Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Chương 113: Miệng hại thân




Bình ca chưa kịp kể xong chuyện tai nạn cho thất thúc nghe thì tiếng lộc cộc vang khắp đường.

– Xe ngựa, kìa!

A Cơ chỉ chỉ chiếc xe ngựa sang trọng đang chạy về hướng dược quán. Con ngựa ô to lớn kéo xe ngựa gỗ có rèm che màu xanh biển. Phía trước có hai hàng binh lính chạy nhanh hô to dẹp đường. Không chỉ nhóm tụi nhỏ mà có mấy người đang đi trên đường cũng chậm bước nhìn xe ngựa đang dừng lại. Hình như có chuyện quan trọng cấp bách đang xảy ra.

Từ trên xe có cô nương trẻ và bà bà lớn tuổi vội vã bước xuống, quay người ôm một người khác quần áo hoa lệ từ trong xe ra. Có hai người lính đã chuẩn bị sẵn cáng nhỏ đưa thiếu phụ ăn mặc hoa lệ vào trong phòng chẩn bệnh.

Phía trong truyền ra tiếng hô to nhỏ, rất ồn ào. Bên ngoài nhiều người tò mò hỏi han sự tình. Ào tới theo là chiếc xe bò, cũng dừng trước cửa dược quán. Trên xe là một người đàn bà cỡ năm mươi tuổi, dáng người nở nang, gương mặt tròn trịa đang nhăn nhó, có vẻ rất khổ sở, hai mắt đã sưng đỏ. Bà vội vàng vào trong mặc kệ phía sau có hai cô nương đang mang túi vải, rương gỗ đủ thứ.

– Là chuyện gì vậy? Có người bệnh sao?

Tiếng hỏi han, xầm xì lan ra. Một lát sau có mấy người ngồi vào ghế quán nước nói chuyện, tụi nhỏ bên này lắng tai nghe.

Thì ra phía trên trấn có nhà phú hộ Bùi, hôm nay có người thân từ xa đến thăm. Ai ngờ vị khách đó gặp tai nạn, trợt chân té, cái thai mấy tháng động, vội vàng đến lang y nhờ cứu chữa. Vậy thiếu phụ quần áo hoa lệ là người bệnh. Quần áo rộng rãi lại được người nâng đỡ nên lúc nãy Mai không nhận ra là đang mang thai.

– Nghe nói vị trong đó là phu nhân nhà quan, nhìn xe ngựa đi, chưa thấy cái nào đẹp giống vậy, phải không?

Nhóm mấy người lớn kêu hai chai rượu gạo và khô mực, vừa nhâm nhi vừa nhìn xe ngựa bình phẩm.

– Nhìn con ngựa đi, ngựa này đi ngàn dặm không?

– Làm gì có, ngươi nói bộ thiên lý mã sao?

Mấy đứa con trai say mê nghe chuyện ngựa nào tốt, nuôi rồi chăm sóc ra sao. Câu chuyện mọi người hình như hơi đi xa qua chuyện ngựa rồi!

Mai lại buâng khuâng lo lắng tình hình bên trong. Thai phụ nếu té nặng sẽ ảnh hưởng đến thai nhi, không biết vị lang y đó chẩn bệnh sao rồi? A, hình như mời bà mụ đỡ đẻ đến? Sanh non sao?

Mai khều tay áo Vĩnh ca, nhỏ giọng hỏi:

– Đỗ lang y có dạy bắt mạch chẩn bệnh cho thai phụ chưa?

– Chưa, sư huynh còn chưa học được nữa là ta.

Ừ, mình đúng là mơ tưởng, a Vĩnh cũng không phải thần tiên. Mai đang lơ mơ nhớ lại ít kiến thức về chuyện sanh non và trẻ con thiếu tháng thì nghe tiếng chào.

– Là mấy cháu à, vô trấn làm gì?

Đòan bá và nghĩa đệ đi ra, định ngồi xuống bàn bên kia thì thấy mấy đứa nhỏ nên đi qua. Thưa hỏi xong thì Bình ca đáp:

– Dạ, tiểu thúc và đệ cháu từ Đông Hồ vô. Ông bà ngoại cho cả đám đi chơi một buổi. Bá khoẻ chưa?

– Khoẻ hơn rồi, định ở lại vài ngày nữa thì đi.

Nhóm người lớn bên kia thấy Đoàn bá đi ra từ dược quán tưởng là người quen với chủ xe ngựa, hỏi vọng qua:

– Trong đó sao rồi huynh?

Hồ thúc cười cười trả lời:

– Ta ghé mua thuốc, thấy nhà họ vội vã nên ra đây chờ. Ta cũng không rõ.

– A,

Thì ra không quen, là người qua đường giống họ thôi. Qua giờ ngọ rồi, mấy đứa nhỏ đứng lên chào Đoàn bá đi về. Bá ấy nhất định đòi trả tiền nước dừa và mấy chén chè của tụi nhỏ. Qua lại hai câu không thể từ chối nên tụi nhỏ cảm ơn rồi đứng dậy. Chưa kịp đi ra thì có hai người lính bước tới, chắp tay chào mời Đoàn bá, Hồ thúc vào trong. Nhìn nhìn mấy đứa nhỏ rồi kéo vào luôn.

Có chuyện gì vậy? Mai nhíu mày nhìn Đoàn bá có ý hỏi:

– Ta cũng không biết.

– Xin hỏi kéo tụi cháu vào đó làm gì? Cháu phải về nhà.

Mai không bước đi mà nhìn người lính lớn tuổi hơn nói.

– Ta chỉ nghe lệnh thôi, vào trong đi.

Không được, nếu không biết là chuyện gì thì không thể vào. Mai nắm tay a Phúc, Vĩnh ca chặt hơn, ra hiệu không thể đi. Bên trong dược quán chưởng quầy đi ra, chắp tay chào Đoàn bá nói:

– Xin thứ lỗi, có chuyện nhờ quý vị tương trợ, có thể vào trong nói chuyện được không?

– Vậy được.

Đòan bá suy nghĩ, nhìn mấy đứa nhỏ rồi gật đầu, quay sang nói thêm với thất thúc:

– Cứ vào đi.

Mấy đứa nhỏ nhìn nhau rồi nhìn Mai. Mai nhìn ra xung quanh vẫn còn đông người, bên kia tửu quán có người ăn xong cũng đi ra nhìn về bên này. Mai chăm chú nhìn chưởng quầy, bá ấy thấy lo lắng trong mắt cô, chắp tay lần nữa nói:

– Tiểu cô nương không cần lo lắng, thật sự có chuyện cần nhờ hỗ trợ.

Bước vào trong dược quán, qua khỏi gian phòng chẩn bệnh thường ngày là sân rất rộng. Gần một nửa sân là chỗ phơi lá thuốc, từng mẹt tre xếp trên dàn; mùi thuốc lẫn trong không khí. Thật không nghĩ là phía sau tiệm thuốc là khung cảnh như thế này.

Băng qua sân là đến mấy gian nhà tường gạch, mái ngói. Nhóm nhiều người đang đứng trước hàng hiên nhà. Chưởng quầy dẫn đoàn người đi thẳng vào sảnh, gian phòng sau sảnh hơi rộng có hai vị lang y đã ngồi sẵn ở bàn, còn có người đàn bà tròn trịa mắt hoe đỏ đứng gần cửa ra phòng bên kia. Chưởng quầy ngăn mấy đứa nhỏ lại chỉ muốn một mình Mai đi vào/ Mai hiểu ý nên gật đầu với Bình ca, thất thúc cùng mấy đứa con trai đứng bên ngoài, cô nắm tay Vĩnh ca nói:

– Ca cháu đang học y thuật.

Chưởng quầy gật đầu, đóng cửa phòng. Lang y và mấy người lớn chào hỏi xong, lang y lớn tuổi hơn nói:

– Hai vị thứ lỗi,

Tiếp đó vị lang y lớn tuổi họ Trần nói rõ tình hình. Thiếu phụ mang thai gần tám tháng, bị trật chân té nên động thai. Lang y xem mạch quả thật không ổn, nếu không sanh cả người lớn và thai nhi đều nguy hiểm nên đã bốc thang thuốc dục sanh. Bà đỡ đã mời tới, đang lo chuẩn bị trong phòng. Dục sanh sớm, may mắn có thể cứu cả hai, nếu không …

Nói đến đây thì trong phòng nghe tiếng khóc của người đàn bà bên kia. Trần lang y bỏ qua, nói tiếp.

– Dược quán hiện không có nhân sâm quý hiếm trợ sức thai phụ. Lần trước bốc thuốc có biết nhơn huynh có nhân sâm quí chưa dùng. Mong Đoàn huynh nhượng lại. Trần mỗ ghi ơn và trả ngân lượng đầy đủ.

Phụ nhân bên kia đi lại chắp tay nói:

– Kính xin nhị vị giúp đỡ, ơn nghĩa này ghi tạc trong lòng. Người nhà ta sẽ tìm nhân sâm khác thay thế và bồi thêm tiền.

Đòan bá gật đầu ra hiệu cho Hồ thúc, nói:

– Nhị vị chớ lo lắng, nghĩa đệ ta về khách điếm lấy nhân sâm đến. Xin chờ thêm một khắc.

– Đa tạ.

Hồ thúc đứng lên bước nhanh ra ngoài. Trong phòng trầm lặng, không ai lên tiếng. Mai ho lên nho nhỏ hỏi:

– Xin hỏi chưởng quầy và lang y, muốn tụi cháu vô đây làm gì?

Câu hỏi rất đúng lúc, hình như ngoài chưởng quầy ra ai cũng không hiểu vì sao dẫn một đám nhóc vào đây. Chưởng quầy nhìn Mai nói:

– Lần trước ta nghe cháu nói biết y thuật, nên muốn lưu cháu lại.

Thật ra Lê chưởng quầy cũng không hiểu vì sao mình có cảm giác tiểu cô nương này có thể giúp được. Lần trước nghe cô nương nhỏ tuổi mà nói năng mạch lạc, ý tứ trong mắt rất kiên định; không phải ba hoa. Sáng nay lúc mua mật ong, nhìn cách tiểu cô nương bình thản đếm tiền, nhận tám quan mà không hề lúng túng giống như đã làm việc này hàng ngày; thật sự làm ông ngạc nhiên. Chất lượng mật ong cũng thuộc loại nhất phẩm, đúng như lời nói.

Chưởng quầy vừa định nói tiếp thì ngoài cửa nhiều tiếng bước chân đi nhanh vào. Dẫn đầu là một người đàn ông khoảng chừng hơn hai mươi tuổi, gương mặt sạm nắng, bên hông mang kiếm, ánh mắt sáng quắt.

– Nương, tỷ tỷ sao rồi?

Là đệ đệ của thai phụ nên không khỏi khẩn trương. Người đàn bà nghẹn ngào nói lại tình hình. Trần lang y đứng dậy mời người mới tới nói:

– Bùi đại nhân, mời ngồi.

Tiếp đó là kể lại tình hình sức khoẻ thai phụ và các việc đang làm. Bùi đại nhân đứng dậy chắp tay tạ ơn Đoàn bá.

– Đa tạ. Chúng ta sẽ tìm gấp nhân sâm cùng loại hoàn lại cho hai vị.

– Không sao, ta có thể chờ.

Bùi đại nhân lại quay sang Trần lang y hỏi:

– Theo ý lang y, dục sanh lúc này có thể cứu cả hai, nhưng thai nhi gần tám tháng có thể khoẻ mạnh sao?

Hỏi đúng vấn đề rồi, thật ra đây là điều Mai lo lắng, định chờ chưởng quầy nói xong thì hỏi lang y. Không ngờ chuyện cô ba hoa về chuyện biết y thuật lại bị kéo vào đây, đúng là cái miệng hại cái thân.

Trong đầu Mai nhảy qua rất nhiều kiến thức vô tình đọc được trước đây. Trẻ sanh non không đủ sức khoẻ trong môi trường tự nhiên, phải đặt trong phòng vô trùng, điều kiện ổn định. Thậm chí nhiệt độ xung quanh phải giống như lúc trong bụng mẹ mới tăng khả năng sống sót.

Nhìn quanh mấy gian nhà và sân vườn này, có thể tạo ra phòng vô trùng và giữ nhiệt độ ở ba mươi bảy độ không?

– Lão phu cũng lo lắng chuyện này, may mắn phu nhân sanh đặng, người lớn dùng thuốc sẽ vượt qua nguy hiểm, nhưng thai nhi sẽ nguy hiểm hơn.

Lời này không trấn an được hai người Bùi đại nhân và Bùi phu nhân bên kia, mà khiến họ lo lắng hơn. Xem ra phụ thân đứa bé này rất mong đợi đứa nhỏ, mà người này không phải dễ chọc. Thai phụ về thăm nhà lại gặp tai nạn đến động thai, không biết sự tình bên trong là gì.

Mai cúi đầu nói nhỏ trong tai a Vĩnh mấy câu, a Vĩnh mới đứng lên nói:

– Cháu có nghe nói một cách để thai nhi ít mấy phần nguy hiểm trong mấy ngày đầu khi mới sanh ra.

– Thật?

Mấy câu trả lời đều cao giọng, nghi ngờ là đúng rồi. Dù sao cũng chỉ là hai đứa nhỏ, có học qua y thuật cũng chưa đủ bắt mạch xem bệnh.

– Ý của ca ca là giúp tiểu công tử mới sanh bớt mấy phần nguy hiểm, không đảm bảo bình an vượt qua. Dù sao còn phải xem bản thân tiểu công tử sức khoẻ ra sao nữa.

Câu này là ‘bảo hiểm’ cho cô và a Vĩnh, không ai bảo đảm trẻ sanh non sẽ khoẻ mạnh hoàn toàn. Mà trẻ sơ sinh đủ tháng vẫn luôn có nguy cơ huống chi là thiếu tháng.

Vị Bùi đại nhân nhìn chăm chú qua lại gương mặt hai đứa nhỏ, hồi lâu sau nói:

– Ta để Trần lang y theo hỗ trợ.

– Được.

Mai không nhanh không chậm gật đầu, muốn có người theo nhìn càng tốt. Cô cũng chỉ biết lý thuyết, cần có người thuần thục mới giúp làm được. Huống chi ở dược quán này, không có Trần lang y hỗ trợ cô cũng không làm gì được. Mong là đứa nhỏ này được dưỡng tốt ở mấy tháng đầu, giờ sinh ra sẽ đủ sức đề kháng.