Cũng phải nói đấy là yêu cầu của Kim Trân, chuyện này vẫn chưa hết, chừng như mới bắt đầu.
Lúc anh xuống tàu, xuất hiện ở ke nhà ga, lập tức một toán người ập đến, dẫn đầu là nhân vật số một của đơn vị 701, đại nhân Cục trưởng (Cục trưởng tiền nhiệm của Cục trưởng Trịnh Thọt) - người có bộ mặt ngựa dễ sợ, ít nhất vào lúc ấy Kim Trân thấy như thế. Ông ta đi đến trước mặt Kim Trân, vẻ tức giận làm mất đi cái tôn trọng thường ngày ông ta vẫn dành cho anh, ánh mắt lạnh lùng khiếp hãi.
Kim Trân sợ hãi né tránh ánh mắt, nhưng không tránh khỏi những âm thanh:
“Tại sao không để văn bản mật vào cặp bảo hiểm?”
Lúc ấy mọi người thấy mắt Kim Trân long lanh sáng, rồi lập tức tắt lịm, như sợi tóc bóng điện bị cháy, đồng thời toàn thân cứng như gỗ, ngã vật ra đất.
Khi ánh sáng ban mai chiếu vào ô cửa sổ, Kim Trân mới tỉnh lại, ánh mắt chạm vào khuôn mặt mơ hồ của vợ. Cũng có lúc anh may mắn quên hết mọi chuyện, nghĩ rằng mình đang nằm trên giường nhà mình, vợ anh bị tiếng kêu trong khi anh ngủ mê đánh thức đang lo lắng nhìn anh (Có thể vợ anh vẫn thường ngồi nhìn chồng trong giấc mơ như thế). Nhưng căn phòng trắng và mùi thuốc khiến Kim Trân nhanh chóng tỉnh lại, biết rằng đây là bệnh viện. Vậy là, chỉ trong khoảnh khắc, trí nhớ của anh hồi tỉnh. Anh lại nghe thấy tiếng nói uy nghiêm của ông Cục trưởng:
“Tại sao không để văn bản mật vào cặp bảo hiểm?”
“Tại sao?”
“Tại sao?”
“Tại sao...”
(Ghi theo lời kể của Cục trưởng Trịnh)
Nên tin rằng, chuyến công tác này của Kim Trân không ít kẻ ghen tị, thù địch, vì có sự ghen tị nên phải cảnh giác. Cho nên, nếu nói sự việc xảy ra là bởi cậu ta mất cảnh giác, sơ ý, thật không công bằng nếu coi đấy là kết quả sự xem thường và xem thường nghề nghiệp của cậu. Nhưng không để sổ tay vào cặp bảo hiểm lại như nói Kim Trân không cẩn thận, cảnh giác không cao.
Tôi nhớ rất rõ, lúc họ xuất phát từ đơn vị 701, tôi và Vasili phải ba lần yêu cầu, nhắc nhở cậu ta, bỏ tất cả các văn bản mật, kể cả giấy tờ tuỳ thân vào cặp bảo hiểm, cậu ta cũng đã làm như thế rồi. Trên đường về, Vasili nói, cậu ta rất cẩn thận bỏ các văn bản mật vào cặp bảo hiểm, kể cả cuốn cách ngôn vị Thủ trưởng Tổng cục tặng trong thời gian hội nghị, cuốn cách ngôn này do chính tay Thủ trưởng Tổng cục sáng tác, hoàn toàn là cuốn sách bán ở các hiệu sách, không có gì gọi là bí mật. Nhưng cậu ta nghĩ, trên trang bìa có chữ kí của Thủ trưởng Tổng cục, sợ như thế sẽ lộ thân phận, nên coi nó như một tài liệu mật, tự tay bỏ vào cặp bảo hiểm. Cậu ta bỏ tất cả vào, chỉ để một cuốn sổ tay ở ngoài. Sau khi xảy ra sự việc nghĩ lại, cậu ta đã để quên như thế nào, quả thật như một bí mật cổ xưa sâu kín. Tôi tin rằng, tuyệt đối tin rằng, không phải vì thường dùng đến nó mà để ở ngoài, không thể. Cậu ta không mạo hiểm thế đâu, cậu ta cũng không đủ dũng cảm và cả gan mạo hiểm như thế. Chừng như không có lí do gì, sau khi sự việc xảy ra, cậu ta muốn tìm một lí do cũng khó. Kì lạ là, trước khi sự việc xảy ra, cậu ta hoàn toàn không ý thức được có sự tồn tại của cuốn sổ tay (Sự việc xảy ra rồi, cậu ta vẫn chưa nghĩ ngay đến nó), tưởng chừng như nó chỉ là cái kim gài trên tay áo phụ nữ, không cần hoặc không chú ý nên bị nó đâm vào tay, bình thường không nghĩ đến nó.
Đối với Kim Trân, cuốn sổ tay không thể như cái kim trên tay áo phụ nữ, vì cái kim không đáng tiền nên không để ý. Không thể nghi ngờ cậu ta không nhớ đến nó, mà rất nhớ, ghi vào lòng. Vì đấy là thứ mà cậu vô cùng quý, dùng nó để nói chuyện, là bình chứa linh hồn của cậu ta.
Một thứ vô cùng quan trọng, quý báu đối với cậu ta, là bảo bối của cậu, làm sao có thể xem thường nó?
Đấy là câu hỏi khó trả lời.
Kim Trân rất hối hận, đồng thời anh muốn đi vào mê cung thần bí, tìm ra câu hỏi tại sao anh lại sơ ý bỏ cuốn sổ tay ở ngoài. Thoạt đầu, anh choáng váng trong bóng tối vô cùng vô tận, nhưng dần dần anh thích nghi với bóng tối, bóng tối trở thành điểm tựa để phát hiện ra ánh sáng. Cứ như vậy, anh tiếp cận với ý nghĩ...
Chính vì mình sơ ý, cất giấu nó quá kĩ, giấu vào trong tim mình, thậm chí không để bản thân trông thấy... Có thể trong sâu xa tiềm thức, cuốn sổ tay không tồn tại riêng biệt như một vật thể cụ thể, giống như mình đeo kính... những thứ đó vì quá cần thiết, sẽ không bao giờ rời chúng. Từ lâu chúng găm vào sinh mệnh, trở thành giọt máu của sinh mệnh, một bộ phận của cơ thể... Mình không cảm thấy chúng, giống như mọi người bình thường không cảm thấy tim và máu mình. Con người chỉ đến khi ốm đau mới cảm nhận được cơ thể mình, không đeo kính mới nhớ đến nó, sổ tay chỉ có thể mất...
Nghĩ đến chuyện mất sổ tay, Kim Trân ngồi bật dậy như bị điện giật, anh vừa mặc áo quần, vừa vội vã chạy ra khỏi phòng bệnh, giống như bị lửa đốt bỏ chạy. Vợ anh, một cô gái cao lớn có lẽ chưa bao giờ thấy chồng như thế, cũng phải giật mình. Nhưng chị bình tĩnh chạy theo chồng.
Mắt Kim Trân kém, không quen với bóng tối trong hành lang, anh lại vội vã chạy, lúc xuống, anh ngã ở cầu thang, cặp kính văng ra may mà không vỡ, đúng lúc ấy vợ đuổi kịp anh. Vợ từ đơn vị 701 đến, trước khi đến có người đã báo cho chị biết, có thể Kim Trân đi đường bị mệt, đột ngột lâm bệnh phải vào nằm ở bệnh viện X, chị phải đến chăm sóc. Chị đến, nhưng không biết đã xảy ra chuyện gì. Chị bảo chồng về nghỉ, bị Kim Trân từ chối một cách thô bạo.
Xuống đến dưới nhà, anh vui mừng thấy chiếc xe jeep của mình đang chờ ở sân, anh đến bên chiếc xe, thấy người lái xe đang ngủ gục trên tay lái. Xe đưa vợ anh đến, lúc này Kim Trân đang cần dùng. Lên xe, anh nói dối vợ, anh bỏ quên cặp trên tàu, “đi lấy rồi về ngay.”
Kim Trân biết, tên ăn cắp chỉ có hai cách: thứ nhất, vẫn ở trên tàu, thứ hai là đã xuống tàu ở thành phố B. Nếu còn ở trên tàu chắc chắn nó không thể thoát, vì tàu đã bị phong toả. Cho nên, Kim Trân vội vã đến thành phố B, vì thành phố A không cần anh, mà thành phố B có thể cần người của toàn thành phố.
Ba tiếng đồng hồ sau, chiếc xe con vào sân của Cục cảnh vệ. Anh hỏi thăm đến Tổ chuyên án đặc biệt. Tổ chuyên án đặc biệt đóng ngay trong nhà khách của Cục cảnh vệ, tổ trưởng là một vị Phó Tổng cục trưởng (lúc này chưa đến nhận nhiệm vụ), dưới có năm vị tổ phó là lãnh đạo những bộ phận có liên quan của hai thành phố A và B, trong đó có một vị tổ phó về sau là Cục trưởng Trịnh chống gậy - lúc bấy giờ là Phó cục trưởng thứ bảy - lúc này ông đang có mặt tại Tổ chuyên án. Kim Trân đến, ông Trịnh nói với anh một tin xấu: đoàn tàu phong toả ở thành phố A để kiểm tra nhưng không tìm thấy tên ăn cắp.
Có nghĩa là tên ăn cắp đã xuống ga B.
Vậy là người của tổ chuyên án kéo nhau về thành phố B, ngay chiều hôm đó Vasili cũng đến B, anh ta đến B theo lệnh của Cục trưởng đưa Kim Trân vào bệnh viện điều trị. Có thể Cục trưởng đoán biết Kim Trân sẽ từ chối, cho nên lúc ông ra lệnh liền bổ sung một câu: nếu Kim Trân không chấp hành, anh phải bám theo từng bước bảo vệ an toàn cho Kim Trân.
Kết quả, Vasili chấp hành không phải là mệnh lệnh mà là lời bổ sung.
Không ngờ, một sự thoả hiệp nho nhỏ của Vasili lại mang tai hoạ về cho đơn vị 701.