Đào xong bụi khoai
mì, định đi tiếp thì nghe tiếng Bình ca gọi. Bình ca và An ca đang đi về phía này, trên tay xách theo con dao, mấy cọng dây lạt.
- Ca đi chặt cây gì?
- Nương kêu ta đi chặt tre, làm nan đan
A An đưa cho hai đứa chuối và mấy củ khoai nhỏ. Làm việc tay chân thiệt tốn sức, đúng là thấy hơi đói bụng rồi.
- Nhị bá và mấy đường ca đến rồi. Đang đi chặt lá dừa. Bảo ca nói sáng nay a Phúc khóc đòi theo quá trời, hi hi.
A An không phúc hậu chút nào, Mai thấy hơi nhớ a Phúc.
Cả nhà đến rồi, công việc cũng sẽ nhanh hơn. Bụi tre thật lớn gần gò đất
nhỏ kia, bốn đứa cùng nhau qua đó. Đi ngang qua hàng cây thốt nốt cao
ngất mới đến bụi tre.
Bình ca chọn mấy cây tre thẳng, vừa nắm tay chặt xuống, róc lá, bỏ ngọn để qua một bên. Gai tre chằng chịt nên mấy
cây đầu chặt chậm, sau đó mới nhanh hơn.
- Ca, đường thốt nốt mắc lắm sao?
- Ừ, muội hỏi làm gì? Thèm ăn chè hả?
- Không phải, đường đó khó làm lắm à?
- Đường không khó làm, khó là không lấy được nước thốt nốt.
An ca xì xì chen vô:
- Muội nhìn xem, cây thốt nốt cao như vậy đâu có dễ leo. Cha nói có người leo té xuống không thở được chết luôn đó.
Mai nghe xong nhìn Vĩnh ca, hắn lúng túng nói:
- Đúng rồi a Mai, cây dừa thấp ta leo được. Cây thốt nốt không được đâu. Cha biết sẽ đánh chết đó.
Mai bĩu môi nói:
- Muội kêu ca leo hồi nào!
- Hì hì.
A Vĩnh thấy Mai bĩu môi, cảm thấy hơi áy náy cười hì hì lấy lòng, hai đứa thân nhất nhà nên đương nhiên a Mai không xúi hắn làm bậy.
Mai
giờ mới hiểu vì sao đường mắc, cây thốt nốt có sẵn nhưng khó lấy nước,
nguy hiểm như vậy ai không sợ. Nhưng mà nếu mình có cách leo hái an toàn hơn thì sao? Mình có thể làm đường thốt nốt bán kiếm ít tiền không? Bù
vào tiền dựng nhà, mua lúa giống nữa.
Nghĩ nghĩ xong cách, Mai chạy lại gần cây thốt nốt quan sát, ước chừng chiều cao cây thấp nhất.
- Ca, muội có cách leo cây thốt nốt không sợ té.
- Thật không? Làm sao?
Ba đứa con trai đồng thanh hỏi, nếu làm được đường thốt nốt có thể dùng trong nhà, còn bán được.
Mai lấy nhánh cây vẽ xuống nền đất, vừa giải thích làm sao để làm, còn nói thêm:
- Muội mới nghĩ ra, chưa chắc làm được nên chưa cần nói mọi người.
- Được,
Mai bổ sung:
- Chắc là leo được.
A An gom mấy bó tre vừa chặt, nói:
- Ta mang về cho nương trước, sẵn mượn con dao nhỏ và mang mấy bó lạt lại đây luôn.
Ba đứa ở lại bắt đầu lo việc của mình. A Vĩnh nối rồi bện dây lạt, Bình ca chọn cây tre già, thẳng, thân to đốn xuống. Chặt nhánh chừa lại gốc
nhánh làm bậc, tuốt bỏ lá xong hai đứa kéo về phía cây dừa thấp làm thử. Đúng là trèo lên dễ dàng hơn, nhưng phải tìm cây tre cao hơn nữa. Từ
xa, An ca nhìn thấy hớn hở chạy đến, được rồi. Các bước chuẩn bị khác
cũng làm xong, giấu mấy cái này trong bụi tre, bốn đứa về nhà ăn cơm.
Mai nháy mắt ra hiệu Vĩnh ca, hắn liếc xung quanh rồi nói:
- Vinh ca, chiều nay đi tát đìa với tụi đệ không? Chỗ kia nước gần cạn rồi, cá nhiều lắm.
Vừa nói vừa chỉ hướng đìa nhỏ gần đó. Mọi người đều nhìn ông nội. Ông nghĩ nghĩ rồi gật đầu.
- Tát xem có thêm mấy cá tươi ăn.
- Dạ.
Mấy đứa nhỏ hớn hở ăn cơm, nghỉ trưa để chiều còn đi.
Nghỉ trưa xong, Mai không đi xem tát đìa mà quanh quẩn gần bếp. Cô đang
nghĩ, có nước thốt nốt rồi lấy gì làm khuôn đường? nghĩ không ra, từ từ
vậy.
Vị trí dựng nhà ở phần trước miếng đất, cách rạch gần năm
mươi thước (1 thước = 0,47m). Sân sau rộng hơn thuận lợi trồng rau, nuôi heo gà. Sân trước để phơi lúa. Cửa chính nhà là hướng Nam, Mai không
nhớ rõ lắm nhưng thời trước đọc sách đều nói nhà ở miền này đều xoay
hướng nam hoặc hướng ra sông. Hình như là tránh nắng và nhận gió tốt.
Nương và Cúc tỷ bận rộn vót đan, đem phơi, còn lo phơi lá lợp nhà. Mai đi ra
phụ lật đan tre thì nương bảo không cần, ra nắng sợ bệnh. Mai định ra
đìa xem cạn chưa thì a An đã chạy vào:
- Nương, bắt được ba ba, hai con.
- Đâu, nương coi, cũng trọng. Mai, con hỏi ông nội có muốn ăn ba ba chiều nay không? Món gì để nương làm.
- Dạ.
Thịt ba ba rẩt ngon, bổ dưỡng nên ai cũng thích ăn. Ông nội muốn ăn ba ba
hấp rượu trắng. Mai báo nương biết rồi chạy ra đìa. Đìa đã cạn nước,
chậu bên này tôm búng nước tanh tách.
- Muội ôm nổi không? Mang về trước đi, để lâu quá nó chết hết.
Vinh ca đứng dưới đìa nói.
- Được, muội mang về.
Cá trê, cá lóc, cá rô còn rộng được (rộng - từ địa phương - là đem cá thả
trong nước sạch), tôm thì phải làm liền. Cúc tỷ và Mai ngồi chỗ mát cắt
bỏ đầu, đuôi tôm. Nương thì kiếm mấy cái chậu lớn để rộng cá. Mấy con cá nhỏ được làm sạch rồi làm mắm để an dần. Xem ra thức ăn trong mấy ngày
tới là không lo rồi; chỉ thiếu tiền thôi.
Hay là dùng gáo dừa khô đổ khuôn đường?
Gió chiều thổi mát rượi, trên bàn ăn có ong non nấu cháo, ba ba hấp, tôm
kho dừa làm mọi người vui vẻ, rôm rả nói chuyện. Mai giật mình, mới đây
Mai đã dần quen cuộc sống không có tiếng nhạc, không có tivi hay phim
xem. Trời tối là lo đi ngủ, sáng dậy sớm như gà, âm thanh là tiếng gió
thổi, chim kêu, cả ngày chỉ quanh quẩn ở nhà, nói chuyện người nhà. Vậy
mà cũng thấy thoả mãn.
Tối nay mấy đường ca ngủ trên ghe, An ca,
Vĩnh ca cũng đòi theo. Ăn cơm xong, cả đám nướng thêm một rổ khoai, mấy
con cá lóc, kèm theo muối rồi rủ nhau lên ghe chơi. Ông nội cũng không
nói gì, ngồi nói chuyện một chút thì lên ván ngủ.
Ba mẹ con Mai quay về nhà bên này, trời đã mờ tối nên về nhà tranh thủ tắm xong lên giường ngủ ngay.
Hôm sau, nương dậy sớm hơn mọi ngày, nhẹ bước đi qua bên kia. Bùi ông dặn
cúng dựng nhà giờ Mão (từ 5 - 7 giờ sáng) nên nương thức sớm chuẩn bị.
Lễ cúng đơn giản cá tôm nướng, dừa gọt vỏ xanh, trái đu đủ to vừa chín
tới, rượu và nhang. Bùi ông lâm râm khấn vái, đến ông nội rồi lần lượt
theo thứ tự từ lớn đến nhỏ, đương nhiên là không bao gồm đàn bà con gái.
Hơi uất ức, đúng không? Nhà này nương, Cúc tỷ và Mai cũng có đóng góp chứ, không ghi nhận công sức gì cả!
Người nhiều, sức lớn, lại có Bùi ông chỉ huy nên ai nấy làm việc hết sức. Mai định kéo Bình ca đi làm tiếp việc chuẩn bị làm đường nhưng nghĩ lại nên chờ thêm mấy ngày nữa. Chiều nay tam bá về làng chài, Mai kéo Vĩnh ca
đi xung quanh tìm tổ ong, nếu may tìm được mang cả tổ về cho bà nội, bà
sẽ vui.
Hôm nay đi xa hơn qua khỏi bụi tre, đến bìa rừng. Hai đứa không tìm trên cây mà cúi tìm chỗ đất cao hay gốc cây lớn mục. Trên chỗ này không có tổ ong mà có dây leo, gân lá tím nhạt. Mai không nhớ lá
của cây gì, đào thấy củ sẽ biết. Ngay sát mặt đất chỉ có lớp lá phủ là
một củ lớn hơn khoai lang, vỏ đen sần sùi. Lấy cây vót nhọn đâm vào, bên trong ruột tắng hồng, sựt sựt, nhớt nhớt.
- Củ này ăn được không? Ta mới thấy lần đầu.
- Muội không biết, mang về hỏi nương.
- Ừ.
Loại này cũng giống khoai lang, một bụi có một củ chính lớn, mấy củ phụ nhỏ
hơn. Xung quanh có rất nhiều loại khoai này. Tự nhiên Mai thấy nhột nhột trên cánh tay, quay lại nhìn, trời ơi! Một con sâu lông bự chảng, đỏ
rực, ahhhhh.
- Ca, ca,... tay muội.
Mai sợ đến líu lưỡi.
- Phù,... có bị cắn chưa? Ngứa không?
Vĩnh ca lấy nhánh cây khều con sâu xuống, thấy Mai sợ thì lo lắng hỏi.
- Chưa,
- Ha ha, con sâu nhỏ xíu mà.
- Ca dám cười, muội bắt nó bỏ lên tay ca xem,
Vĩnh ca nghe vậy còn cười to hơn, nhưng cũng chạy tránh xa.
- Muội dám bắt nó không? Ha ha.
Không biết con sâu bị quăng đi đâu, Mai đứng dậy, trừng mắt nhìn a Vĩnh rồi
bỏ đi về. Nhóc thấy Mai giận thì không chọc nữa, ôm rổ khoai đi theo
sau.
- Mấy con này cắn ngứa ngứa, lấy muối sát vô chỗ bị cắn, một chút là hết.
Mai không thèm trả lời, đi đến gần bụi tre thì a Vĩnh kêu lớn,
- Đừng bước tới, nhìn phía gốc tre to kìa!
Mai dừng lại, không biết có phải chọc mình không.
- Thấy không? Tổ ong đó.
Hả, đúng rồi, là tổ ong dưới gốc tre. Tìm cả buổi không thấy, giờ nó ngay
trước mặt. Hôm qua, mấy đứa ngồi phía kia bụi tre nên không thấy nó.
- Muội đứng xa ra, ta chạy nhanh về gọi tam bá.
Không cần nhắc Mai đã lùi về phía mấy cây thốt nốt, tổ ong đâu cần cô trông chừng!