Giang Nam Ngoại Truyện

Chương 3: Tiêu Tương Trúc




Jeanne

Gần đến hoàng hôn, chợt nghe thấy một tiếng chim ưng cao vút, đại phong lao thẳng tắp từ không trung xuống. Ta nhắm tịt mắt không đành lòng nhìn, chỉ nghe một hồi tiếng nước ào ào ‘Tõm tõm—’. Đại phong lại cắm đầu vào hồ.

Vốn dĩ bạch kiên điêu thì phải bay lượn tung cánh trên bầu trời rộng lớn, làm tổ trên vách núi đá cheo leo. Thế nhưng đại phong lại cực kỳ khiêm tốn, chưa bao giờ nó tự cho mình là một chú chim đại bàng mà kiêu ngạo. Bi kịch hơn nữa là: Dường như nó xem mình chỉ là một chú chim con nho nhỏ.

Ở đây có mấy sự thật hết sức bi thảm khiến người ta không nỡ thừa nhận: Thứ nhất, đại phong ăn cỏ; thứ hai, nó rất thích chủ động gần gũi gà vịt chim ngỗng; thứ ba, đại phong thường một mình chạy tới chạy lui trong sân ngậm cỏ ngậm cây xây một cái tổ, sau đó rúc mình vào đấy; ta nghĩ nếu không vì nước bọt của nó không có tính dính, không thì liệu một ngày nào đó có thể có may mắn thấy nó xây một cái tổ treo trên xà nhà hay không.

Không biết có phải hôm nay gặp được một chú chim nhỏ nào đó thân nhẹ như yến khiến đại phong say đắm đến mức ‘Điêu rơi cá lủi’* hay không.

*Nguyên văn ‘Trầm ngư lạc điêu’: phỏng câu ‘Trầm ngư lạc nhạn’ – ‘Chim sa cá lặn’.

Ta để đại phong truyền tin là vì muốn tạo cơ hội cho nó lân la với mấy con chim bồ câu, để tránh một ngày nào đó nó phải lòng một con quạ đen rồi rủ rê nó về cốc tha theo biết bao điềm xấu.

Ta khẩy khẩy miệng đại phong, cuối cùng cũng móc ra được thư hồi âm của sư phụ. Tờ giấy dính nước ẩm ướt, bên trên ghi sáu chữ* đã hơi mờ khó thấy rõ: ‘Ít ngày nữa sẽ quay về’. Ta cầm tờ giấy nhìn tới nhìn lui, nhìn ngang nhìn dọc, giơ về phía mặt trời mà nhìn, đón gió tây mà nhìn, cuối cùng không thể không thừa nhận: Đây chẳng phải mật thư gì, chỉ có đúng sáu chữ này.

*Nguyên văn là bốn chữ ‘Bất nhật đương quy’. Mình tự ý chỉnh sửa theo lời dịch.

‘Ít ngày nữa’, ý chỉ không bao lâu nữa sẽ về, có lẽ sư phụ biết ta nhớ chàng lắm rồi, cho nên mới đặc biệt trấn an ta thôi. ‘Về’, có thể nói sư phụ xem Dược vương cốc là nhà của mình, bên ngoài mặc dù phồn hoa đô hội, nhưng chung quy đây mới là nhà của chàng. Ta ngẫm nghĩ tỉ mỉ một hồi, thư này tuy lời ít mà ý nhiều, giữa những câu chữ đều tựa như biểu đạt được nỗi nhớ nhà của sư phụ. Vì vậy ta rất vui vẻ mà cất thư vào trong ngực, đi tìm Lâu Tây Nguyệt ăn cơm tối.

Nam Nhạn là một diệu nhân, cậu ta không chỉ một sức một mình kéo một chiếc xe ngựa chất đầy đống đồ đạc gia dụng đến đây, mà còn thổi lửa nấu cơm rất khéo, thơm ngon vừa miệng, rất có mùi vị Giang Nam. Lâu Tây Nguyệt, và sư phụ của cậu ta như nhau, đều là người rất biết nhìn người.

Trước đây luôn là ta làm cơm cho sư phụ. Ngày đầu tiên nhập cốc, sư phụ làm cho ta một đĩa đậu phụ hấp, khiến ta lần đầu tiên kể từ khi sống trên đời đến nay biết được ăn đậu phụ thôi mà cũng tuyệt vời đến mức như vậy, có thể so với quỳnh tương (rượu ngon), thịt rồng thiên giới. Đây là lần duy nhất ta được ăn món do sư phụ làm, kỳ thực ta rất hối hận, sớm biết thế trước ta phải vẽ lại một bức đậu phụ hấp đã, sau đó tỉ mỉ ghi chép lại cảm nhận về món đậu phụ lúc đó, tiện cho sau này hồi tưởng mùi vị. Đương nhiên, ta rất vui sướng được làm cơm cho sư phụ, có thể được làm cả đời thì càng tuyệt.

Sau khi dùng cơm xong, ta thường tản bộ trong rừng trúc. Gió đêm lất phất thổi qua lá trúc xào xạt, thỉnh thoảng đôi ba chiếc lá bay lả tả theo gió. Bóng đêm tĩnh lặng, ánh trăng như nước men theo từng kẽ rừng trúc rọi xuống mặt đất hóa thành một dải sông bạc cong cong như mình ốc. Ta thong thả thả bước đến cạnh một cây trúc xanh, đưa tay sờ sờ đốt trúc, cảm giác hơi lạnh, bên trên có khắc mấy chư nho nhỏ — ‘Tiêu hương trúc’.

Vào một ngày rất lâu trước đây, ta cùng Tam Công đàm luận mấy nhân vật phong lưu, nói đến Thuấn đế – Hiền quân thời Thượng cổ, ông có hai bà phi.

Ta phê bình: Mặc dù Thuấn đế là minh quân thiên cổ, nhưng về mặt ái tình cũng như đế vương hậu cung ba nghìn giai nhân. Nga Hoàng Nữ Anh, ái tình sao có thể chia đều?

Tam Công đáp: Nhân tâm khó lường haizzz.

Từ đó về sau ta vẫn luôn băn khoăn ái tính quan, nhân sinh quan, giá trị quan của Thuấn đế, băn khoăn ông làm thế nào có thể dung hòa được hai vị mỹ nhân cùng một lúc. Con người của ta vô cùng chấp nhất, không gỡ được mối tơ vò kiên quyết không buông tay. Vì vậy ta sáng sớm ngửa mặt thổn thức, ban trưa đón gió rơi lệ,  tối mù ngắm trăng sầu bi.

Cứ thế vào một đêm nọ, cũng trong rừng trúc mười dặm đằng đẵng này, ta ngồi trên đất. Sao sáng lấp lánh đầy trời, mặt đất trải thảm lá tươi, trúc xanh biêng biếc như biển không thấy đâu là bến đâu là bờ, tựa hồ nối dài đến tận màn mây trĩu nặng trên cao kia. Trong đêm trăng tròn hoa thắm ấy, ta ngồi đây đếm trúc: Nếu là số lẽ, vậy Thuấn đế yêu Nga Hoàng; còn nếu là số chẵn, vậy Thuấn đế yêu Nữ Anh.

Một cơn gió thổi qua, trúc xanh hai bên chập chờn, trên mặt đất thấp thoáng một bóng người. Khi ta ngẩng đầu, sư phụ vận bạch sam đứng dưới ánh trăng sáng, tóc buông không buộc mặc cho sợi tóc phiêu du trong gió, nét mặt vân đạm phong thanh không nhiễm nửa điểm bụi trần. Thời gian ngừng trôi, gió ngừng thổi, trăng ngừng chạy. Tim, cũng ngừng đập.

Chàng nhìn ta, dung nhan thanh thuần tuấn tú, hỏi: “Tiểu Hương, lại bị lạc trong rừng trúc sao?” Lá trúc rơi trên áo bào của người, lại thuận thế lướt xuống chìm vào lớp lá rối rắm phủ trên mặt đất.

Ta sững người hồi lâu, đến tận khi sư phụ lại gần đưa tay phủi chiếc lá đậu trên vai ta. Ta hỏi, “Sư phụ, một người có thể thật tâm yêu thương nhiều người sao?”

Nét mặt sư phụ ngậm ý cười, “Tiểu Hương lại xuất cốc nghe hí rồi?”

Ta nhìn sư phụ, trong đầu chỉ có phong hoa tuyết nguyệt, ngơ ngác gật đầu, “Vâng, con nghe đoạn tử* Nga Hoàng Nữ Anh lệ nhiễm thanh trúc. Thuấn đế thật khiến con thất vọng quá, sao có thể khiến hai người con gái đứt ruột đứt gan như vậy chứ.”

*Đoạn tử: một thuật ngữ trong loại hình nghệ thuật tướng thanh (hay tấu nói, một loại khúc nghệ của Trung Quốc dùng những câu nói vui, hỏi đáp hài hước hoặc nói, hát để gây cười, phần nhiều dùng để châm biếm thói hư tật xấu và ca ngợi người tốt việc tốt); được phân chủ yếu thành Huân đoạn tử, Hồng đoạn tử, Hắc đoạn tử, Lãnh đoạn tử, Hôi đoạn tử, Hán ngữ ngôn đoạn tử học, Cận cảnh biểu diễn đoạn tử.

Sư phụ nhìn một cây trúc nhỏ trông như vừa nhú khỏi mặt đất bên cạnh, nói, “Tiểu Hương thích Thuấn đế sao? Vậy cây trúc này gọi là ‘Tiêu hương trúc’ nhé.”

Ta bĩu môi, hết sức nghiêm túc chân thành nói, “Nếu nam nhân con yêu mà chia tâm cho những nữ nhân khác, con chắc chắn sẽ không vì hắn mà lệ tưới thanh trúc.”

Tay áo sư phụ theo gió cuốn lên, một áng mây nhẹ gót lướt tới che mờ ánh trăng, xung quanh rơi vào mảng tranh tối. Tiếng sư phụ êm dịu như châu như ngọc, “Tiểu Hương, có một số việc, thân bất do kỷ.” Một luồng hơi mát rượi như tơ nhện chăng khắp chốn, gió nhẹ thoảng khiến cho ai đó mơ màng.

Khi cụm mây kia vén váy đi qua, sư phụ đã không còn ở đây nữa. Ta móc con dao khắc lên cây trúc nhỏ mấy chữ ‘Tiêu hương trúc’, khi đó ta còn suy nghĩ, liệu có một ngày nào đó, ta sẽ đứng trong vườn trúc này, rơi lệ vì sư phụ, trúc nhuộm lệ ngân.

Bây giờ ngồi đây nhìn lại cây ‘Tiêu hương trúc’ này, cây đã xanh um tươi tốt, trong lúc lơ đãng, cây đã lặng lẽ đâm chồi nảy lộc vươn lên thành một cây trúc khỏe khoắn xanh ngắt, cành lá xum xuê.

Bất chợt nghe thấy tiếng sáo du dương trầm bổng quanh quẩn đâu đây, ta men theo tiếng sáo mà nhìn sang, thì thấy Lâu Tây Nguyệt tay cầm một cây sáo noãn ngọc màu xanh ngọc bích, ngọc quan buộc tóc, ánh trăng bạc chiếu nghiêng khắc họa rõ ràng đường nét gò má cậu ta, trên người chỉ vận một bộ thanh sam giản dị, tay áo rộng đón gió phiêu diêu, sợi tóc tung bay vừa vặn che khuất đôi mắt của cậu ta.

Nghe xong khúc này, ta tuyệt đối tin tưởng Lâu Tây Nguyệt chính là con trai ruột của Thanh hoa nương tử. Cậu im lặng một lúc, rồi mở miệng hỏi ta, “Sư phụ có phải thấy vật nhớ người không?”

Ta ngồi dưới đất, nhặt lá cây ngắm nghía, hỏi Lâu Tây Nguyệt, “Tây Nguyệt này, nếu muốn biết một nam nhân có yêu một nữ nhân hay không vậy phải làm thế nào?”

Cậu ta đi tới bên cạnh ta, tự nhiên mà ngồi xuống, quan sát ta một lát, rồi đáp, “Nếu trong lòng nam nhân đó có nàng, tất sẽ đối với nàng khác biệt với những nữ nhân khác.”

Ta thở dài, “Vậy nếu bên cạnh nam nhân đó không có nữ nhân khác thì sao? Nếu người đó đối xử với nàng và nam nhân khác bất đồng, vậy có tính được không?”

Lâu Tây Nguyệt trầm mặc, “…”

Ta đứng dậy, lẩm bẩm, “Ừm, cứ xem là thế đi.” Trước kia trong Dược vương cốc chỉ có ba người là Tam Công, sư phụ và ta, sư phụ đối xử với ta và Tam Công tuyệt đối khác biệt. Ví như, sư phụ sẽ không tản bộ trong rừng trúc với Tam Công, nhưng người cùng ta vẫn hay hẹn nhau sau hoàng hôn, hai người đi dạo trong rừng; sư phụ chưa bao giờ xoa đầu Tam Công, nhưng thỉnh thoảng người sẽ phủi giúp lá cây vướng trên tóc ta; sư phụ nhận ta làm đệ tử, nhưng không nhận Tam Công.

Nghĩ như vậy, ta hân hoan nhảy nhót, nói lời cảm ơn với Lâu Tây Nguyệt, “Tây Nguyệt, bỗng nhiên hôm nay vi sư cảm thấy rất vui vẻ thoải mái, tâm linh thư thái thanh thản, đó đều là nhờ có con. Vì thế, bây giờ vi sư sẽ tặng con một tín vật.”

Ta chuồi tay vào tay áo móc móc một hồi, cuối cùng móc ra được một hòn đá cuội, một khúc xương cá và một đốt trúc. Ta suy tới nghĩ lui, nghĩ rằng đá cuội khá xứng với khí chất của Lâu Tây Nguyệt, bèn sảng khoái tặng hòn đá cho cậu ta, “Nếu con đã vào Dược vương cốc, vậy đã là người của ta. Sau này hành tẩu giang hồ, nếu người bên ngoài không nhận ra con, con chỉ cần lấy viên đá này ra, báo danh tính của ta, người khác tất biết con là người của ta.”

Lâu Tây Nguyệt nhận hòn đá, há miệng mấy lần nhưng không nói thành lời.

Ta vỗ vỗ tay, “Được rồi, Tây Nguyệt này, canh giờ không còn sớm nữa, ngày mai con còn phải quét dọn dược trì, chúng ta về ngủ sớm thôi.” Tiếp đó ta cất bước đi về phía trước.

Ta hào hứng đi chừng thời gian một chén trà nhỏ, ánh trăng khiến ta mê say, vì vậy ta lạc đường. Khu rừng trúc trong Dược vương cốc rất tươi tốt, luôn khiến người khác có vào mà không ra. Bình thường ta vẫn luôn bị lạc đường trong này, những lúc đó ta sẽ ngồi ngay ngắn dưới đất kiên nhẫn chờ sư phụ vào dẫn ta ra. Thế nhưng bây giờ sư phụ không có ở đây, ta nhìn quanh bốn phía, bóng dáng Lâu Tây Nguyệt cũng chẳng thấy đâu.

Sau khi ta ngồi xổm dưới đất vẽ được mấy vòng tròn, cuối cùng cũng tìm được thượng sách. Đề đủ lực, ngửa mặt lên trời thét dài một hơi, “Lâu Tây Nguyệt— ”, tiếng thét rung trời động đất, khiến cho Dược vương cốc rộng lớn là thế mà tiếng vọng không ngớt, cả tá lá trúc cũng bị chấn kinh rụng lả tả. Quả nhiên, chưa tới chốc lát đã có một thanh ảnh xuất hiện, nhẹ nhàng hạ xuống trước mặt ta. Lâu Tây Nguyệt cầm sáo ngọc, cười nhàn nhạt với ta, “Sư phụ sao thế ạ?”

Ta khai đúng sự thực, “Ta lạc đường.”

Lâu Tây Nguyệt đỡ trán thở dài, “Con đưa người ra ngoài.”

Kỳ thực khu rừng trúc này rất lớn, ta cùng Lâu Tây Nguyệt hai người vòng vòng vo vo, dọc đường dùng dao nhỏ khắc ký hiệu trên thân trúc không ít, nhưng mãi đến khi trăng đã treo tới tận đỉnh trời vẫn chưa ra ngoài được. Ta ưu sầu, ta ai oán, đầu ta đau buốt. Vì vậy ta trịnh trọng nói với Lâu Tây Nguyệt, “Lúc này có hai lựa chọn.”

Cậu ta ngước mắt hỏi, “Là gì?”

“Thứ nhất, hai ta ở trong rừng trúc này sinh lão bệnh tử, lặng lẽ ẩn cư. Nhưng mà ở đây không có thức ăn nước uống, chỉ sợ đói khát chừng mười ngày nửa tháng rồi chúng ta cũng phải cưỡi gió tây mà đi mất. Thứ hai, con cõng ta bay ra ngoài.”

Lâu Tây Nguyệt bất đắc dĩ lựa chọn phương án hai. Ta dùng cả hai tay hai chân nằm úp trên người cậu ta, một khắc khi ta vừa mới bò lên người cậu, Lâu Tây Nguyệt cứng đờ người, ta vòng tay qua cổ cậu, thân thể cậu run lên. Ta nghĩ cậu ta nhạy cảm quá, vì vậy tựa đầu vào đầu vai cậu ta. Lâu Tây Nguyệt trì trệ, rồi bỗng để ta xuống.

Ta khó hiểu, “Sao thế?”

Lâu Tây Nguyệt nhìn ta, trong mắt ánh lên một tia thần thái ta không nắm rõ, cậu từ tốn mở miệng nói, “Sư phụ, hôm qua Tây Nguyệt bị thương trên lưng, hơi đau.”

Ta gãi gãi đầu, “Vậy phải làm sao bây giờ? Hay con muốn ở lại đây với ta đả tọa viên tịch?”

Lâu Tây Nguyệt im lặng nhìn ta, nghiêng đầu, thong thả nói, “Nếu sư phụ không ngại, con ôm người ra ngoài được chứ?”

Ta chống má nghiêm túc suy nghĩ, “Ôm thế thì không hay lắm, nhỡ đâu bay chậm một chút, có ai ngẩng đầu nhìn lên bắt gặp lại tưởng Hằng Nga và Hậu Nghệ giao cảnh thâu hoan.”

Lâu Tây Nguyệt nhíu mày, nghiêng người về phía trước, một tay ôm eo ta, xoay ngang bế ta lên. Ta bị bất ngờ, sợ sẽ ngã xuống nên vội vàng đưa tay ôm cổ cậu. Cậu ta điểm mũi chân một cái, tức thì bay lên không. Ta nghe cậu ta thấp giọng nói bên tai, “Thế này người khác sẽ không hiểu lầm, cho dù có người nhìn thấy cũng chỉ tưởng Hằng Nga ôm đàn bôn nguyệt thôi [1].” Ta quay đầu, vừa vặn chống lại ánh mắt của cậu, mắt phượng híp lại nhìn ta mập mờ. Ta bị nhìn đến nỗi ngượng ngùng, xoay mặt mà nhìn rừng trúc phía dưới. Gió lạnh trong sơn cốc quất qua từng cơn khiến rừng trúc dậy sóng xanh biếc, vài điểm ánh bạc lềnh bềnh trên đầu ngọn sóng, xào xạt, xào xạt, sóng xanh không ngừng lượn vòng trong sơn cốc phảng phất tấu nên một khúc nhạc Không Hầu*.

*Không Hầu: một loại đàn cổ xưa của Trung Quốc, ít nhất có năm dây, nhiều nhất có hai mươi lăm dây.

Cảnh sắc này quá đẹp khiến ta lưu luyến quên đường về. Bỗng nhiên cần cổ cảm nhận được một luồng hơi thở ấm áp, Lâu Tây Nguyệt nhẹ giọng nói, “Sư phụ, so với trong tưởng tượng của con người gầy hơn nhiều, trông có vẻ giống một cô nương hơn.” Ta nghe vậy cả kinh, lập tức buông hai tay khỏi cổ cậu, ta oán niệm, tên Lâu Tây Nguyệt này phải bị chém nghìn đao mới được, sao lại không ôm chặt một chút, ta cứ thế rớt thẳng từ trên cao xuống.

“Phịch—”, từ đây, ta cùng khu rừng trúc này kết lương tử*, sau này ta sẽ không bao giờ hạ cố đến đây nữa. Cũng may ta phúc lớn mạng lớn, lá trúc trên mặt đất rất dày, nên ta vẫn chưa cụt tay cụt chân. Lâu Tây Nguyệt hạ xuống sát sau ta, cậu ôm vai ta, hỏi, “Vừa rồi con ôm không chặt, sư phụ có bị thương ở đâu không?”

*Kết lương tử: kết oán kết thù, nảy sinh mâu thuẫn.

Ta bị dọa đến nỗi kinh hồn táng đảm, lã chã chực khóc. Hơn nửa ngày mới khôi phục tinh thần, mắng, “Lâu Tây Nguyệt, cậu thật không có lương tâm. Sư phụ ta dưỡng cậu dục cậu dễ lắm sao? Thế mà cậu báo đáp ta thế đấy? Ngày mai, ngày mai ta sẽ trục xuất cậu khỏi sư môn?”

Lâu Tây Nguyệt không đáp lại, tự nhiên đưa tay lướt lướt nhẹ trên mu bàn tay ta. Ta lui về sau hai bước: Thằng nhãi này quăng té ta chưa đủ, còn định sờ ta nữa ư. Sắc mặt ta âm u, liếc cậu ta một cái như dao cắt.

Trong con ngươi của Lâu Tây Nguyệt xẹt qua một tia giảo hoạt không rõ ý vị, cười nói, “Tay người bị thương rồi.”

Ta rút tay lại, cả giận nói, “Lâu Tây Nguyệt, cậu mau đưa ta ra ngoài thôi. Cậu mà còn lề mề, cậu mà còn lề mề, ngày mai ta sẽ phạt cậu đến đây đếm lá cây.”

Lâu Tây Nguyệt thế mà ý cười càng sâu, bỗng nhiên duỗi cánh tay đặt trên eo ta kéo ta lại gần, trêu đùa, “Tây Nguyệt xin nghe giáo huấn của sư phụ.” Sau đó ôm ta phi lên, hư hư đạp lá trúc, bước chân nhẹ nhàng, gió gào thét bên tai ta, trăng sáng như lưỡi câu treo trên trời cao, gần đến mức tưởng như có thể nhìn thấy Hằng Nga tiên tử ở dưới tàng hoa quế cùng Ngô Cương [2].

Đến khi hai chân đặt lại trên mặt đất, ta mới cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng. Đang định về phòng, nào ngờ Lâu Tây Nguyệt vẫn ôm eo ta, siết chặt ta như cũ. Ta quay đầu nhìn cậu ta, ánh mắt cậu đầy phức tạp quan sát ta từ trên xuống dưới. Hôm nay trông cậu ta có vẻ tà môn, lăn lộn phong nguyệt lâu năm, lẽ nào đối với nam nhân cũng có hứng thú?

Nếu đệ tử của ta có đoạn tụ chi phích, ta quả thật không thể tiếp nhận. Bởi nếu thế thì hắn vô cùng có khả năng sẽ cướp đoạt sư phụ với ta. Nghĩ thế, ta bèn thử hắn. Vì vậy ta xích lại gần hơn, một tay khẽ mơn trớn cằm cậu ta, cười mị một tiếng, “Sao thế? Thất công tử cảm thấy cô đơn à?”

Trong con ngươi Lâu Tây Nguyệt hiện lên một tia ngạc nhiên, tiếp đó lộ vẻ thâm thúy như có sóng ngầm vỗ vào bờ. Cậu ta cúi đầu hừ một tiếng, tóm lấy tay ta, hơi nghiêng người về phía ta, cùng ta bốn mắt nhìn nhau, nhìn thẳng ta, khóe miệng lộ ra một ý cười vô lại.

Ta phải trấn định, lấy bất biến ứng vạn biến. Mắt thấy mặt Lâu Tây Nguyệt cách ta quá gần, sợi tóc cọ cọ lên cổ ta, còn có thể cảm giác được hơi thở của cậu, ta quyết định không bình tĩnh nữa, nhỡ đâu Lâu Tây Nguyệt là tên ăn tạp, thế ta chẳng phải biến thành miếng mồi ngon rồi sao, vì vậy liền cười khan một tiếng, “Thiên thượng tân nguyệt như câu, địa thượng thâu kê mạc cẩu*. Thơ này thật hợp với cảnh.”

*Tạm dịch: ‘Trên trời có trăng sáng như lưỡi câu, dưới đất có đôi mèo mả gà đồng’. ‘Tân nguyệt’ là trăng lưỡi liềm, ‘thâu kê mạc câu’ là trộm gà cắp chó, chỉ phường ăn trộm tép riu, hay còn chỉ quan hệ trai gái không đứng đắn.

Nghe vậy, mâu quang Lâu Tây Nguyệt lưu chuyển, bỗng buông lỏng thắt lưng ta, cung kính nói: “Sư phụ, thời gian không còn sớm, Tây Nguyệt xin được về phòng trước.”

Đối với kết quả việc thăm dò này ta khá hài lòng, vì vậy thoải mái cười cười, phất tay áo nói, “Được.” Cuối cùng, ta nhắc nhở cậu, “Tây Nguyệt, không lâu nữa là Tết Đoan Ngọ, ngày mai gói ít bánh tro thôi. Vi sư thích nhân bánh có táo đỏ, đường phèn, thịt heo, đậu xanh, hoa quế và lòng đỏ trứng.”
[1] Truyền thuyết ‘Hằng Nga Bôn Nguyệt’ (Hằng Nga đuổi theo trăng)

Hằng Nga và chồng của mình là Hậu Nghệ đã từng là những vị thần bất tử sống trên thượng giới. Một ngày kia, mười người con trai của Ngọc Hoàng biến thành mười mặt trời, làm cho mặt đất trở nên nóng bỏng và khô cằn. Thất bại trong việc ra lệnh cho các con mình ngừng phá hủy mặt đất, Ngọc Hoàng triệu Hậu Nghệ đến cứu giúp. Hậu Nghệ, bằng tài bắn cung của mình, đã bắn hạ chín mặt trời, chỉ để lại một người con trai của Ngọc Hoàng làm mặt trời. Ngọc Hoàng rõ ràng là không vui mừng gì với giải pháp của Hậu Nghệ trong việc cứu mặt đất và các sinh linh trên đó: chín con trai của ông đã chết. Như là một sự trừng phạt, Ngọc Hoàng đày Hậu Nghệ và Hằng Nga xuống hạ giới để sống cuộc sống của con người.

Cảm nhận thấy là Hằng Nga rất đau khổ vì bị mất khả năng bất tử, Hậu Nghệ quyết định lên đường đi tìm thuốc trường sinh trong một cuộc hành trình dài và đầy gian khổ, nguy hiểm để hai người có thể trở lại cuộc sống bất tử. Vào cuối cuộc hành trình, Hậu Nghệ đã gặp được Tây Vương Mẫu. Tây Vương Mẫu đồng ý cho Hậu Nghệ một viên thuốc, nhưng dặn rằng mỗi người chỉ cần nửa viên để trở thành bất tử.

Hậu Nghệ mang viên thuốc về nhà và cất nó trong một cái hộp. Hậu Nghệ dặn Hằng Nga không được mở chiếc hộp và sau đó rời khỏi nhà trong một khoảng thời gian (tại sao?). Giống như Pandora trong truyền thuyết Hy Lạp, Hằng Nga trở thành người tò mò: Nàng mở chiếc hộp và nhìn thấy viên thuốc ngay khi Hậu Nghệ quay lại nhà. Sợ rằng Hậu Nghệ có thể nhìn thấy mình đang lục lọi chiếc hộp, nên vô tình Hằng Nga đã nuốt chửng viên thuốc. Ngay lập tức Hằng Nga bay lên trời do thuốc quá mạnh. Mặc dù Hậu Nghệ muốn bắn Hằng Nga để tránh không cho nàng bị lơ lửng trên bầu trời, nhưng chàng không thể nhằm mũi tên vào nàng. Hằng Nga cứ bay lên mãi cho đến khi hạ xuống được Mặt Trăng.

[2] Ngô Cương

Trên cung trăng, Hằng Nga kết bạn với một con thỏ ngọc (là giống cái) đang chế thuốc trường sinh, cũng đang sống trên cung trăng.

Một người bạn khác là người thợ đốn củi Ngô Cương. Người thợ đốn củi này trước đó đã làm cho các vị thần bực tức vì cố gắng trở thành bất tử và vì thế đã bị đày tới cung trăng. Ngô Cương chỉ được rời khỏi cung trăng nếu có thể hạ được một cây gỗ mọc ở đó. Vấn đề là mỗi lần chàng chặt cây thì thân cây lại liền ngay lại, điều này làm cho chàng vĩnh viễn phải ở lại cung trăng.