lát sau có người đến, mở mềm ra giải khai huyệt đạo cho chàng.
Chàng khẽ ho lên mấy tiếng, mở mắt ra, nhận thấy mình đang ở trong một gian phòng trang trí cực kỳ hoa lệ, bàn ghế, giường tủ đều bóng nhoáng.
Bên cạnh giường có một nữ tỳ, tuy vận áo xanh mộc mạc theo hàng nô lệ, song nhan sắc diễm kiều như một tiểu thơ hàng thế gia vọng tộc.
Nữ tỳ đó chính là Tiểu Yến, chàng thấy nàng đẹp hơn mấy hôm trước, vì hiện tại bỏ lốt nam trang, bận nữ phục.
Nàng ngồi lặng nhìn chàng, chàng buột miệng hỏi :
- Đến rồi sao?
Nàng gật đầu :
- Đã quá giờ Ngọ rồi còn gì, dĩ nhiên là phải đến nơi! Tướng công nhận ra tôi à?
Tiết Thiếu Lăng cười nhẹ :
- Thoạt tiên tại hạ không biết cô nương là ai, song nhìn lâu một chút, những nét phảng phất tại hạ ngờ ngợ, quan sát kỹ một chút nhận ra không khó.
Tiểu Yến nhẹ giọng :
- Tướng công có nghe đói không? Tôi đã ăn rồi, bây giờ tôi đi dọn bữa cho tướng công dùng nhé.
Tiết Thiếu Lăng còn bàng hoàng trước nhan sắc tuyệt vời của nàng, chàng nhớ lại hôm qua đây, chính nàng đút từng muỗng cơm, canh cho chàng ăn, lúc đó chàng không nghe một cảm giác gì khác lạ. Giờ nhìn thiếu nữ kiều diễm trước mắt, chính thiếu nữ đó đã có những cử chỉ quá thân mật với chàng, chàng thấy nao nao trong lòng.
Chàng muốn hưởng lại những giây phút đó, nên vờ bị thương thế hành hạ, không dám vọng động để nàng tái diễn lại cảnh thân mật và nhất định lần này, chàng phải kéo dài lâu cảnh đó mới được.
Nàng bước ra ngoài, một lát sau nàng mang một mâm cơm vào, rồi lấy muỗng đút từng muỗng đồ ăn cho chàng.
Chừng như nàng e thẹn không được tự nhiên như lần trước, mặt ửng đỏ, đầu cúi thấp không dám nhìn chàng lâu.
Trong phòng khung cảnh êm ấm khác thường, một nam ăn một nữ đút, không khác gì đôi vợ chồng son, vợ săn sóc cho chồng trong cơn đau ốm. Nếu Tiểu Yến đổi chiếc áo xanh nô tỳ, thay vào chiếc áo sang trọng hơn thì bức tranh âu yếm đó sẽ được toàn mỹ.
Không ai nói với ai một lời, chàng âm thầm ăn, âm thầm tận hưởng sự trìu mến, còn nàng thì e ấp mà làm phận sự kẻ hầu hạ. Tuy vâng lệnh chủ nhân, nhưng xem chừng thích phận sự đó lắm.
Vừa lúc đó, có tiếng chân người bên ngoài cửa phòng, kế tiếp có hai tiếng gõ nhẹ vào cửa, một giọng nói vọng vào :
- Tiểu Yến cô nương! Y sư đã đến!
Tiểu Yến à một tiếng, bỗng xuất thủ nhanh như chớp, điểm vào huyệt Trung Phủ nơi vai hữu của chàng.
Đoạn nàng đứng lên dời mâm cơm qua một bên, kéo chăn trùm kín chàng lại rồi bước ra mở cửa.
Tiết Thiếu Lăng nghe tiếng nói nhận ra là thanh âm của Đổng Bách Xuyên, thoáng giật mình nghĩ ngợi về y, không kịp đề phòng bị Tiểu Yến điểm trúng huyệt. Tuy nhiên thần trí còn sáng suốt, chàng thầm nghĩ :
- Tại sao nàng điểm huyệt ta khi nghe y sư đến?
Chàng ngậm vận công chuyển khí xung khai huyệt đạo.
Cánh cửa phòng mở, tiếng Tiểu Yến vang lên :
- Tiểu tỳ tham kiến Đổng hộ pháp!
Đổng Bách Xuyên khiêm tốn :
- Tiểu Yến cô nương lại khách khí với lão phu rồi đấy. Giữa một nhà, dùng chi những sáo ngữ như thế?
Y chưa vội vào phòng, quay sang y sư :
- Xin Tiết huynh vào trước.
- Đổng huynh thứ cho nhé.
Bị Tiểu Yến phủ chăn kín mặt mày, Tiết Thiếu Lăng không trông thấy gì cả.
Song âm thanh đó, chàng suýt giật mình bật dậy như có lò xo từ lưng đẩy lên. Hơn nữa, người đó lại là họ Tiết, bởi Đổng Bách Xuyên xưng hô là Tiết huynh.
Chàng than thầm :
- Nghĩa phụ Tiết thần y! Tưởng chúng thỉnh vị y sư nào thì ra lại là nghĩa phụ. Thì ra nghĩa phụ đã sa vào tay chúng! Chính chúng đã giả dạng để bắt nghĩa phụ. Thảo nào mà Tiểu Yến phải điểm huyệt ta.
Chàng muốn tốc chiếu chăn ra gọi nghĩa phụ, song nghĩ sao không rõ, chàng dằn lòng nằm bất động.
Tiếng chân tiến gần đến giường chàng, Tiết thần y và Đổng Bách Xuyên nhân nhượng nhau một lúc rồi cả hai cùng ngồi xuống. Tiểu Yến mang trà đến.
Tiết thần y cất tiếng hỏi :
- Đổng huynh! Người bị bịnh nằm đây thương thế ra sao?
Thiên Lang Trảo Đổng Bách Xuyên đáp :
- Rất có thể là trầm trọng lắm! Nếu là bị thương xoàng thì y đâu đến nỗi phải mê man ngày đêm, mà bọn tại hạ cũng không dám phiền đến Tiết huynh phải lặn lội từ xa đến đây?
Tiết thần y lại hỏi :
- Y bị thương trong trường hợp nào?
Tiểu Yến khỏa lấp :
- Tướng công tôi bị thương nơi ngực bên tả từ trưa hôm qua.
Câu nói của nàng không đáp đúng câu hỏi của Tiết thần y song nàng vẫn thốt để chận lời của Đổng Bách Xuyên, sợ hắn để lộ sơ hở, vị danh y sinh nghi.
Tiết thần y gật đầu :
- Vậy là vừa tròn một ngày! Thương thế của biến chuyển gì không?
Tiểu Yến lắc đầu :
- Không! Nhờ Đường chủ tôi cho uống một viên Bảo Tâm đơn.
Tiết thần y nhìn lên giường :
- Lão phu muốn xem mạch một chút, nghe thương thế như thế nào rồi hãy liệu.
Tiểu Yến mang một chiếc ghế con đặt cạnh giường, đoạn thò tay qua mí chăn kéo cánh tay của Tiết Thiếu Lăng ra ngoài.
Tiết Thiếu Lăng lúc đó bối rối vô cùng, chàng không biết nên nhân cơ hội này tóc chăn ra nhìn nghĩa phụ rồi có ra sao thì ra, hay là giữ nguyên tình trạng cũ, chờ diễn biến mới.
Nhưng rồi chàng bất động.
Tiết thần y đặt ba ngón tay lên cổ tay chàng, nghe một lúc bất giác ạ lên một tiếng :
- Kỳ quái! Kỳ quái! Đã nói là mang trọng thương sao kinh mạch lại...
Tiết Thiếu Lăng kêu khổ, sợ nghĩa phụ nói thật ra thì mưu đồ của chàng cầm như hỏng bét, tuy nhiên chàng hết sức khâm phục y thuật của ông. Biết không thể che giấu được nữa, vội dùng phép “Truyền âm nhập mật” nói với ông :
- Gia gia! Con là Tiết Thiếu Hoa đây! Con đã lành hẳn rồi, hiện tại chỉ là mưu kế của con. Gia gia cứ lờ đi, đừng nói hở để chúng sinh nghi. Cứ bảo con bị thương vì một thủ pháp thần kỳ, nặng lắm vậy thôi.
Tiết thần y giật mình, không tưởng kẻ nằm đó lại là con của lão. Lão buột miệng ạ lên một tiếng hãi hùng, nhưng kịp biết mình hớ hênh vội cau mày, sờ râu tỏ vẻ suy nghĩ.
Nhờ lão cau mày, sờ râu suy nghĩ, Thiên Lang Trảo Đổng Bách Xuyên tưởng lão đã phát ra sự gì lạ nơi con bệnh, không nghi ngờ gì cả, hỏi :
- Tiết huynh thấy sao? Nặng lắm không?
Tiết thần y vẫn suy nghĩ, không vội đáp câu hỏi của Đổng Bách Xuyên.
Lão đang lo lắng thật sự, bởi kẻ nằm kia là con lão, nó cũng sa vào tay bọn này như lão, phần lão chưa biết phải làm sao thoát nạn, lại thêm phần con của lão nữa thì khó khăn chồng chất thêm...
Lão vờ suy nghĩ, dùng phép “Truyền âm nhập mật” nói với chàng :
- Cha hiểu rồi! Con hãy tìm cách thoát khỏi nơi này gấp, cha dù bị kẹt trong tay chúng không đến nỗi nào.
Tiết Thiếu Lăng lại hỏi :
- Con trốn đi rồi còn gia gia?
Tiết thần y trấn an chàng :
- Cha sẽ liệu sau! Điều cần yếu là con nên trốn đi cho sớm.
Sợ nói chuyện với nhau lâu Đổng Bách Xuyên sanh nghi, Tiết thần y thở dài :
- Thật kỳ quái!
Tiểu Yến hỏi nhanh :
- Tiên sinh thấy làm sao?
Tiết thần y trầm ngâm một chút :
- Lão phu hành nghề này suốt mấy mươi năm, tuy không dám khoe chứ có thể bảo là đã chữa lành nhiều tật bệnh, nghi chứng. Mắt từng thấy nhiều bịnh trạng lạ kỳ, nhưng chưa bao giờ thấy kỳ lạ như thế này.
Tiểu Yến điểm một nụ cười :
- Tiên sanh thấy làm sao?
Tiết thần y nghiêm giọng :
- Thương thế do một thủ pháp thần kỳ gây ra, lão phu chưa dám vội đo án.
Tiểu Yến buột miệng khen :
- Tiên sinh tài quá. Nói đúng như thấy tận mắt.
Đổng Bách Xuyên nói :
- Tiết huynh xem thử coi có chữa trị được chăng!