Giang Nam Hận

Chương 40: Phiên ngoại – Hách Liên Huyên




Hách Liên Huyên đã là cô gái bảy – tám tuổi rồi, dáng vẻ trắng trẻo mũm mĩm, mắt mày như vẽ. Bé đứng từ cửa sổ nhìn vào, chỉ thấy cha đang liên tục lau chùi con dao găm. Bé nheo mắt cẩn thận ngắm nghía thật lâu, vẫn thấy con dao thực bình thường, rất bình thường. Nó chỉ là con dao gọt hoa quả! Trong phủ còn đầy những con dao tinh xảo và quý giá hơn con dao này.

Thế nhưng bé thực sự chẳng hiểu nổi, cha hết việc làm rồi hay sao mà hễ rãnh rỗi lại vào thư phòng ngồi lau chùi con dao này. Hơn nữa mỗi lúc lau chùi đều hơi xuất thần, dường như đang trầm tư nhớ về điều gì đó…

Từ nhỏ tới lớn bé luôn thấy cha vô cùng trân trọng con dao đó, hệt như nó là bảo vật độc nhất vô nhị trên đời. Xưa nay cha thương bé nhất, mỗi lần anh em trai bị phạt quỳ trong sân, chỉ cần bé chạy tới chỗ cha chu môi nũng nịu gọi vài tiếng ‘bố yêu quý’, sau đó hôn lên khắp mặt cha, thủ thỉ muốn được chơi cùng anh em trai, thế là cha thả họ ngay.

Bữa nọ bé tò mò, len lén trèo lên ghế, trườn đến tủ treo quần áo định trộm con dao mang tới hỏi mẹ, ai dè bị cha bắt được mắng cho một trận. Cha chưa từng mắng bé lần nào. Mắt bé hồng hồng, sau đó cha dỗ dành cỡ nào, bé cũng ngoảnh mặt làm ngơ.

Cha hết cách, thừa dịp mẹ vắng mặt, mới to nhỏ với bé: “Nếu như không có con dao này, nhà chúng ta chưa có mẹ, cũng sẽ chẳng có Huyên nhi, và dĩ nhiên càng không có em trai! Vì vậy con đừng lộn xộn.” Bé không hiểu vì sao chưa có mẹ, nhưng vẻ mặt của cha rất trịnh trọng, bé đành mờ mịt gật đầu.

Bé lại lén lút tới hỏi mẹ, mẹ chỉ mỉm cười vuốt ve mặt bé, và hoàn toàn im lặng. Nhưng thật ra, bé dường như thấy mặt mẹ thoáng ửng hồng.

Tới giờ bé vẫn không hiểu đấy! Bé ngồi trên mặt thảm dày cộm trong phòng, vuốt ve bộ lông mềm mại của con mèo nhỏ, đôi mắt to tròn long lanh, lầm bầm: “Mèo con ơi, cậu xem bọn họ cứ bí bí mật mật! Vì sao không có con dao ấy thì chưa có mẹ chứ? Mèo con à, cậu có biết không?”

Con mèo nhỏ dịu ngoan nằm trên vai bé, dường như được bé vuốt ve rất thư thái, thật lâu sau mới kêu hai tiếng ‘meo meo’ coi như đáp lại.