Giờ Đang Nơi Đâu

Chương 117: Tia sáng (1)




Nhà trọ của bà Cát là căn nhà kiểu Tây nhưng mang kiến trúc Thạch Khố Môn cổ kính, yên tĩnh tọa lạc trên con phố Parker* ồn ào, chỉ cách Tân Thiên Địa mấy phút đi xe. Vì biết cô không thích ồn ào, chỉ thích đọc sách giải toán, không muốn bị người khác quấy rầy, nên bà đã sửa căn phòng độc lập có vườn hoa trên gác mái tầng ba cho cô ở. Từ khi chuyển vào đây, cô không còn nghe thấy tạp âm suốt ngày từ sáng đến tối như ở đường Ferguson nữa —— nào là tiếng xe điện ầm ầm, động cơ xe hơi brừm brừm, còn cả tiếng bấm chuông khi lũ trẻ tan học và tiếng cưa tiếng đập của thợ mộc xây phòng mới —— mọi âm thanh như biến mất hẳn, yên ắng tới mức làm người ta chán nản

(*Phố Parker: phố buôn bán hàng đầu tại phía đông Nam Kinh, Thượng Hải.)

Hoa tử vi, lăng tiêu và hoa hồng ở trên gác nở rộ, từng đóa từng đóa, từ trong luống hoa bò ra men theo vách tường, rủ xuống hành lang giữa hai tòa nhà. Ngày ngày khi nằm trên ghế dựa ở trên gác tính toán số liệu, cô có thể thấy rõ những cây tùng xơ xác trong vườn, cùng với hàng cây ngô đồng và người qua đường trên phố phường.

Từ sau khi chuyển đến đây, việc đầu tiên cô làm khi đến tòa thị chính đổi lại địa chỉ tạm trú là nhờ họ gửi cho Bohr một bức thư ghi địa chỉ của mình. Chẳng mấy chốc, cô đã nhận được một lá thư từ Bohr, có lẽ là bức thư mẫu gửi cho nhiều người, trên đó viết: “Giai đoạn đầu của thử nghiệm tạm thời kết thúc. Trước khi đợi được tin tức và tiến triển mới nhất về Hương Cảng, tất cả các thành viên của tổ G sẽ quay về Hương Cảng sau khi bến tàu mở cảng. Dữ liệu cá nhân của tổ I chưa được xử lý xong thì có thể đến phòng thí nghiệm để xử lý tiếp. Nếu đã xong thì có thể tạm thời về nhà nghỉ ngơi, hoặc hỗ trợ các thành viên khác hoàn thành, còn các tổ khác vẫn tiến hành như cũ. Ngoài ra, xét thấy trong tô giới và Thượng Hải đang hỗn loạn, rất nhiều cửa hàng khách sạn phải đóng cửa, các nghiên cứu viên bị ảnh hưởng bởi việc ăn uống và đi lại thì có thể báo danh với tôi, viện nghiên cứu sẽ cung cấp ba bữa miễn phí mỗi ngày.”

Cô đã đến viện nghiên cứu hai lần.

Lần đầu tiên, mọi người liên tục hỏi han quan tâm cô. Cô hiểu rất rõ đây là thời đại gì, và người Trung Quốc có địa vị thế nào. Cô chưa bao giờ hy vọng xa vời rằng sau khi nhiều quốc gia thông qua đạo luật bài Hoa, cô có thể đại diện cho đồng bào của mình chiếm được nhiều địa vị trong tiểu sinh thái là viện nghiên cứu này. Nhưng một khi xuất hiện chuyện gì đó bi thảm, con người luôn rất thích biểu đạt lòng tốt của mình. Cả một buổi trưa cô liên tục nhận được sự quan tâm của cả người quen lẫn không quen, và chẳng một ai phân việc cho cô làm cả.

Không lâu sau, hàng ngàn người dân thành phố Thượng Hải lòng đầy căm phẫn từ bốn phương tám hướng đổ về tô giới, tạo nên cục diện hỗn loạn chưa từng có. Lãnh đạo tô giới và công sứ sáu nước không ra mặt, khiến mấy tờ báo lớn nhỏ ở Thượng Hải đăng tải tuần bổ Nhật sắp trừng trị Sakuma Ichiro, Fujima và mười mấy sĩ quan của tuần bổ với tội danh không làm tròn bổn phận, lý do là bọn họ “dung túng cho viện sinh vật học phản nhân loại nghiên cứu thí nghiệm điên rồ ở tô giới công cộng”. Một bộ phận ở hội đồng khu đã quay về Nhật cùng viện nghiên cứu Nhật Bản, một bộ phận khác thì được điều động đến Đài Loan hoặc trở về nước. Trải qua một lần thay máu quy mô lớn, không còn nhiều bàn tay vươn về phía viện nghiên cứu nữa. Trong ngày báo đăng tin sĩ quan Nhật không làm tròn bổn phận, số quân Nhật còn lại ở viện nghiên cứu cũng rút lui. Mà người thay Tạ Trạch Ích tiếp quản viện nghiên cứu là một vị thượng úy lục quân tên Herd từ Đông Nam Á Anh thuộc đến Thượng Hải.

Lần thứ hai tới viện nghiên cứu, xe điện trong ngoài tô giới đã dừng hoạt động, cô chỉ có thể đi xe riêng do bà Cát sắp xếp. Bước xuống xe, nhìn thấy bóng lưng cao lớn mặc quân trang màu đen ở cổng viện nghiên cứu mà ngẩn ra. Đến khi người kia xoay mặt sang thì cô mới nhận ra, thì ra là một người Anh tóc vàng mắt xanh điển hình. Cô hoàn hồn, vừa đi tới sau lưng anh ta thì đúng lúc có người hỏi: “Người sĩ quan trước kia đâu rồi?”

Anh ta đáp: “Oh, Tse hả? Sinh viên xuất sắc của hội học sinh ưu tú, người quân nhân tiền đồ vô lượng từng thề sẽ máu chảy đầu rơi vì quốc gia, tuyệt đối không hai lòng kia hả? E là gần đây có liên quan đến vài vấn đề chính trị. Trước khi anh ta có thể khiến lãnh đạo Anh đưa ra câu giải thích hợp lý cho năm nước khác ở hội đồng khu, chỉ sợ anh ta phải chịu khổ một hồi.”

Cô đứng nghe một lúc, cho tới khi Herd quay đầu lại, chú ý đến chiếc chìa khóa vàng trước ngực cô. Cô im lặng nhét chìa khóa vào trong áo, để nó dính chặt vào da mình. Trước khi Herd hỏi người kia về quan hệ giữa cô và Tạ Trạch Ích, cô xoay người rời đi.

Một thời gian ngắn sau đó cô không đến viện nghiên cứu nữa, phần lớn thì giờ chỉ nằm dài ở nhà, dùng năng suất cao nhất viết luận văn về nguyên lý “hiệu ứng nghẹt thở”. Fermi và Oppenheimer vẫn thường xuyên đem vài món quà đến thăm cô. Vợ của Fermi đã đến Thượng Hải trong lần mở cảng đợt trước, nên trong số món quà hai người hay đem tới thường có ít bánh quy nhà làm của Fermi. Lần nào bọn họ cũng mời cô đến quầy bar hoặc vũ trường chơi, nhưng lần nào cô cũng từ chối, lý do là: “Cô tôi nghiêm khắc lắm.” Hai người cũng chẳng ép buộc, có điều Oppenheimer thường xuyên đứng trong căn nhà Tây Thạch Khố Môn trêu cô: “Thì ra con gái thượng lưu Trung Quốc lại thuộc phái bảo thủ.”

Xã hội người da trắng luôn rạch ròi rất rõ ràng giữa việc chung và việc riêng. Mối quan hệ đồng nghiệp hài hòa không tương đương với việc có thể kết bạn gần gũi. Ngay cả trong xã hội hiện đại, có rất ít đồng nghiệp cùng bạn đến quán bar hoặc câu lạc bộ sau khi tan tầm. Đối với đàn ông trẻ tuổi mà nói, trò tiêu khiển sau giờ làm việc thuộc về không gian riêng tư, có lẽ họ không muốn chia sẻ với một người đồng nghiệp không quá thân thiết. Trừ khi có ý đồ khác, nếu không sẽ bị xem là vượt phép tắc. Hai người bọn họ chịu mời người khác giới là cô đi chơi như thế, hoặc coi cô là bạn tâm giao, hoặc là o cảm thấy gần đây cô bị đả kích quá nhiều, nên nảy sinh thông cảm. Dù là vế nào thì cô vẫn cảm thấy rất đáng quý, và cũng vô cùng cảm kích.

Bà Cát thu hết những chuyện đó vào mắt. Có một lần nói với cô: “Có bạn mời cháu đi chơi thì cháu cứ đi đi, cô mời mấy người đưa cháu đi xa.” Thấy cô vẫn lắc đầu, bà hỏi: “Giờ không phải là thời điểm tốt, người có tiền ai cũng đổ xô ra nước ngoài, có ai nhân lúc này đến Thượng Hải đâu? Thượng Hải này ấy, số người có thể nhảy lên đầu cô ngồi cũng chỉ có quanh đi quẩn lại mấy người lớn tuổi. Con gái người ta mười lăm tuổi đã ra ngoài xã giao, cháu cũng gần mười sáu rồi, thế mà suốt ngày chỉ ở nhà.”

Cô giơ tay chỉ vào vết sẹo vẫn chưa lành trên đầu mình: “Cháu thế này thì đi được đâu ạ, đi đến đâu cũng dọa người ta bỏ chạy. Vẫn là ở nhà thì hơn.”

Bác sĩ gia đình được mời đến là người Nhật. Không quá ba tuần đã chữa lành vết thương cho cô, không nhìn ra dấu vết bị thương. Nhưng cô vẫn quanh quẩn trên vườn hoa tầng gác mái suốt ngày, không chịu ra ngoài nửa bước. Bà Cát cũng mặc kệ, nhiều lần bảo Tuệ Tế bóng gió nói với cô: “Bà Cát phàn nàn suốt ngày, ông Tạ đến Thượng Hải mấy tuần rồi cũng không chịu gặp ai. Có phải do bận chạy chọt cho Tạ Trạch Ích không nhỉ? Nếu nói sớm chuyện này với ông ấy, đút lót ít tiền cho bọn họ là che giấu được rồi. Thế mà cứ làm om sòm chuyện này lên, không chỉ người dân, đến công nhân và thương nhân thành phố Thượng Hải cũng đang rùm beng lắm, không thể ra tay từ trong tối được…”

Mấy hôm sau lại mời Di Nhã đến nói: “Mẹ mình với mẹ ba của mình đều đang trách cha, nói nếu cha sớm đồng ý cho anh ấy quen bạn gái thì không chừng bây giờ đã ôm mấy đứa cháu trai rồi, không việc gì phải lo lắng… Làm cha mình tức đến nỗi phồng mang trợn má.”

Sở Vọng chỉ hỏi: “Anh ấy sẽ bị phạt gì?”

“Không phải chỉ là tự chủ trương, không nghe theo lệnh của cấp trên, chống đối với người Nhật thôi à, làm gì có chuyện bị phạt nặng…”

Di Nhã biết nếu tuần bổ Anh muốn chuyện lớn hóa chuyện nhỏ thì dĩ nhiên sẽ xử phạt anh, giống như Nhật Bản đã làm. Nhưng thân phận của Tạ Trạch Ích lại quá đặc thù, trong mấy tháng này, những chuyện anh xử lý gần như đều nghiêng về Trung Quốc chứ không phải là Anh quốc mà anh đã hứa sẽ trung thành, nên phương pháp đơn giản nhất là gán hết mọi tội danh cho anh, buộc anh thừa nhận mình bị xử phạt trước mặt công sứ sáu nước, những người khác ở tuần bổ Anh nhờ đó mà thành công thoát tội.

Di Nhã khóc không ra nước mắt, “Ngài Tưởng bảo, chịu khổ chỉ là chuyện nhỏ, không phải không có cơ hội quay về, chỉ là hơi khó… Còn khó thế nào thì không chịu nói với mình, Linzy à, trước kia mình rất sợ anh ấy tìm về một bà chị dâu xấu tính, ỷ mình là dâu trưởng mà gây khó dễ cho mẹ mình, nên mình mới nhờ ngài Tưởng giật dây dì Cát kết hợp cậu với anh mình. Thế giới này không ai muốn cậu gả cho anh mình hơn mình cả, nhưng Linzy, cậu biết rõ là chuyện này khó khăn thế nào. Nếu cậu gặp được người tốt hơn, cậu sẽ quên anh ấy ngay, dù sao đó cũng không phải là chuyện lần đầu với anh ấy. Con người anh ấy mang tâm địa gian xảo, anh ấy có tội. Cho dù cậu làm gì thì anh ấy cũng không trách cậu, dù không để ý tới anh ấy thì cũng phải chờ anh ấy.”

Sở Vọng dở khóc dở cười. Ngày nào cô cũng chuyên tâm viết luận văn, cô bảo đợi Tạ Trạch Ích từ khi nào vậy? Cô và anh vẫn chưa chính thức xác nhận quan hệ, thậm chí một tháng trước cô mới phát hiện chuyện mình thích Tạ Trạch Ích, còn chưa tâm sự với bất cứ ai. Vì sao cứ hết Di Nhã rồi đến cô Cát tới khuyên nhủ cô thế này?

Không lâu sau, cô Hứa cũng đã có thể xuất viện. Trong ngày xuất viện, bà Cát thay cô gửi quà đến nhà họ Hứa, sau đó bên kia lại điện thoại đến mời cô, nói là tòa soạn thương mại sắp xếp phỏng vấn riêng cô và cô Hứa. Sở Vọng ngồi xe bà Cát sắp xếp, còn cô Hứa được Lâm Tử Đồng đưa đón. Sau khi đưa cô ấy đến ngoài cửa, anh chỉ nói bao giờ xong chuyện sẽ lại đến đón cô rồi lái xe rời đi. Lúc đó đã vào hạ, Thượng Hải đang ở đầu hè mà cô Hứa vẫn ăn mặc kín mít, còn đeo găng tay trắng. Đến khi vào phỏng vấn chính thức, sau khi nhân viên báo lấy ra máy quay phim và máy ghi âm ra, cô ấy bình tĩnh tháo mạng che mặt xuống.

Sở Vọng đưa mắt nhìn, im lặng không nói gì. Thật ra dù cô ấy có đeo mạng che mặt thì cũng có thể nhận ra đôi mắt hoa đào xinh đẹp ngày xưa đã không còn; ngoài mí mắt đã biến mất, đến lông mi cũng chẳng còn. Nhưng lúc gỡ mạng che mặt xuống, cô ấy vẫn rất bình tĩnh mỉm cười với nhân viên tòa soạn, còn trêu: “Không phải sợ dọa người đi đường thì tôi đã mặc đồ giống ngày trước rồi. Tôi đang tích đức tạo phúc cho người Thượng Hải đấy!”

Tham gia buổi phỏng vấn lần này, ngoài chuyên viên của tòa soạn thương mại ra thì còn có hai nhà báo người Pháp. Mọi ghi chép phỏng vấn đều sẽ được dịch lại, từ đài thiên văn trên núi Thái Bình gửi đến Pháp, ngày hôm sau sẽ được xuất bản. Còn bản ghi âm và thu hình sẽ được giao làm bằng chứng.

Nghe thấy thế, Sở Vọng trực tiếp dùng tiếp Pháp thuật lại mọi chuyện với phóng viên người Pháp, từ chuyện cậu bé ở huyện Nam Thông cho đến trường đua Tào Ma, ngoại trừ danh tính thật của hai cô gái thuộc đảng ngầm. Trong câu chuyện của cô, họ là hai cô gái Thượng Hải bình thường có học thức, xinh đẹp lại thích khiêu vũ, không khác người ngoài chút nào.

Cô cũng phiên dịch lại cho cô Hứa một lần, đến khi kết thúc bài phỏng vấn, phóng viên nước Pháp gần như lập tức nhờ người đưa bản thu âm và tài liệu về Hương Cảng, tiết kiệm rất nhiều thời gian.

Khi nhân viên của tòa soạn thương mại và phóng viên người Pháp cám ơn cô liên tục, cô chỉ cười nói: “Người xây lại đài phát thanh sóng dài và đài thiên văn không gì không thể trong chiến tranh tình báo của nhiều nước là thầy tôi. Thân là học trò của thầy ấy, dù gì cũng phải làm gì đó chứ, đúng không?”

Cô đứng ngoài cửa tòa soạn cùng cô Hứa chờ Lâm Tử Đồng. Trước lúc gần lên xe, cô Hứa lại đeo mạng che mặt vào, mỉm cười cảm kích với cô. Ngay trước mặt Lâm Tử Đồng, cô Hứa nói với cô: “Còn cả anh Tạ nữa. Chúng tôi rất cảm kích anh ấy.” Rồi lại trịnh trọng nhìn cô: “Nếu chúng ta thắng, nhất định anh ấy sẽ không sao… Hơn nữa lần này, chắc chắn chúng ta sẽ thắng.”

Ngày hôm sau, Tờ báo Le Monde của Pháp đã đăng một cuộc phỏng vấn có tiêu đề “Sáu lá cờ giương cao ở tô giới Viễn Đông, dùng để che đậy tội ác ở Trung Quốc.” Cuộc phỏng vấn lấy tội ác của Nhật tại bệnh viện máy kéo sợi trong mấy tháng gần đây làm cốt lõi,cùng với sự tàn bạo xâm lược của các nước đã gây ra tại tô giới Thượng Hải trong nhiều thập kỷ. Ngay khi báo cáo vừa được phát hành, nó đã gây nên  sự náo động lớn ở châu Âu. Nghe nói có ai đó đã đặt một tấm biển quảng cáo ở bến Thượng Hải: “Người Trung Quốc và chó không được phép vào”, còn các sĩ quan Anh và Mỹ thường xuyên la mắng culi Trung Quốc, thậm chí còn có người chỉ vì phu xe không hiểu tiếng Anh mà chặt đứt tay người đó, vì vậy mà một nhà kinh tế học có ảnh hưởng của Pháp đã tức giận phê phán: “Những kẻ thực dân đang hoành hành hung hăng ở thuộc địa, đánh mất phong độ, nghiêm trọng đến mức chưa từng nghe thấy!”

Vụ bê bối tầm vóc quốc gia đã lan rộng từ châu Âu sang châu Á. Chính phủ Trung Quốc duy nhất được quốc tế công nhận là Nam Kinh đang chịu áp lực rất lớn. Đồng thời, tổng công đoàn đã lên kế hoạch cẩn thận cho hoạt động vũ trang vài tháng một lần, lặng lẽ xuất phát từ công sở thương vụ đến hội đồng khu tại tô giới. Lần hành động này, xét về trật tự tổ chức, tính ảnh hưởng, tính toàn diện và cả thời cơ thì đều tốt hơn trước vô số lần…

Đồng thời, dân chúng, thương nhân và chủ ngân hàng Thượng Hải cũng đổ xô đến hội đồng khu từ khắp Thượng Hải, kịch liệt hô to khẩu hiệu: yêu cầu các tàu chiến nước ngoài rời khỏi Thượng Hải, yêu cầu lãnh sự các nước phải rút lui, yêu cầu hội đồng khu để người Trung Quốc tiếp quản, yêu cầu hủy bỏ quyền bất khả xâm phạm, sửa lại hiệp ước bất bình đẳng.

Kể từ đó, từ “Thượng Hải” đã trở thành tiêu đề của các tờ báo trên toàn thế giới. Tầm mắt của Luân Đôn, Paris, Tokyo và Washington đều chuyển sang thành phố lớn tại cửa sông Dương Tử này. Các phóng viên đến từ nhiều nước đều nói: “Sự cố này đã từ tính chất địa phương trở thành quan hệ quốc tế.”

***

Vì tình trạng hỗn loạn bên ngoài quá nghiêm trọng nên bà Cát cũng không ép cô ra ngoài giao lưu nữa, mà còn yêu cầu Tuệ Tế cấm túc cô ở nhà. Mà thực tế thì cũng chẳng cần cấm túc gì, vì cô vốn không ưa ra ngoài. Suốt ngày rảnh rỗi ở nhà, chẳng bao lâu sau, bản thảo về lý thuyết “hiệu ứng ngộp thở” cũng đã xong.

Trong thời gian ăn không ngồi rồi sau đó, cô dành toàn bộ thời gian để đọc sách và báo. Không thể lên mạng, cũng chẳng có TV để xem, trong nhà chỉ có vài tờ báo, tờ nào cũng được cô lật đi đọc lại vô số lần, không để sót mọi mẩu tin nào. Ngoài những bản tin trấn áp rối ren ngày này qua ngày khác ra, thì những tin tức như cậu ấm nhà ai đi du học nước ngoài về, cô chiêu nhà nào kết lương duyên cùng công tử nào, vân vân và mây mây, cô đều đọc đến mức đau mắt hột.

Chỉ có duy nhất hai ngày nào đó là có bản tin khác biệt, một là khách mời danh dự được giao quyền ban thưởng giải thưởng Elizabeth Gold Crown năm 1929, còn đặc biệt tổ chức lễ trao giải ở Hương Cảng Viễn Đông, trao cho giáo sư Lai Tsui của Khoa Vật lý của Đại học Hương Cảng. Qua tờ báo, cô nhìn thấy tấm ảnh về chiến thắng vinh dự của Từ Thiếu Khiêm, ngoài giấy chứng nhận và một vài ngàn bảng tiền thưởng ra thì còn có một chiếc nhẫn kim cương độc đáo được khắc bằng chữ Latin, là chiếc nhẫn độc nhất vô nhị trên thế giới. Chiếc nhẫn này được dát một viên kim cương màu xanh nhạt 3,73 cara, bên trong khắc dòng chữ “N ‘Antares’” và “1929”. Cuối bài viết có một dòng bình phẩm hài hước: Vì “Antares” là tên khoa học của chòm sao Scorpio α, nên xin chúc mừng Giáo sư Từ Lai đã giành được một biệt danh thiên văn học – “kẻ thù của Ares”*.

(*Antares là cách viết kết hợp hai chữ Anti- và Ares, Ares là vị thần chiến tranh trong thần thoại Hy Lạp.)

Một tin tức khác biệt khác chính là, trong hơn hai tháng, trải qua sự nỗ lực gian khổ của các nhà khoa học Nhật Bản và hai nghìn nhân viên, tỉnh Fukui đã thành công thành lập nhà máy điện hạt nhân lò phản ứng chậm đầu tiên trên thế giới.