Giường Đàn Bà

Chương 33: Nỗi buồn âm ỉ




Tôi đi giày không tất, đi cùng Trần Tả, trong túi xách là đôi tất của Bob. Nhớ lại biểu hiện của Trần Tả vừa rồi trông thấy đôi tất, tôi cảm thấy toàn thân nóng bừng, nhiệt độ trong người như mùa hè, trên người như có cái gì đó không vui trói chặt.

Mạch 44

Ánh trăng rọi vào nhà, tôi nhớ lại mọi chuyện chiều nay. Trần Tả gọi điện khiến tôi bất ngờ. Tôi không chuẩn bị, trên người vẫn mặc bộ đồ công sở, tôi cũng không đem theo mỹ phẩm. Anh nghe, biết tôi đang chần chừ, vậy là nói ngay, Em đang ở đâu, anh đang trên đường đón em.

Phù Hiệu đang đọc sách, nó nói, Đằng ấy bảo anh ấy mua cho một chiếc xe đi cho tiện. Ít ra cũng mua cho mấy bộ đồ hàng hiệu. Những thứ ấy chẳng đáng bao nhiêu, nhưng không nỡ tự bỏ tiền. Anh ấy là đại gia, đằng ấy phải túm thật chặt…

Anh chui ra từ một chiếc xe du lịch dài màu đen bóng loáng đỗ ngay dưới cao ốc Amica. Anh mặc cái áo len kẻ ô, tóc rẽ ngôi giữa, rất chỉnh tề, trông giống như một chàng công tử bột. Tôi rất thích cặp kính đen anh đang đeo trên mắt. Tôi không trông thấy mắt anh, nghĩ bụng, dù mình trang điểm thì anh cũng không thấy.

Anh đưa tôi đi đánh golf ở ngoại thành, nhưng tôi đang mặc váy công sở. Anh định mua cho tôi bộ đồ thể thao ngay tại hội quán sân golf, nhưng tôi một mực từ chối, anh đành thôi, không mua nữa. Tôi bảo tôi không biết đánh, đứng xem anh đánh cũng được.

Anh đánh không giỏi. Lúc ấy, một cô gái đứng trước anh quay lại nhìn anh đánh quả golf đi chệch hướng. Cô ta che miệng cười, Trần Tả cũng cười. Cô gái nói, Anh chơi hai năm nay rồi mà vẫn chưa tốt. Trần Tả gật đầu thừa nhận.

Cô gái dong dỏng cao, da trắng nõn, mặc bộ đồ thể thao màu hồng trông càng đáng yêu hơn. Cô động viên Trần Tả tập luyện nhiều chơi sẽ khá hơn. Trần Tả nhìn cô ta, mỉm cười, nhưng không bắt chuyện. Cô gái kia chăm chú nhìn Trần Tả, rồi quay về vị trí của mình, cúi xuống vờn chơi quả golf màu vàng đang cầm trên tay. Trước đây tôi cũng đã thập chơi golf với Bạch Trạch, trên sân golf cũng có những cô gái đứng dựa vào cây gậy đánh golf để câu đàn ông. Tôi nhìn Trần Tả, nghĩ bụng, trong con mắt anh, tôi và cô gái kia có gì khác nhau?

Trần Tả động viên tôi đánh vài quả. Anh đến bên tôi, bảo cách đánh, anh nói, Phải đứng thẳng người, tư thế lúc đánh, lúc bóng đã bay đi rồi phải đứng thế nào, gậy và bóng phải có cung độ vừa phải, em cứ đánh rồi sẽ quen. Rồi anh ghé sát vào tai tôi, nói, Thôi, anh cũng chỉ biết đại khái, nếu em không thích, chúng ta không chơi nữa. Tôi cảm nhận được hơi thở từ miệng anh phát ra. Tôi nhìn cái miệng tròn xinh của anh, nghĩ bụng, cái miệng này đã có bao nhiêu cô gái hôn rồi?

Tôi cầm gậy, nhìn quả golf màu vàng trên mặt đất. Tôi có thể đánh, có thể còn chơi hay hơn Trần Tả, nhưng liệu có làm anh không vui? Đối với đàn ông, một người con gái biết chơi golf chắc chắn là người con gái rất từng trải.

Tôi trả cây gậy cho anh.

Trên đường về, xe đi qua một khu rừng hoang, hai người không ai nói chuyện. Anh ngồi ngay ngắn lái xe, cái miệng xinh xinh mĩm chặt. Lúc ấy, điện thoại của anh đổ chuông, anh không nhận cũng không nhìn, cứ để chuông phá tan bầu không khí yên tĩnh. Tôi nhìn bên ngoài, nghĩ bụng, anh không nhận điện, tiếng chuông là nhịp cầu kết nối giữa hai chúng tôi. Theo nhịp cầu ấy chúng tôi tìm thấy nhau, lời nói không cần dùng đến ngôn ngữ đã ghi rõ lên nhịp cầu. Lúc ấy tôi không hề nghĩ đấy là điện thoại của Bob.

Phù Hiệu nói, Đằng ấy không được nói lại những chuyện đó cho Bob nghe. Tôi nói, Tại sao không? Tớ không nghĩ mình với anh Tả sẽ thế nào. Phù Hiệu lại hỏi, Đằng ấy cho là thế à? Tôi nói, đúng vậy, tất nhiên đúng vậy. Phù Hiệu nói, Nói dối, đằng ấy không sợ Bob biết hay sao?

Tôi nói, Tớ học được ở Bob một từ mới: “ Thời đại bắn pháo”. Trong cái “ thời đại bắn pháo” tớ có gì khác những  người con gái khác?

Tôi và Phù Hiệu nói những chuyện ấy trong lúc đứng ở ngã tư đường, bên đường là bức hình Củng Lợi quảng cáo cho mỹ phẩm L’Oréal. Xưa nay tôi vẫn cảm thấy cái cười của Củng Lợi rất giả dối.

Phù Hiệu nói, Có phải con gái không đáng tiền? Nếu con gái thật sự không đáng tiền, vậy tại sao có nhiều đứa trở thành “sao”? Tại sao bọn chúng có tiền mua những biệt thự hàng mấy chục triệu?

Người con gái ấy phải đi đúng đường quan hệ với đàn ông.

Tại sao đằng ấy cho rằng, quan hệ của đằng ấy với Trần Tả không đúng đường? Tớ biết đằng ấy với Bob không đúng đường, nhưng với Trần Tả, tớ hy vọng đúng đường.

Hy vọng gì?

Có hy vọng, đằng ấy là người con gái có giá trị. Nếu không, trong thế giới này, con gái với con gái không có gì khác nhau. Nhưng con gái với con gái khác nhau, đằng ấy với tớ đều là tri thức, chắc chắn không giống với đám con gái trong các hộp đêm.

Simone de Beauvoir(1) nói như vậy đấy.

(1)   Simone de Beauvoir (1908-1984) nhà văn Pháp. ND

Mạch 45

Hôm sau Trần Tả hẹn tôi đi siêu thị. Tôi ngồi taxi đến trước cửa siêu thị Yến Sa, nhìn quanh không thấy Trần Tả đâu, liên tránh vào chỗ khuất đứng chờ.

Đường phố thênh thang yên tĩnh, một người giống như Bob từ đầu đường đi tới, theo bản năng, tôi lùi vào trong cửa hàng, lại nghĩ, chỉ giống thôi, tại sao mình phải sợ?

Tôi từ trong đi ra, bất ngờ gặp Trần Tả. Nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt anh. Nhìn phía sau mình, qua cánh cửa kính dày, tôi nhận ra người kia không phải là Bob.

Trần Tả đưa tôi vào thang máy lên tầng hai, tôi chợt nhớ lần ấy đi siêu thị với Bob. Cũng cái thang máy thế này, tôi dang hai tay làm đôi cánh đang bay. Nhưng không ngờ Bob bên cạnh lại vô cùng căng thẳng không nói nên lời, mồ hôi chảy ròng ròng, cho rằng tôi bắt anh ta mua quần áo cho tôi. Nhưng Trần Tả lúc này có căng thẳng không? Tôi quay lại nhìn anh, anh đang bấm số điện thoại. Chung quanh tôi rất đông người, tôi lại nghĩ, không những nữ khác với nữ, mà nam giới cũng khác nhau.

Trong không gian vang lên tiếng violon, chợt tôi say với tiếng đàn, Âm sắc giống như một người phụ nữ hiền hậu mặc thánh y trắng đang đi tới, một phụ nữ có lòng đồng cảm, bồi hộ do dự và khổ đau, biết rằng phía trước có bao nhiêu hy vọng.

***

Trần Tả vẫn gọi điện. Tôi đi phía trước anh, cảm thấy ánh sáng trên đầu và quần áo trên giá thật sang trọng. Đến quầy túi xách, tôi đứng trước một cái túi màu đỏ, kiểu cách rất khác lạ. Tôi nhìn, đưa tay ra sờ, cảm giác như sờ vào một tấm lụa. Nhưng quai túi quá ngắn, không thể khoác lên vai, cho dù xách trên tay cũng hơi ngắn.

Nhưng khi tôi cầm cái túi soi vào gương, bỗng cảm thấy cái túi xách này làm cho gương mặt mình ngời sáng. Cô nhân viên bán hàng cười, nói, Trong chị sang trọng lắm. Tôi cúi nhìn giá tiền, ba nghìn tám trăm đồng! Cô nhân viên nói, Lúc này chúng em đang giảm giá hai mươi phần trăm, chỉ còn ba nghìn bốn mươi đồng.

Tôi cười, để cái túi vào chỗ cũ, nói, Thôi, chúng tôi đi một vòng đã. Trần Tả đi sau gọi điện thoại, lúc này anh tắt máy nói, Lượn đâu nữa, cô ghi phiếu thanh toán, cho tôi cái túi kia.

Tôi nhìn Trần Tả, bỗng do dự, cũng chợt phấn khởi, thậm chí mặt tôi nóng lên, tấm gương bên cạnh khiến tôi thấy rõ khuôn mặt tôi. Vào lúc này tôi rất mâu thuẫn, không biết nên nói gì. Tôi cú đầu, im lặng, nghĩ bụng phải nói với Trần Tả cái túi đắt quá, vờ như một người con gái vô cùng hiền thảo, chỉ sợ tốn tiền bạn trai, nhưng biểu hiện như thế hậu quả đối với mình sẽ thế nào? Cũng có thể làm cho Trần Tả cho rằng mình không đáng tiền, nhưng rồi cô vẫn vô tư cầm lấy cái túi xách, chừng như cũng không thấy thỏa đáng. Phải thế nào nhỉ?

Trần Tả và cô bán hàng có chuyện tranh chấp, Trần Tả nói, Cô đi thanh toán giúp tôi. Tại sao cho đến nay cái dịch vụ ấy cũng không có. Cô đi đi, cô đi, đi thanh toán tiền cho tôi.

Nói xong, anh lấy thẻ thanh toán ra. Cô nhân viên nói, Lúc này ở đây chỉ có một mình em. Trần tả lại giục, Cô đi thanh toán đi.

Trần Tả cao giọng, khiến những người quanh đấy đổ dồn ánh mắt nhìn về phía này. Cô nhân viên bán hàng tỏ ra sợ, lúng túng đi tới cầm thẻ thanh toán. Tôi bỗng trở nên trầm mặc. Nhìn anh, thấy mình có điều muốn nói. Vậy là tôi nói với anh, Anh đừng cáu, nhất là vì mua túi xách cho em mà anh phải cáu bực, em cảm thấy không xứng đáng. Thôi, em không mua nữa, để em đi lấy thẻ thanh toán của anh về.

Trần Tả xua tay, Cứ mua đi.

Chừng mười phút sau, cô nhân viên quay lại, gói cái túi đưa cho tôi. Hai chúng tôi lại đi. Tôi nói, Chúng ta ra nhé. Trần Tả hỏi, Đi đâu? Anh chưa đi hết siêu thị, chúng ta tiếp tục.

Lại đến khu vực bán giày, tôi nhìn đôi giày Spaty. Nhiều lần tôi muốn có một đôi giày Tây Ban Nha. Mắt tôi nhìn vào đôi giày, nhưng chân không dừng lại. Bỗng Trần Tả quàng vai tôi, nói, Đừng vội, em thử đôi giày kia xem nào. Tôi nói, Tại sao anh biết em thích thương hiệu ấy?

Trần Tả nói, Anh không biết, chỉ biết anh cũng thích.

Tôi nghe theo anh, ngồi xuống thử giày, đây là đôi giày màu nâu, da rất mềm. Nhưng chân tôi đang đi tất nam, vừa để lộ ra ngoài, tôi và anh đều nhận ra. Tôi khó xử, cúi đầu. Sáng nay không tìm thấy tất, tôi đi đại đôi tất của Bob. Tôi vội cởi đôi tất của Bob ra, đi chân trần thử giày.

Đẹp lắm, em đi đôi giày này đẹp lắm, chả trách gì phụ nữ rất thích giày thương hiệu này. Cho nên, thương hiệu này trụ vững, thương hiệu nổi tiếng vẫn là nổi tiếng. Anh vẫn thường nói với nhân viên trong công ty, chúng ta phải xây dựng hình ảnh thương hiệu tốt, bây giờ Trung Quốc đã vào WTO rồi. Rõ ràng Trung Quốc đã quốc tế hóa. Thế nào gọi là quốc tế hóa? Tức là phải làm cho người nước ngoài mua hàng Trung Quốc. Ví dụ, anh làm khu chung cư Vườn cảnh Hào Đế, đợt đầu và đợt thứ hai bán rất chạy, người nước ngoài rất thích. Sở dĩ họ thích là vì, ở đấy vừa yên tĩnh lại gần khu phố có nhiều quán bar người nước ngoài thường lui tới và gần khu sứ quán. Cho nên anh chọn chỗ ấy hoàn toàn đúng, anh xây dựng thương hiệu Vườn cảnh Hào Đế là chính xác, cũng giống thương hiệu Spaty…Em cứ đi vào, đừng cởi ra nữa.

Anh quay sang nói với cô nhân viên bán hàng, Cô gói đôi giày của cô ấy lại cho tôi. Lúc này tôi mới kịp nhìn giá tiền, hai nghìn tám trăm năm chục. Cô nhân viên bán hàng nhanh chóng cho đôi giày cũ vào túi nhựa. Tôi ngước lên hỏi, Ở đây có giảm giá không?

Cô nhân viên nói, Xin lỗi, giày này chúng tôi không giảm giá.

Tôi đi giày không tất đi cùng Trần Tả, trong túi xách là đôi tất của Bob. Nhớ lại biểu hiện của Trần Tả vừa rồi trông thấy đôi tất, tôi cảm thấy toàn thân nóng bừng, nhiệt đột rong người như mùa hè, trên người như có cái gì đó không vui trói chặt. Bỗng Trần Tả nói, Anh đói rồi, đi ăn với anh nhé?

Bên ngoài trời đã tối, chúng tôi vai sánh vai sang khách sạn Kempinsky gần đấy. Tôi nhìn quanh, chỉ sợ gặp Bob.

Em đói không? Trần Tả hỏi.

Tôi nói không đói.

Thế thì chúng ta ăn nhẹ thôi.

Chúng tôi vào quán cà phê. Trần Tả gọi salad và hamburger, gọi cà phê và súp bò, bánh mì cho tôi. Lúc ấy anh nói, Bây giờ hãy nói về em.

Tôi cố tỏ ra thanh thản, nói, Em thích nghe anh nói chuyện của anh, nói về nhận thức, về cảm giác của anh đối với thương hiệu. Em là một phóng viên, thường có cảm giác người Trung Quốc thiểu hẳn ý thức về thương hiệu. Các ông chủ doanh nghiệp Trung Quốc cũng không có ý thức về thương hiệu, Họ không có ý tưởng và lòng tin để làm một việc lâu dài, cho nên thiếu thành thật và chữ tín.

Trần Tả cười, đưa mắt nhình tôi rồi nói, Cho dù những điều em nói là từ mặt báo hay học được ở thầy giáo cũng đều làm anh ngạc nhiên. Nhìn cặp mắt em, nghe những lời em nói ra, anh cảm thấy rất lạ.

Tôi nói, Tất nhiên, em đang học MBA, tuy em thôi học, nhưng đang làm phóng viên chuyên đề. Em mong sau này sẽ vào làm việc ở một công ty nào đấy, làm công việc của em.

Em thích làm việc gì?

Em muốn làm lãnh đạo.

Em định lãnh đạo ai?

Tôi suy nghĩ giây lát rồi nói, Em muốn lãnh đạo anh.

Không ngờ Trần Tả cười phá lên.

Tôi càng cao hứng, nói, Lãnh đạo những người như  anh.

Oa! Thật dễ sợ!

Tôi cười, anh cũng cười theo. Lúc ấy có tín hiệu điện thoại của anh. Anh bảo anh ra ngoài có chút việc. Trong điện thoại hỏi: Việc gì? Anh đang họp. Họp gì? Em bảo họp gì? Thôi nhé, em làm gì thì làm đi, nếu không bận gì thì đi ngủ trước.

Tôi thầm nghĩ, chắc chắn là Thẩm Xán. Anh nói chuyện xong, cả hai chúng tôi cùng im lặng một lúc. Tôi nói với anh, Anh về trước đi, ở nhà dang chờ anh.

Trần Tả nói, Để anh đưa em về. Tôi nói, Khỏi cần.

Anh ngước lên, nói với cô nhân viên phục vụ, Thanh toán.

Thanh toán xong, tôi và Trần Tả ra khỏi sảnh lớn của khách sạn Kempinsky. Anh nói, Khách sạn này rất được, nhưng nghe nói bị lỗ, không biết tại sao, ở Trung Quốc mọi việc thật rắc rối.

Ra đến bên ngoài, Trần Tả lại hỏi, Anh không phải đưa em về thật chứ?

Tôi nói, Anh về nhanh lên.

Trần Tả nhìn tôi, bỗng hỏi, Tại sao em không đeo kính áp tròng?

Tôi nói, Em đeo không quen.

Vậy anh nhờ bạn mua cho em một đôi mắt kính ở Mỹ nhé?

Anh còn định nói gì nữa, nhưng lại thôi.

Tôi vẫy tay chào anh, rồi một mình đi trên phố rất lâu.

Bob 47

Buổi tối, hai người lại cãi nhau. Bob vẫn bức xúc, nhưng Mạch khéo léo không để Bob trong thấy cái túi xách và đôi giày của Trần tả mu. Khi Bob đã ngủ say, Mạch nghĩ, tại sao mình lại đến với Trần Tả? Là muốn trả thù Thẩm Xán, là để Bob ghen hay để giăng cho mình tấm lưới bảo vệ? Mấy hôm sau đấy, không thấy Trần Tả hẹn gặp Mạch.

Một buổi sáng, bỗng Mạch nói với Bob, Em có mang. Bob nói, đúng không?

Mạch nghĩ Bob không nghe rõ, cô nhắc lại, Em có mang. Bob nhìn Mạch, tỏ ra căng thẳng, nói, Em lại có mang rồi à?

Mạch ý thức được ý nghĩ vẽ mặt và câu nói của Bob, anh nói “lại”. Bỗng Mạch khóc. Mạch khóc không thành tiếng, giống như nhiều phụ nẽ khác có mang nhưng không được sự quan tâm, khẳng định của người đàn ông. Mạch khóc không thành tiếng.

Bob cố nén sự phiền lòng đối với Mạch. Anh vội vã và kiên quyết an ủi Mạch. Anh nói, Vậy em hãy nghĩ, sau đấy chúng ta quyết định.

Anh sẽ quyết định thế nào?

Không phải là anh quyết định, mà là chúng ta cùng quyết định.

Có phải anh định giết đứa bé này?

Bob do dự nhìn Mạch, nói, Anh đã nói gì đâu, em lại khóc rồi, lại sử dụng ngôn ngữ ấy rồi.

Em thấy ánh mắt của anh. Ánh mắt làm em sợ, đấy là ánh mắt của kẻ giết người.

Bob muốn đùa, anh nói, Chỉ là một việc nhỏ, nhưng em lại như thế. Thật vậy, con gái không nên đọc quá nhiều sách, tri thức càng nhiều càng hỏng người.

Anh định nói đến đây rồi thôi, nhưng anh cười, sau đấy chuyển sang chuyện khác, có thể anh đã thành công. Nhưng Bob rất ngu xuẩn, thấy Mạch không nói gì. Anh nhìn cô, thậm chí quên cười để giải vây cho mình, mà nói, Ôi sự việc là thế, việc của một nữ trí thức gây ra chỉ gia tăng sức ép cho đàn ông, khiến đàn ông không có cách nào yên tâm. Em thấy đấy, phụ nữ đọc nhiều sách có đúng là tai họa của thế giới không?

Em cảm thấy anh không hài hước, mà anh là kẻ vô lại.

Mạch nói, mắt nhìn thẳng vào Bob.

Bob tránh cái nhìn của Mạch, anh không muốn nhìn cô. Đôi mắt anh như muốn nói thêm nhiều nữa.

Mạch nói, Đây là đứa con của anh, nó ở trong bụng em.

Bob nhìn Mạch, rồi nhanh chóng nhìn đi chỗ khác.

Mạch nói dứt khoát, Anh nghe rõ chưa, nó là con anh. Từ ngày chúng ta chung sống, em không ngủ với bất cứ ai, trừ anh.

Thật ra em không cần nói với tôi điều ấy.

Mạch đỏ mặt. Cô không lau nước mắt, để nước mắt chảy xuống, nói, Anh bảo, là con ai cũng thế cả, phải không?

Bob bắt đầu hút thốc, hồi lâu sau mới hỏi, Bao nhiêu ngày rồi?

Mạch không trả lời, cô đứng dậy vào phòng rửa mặt, rồi không nói gì với Bob và cứ thế ra đi.

Bob vẫn ngồi. Sau đấy, anh đến bên cửa sổ, chờ Mạch xuất hiện.

Cuối cùng, Mạch xuất hiện trên lối đi trong khu chung cư. Cô đi qua vườn hoa, ra phố. Nắng chiếu lên cặp mông, dáng người Mạch đẹp không thể tả nổi, trông không giống một người có bầu, một phụ nữ bẩn thỉu.

Đúng vậy, Bob vẫn nhìn Mạch như thế, người phụ nữ có bầu rất xấu và bẩn.

***

Bob mượn cớ phải vào đoàn làm phim để xa Mạch, điều ấy thật lý tưởng đối với anh. Theo Kha, ở đoàn làm phim có thể tắm nước nóng, là nơi được xài tiền chùa và được cơm no rượu say. Với Bob lúc này, sức hút mạnh mẽ nhất là được xa Mạch và hàng ngày được tắm nước nóng. Đáng tiếc, đấy không phải là đoàn làm phim “ Phố Trường An” mà là phim “ Chuyện cũ Bắc Kinh”. Bob nghe thấy cái tên ấy mà buồn nôn. Anh nói, Tôi suýt nôn, không biết xấu, tại sao lại lạp lại cái tên của Mỹ?

Kha nói, Cuối cùng anh có đến hay không? Thù lao của anh được tám nghìn đồng, anh sắp phải ra phố đi xin ăn rồi đấy. Nào, kệ mẹ nó, dù sao thì phim này đã có người đầu tư, không như “ Phố Trường An”, mấy thằng đàn ông chúng ta sắp thành đĩ đực rồi đấy. Tiền của cái mụ Xán kia sẽ không bao giờ có.

Ngày hôm ấy Bob nhập vào đoàn làm phim. Trước lúc đi, anh để lại cho Mạch mảnh giấy, nói, Anh vào đoàn làm phim, lần này kiếm tám nghìn đồng. Hôm nay có thể anh không gặp được em, vì em không muốn gặp. Anh sẽ suy nghĩ về quan hệ của chúng ta. Em chú ý sức khỏe, tính thời gian, phải ít hôm nữa em mới đi nạo thai được, đến hôm ấy anh sẽ đưa em đi.

Mạch đọc mảnh giấy ấy vào buổi tối khi co vừa tan tầm về nhà. Trong túi xách có cánh gà McDonald’s mà Bob thích ăn. Cô sững sờ nhìn mảnh giấy, nhớ lần trước anh cũng với cách này ra đi không lời từ biệt. Bob biết, nếu anh nói trực tiếp với Mạch, thế nào hai người cũng cãi nhau, hơn nữa cũng chưa chắc đã đi được.

Một lần nữa Mạch thấy chữ của Bob rất đẹp, buồn như nước chảy trong cống ngầm. Mạch nghĩ, chắc chắn ngay từ hồi nhỏ Bob đã luyện cách viết, có thể ngay từ lúc ấy anh đã có cách nhìn về phụ nữ. Anh cho rằng, người đàn ông sau khi chơi người con gái rồi ngang nhiên bỏ đi, không cần thăm hỏi người con gái ấy có đau không. Chợt cô trong thấy món đồ mỹ nghệ Bob mua trước đây đang để ở bàn trà, đó là hình ông già cười làm bằng vải. Mạch ném tất cả chúng xuống đất, cô rất muốn nghe thấy tiếng vỡ “bốp”, nhưng chúng nhảy lên mấy cái trên thảm trải nhà, chỉ phát ra vài âm thanh trầm buồn.

Tiếng chuông điện thoại di động lảnh lót vang lên, điện thoại của Trần Tả. Anh nói, Ngày mai anh không bận gì, buổi tối chúng ta đi ăn nhé.

Mạch vui vẻ nhận lời.

Nhưng khi Mạch tắt máy, sự tĩnh lặng hỗn độn nặng nề ập tới, nước mắt cô lại trào ra. Mạch muốn gọi điện cho Bob, nhưng cô nén lại, buông thong cánh tay đang cầm điện thoại.

Mạch 46

Khách sạn Trung Quốc, một lần nữa tôi gặp Trần Tả. Bất chợt tôi nghĩ, có thể vào lúc này, đối với tôi anh là đàn ông, đối với anh, tôi là đàn bà. Giữa hai chúng tôi là sự khác nhau về giới tính, không như tôi với Bob, một khi yêu nhau cho vào xác thịt của nhau không không phải là đàn ông hoặc đàn bà, mà là hai khối vật chất tương đồng chồng lên nhau.

Trần Tả cầm thực đơn lên điểm món xong, anh hỏi tôi dang nghĩ gì.

Tôi nói, Em đang nghĩ về thời niên thiếu.

Trần Tả nhìn tôi, nụ cười trên khuôn mặt. Không biết có phải là mỗi người con gái lần đầu làm quen với con trai đều nói về thời niên thiếu của mình hay không. Tôi nói, em sinh ra ở Triết Giang, bố mẹ đều là trí thức. Đến đây, tôi nói dối một cách rất tự nhiên. Tôi không nói đến chuyện thời niên thiếu của tôi, bố đã đi với người đàn bà khác lên tận Bắc Kinh xa xôi, mẹ đưa tôi đến ngủ chung trên giường với những người đàn ông. Tôi chỉ nói thời niên thiếu của tôi đã được bố mẹ cưng chiều thế nào. Tôi nói, rồi khóc.

Trần Tả nghe rất chăm chú, cũng rất vui, nhất là khi tôi chảy nước mắt. Anh nói toi ngốc quá, đối với một con người, có được tuổi niên thiếu như vậy thật hạnh phúc biết chừng nào.

Tôi đang định nói gì đấy thì có tín hiệu điện thoại. Điện thoại của Bob. Bob nói, Bỗng nhiên anh nhớ em, vậy là trở về nhà, nhưng em không có nhà. Tôi nói, Tôi đang bận việc, có thể về rất muộn. Không biết. Được không? Biết rồi. Trần Tả nhìn tôi, hỏi, Điện thoại vừa rồi có phải của bạn trai của em không? Rồi anh cười, bắt đầu hút thuốc.

Anh ấy là bạn trai của em.

Xem ra, em rất yêu anh ấy, rất thích anh ấy, đúng không?

Đúng vậy.

Tôi thầm nghĩ, nếu một người con gái tỏ ra không tôn trọng, không thích bạn trai, vậy thì người đàn ông đang ở bên cạnh cô ta sẽ không có cảm giác nguy cơ. Tôi không thể để anh không có cảm giác nguy cơ, cho nên tôi nói thật, tôi thích Bob.

Trần Tả thoáng chút sững sờ, anh hỏi, Bộ phim của họ làm đến đâu rồi.

Tôi nói, Hình như không tốt lắm.

Gần đây anh không quan tâm lắm, cũng định lúc nào đấy sẽ gặp lại họ, nhưng bây giờ em nói cho anh biết về anh ấy.

Trần Tả tỏ ra thích thú, giụi tắt điếu thuốc trong tay, chờ tôi nói.

Tôi suy nghĩ giấy lát rồi nói. Anh ấy là người đàn ông tài hoa, thích thể hiện cá tính, nhưng là con gười không đạo đức, vô trách nhiệm. Sống với anh ấy có lúc rất vui, có thể quên hết mọi chuyện, nhưng nghĩ đến những chuyện khác sẽ cảm thấy buồn lòng…

Tôi dừng lại, không nói nữa. Tôi biết, lúc này không thể đem những lo lắng về tiền nong và tương lai ra nói, hơn nữa nói như vậy sẽ không tốt đối với quan hệ giữa mình và Trần Tả. Nhưng Trần Tả vẫn tỏ ra hứng thú, anh hỏi, Vậy hai người có còn sống với nhau nữa không?

Tôi lại do dự ròi lắc đầu, nói, Không, hai người không sống với nhau nữa.

Anh hiểu. Nhưng em nói, bạn trai của em là người tài năng, tài năng của anh ấy biểu hiện ở mặt nào, anh ấy đã viết những tác phẩm nào rồi?

Anh ấy đã viết tiểu thuyết “ Phố Trường Anh”. Trong nước in với số lượng rất ít, nhưng được dịch sang tiếng Pháp và tiếng Anh. Hiện tại, một đạo diễn thế hệ thứ bảy định dựng thành phim, nhưng họ không có kinh phí.

Đúng vậy, tuổi trẻ gắn liền với tài năng. Anh nhờ thời trẻ của anh, lúc ấy anh cảm thấy mình rất có tài, nhưng lại không biết mình có bao nhiêu tài. Tuổi trẻ nhanh chóng qua đi, đến nay trở lại, bỗng cảm thấy tại sao ngày ấy mình không thể hiện đầy đủ tài năng của mình?

Nói đến đây Trần Tả cười.

Tôi nói, Anh đã thể hiện đầy đủ lắm rồi. Anh là người đàn ông thành đạt, hơn nữa còn rất trẻ, lại rất đẹp trai.

Anh phải uống chút rượu, vui lắm, nhưng hơi mệt.

Đúng là mặt anh tái đi, giống như vừa có đám mây đen bay qua. Anh rót thêm một ly nữa rồi uống một hớp, nói, Anh rất muốn ly hôn, đưa cô ấy sang định cư ở Canada. Nói đến đây, bỗng anh đứng bật dậy, nói, Em chờ anh một lát, anh vào toilet một chút.

Trần Tả đi, tôi vẫn ngồi tại chỗ, nghĩ đến những lời anh vừa nói. Anh muốn ly hôn, đưa vợ sang định cư ở Canada ư?

Tôi muốn gọi điện cho Bob, nói với anh tôi sắp về, nhưng lại sợ Trần Tả bất ngờ xuất hiện. Nhưng chờ mãi, chờ gần nửa tiếng đồng hồ. Tôi sốt ruột, chạy vào nhà vệ sinh nam, đầu tiên đứng ở ngoài khẽ gọi mấy tiếng, nhưng không động tĩnh gì. Chẳng nhẽ anh bỏ đi rồi, để tôi thanh toán một đống tiền? Tôi bắt đầu gọi to, vẫn không có tiếng trả lời, bên trong yên ắng, không người ra cũng k có ai vào. Tôi liền đánh bạo bước vào.

Trần Tả nằm sóng soài trên mặt đất, sùi bọt mép. Tôi chạy tới, lay anh, anh vẫn không trả lời. Tôi lấy khăn giấy lau sạch vết bẩn trên người anh. Lúc ấy có một người đàn ông vào, trông thấy tôi, anh ta vội quay ra, một lát sau anh ta lại vào. Anh ta nói, Đây là nhà về sinh nam, tại sao cô lại vào đây? Anh ta chưa nói dứt lời thì trông thấy một người đàn ông nằm trên mặt đất.

Tôi nói, Phiền anh, bạn tôi bị bệnh tim, phiền anh giúp tôi đưa anh ấy ra ngoài.

Nhân viên bảo vệ khách sạn cũng vừa đến. Dọc lối đi rất nhiều người đứng xem. Khi đưa anh ra taxi, anh mới mở mắt. Tôi nói, Em đưa anh đi bệnh viện.

Anh bảo không đi bệnh viện, về văn phòng.

Anh tỉnh lại, về văn phòng. Anh bảo tôi tạm chờ ở phòng khách, đừng đi, cứ chờ ở đấy.

Nói rồi anh vào một căn phòng nhỏ phía trong phòng khách, tôi chờ, cũng không biết chờ đến lúc nào, tôi sợ anh lại ngã như vừa rồi. Cuối cùng anh bị bệnh gì? Nhưng Trần Tả đi từ trong đi ra, mặt mày tươi tỉnh.

Cảm ơn em, thật không biết phải cảm ơn thế nào. Hôm nay thật buồn, anh có bệnh đau tim.

Anh không nên uống nhiều rượu.

Nhưng đi với em, nhất là uống trong bữa ăn, một bữa ăn anh rất vui, rất thoải mái, ảnh cảm thấy thật khó lòng có được em.

Anh nghiêng đầu suy tư nói, Em nói có thể đúng, nhưng ai làm cho anh có thể nói chuyện với anh bằng phương thức bình thường vậy? Cho nên, anh vô cùng cảm kích.

Tôi nhìn bóng tôi và anh đào ngược trên sàn nhà láng bóng, nói, Em phải về.

Tôi đi ra. Anh vịn vai tôi, khiến tôi giật mình. Cửa mở, có thể trong thấy văn phòng ngoài kia trống trải, chỉ có tiếng anh, Chưa đến mười giờ,anh đưa em đến một nơi, em có biết “ Cửu trùng thiên” là đâu không?

Bổng tôi cảm thấy sợ.

Tôi ấp úng, nghĩ Bob giờ này đang chờ tôi ở nhà.

Tôi không đi “ Cửu trùng thiên” với Trần Tả.

Bob 48

Bob làm phó đạo diễn. Trong phim có một cảnh nữ nhân vật chính ( một cô gái từ tỉnh ngoài phiêu bạt đến Bắc Kinh) hôm ấy muốn tắm để rồi đến gặp đạo diễn. Nhưng cô ta ở trong khu nhà dân, không có nước nóng, cô ta phải nấu một thùng nước. Lúc xách thùng nước nóng ra, cô sơ ý bị ngã, nước nóng đổ lên người, cô rơi vào cảnh tuyệt vọng…

Chính vì thùng nước nóng ấy, Bob làm phó đạo diễn. Anh phải khiêng thùng nước với mọi người, sau đấy để cô diễn viên kia diễn. Cô kia theo tiết tấu nhạc, cởi bỏ từng lớp áo quần. Vậy là bi kịch xảy ra, Bob cùng khiêng nước, người đi trước trượt ngã, nước nóng bắn lên đùi Bob, vốn chỉ là tình tiết trong phim, bỗng xảy ra trên người Bob, khiến cô diễn viên đang diễn cảnh ấy không nhịn được cười. Cô ta còn nói, buồn cười quá, ôi, thật buồn cười! Không nhịn được cười, anh đừng trách em!

Bob bị bỏng, ngồi xuống đất, cởi giày, kéo ống quần lên, phát hiện có nhiều vết bỏng phồng dộp. Bác sĩ đến, xử lý băng bó vết thương cho anh. Kha nói, Anh cũng không cẩn thận, bảo anh giúp, anh gây thêm rắc rối cho chúng tôi.

Bob đau, mặt nhăn nhó, chửi Kha một câu.

Kha cười, nói, Còn chửi được người khác, chứng tỏ vấn đề không lớn. Nào, đứng dậy, nhanh lên, hôm nay quay mấy cảnh, được không?

Bob đau không thể đứng lên nổi, anh bảo mọi người nấu thùng nước khác, động tác của anh tỏ ra chậm chạp lắm.

Kha nói, Bob, nhanh lên một chts, ngoài nước ra còn có đèn. Tôi thấy đèn bố trí chưa ổn, còn nữa cái sofa và tủ phải sắp xếp lại. Tôi thấy bày biện như ban đầu hay hơn.

Chân Bob hơi bị loét, anh bảo người khác giúp chuyển đồ đạc.

Kha nói, Phải rồi, anh Bob, lát nữa anh đi lấy mì ăn liền tài trợ về, hôm qua họ đã đồng ý rồi.

Bob nói, Đ.mẹ anh, anh biết tôi đang bị bỏng, còn vậy nữa, anh có còn ra giống người nữa không? Có mọc thêm tay tôi cũng không làm hết việc.

Kha nói, Đừng nói những điều ấy với tôi, đi nhanh lên.

Bob ngồi xuống đất, nói, Anh đến đây xem cái chân tôi.

Kha đi tới, nhìn chân Bob, nói, ôi, tôi xin lỗi. Thế này nhé, tôi sẽ chi tiền trước cho anh, anh có tiền rồi về nghỉ.

Bob nói, Đưa tôi tất cả?

Kha nói, Nếu không như thế còn gì là an hem nữa?

Bob rất vui, nói, Anh đưa tôi tám nghìn nữa, coi như làm bỏng chân tôi.

Bob ôm Kha, cả hai cùng thấy đấy là tình bạn của hai người đàn ông với nhau.

Bob nói, Tôi phải cảm ơn anh thế nào đây?

Kha nói, Anh khóc cho tôi xem.

Bob cố đề nước mắt chảy ra, hai mắt ướt dần. Kha thấy, nói, Anh về đi, nhưng, anh Bob này, phải trừ năm nghìn lần trước anh vay, anh còn nhớ không? Tôi vẫn nhớ đấy.

Bob về căn hộ chung với nhà dân, anh không gọi điện cho Mạch. Cho đến khi chân đã đỡ, anh đến khu chung cư nơi Mạch ở, anh tự nhủ, phải đưa cho Mạch ít tiền. Vậy là anh gọi taxi đến khu chung cư. Ra khỏi thang máy, chân Bob bước đi chậm chạp, lúc vào cửa, anh lấy chìa khóa, nhưng trước hết anh gõ cửa. Không có người. Anh tự mở cửa.

Anh gọi điện cho Mạch mấy lần. Lúc đầu có người nhận điện, Mạch ấp úng nói đang ở ngoài đường. Muộn thế này Mạch còn ở ngoài đường làm gì? Bob chờ, bất giác anh ngủ ngay trên sofa.

_________________