Những người thường xuyên tăng ca nhiều ít đều có chút biến thái.
Theo tâm lý học thì, con người luôn cần giải tỏa cảm xúc. Nhưng tâm trí của người thường xuyên phải tăng ca luôn căng thẳng, cảm xúc bị đè nén sẽ dồn ứ lại, đến một mức nào đó, chúng sẽ thoát khỏi sự khống chế của bản thân họ. Điều này lý giải vì sao ở nước J có nhiều người có tâm lý bất bình thường như thế.
Tang Bắc chính là một thành viên của đội ngũ hàng nghìn hàng vạn những kẻ tăng ca đáng thương.
Hồi đầu, khi tới nước C để trợ giúp Bạch tiên sinh, anh không ngờ rằng tháng ngày của mình ở đây sẽ điên cuồng như thế. Ngày nào cũng dùng mười chín tiếng để làm việc, năm tiếng còn lại để nghỉ ngơi. Mà năm tiếng này bao quát hết những việc lặt vặt như tắm rửa, ăn cơm, thay đồ, vệ sinh thân thể, ….. Cứ thế này thì đúng là phấn đấu để để chết vì mệt trước năm ba mươi lăm tuổi mà.
Anh từng nghĩ tới chuyện phản kháng, đơn xin từ chức cũng đã viết hơn mười lần, nhưng cuối cùng vẫn tiếp tục ngồi trên cái ghế thư ký, vì tiền thưởng của năm và tiền lương mà nỗ lực, dãi nắng dầm sương.
Lâu rồi Tang Bắc cũng quen với cuộc sống như thế. Anh ăn ngủ ở công ty, Bạch tiên sinh còn chuẩn bị riêng cho anh một phòng nghỉ, trong đó sa lông, giường, WC cái gì cũng có, mở mắt tại công ty, nhắm mắt cũng đang tại công ty. Cứ thế rồi anh chẳng còn biết mùi ngày nghỉ nữa. Nhưng từ khi Bạch tiên sinh kết hôn, anh lại được trở lại với cái lịch cổ điển sáng 7 giờ đi làm, chiều 5 giờ tan ca, còn có những hai ngày nghỉ cuối tuần.
….Hạnh phúc tới quá đột nhiên.
Thoạt đầu, Tang Bắc vui lắm, nhưng rồi lại thấy trống vắng. Anh bắt đầu nhớ những ngày mình bận rộn bù đầu, nhớ căn phòng nghỉ nhỏ nhưng luôn có những nữ đồng nghiệp giúp anh dọn dẹp ấy.
Sau khi trải qua một tháng được sống cuộc sống bình thường, trong một buổi sáng thứ bảy đẹp trời, Tang Bắc lái chiếc BWM của mình, quay trở về con đường tăng ca.