Về tới phòng, thằng Cường nằm xuống giường, chưa đầy một phút sau thằng ấy đã ngủ mất. Tôi lập tức đi tắm, suốt đêm qua lăn lộn, người cũng đã bốc mùi hôi hôi. Hai thằng Mạnh và Duy từ lúc đưa chúng tôi về ánh nhìn có hơi kỳ lạ. Sau khi tôi đi từ trong nhà tắm ra, thằng Duy mới hỏi:
– Chúng mày đi đâu từ đêm qua? Còn phải đem tiền tới chuộc nữa, có phải là dính vào bài bạc không?
Tôi thở dài, cũng không việc gì phải giấu diếm nữa, có thể họ không tin những lời tôi sắp nói nhưng tôi vẫn sẽ kể, dẫu sao giữ những chuyện như này trong đầu tôi cũng không lấy gì làm thoải mái. Tôi bắt đầu nói về vụ tai nạn một tuần trước, khi tôi nhắc tới có người lao đầu vào xe thằng Cường, thằng Duy liền hỏi:
– Dừng, dừng, mày tin những chuyện ma quái này à?
– Không phải là tin hay không, mà đó là sự thật.
Thằng Cường từ trên giường đối diện bỗng ngồi dậy, mặt đăm chiêu, cậu ta nhìn chúng tôi nói tiếp:
– Tao đã muốn kể chuyện này cho chúng mày từ mấy hôm trước rồi, nhưng không hiểu sao lúc nào tao cũng buồn ngủ, cảm giác như tao phải ngủ tới hai mươi tiếng mỗt ngày, khi dậy trong người mệt mỏi, lúc nhớ lúc quên, thậm chí có khi tao còn tưởng mình đang là người khác.
– Đó là do mày bị tai nạn ở chỗ âm khí dày đặc- thằng Mạnh lần đầu lên tiếng- là mày không biết chứ, trên đèo Cái cái một cái nghĩa địa, đi đêm ở chỗ đấy dễ gặp ma lắm.
– Mà từ sau hôm đi viện về, tao thấy mày cứ khác khác, nhiều lúc mày ngồi nhìn lên trần nhà, mặt dại đi, trông như bị ma nhập vậy.
– Tao nhớ tao ngủ suốt, lúc nào thức thì chỉ thấy mỗi mình trong phòng,…
Nói tới đó thằng Cường cau mày, ba người chúng tôi chờ cậu ta nói tiếp, nhưng vài giây sau Cường lại bảo:
– Thực sự tao không nhớ được gì cả, Minh, mày biết gì thì kể đi, tao muốn nghe.
Tôi gật đầu, biểu hiện của thằng Cường không phải là không nhớ ra, mà là có chuyện gì đó khiến suy nghĩ của cậu ta không chắc chắn, giống như cậu ta biết được đáp án nhưng không rõ nguyên nhân. Nghĩ vậy tôi tiếp tục kể, sau khi tai nạn xảy ra, đã có những chuyện kỳ quái gì trong viện, và trong phòng này, tôi đều kể ngắn gọn lại. Xong tới chuyện đêm qua, chợ phiên âm phủ, ma đói, bà tào và ông quản trang bắt con ma trong người thằng Cường, vì vậy mới có chuyện tôi nhờ hai thằng kia mang tiền tới chuộc người.
Từ lúc tôi bắt đầu kể, mặt ba người đối diện càng lúc càng tái đi, nhất là thằng Cường, cậu ta chắc phải kinh hoàng lắm khi biết người bị ma nhập lại chính là mình, có thể do bị con ma ấy chi phối nên cậu ta không thể nhớ mình đã làm gì. Thằng Duy nghe tới cuối mới nuốt nước miếng hỏi:
– Vậy mày suýt trở thành chồng con ma ấy à?
– Chắc mày phải đắc tội lớn lắm với con ma ấy, có khi nó theo mày từ quê lên đây, nhưng vì chạy bộ nên phải tới tuần trước nó mới đến nơi, lại còn bị thằng Cường đâm phải, nên nó quay ra ám cả thằng Cường luôn.
– À mà lúc nó cứu tao khỏi con ma đói, tao thấy nó cứ buồn buồn thế nào ấy.
– Tao nghĩ con ma đó thấy mày cầm cái chân gà, nên nó tưởng mày định dùng thuật ma xó để hại nó, nó muốn mày làm chồng nó, thế mà mày lại dùng tà thuật để hại nó, có con vợ nào thích chồng sắp cưới giết mình không, nó buồn là phải.
Cũng đúng, tôi chợt hiểu ra vì sao mặt thằng Cường lúc đó lại thất vọng như vậy.
– Nếu tao gặp lại nó, tao sẽ giải thích cho nó hiểu, và cũng bảo luôn là nó theo nhầm người rồi, trước giờ tao chưa hề hại ai cả.
– Mày nói là tối hôm tao trong viện, mày gặp một cô y tá tên Dương phải không? - Thằng Cường lúc này mới lên tiếng.
– Ừ, Giàng Thị Dương, tao không nhớ mặt, nhưng có gì đấy lạ lắm, vì mấy chị y tá khác bảo không có ai tên Dương trực cùng tối hôm đó. Tao cá là mình gặp ma.
– Đó là con ma nhập vào người tao.
Ba thằng chúng tôi lập tức nhìn về phía thằng Cường, cậu ta nói tiếp:
– Lúc ngủ, tao thường nhìn thấy những cảnh rất kỳ lạ, nhiều nhất là cảnh trong bệnh viện tỉnh, tao thấy bệnh nhân, bác sĩ đi lại trên hành lang, họ nhìn tao và gọi tao là y tá Dương. Chính vì thế mà tao đã nghi ngờ bản thân mình, tao sợ rằng lúc ngủ dậy tao sẽ trở thành người tên Dương đó, vì tao thấy…
Thằng Cường đột nhiên dừng lại, tôi thấy tay cậu ta hơi run lên, trán đã lấm tấm mồ hôi. Có chuyện gì đã xảy ra với người tên Dương đó, thằng Cường đã thấy gì trong giấc mơ? Tôi rất muốn biết, vì bản thân cũng có vài phần dính líu nên nếu biết được lai lịch của chuyện này, tôi tin rằng sẽ tìm được cách thoát khỏi nó.
– Mày còn thấy gì?
– Tao cũng không rõ nữa, những người xuất hiện trong giấc mơ của tao đều xa lạ, chỉ trừ duy nhất một người.
– Là ai, mày thấy ai?
Thằng Cường chớp mắt, có vẻ như đang cố nhớ lại khuôn mặt đã hiện lên trong giấc mơ, lát sau lại lắc đầu nói:
– Tao không nhớ, mà cảnh trong mơ cũng không liền mạch, có khi tao đang ở một phòng bệnh thì khi bước khỏi phòng, tao đã thấy mình ở một nơi khác, lúc là rừng cây, lúc lại là nhà sàn. Sau mỗi giấc ngủ như vậy đầu tao nặng trịch, cảm giác còn mệt hơn cả không ngủ, nhưng tao chỉ thức được vài tiếng là hai mắt díp lại, đầu óc lơ mơ.
Vậy tôi hiểu rồi, bị ma nhập cảm giác rất giống với người say xe, lúc nào cũng mệt mỏi, đầu nặng như đeo đá, toàn thân vô lực, còn buồn ngủ và ngủ rất nhiều.
– Vậy giờ mày cảm thấy thế nào?
– Tuy người vẫn mỏi nhừ, nhưng đầu óc tao đã nhẹ nhõm hơn nhiều, tao có thể kiểm soát được hành vi của mình, và cơn buồn ngủ cũng không còn thường xuyên như trước nữa.
– Bà thầy cúng kia cao tay thật, trước giờ tao vẫn tưởng mấy chuyện như này chỉ là trò mê tín dị đoan, hóa ra cũng có thật.
– À, mai là thứ hai, vết khâu cũng được một tuần rồi, mai phải đi tái khám để kiểm tra, hay là tao đưa mày đi rồi tiện tìm hiểu về cái người tên Dương đó, tao cũng bị liên lụy vào chuyện này, có thể mày không quan tâm nhưng tao chắc chắn phải làm cho ra nhẽ.
Tôi nghĩ bệnh viện tỉnh là manh mối đầu tiên để tìm ra chân tướng chuyện này, y tá tên Dương đó từng làm việc ở viện, vậy người trong viện chắc chắn biết cô ta. Nhưng chị y tá hôm đó nói, chị ta làm việc ở đây mấy năm rồi mà chưa thấy có y tá nào tên Dương, vậy có thể là cô gái kia còn làm việc trước đó một thời gian nữa. Khả năng tìm được thông tin chỉ mới khoảng 50%, tôi nghĩ mình chuẩn bị phải vất vả một chuyến rồi.
– Tao cũng đi.
– Tao nữa, mai cả phòng xin nghỉ luôn, tao muốn tới đó xem mặt mũi mấy chị y tá miền núi này xinh thế nào.
Tôi nhìn hai thằng kia, thầm thở dài, đúng là chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, nếu như ai trong hai thằng ấy rơi vào hoàn cảnh như tôi, liệu chúng nó có phấn khởi mà coi đây như một cuộc chơi không. Nhưng quả thực là cũng có vài phần thú vị, tôi có lá bùa của bà tào trong tay rồi, nếu biết được manh mối về con ma kia, tôi sẽ lập tức báo cho bà ấy, nhờ bà ấy cứu tôi, chuyện này xem ra không tuyệt vọng như tôi tưởng.
Trong lúc đó, tôi đã không để ý tới một điều, là về ánh mắt thằng Cường. Chỉ khi vô tình liếc qua cậu ta, tôi chợt nhận ra hai mắt cậu ta đang nhìn mình, vẫn là cái thần thái đó, nửa buồn nửa thù hận, thậm chí còn như chất chứa rất nhiều tâm sự, nhưng tuyệt nhiên không thể giãi bày, chỉ có thể giấu kín. Có vẻ như nhận ra là tôi đang nhìn lại, cậu ta chớp mắt, rồi liếc sang chỗ khác. Vậy là ý gì?
Hôm sau chúng tôi tới bệnh viện tỉnh tái khám cho thằng Cường. Người kiểm tra cho cậu ta là một bác sĩ nam, tầm 35 tuổi, vết khâu tiến triển rất tốt, có thể tháo chỉ vào tuần sau. Tôi để bác sĩ khám cho thằng kia xong, tiện lúc đang hỏi han tình hình thì lái sang chuyện khác, tôi có nói rằng mình quen một người tên Giàng Thị Dương, từng làm việc tại bệnh viện này, bác sĩ có biết không.
Bác sĩ nghĩ một lát, hỏi lại tôi có chắc họ Giàng không, vì trong viện cũng có ba người tên Dương nữa, nhưng hai người là bác sĩ, từ miền xuôi lên đây làm việc, còn một người tên Dương, nhưng lại là nam, đang làm y tá bên khoa chẩn đoán. Tôi chắc chắn là người quen ấy họ Giàng, bác sĩ liền quay ra hỏi mấy cô y tá đứng cạnh, xem có ai tên họ như vậy làm trong viện không.
Mấy người đó đúng là nhàn rỗi, tìm không ra ai tên như vậy liền lấy cả danh sách các y bác sĩ đang tại chức cho tôi xem. Bác sĩ còn bảo anh ta đã làm ở đây bảy năm, nhưng chưa từng biết cô y tá nào tên như vậy, còn đảm bảo tôi đã nhớ nhầm tên người ta.
Bảy năm, làm ở đây bảy năm mà cũng không có ai tên Dương sao, vậy con ma kia đã làm ở đây từ thời nào, sao nó thù dai tới vậy. Mười năm là đủ cho một cuộc tình rồi, quên đi thôi, mà nếu mười năm thì lúc đó tôi mới 14 tuổi, tôi chắc chắn mình không hại được ai cả.
Cô y tá bảo có khi người quen của tôi làm việc trước đó nữa, mà giờ viện toàn y bác sĩ mới, nếu muốn tìm thì chỉ có thể hỏi mấy người bên phòng nhân sự, hoặc là bác lao công. Có khi bác lao công được việc hơn, vì bác ấy làm ở đây từ khi bệnh viện mới đưa vào hoạt động, làm từ hồi mới 18 ,20 tuổi, nghe đâu đã được hơn ba mươi năm rồi.
Vừa nhắc tới tên thì người cũng từ ngoài cửa bước vào, bác lao công đứng tuổi cầm theo cái xẻng và cái chổi đang làm vệ sinh phòng bệnh vào buổi sáng. Trông bác ấy đúng là rất có thâm niên làm lao công, cái khăn quấn trán đã ố vàng, bộ quần áo lao động bạc phếch, cộng thêm vẻ ngoài lam lũ khiến cho bác trông già hơn tuổi. Cô y tá thấy bác ấy vào thì lên tiếng hỏi hộ tôi:
– Bác ơi, bác làm ở đây trước giờ có biết y tá nào tên Giàng Thị Dương không vậy?
– Dương thì nhiều lắm, chả nhớ là Dương nào đâu, mà ai để ý họ làm gì đâu mà biết được.
– Bác không nhớ ra ai tên như thế, mà làm ở viện này cách đây khoảng mười năm ạ?
– Lại còn hơn mười năm, không để ý, đã bảo không để ý thì làm sao mà nhớ được.
Tôi thấy bác lao công này cũng già cả, không nhớ được là đúng thôi, giờ có nên đi sang phòng nhân sự hỏi không, hỏi người ta về một nhân viên đã chết cách đây hơn chục năm, chắc gì họ đã chịu tìm cho tôi.
– Nhưng mà, nếu như là cách đây 15, 16 năm thì có, có một cô y tá người dân tộc, tên Dương từng làm ở bệnh viện này từ đợt ấy, nhưng mà chết rồi, chết cũng được từng ấy năm rồi.
Bác lao công bên kia vừa nói. Mọi người trong phòng cùng quay lại, tôi liền hỏi:
– Sao cô ấy chết hả bác?
– Chuyện lúc đấy lung tung lắm, nghe bảo là bị chết vì tai nạn, ngã từ trên đồi xuống, xong đưa vào viện thì chết. Mà mấy cô mấy cậu không biết chứ, hồi ấy còn rộ lên nhiều chuyện về cô ấy lắm.
Nói tới đó, bác lao công liền hồi tưởng. Đó là một buổi tối tháng 8, đang lúc mọi người thu dọn đồ đạc để về nhà, bỗng có điện thoại báo ở khu vực đèo Cái xảy ra tai nạn, một người đang nguy kịch. Bệnh viện lập tức cho xe cứu thương tới đón nạn nhân, lúc thấy người, ai cũng bất ngờ khi nhận ra kia là cô y tá làm ở viện mình. Mọi người nhanh chóng đưa cô ấy vào viện.
Khi cứu chữa cho cô gái, bác sĩ phát hiện ra cô ấy đang mang thai. Cô y tá ấy lại chưa có chồng. Vào thời điểm đó, một cô gái dân tộc, chưa chồng mà có con, đó là một tội cực kỳ nặng. Các bác sĩ đã gạt hết những suy nghĩ đó và bằng tất cả biện pháp nghiệp vụ, họ cố gắng cứu sống cô gái. Rồi đang trong lúc giành giật mạng sống của cô ấy, bên ngoài có rất nhiều người đột nhiên xông vào, đòi mang cô ấy về, không cho cứu chữa nữa.
Các bác sĩ đang phẫu thuật phải dừng lại để dàn xếp, dưới áp lực từ phía người nhà, họ buộc phải dừng việc cứu chữa đó lại. Người nhà của cô gái lập tức đem cô ấy rời viện, dù cho máu vẫn chảy và cô gái đã ngất lịm đi. Hôm sau, hôm sau nữa, và mãi cho tới bây giờ, không còn ai gặp lại cô y tá, người ta hiểu là đêm hôm đó cô ấy đã không qua khỏi.
Chuyện chưa dừng lại, có lời đồn rằng cô y tá khi còn làm ở viện đã nảy sinh tình cảm với một bác sĩ người miền xuôi. Và cái thai trong bụng cô ấy chính là kết quả của cuộc tình vụng trộm đó, nhưng người nhà cô ấy biết và đã trừng phạt cô ấy. Không ai biết đó là bác sĩ nào trong viện, nhưng có người nói vị bác sĩ đó có mặt trong ca phẫu thuật cho cô gái, và cũng đã đồng ý để người nhà mang cô ấy đi.
Người ta còn nói về đó như một câu chuyện răn đe các cô gái trẻ, không nên nhẹ dạ cả tin vào tình yêu của những người trai miền xuôi, không được trao đi cái quý giá nhất của đời mình khi chưa kết hôn, vì đó là một tội lớn, không thể tha thứ. Và đã rất lâu rồi không còn ai nhắc tới chuyện ấy nữa, cho tới giờ là 16 năm.
Bác lao công kể tới đó, mọi người trong phòng cùng lặng thinh, như có một vết cắt nhói lên trong lòng tôi, cô ấy chết chỉ vì tình yêu đặt nhầm chỗ, vì kẻ làm bác sĩ kia vốn không có lương tâm, và vì xã hội thời đó quá nặng nề, cổ hủ. Nhưng nếu oan hồn kia là cô y tá đó, vậy vì sao lại đòi mạng tôi, 16 năm trước tôi mới được 8 tuổi, nếu nói tôi hại người, chắc chắn kẻ đó bị điên rồi.
Mấy y bác sĩ nghe xong chuyện cũng chép miệng, lắc đầu, vài phút sau họ rời khỏi phòng, giờ chỉ còn bốn người chúng tôi ở lại. Chẳng ai nói gì, có lẽ trong đầu mỗi người đều suy nghĩ về câu chuyện vừa rồi. Tôi nhìn thằng Cường, định hỏi cậu ta tiếp theo nên làm gì, thì chợt thấy cậu ta nói:
– Có một chuyện tao chưa dám nói với chúng mày, là về bố tao, ông ấy cũng có mặt trong lần phẫu thuật ấy.
Cái gì? Tôi kinh ngạc, bố của thằng Cường là bác sĩ, không phải, tôi từng gặp bố cậu ta rồi, ông ấy là công nhân viên chức gì đó, chắc chắn không phải là bác sĩ.
– Bố mày là công chức nhà nước mà.
– Đó là dượng tao, bố và mẹ tao ly dị khi tao được 10 tuổi. Sau hai năm ông ấy từ Thái Nguyên trở về.
– Dù có làm ở đây thì có khi bố mày cũng không chắc đã là bác sĩ phẫu thuật, mày đừng áp đặt ngay như thế.
– Không, tao chắc chắn. Vì khuôn mặt tao nhận ra duy nhất trong giấc mơ chính là mặt bố tao.
Vậy tức là thằng Cường còn thấy chuyện đó, nhưng lúc trước không nói vì cậu ta sợ, hoặc đúng hơn là cậu ta không tin vào giấc mơ ấy. Không biết còn những chuyện gì xảy ra mà Cường chưa kể cho tôi nữa, chắc chắn là thằng này vẫn giấu diếm rất nhiều chuyện nữa, tôi cần phải ép cậu ta nói ra.
Thằng Cường cúi mặt, tay nắm chặt tấm áo khoác, phải mất một lúc cậu ta mới lấy lại bình tĩnh để nói tiếp:
– Tao thấy mình nằm ở cán cứu thương, có nhiều người mặc áo blouse chạy quanh, rồi tao thấy bố, ông ấy đứng ở ngoài hành lang trước cửa một phòng bệnh, khi người ta đẩy tao qua, tao đã cố gắng cầu cứu ông ấy, nhưng bố chỉ nhìn tao và lờ đi, sau đó tao bị đưa vào một căn phòng tối om.
Thế quái nào, cảnh đấy rất quen! Chẳng phải đó là những gì diễn ra trong giấc mơ của tôi, tôi toát mồ hôi lạnh, tay bất giác run lên. Đêm hôm đó tại phòng bệnh của thằng Cường, tôi đã mơ thấy cảnh tượng ấy, nhưng không phải là trong vai người nằm dưới cán, mà là người đứng ngoài hành lang. Vậy có nghĩa là người lúc đó không phải là tôi mà là bố thằng Cường, và người nhìn tôi không phải là cô gái mà là thằng Cường?