Giang Nam Ngoại Truyện

Chương 2: Yên Hoa Túy




Edit: Jean

Sáng sớm tinh mơ, mặt trời vừa mới nhú lên, phía chân trời đàng đông xa xa lặng lẽ lộ ra một quầng sáng nhạt, nhiễm đỏ một góc ráng mây màu.

Ta khoác một bộ ngoại bào trường cảnh vào, buộc lại mái tóc đang buông lơi, soi gương đồng rồi lấy tấm mặt nạ nam nhân cẩn thận dán lên mặt, sau đó thong thả thả bước đi tìm Tam Công. Đêm qua, ta nằm mộng, mộng thấy một bức họa thủy mặc, có một công tử vận cẩm phục tay áo phấp phới đứng bên bờ sông, gió rền vang, sóng cuồn cuộn, Giang Nam tháng ba, cỏ tốt oanh bay, chim đỗ quyên hót đầu cành đỗ quyên, khung cảnh tựa như từng tràng pháo hoa nở rộ trong màn đêm u ám.

Người đó nhoẻn miệng cười với ta, tiếng cười trong như ngọc, “Tiểu Hương, đến đây.”

Bỗng nhiên phía sau người sóng tuôn vạn trượng, thế như đằng long, cuộn trào mãnh liệt mà bổ chồm tới. Đàng chân trời u ám, sét chớp xẹt ngang, khi nhìn lại, thì công tử kia đã biến mất.

Giấc mộng xuân cùng ác mộng này, chỉ một ý nghĩ sai là sai hết.

Ta giật mình tỉnh dậy từ giấc mộng, tỉ mỉ ngẫm lại một phen, dung mạo vị công tử kia ta không nhớ rõ, nhưng trong lòng mơ hồ đau đớn. Ba năm nay, mỗi ngày ngẩng đầu không thấy cúi đầu thấy nam nhân chỉ có hai người: sư phụ và Tam Công. Như vậy, căn cứ vào nguyên tắc ngày nhớ đêm mong, nhân vật trong mộng của ta chỉ có thể là sư phụ, hoặc là Tam Công lúc còn trẻ.

Ta bước thong thả đến trước gian nhà của Tam Công, ông đang ngồi trong sân, trước mặt đặt một gốc hoa phượng hoàng nở rộ rất kiều diễm. Ông cẩn thận sờ sờ cánh hoa, sờ sờ cuống lá, sờ sờ hạt cát dính trên lá cây, chìm trong say sưa. Phật nói: Một bông hoa một thế giới, một ngọn cỏ một thiên đường, một chiếc lá một Như Lai, một hạt cát một cực lạc. Tam Công, lúc này đang suy ngẫm họa phúc sớm chiều của chúng sinh.

Ta ngồi xuống bên cạnh Tam Công, hỏi ông: “Tam Công, gần đây ông có báo mộng cho ta không?”

Ông cầm hoa cười một tiếng, lắc đầu.

Ta yên tâm, vậy đêm qua quả thực ta đã mơ thấy sư phụ. Ta kể lại đại khái cảnh trong mơ cho Tam Công, rồi nói, “Ông giải mộng giúp ta xem, liệu đây là điềm lành hay điềm xấu?”

Người đời thường nói ‘Chu Công giải mộng’, còn ta nhất mực tin tưởng rằng: Chu Tam Công và Chu Công chắc chắn có quan hệ nào đó không thể để người khác biết được.

Tam Công trầm mặc chừng thời gian uống cạn một chén trà, đến khi ta díu mắt sắp ngủ gà ngủ gật, ông mới mở miệng nói, “Nóng ruột nóng gan haizzz nóng ruột nóng gan.” Ta nhấc mí mắt liếc nhìn ông một cái, hừ hừ một tiếng, rồi dưới ánh dương quang lại chìm vào giấc ngủ mơ màng.

Rất lâu trước đây, ta cũng từng mơ thấy một giấc mộng như vậy. Khi đó ta chỉ khoảng chừng mười ba, mười bốn tuổi, hãy còn là một cô bé tóc để chỏm. Trong mộng mơ hồ có một công tử trẻ tuổi nâng đầu ta lên, dùng chiếc muỗng sứ thanh hoa chậm rãi múc nước thuốc trong chén đút cho ta. Trước đó, cả người ta lạnh toát, cho dù bọc bao nhiêu chăn đệm bông đều không tác dụng, khí lạnh từ bốn phương tám hướng từng phân từng hào gặm nhấm vào tim ta. Nhưng khi nước thuốc này theo cổ họng mà trôi xuống, tựa như có một dòng nước ấm rót vào lòng ta.

Khi ta còn bé có một muội muội gọi là Tề Tiếu. Tề Tiếu luôn quanh quẩn ôm lấy ta, nói với ta: ‘Tỷ tỷ, Tiểu Tiếu ở đây với tỷ, nếu tỷ còn lạnh, muội sẽ đi nhặt cây nhóm lửa’. Hai chúng ta cứ như vậy sống nương tựa lẫn nhau, lang thang khắp phố lớn ngõ nhỏ ở Giang Nam. Thỉnh thoảng mượn gió bẻ măng được một túi tiền, ta sẽ mua đường nhân* cho Tiểu Tiếu ăn. Khi cơn đói bủa vây, Tề Tiếu sẽ dũng cảm đến một nhà giàu có nào đó lén hái trộm trái cây, sau đó đôi ta thực hiện cướp của người giàu chia cho người nghèo, phân chia tang vật.

*Đường nhân: đồ chơi làm bằng đường (dùng đường loãng thổi thành hình nhân, chim thú, có thể chơi và cũng có thể ăn).

Khi đó, gánh hát Hồng Hồng Hỏa Hỏa vừa khai diễn vở kịch <>. Ta và Tề Tiếu trèo lên ngồi vắt vẻo trên tường viện, đối diện với đám người mặt đỏ mặt trắng trên sân khấu nhìn xuống dân chúng vây xem.

Ta ôm ngực, quay sang cười khảng khái bi tráng với Tề Tiếu, nói, “Ngu cơ ơi Ngu cơ ~~ bản vương không có nàng, biết sống thế nào đây?!”

Tề Tiếu không ngừng cười khanh khách, diễn một động tác e thẹn vô hạn, “Bá vương ơi bá vương, chỉ nguyện lòng chàng như lòng thiếp, kiếp này vô duyên, hẹn kiếp sau gặp lại ~~”

Ta nhìn cảnh tang thương trước mắt, dáng vẻ sống không bằng chết, “Ôi ~~ Ngu mỹ nhân đã mất, bản vương cũng không muốn sống nữa. Người ơi, hãy bắt ta đi đi.” Hát xong, ta vung mạnh tay áo, tình cảm mãnh liệt chưa dứt. Chỉ cảm thấy trước mắt có vật gì đó lướt qua, ta sờ tay áo, bên trong trống không. Rồi bỗng trong viện vang lên một tiếng sét, “Đứa nào?! Là đứa nào ném trứng gà?!”

Ta vội vàng kéo Tề Tiếu vắt chân chạy như bay, cành liễu bên bờ sông lay động dập dềnh, mây trắng trên trời trôi giạt bồng bềnh.

Rồi bỗng có một ngày lúc ta tỉnh lại, trong nhà lá ẩm ướt lạnh lẽo nhưng lại không thấy Tề Tiếu đâu. Đôi chân trần của ta giẫm mòn tất cả những con đường nhỏ lát gạch xanh trong thành, nghển cổ trước cửa những nhà giàu có treo đèn lồng đỏ chót mà trông ngóng, nhưng vẫn không thấy muội ấy đâu. Đêm đến, khí lạnh như châm như chích vào tứ chi bách hài của ta, như trăm như vạn con kiến đang gặm nhấm tâm phế ta. Trong gian nhà lá tối om, ta ôm gối cuộn tròn, đã không còn Tề Tiếu nhóm lửa sưởi ấm cho ta nữa rồi, giữa đất trời mênh mông rộng lớn chỉ còn lại một mình ta thôi.

Đêm đen gió lớn, ta mê man chìm vào giấc mộng. Giật mình khỏi mộng, bên cạnh có tiếng lửa cháy ‘lách tách’, ta nhấc mí mắt, mơ mơ hồ hồ trông thấy bóng người, tay cầm nhánh cây gẩy đống lửa.

Ta há miệng gọi, “Tiểu Tiếu…”

Người nọ quay đầu, trên người chàng chỉ vận một bộ trung y màu trắng, ánh lửa nhảy nhót bập bùng trên làn da trắng noãn của chàng. Chàng cúi đầu nhìn ta, con ngươi như đầm nước sâu, “Cô bé khá hơn chút nào chưa?”

Ta mở mắt muốn ngồi dậy, ngoại bào trên người tuột xuống, là một bộ cẩm bào màu đỏ tía khảm vàng. Ta nhìn chàng chằm chằm, nhìn thế ước chừng thời gian nửa nén nhang, chàng mím mím môi, thấp thoáng ý cười, “Ta rất đẹp sao?”

Ta thành thật gật đầu, “Vô cùng đẹp.”

Chàng mỉm cười cầm ngoại bào mặc vào, áo bào càng tôn lên khí chất hoàn mỹ tự nhiên* của chàng. Chàng buộc chiếc thắt lưng ngọc bản rộng màu bạc quanh hông, toan cất bước rời đi.

*Nguyên văn ‘hồn nhiên thiên thành’: hình dung một người tài đức hoàn mỹ tự nhiên.

Ta sốt ruột, vội kéo người lại, “Người là vị đại thần nào? Tên là gì?”

“Ta là An Thần. Ta không phải thần tiên, vừa rồi cô bé bị bệnh, ta đã trị khỏi cho muội rồi.”

Ta níu góc áo bào của chàng, “Ca ca, người như người thân của muội vậy, người có thể dẫn muội theo được không?”

Chàng sờ sờ đầu ta, “Không được.”

Ta lăn qua lộn lại, “Muội đang bệnh, cả người đều đau. Tâm, can, tỳ, phế, tạng đều đau vô cùng vô tận.”

Chàng cười ha ha một tiếng, “Ta không thể mang cô bé theo được, ta không phải người Dương Châu. Ta chỉ tiện đường đi ngang qua đây thôi.”

Ta rưng rưng nức nở, “Người ta nói, nhận ân của người, dù nhỏ như giọt nước cũng phải dùng cả con suối để báo đáp*. Ca ca, muội có thể trèo cây, có thể leo tường, có thể làm ruộng, có thể nấu ăn. Người có thể dẫn muội theo với được không?”

*Nguyên văn ‘Tích thủy chi ân đương dũng tuyền tương báo’.

Chàng cúi đầu cười cười, tiếng cười êm tai như đàn như sáo.

An Thần nghiêng đầu nhìn ta, nói, “Cô bé là con gái nhà nào?”

Ta sốt ruột, nghĩ đến việc nói tên của ta cho chàng, trong lòng không biết cớ sao quặn xoắn, “Muội là Tề Hương, Hương trong hương tiêu (chuối tiêu). Tề thiên đại thánh là lão tổ tông của muội.”

An Thần mím mím môi, cười nói, “Tiểu Hương, đến đây.”

Khóe mắt chàng cong cong, khi cười đôi con ngươi lóe sáng như có ngôi sao rơi lạc vào trong ấy. Ánh dương quang sáng rực vàng óng xuyên qua khe cửa sổ, chói đến mức khiến ta không mở mắt ra được.

Xuyên qua từng nhánh cây, ánh tà dương nhuộm đỏ cây cỏ, phút chốc hoa nở, là lòng ai nhộn nhạo rạo rực.

An Thần không cho ta một danh phận. Chàng mời ta ăn một bữa trong tửu lâu, uyển chuyển biểu thị với ta: Tiếp theo chàng có chuyện cần làm, dẫn theo ta rất bất tiện. Ta trấn an chàng: Cho dù người làm gì, ta đều chỉ ngoan ngoãn đứng xem thôi.

Sau đó ta đi theo sau chàng, mười dặm tám hương nửa bước không rời. Chàng ăn, ta nhìn; chàng uống, ta nhìn; chàng chữa bệnh, ta nhìn; chàng đi xí, ta đứng ngoài nhà cỏ nhìn. Ta phát hiện chàng thích mím môi, những khi có chuyện gì vui vẻ, chàng sẽ mím nhẹ môi, sau đó bên khóe môi tràn ra một nét cười, khiến ta cảm thấy hoa nở khắp trời Dương Châu vào tháng ba cũng không thể sánh được với chàng. 

Một hôm ngắm liễu bên sông, tay chàng gảy huyền cầm, nói với ta, “Tiểu Hương, ta còn có chuyện phải làm, phải đi thật.”

Ta bỗng dưng cảm thấy mất mát, nhẹ giọng nói, “Nhưng muội không nỡ xa người.”

An Thần xoa xoa đầu ta, “Có rất nhiều người muội cũng sẽ luyến tiếc không nỡ rời xa, nhưng không có nghĩa là đều muốn giữ tất cả mọi người bên cạnh được.”

Ta sờ soạng trên người, không có gì có thể đưa chàng làm tín vật. Vì vậy ta ngồi xổm xuống đất mò tìm một hòn đá cuội, dùng ống tay áo lau chùi qua cho sạch sẽ rồi hôn lên nó một cái, sau đó đưa cho chàng, “Người có thể giữ nó làm kỷ niệm không?”

Chàng gật đầu, nhận hòn đá rồi xoay người rời đi.

Ta len lén đi theo sau chàng. Thật ra, nói không theo chàng, cùng không nói nhưng theo chàng, ngoài mặt thoạt nhìn như nhau, nhưng cách sau hiệu quả tốt hơn nhiều. Ví như vào một ngày phong hoa tuyết nguyệt nào đó, đột nhiên ta xuất hiện trước mặt chàng, sau đó vờ tỏ ra thật ngạc nhiên mà nói với chàng, “Công tử, chúng ta thật có duyên quá~~”. Ta còn có thể tìm tòi thứ chàng yêu thích, sau đó im hơi lặng tiếng khẽ khàng mà đưa cho chàng. Ta còn có thể sau hai ba năm nhìn trộm chàng, trào nước mắt nức nở nói cho chàng biết, “Thật ra muội đã để ý người rất lâu.”

Thế nhưng, vào một ngày trời trong nắng đẹp, An Thần rốt cục trời chiều lòng người mà vào một thanh lâu. Ta ngồi xổm trước cửa si ngốc chờ, si ngốc chờ, cứ thế chờ đến bảy ngày bảy đêm, cuối cùng ta giác ngộ được hai chuyện: Thứ nhất, trước kia chàng nói có việc không thể mang theo ta, hóa ra là vì đi dạo kỹ viện; thứ hai, ta đã mất dấu chàng.

Sau này ta cẩn thận suy nghĩ lại, kỳ thực An Thần muốn chạy rất dễ, nhưng có lẽ vì chàng ngại nhất là khí chất phong độ nhẹ nhàng của mình, cho rằng nếu bỏ chạy sẽ thật tổn hại hình tượng.

Tề Tiếu đi, An Thần cũng đi, từ nay về sau đời ta cô đơn một mình. Lúc nghe Bá vương biệt cơ, ta không hiểu mà lòng vẫn chua xót. Ta yêu sớm, khi mà người khác đang trải qua quãng thời gian thanh mai trúc mã, ta đã trải qua một lần sinh ly tử biệt. Điều này khiến ta tang thương*. Từ đó về sau, hễ khi bên tai nghe có ai kể chuyện rung động thanh xuân của mình, ta đều tiến đến hỏi một câu: “Khi cô động tình, thì bao nhiêu tuổi?”

*Tang thương: bể dâu, ví với sự thay đổi lớn của cuộc đời.

Hỏi nhiều lắm, nhận ra rằng ta không chỉ yêu sớm, mà còn trưởng thành sớm.

Bởi rất nhiều cô nương sẽ thẹn thùng như đóa phù dung mà trả lời ta, “Người ta không biết động tình là cái gì đâu~~”

Ta không cam lòng, sau hơn một năm, ta giẫm mòn sông núi, hỏi thăm từng nhà từng cửa, thế nhưng cái tên An Thần này như đá lọt biển rộng, không ai hay biết. Mỗi khi ta ngả lưng nằm xuống đất, ngửa mặt nhìn sao giăng đầy trời, thì đều nhớ đến chàng mím mím môi, gọi ta, “Tiểu Hương, đến đây.”

Ta còn suy nghĩ, rốt cuộc An Thần còn nhớ ta hay không? Nếu chúng ta vô tình gặp lại nhau ở một nơi nào đó, liệu chàng sẽ có biểu cảm gì?

Trong đầu ta tưởng tượng vô số lần cảnh chúng ta gặp nhau, đáng tiếc, vô số lần, nhưng không một lần trúng.

Càng đi về phía tây, càng nghe được nhiều người nói rằng: Trong Dược vương cốc có vị thần y có khả năng diệu thủ hồi xuân, người chết rồi cũng có thể kéo hồn trở lại. Ta thử nghĩ, An Thần cũng là đại phu, hơn nữa chàng y thuật cao như vậy, cùng là nhân sĩ trong nghề có lẽ sẽ biết chàng chăng.

Vì vậy ta trèo non lội suối hứng gió tắm mưa một nắng hai sương tìm đến Dược vương cốc. Khi vào cốc, có một vị nam tử tóc đen áo trắng ngồi đưa lưng về phía ta, ở phía đối diện là một ông lão toàn thân một màu trắng thuần đang chơi cờ với chàng. Trong cốc thoảng qua từng trận gió mát, thổi mái tóc chàng tung bay, trông như một dòng suối mát thấm vào tận ruột gan.

Ta lớn tiếng hỏi, “Xin hỏi thần y có ở nhà hay không?”

Công tử kia cầm một con cờ màu trắng hạ xuống, tiếng quân cờ đặt xuống bàn cờ lanh lảnh “Canh —”. Tiếp đó, chàng xoay người, một chớp mắt kia, ta suýt tí nước mắt tuôn rơi như mưa: Chàng, chính là An Thần mà ta đã tìm rất lâu, rất lâu.

Chàng nhìn ta, nét mặt vân đạm phong thanh, hỏi, “Cô nương muốn tìm ta?”

Ta nhất thời ngẩn ngơ, đứng như trời trồng tại chỗ. Người trước mắt cùng An Thần giống nhau như đúc, nhưng trong con ngươi của chàng không có mảy may một tia phập phồng. Ta đang suy nghĩ, đã hơn một năm không gặp, ta đã cao hơn rất nhiều, có lẽ chàng không nhận ra chăng.

Nghĩ thế ta thấy hưng phấn, tiến lên phía trước, cười nói với chàng, “An Thần, muội là Tề Hương. Một năm trước ở Dương Châu, chúng ta đã gặp nhau.”

Chàng nở nụ cười nhàn nhạt, bưng chén trà trên bàn đá, nhấp một ngụm, giọng nói như ngọc chạm, “Ta là Hạ Cảnh Nam, cô biết ta ư?”

Ta mê mẩn, chàng chỉ dùng dây lụa buộc gọn mái tóc sau đầu, trên người mặc một bộ áo trắng thuần, so với An Thần cẩm y ngọc đái trước kia tưởng như hai người. Hơn nữa chàng nói chàng là Hạ Cảnh Nam.

Bỗng nhiên, ông lão ngồi đối diện bàn đá kêu lên một tiếng, “Ôi chao —” tiếp đó, tự đánh một cái sau ót, rầu rầu nói, “Ta thua.”

Hạ Cảnh Nam nói với ông lão, “Tam Công, ván cờ này đã đánh ba ngày ba đêm. Ông đi nghỉ một lát đi.” Sau đó, chàng mím mím môi. Động tác mím môi quả thật y đúc An Thần.

Ta khẳng định, mặc dù thay đổi kiểu tóc thay đổi xiêm y thay đổi danh tính, chàng vẫn chính là An Thần không thể nghi ngờ.

Sau đó, trong một đoạn thời gian rất dài, ta đều suy nghĩ liệu có phải An Thần bị tâm thần phân liệt hay không.

Ta muốn ở lại bên cạnh chàng, nhưng không có một lý do thích hợp. Ta sợ chàng cũng sẽ như một năm trước, cự tuyệt ta từ ngoài ngàn dặm, cuối cùng đổi sang một động khác lặng lẽ ẩn cư. Rồi ta lại phải năm này sang năm khác đuổi theo chàng, cứ vậy ngươi truy ta cản, không khỏi liên lụy đến tuổi thanh xuân thảm đạm vô tội của chúng ta. Ta nghĩ tới nghĩ lui, rốt cuộc cũng nghĩ ra được một biện pháp trung hòa vẹn toàn. Thừa dịp bây giờ chàng đang có vẻ mất trí, ta có thể bái chàng làm thầy, ta có thể ở lại Dược vương cốc giặt áo nấu cơm, đấm lưng xoa bóp cho chàng, cũng có thể kế thừa y bát của chàng, tế thế an dân.

Sau khi ta nói với chàng ý muốn này, chàng chậm rãi nói, “Ta không nhận nữ đệ tử, cô nương mời quay về đi.”

Ta thành khẩn biểu thị thái độ, là nam hay nữ không quan trọng. Ta nói có sách, mách có chứng, nói rất nhiều, cũng rất hùng hồn: Nữ có Hoa Mộc Lan điểm binh sa trường, nam có Du Bá Nha đoạn cầm vì Tử Kỳ. Tất cả việc mà nam nhân có thể làm ta cũng có thể làm, nhưng tất cả việc mà ta có thể làm, nam nhân lại không thể làm hết được, ví như: Sinh con.

Trọng nam khinh nữ đã là quá khứ, lui một vạn bước mà nói, nếu vì ngại lễ nghi, ta sẽ cải trang thành nam nhân.

Có lẽ ta nói chuyện quá nhanh, e rằng sư phụ không nghe rõ nửa đoạn trước, chỉ bắt được một câu cuối cùng. Chiều muộn ngày hôm đó, chàng đưa cho ta một tấm mặt nạ nam nhân. Ta tâm lĩnh thần hội mà dán mặt nạ lên mặt, từ nay về sau sẽ dùng khuôn mặt nam nhân này mà sống trên đời.

Hôm sau khi sư phụ gặp ta, ấy mà có phần ngạc nhiên, “Sao con lại trông thế này?”

Trên mặt ta có thêm một lớp da nên hơi không quen, biểu cảm cứng đơ nói, “Từ hôm nay trở đi, con sẽ là một nam nhân, sư phụ cứ yên tâm thoải mái.”

Sư phụ, “Khụ khụ, hoa hồ điệp ta dùng để chế mặt nạ này có tác dụng dưỡng nhan. Hôm qua đưa cho con chẳng qua là muốn cho con xem dược hiệu hoa hồ điệp một chút thôi.”

Tiếp đó, chàng đi hai bước, liếc ta một cái, mặt không đổi sắc nói, “Có điều, con đeo mặt nạ này cũng rất hợp.”

Tấm mặt nạ này, là một nam nhân tướng mạo phi phàm. Cho nên, nếu như chỉ nhìn vào mặt ta, có thể nói ta là một nhân vật phong hoa tuyệt đại.

Sau đó ta hỏi sư phụ nghìn vạn lần, chàng có từng nhớ: Tại Dương Châu gấm hoa rực rỡ, bên bờ sông khói mực lượn lờ, ta và chàng gặp nhau dưới gốc hoa đào, chàng anh hùng cứu mỹ nhân, sau đó thề hẹn với ta để ta chờ chàng cả đời, hỡi hồng trần cuồn cuộn, hỡi tình thâm si ngốc, ta đợi hỡi ta chờ, chàng lại không quay lại nữa.

Sư phụ chỉ cười không nói gì, cũng chỉ lẳng lặng nghe, phảng phất câu chuyện cũ này không có nửa tí quan hệ với chàng.

Cứ thế nói rất nhiều lần, dần dà ta cũng tin rằng ta cùng An Thần quả thật đã từng có một cuộc gặp mặt đẹp như thơ như tranh ấy. Thế nhưng, nói nhiều lần là vậy, rồi ta cũng phát hiện ra sư phụ đã quên ta thật rồi.

Cũng có thể, chàng chưa từng nhớ ta.

Có một ngày, sư phụ giải thích với ta: “Tử hành thảo còn gọi là yên hoa túy, có thể giải trừ hàn độc. Nhưng khi dùng cỏ này, sẽ sa vào giấc mộng rất khó mà tự thoát ra.”

Ta nghiêng đầu nhìn chàng, thầm nghĩ: Hóa ra lúc đó ta dùng yên hoa túy, hóa ra, đó chẳng qua chỉ là một giấc mộng của ta mà thôi.