Tuy mới đầu giờ thìn mà quần hùng đã tề tựu đông đủ quanh đấu trường. Đứng chính giữa khoảng sân rộng Vô Hình Đao Tôn Nhật ôm quyền thi lễ cùng mọi người.Hướng về khán đài chính nơi hướng nam vị trang chủ của Tôn gia trang hắng giọng:
- Kính thưa chư vị... Cuộc tranh tuyển chức minh chủ giang hồ của chúng ta sắp sửa đi vào giai đoạn chính và cũng là giai đoạn vô cùng hào hứng, sôi nổi và gay cấn. Sáu tuyển thủ thắng cuộc là Tam Đoạn Kiếm Lê Tuấn Bạch chưởng môn phái Cỗ Loa; Đa Tý Quyền Nguyễn Hiệp chưởng môn phái Thảo Đường; Lạc Kiếm Trần Hùng chưởng môn Lạc Việt phái; Nhất Quốc thiền sư của chùa Tướng Quốc; Bạch Long Kiếm đại diện cho Bạch Long Vỉ đảo và sau cùng là Hoàng Điểu Lý Anh của Hoàng Sa phái. Lão phu xin chư vị cổ vỏ cho các tuyển thủ thắng cuộc...
Quần hùng la hét hoan hô ầm ỉ. Tuy nhiên dù không nói ra mọi người đều nhận thấy là sáu tuyển thủ này không có một người nào thuộc Thập Đại Hiền Trang hoặc các gia trang nhỏ trong giới giang hồ Đại Việt. Điều này khiến cho các vị trang chủ phật lòng và nhất là cảm thấy không ít thời nhiều bị bẻ mặt với đồng đạo giang hồ. Kể từ khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống xâm lăng cho tới nay trải qua gần một nghìn năm, các gia trang lớn nhỏ lúc nào cũng giữ một vai trò quan trọng và có tiếng nói mạnh mẻ trong giang hồ. Chỉ có đây là lần đầu tiên người ta mới thấy các gia trang bị loại ra khỏi cuộc tranh đoạt chức vị minh chủ, một danh vị quan trọng nhất đối với các vũ sĩ giang hồ.
Giọng nói hùng tráng đầy nội lực của Vô Hình Đao Tôn Nhật vang vang trong tiếng hô hào cổ vỏ của mọi người:
- Kính thưa chư vị... Xuyên qua cuộc bắt thăm chiều hôm qua Tam Đoạn Kiếm Lê Tuấn Bạch sẽ tranh tài với Nhất Quốc thiền sư; Lạc Kiếm Trần Hùng đấu với Bạch Long Kiếm và cặp còn lại là Hoàng Điểu Lý Anh và Đa Tý Quyền Nguyễn Hiệp. Nhân danh ban tổ chức lão phu kính mời Lý Anh và Nguyễn Hiệp ra tranh tài...
- Khoan...Tại hạ xin có đôi lời...
Giọng nói trầm trầm vang lên rồi một người chầm chậm bước vào đấu trường.Quần hùng không hẹn đứng bật dậy cùng với tiếng la thất thanh:
- Kẻ cầm sổ giang hồ.... Kẻ cầm sổ giang hồ...
Quần hùng nhất là các vị chưởng môn của các môn phái lớn nhỏ cũng như trang chủ của mười đại trang trong giang hồ đồng chú mục vào nhân vật nổi tiếng nhất hiện nay. Nhân dạng bình thường, ăn mặc giản dị, thần thái ung dung; kẻ cầm sổ giang hồ thoạt trông không khác người thường bao nhiêu. Dừng trước mặt Tôn Nhật y ôm quyền thi lễ xong cao giọng thốt:
- Vượt đường xa trăm dặm tới đây rất tiếc tại hạ lại đến chậm để tham dự cuộc tranh tài tuyển chọn vị minh chủ giang hồ. Sở dĩ tại hạ tới chậm vì một lý do quan trọng...
Hướng về khán đài chính nơi các vị chưởng môn các phái võ và trang chủ các gia trang kẻ cầm sổ giang hồ thong thả tiếp:
- Chắc chư vị chưa biết một tin tức quan trọng là quân Hoa Lư đã bao vây Tản Viên...
Quần hùng xôn xao bàn tán khi nghe lời tiết lộ của kẻ cầm sổ giang hồ. Ngay cả các nhân vật đầu não cũng xì xầm to nhỏ. Giơ tay ra dấu cho mọi người im lặng Tam Đoạn Kiếm Lê Tuấn Bạch lên tiếng hỏi:
- Làm sao huynh đài biết tin này?
Hơi nhếch môi cười kẻ cầm sổ giang hồ cao giọng:
- Hơn một vạn quân thiện chiến trong đó có ba ngàn quân thiết kỵ dưới quyền chỉ huy của Phạm Cự Lượng đã trấn đóng các vị trí hiểm yếu trong những vùng lân cận như Thạch Thất, Minh Nghĩa và Tản Viên. Trong chư vị ắt có nhiều người biết Phạm Cự Lượng là một viên đại tướng tài ba nhiều mưu lược của triều đình...
Vô Hình Đao Tôn Nhật lên tiếng:
- Lão phu biết Phạm Cự Lượng. Lúc còn theo tiên đế bình loạn mười hai sứ, Phạm Cự Lượng nổi tiếng quyền biến, cơ mưu và giỏi võ. Bởi vậy y mới được tiên đế cho chỉ huy đạo quân cảm tử dù tuổi chưa đầy ba mươi...
Nhìn Tôn Nhật tỏ vẻ cám ơn kẻ cầm sổ giang hồ cao giọng tiếp:
- Trưa hôm qua tại hạ còn dọ được nguồn tin cực kỳ quan trọng là Tống triều đã động binh hai tỉnh Lưỡng Quảng sang đánh nước ta...
Quần hùng trên đỉnh Tản Viên không hẹn cùng kêu thành tiếng sửng sốt về tin tức mà kẻ cầm sổ giang hồ vừa tiết lộ. Họ nhốn nháo, ồn ào bàn tán và có người tính chuyện rời bỏ Tản Viên để trở về quê quán.
- Mười vạn tinh binh của Tống triều từ Ung Châu dưới quyền chỉ huy của hai tướng Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng đã chính thức mở cuộc xâm lăng Đại Việt. Đạo quân tiền phong của tướng Tôn Toàn Hưng ào ạt vượt biên giới đánh chiếm Pha Lũy, Lộc Châu xong tràn xuống miệt Ngân Sơn và Bắc Giang. Trong lúc đó mấy vạn quân bộ của Hầu Nhân Bảo đang bủa vây Lạng Sơn. Giờ này có lẽ Lạng Sơn đã lọt vào tay giặc...
- Làm sao huynh đài lại biết tin này?
Tam Đoạn Kiếm Lê Tuấn Bạch lên tiếng hỏi lần nữa. Hướng về chỗ vị chưởng môn phái Cỗ Loa đang ngồi kẻ cầm sổ giang hồ đáp nhanh:
- Lén lút vào trung dinh của quân Hoa Lư tại hạ tình cờ nghe được Hữu Danh Vô Thực, Bách Diện Thư Sinh và Phạm Cự Lượng bàn luận với nhau về tin quân Tống sang đánh nước ta...
Tam Đoạn Kiếm Lê Tuấn Bạch nói nhỏ:
- Tôi đã cắt đặt đệ tử bản phái thành tám tổ do thám mà sao không nghe họ báo cáo về tin này...
Nhẹ lắc đầu kẻ cầm sổ giang hồ nói trong tiếng thở dài:
- Tại hạ e có điều không lành cho đệ tử của quý phái. Chắc họ đã bị nhân viên của đoàn do thám bắt giữ hay sát hại. Hơn một vạn quân Hoa Lư, một ngàn quân do thám cộng thêm sự hiện diện của hai lão Hữu Danh Vô Thực và Bách Diện Thư Sinh là một lực lượng hùng hậu thừa sức đánh bại giới giang hồ của chúng ta. Tại hạ e...
Bỏ lững câu nói ở đó kẻ cầm sổ giang hồ quay qua hỏi Vô Hình Đao Tôn Nhật:
- Nếu tại hạ muốn tham dự cuộc tranh tài chắc không có gì trở ngại đối với Tôn tiền bối?
Ngần ngừ giây lát Tôn Nhật cười gượng đáp:
- Cuộc tranh tài vòng chung tuyển chưa bắt đầu nên lão phu thấy không có gì trở ngại; tuy nhiên để cho được công bình lão phu xin hỏi ý kiến của mọi người...
Hướng về quần hùng Tôn Nhật cao giọng hỏi:
- Chư vị có ai phản đối túc hạ đây tham dự cuộc tranh tuyển chức minh chủ?
Hỏi ba lần mà không có ai lên tiếng cản trở nên Tôn Nhật quay qua nói với kẻ cầm sổ giang hồ:
-Mọi người đều đồng ý cho túc hạ tham dự nhưng chỉ còn một trở ngại nhỏ là không có người nào để cho túc hạ tranh tài...
Dường như có sẵn chủ ý kẻ cầm sổ giang hồ nhếch môi cười nói:
- Tại hạ có một cách giản dị lắm...
Hướng về khán đài chính y cao giọng:
-Tại hạ biết chư vị đều là tông chủ của các môn phái với công phu độc bộ giang hồ như Tướng Quốc tự có pho quyền Tướng Quốc, Cỗ Loa phái có Thục Gia đao kiếm pháp, Trần gia trang ở Đông Triều lừng danh giang hồ qua ngón đánh bút chì đặc dị, Lê gia trang có đường côn ngoại hạng. Còn nhiều lắm mà tại hạ sợ không đủ thời giờ kể ra cho hết. Ba mươi năm khổ luyện vũ thuật nay tại hạ mạo muội xin phô diễn chút công phu mọn...
Ngừng lại giây lát y trầm giọng nói xuống:
- Trong tất cả các quyền thủ lừng danh nhất giang hồ hiện nay chắc không ai hơn được Khai Quốc thiền sư. Tại hạ kính mời đại sư thưởng lãm một chiêu quyền...
Quần hùng đồng quay nhìn vị tông chủ của chùa Tướng Quốc để xem ông ta tỏ thái dộ như thế nào trước lời mời ấn chứng vũ thuật của kẻ cầm sổ giang hồ.
Hơi mỉm cười sư Khai Quốc từ từ bước xuống đấu trường. Ôm quyền thi lễ cùng kẻ cầm sổ giang hồ ông ta cất giọng từ hòa:
- Mô Phật... Nghe danh thí chủ từ lâu mãi hôm nay bần tăng mới hân hạnh được gặp...
Ôm quyền trả lễ kẻ cầm sổ giang hồ nói:
- Tại hạ cũng thế... Hằng khâm phục đại sư về đức độ lẫn trình độ vũ thuật cho nên hôm nay tại hạ đường đột mời đại sư " một " chiêu quyền thô thiển...
Kẻ cầm sổ giang hồ nhấn mạnh ở chữ một. Tuy có hơi ngạc nhiên song Hưng Quốc thiền sư cười hỏi:
- Một chiêu... Thí chủ nói đúng không?
Kẻ cầm sổ giang hồ đáp không do dự:
- Đúng...Thưa đại sư ba mươi năm khổ luyện vũ thuật tại hạ thành tựu được có một chiêu kiếm và một chiêu quyền. Chiêu kiếm thời chắc đại sư đã nghe nói còn chiêu quyền hôm nay tại hạ xin được phép múa may... Kính mời đại sư...
- Mời thí chủ trổ tài...
Tăng bào phất phới vị tông chủ của phái võ lừng danh nhất trong giới giang hồ Đại Việt xoạc chân đứng tấn. Bằng tư thế khoan hòa, ung dung, tự tại ông ta triển khai thế quyền mở đầu trong pho quyền trấn tự của chùa Tướng Quốc. Thừa biết đối thủ tuy trẻ tuổi song lại là một vũ sĩ lừng danh với bản lĩnh cao thâm cho nên ông ta không dám khinh xuất mà lại tỏ ra cực kỳ thận trọng. Chân đứng trung bình tấn, hai cánh tay áo rộng đưa ra trước ngực, hai bàn tay khép lại cong cong mường tượng như đóa hoa sen sắp nở, vị tông chủ của chùa Tướng Quốc triển khai một chiêu quyền bình dị, từ hòa đúng với phong cách của một bậc tu hành chân chính.
Không thủ thế cũng không đứng tấn kẻ cầm sổ giang hồ đạp bộ. Trong lúc chân mặt bước tới một bước, tay hữu của y tà tà đánh tới một quyền. Chiêu thức của y chậm chạp, thô sơ, vụng về và nhất là yếu ớt như không có chút kình lực nào. Phải nói đây là chiêu quyền của một môn sinh mới tập võ, không thuộc thiệu, quên đường lối và lộ số.
Thông thường trong lãnh vực vũ thuật đa số các vũ sĩ lại ưa chuộng những chiêu thức tinh xảo, biến hóa cũng như tốc độ phải nhanh nhẹn và trầm trọng vì như thế mới khiến cho đối thủ không biết cách hóa giải và không đủ thời giờ để hóa giải. Nay chứng kiến kẻ cầm sổ giang hồ trổ tài bằng cách thi triển một chiêu quyền kỳ cục họ đâm ra thất vọng. Có người không nhịn được lên tiếng phẩm bình:
- Quyền thuật dở ẹt...
- Đánh quyền như thế ai đánh chẳng được...
- Y đúng là có tiếng mà không có miếng...
Tuy nhiên họ lại ngạc nhiên khi thấy sư Khai Quốc lại hồi bộ để tránh né chiêu quyền này. Ngay lúc đối thủ vừa lùi lại kẻ cầm sổ giang hồ cũng đạp bộ tới trước bằng chân trái đồng thời tay tả tà tà đánh ra một quyền giống hệt như chiêu quyền thứ nhất. Chỉ có điểm khác biệt là y đánh bằng tay tả mà thôi.
- Quyền thuật tinh thâm lắm...
Miệng lớn tiếng khen vị tông chủ của phái võ lừng danh giang hồ lùi một bước nữa. Chân hữu sấn tới một bước kẻ cầm sổ giang hồ dùng tay mặt đánh ra một quyền giống như trước và sư Khai Quốc lại lùi một bước nữa. Thủy chung kẻ cầm sổ giang hồ đánh ra ba quyền và sư Khai Quốc phải lùi lại ba bước.
Sự kiện này khiến cho người ta kinh dị và thắc mắc tự hỏi tại sao tay danh gia quyền thuật như sư Khai Quốc lại không hóa giải được một chiêu quyền vụng về, thô sơ và yếu ớt này.
Song phương đình thủ. Nhìn kẻ cầm sổ giang hồ vị phương trượng chùa Tướng Quốc lễ độ hỏi:
- Thú thật trong nhất thời bần tăng không nghĩ ra cách hóa giải chiêu quyền của thí chủ. Dám hỏi thí chủ chiêu quyền này tên gọi là chi?
Kẻ cầm sổ giang hồ mĩm cười đáp:
- Thưa đại sư... Sư phụ của tại hạ gọi là tâm quyền. Đại sư chắc không quên giai thoại về nụ cười của Ma Ha Ca Diếp...
Hỏi một vị sư về giai thoại này chẳng khác gì hỏi một vị trạng nguyên có biết tứ thư ngũ kinh không. Mỉm cười Khai Quốc đại sư nói không do dự :
- Một hôm trên đĩnh Linh Thứu sơn tín đồ và đệ tử tề tựu đông đủ chờ nghe đức Phật truyền giảng phật pháp. Tuy nhiên ngài chỉ cầm cành hoa đưa lên rồi mĩm cười im lặng không nói gì hết. Tín đồ và đệ tử ngơ ngác không hiểu ngài muốn ám chỉ điều gì. Chỉ có Ma Ha Ca Diếp chợt nở nụ cười như hiểu đức Phật muốn nói điều gì. Đó là trường hợp tâm truyền tâm hay là tâm ấn. Cũng nhờ tâm ấn này mà ngài Ma Ha Ca Diếp được đức Phật chọn làm kẻ kế nghiệp hay tổ sư thứ nhì của Phật giáo. Sau này vị tổ sư thứ hai mươi tám của Phật giáo đồng thời là tỗ sư thứ nhất sáng lập ra thiền phái Trung Hoa là Bồ Đề Đạt Ma cũng nói một câu tương tự như sau: " Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành phật ". Xuyên qua lời nói này thời chúng ta bất kể tăng hay tục, tu hay không tu, hể thấy được cái tâm, cái tính của mình đều có thể trở thành phật bởi vì phật là tâm mà tâm là phật. Thấy được cái tâm của mình là thấy được phật, có thể ngồi ngang hàng với đức Phật Thích Ca trên niết bàn...
Dường như có thâm ý nhân lúc này rất tiện lợi cho việc truyền giảng phật pháp nên sư Khai Quốc cao giọng tiếp:
- Có lẽ các thí chủ sẽ thắc mắc khi nghe bần tăng nói không cần phải tu mà chỉ cần kiến tính cũng có thể thành phật. Khi nói tới phật chúng ta hay nghĩ tới một người hoặc một cái gì thiêng liêng cao quí. Điều này đúng so với lý lẽ thông thường. Tuy nhiên theo ý nghĩa nguyên thủy mà bần tăng cho là đúng nhất thời phật là một người hiểu biết và tỉnh thức. Do đó phật không phải là hình tượng mà người ta thờ phụng trong chùa chiền cũng như một cái gì thiêng liêng cao quí mà chỉ là một kẻ hiểu biết và tỉnh thức. Chúng ta sống trong mê muội, chạy đuổi theo ham muốn và ước vọng. Chúng ta muốn tiền bạc, danh vọng, giàu sang, quyền lực cho nên chúng ta biến thành nô lệ cho ước vọng của mình. Dục là mầm mống của tội lỗi. Phật hay chính là người tỉnh thức giữa dòng đời mê muội, không bị cám dỗ hoặc lôi cuốn bởi cái dục. Thấy được điều đó là chúng ta có thể trở thành phật, kẻ tỉnh thức trong muôn triệu triệu chúng sinh đang sống mê muội. Giản dị là như thế...
Khai Quốc thiền sư ngừng nói. Kẻ cầm sổ giang hồ mĩm cười:
-Tại hạ kính mời đại sư một chiêu quyền...
Song song với bước chân tay mặt của kẻ cầm sổ giang hồ tà tà đánh ra một quyền. Quần hùng ngẩn người ngơ ngác không hiểu tại sao một quyền thũ lừng danh như y lại đánh ra một chiêu quyền không kình lực, không lộ số, không đường lối và nhất là không mục tiêu. Có thể nói chiêu quyền của y bất cứ ai ngay cả một kẻ không biết võ cũng có thể thi triển được. Tay quyền ra được nửa chừng xong dừng lại. Sư Khai Quốc đứng im. Nét mặt của ông ta thoáng hiện nét băn khoăn lẫn kinh ngạc. Lát sau ông ta chợt mĩm cười nói:
- Mô phật... Chiêu quyền của thí chủ bao la, biến ảo vô cùng. Một chiêu mà trở thành ngàn chiêu. Không có đường lối, lộ số, mục tiêu thời bần tăng biết dựa vào đâu mà hóa giải hoặc ngăn đón...
Dù là bậc tu hành nhưng sư Khai Quốc lại có tính háo võ do đó ông ta tươi cười nói tiếp:
- Bần tăng nghe đồn kiếm thuật của thí chủ độc địa nhất giang hồ...
Giọng nói trầm lạnh của tay kiếm giết người vang vang trong bầu không khí im lặng:
- Kiếm thuật của tại hạ xuất ra là có người chết. Tại hạ không muốn giết chết đại sư...
Khai Quốc thiền sư cười nhẹ cất giọng từ hòa:
- Mô Phật... Bần tăng là một kẻ tu hành lại thêm tuổi ngoài bảy mươi cho nên gác ngoài tai sự sống chết. Có thể nói chết như là một giải thoát...
- Đại sư muốn thời tại hạ đâu nề hà...
Dứt lời kẻ cầm sổ giang hồ thỏng tay triển công phu trầm tịnh. Sư Khai Quốc cũng đứng im an thần định khí. Dù là kẻ tu hành song ông ta vẫn muốn mình là người duy nhất hóa giải được chiêu kiếm giết người của kẻ cầm sổ giang hồ. Ông ta thừa biết đối thủ đã tôi luyện được thuật xử kiếm thần tốc cực độ, nhanh hơn phản ứng của bất cứ cao thủ nào trong giới giang hồ Đại Việt.
Đấu trường chìm trong im lặng. Quần hùng nín thở, chăm chú nhìn mong thấy được tay kiếm nổi tiếng xuất thủ bởi vì họ có thể sẽ chạm trán và trở thành nạn nhân của chiêu kiếm giết người này. Rẹt... Rẹt.. Kiếm vẫn còn cài trong vỏ, nụ cười còn đọng trên môi, kẻ cầm sổ giang hồ thỏng tay nhìn sư Khai Quốc. Vị tông chủ chùa Tướng Quốc nín lặng không nói lời nào. Chỉ có mình ông ta mới thấu triệt được thuật xử kiếm khủng khiếp của kẻ cầm sổ giang hồ. Ông ta thấy mũi kiếm chập chờn nơi yết hầu rồi tắt lịm và sau đó mới nghe được âm thanh của kiếm được rút ra khỏi vỏ. Điều này chứng tỏ thủ thuật phóng kiếm của kẻ cầm sổ giang hồ nhanh khủng khiếp. Nó nhanh quá nhanh khiến cho ông ta không có được bất cứ phản ứng nhỏ nhặt nào để hóa giải chiêu kiếm giết người của đối thủ.
- Mô Phật... Chiêu kiếm giết người của thí chủ không độc địa như lời đồn...
Kẻ cầm sổ giang hồ cười thốt:
- Chiêu kiếm của tại hạ chỉ dùng để giết kẻ độc ác, người gian tà chứ không phải để giết người thiện lương. Đại sư là bậc tu hành cứu dân độ thế thời tại hạ giết đại sư để làm gì...
Mỉm cười sư Khai Quốc thong thả trở về chỗ ngồi. Kẻ cầm sổ giang hồ cũng rời đấu trường nhường chỗ cho cuộc tranh tài sắp khai diễn. Vô Hình Đao Tôn Nhật đứng lên xướng danh hai vũ sĩ mở màn là Hoàng Điểu Lý Anh và Đa Tý Quyền Nguyễn Hiệp.
Đang đứng nơi khán đài Lý Anh nhẹ lắc mình. Toàn thân y tựa con ó vàng vọt lên trời cao hơn ba trượng đoạn tà tà rơi xuống đấu trường. Ai ai cũng đều trông thấy Lý Anh tương tự như con ó màu vàng đảo qua lượn lại rồi từ từ đậu xuống mặt đất không động tới hạt bụi. Nhiều tiếng reo hò tán thưởng thuật khinh thân đề khí tân kỳ và ngoạn mục của nhân vật đại diện cho Hoàng Sa đảo. Đây là một phái võ mới nổi tiếng trong giang hồ chừng mấy chục năm song lại sản xuất được nhiều nhân vật lỗi lạc và thứ công phu độc bộ giang hồ là Nã Điểu công phu mà các vũ sĩ gọi nôm na là công phu bắt chim. Người ta đồn muốn luyện thành tuyệt nghệ các môn đồ của Hoàng Sa phái khổ luyện ròng rã hai mươi năm bởi vì họ phải tập luyện hai tuyệt kỹ cầm nã thủ và thuật khinh thân đề khí hầu có khả năng leo trèo, bay nhảy như chim. Muốn luyện thuật khinh thân đề khí trước nhất họ phải luyện thuật phi hành trên cát. Chạy trên cát khó khăn nhiều hơn chạy trên đất vì cát mềm và dễ bị lún hơn đất bằng. Khi đi hay chạy người thường của chúng ta đặt nguyên bàn chân xuống mặt đất vì thế dễ gây nên tiếng động và nhất là không chạy nhanh được. Các môn đệ của Hoàng Sa phái đi hoặc chạy theo một phương pháp tân kỳ và khó khăn hơn. Khi đi hoặc chạy họ đặt mười ngón chân xuống đất. Nói tóm lại là toàn thể trọng lượng của thân thể chịu trên mười ngón chân chứ không phải nguyên cả bàn chân. Với cách thức đặc biệt này họ chạy trên cát ngày này qua ngày khác. Thoạt đầu dấu chân in trên cát rất rõ ràng sau đó theo thời gian luyện tập về nội lực và thuật khinh thân đề khí tăng tiến nên dấu chân càng ngày càng mờ dần. Là tuyệt kỹ trấn môn của Hoàng Sa phái, Nã Điểu công phu có hai mươi bốn chiêu cầm nã thủ bao gồm nội ngoại công phu nên biến ảo, hiểm ác và cường ngạnh vô song. Chỉ bằng mười ngón tay hàm chứa kình lực dương cương môn đệ của Hoàng Sa phái có khả năng chém nát cây, bóp vỡ đá một cách dễ dàng. Không bắt được chim bay thời không được phép xuất môn để lưu lạc giang hồ. Đó là nghiêm luật của Hoàng Sa phái. Trước khi được vị chưởng môn cho phép bất cứ môn đệ nào của bản phái đều phải vượt qua một thử thách cuối cùng. Họ phải giam mình trong động đá tối om để thi triển công phu Nã Điểu bắt cho đủ số một trăm con dơi được ấn định. Dơi là loài chim chuyên bay trong bóng tối có thính lực cực tinh để nhận định mục tiêu. Muốn bắt dơi các môn đệ của phái Hoàng Sa phải hoặc bịt mắt hoặc ẩn mình trong bóng tối tập luyện phương thức dùng thính lực để nhận định mục tiêu cùng phương hướng. Nhiều người phải mất thời gian dài năm ba năm mới thành tựu được thủ pháp dùng tay không bắt dơi trong bóng tối.
Khẽ ôm quyền thi lễ Hoàng Điểu Lý Anh từ từ lên tiếng:
- Tại hạ là Hoàng Điểu Lý Anh đại diện cho Hoàng Sa phái ra tranh tài cùng Nguyễn chưởng môn. Tại hạ trẻ tuổi, kinh nghiệm kém nên tại hạ xin Nguyễn chưởng môn nương tay cho...
Đa Tý Quyền Nguyễn Hiệp cười ha hả nói lớn:
- Lưu lạc giang hồ là dấn thân vào trường đao kiếm mà sự sống chết khác nhau trong đường tơ kẻ tóc. Do đó lão phu không thể nào nương tay được. Mời túc hạ xuất thủ...
Quần hùng gật gù mĩm cười tán thưởng cho cử chỉ và lời nói đầy phong độ của Hoàng Điểu Lý Anh. Trẻ tuổi như y mà lại nói được lời nhã nhặn và nhún nhường đủ chứng tỏ môn pháp nghiêm nhặt của Hoàng Sa phái. Ai ai cũng lắc đầu tỏ vẻ thất vọng khi nghe lời nói của Nguyễn Hiệp. So niên kỷ thời Nguyễn Hiệp tuổi gần gấp đôi Lý Anh, còn so về vai vế thời Nguyễn Hiệp là chưởng môn của một phái võ nỗi tiếng mà phong cách sánh ra không bằng được một đệ tử vô danh của phái Hoàng Sa.
Bằng cung cách hòa nhã Hoàng Điểu Lý Anh xoạc chân đứng tấn.Hai bàn chân dịch ra bằng với vai, cánh tay mặt gấp thành hình thước thợ đưa lên ngang mặt, bàn tay mở cong cong ngửa lên trời; trong lúc cánh tay tả đưa ra thẳng băng, bàn tay mở toang mường tượng như chưởng; Lý Anh triển khai chiêu thức mở đầu một cách kỳ lạ và quái dị chưa từng thấy.
- Nghênh phong nã điểu...
Có tiếng người vọng lên từ khán đài chính. Ngưới ta quay nhìn mới biết người vừa nói câu trên chính là Bạch Long Vỉ đảo chúa. Cũng như Hoàng Sa, Bạch Long Vỉ là một hòn đảo xa xôi ít người biết cho tới khi phái võ này xuất hiện giang hồ bằng cách gia nhập đoàn do thám Hoa Lư theo tiên đế bình loạn mười hai sứ. Sau đó qua Kình Ngư Công phu Bạch Long Vỉ được mọi người nể trọng và tạo được chỗ đứng vững vàng trong giang hồ.
- Tuy cách trở xa xôi song tại hạ thỉnh thoảng cũng có qua lại với Hoàng Sa phái hầu nối tình thân hữu và liên kết với nhau để chống lại đám hải tặc tàu ô. Nhờ đó tại hạ hân hạnh được thấy môn đệ của Hoàng Sa phái thi triển chiêu thức khởi đầu này. Theo chỗ tại hạ được biết thời Nã Điểu công phu có hai mươi bốn chiêu, bảy mươi hai thế. Mỗi một thế lại biến thành ba thức, một thức có ba đòn cho nên phức tạp và biến hóa vô cùng...
Bùng... Đa Tý Quyền Nguyễn Hiệp, chưởng môn nhân của phái võ Thảo Đường vổ hai ống tay áo rộng thùng thình chứa đầy kình lực với nhau gây thành tiếng nổ cực lớn đồng thời đạp bộ một bước. Cùng với cái đạp bộ Nguyễn Hiệp vổ hờ một chưởng bằng tay tả vào mặt đối thủ trong lúc tay hữu tống ra một quyền nhằm đánh vào ngay đan điền của Lý Anh. Quyền thuật của vị chưởng môn phái võ Thảo Đường không huê dạng, không hoa mỹ, ít biến hóa; tuy nhiên kình lực phát xuất trầm trọng và cương mãnh dường như y nhằm ý định dồn ép đối phương vào chỗ phải so bì nội lực với mình. Nguyễn Hiệp thừa biết đối thủ trẻ tuổi tất nhiên nội lực yếu kém hơn mình do đó y khôn ngoan lấy sở trường của mình đem ra so bì với sở đoản của đối thủ. Trước chiêu thức dữ dằn và cường ngạnh này Hoàng Điểu Lý Anh không cách nào hay hơn bằng cách tạt bộ sang tả để tránh đòn. Nguyễn Hiệp cũng biến chiêu liền dường như y đoán biết Lý Anh sẽ tránh đòn của mình bằng cách tạt bộ sang tả. Tay tả vổ hờ một chưởng vào mặt bỗng dưng khép lại thẳng băng trong thế triệt thủ chém sả tới vai, còn tay hữu của Đa Tý Quyền từ quyền biến thành chưởng vổ ào vào hông đối thủ. Một quyền một chưởng đều thuần lấy nội gia chân lực làm chuẫn của vị chưởng môn phái Thảo Đường xuất phát với hơn mười thành nội lực trở thành sát thủ có thể gây thương tích trầm trọng cho đối thủ. Bị dồn vào thế tử sinh trong chớp mắt Hoàng Điểu Lý Anh mới thực sự trổ tài bằng cách thi triển công phu bí truyền của sư môn để hóa giải sát thủ của đối phương. Y tạt bộ lần nữa. Lồng trong nửa bước sang trái hai cánh tay của y cùng lúc dấy động. Mười ngón tay nhọn hoắt hàm chứa kình lực dương cương thừa sức soi vàng xẻ đá một móc một vổ tới mục tiêu. Chưa hết. Chiêu thức vừa ra được nửa đường Hoàng Điểu Lý Anh nạt tiếng trầm trầm xô người nhập nội. Bàn tay tả mở khoằm khoằm trong thế nã điểu cực hiểm chụp tới yết hầu, trong lúc bàn tay hữu từ trảo công biến thành triệt thủ chém tới trốc vai. Triệt thủ thức là một tuyệt kỹ lừng danh nhất giang hồ về tính chất cường ngạnh, trầm trọng và cương mãnh.
Đối phương vừa xuất chiêu Đa Tý Quyền Nguyễn Hiệp giật mình vì kình lực phát ra từ mười ngón tay của đối thủ mường tượng như những mũi kiếm nhọn hoắt đâm vào các huyệt đạo của mình. Không dám khinh thường cũng như không dám chậm trể Nguyễn Hiệp tức tốc giải đòn. Khẽ dịch chân sang hữu nửa bước y thi triển ngay công phu bản môn là phách không quyền hóa giải Nã Điểu công phu bá đạo giang hồ của đối phương. Tay áo rộng thùng thình no tròn kình lực bắt từ trái đánh tà tà qua phải còn tay hữu đánh ngược chiều thành như cái kéo khổng lồ ngăn chặn và cắt xén tất cả mọi đường tấn công của địch thủ. Không hổ danh chưởng môn của phái Thảo Đường, một môn phái nổi tiếng giang hồ về quyền thuật, Nguyễn Hiệp xử một chiêu kỳ tuyệt nhằm mục đích phong tỏa mọi đường tấn công của Lý Anh.
- Giỏi...
Lồng trong tiếng khen Hoàng Điểu Lý Anh rung tay. Quần hùng đứng ngoài trông thấy bóng tay hiện mịt mờ, chập chờn bay nhảy trùng trùng điệp điệp giăng mắc khắp nơi. Tay quyền của đôi bên chạm nhau gây thành tiếng âm thanh chát chúa. Rốp... Rốp... Song phương đình thủ. Quần hùng trông thấy Đa Tý Quyền Nguyễn Hiệp đứng im. Thân áo trước của y bị cào rách thành mấy mảnh phô cả áo lót ra trong lúc Hoàng Điểu Lý Anh trụ bộ nhìn đăm đăm đối thủ và vành môi của y hơi nhếch thành nụ cười.
- Nã Điểu công phu quả nhiên danh truyền không dối mà bản lĩnh của túc hạ thật cao siêu. Tại hạ bại cũng không có gì đáng ngạc nhiên...
Nói dứt câu Nguyễn Hiệp từ từ lui ra khỏi đấu trường. Vòng tay chào bốn hướng thi lễ cùng quần hùng xong Hoàng Điểu Lý Anh cũng trở về chỗ ngồi. Đứng nơi khán đài chính Vô Hình Đao Tôn Nhật xướng danh hai đối thủ kế tiếp là Lạc Kiếm Trần Hùng và Bạch Long Kiếm. Dù hai đối thủ chưa ra sân quần hùng đều biết đây là cuộc tranh tài ngoạn mục nhất vì đôi bên đều có công phu độc bộ giang hồ. Nếu Lạc Việt phái từng lừng danh giang hồ hơn nghìn năm qua Lạc Kiếm với những chiêu thức kỳ ão, biến hóa, thần tốc và hiểm độc thời Kình Ngư kiếm pháp của Bạch Long Vỉ đảo cũng được giang hồ xưng tụng là kiếm thuật độc đáo qua tính chất trầm trọng, cương mãnh và kỳ ảo.
Hai đối thủ thi lễ cùng quần hùng đoạn khom người chào với nhau xong xoạc chân đứng tấn. Chân mặt làm trụ, chân tả co lên ép sát vào chân hữu, hai cánh tay dang ra thẳng băng, Trần Hùng triển khai lạc tấn một cách vững vàng và ngoạn mục. Trông thấy thế tấn đó quần hùng hò hét tay hoan hô ầm ỉ. Chim Lạc là thần điểu của dân ta bởi thế ta mới có tên là Hồng Lạc cũng như Lạc Việt phái là phái võ đầu tiên của dân Việt cho nên mọi người đều công nhận Lạc Việt phái là đại diện cho nền tảng võ thuật cổ xưa nhất của giống nòi Hồng Lạc.
- Lạc Việt phái chắc tới lúc hưng phục cho nên sản xuất được nhiều nhân tài lỗi lạc. Chỉ nhìn thế lạc tấn này lão phu đoán Trần Hùng phải có căn cơ và nhất là công phu khổ luyện hơn hai mươi lăm năm...
Vô Hình Đao Tôn Nhật nói câu trên. Vuốt chòm râu bạc Tử Cước Lê Hùng cười lớn:
- Theo thiển ý của tôi thời Trần Hùng sẽ thắng Bạch Long Kiếm còn Lê Tuấn Bạch sẽ thắng Nhất Quốc thiền sư...
Quay qua Khai Quốc thiền sư Tử Cước Lê Hùng cười hỏi:
- Tôi nói như thế chắc không phật lòng đại sư chứ?
Vị tông chủ của chùa Tướng Quốc khẽ cười đáp:
- Mô Phật... Ai trong giang hồ lại không biết thí chủ là kẻ trực tính huống hồ gì bần tăng cũng đồng ý với thí chủ là đệ tử của bản tự không phải là đối thủ của vị chưởng môn phái Cỗ Loa...
- Đại sư nói đúng. Tại hạ nhận thấy một điều là rốt cuộc kiếm sẽ đấu với kiếm mà như vậy thời kẻ thắng cuộc không ai khác hơn...
Người vừa nói câu trên chính là Trần Bỉnh Thức, trang chủ của Trần gia trang ở Đông Triều. Tuy không nổi tiếng nhiều về vũ thuật song Trần gia trang lại được giang hồ biết tới qua tính tình hào sãng và hiệp nghĩa của Trần Bỉnh Thức.
- Trần trang chủ nói ai là người sẽ trở thành minh chủ giang hồ?
Khai Quốc thiền sư quay qua hỏi.Trần Bỉnh Thức cười khà nói:
- Kiếm là thứ vũ khí đứng đầu của mười tám môn vũ khí... Chư vị chắc đồng ý với lão phu về điều đó?
Khai Quốc thiền sư, Vô Hình Đao Tôn Nhật, Tử Cước Lê Hùng và mọi người đều gật gù đồng ý với lời nói của Trần Bỉnh Thức.
- Hai nhân vật ngoài kia lão phu không biết ai thắng ai bại nhưng một trong hai người này đều là kiếm thủ lừng danh. Theo như lời sư Khai Quốc đại sư thời Tam Đoạn Kiếm Lê Tuấn Bạch sẽ đánh thắng đệ tử của ông ta. Rốt cuộc còn lại ba đấu thủ đều xử dụng vủ khí là kiếm, mà hễ nói tới kiếm lão phu cam đoan kẻ cầm sổ giang hồ sẽ trở thành minh chủ...
Mọi người đều im lặng khi nghe Trần Bỉnh Thức nói câu trên. Nét mặt của Vô Hình Đao Tôn Nhật lại có chiều tư lự và nghĩ ngợi. Dường như ông ta lo sợ chuyện kẻ cầm sổ giang hồ sẽ trở thành minh chủ. Dù không nói ra ông ta vẫn không có thiện cảm và nhất là hoài nghi về hành vi giết người bừa bải của kẻ cầm sổ giang hồ.
- Lấy công tâm mà nói thời lão phu e vị chưởng môn của phái Cỗ Loa không phải là đối thủ của kẻ cầm sổ giang hồ nhất là giao đấu với nhau bằng kiếm thuật...
Tử Cước Lê Hùng lại lên tiếng phụ họa càng khiến cho Tôn Nhật xốn xang trong lòng nhiều hơn nữa.
- Lạc kiếm chọi với Kình Ngư kiếm... Thật là trăm năm mới thấy được một lần...
Khai Quốc thiền sư lên tiếng khiến cho mọi người đồng quay nhìn xuống đấu trường vừa lúc cuộc tranh tài mở màn. Bạch Long Kiếm động thủ trước. Đạp bước theo Kình Ngư bộ pháp y nhẹ rung tay. Thanh thủy kiếm lấp lánh màu xanh tà tà chém vớt một đường chênh chếch vào hông đối thủ. Trái với dự đoán của mọi người Bạch Long Kiếm thi triển một chiêu chậm rải, khoan hòa, giản dị và yếu ớt như nhằm phô diễn cái hay, cái đẹp của tuyệt kỹ hơn là tranh thắng với đối phương.
Ngay lúc mũi kiếm của đối thủ còn cách mục tiêu gang tấc Lạc Kiếm Trần Hùng mới nhích động và cái nhích động của y nhanh dị thường. Đang dang ra thẳng băng cánh tay hữu chuyên cầm kiếm của y hất ngược về bên hông. Phằng... Âm thanh của kiếm rút ra khỏi vỏ bật lên thành tiếng lảnh lót cùng với vệt sáng đỏ rực vút đi trong không khí. Chát... Hai thanh trường kiếm một xanh một đỏ chạm nhau tóe lửa.
- Thuật xử kiếm hay lắm...
Bạch Long Kiếm gặt mạnh cổ tay. Mũi kiếm đổi chiều xẹt tới huyệt thiếu hải nơi cánh tay tả đoạn chúc xuống huyệt chương môn ở nơi thắt lưng. Chương môn là một trong mười hai huyệt đạo tê mỏi của con người nếu bị điểm trúng toàn thân sẽ mềm nhũn mất cả sức lực.
Dĩ nhiên Lạc Kiếm Trần Hùng biết điều đó cho nên y phải biến chiêu. Y gặt mạnh cổ tay khiến cho mũi kiếm đột ngột đổi hướng đâm vào cổ tay cầm kiếm của đối thủ. Chưa hết. Ngay lúc mũi kiếm chập chờn nơi mục tiêu y lại vặn mạnh cổ tay và mũi kiếm chúc xuống khuỹu tay đoạn xẹt vù lên nách rồi nhảy lên ngực. Toàn thể các yếu huyệt trên người của Bạch Long Kiếm như cận toàn, phong phiến, phong trì, phong thủ, thương khúc, nhũ căn và nhũ trung đều nằm trong vùng phong tỏa của mũi kiếm.
Lạc kiếm của phái Lạc Việt nổi danh giang hồ về tính chất biến ảo, hiểm ác, thần tốc và hoa mỹ hơn ngàn năm qua. Nay thấy Trần Hùng thi triển quần hùng mới biết lời đồn đại quả không sai.
Thoáng chốc hoa kiếm nở đầy trời, chợt tắt chợt nổi, khi biến khi hiện, mịt mờ giăng mắc khắp nơi. Một biến thành ba, ba thành chín, chín thành hai mươi bảy, rồi hóa ra tám mươi mốt và sau cùng liên miên bất tuyệt. Không một ai thấy cũng như biết rõ Trần Hùng đã biến bao nhiêu chiêu ,đổi bao nhiêu thức, hóa bao nhiêu thế, giải bao nhiêu đòn. Họ chỉ thấy ánh sáng đỏ rực bay lượn chập chờn, khít khao tợ tường đồng vách sắt bao phủ lấy thân hình của y cùng với kình phong toát ra càng lúc càng mạnh làm bụi đất bốc mờ mờ.
Tuy nhiên Bạch Long Kiếm quả xứng đáng làm kẻ đại diện cho môn phái trong cuộc tranh tuyển danh vị minh chủ giang hồ. Đứng trước kiếm thuật kỳ ảo và hiểm ác của đối phương y triển khai thuật xử kiếm độc bộ giang hồ của sư môn ngang nhiên giao tranh cùng Trần Hùng.
Thanh kiếm trong tay của y biến thành tia sáng xanh biếc bay lượn chập chờn trong không khí rồi từ từ biến thành bức tường ánh sáng trùm phủ lấy thân thể khít khao dày đặt dù mưa gió cũng không lọt vào được. Từ trong bức tường ánh sáng không ngớt xẹt ra những đóm sáng xanh biếc với hàn quang lạnh ngắt bắn tới các huyệt đạo của đối thủ. Không một ai kể cả tông chủ các môn phái với kiến thức vũ học và kinh nghiệm giao tranh có thể đoán biết kết quả của cuộc đọ kiếm này. Đối thủ nào có nội lực thâm hậu hơn, kinh nghiệm giao tranh dồi dào hơn và nhất là khôn ngoan hơn sẽ thắng cuộc. Khôn ngoan ở chỗ không hoang phí nội lực, không rối loạn khi bị tấn công, kiên nhẫn và bình tịnh để chờ đợi thời cơ thuận tiện hầu khám phá ra sơ hở của đối phương để phản công.
Bất cứ công phu hay tuyệt kỹ nào dù nổi danh cách mấy cũng đều có sơ hở về chiêu thức, đường lối hoặc lộ số. Sở dĩ người ta cho nó tuyệt mỹ hay hoàn hão bởi vì đối thủ biến chiêu đổi thức hóa đòn một cách thần tốc và phức tạp cho nên thường thường người ta không đủ nhãn lực và thời gian để nhận ra chỗ sơ hở.
Dù chiêu thức có biến hóa cách mấy hai đối thủ cũng phải trở về chiêu thức khởi đầu để tiếp tục thi triển lại lần nữa.Khổ luyện vũ thuật là một hành động được tái diễn hay lập đi lập lại nhiều lần cho tới mức độ thuộc lòng mà các vũ sĩ hay gọi là nhập tâm. Đó là một hành động phát xuất không suy nghĩ hay nói cách khác là phản ứng bởi vì phản ứng là một hành động tự nhiên không phát xuất từ ý nghĩ của con người.
Tuy nhiên dù là phản ứng tới lúc nào đó nó cũng sẽ bị chậm lại hoặc không được liên tục do ở tình trạng nội lực bất túc. Khỏe mạnh thời người ta sẽ làm nhanh hơn còn mệt mỏi người ta sẽ làm chậm hơn. Vũ thuật cũng không thoát ra ngoài thông lệ đó. Đây là lúc mà hai đối thủ chờ đợi với hi vọng khám phá ra chỗ sơ hở trong chiêu thức, đường lối hay lộ số của đối phương.
Chát... chát... Kiếm với kiếm chạm nhau tóe lửa. Song phương đình thủ. Quần hùng chăm chú nhìn vào đấu trường. Bạch Long Kiếm đứng im. Thân áo trắng của y thấm máu đỏ tươi. Vết thương nơi ngực rỉ máu chứng tỏ thương thế không nhẹ.
Phần Trần Hùng phải chống mũi kiếm xuống đất mới đứng vững được. Hơi khom người y khạc ra bụm máu tươi đủ tỏ y bị quyền phong của đối thủ đả thương trầm trọng. Hai đối thủ cùng bị thương như nhau cho nên ban tổ chức cần phải quyết định sự thắng bại.
Vô Hình Đao Tôn Nhật hỏi sư Khai Quốc:
- Theo ý của đại sư thời ai thắng?
Trầm ngâm giây lát vị tông chủ của chùa Tướng Quốc lên tiếng:
- Theo thiển ý của bần tăng thời Bạch Long Kiếm thắng bởi vì tuy bị thương song y còn có nhiều hơi sức để tiếp tục cuộc đấu trong lúc Trần Hùng xem ra bị nội thương trầm trọng hơn. Nếu cuộc giao tranh tiếp tục bần tăng nghĩ y không thể chi trì lâu...
Vô Pháp Quyền Lê Bút Mực phụ họa:
- Lão phu cũng đồng ý với đại sư. Vết thương của Bạch Long Kiếm là ngoại thương còn của Trần Hùng lại là nội thương. Chúng ta ai cũng đều biết rằng nội thương quan hệ tới tính mạng hơn...
Trần Bỉnh Thức vuốt râu cười nói:
- Lão phu cũng nghĩ như vậy. Nội thương sẽ khiến cho Trần Hùng không thể nào vận dụng nội lực được. Mà không thể vận dụng nội lực tất nhiên y không thể tiếp tục giao tranh được...
Ban giám khảo có ba mà ba người đã đồng ý Bạch Long Kiếm thắng cho nên Vô Hình Đao Tôn Nhật bèn đứng ra tuyên bố cùng quần hùng là đệ tử của Bạch Long Vỉ phái thắng trận.
Thấy trời đúng ngọ ông ta nói với mọi người tạm nghỉ dùng cơm trưa xong sẽ tiếp tục cuộc tranh tài. Như có sẵn chủ ý Tử Cước Lê Hùng niềm nở mời kẻ cầm sổ giang hồ dùng cơm. Không khách sao y nhận lời ngay.
- Túc hạ có gặp Tam Phong Kiếm Hồ Vũ Hoa không. Lão đi đâu mà không thấy tới tham dự đại hội giang hồ?
Kẻ cầm sổ giang hồ thong thả thốt:
- Tại hạ có gặp Hồ lão trang chủ. Người đang cùng với Phạm Bạch Hổ sứ quân chỉ huy quân Đằng Châu tới Tản Viên họp cùng giới giang hồ của chúng ta chống lại quân Hoa Lư dưới quyền điều động của Phạm Cự Lượng...
- Bần tăng tưởng Phạm Cự Lượng đã rút về Hoa Lư để ngăn đón quân Tống...
Sư Khai Quốc góp chuyện bằng câu nói trên. Kẻ cầm sổ giang hồ nhẹ giọng:
- Phạm Cự Lượng là viên tướng quyền biến và nhiều mưu lược. Y nói rút quân nhưng chưa chắc y đã làm theo lời y nói...
Tữ Cước Lê Hùng lên tiếng phụ thêm:
- Túc hạ nói có lý. Phạm Cự Lượng là tay quyền biến cơ mưu. Y nói vậy không có nghĩa là y sẽ làm đúng như vậy. Vả lại cách hành binh đôi khi lấy thực làm hư, đổi hư thành thực. Y nói rút quân chắc nhằm ý làm cho ta xao lãng không phòng bị rồi sau đó sẽ quay trở lại tấn công ta...
- Tôi đồng ý với Lê huynh. Chúng ta phải đối phó ra sao nếu bị quân Hoa Lư tấn công?
Mọi người đều im lặng suy nghĩ về câu hỏi của Vô Hình Đao Tôn Nhật. Lát sau Tam Đoạn Kiếm Lê Tuấn Bạch hắng giọng:
- Không đủ sức chống trả lại quân Hoa Lư nên tại hạ nghĩ chúng ta chỉ còn cách duy nhất là trốn tránh. Sau khi cuộc tranh tuyển chức minh chủ giang hồ chấm dứt đợi tới lúc đêm tối ta sẽ chia mọi người thành từng toán nhỏ âm thầm rời Tản Viên.Đi thành từng toán nhỏ hi vọng ta sẽ vượt qua khỏi sự canh phòng của quân Hoa Lư...
Kẻ cầm sổ giang hồ nhìn vị chưởng môn phái Cỗ Loa giây lát rồi từ từ cất tiếng:
- Chia thành toán nhỏ năm bảy người thời ta dễ dàng vượt qua sự canh gác của quân Hoa Lư hơn song cũng có điều bất tiện là nếu bị phát giác ta không đủ sức chống trả lại nhân viên do thám Hoa Lư...
Mọi người đều thấu hiểu tình trạng ngặt nghèo của họ. Ra mặt chống trả họ sẽ bị quân Hoa Lư đánh tan mà tìm cách lẫn trốn cũng nguy hiểm không kém.
- Theo thiển ý của tại hạ thời chúng ta cứ ở đây chờ đợi Phạm Bạch Hổ sứ quân tới hội họp. Lực lượng của giới giang hồ cộng thêm quân Đằng Châu có thể giao tranh ngang ngửa với quân Hoa Lư...
Khai Quốc thiền sư hỏi kẻ cầm sổ giang hồ:
- Thí chủ đoán khi nào quân Đằng Châu sẽ tới Tản Viên?
Do dự giây lát kẻ cầm sổ giang hồ mới trả lời:
- Thưa đại sư tại hạ không biết điều đó. Tuy nhiên tại hạ dám quả quyết cùng chư vị dù sớm hay muộn gì quân Đằng Châu cũng phải tới Tản Viên. Phạm Bạch Hổ không có cách nào hay hơn là kết hợp cùng giới giang hồ thành một lực lượng mạnh mẻ mới có thể chống lại sự đàn áp của Lê Hoàn. Lúc tại hạ rời Chương Đức thời Phạm sứ quân đã điều động binh sĩ cố gắng vượt qua sự ngăn cản của quân Hoa Lư...
Ngừng lại giây lát kẻ cầm sổ nói với Tôn Nhật:
- Theo ý của tại hạ chúng ta nên kéo dài cuộc tranh tuyển để chờ quân Đằng Châu tới...
Trầm ngâm hồi lâu Tôn Nhật và mọi người tán thành. Lê Hùng lãnh phần đi giảng giải cho mọi người biết lý do kéo dài cuộc tranh tài.