Giang Hồ Tam Nữ Hiệp

Chương 25: Vô ý thấy tàng thư đứng ngồi chẳng yên Hữu tâm tìm bầu bạn ngộ nhận trùng trùng




Phùng Lâm bỏ Lý Trị đến nhà họ Niên, trao tín vật của Niên Canh Nghiêu, đến ở tại khu vườn năm xưa. Khu vườn đã bỏ hoang nhiều năm, Niên Hà Linh vốn không dám cho nàng đến đấy, nhưng Phùng Lâm cứ một mực đòi, bởi vậy cho sai gia nhân dọn dẹp sơ rồi cứ để mặc nàng.

Phùng Lâm bước vào vườn thấy lòng nôn nao, sau khi đến thư phòng nàng càng thấy hình như mình đã đến nơi này. Nàng cứ suy nghĩ mãi mà không ra. Niên Canh Nghiêu muốn nàng ở đây vốn là có dụng ý. Bởi vì Phùng Lâm đã uống mê dược của Ung Chính, mất đi trí nhớ, chẳng nhớ được những chuyện trước khi vào hoàng phủ. Do đó Niên Canh Nghiêu mới để cho nàng ở lại chỗ cũ để khơi dậy trí nhớ của nàng.

Nhưng Phùng Lâm đã mất trí nhớ nhiều năm, tuy cảm thấy khu vườn này rất quen thuộc nhưng vẫn không nhớ nổi. Được vài ngày, nàng đã đi khắp nơi trong vườn, nàng lờ mờ nhớ rằng, đây là nơi mình đã từng đến. Nhưng nàng lại không biết mình đã đến khu vườn này từ lúc nào. Nàng chợt nghĩ mình mới quen Niên Canh Nghiêu đây, làm sao đến nhà họ Niên được? Trong lòng cứ nghi ngại mãi, hơn nửa tháng mới dần dần yên bụng.

Một tối nọ, Phùng Lâm đi dạo trong vườn, chợt thấy có hai người vượt tường nhảy vào.

Phùng Lâm thấy hai người ấy tuy lanh lẹ, nhưng khinh công chẳng phải thượng thừa, nàng đã cầm sẵn hai cây phi đao tẩm độc định phóng ra, nhưng nghĩ lại nên thôi. Người đi đầu nói: “Đây là nơi Chung Vạn Đường ở trước kia, ồ, sao trong phòng lại có ánh đèn?” người kia nói: “Chả lẽ thiếu nữ ấy vẫn còn ở đây?” người đi trước cười nói: “chắc chắn không thể. Ta đã thăm dò rất rõ ràng, trong ngày Chung Vạn Đường chết, ả đã bị Song ma bắt vào hoàng phủ”... Phùng Lâm nghe ba chữ “Chung Vạn Đường”, lòng lại chấn động, thầm nhủ: “Sao cái tên này nghe quen thế!” người phía sau lại nói: “Chả lẽ Niên Canh Nghiêu sai người canh giữ?” đồng bọn của y nói: “Giờ đây Niên Canh Nghiêu đang ở Bắc Kinh, đang giúp Ung Chính đoạt ngôi, y nào còn lòng dạ canh ngôi vườn này...” người phía sau lại nói: “Niên Canh Nghiêu quỷ kế đa đoan, không thể không đề phòng”. Hai người thì thầm bàn một hồi, mỗi người lấy ra một vật tựa như mỏ hạc, bước đến phía dưới cửa sổ, Phùng Lâm cũng không biết chúng làm trò gì. Một hồi sau, cả hai người đẩy cửa vào. Phùng Lâm lẳng lặng chui ra khỏi bụi hoa, phóng tót lên mái nhà, bám hai chân vào mái, ngửa người xuống xem.

Hai người dạ hành trong phòng nhìn nhau im lặng. Té ra bọn chúng tưởng trong phòng có người nên dùng vật có hình dạng như mỏ hạc thổi Kê minh ngũ cổ phản hồn hương vào, không ngờ vừa vào trong lại chẳng có ai. Đó là điều đại kỵ của người dạ hành, bởi vậy không khỏi hoảng lên. Một người lại chạy ra ngoài, nhìn dáo dác, Phùng Lâm đu người lên mái nhà trở lại, người ấy dòm ngó một hồi, trở vào trong phòng nói: “Thật kỳ lạ, đúng là chẳng có ai”. Đồng bọn của y nói: “Mặc kệ có hay không, chúng ta tìm mau”. Hai người lật rương, thấy quần áo của Phùng Lâm rất lấy làm lạ. Một người nói: “Chả lẽ cháu ngoại của Quảng Liên về đây?” một người nói: “Ả đang sống ở hoàng phủ, sao trở về được”. Rồi lại tiếp tục tìm kiếm lục lọi, cả hai dùng kiếm chọc bừa lên vách tường một hồi. Phùng Lâm thấy thế ngạc nhiên, thầm nhủ: “Chả lẽ ở đây có giấu vật gì quý báu?” một hồi sau, cả hai người rinh cái giường qua một bên, tìm kiếm dưới gầm giường, lại dùng đục đào đất, chợt nghe tiếng kim khí va vào nhau, một người nói: “Tìm thấy rồi!” rồi đào lên một cái tráp bằng sắt, nhưng lay hoay mãi mà vẫn không mở ra. Tên đồng bọn nói: “Đem về rồi tính sau”. Người còn lại bảo: “Không biết bên trong có giấu quyển sách ấy hay không, nếu không phải chỉ toi công”. Rồi lấy ra một thanh miến đao, nói: “Để ta chặt cái tráp sắt này ra”. tên đồng bọn nói: “Cẩn thận, coi chừng làm hỏng sách”. Y vừa dứt lời, người đó đã chém đao xuống, ánh lửa bắn ra tung tóe, cái tráp bật ra, hai mũi phi đao bắn vọt ra, người ấy không kịp đề phòng, bị phi đao bắn trúng buồng tim kêu thảm một tiếng rồi ngã xuống đất ngay tại chỗ. Người còn lại lách qua một bên, đợi một hồi, chẳng thấy chuyện gì khác lạ mới bước đến, lấy quyển sách trong tráp ra, liếc sơ qua rồi cất vào người, cả mừng cười nói: “Cuối cùng đã tìm thấy”. Rồi đá cái xác qua một bên, nói: “Sư huynh, ngày này sang năm, đệ sẽ làm giỗ cho huynh. Nay đã tìm thấy sách, ở dưới chín suối huynh cũng nên yên ngủ đi thôi”. Phùng Lâm nghĩ: “Kẻ này thật xấu, cho y nếm một đao mới được”. Người ấy vừa bước ra khỏi phòng, đã trúng một ngọn phi đao của Phùng Lâm, kêu thảm ngã lật ngửa ra, cũng đi theo sư huynh của y xuống suối vàng. Phùng Lâm nhảy xuống, lấy quyển sách ra, thấy trên bìa đề bốn chữ “Kim châm độ thế”. Rồi vào phòng nhặt hai mũi phi đao liếc qua, nàng bất giác cả kinh.

Hai mũi phi đao hoàn toàn giống với phi đao của nàng, Phùng Lâm lại xem vết thương của hai người ấy, chịu trứng trúng độc cũng giống như, nàng vừa kinh vừa ngờ, thầm nhủ: “Hàn bá bá nói phi đao tẩm độc mà mình dùng là ám khí độc môn, trên giang hồ chẳng ai biết sử dụng, tại sao hai ngọn phi đao này lại giống hệt như của mình?”

Té ra Phùng Lâm từ cho đi theo Chung Vạn Đường, học được kỷ Đoạt Mệnh thần đao, sau khi bị hai ma đầu đưa vào hoàng cung, tuy bản tính mê lú nhưng vẫn chưa quên võ nghệ được học từ nhỏ, nàng vẫn mang theo cái tráp đựng hai mươi bốn mũi độc đao. Trong phủ có rất nhiều có thể, Phùng Lâm lại được bọn họ yêu mến, mỗi người đều truyền võ nghệ cho nàng; trong đó Hàn Trọng Sơn là cao thủ dùng ám khí, thấy phi đao của nàng thì biết ngay là chân truyền của phái Phó Thanh Chủ, Hàn Trọng Sơn lấy phi đao của nàng nghiên cứu, sau mấy ngày đã tìm hiểu ra. Nhưng bản thân y là tôn sư của một phái, không muốn sử dụng ám khí của phái khác nên chỉ truyền cho Phùng Lâm phương pháp luyện phi đao và cách điều chế độc dược, đồng thời chỉ điểm phương pháp cho nàng chứ mình thì không sử dụng. Sau khi Chung Vạn Đường chết, phái Vô Cực không còn truyền nhân, Niên Canh Nghiêu tuy học được vài phần nhưng y đương nhiên không thể đi lại trên giang hồ, vả lại Phùng Lâm tưởng rằng chính Hàn Trọng Sơn đã truyền cho mình tuyệt kỹ phi đao chứ không nhớ đến ai tên Chung Vạn Đường cả.

Phùng Lâm suy đi nghĩ lại mà vẫn chẳng ra, chỉ đành lặng lẽ chôn hai cái xác. Dọn dẹp căn phòng xong, nàng mở quyển sách ra xem, lại thất kinh, sau đó lại mừng rỡ ra mặt!

Quyển sách này gồm có hai phần, phần đầu có cả thảy mười ba thiên, ba thiên đầu là yếu quyết nội công, mười thiên sau là quyền kinh kiếm quyết. Mười hai thiên sau toàn là y thư. Phùng Lâm xem quyền kinh kiếm quyết trước, nàng cảm thấy những thủ pháp này không lợi hại bằng những thứ mình đã học, nhưng khi xem lại ba thiên đầu, nàng cảm thấy ảo diệu vô cùng. Phùng Lâm đã học được phương pháp tu luyện nội công từ Lý Trị, nhưng vì Lý Trị vẫn chưa đạt đến cảnh giới lư hỏa thuần thanh, có nhiều chỗ vẫn chưa hiểu, vả lại vì truyền thụ bằng miệng nên chẳng đâu ra đâu. Xem xong quyển sách, nàng chợt hiểu tất cả mọi thứ, lại ngộ ra thêm rất nhiều tinh nghĩa. Bởi vì võ công của Phó Thanh Chủ là chính tông nội gia, tuy không hiểm hóc như Bạch Phát ma nữ, nhưng tu tập nội công theo phương pháp của ông ta sẽ có lợi hơn phái của Bạch Phát ma nữ.

Phùng Lâm vốn người thông mình bẩm sinh, từ đó cứ một mình tu luyện theo sách ở trong vườn, chỉ được nửa năm nhưng tiến bộ rất nhanh. Nàng cũng đang học hết quyền kinh kiếm quyết trong sách. Hôm nay nàng ngẫu nhiên lật phần tiếp theo, Phùng Lâm không kiên nhẫn đọc y thư, đọc đến hai mười mấy trang chợt thấy trong đó có ghi cách chữa trị bệnh mất trí nhớ, xem xong cả buổi mà vẫn không hiểu. Té ra Phó Thanh Chủ đã ghi lại chứng ly hồn của Quế Trọng Minh năm xưa, ông ta nghiên cứu y học, năm xưa tuy Mạo Hoàn Liên chữa bệnh cho Quế Trọng Minh nhưng đã nhờ Phó Thanh Chủ giúp đỡ (mời xem trong bộ “Thất Kiếm Hạ Thiên Sơn”). Phó Thanh Chủ đã dốc hết tâm trí, nghĩ ra cách trị loại bệnh ly hồn này, phương pháp đại thể giống như thuật thôi miên thời hiện đại, Phùng Lâm không có kiến thức y học nên không hiểu.

Phùng Lâm tuy không hiểu nhưng cũng nghĩ ra được điều mới mẻ. Nàng thầm nhủ: “Mỗi khi mình nhớ lại những chuỵên, hỏi các vị thúc bá thì họ chỉ ậm ừ, mà mỗi người lại nói khác nhau, chả lẽ mình cũng mắc chứng ly hồn. Xem ra quyển sách này cũng có ích cho mình!” rồi nàng tiện tay lật tiếp, đến trang cuối cùng chợt thấy mấy dòng: “Nhắn gởi đồ nhi Canh Nghiêu: “Quyển sách này là tâm huyết cả đời của Phó sư tổ, con phải giữa cho kỹ, lấy quyển sách làm bằng cứ tiếp chưởng môn hộ phái Vô Cực. Chung Vạn Đường”. Phùng Lâm xem xong mấy dòng chữ mới biết Chung Vạn Đường là sư phụ của Niên Canh Nghiêu, bất giác thầm nhủ: “Không biết Chung Vạn Đường là ai, nhưng phi đao trong tráp của ông ta giống như thứ của mình đang dùng, chắc là có chút liên quan với mình. Nhưng Chung Vạn Đường đã chết, xem ra chỉ đành hỏi Niên Canh Nghiêu”. Thế là Phùng Lâm nghĩ ngợi suốt đêm, cho đến lúc Niên Canh Nghiêu đến nàng mới bừng tỉnh.

Niên Canh Nghiêu đẩy cửa bước vào, chợt thấy Phùng Lâm ngồi trong phòng, trước mặt bày quyển sách, y ngạc nhiên, cười rằng: “Đêm đã khuya, muội vẫn chưa ngủ sao? Xem sách gì thế?” Phùng Lâm chợt nhớ lại, quyển sách này là do Chung Vạn Đường để lại cho Niên Canh Nghiêu, nếu để ý thấy chẳng khác nào phải tặng lại cho y! Phùng Lâm thấy tiếc, Niên Canh Nghiêu thò đầu qua, Phùng Lâm cuộn quyển sách nhét vào người, nói: “Ngươi thật là, sao vào mà không kêu một tiếng”. Phùng Lâm mỉm cười khiến Niên Canh Nghiêu ngây ngất. Y lại hỏi: “Muội đã hết bị thương chưa?” Phùng Lâm ngạc nhiên không đáp, nói: “Ngươi bảo sao?” Niên Canh Nghiêu nói: “Võ công của muội giỏi hơn trước rất nhiều!...” Phùng Lâm giật mình, thầm nhủ: “Chả lẽ y biết mình đã lấy được quyển sách”. Niên Canh Nghiêu tiếp tục nói: “Độc trảo của Bát Tý Thần Ma rất lợi hại, muội mới uống thuộc được nửa canh giờ mà đi lại như bình thường, thật hiếm có! Trông muội tựa như chẳng hề có chuyện gì xảy ra”. Phùng Lâm ngạc nhiên nói: “Ta bị thương từ lúc nào?” Niên Canh Nghiêu cười nói: “Muội thật nghịch ngợm, đừng đùa với ta nữa. Muội không muốn gặp Song ma, huynh đã đuổi bọn chúng đi rồi”. Phùng Lâm ngạc nhiên, nói: “Ngươi bảo gì thế, ta chẳng hiểu gì cả!” Niên Canh Nghiêu nói: “Vậy trưa nay muội đánh nhau với ai?” Phùng Lâm ngạc nhiên nói: “Ta đến đây nửa năm mà vẫn chưa ra khỏi vườn, đánh nhau với người ta lúc nào?” Niên Canh Nghiêu thấy vẻ mặt nàng tựa như chẳng phải nói đùa, bất giác lấy làm tò mò, lại hỏi tiếp: “Vậy suốt hôm nay muội ở trong phòng?” Phùng Lâm nói: “Ta gạt ngươi làm gì?” Niên Canh Nghiêu trố mắt, nói: “Hôm nay rõ ràng huynh đã gặp muội kia mà!” Phùng Lâm thấy y như thế, bật cười: “Chắc là ngươi đã thấy ma!” nàng ngập ngừng rồi chợt nói: “Đừng nói chuyện này nữa, ta hỏi ngươi, Chung Vạn Đường là sư phụ của ngươi phải không?” Niên Canh Nghiêu trợn mắt, nói: “Ồ, thế nào?” Phùng Lâm chợt vung tay, một mũi phi đao bay vào mặt Niên Canh Nghiêu.

Niên Canh Nghiêu cả kinh, đưa tay hớt lấy phi đao, quát: “Muội làm gì thế?” Phùng Lâm cười hì hì nói: “Thủ pháp hất phi đao của ngươi cũng giống như ta”. Niên Canh Nghiêu nói: “Té ra muội muốn thử huynh”. “Lúc ấy ta không rõ thủ pháp của ngươi, nên muốn thử xem lần nữa” “Muội thử làm gì?” Phùng Lâm chống tay lên má, nghiêng đầu nhìn Niên Canh Nghiêu chằm chằm, lại cười nói: “Hình như ta đã từng đến khu vườn này!” Niên Canh Nghiêu thót tim, Phùng Lâm lại nói: “Hình nhưng trước đây chúng ta từng quen nhau? Sao bọn họ chẳng cho ta biết?” Niên Canh Nghiêu vốn tính đa nghi, y giật mình thầm nhủ: “Ả nha đầu này thật khôn lanh, không thể tin hoàn toàn những lời ả nói trước kia. Nếu không phải ả trở mặt với Hoàng thượng mà Hoàng thượng phái đến thăm dò mình thì hỏng bét”. Phùng Lâm thấy Niên Canh Nghiêu đảo mắt qua lại, cười nói: “Sao ngươi không nói?” Niên Canh Nghiêu nói: “Ngươi làm sao biết sư phụ của ta?” lần này đến lượt Phùng Lâm ngẩn người ra, trong nhất thời nàng không đáp được. Phùng Lâm tiếc quyển sách, không thể nói nàng biết đươc là nhờ xem di ngôn của Chung Vạn Đường. Niên Canh Nghiêu thấy vẻ lúng túng của nàng hiện trong mắt, lòng càng sinh nghi. Thầm nhủ: “Nếu chẳng người trong hoàng phủ cho ả biết thì nhân vật giang hồ đã nói. Ả đã ra ngoài gần một năm, không biết qua lại với những nhân vật nào, mình không thể không đề phòng”. Phùng Lâm nhíu mày, cười nói: “Sao ngươi đa nghi như thế, Niên đại tướng quân nhà ngươi danh tiếng lẫy lừng, việc của ngươi đương nhiên có rất nhiều người biết”. Niên Canh Nghiêu nói: “Rốt cuộc là ai đã cho ngươi biết?” Phùng Lâm nói: “Ta chỉ nghe người qua đường bàn tán thế thôi. Làm sao biết được tin người ấy?” Phùng Lâm tưởng rằng nói dối như thế rất có lý, nào ngờ đã phạm vào điều kỵ của Niên Canh Nghiêu, Niên Canh Nghiêu học võ nghệ từ Chung Vạn Đường là điều rất bí mật, người bên ngoài làm sao biết. Niên Canh Nghiêu cười ha hả: “Ngươi biết lừa gạt từ khi nào thế?” Phùng Lâm nói: “Ai lừa gạt ngươi? Ta hỏi ngươi mà ngươi không thèm trả lời, trái lại còn tra vấn ta, hừ, ta không chơi với ngươi nữa!” Niên Canh Nghiêu nghe nàng nũng nịu như thế, lòng thấy nôn nao, không biết được vẻ mặt vô tư ấy của nàng là thật hay giả, nói: “Được, muội cứ ngồi xuống, ta hỏi muội, ai dạy phi đao cho muội?” Phùng Lâm nói: “Là Hàn Trọng Sơn bá bá”. Niên Canh Nghiêu lắc đầu: “Không phải!” Phùng Lâm nói: “Là ai đã dạy?” Niên Canh Nghiêu đang định lên tiếng, chợt bên ngoài tựa như có tiếng động, y vội vàng thì thầm: “Mau nấp vào, để ta ra xem là ai”. Phùng Lâm nấp sau giường, Niên Canh Nghiêu đẩy cửa ra nhìn, chợt thấy Liễu Ân cầm cây thiền trượng xăm xăm bước vào.

Té ra Liễu Ân và Đổng Cự Xuyên vào doanh trại, nghe Niên Canh Nghiêu đã về quê, bọn năm người Liễu Ân đã được Ung Chính sai âm thầm giám sát Niên Canh Nghiêu. Liễu Ân lên mặt kể cả, chẳng bao giờ coi Niên Canh Nghiêu vào đâu, lúc này y lại tức Niên Canh Nghiêu không đợi, nên mới bàn với Đổng Cự Xuyên: “Tiểu Niên bảo chúng ta bán mạng cho hắn, hắn lại về nhà hưởng phước, chúng ta đi tìm hắn”. Đổng Cự Xuyên là kẻ già dặn, cười rằng: “Y là chủ soái của ba quân, chúng ta không được y gọi, lại không có chuyện gì gấp gáp, làm sao tìm y?” Liễu Ân nói: “Nói với y chúng ta không bắt được Phương Kim Minh nhưng gặp phải ả nha đầu ấy, đó chẳng phải chuyện quan trọng sao?” Đổng Cự Xuyên lắc đầu: “Đó chỉ là chuyện nhỏ”. Liễu Ân trợn mắt nói: “Được, ngươi không đi thì ta đi! Chúng ta nhận mật chỉ của Hoàng thượng, lại không phải là thuộc hạ của y, việc quái gì sợ y?” rồi đi nguyên đêm đến Trần Lưu.

Niên Canh Nghiêu thấy Liễu Ân, thất kinh hỏi: “Bảo quốc thiền sư, sao đêm khuya lại đến đây?” Liễu Ân nhìn dáo dác nói: “Tiểu Niên, ngươi nói chuyện với ai thế?” Niên Canh Nghiêu nói: “Ta đang ở trong phòng đọc sách, ngươi đã nghe nhầm rồi”. Liễu Ân nói: “Có phải trước đây Chung Vạn Đường ở trong phòng này không?” Niên Canh Nghiêu nói: “Đúng thế”. Liễu Ân nói: “Thật là thanh nhã. Được, chúng ta vào ngồi rồi nói”. Y không đợi Niên Canh Nghiêu đáp lời đã đẩy cửa vào.

Niên Canh Nghiêu thầm mắng: “Lão lừa trọc nhà ngươi, sau này sẽ cho ngươi biết tay”. Trong lòng rất giận nhưng vẫn không lộ ra mặt, cười rằng: “Thiền sư giá lâm thật là tốt”. Thế rồi bước vào theo. Liễu Ân ngồi xuống hít sâu một hơi nói: “Thơm thật, y như khuê phòng của đàn bà”. Niên Canh Nghiêu nói: “Đại sư đã nói đùa rồi!” Liễu Ân nhìn xung quanh nói: “Gối thêu hoa, mền đỏ. Ồ, tiểu Niên, ngươi về nhà bí mật kết hôn, cả bọn ta mà cũng không nói cho biết, đáng tội gì?” Niên Canh Nghiêu nói: “Từ nhỏ ta đã được gia mẫu yêu thương, ta là con trai độc nhất, người sợ ta không lớn nổi, đã coi ta như là con gái để hóa giải tai ương, thật buồn cười”. Trong nhân gian quả đúng là có phong tục coi con trai độc nhất là con gái. Liễu Ân nửa tin nửa ngờ, chợt bước đến trước giường, lay nhẹ chân giường, Niên Canh Nghiêu cả kinh, Liễu Ân cười nói: “Cái giường này cũng thật tinh xảo. Ta thật muốn ngủ ở đây một lát”. Niên Canh Nghiêu tưởng rằng Phùng Lâm đã bị phát hiện, nào ngờ Liễu Ân lắc cái giường, sau trướng vẫn không hề có âm thanh gì.

Niên Canh Nghiêu thầm lấy làm lạ, nhủ rằng: “Sao ả nha đầu lại trốn kín như thế?” Liễu Ân giằng cây thiền trượng, ngồi xuống giường. Niên Canh Nghiêu nói: “Trong nhà ta có phòng khách, không dám để đại sư ở đây”. Khi nói sắc mặt đã thay đổi. Liễu Ân cười ha hả nói: “Ta chỉ nói đùa với ngươi, xin đừng trách!” dẫu sao Niên Canh Nghiêu cũng là chủ soái của ba quân, Liễu Ân không dám quá phóng túng, y cười rằng: “Ta đã gặp ả nha đầu ấy. Võ công của ả cao minh hơn trước rất nhiều, ngươi bảo có lạ không!” Niên Canh Nghiêu lại chưng hửng, nói: “Ngươi cũng gặp ả?” Liễu Ân nói: “Vậy còn ai đã gặp?” Niên Canh Nghiêu nói: “Huynh đệ họ Tát cũng thua trong tay ả”. Thế rồi kể lại chuyện đã gặp. Niên Canh Nghiêu nghiêm mặt, nói tiếp: “Không bắt được Phương Kim Minh, chuyện này phải cho Hoàng thượng biết”. Rồi lấy giấy bút, giả vờ như đang viết tấu chương, Liễu Ân không hiểu chữ nghĩa, ghét nhất là coi người ta viết chữ, nói: “Hay thật, tiểu Niên, ngươi thì cứ viết, nhưng bắt ta đợi ngươi ở đây sao?” Niên Canh Nghiêu đang mong y nói như thế, vội bảo: “Để ta dẫn ngươi ra ngoài, bảo hai ả ca kỹ hầu hạ ngươi”. Niên gia là nhà cự phú ở Hà Nam, trong nhà cũng có nuôi ca kỉ. Liễu Ân cười ha hả: “Thế mới là bằng hữu”. Niên Canh Nghiêu dắt Liễu Ân ra vườn, bảo quản gia đến tiếp đãi Liễu Ân. Sau đó y một mình trở vào thư phòng. Trong thư phòng ánh đèn lập lòe, Niên Canh Nghiêu lặng lẽ đẩy cửa phòng, chợt trên xà nhà có một người nhảy xuống, Niên Canh Nghiêu nói: “Muội nghịch ngợm thật, cứ đùa với ta mãi”. Nàng thiếu nữ ấy định rút kiếm đâm tới, thấy Niên Canh Nghiêu vội vàng rụt tay. Niên Canh Nghiêu nói: “Lúc nãy ta và Liễu Ân nói chuyện muội có nghe thấy không? Liễu Ân cũng gặp muội, muội còn bảo hôm nay không ra khỏi căn phòng này!” nàng thiếu nữ nói: “Liễu Ân là ai?” Niên Canh Nghiêu nói: “Sao muội cứ giả vờ mãi, muội không nhận ra Bảo quốc thiền sư sao?” nàng thiếu nữ tựa như hiểu ra, nói: “Có phải là nhà sư béo ú hung dữ tay cầm thiền trượng đấy không?” Niên Canh Nghiêu cười nói: “Muội thật biết nói đùa, nếu Liễu Ân mà nghe câu này sẽ tức đến chết mất! Giờ muội đã nhận chưa? Hôm nay có phải muội gặp Liễu Ân trước sau đó gặp Song ma hay không?” lúc nãy Niên Canh Nghiêu nói chuyện với Liễu Ân vốn là để Phùng Lâm nghe thấy, y muốn xem thử nàng có phản ứng thế nào? Thiếu nữ tựa như rất nghi hoặc, nói: “Ồ, té ra lão hòa thượng béo ấy là Liễu Ân? Ta chẳng những đã gặp y, mà còn giao thủ với y, thế nào?” Niên Canh Nghiêu mừng rỡ nói: “Rốt cuộc muội đã nói thật. Vậy ta cũng nói thật cho muội biết, không phải Hàn Trọng Sơn đã dạy phi đao cho muội, chính là Chung Vạn Đường đã dạy, chúng ta tuy không phải là huynh muội nhưng cũng khác huynh muội bao nhiêu”. Khi đang nói thì y lại nắm tay nàng thiếu nữ, không ngờ nàng ta vung tay tát bốp lên mặt Niên Canh Nghiêu, mắng rằng: “Giả vờ cười nói, động tay động chân, có muốn chết không?” Niên Canh Nghiêu ngạc nhiên nói: “Muội làm sao thế? Giả vờ hung dữ như thế làm gì?” nàng thiếu nữ lia thanh kiếm, mắng rằng: “Ngươi là Niên Canh Nghiêu phải không?” “Hảo cô nương của tôi ơi, lúc này mà còn diễn tuồng nữa!” “Hôm nay ngươi đã lấy thuốc giải cho ta, bởi vậy ta có thể tha chết cho ngươi! Sách của Phó Thanh Chủ đâu? Mau lấy ra cho ta”. “Sách gì?” “Ngươi còn giả vờ? Nếu không phải ngươi đã lấy, tại sao ta tìm khắp nơi mà không thấy”. Niên Canh Nghiêu giật mình, nói: “Chính là quyển sách lúc nãy muội xem đấy phải không? Hừ!” thầm nhủ: “Ngươi đã lấy quyền kinh kiếm quyết của sư tổ ta, lai lịch của ngươi ta cũng hiểu rõ, lại còn diễn tuồng với ta?” rồi y chụp tới, nàng thiếu nữ thúc chỏ khiến Niên Canh Nghiêu thối lui hai bước, rồi nàng đâm soạt một kiếm tới, Niên Canh Nghiêu gầm lớn một tiếng, thuận tay giở cái ghế lên chặn thanh kiếm. Nàng thiếu nữ chợt rút kiếm lại, nói: “Ân oán phân minh, ta không giết ngươi!” rồi điểm mũi chân phóng tót ra cửa sổ.

Niên Canh Nghiêu cả giận chạy ra khỏi thư phòng chặn nàng. Nàng thiếu nữ không quen đường lối trong khu vườn, bị y đi đường nhỏ. Niên Canh Nghiêu rút cây thượng phương bảo kiếm mà Ung Chính đã ban cho, nói: “Ả nha đầu nhà ngươi vô tình vô nghĩa, ngươi nghe lệnh của ai mà đến đây làm gián điệp?” thiếu nữ nói: “Hừ, ta đã tha cho ngươi mà ngươi lại không để ta đi?” rồi nàng đâm một chiêu Xung Phong Phất Liễu đến trước ngực Niên Canh Nghiêu!

Thiếu nữ này chẳng phải Phùng Lâm mà là Phùng Anh. Khi hạ sơn, Dịch Lan Châu bảo nàng trên đường đến Mang Sơn, khi đi ngang nhà họ Niên ở Trần Lưu tiện thể tìm di thư của Phó Thanh Chủ. Nàng không biết viên tướng trẻ tuổi gặp ban ngày là Niên Canh Nghiêu, sau khi thoát hiểm, chạy đến tối thì thi triển khinh công tuyệt đỉnh lén đến nhà họ Niên, tìm vào khu vườn hoang. Khi nàng vào, Niên Canh Nghiêu đưa Liễu Ân bước ra, nên không gặp mặt nhau.

Phùng Anh bước vào phòng, thấy trong phòng trang hoàng như khuê phòng của nữ nhi, vả lại chủ nhân hình như ra ngoài không bao lâu. Nàng đang lấy làm lạ tìm xung quanh mà vẫn chẳng thấy quyển sách sư phụ đã nói, nàng ra sau tấm màn vô tình chạm phải cái lẫy, tấm cửa ngầm trên tường chợt bật ra. Phùng Anh thầm nhủ: “Căn phòng này thật kỳ quái”. Nàng bước vào bên trong, chợt thấy hương thơm xộc vào mũi, tựa như đã có người nấp ở đây, Phùng Anh đánh đá lửa lên tìm kiếm mà vẫn chẳng thấy quyển sách, nhưng lại phát hiện một cánh cửa khác thông ra ngoài.

Té ra Chung Vạn Đường đã âm thầm chuẩn bị cửa ngầm để né tránh kẻ thù. Sau đó Phùng Lâm phát hiện, nhưng Niên Canh Nghiêu lại không biết. Khi Liễu Ân bước vào, Phùng Lâm đã chuồn ra ngoài từ cánh cửa ngầm.

Phùng Anh không tìm thấy sách của Phó Thanh Chủ, quay ra phòng trở lại, vừa khéo Niên Canh Nghiêu trở vào. Phùng Anh đã nghe sư phụ nói Niên Canh Nghiêu là kẻ phản quốc, vốn định đâm một kiếm cho y chết, nhưng ngặt vì ban ngày y đã cứu mạng mình nên mới nương tay, chỉ mong thoát thân.

Niên Canh Nghiêu hiểu nhầm nàng là Phùng Lâm, không biết tốt xấu vẫn đuổi sát theo. Phùng Anh bị y chọc giận, thi triển Thiên Sơn kiếm pháp tinh diệu đánh Niên Canh Nghiêu đến luống cuống chân tay!

Nhưng từ nhỏ Niên Canh Nghiêu được Chung Vạn Đường truyền thụ, lại được Thiếu Lâm tam lão chỉ điểm, võ công chẳng phải hạng bét, tuy không phải là đối thủ Phùng Anh, nhưng đấu vài mươi chiêu vẫn chưa đến nỗi thất bại. Phùng Anh không muốn đánh lâu, nàng liên tục đánh ra mấy chiêu, đẩy lùi Niên Canh Nghiêu rồi xoay người bỏ đi. Niên Canh Nghiêu tuy cũng có ý với Phùng Lâm, nhưng lúc này thấy Phùng Anh liên tục ra đòn sát thủ, y đã nghi rằng nếu nàng không phải do Ung Chính phái đến dò thám mình, thì cũng đã kết giao với bọn kẻ thù. Bởi vậy y mới tìm cách chặn nàng lại rồi phát ra hai mũi hưởng tiễn gọi Song ma đến!

Khu vườn này rất rộng, hai người du đấu qua mấy hòn non bộ, cho đến góc Tây bắc của khu vườn. Ngay lúc này, chợt nghe phía Đông có vọng lại tiếng đánh nhau, Niên Canh Nghiêu ngạc nhiên rồi lại nghĩ thủ hạ của mình phát hiện đồng đảng của ả nên cũng đánh nhau. Vì thế y càng không chịu buông tay, vừa đánh vừa kêu lớn: “Người đâu!”

Phùng Anh cả giận mắng rằng: “Ngươi đúng là không biết tốt xấu!” rồi nàng lia cây Đoạn Ngọc kiếm lên, đánh ra một chiêu Đại Mạc Lưu Sa, đây là một đòn sát thủ, chỉ thấy kiếm quang loang loáng quét tới tựa như cát sa mạc, Niên Canh Nghiêu cố gắng chặn một kiếm, chỉ nghe keng một tiếng, lửa bắn tung tóe, cây thượng phương bảo kiếm của y đã bị mẻ mất một miếng. Phùng Anh nhân lúc y đang luống cuống chân tay, lại đánh một chiêu Đại Hải Dương Ba, kiếm quang tỏa ra, Niên Canh Nghiêu lại trúng một kiếm trên vai, chợt thấy một bóng đen nhảy bổ tới, Niên Canh Nghiêu kêu: “Bắt ả nha đầu này lại!” Phùng Anh đã vọt lên tường chạy ra ngoài vườn.

Chàng thiếu niên ấy lạnh lùng hỏi: “Ả nha đầu nào?” Niên Canh Nghiêu chỉ tay về phía trước, dưới ánh trăng lờ mờ, chợt thấy người ấy không phải là thuộc hạ của mình, nói thì chậm, sự việc diễn ra rất nhanh, người ấy đã đâm soạt tới một kiếm, Niên Canh Nghiêu thất kinh, rụt vai lại, sử dụng chiêu số Nhất Vũ Hành Cân trong Vô Cực kiếm pháp, ý đồ lấy nhu khắc cương, nào ngờ kiếm pháp của kẻ địch lại quỷ dị vô cùng, kiếm thế rõ ràng đâm về phía bên trái mà không biết thế nào lại hướng sang phải, Niên Canh Nghiêu phóng mình vọt lên, chợt thấy đỉnh đầu mát rượi, tóc đã bị cắt mất một lọn!

Té ra người này chính là Lý Trị. Từ khi được Võ Thành Hóa cứu tỉnh, chàng rất không hiểu tại sao khi mình đang nguy cấp mà Phùng Anh bỏ mình đi. Thấy nàng ta để lại thuốc giải, trong lòng cũng hơi an ủi. Nhủ rằng: “Sau khi Anh muội xuống núi, tính tình tuy thay đổi nhưng cũng chẳng phải là người tuyệt tình tuyệt nghĩa”. Vì thế càng muốn tìm nàng hơn.

Hôm đó Lý Trị và Võ Thành Hóa vừa khéo đến Trần Lưu. Võ Thành Hóa nhớ lại Chung Vạn Đường đã từng dạy học ở nhà họ Niên, nghe Dịch Lan Châu bảo xương cốt của Chung Vạn Đường vẫn còn ở trong vườn. Bởi vậy ông ta mới cùng Lý Trị vào vườn trong đêm khuya.

Vào trong vườn chợt thấy ánh đèn hắt ra từ thư phòng, Võ Thành Hóa nói: “Ồ, bên trong có người!” Lý Trị nói: “Khu vườn này thật lạ, sao chỉ có một căn phòng”. Võ Thành Hóa nói: “Ta nghe Dịch nữ hiệp nói, sau khi Chung Vạn Đường chết đi, nhà họ Niên đã phong kín khu vườn lại, sao lại có người ở đây?” thế là hai cậu cháu rón rén chạy đến xem. Chợt nghe trong phòng có tiếng cười rộ, có tiếng quát: “Tiểu Niên, ngươi trở về rồi đấy sao? Ngươi đã làm một chuyện tốt!” một hòa thượng béo từ trong phòng nhảy tót ra, đó chính là Liễu Ân.

Số là Liễu Ân tuy xưa nay thô lỗ, hữu dũng vô mưu, nhưng lần này lại thông minh bất ngờ. Sau khi Niên Canh Nghiêu dắt y ra khỏi vườn, bảo quản gia tiếp đãi, y chợt nghĩ lại chuyện hôm nay có rất nhiều điểm lạ. Theo lẽ mà nói nếu từ nhỏ bị xem là con gái, lớn lên sẽ ít nhiều có nét mềm mại dịu dàng nhưng Niên Canh Nghiêu lại khí độ hiên ngang, hành xử quyết đoán, đâu có chút nào giống con gái?

Liễu Ân đã sinh nghi, kéo tên quản gia đến hỏi dò: “Tiểu chủ nhân nhà ngươi có phải từ nhỏ đã được cưng chìu hay không?” tên quản gia cười đáp: “Đương nhiên”. Liễu Ân lại hỏi: “Có phải ở đây có phong tục coi con trai độc nhất là con gái hay không?” tên quản gia cười nói: “Đúng là có phong tục như thế, nhưng thiếu chủ nhân nhà tôi từ nhỏ đã rất nghịch ngợm, thích đánh nhau với người ta. Đại sư nghĩ thử xem, ngài làm sao chịu để cho cha mẹ xem như con gái?” Liễu Ân nghe thế chẳng nói lời nào. Một hồi sau mới bảo: “Hai người khách diện mạo quái dị đi cùng chủ nhân của ngươi có còn ở đây hay không?” tên quản gia trả lời: “Vẫn còn”. Liễu Ân nói: “Ta muốn gặp họ”.

Thế là quản gia liền đi mời hai tên ma đầu đến. Hai tên ma đầu vẫn chưa ngủ, nghe nói có Liễu Ân liền mau chóng đến gặp. Liễu Ân cho quản gia lui ra, nói với Song ma rằng: “Chúa công bảo chúng ta theo dõi tiểu Niên, chúng ta đều tưởng rằng tiểu Niên trung thành. Thực ra hôm nay ta đã phát hiện y có việc khi quân phạm thượng”. Song ma kinh hãi hỏi tới, Liễu Ân kể chuyện Niên Canh Nghiêu gạt y. Rồi lại bảo: “Chắc chắn trong phòng của y có việc gì lạ. Chúng ta đến lục soát thử thế nào!” Liễu Ân tưởng rằng Song ma sẽ chấp nhận ngay, nhưng không ngờ địa vị của Song ma kém hơn bọn Liễu Ân và Cáp Bố Đà, Liễu Ân lại cực kỳ ngạo mạn, cả hai đã không ưa từ lâu. Niên Canh Nghiêu đã thấy được điều đó, sớm mua chuộc cả hai người này. Song ma nghe Liễu Ân nói, đều đồng thanh bảo rằng: “Đó chỉ là việc nhỏ, đâu có phải là khi quân gì! Dẫu sao y cũng là chủ soái ba quân, làm sao có thể vô lễ với y?” Liễu Ân cả giận, nói: “Hay lắm, các người không đi, nếu ta lục soát được chứng cứ gì, khi bẩm cáo Hoàng thượng, các ngươi cũng có liên quan”. Tát Thiên Thích già dặn hơn, nói: “Nếu Bảo quốc thiền sư có lệnh, chúng tôi nào dám không nghe, mới thiền sư đi trước, huynh đệ chúng tôi sẽ theo sau”. Tát Thiên Thích vốn xem gió bẻ đà, Liễu Ân thấy bọn họ đã chấp nhận, cũng không ép nữa, cứ để bọn họ đi phía sau.

Khi Liễu Ân đến thư phòng, chính là lúc Niên Canh Nghiêu đuổi theo Phùng Anh ra góc Tây bắc của khu vườn. Khu vườn rất rộng, cả ba người không chạm mặt nhau. Liễu Ân tuy nghe ở góc Tây bắc có tiếng binh khí chạm nhau, nhưng nghĩ bụng cơ hội sẽ mau chóng qua đi nên mới tìm kiếm. Tìm một hồi y lội ra được quần áo mà Phùng Lâm vẫn thường mặc, cười lạnh thầm nhủ: “Té ra tiểu Niên giấu ả nha đầu ở đây, lại còn đối chọi với bọn mình!” rồi vung thiền trượng gõ vào vách tường, lại phát hiện được cửa ngầm, càng thêm tức giận. Đang định ra tìm Niên Canh Nghiêu, không ngờ lại gặp Võ Thành Hóa.

Liễu Ân đã từng đụng độ với Võ Thành Hóa, vừa gặp đã vung thiền trượng bổ xuống. Võ Thành Hóa vung cây gậy chống trả, chỉ trong chớp mắt đã tấn công mấy chiêu, ngay lúc này, Lý Trị nghe hưởng tiễn của Niên Canh Nghiêu vọng tới, chàng ta chạy ra tìm, khi đến góc Tây bắc thì chợt thấy Niên Canh Nghiêu đang ra tay với một thiếu nữ, khi chàng đến nơi thì nàng thiếu nữ đã nhảy qua tường chạy mất. Lý Trị vung kiếm chém một lọn tóc của Niên Canh Nghiêu, rồi vội vàng đuổi theo nàng thiếu nữ ấy.

Niên Canh Nghiêu trúng một chiêu của Lý Trị, suýt nữa đã mất mạng. Theo lẽ mà nói, võ công của Lý Trị tuy lợi hại nhưng không cao hơn Niên Canh Nghiêu bao nhiêu. Song kiếm pháp của Bạch Phát ma nữ ngược hẳn với kiếm pháp các nhà, hiểm hóc quỷ dị vô cùng, Niên Canh Nghiêu không kịp đề phòng nên đã trúng chiêu. Trong lòng y kinh hãi, đoán rằng Phùng Lâm đã mời cao thủ đến tập kích mình nên vội vàng chạy về thư phòng xem thử.

Lúc này Liễu Ân đang đánh nhau rất hăng với Võ Thành Hóa, cả hai người đều có nội công thâm hậu, thần lực kinh người. Trượng và gậy giao nhau phát ra tiếng kêu nhức tai! Khi đánh đến chỗ gấp gáp, chỉ nghe tiếng vù vù, cây cỏ trong vườn đều bị hai người đánh tan nát, trong vòng mấy trượng cát chạy đá bay. Cả hai người đều bị binh khí của đối phương đẩy ra hơn một trượng.

Niên Canh Nghiêu thấy thế không dám chạy lên. Một hồi sau, Liễu Ân dần dần lọt xuống thế hạ phong, Võ Thành Hóa vận chân lực nội gia quét cây gậy ra kêu keng một tiếng, ánh lửa bắn tung tóe, Liễu Ân thấy hổ khẩu tê rần, vội vàng thối lui hai bước. Võ Thành Hóa chẳng ham đánh nữa, sau khi đẩy được Liễu Ân thì xoay người bỏ chạy. Liễu Ân vừa lùi đã xông lên, cây thiền trượng quét ra một chiêu Thiên Long Bài Vĩ. Võ Thành Hóa giơ ngang cây gậy đánh ngược lại một chiêu Tinh Hoành Đẩu Chuyển, gạt cây thiền trượng của Liễu Ân ra ngoài, quát: “Hung tăng, ngươi đúng là không biết tiến thoái, ta phải siêu độ cho ngươi!” miệng thì nói, tay trái lấy ra một cái chuông đồng lắc lên kêu leng keng không ngừng, tiếng kêu nghe rất chói tai, khiến Liễu Ân phải rối loạn tinh thần, trượng pháp không còn tinh diệu như trước, còn cây gậy của Võ Thành Hóa thì gạt ngang bổ dọc càng hiểm hóc hơn! Liễu Ân quát: “Tiểu Niên, ngươi còn đứng đó trợn mắt làm gì?” Niên Canh Nghiêu là đại tướng, vốn không chịu động thủ cùng với Liễu Ân, huống chi kẻ địch quá mạnh, y càng không muốn mạo hiểm nữa. Liễu Ân quát một tiếng, Niên Canh Nghiêu tức giận, miệng cười lạnh nói: “Song ma sắp tới đây, ta cần chi động thủ”. Khi đang nói, có hai bóng đen xuất hiện ở góc Đông Nam, quả nhiên đó là Song ma.

Niên Canh Nghiêu kêu: “Mau đến đây trợ chiến!” Tát Thiên Thích rất giỏi tâm kế, y phóng vọt lên, lướt tới bên cạnh Niên Canh Nghiêu, khẽ nói bên tai y: “Liễu Ân đã đến soát phòng của ngài!” khi Niên Canh Nghiêu giật mình, y đã cùng Tát Thiên Đô tiến lên, cả ba người bao vây Võ Thành Hóa ở giữa.

Niên Canh Nghiêu nghe Tát Thiên Thích nói, chẳng còn lòng dạ nào xem đánh nữa. Y chạy vào trong phòng, chỉ thấy đồ đạc trong phòng bề bộn, thầm nhủ: “Lão lừa trọc này càng ngày càng vô lễ!” nhưng nghĩ lại: “Mình là chủ soái ba quân, lại là đại tướng tâm phúc được Hoàng đế tin dùng nhất, Liễu Ân dám âm thầm lục soát phòng của mình chả lẽ còn có kẻ chống lưng?” Niên Canh Nghiêu biết xưa nay Ung Chính có thủ đoạn thâm độc, rồi y lại suy nghĩ tiếp, bất giác mồ hôi lạnh tuôn ra. y nghiến răng thầm nhủ: “Không thể giữ Liễu Ân bên cạnh, Ung Chính từng có mật lệnh, bảo mình sau khi chinh Tây tìm cách trừ khử y. Mình ra tay trước chẳng có gì sai cả! Giờ đây mình nắm binh quyền trong tay, địa vị quan trọng hơn Liễu Ân nhiều, Ung Chính chắc chắn sẽ không trở mặt vì mình giết Liễu Ân trước”. Niên Canh Nghiêu tinh thông mưu lược, đến lúc này đã đoán được đó là do Ung Chính âm thầm sắp xếp, bởi vậy cũng nghĩ ra một độc kế.

Niên Canh Nghiêu ở trong phòng nghĩ kế, Liễu Ân bên ngoài đánh càng dữ hơn. Công lực của Liễu Ân hơi kém hơn Võ Thành Hóa, nay y được Song ma tương trợ, bởi vậy mới chiếm được thượng phong! Tát Thiên Thích nhe nanh múa vuốt, liên tục dùng thuật Miêu Ưng Phốc Kích tấn công vào chỗ trống của kẻ địch, Tát Thiên Đô cậy có sức trâu nên cứ xông liều tới, Liễu Ân thì dùng cây thiền trượng chặn cây gậy, không để cho Võ Thành Hóa tấn công Song ma.

Võ Thành Hóa vừa giận vừa lo, giận là vì một kẻ có danh tiếng như Liễu Ân mà cũng cậy đông hiếp ít, lo là vì không biết Lý Trị đã đi đâu hay bị người ta bắt. Bởi vậy ông ta không muốn ham đánh, vì muốn xông ra khỏi vòng vây nên thủ pháp chợt thay đổi, ánh hàn quang loang loáng, cả hai tên ma đầu bị ông ta đánh xoay mòng mòng, tuy có Liễu Ân chặn cây gậy nhưng Song ma cũng không thể tiến tới gần!

Đang lúc quyết liệt, Tát Thiên Thích đã bị tiếng chuông của ông ta quấy rối. Dùng tiếng chuông quấy rối kẻ địch là võ công độc môn của Võ Thành Hóa. Té ra khi cao thủ giao đấu, kỵ nhất là phân tâm, Võ Thành Hóa dùng cách ấy, uy lực của ông ta tăng lên mấy phần. Nhưng tiếng chuông chỉ có tác dụng phụ trợ, yếu tố thắng bại là ở thực lực của hai bên. Thực lực của Liễu Ân cùng Song ma mạnh hơn Võ Thành Hóa nhiều, tuy trong vòng một trăm chiêu chưa thắng bại nhưng ba người đã chiếm được thượng phong!

Trong ba người, công lực của Tát Thiên Đô kém nhất, vả lại còn nóng nảy hơn cả Liễu Ân, y bị tiếng chuông quấy rối đến tinh thần bất định, thế là xông lên toan giật lấy cái chuông đồng của Võ Thành Hóa. Võ Thành Hóa cười lạnh, quét ra một chiêu Cự Hạm Hoành Giang, chặn cây thiền trượng của Liễu Ân lại, tay trái giơ cái chuông lắc mạnh bên tai của Tát Thiên Đô, Tát Thiên Đô phóng vọt lên, Võ Thành Hóa phất ống tay áo, sử dụng tuyệt chiêu Lưu Vân Phi Tụ quét Tát Thiên Đô bay ra đến hơn ba trượng! Có được lối thoát, Võ Thành Hóa lập tức xông ra, Tát Thiên Thích vội vàng đến cứu Tát Thiên Đô, một mình Liễu Ân không dám đuổi theo.

Liễu Ân thu cây thiền trượng thở phì phò. Niên Canh Nghiêu đứng trước cửa, mỉm cười nói: “Đại sư đã vất vả!” Liễu Ân thấy Niên Canh Nghiêu vẫn đứng ung dung tựa như chẳng hề có chuyện gì, lòng nghĩ Niên Canh Nghiêu đã biết mình lục soát căn phòng nên cầm cây thiền trượng bước tới. Niên Canh Nghiêu nói: “Bảo quốc thiền sư, xin mời vào đây!” Liễu Ân bước vào thư phòng, giằng cây thiền trượng bước tới đánh keng một tiếng, nói: “Tiểu Niên, tiểu cô nương mà ngươi đã giấu đâu rồi? Chúng ta là người quen, tại sao không bảo ả ra gặp mặt?” Niên Canh Nghiêu mỉm cười nói: “Bảo quốc thiền sư, uổng cho ngươi đã đi theo Hoàng thượng nhiều năm, thế mà vẫn không biết tâm ý của ngài”. Liễu Ân nói: “Thế nào?” Niên Canh Nghiêu nói: “Ngài rất đa nghi, khi xuất chinh, ngài đã từng bảo ngươi giám thị ta, có đúng không?” Liễu Ân mở to mắt, Niên Canh Nghiêu nói: “Ta đã thừa biết việc này, chính Hoàng thượng đã nói với ta. Người bảo sở dĩ làm vậy là muốn xem thử ngươi có trung thành hay không!” Liễu Ân kêu ồ một tiếng mà vẫn nửa tin nửa ngờ. Niên Canh Nghiêu nói: “Nên ngài không phải đề phòng ta mà chính là đề phòng ngươi đấy!” Liễu Ân giật mình, buột miệng nói: “Tiểu Niên, ngươi muốn ly gián ta và Hoàng thượng?” Niên Canh Nghiêu cười nói: “Đâu dám. Nhưng thiền sư cũng không nên lo lắng, ta quyết không nói xấu ngươi trước mặt Hoàng thượng đâu”. Y nói câu ấy thật sự là muốn buộc Liễu Ân và y yểm hộ cho nhau. Liễu Ân cúi đầu không nói, vẫn chưa hoàn toàn tin lời Niên Canh Nghiêu, thầm nhủ: “Việc này rất lớn, phải thương lượng với Đổng Cự Xuyên đã”. Niên Canh Nghiêu thấy y vẫn chưa phục, lại cười rằng: “Ả thiếu nữ ấy ở đây, đã đến được hơn nửa năm”. Liễu Ân thấy y thản nhiên thừa nhận thì rất bất ngờ, Niên Canh Nghiêu lại nói: “Nhưng đó là ý của Hoàng thượng!” Liễu Ân nói: “Tiểu Niên, ngươi nói càn!” Niên Canh Nghiêu nói: “Bảo quốc thiền sư, tuy ngươi võ công cao cường, nhưng chẳng hề biết gì về chuyện nhi nữ”. “Thế có nghĩa là sao?” “Hoàng thượng muốn đưa thiếu nữ ấy vào hậu cung phong làm quý phi, ngươi có biết không?” “Ta biết chúa công muốn ả. Còn việc có phong làm quý phi hay không ta không rõ. Chỉ cần chúa công thích, phong làm Hoàng hậu cũng chẳng lạ”. Niên Canh Nghiêu cười ha hả: “Bảo quốc thiền sư nói câu này đã sai rồi! Xem ra ngươi không biết được nhiều chuyện!”

Liễu Ân ngạc nhiên, nói: “Ta nói sai chỗ nào?” Niên Canh Nghiêu mỉm cười nói: “Hậu cung của bản triều không cho Hán nữ vào, ngươi có biết không?” “Đó chẳng qua chỉ là nói mồm mà thôi, Đổng Tiểu Uyển thời tiền triều chẳng phải là Hán nữ sao?” Niên Canh Nghiêu cười nói: “Sau này mới nới rộng ra, nhưng tuyệt không thể lập Hán nữ làm Hoàng hậu, chả lẽ ngươi không biết?” Liễu Ân nói: “Ồ, coi như ta đã nói sai. Thực ra ả này được phong làm gì đâu có liên quan đến ta. Ta chỉ biết chúa công cần ả, mà ngươi đã giấu ả nửa năm, giải thích thế nào đây?” Niên Canh Nghiêu cười nói: “Nếu Hoàng thượng cần ả, việc này rất đơn giản, nhưng Hoàng thượng thật sự thích ả!” “Tiểu Niên, ngươi đừng dài dòng nữa, hai việc này có gì khác nhau?” Niên Canh Nghiêu nói: “Ồ, khác nhau lắm. Hoàng thượng thích ả, muốn ban cho ả một phong hiệu, vậy ả phải xuất thân từ nhà cao quý, ngươi có biết chưa?” Liễu Ân kêu ồ một tiếng, nói: “Ta vẫn chưa hiểu lắm!” “Dân thường còn đòi môn đăng hộ đối, điều này ngươi có biết không? Hoàng đế là người phú quý nhất thiên hạ, nên lập Hoàng hậu hay tuyển phi cũng phải là con nhà có danh có tiếng. Con nhà tầm thường chỉ có thể được chọn làm cung nga, sau khi có con cái mới được phong làm quý phi. Ả này lai lịch bất minh, Hoàng thượng không muốn ả thiệt thòi làm cung nga nên đã nghĩ cách khác”. Liễu Ân nói: “Ồ, ta đã hiểu” “Nên Hoàng thượng bảo ả xuất cung, đến nhà ta nhận cha ta làm nghĩa phụ, một vài năm sau sẽ lại đưa vào cung”. “Vậy có gì chúa công lại bảo với ta rằng ả bỏ chạy, lại còn sai ta để ý tìm kiếm ả nữa!” Niên Canh Nghiêu cười nói: “Đó là vì các ngươi rất quen thân với ả, ả đột nhiên biến mất, Hoàng thượng sợ các ngươi nghi ngờ nên mới bảo ả đã bỏ chạy. Sau này ả vào cung, các người tưởng rằng ả là muội tử của ta, làm sao biết ả là tiểu nha đầu!” Liễu Ân đã tin được bảy tám phần, nói: “Nhưng tại sao ả ở phòng của ngươi?” Niên Canh Nghiêu hừ một tiếng nói: “Sao ngươi đa nghi thế! Khu vườn này được phong kín đã lâu, đây là chỗ ở tốt nhất đối với ả”. Liễu Ân nói: “Ồ, thế thì người khác sẽ không thể nào biết. Nhưng...” Niên Canh Nghiêu nói: “Lần này ta về thăm ả, ngươi tưởng ta ở đây à?” Liễu Ân bật cười. Niên Canh Nghiêu lại nói: “Nên ngươi không thể nói với Hoàng thượng, nếu Hoàng thượng biết ngươi nắm được bí mật của ngài, ngươi chẳng còn công lao, vả lại sẽ mang họa bất trắc!” Liễu Ân lạnh mình, chợt nói: “Thế quý phi nương nương tương lai đã trốn ở đâu rồi?” Niên Canh Nghiêu nói: “Ả thấy ngươi vào đã hoảng sợ chạy mất”. Nói xong thì nắm tay Liễu Ân dắt ra ngoài rồi cùng Song ma trở về nghỉ ngơi.

Niên Canh Nghiêu biết Liễu Ân nóng nảy bộp chộp nên tìm cách lôi kéo trước, lôi kéo không xong thì dùng lợi dọa dẫm y để y khỏi lên tiếng ngay tai chỗ. Sau khi về phủ, đợi Liễu Ân ngủ mới khẽ kêu Tát Thiên Thích ra, nói: “Năm xưa Hoàng thượng mời các ngươi xuất sơn, từng hứa rằng sau khi đoạt ngôi được sẽ phong ngươi làm quốc sư, không ngờ giờ đây các ngươi vẫn thấp kém hơn người ta”. Tát Thiên Thích nói: “Chúng tôi kém cỏi, biết làm sao được”. Tuy là nói thế, Niên Canh Nghiêu vẫn biết được ý của y, cười rằng: “Tát lão tiền bối không cần khiêm tốn. Nếu luận về võ công kinh nghiệm, ít nhất ngươi cũng có thể xếp ngang hàng với Liễu Ân”. Tát Thiên Thích im lặng không nói. Niên Canh Nghiêu cười nói: “Thật ra ý của Hoàng thượng là muốn y thay Liễu Ân”.

Tát Thiên Thích lắc đầu quầy quậy, Niên Canh Nghiêu nói: “Vách tường không có tai, ngươi sợ gì?” nói thực cho ngươi biết, Hoàng thượng muốn ta trừ Liễu Ân vì y cậy công ngạo mạn”. Trong năm người mà Ung Chính phái đi, Liễu Ân tự cho mình là tâm phúc của Ung Chính, thường ngày không a dua theo Niên Canh Nghiêu, Đổng Cự Xuyên là kẻ gian xảo nhất, biết Ung Chính e ngại Niên Canh Nghiêu và Liễu Ân, nhưng chuyện chinh chiến phải nhờ vào Niên Canh Nghiêu, nên y cũng lấy lòng Niên Canh Nghiêu, không dám lên mặt. Cam Thiên Long chỉ nghe theo Đổng Cự Xuyên, bản thân chẳng có chủ ý gì. Song ma đã bị Niên Canh Nghiêu lôi kéo, nên mới cùng Niên Canh Nghiêu bàn cách trừ Liễu Ân.

Liễu Ân chẳng hề biết. Sáng sớm hôm sau, Song ma gõ cửa gọi Liễu Ân dậy, nói: “Hôm nay huynh đệ chúng tôi trở về doanh trại, Bảo quốc thiền sư có còn muốn ở lại không?” Liễu Ân đang nôn nóng trở về tìm Đổng Cự Xuyên thương lượng, nói: “Vậy chúng ta cùng về một thể”. Niên Canh Nghiêu đã sớm chuẩn bị rượu thịt, tiễn biệt Liễu Ân. Song ma rót hai chén rượu tự uống. Liễu Ân thích rượu như mạng sống, chỉ trong chốc lát đã uống ba chén. Chợt thấy sắc mặt Song ma có điều khác lạ, Niên Canh Nghiêu lại không ra, Liễu Ân thử vận nội công, dùng khí đan điền đẩy rượu ra, chợt thấy không thông suốt như bình thường, thế là y trợn mắt, Tát Thiên Đô sợ đến nỗi mặt tái mét, Liễu Ân quát lớn một tiếng, chợt tóm lấy Tát Thiên Thích!

Theo lẽ mà nói võ công của Song ma hơi kém hơn Liễu Ân, nhưng hai huynh đệ hợp lực có thể đánh ngang tay với Liễu Ân, nếu lại có thêm Niên Canh Nghiêu giúp đỡ đã nắm chắc phần thắng. Nhưng Niên Canh Nghiêu sợ Liễu Ân không dám xuất hiện; còn Song ma từ xưa đến nay bị Liễu Ân uy hiếp, rất sợ y, trong rượu có bỏ thuốc độc, cả hai huynh đệ đều đã uống thuốc giải nên uống rượu cũng chẳng hề gì. Niên Canh Nghiêu bảo Song ma mời Liễu Ân uống rượu, tưởng rằng y sẽ chết chắc, không ngờ Liễu Ân nội công thâm hậu, uống cả ba chén mà chẳng hề đổi sắc. Song ma đã hoảng, nên Liễu Ân chỉ vung tay đã chụp được Tát Thiên Thích.

Liễu Ân nắm mạch môn Tát Thiên Thích, quát: “Mau đưa thuốc giải ra đây!” Tát Thiên Thích nói: “Không liên quan đến chúng tôi”. Liễu Ân lại nhả thêm lực, Tát Thiên Thích nói: “Thuốc giải trong túi của tôi”. Liễu Ân móc ra, bỏ tọt vào mồm, sau bình phong một tiếng quát vang lên, võ sĩ của Niên gia xông lên!

Liễu Ân ném Tát Thiên Thích một cái, chụp lấy cây thiền trượng múa lên vù vù, chỉ Đông đánh Tây, chỉ Nam đánh Bắc, xô ngã tấm bình phong, Niên Canh Nghiêu đứng trên đầu pháo thò đầu ra kêu: “Tát Thiên Thích mau xông lên!” Tát Thiên Thích nhảy lên, cùng Tát Thiên Đô đánh liều tới, Liễu Ân vung cây thiền trượng đánh ầm một tiếng vào cây trụ đá, cây trụ gãy mái nhà sập xuống, Song ma vội vàng thối lui, bọn võ sĩ bị đè bẹp bên dưới, Liễu Ân múa cây thiền trượng xông ra, định đánh thẳng đến hậu đường để liều mạng với Niên Canh Nghiêu! Song ma vội vàng cản y lại. Bọn cung tiển thủ của Niên Canh Nghiêu giơ cung lắp tên bắn tới. Liễu Ân chợt thấy đầu óc quay cuồng, miệng khát khô!

Chính là:

Thỏ chết chó cũng vào nồi, chim hết cung bẻ làm củi.

Muốn biết sau đó thế nào, mời xem hồi sau sẽ rõ.