Bạch Ân vô tình phát hiện ra, dạo gần đây, chó ngốc thích con Schnauzer chủ nhà nghỉ nuôi.
Bình thường, cứ chiều đến là nó lại chạy tới chỗ Bạch Ân tìm ăn. Trịnh Hòa sợ nó đã béo còn lười vận động, bệnh thì chết, nên đã hủy suất ăn vặt của nó. Bạch tiên sinh không quan tâm tới thú cưng nhiều như Trịnh Hòa, thấy nó chạy tới, thì tiện tay đút cho. Dần dà, hễ thấy Bạch tiên sinh, chó ngố lại vẫy đuôi lấy lòng. Điều này khiến cho người cho nó ăn, cho nó tắm, hầu hạ chó ngố từ đầu tới cuối như Trịnh Hòa cực kỳ ghen tị.
Nhưng mấy hôm nay, không hiểu sao chó ngố không tới đòi ăn nữa. Bạch Ân tưởng là do các thím dưới phòng bếp cho nó ăn no quá. Nhưng sau khi quan sát, ông thấy sáng nào cu chàng cũng buồn bã nằm bẹp xuống đất, buổi trưa, chưa cho ăn đã lao ra ngoài. Hai ngày như thế, đồ ăn cho chó gần như không giảm tí nào. Ông cảm thấy có gì kỳ quái.
Bản chất của Bạch Ân là đa nghi. Khi ông từng ở nước J, có một vị bạn đầu tư của nhà họ Bạch từng mất đồ do chó nhà mình bị gắn máy theo dõi. Ông bảo DY theo dõi chó ngố, xem mấy hôm nay, ở khu vực xung quanh nhà nghỉ, có ai cho nó ăn không.
DY nói: “Chó của ngài không có vấn đề gì, tôi vẫn theo dõi nó từ trước rồi. Nhưng mấy hôm nay lạ lắm, ngày nào nó cũng chạy đi chạy lại quanh nhà nghỉ, ngài cần chú ý thêm.”
Bạch Ân càng cảm thấy khó hiểu, không ai cho nó ăn, chẳng nhẽ nó bệnh?
Mới nghĩ thế, ông bước xuống lầu thì thấy con chó ngố nhà mình đang phe phẩy đuôi, đi qua đi lại trước một ổ chó chỗ vườn rau, thỉnh thoảng còn dùng chân cào cào cửa vài cái.
“Gâu gấu gấu Ngoa ngoa ”
Bạch Ân khoanh tay đứng nhìn, ông muốn xem, nó bất thường chỗ nào.
Ngay lập tức, từ trong ổ chó vang lên tiếng sủa: “Gâu gâu gâu!”
Chó ngố cứng người, miệng thở ‘hộc hộc’.
Một con Schnauzer – so với thân hình chó ngố thì nhỏ hơn nhiều – đi ra. Chó ngố lao đến, liếm láp nhiệt tình.
“A…” Bạch Ân nhướng mày, ông hiểu rồi.