Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Chương 56: Lại là chuyện làng xóm




Mấy hôm sau có người trong làng đến xem kệ, móc áo gỗ hỏi giá muốn mua. Nguyễn bá mẫu là nương của Tùng huynh kể. Hôm tân gia nhà a Ngọc, thấy kệ trong nhà tiện dụng biết là do cha Mai làm nên đến mua. Tính ra miệng rộng của Lưu tam bá mẫu cũng giúp đươc việc này.

Vừa tiễn khách về thì Tiêu Ân thúc đến lấy đường và dầu. Hôm nay thúc ấy có vẻ rất vui. Ngày thường thúc ấy luôn cười nói, giờ thì càng không dấu được tâm trạng. Cha mời thúc ấy vào bàn ngồi, rót chén nước, hỏi:

- Có tin tốt gì nói huynh nghe được không? Thấy đệ vui như vậy ta cũng muốn biết để chúc mừng đệ.

- Ha ha ha, không dấu được huynh.

Thúc ấy uống hớp nước, vui vẻ nói:

- Đệ gặp được bá phụ rồi.

- Thật? Khi nào?

- Đệ có kể huynh nghe chuyện ở Lũng Kỳ, sau đó đệ thu xếp đi theo thương lái đến Lũng Kỳ, gặp được một nhóm người đồng hương với cha và bá phụ. Đệ nhờ họ tìm giúp, có tin thì nhắn tin về đây. Không ngờ hai hôm trước bá phụ đi ghe đến tìm, còn có hai đường đệ theo cùng.

Tiêu Ân không nén được niềm vui trong lòng. Chuyện nhà thúc ấy có kể cho nhà Mai nghe lúc trước. Cha thúc ấy là người Tàu, theo bá phụ vượt biển đến Trấn Biên lúc mới mười mấy tuổi. Hai người cùng đồng hương lập nghiệp, tìm kế sinh nhai. Theo thời cuộc đi dần xuống vùng Phương Thành thì cưới nương thúc ấy là Đoàn thị. Hai người ở lại cửa biển Phương Thành, làm ruộng, đánh cá sinh sống. Bá phụ thúc thì theo nghề thương lái rày đây mai đó.

Mấy năm trước loạn lạc, cha thúc ấy mất, từ đó không còn gặp bá phụ. Đoàn thị một mình nuôi con, cưới vợ cho thúc ấy xong thì cũng bệnh mất. Nhà ngoại còn hai người cậu ở phía trong làng Thạch. Vợ chồng thúc ấy chuyển đến ở nhà ven cửa biển trên đường đất từ làng chài về đây được hai năm.

Tiêu Ân thúc vẫn nhớ lời cha dặn tìm kiếm bá phụ. Cuối tháng bảy, Tiêu Ân được tin có nhóm người hoa Quảng Đông đến Lũng Kỳ sinh sống, vội vã đến tìm, không ngờ chưa đầy hai tháng đã tìm được người nhà.

- Bá phụ muốn dựng nhà ở Lũng Kỳ để nhị đệ ở nhà, bá ấy và tam đệ tiếp tục làm thương lái các vùng lân cận, không đi xa nữa.

- Vậy tốt rồi, từ đây đi Lũng Kỳ hai ngày, đệ có thể thường xuyên qua lại. Ta nghe nói đường đi Lũng Kỳ không khó.

- Phải, lần trước đệ đi không nguy hiểm, ở trọ một đêm. Nếu đi ngược lên sông Giang Thành không phải nghỉ trọ, theo con nước đến tối neo tại bến ngủ luôn.

Nương mang lên dĩa mứt khoai lang non vừa làm, hỏi Tiêu Ân thúc:

- Thím Vanh Na khi nào sinh?

- Hai tháng nửa, đệ lo gần ngày gặt lúa đây.

- Gần ngày sinh đừng để thím ấy làm việc nặng.

- Đệ biết, tháng sau nương nàng ấy đón về rồi. Có bà đệ đỡ lo.

Vanh Na là tên của vợ Tiêu Ân thúc, thím là người Chân Lạp, nhà ở làng Thạch.

- Mình đệ gặt lúa kịp không? Lúc đó báo ta biết, ta đến giúp đệ một tay.

- Đệ có gần hai mẫu, đệ làm dần công với người trong sóc, huynh đừng lo.

Sóc là cách gọi làng của người Chân Lạp, Tiêu Ân thúc biết nói một ít tiếng Chân Lạp và tiếng Hoa Quảng Đông, Tiều Châu nữa.

Nói thêm vài câu Tiêu Ân thúc lấy đường dầu rồi đi nhanh về nhà. Cha ra xem mấy miếng gỗ đang được uốn trong ‘xưởng’. Dù sao cũng dùng lửa đốt cho gỗ ‘mềm’ từ từ uốn theo độ cong cần thiết nên cha xây vách lá, lợp mái xung quanh như cái chòi cũ. Mai nói cha mở rộng sân trước, dựng thành nhà xưởng cưa xẻ, gia công luôn.

Bí quyết đóng ghe là ở uốn, gia công mấy tấm be. Tính toán độ cong phù hợp và các miếng gỗ phải khớp nhau. Mai không phải thợ mộc, cô chỉ biết nguyên lý và trình tự đóng ghe nên trong lúc chờ gỗ được ngọn lửa hun nóng và có độ cong cần thiết.

Cô cùng Bình ca làm thử rất nhiều lần. Dùng gỗ nhỏ, mỏng dễ uốn đo, cắt và ráp chúng lại với nhau, cái thứ nhất, cái thứ hai,... Cái sau lớn hơn chút, cứ như vậy a Bình cũng từ từ biết làm sao cắt ván đáy, ván be, cái gì là tỷ lệ ghe mẫu – ghe thật.

Sáu ngày sau ba ván đầu tiên uốn xong, chín thanh cong cũng được tiện thành thì bắt đầu ráp thử cái ghe đầu tiên. Cha theo lệ đốt nhang, gạo, muối, hột vịt và tôm cua cúng trước khi làm. Suốt cả ngày hôm đó tiếng đục, cưa không nghỉ. Ba miếng gỗ dày gần hai thốn, rất nặng, được ghép lại, kéo ra, đục bớt, chỉnh mộng đến tối vẫn chưa xong.

Cha, thất thúc và Bình ca còn muốn đốt lửa làm tiếp, nhưng nương không cho. Cũng không phải gấp đến như thế, chỉ là nhìn thấy chiếc ghe sắp thành hình cha không dằn lòng được. Sáng hôm sau cả nhà đều dậy sớm hơn, lo vài việc hàng ngày xong thì đều ra xưởng tiếp tục việc dang dở. Vĩnh ca xin Đỗ lang y ở nhà hai ba hôm để phụ giúp.

Tỉ mỉ đóng ráp cũng xong vào ngày thứ năm, nhìn chiếc ghe đầu tiên nằm giữa xưởng, mùi gỗ còn thơm, mạt cưa rải rác khắp nơi, ai cũng vui mừng. Tay cha sưng lên vì cầm cưa đục liên tục, mấy đứa con trai đều có vết bầm tím trên cánh tay, vết đỏ ửng trên bàn tay.

Mai xem các vạch đánh dấu trên vách, mất hai mươi hai ngày từ lúc bắt đầu cưa ván. Tuy là chiếc ghe đã xong nhưng phần mũi vẫn chưa được đẽo gọt kỹ, mấy thanh cong cũng vậy, còn vẽ mắt ghe nữa. Ở đây người ta dùng một loại nhựa cây màu vàng nhạt để trám đáy và một loại màu đen để vẽ, sơn lên thành ghe. Hôm trước cha đã mua để sẵn, vấn đề là không được lật úp ghe để trám nên cả nhà lại hì hục nâng chiếc ghe lên mấy khung đỡ, Bình ca chui xuống dưới tỉ mỉ trám các khe hở nhỏ giữa ba tấm ván.

Mấy hôm nay chỉ lo đóng ghe nên không chú ý, Cúc tỷ nói đàn vịt con đã lớn hơn. Lông khô ráo không còn thấm nước, bọn chúng chen nhau kêu chíp chíp đòi ra khỏi cái rổ tre. Chuồng gà lúc trước cũng không đủ cho đàn gà nên lại nới rộng vườn sau làm chỗ cho gà vịt. Hàng rào nuôi vịt kéo dài xuống khoảng rạch cạn sau nhà. Mai trồng một ít cây lát vào trong mép rạch giống như môi trường sống của đàn vịt.

Hôm nay là chợ phiên nhưng nhà Mai không ai đi bán được, xế chiều Lưu bá mẫu đi chợ về sang chơi. Nhìn mấy con vịt kêu chíp chíp theo Cúc tỷ đòi ăn, bá mẫu cũng muốn nuôi nên nương bắt mười con bỏ vô rổ, chỉ cách cho ăn. Nương cũng nói là vịt nước hoang nên bọn chúng thích nước, phải trông coi cẩn thận nếu không chúng sẽ theo đàn vịt hoang ở sông rạch đi mất.

A Phúc sợ vịt đi mất nên chạy ra trông chừng bọn chúng, còn lội xuống rạch xem hàng rào có chắc không. Lưu bá mẫu thấy hắn như vậy không khỏi khen.

- Coi a Phúc thật giỏi.

Bá mẫu còn đưa tay vuốt bụng, thở dài:

- Ngũ Mi cũng gần bốn tuổi mụ rồi, a Hà trông có thêm con trai mà chắc không được.

- Tẩu còn trẻ mà, mấy năm nay vất vả quá. Bây giờ đã tốt hơn, tẩu phải nghỉ ngơi nhiều, sẽ có thôi.

Nhà Lưu bá chỉ có Tương huynh là con trai nên bá mẫu luôn muốn có thêm, chỉ là sau khi sinh ngũ Mi thì sức khoẻ yếu. Lại cộng thêm sinh ba con gái liên tục không khỏi bị mọi người cười chê nên sợ lại có thêm con gái mà không phải con trai.

- Có con trai mà như...

Đang nói dỡ giữa chừng thì có tiếng Lưu tam bá mẫu đi vào. Lưu bá mẫu liếc nương cười mỉm như có ý ‘nhắc Tào Tháo có Tào Tháo’.

- Tẩu ở đây sao, ta qua nhà không thấy tẩu nên đến đây.

Tam bá mẫu liếc nhìn mấy con vịt con trong rổ nói:

- Vịt hoang này nuôi bọn chúng cho trời hưởng, chúng bay theo bầy mất, chỉ tốn công. A Ngư nhà ta ra ruộng đặt bẫy là có mấy con ăn rồi.

Việc nhà Mai nuôi gà rừng cũng bị nói là phí công. Lưu bá mẫu hơi nhướn mi, chuyện a Ngư vào ruộng nhà người đặt bẫy chim cò còn giẫm nát lúa mấy nhà trong làng. Người ta gặp bá mẫu nói xa nói gần làm bà khó chịu mấy hôm nay. Nhà Lưu tam bá có xin hai mẫu đất làm ruộng, định khẩn hoang thêm ba bốn mẫu kéo dài ráp với Nguyễn gia bên phía ao sen. Nhưng bây giờ đã qua mùa trồng lúa, nên chỉ lo nhổ cỏ, làm đất chuẩn bị cho mùa sau.

‘Chim trời cá nước’ là chỉ chim cò hoang, cá tôm sống trong sông rạch hoang dã. Ai muốn cứ bắt ăn, thậm chí vào đất ruộng nhà người ta đặt bẫy cũng không sao. Hàng xóm láng giềng sẽ không nói nhiều, nhưng Lưu Ngư giẫm lên lúa người ta thì không được.

Mỗi gốc lúa là kết quả công sức mấy tháng trời chăm sóc. Lúa là lương thực chính cho người nhà có cơm ăn no bụng. Lưu tam bá mới vào đây ở, còn xa lạ nên người trong làng chưa nói vì họ cũng nghĩ tình. Họ nói với Lưu bá mẫu vì họ quen bá mẫu đã lâu.

- Thím ba dặn a Ngư đặt bẫy trong ruộng đừng giẫm lúa,

Lưu bá mẫu đúng dịp này nhắc luôn.

- Ai nói a Ngư giẫm lúa? Làm gì có chứ!

- Ta nghe hai nhà trong làng nói đó.

- Nhà nào? Thấy a Ngư đặt bẫy nhiều nên muốn chia phần hay sao? Nói gì đâu!

Xem ra không dễ nói chuyện này với Lưu tam bá mẫu. Nương và bá mẫu đều bận rộn việc nhà nên đứng dậy đi làm việc, Lưu tam bá mẫu kéo hai người lại:

- Tẩu với thím nghe tin gì chưa? Sáng nay ta đi chợ làng nghe nói phú hộ Từ vừa cưới một người thiếp nữa, trẻ đẹp lắm, từ Cù Lao Phố lận đó.

À, thì ra đây mới là chủ đề chính tam bá mẫu muốn nói. Tin này đủ hấp dẫn kéo nương và bá mẫu ngồi lại nghe.

- Chuyện là sao?

Lưu tam bá mẫu thành công lôi kéo người nghe, lập tức thẳng lưng lên, mắt nhìn qua lại rồi mới nói:

- Nghe nói tháng trước phú hộ cùng con trai trưởng Từ công tử đi Cù Lao Phố buôn bán, thăm người thân mà cũng có ý tìm vợ cho công tử. Không biết sao mấy hôm trước trở về mang theo một cô nương trẻ, tưởng là vợ của công tử, ai ngờ là thiếp thứ ba của phú hộ.

- Thật?

- Sao vậy?

Thấy người nghe phản ứng kinh ngạc giống như mình dự đoán, tam bá mẫu hào hứng nói tiếp:

- A Linh làm việc trong nhà phú hộ kể. Bà phú hộ nhất định không đồng ý, đuổi cô ta ra khỏi nhà, cãi vả rất lớn. Nhưng ông phú hộ nhất định muốn giữ lại. Hai hôm nay cô nương đó ngủ ở khu nhà người làm. A Linh nói rất trắng trẻo, mắt mũi rất đẹp.

Tam bá mẫu còn nói chi tiết cô nương đó tóc dài đen mượt ra sao. Cô nương đó mặc quần áo màu kiểu cọ, thêu hoa văn muốn đẹp hơn tiểu thư nhà phú hộ,.... Giống như bà tận mắt thấy vậy. Xem chương mới tại dienvan.space

- À, phú hộ sẽ dựng khu nhà phụ cho cô nương này, sáng nay đến nhà Bùi thúc nhờ cậy đó. Ta nói cha a Ngọc đi theo làm, nhà người ta giàu có chắc tiền công cao. Mà nếu quen được nhà phú hộ sau này cũng có lợi lắm.

Bà còn hỏi cha Mai và Lưu bá có muốn đi làm ở nhà phú hộ không, hai người đều nói chờ Bùi thúc gọi mới được. Trời đã ngã về chiều, có muốn ‘tám’ nữa cũng không được. Ba người dứng dậy về lo cơm nước, dọn dẹp.