Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Chương 60: Xưởng đóng ghe Đông Hồ




Chiều nay ăn cơm là chung hai nhà, lúc xế nương đã mời nhà Lưu bá qua. Dù sao Lưu bá đã biết chuyện nhà Mai đóng được ghe. Cả nhà Lưu bá đi xem một vòng xưởng đóng, vô nhà trên Lưu bá cười hớn hở, vỗ vai cha nói:

– Nhà đệ sau này được rồi, có nghề này không lo đói. Ta mà biết đã không mua ghe trên Trấn Giang, chờ đệ đóng mua giá rẻ hơn.

– Bá mua thêm chiếc nữa đi.

Ha ha ha, Lưu bá cười sảng khoái. Mai rất thích Lưu bá, ông hay nói cười, làm việc chăm chỉ, bình thường không so bì hơn thua.

– Một tuần trăng một cái ghe là hơi chậm hơn mấy nhà khác, nhưng nhà đệ ít người. Đừng để a Tấn, a Bình mất sức, tụi nó còn nhỏ quá.

– Đệ biết.

Lưu bá biết nghề đóng ghe vất vả như thế nào. Đây là chỗ Mai quý ông, ông thật lòng quan tâm. Người khác sẽ chỉ nhìn thấy số tiền kiếm được mà không thấy nhà Mai vất vả như thế nào. Công cụ thô sơ mà lại thiếu, phải dùng sức rất nhiều còn tranh thủ chia việc cho nhau. Chiếc ghe này là biết bao nhiêu công sức đã bỏ ra.

– Mấy lúc rãnh rỗi ta và a Tương qua phụ một tay.

Tương huynh cũng gật đầu. Huynh ấy đương nhiên nhìn thấy vết chai và vết thương trên tay của thất thúc và Bình ca. Hai người còn nhỏ hơn huynh ấy mấy tuổi mà đã chịu khó như vậy. Nghĩ lại mình nên hỗ trợ chút đỉnh.

Mọi người vui vẻ dọn bàn ra sân, đốt đống lửa lớn giữa sân. Mấy đứa nhỏ bu xung quanh nướng cá, nướng mực, vùi mấy củ khoai lang lớn phía dưới. Lát sau mùi thơm toả ra bốn phía, lại vội vàng trải lá chuối, đặt từng món lên. Món ăn dưới bếp cũng xong, không phân biệt đàn ông đàn bà, con nít chia nhau ngồi xuống hai bàn ăn.

– Nhà ta năm nay có trồng mấy luống khoai môn, gặt lúa xong thì nhổ được rồi. Nghe nói nấu chè khoai môn gạo nếp rất ngon, lúc đó ta mang sang nhà thím ăn thử.

Lưu bá mẫu vừa bới cơm ra chén cho mọi người vừa khơi đầu câu chuyện.

Chè khoai môn nấu với đường thốt nốt tuy màu chè hơi vàng so với đường mía nhưng mùi vị lại rất ngon. Đường thốt nốt hương nhẹ hòa với mùi khoai và nếp chín rất thanh. A, mới nghĩ đến đã thèm rồi!

– Gần đất phú hộ có thêm mấy nhà mới dựng,

– Mùa nước năm nay không cao như năm rồi, miệt trong bắt đầu gặt lúa rồi.

Mấy người lớn vừa ăn vừa nói chuyện đông tây. Mấy đứa nhỏ thì nghe, thỉnh thoảng chụm đầu to nhỏ chuyện riêng. Tam Mi đã lớn thành thiếu nữ rồi, không biết to nhỏ chuyện gì với Cúc tỷ mà vừa thẹn vừa nhìn ngó xung quanh sợ bị nghe lén.

– Xong mùa gặt có mấy nhà đến gần đây dựng nhà đó. Hôm trước Dương trưởng làng dẫn đi xem đất rồi. Đệ ở nhà lo đóng ghe đi, làm cái này lợi hơn.

Lưu bá nói với cha, cha gật đầu trả lời rồi nói chuyện đã tính toán trong nhà.

Đợi mọi người ăn lưng bụng, Mai nói chuyện đặt tên xưởng đóng ghe.

– Con nghĩ mình nên đặt tên cho xưởng ghe của mình.

– Phải đó, nên đặt. Giống như xưởng ghe ta mua ở Trấn Giang đó. tên là Huỳnh Gia xưởng, nghe cũng oai phong lắm.

Tất cả thích thú nghe, gật đầu.

– Vậy xưởng mình đặt tên gì?

Nghe Mai hỏi ý kiến, ai nấy vui vẻ góp ý kiến. Đây là lần đầu tiên được tham gia chuyện đặt tên xưởng mà.

– Tên Lê Tứ đi, cháu thấy người ta hay dùng họ tên đặt lắm.

Tương huynh nhanh nhảu góp ý. Cha vội xua tay làm ai cũng bật cười. Sau đó là cơn mưa tên, nào là Tâm Bình (sến muốn chết!), Ngã ba rạch nhỏ (quê quá!), …. Cái tên nào cũng bị trêu chọc làm người đặt tên không khó chịu mà còn cười ha ha.

Bình ca liếc mắt nhìn Mai đang bình thản cắn đầu con tôm nướng to đùng đầy gạch, nói:

– A Mai, muội thấy tên gì được?

Mai nháy mắt với a An, hắn đứng dậy vào xưởng mang ra bảng gỗ vuông vuông. Trên đó có vẽ hình thuôn dài giống Vũng Đông Hồ và chiếc ghe nhỏ đang đậu ven bờ. A An giải thích hình vẽ rồi nói:

– Tên là Xưởng ghe Đông Hồ, con chưa biết mấy chữ này, định nhờ Đỗ ông viết giúp. Có hình vẽ này người không biết chữ cũng biết là mình đóng ghe, phải không?

– Được, hay hay.

Lưu bá vỗ đùi khen hay, không những có tên gọi còn có hình vẽ nữa. Hình này cũng thiệt dễ hiểu, vũng Đông Hồ với cái ghe, ai cũng hiểu, phải không?

Rốt cuộc có tên rồi. Cha và Lưu bá hào hứng uống mấy ly rượu. Tương huynh cũng uống một chén. Mấy đứa nhỏ thì chạy lại coi bảng tên, hỏi tới lui cái nào hình vũng Đông Hồ, còn cái cồn đất ở giữa sao có?

Trời, cũng nhiều ý kiến dữ? hình dạng vũng Đông Hồ là cô nhớ mang máng lúc trước xem trên bản đồ, là chụp từ trên cao xuống. Còn thời này thì đứng ở dưới đất đâu có thấy được, ai lên núi đằng kia họa may mới nhìn thấy được hết mặt vũng.

Cái tên này là Mai suy nghĩ cả buổi mới có được. Nếu khách tới mua ghe mà không biết xưởng tên gì thì rất khó “truyền miệng” cho nhà mình. Phải tranh thủ làm bảng tên trước khi người khách đầu tiên đến. Tên Đông Hồ này là phù hợp nhất, mấy trăm năm sau vẫn không thay đổi.

Trăng trung tuần đã treo trên đầu ngọn dừa phía vũng Đông hồ, gió nhẹ làm ánh lửa dao động. Ngũ Mi ăn no ngồi bên đống lửa nghịch miếng gỗ cùng a Phúc.

Chợ phiên tiếp theo cha, nương và thất thúc đi chợ Sông Lớn. Theo như bàn bạc, sẽ dẫn người khách mua ghe đến nhà, xem xưởng đóng. Thất thúc nói ông khách làm thương lái mua bán lúa gạo mấy vùng gần đây. Giống như Trần bá bán gạo ở chợ làng.

Ở nhà Bình ca đóng ‘bảng hiệu’ đã nhờ Đỗ lang y vẽ lên chỗ gần cầu ván đậu ghe. Mai còn mang tim sen khô ra chuẩn bị nấu nước trà đãi khách.

Hơn giờ tỵ một chút có chiếc ghe cập bờ, là ông nội, Hân ca và Bảo ca đến. Mấy đứa chạy ra chào ông. Mai nghĩ thật hên. Có ông nội ở đây thì khách đến nhà sẽ tin tưởng hơn. Ông nội lớn tuổi, là người quanh năm làm việc, dáng người vững chắc lại thêm kinh nghiệm ứng xử, đứng ra nói chuyện thì còn gì bằng.

Nghe Bình ca kể chuyện bán ghe, ông rất vui mừng, dẫn hai đường ca xem xưởng. Ông không nghỉ ngơi còn bắt tay phụ xẻ gỗ đang làm dỡ. Hân ca cũng theo ông làm.

Đúng như Mai nghĩ, người khách mua ghe đối với ông nội rất có lễ. Ông nội nói chuyện chừng mực, còn dặn nếu ghe có cần sửa thì đến đây, sẽ không trả thêm tiền. Người mua ghe ai lại không muốn cái này, là một dạng ‘bảo hành’ sản phẩm như thời hiện đại.

Lúc tiễn người khách ra về cả nhà vui vẻ, thở phào nhẹ nhõm. Người ta nói “đầu xuôi đuôi lọt”, mong là vậy. Mấy hôm nay cả nhà lo cho cái ghe này. Ai lo làm mui thì làm, ai lo bào nhẵn, trơn láng thì làm. Bây giờ nó có chủ mới rồi, nhà mình kiếm mười lăm quan này thật đáng công.

Lần này ông vào định xem khi nào gặt lúa, cũng xem chuyện đóng ghe có làm được không. Ai ngờ con trai chẳng những đóng được ghe rồi còn bán được mười lăm quan nữa. Còn nuôi đàn gà, đàn vịt mà chuyện ông vui nhất là a Vĩnh được Đỗ lang y thu nhận dạy y thuật, đây là phúc khó có được. Ăn cơm chiều ông dặn dò a Vĩnh chăm chỉ học, mấy hải sản mực tôm cá, nước mắm ông mang vào đều dành một nửa nói cha mang qua nhà Đỗ lang y. Ông dặn nương ngày rằm mỗi tháng cúng dường tịnh xá sư ông, đừng xao lãng. Cha rót cho ông nội thêm ly rượu nghe ông dặn dò.

Sau ngày ông nội đến là ngày lò ấp vịt thứ hai bắt đầu nở. Lần này có tới mười sáu trứng không nở được, được năm mươi con vịt khoẻ mạnh. Ba người nhà nội, nhất là a Bảo cười nói Tết này có thịt vịt ăn rồi, thật đã làm mặt a Phúc tiu nghĩu. Là công hắn chăm sóc đó.

Mấy ngày ông nội ở đây đều dậy sớm xẻ gỗ cùng Hân ca. Ông còn chỉ cách mài dụng cụ cho bén hơn. Đợi khi cha làm xong ở nhà phú hộ thì ông và hai đường ca mới về làng chài, hẹn sau trăng tròn tháng mười vào gặt lúa. Nương chọn khoai, hái đậu chín, rau trái đủ loại để lên ghe mang về, ông nội đều gật đầu nhận, chỉ có hai quan tiền cha đưa ông không nhận, nói:

– Con giữ đó cho a Vĩnh, ngoài kia không thiếu.

Lúc ông nội về rồi Mai và a Phúc trêu chọc a Vĩnh. Trong mắt ông nội chỉ có Vĩnh ca, làm hắn rượt hai đứa chạy quanh sân. Đọc chương mới tại dienvan.space

Chuyện nhà Mai đóng ghe, đặt tên xưởng là Đông Hồ rất nhanh được đồn đại trong làng, nhiều nhà đến xem, hỏi giá. Cha đều nói một trăng đóng một cái nên ai đặt trước lấy trước. Hơn nữa sắp đến mùa gặt lúa, sẽ chậm hơn ngày thường. Mua ghe là chuyện lớn, nhà nông đâu có nhiều tiền, họ cũng chờ gặt lúa xong mới tính xem có mua ghe không.