Gả Cho Góa Nam Nhân

Chương 2




Đại khái là đánh cược một lần, Kiều lão đầu dạo gần đây không hề bày sạp nhận việc, đi thẳng lên trấn trên tìm bà mối, mong chờ có thể tìm cho A Vi một mối hôn sự tốt. Nhưng chuyện tốt nào có thể dễ tìm như vậy, huống chi Kiều lão đầu còn đang nổi giận, muốn cùng Dương gia phân cao thấp, thế nào cũng phải tìm bằng được nam nhân tốt hơn Dương Thanh Tùng kia.

Mấy ngày kế tiếp chỉ thấy lão nhân đầu bạc thở vắn than dài. Việc một ngày không làm liền thiếu bạc thu vào một ngày, chưa kể đến chuyện miệng ăn núi lở, tình hình này càng kéo dài thì Kiều gia thật sự không thể trụ vững được…

Sớm hè nắng còn chưa quá gay gắt, Kiều lão đầu tạm thời đặt chuyện đang canh cánh trong lòng sang một bên, mang theo A Vi xuống núi bày sạp hàng, Tiểu Cẩn một mình ở nhà tập trung đọc sách luyện chữ.

Thanh Dụ trấn cách Thủy Trúc thôn khoảng hai giờ đi đường, vừa đến nơi hai ông cháu liền tìm một tán cây mát mẻ ngồi xuống, Kiều lão đầu thở phì phò, trong tay cầm quạt hương bồ phẩy mạnh, A Vi nhanh nhẹn lấy ấm nước từ trong quang gánh ra, rót cho ông nội một ít.

Tuy mặt trời còn chưa lên cao nhưng lão nhân phải mang thùng dụng cụ đi một đoạn đường dài như vậy thật sự rất mệt mỏi. Nghỉ ngơi một lát, Kiều lão đầu rít một hơi thuốc lào, rao to: "Trám chén, trám đĩa, chỉnh đồ gốm sứ đây!"

A Vi thuần thục đứng dậy bày sạp, động tác nhanh nhẹn sắp xếp các công cụ đâu vào đấy.

Hôm nay không phải ngày họp chợ, người qua kẻ lại vắng vẻ hơn rất nhiều. Thẳng đến giữa trưa cũng chỉ trám được một cái ấm tử sa sứt vòi, một cái chén kiểu bằng sứ trắng, thu được 15 văn tiền. Ông cháu hai người đã sớm quen với loại tình huống này, sinh ý mỗi ngày đều là lên xuống vô chừng khó đoán, chỉ cần có bạc để thu vào đã là chuyện tốt rồi.

A Vi ngồi bên cạnh ông nội, chú ý thường xuyên phe phẩy chiếc quạt trong tay, cấp cho lão nhân một ít gió mát. Nàng vừa quạt vừa nghĩ, nếu sau này gả ra ngoài thì bản thân nàng cũng không thể tiếp tục giúp ông nội làm việc nữa, Tiểu Cẩn lúc ấy cũng đã đi trấn trên đọc sách, ông nội ở cái tuổi thọ hơn vạn người lại một mình lẻ loi, thật không biết phải thế nào mới tốt.

Còn chưa kịp hồi hồn, A Vi đã nghe ông nội gọi to: "Nha đầu, có khách nhân." Thanh âm của Kiều lão đầu không giấu được vui s͙ư͙ớ͙n͙g͙, đem điếu cày gác sang một bên.

A Vi ngẩng đầu nhìn lên, một nam tử vóc dáng cao to đang từ phía bên kia đường lộ thong dong đi tới. Y phục trên người hắn có màu xanh thẫm, bên hông đeo một mảnh ngọc bội trắng đơn giản, cả người lộ ra hơi thở thanh nhã khó đoán, giống như một bóng tùng thấp thoáng nơi rừng xanh sâu thẳm.

Gò má nàng chợt nóng ran, nhịp tim cũng không tự chủ đập nhanh thêm mấy phần.

Trong khoảnh khắc người kia đến trước sạp hàng, A Vi theo bản năng cúi đầu không dám nhìn lên.

"Công tử, mời ngồi." Kiều lão đầu vội vàng đứng dậy, phất tay áo để cho khách nhân ngồi xuống chiếc ghế đẩu xiên vẹo.

Người này không phải lần đầu tiên tới đây chiếu cố chuyện sinh nhai của hai ông cháu, đã gặp qua vài lần, Kiều lão đầu chắc chắn khách nhân trước mặt này không giàu thì sang, so với đám bần dân bọn họ đương nhiên là bất đồng, gọi một tiếng công tử là không sai.

Nam tử vội vàng đỡ tay Kiều lão đầu: "Không dám phiền toái."

A Vi nghe thấy thanh âm trầm thấp ôn hoà ấy liền không nhịn được giương mắt len lén quan sát. Khuôn mặt vô cùng anh tú tuấn dật, mày kiếm mạnh mẽ, chỉ cần liếc nhìn một cái cũng khiến cho không ít cô nương trầm mê loạn nhịp. Bất quá ánh mắt kia có chút lạnh lùng, giống như đỉnh Viễn Sơn quanh năm dày đặc sương mù, lạnh lẽo giá rét khiến người không tự chủ mà chùn chân.

Vội vàng thu tầm mắt, A Vi cắn môi tự trách bản thân không có tiền đồ, thế nào mỗi lần trông thấy hắn liền đỏ mặt tim đập? Chính mình cũng thật tuỳ tiện rồi, còn lớn gan ở trong lòng suy nghĩ lung tung như vậy.

Nam tử ngồi xuống, đem hai mảnh sứ màu đỏ bị vỡ đôi trong tay lấy ra, Kiều lão đầu vội vàng đưa cả hai tay nhận lấy.

Đồ sứ người này mang tới từ trước tới nay đều không phải vật dụng mà gia hộ bình thường hay có, ông cháu bọn họ quanh năm chỉ hay trám các loại chén thô đĩa nát, những loại đồ sứ tinh tế như vậy một năm Kiều lão đầu cũng không thấy được mấy lần. Bởi vì là vật trân quý cho nên ông cũng dùng các vật liệu tốt nhất, thậm chí còn xuất ra cả tuyệt kĩ của chính mình, tu bổ kĩ lưỡng cẩn thận.

Người này không cò kè mặc cả, cũng không khoe khoang đồ sứ của mình tốn bao nhiêu bạc mới có thể mua được, cũng không yêu cầu thợ trám keo kiệt vật liệu, nói bao nhiêu liền trả bấy nhiêu. Gặp được khách nhân như vậy, Kiều lão đầu ngược lại cảm thấy vô cùng đắc ý, cả cuộc đời dài đằng đẵng của ông cuối cùng cũng tìm được một người thưởng thức tay nghề của mình, đồ sứ cầm vào tay liền khí huyết dâng tràn, hận không thể nhanh chóng xuất ra tài nghệ.

Nam tử không nói nhiều, Kiều lão đầu cũng đã quen với tính tình này của hắn, chỉ quan sát kĩ một lần liền khẳng định đồ trên tay ông tuy có chút cũ kĩ nhưng chắc chắn là loại đồ sứ tinh xảo hiếm thấy.

Kiều lão đầu nhíu mày, than một tiếng: "Công tử, tách sứ tráng men này quá mỏng, lão hủ thật sự không dám xuống tay thay người trám lại đâu…"

Phương thức chính để trám lại đồ sứ vỡ đại khái là tạo ra một lỗ ở mỗi đầu của vết nứt, sau đó dùng đinh kim loại thật nhỏ cố định chặt. Lỗ khoan trên đồ sứ nhất định phải thật khéo, nếu không cẩn thận xuyên thủng thì phải tốn thêm không ít công phu để trám cả mặt trong. Khoan dùng là khoan sắt nhọn sợ nhất gặp phải sứ tráng men mỏng, xuyên thủng chắc chắn sẽ làm vỡ nát không thể cứu chữa được.

Kiều lão đầu vốn có tay nghề rất tốt lại không khỏi không thừa nhận, món đồ cầm trong tay này thật sự làm khó ông.

Nam tử nghe vậy cũng có chút tiếc nuối, giữ đúng lễ nghĩa tiếp nhận mảnh sứ vỡ bằng cả hai tay, có chút không cam lòng: "Lão trượng, thật sự không còn biện pháp nào khác sao? Không cần phải khoan, cứ trực tiếp đem hai mảnh vỡ dính lại không được sao?"

Kiều lão đầu trầm tư một lát: "Công tử, cái này cũng là một biện pháp. Lão hủ có không ít vật liệu có thể dán dính được nhưng không dám đảm bảo về sau vẫn dùng được. Đồ sứ đựng nước, dính trà, dính rượu các loại nên rất khó. Hiện tại có thể dính lại thật khéo thì về sau cũng không thể dùng thuận tay như trước nữa."

Trên mặt nam nhân kia lộ ra chút mất mát nhưng vẫn lễ phép đáp: "Đa tạ lão trượng chỉ điểm."

Hắn từ trong ống tay áo lấy ra 10 văn tiền, đưa cho Kiều lão đầu: "Biếu lão trượng một ít để dùng trà."

Kiều lão đầu không có động tác gì, chỉ cười: "Không cần, không cần. Lão hủ nửa điểm cũng chưa động, không thể nào nhận bạc được."

Lão nhân từ chối, lại không nghĩ tới đối phương như rơi vào thế khó. Nam nhân thấy người không nhận tiền, bàn tay cầm ít bạc có chút xấu hổ treo nguyên chỗ cũ.

Kiều lão đầu nói thêm: "Công tử, lần sau có việc thì lại đến thăm lão hủ." Ở điểm này ông cũng có nguyên tắc của chính mình, không bỏ sức thì không thể thu bạc.

Nam nhân lúc này mới thu tay lại, hướng Kiều lão đầu nói cám ơn rồi mới rời đi.

A Vi thấy bóng lưng cao ngất kia từ từ xa dần mới dám thoải mái ngẩng đầu nhìn theo.

Vị tiểu thương bên cạnh bán kẹo hồ lô vốn có chút thân quen với ông cháu A Vi, thường xuyên bày sạp hàng cạnh hàng trám sứ của bọn họ. Nhận ra người khách nhân vừa đi kia, đáy lòng có chút tò mò: "Ôi chao, lão Kiều, lão nói thử xem tráng niên tuấn tú là từ đâu tới? Ta ở đây bày sạp đã bao nhiêu lâu nay, sao dạo trước chưa từng nhìn thấy hắn?"

Dung mạo khí độ như vậy, gặp qua một lần chắc chắn không thể quên được.

Kiều lão đầu cũng không cảm thấy quá kì quái: "Chắc là từ bên ngoài đến. Thanh Dụ trấn mặc dù hẻo lánh nhưng cũng là danh trấn trăm năm, người đến để tìm đồ gốm sứ, đồ cổ cũng không có gì hiếm lạ."

Đối phương cười ha ha, hỏi thêm: "Vậy người này nhìn qua tầm bao nhiêu tuổi nhỉ? Ánh mắt của ta vốn rất chuẩn, thế mà nhìn mãi cũng không đoán được hắn năm nay bao nhiêu."

Nhìn qua bộ dạng cũng chỉ chừng 20, nhưng ánh mắt kia, khí độ kia rõ ràng là của những nam nhân tuổi ngoài 30, chín chắn trải đời, phảng phất cô độc lạnh lẽo.

Kiều lão đầu cười hắc hắc: "Ngươi đúng là rách việc! Người ta từ đâu tới đây, bao nhiêu tuổi thì có can hệ gì đến ngươi? Tách trà vừa rồi nếu không bị vỡ, ngươi có biết trị giá bao nhiêu không? Tóm lại, người kia cùng chúng ta không phải cùng một loại người, đời này muốn dây dưa vào cũng không thể, chớ suy nghĩ nhiều!"

Thân ảnh kia càng lúc càng mơ hồ, A Vi cúi đầu nhìn tay mình, vết sẹo do bị đinh sắt nóng đỏ chạm vào, bởi vì nhanh chóng được tưới nước lạnh liền chỉ còn hồng hồng không dữ tợn.

Đó là ngày hạ chí, ngay cả nước trong hồ cũng trở nên thật nóng, thế mà bên người hắn lại là một bình nước lạnh thanh mát.

Nước lạnh ngày hè là thứ rất xa xỉ, hắn và nàng, dĩ nhiên không cùng một loại người…

Gió hè có chút khô nóng, vết sẹo trên tay đột nhiên bỏng rát như bị thiêu cháy….

Thái dương dần ngả về tây, ông cháu hai người vừa về đến nhà đã trông thấy Lưu bà mối ở trước cửa. A Vi lên tiếng chào, vào nhà trước, Lưu bà mối liền cùng Kiều lão đầu ở trong sân nói chuyện.

Sau bữa cơm chiều, Kiều lão đầu lại gọi A Vi tới, nguyên lai bà mối hôm nay tới cửa là đáp ứng Vương đồ tể trong thôn mà đến hỏi một tiếng. Vương đồ tể nghe nói Kiều lão đầu đang định hôn sự cho A Vi liền cố ý đánh tiếng sẵn sàng bỏ 8 lượng bạc làm sính lễ, lại thêm một phần đồ cưới, muốn thú A Vi cho con trai nhà mình.

"Đứa nhỏ này, chuyện này để cho ngươi làm chủ."

A Vi nhất thời không nói được, là người cùng một thôn, nàng đương nhiên đã gặp qua mấy lần. Hắn rất giống cha hắn, nét mặt vô cùng dữ tợn lại còn có một đống râu ria xồm xoàm. Nghĩ tới bộ râu đen xấu xí kia, nàng thật sự muốn nôn.

"Ông nội, bằng không chúng ta nói Lưu thẩm không cần tìm người nữa đi." A Vi nhíu mày.

Kiều lão đầu cũng đồng tình, ông biết rõ tướng mạo của con trai Vương đồ tể quả thật không xứng với cháu gái như hoa như ngọc của mình, bất quá cứ thế này, ông cũng không dám chắc mình có thể tìm được hay không. Phàm là người tướng mạo tốt, trong nhà lại giàu có, đoán chừng cũng sẽ ghét bỏ Kiều gia nghèo túng không chút tiền đồ. Kiều lão đầu cảm khái, nếu Dương gia không tuyệt tình đến vậy thì ông cần gì phải chạy đôn chạy đáo thế này. Chuyện bái thầy nhập trường bên kia gấp gáp, ông không muốn chần chừ nhưng lại sợ chuyện chung thân đại sự của cháu gái không đâu vào đâu. Ông muốn thay A Vi tìm một nhà thật tốt, xem ra là một chuyện khó khăn rồi.

Đêm xuống càng khuya A Vi càng trằn trọc, đối với hôn sự của mình, nàng cũng không phải không lo lắng. Nhà Vương đồ tể nguyện ý cho sính lễ như vậy, nếu vài ngày nữa không tìm được người thích hợp, ông nội chắc chắn sẽ động tâm.

A Vi thở dài, tay vô tình chạm phải vết sẹo kia.

Nàng không khỏi nhớ tới lần đầu tiên vị khách nhân kia đến sạp của ông cháu bọn họ.

Ngày hạ chí nóng bức hôm ấy, hắn thong dong đi tới trước sạp trám sứ, mới ngồi chưa được bao lâu đã có không ít người đi chợ dừng lại vây xem, có lẽ là tò mò vì sao một người dáng dấp tuấn lãng, khí chất thanh quý lại ngồi trên cái ghế xiên vẹo trong một sạp hàng đơn sơ như vậy.

Hắn đương nhiên cũng có chút không thoải mái, cho nên từ đó về sau, hắn đều đến vào những ngày không họp chợ, cũng tuyệt không xuất hiện vào những thời khắc người qua kẻ lại đông đúc.

A Vi so với hắn càng không được tự nhiên, bởi vì nàng sống tới bây giờ cũng chưa từng bị nhiều người nhìn như vậy, ông nội thấy nàng khẩn trương, chỉ giao cho nàng làm việc đơn giản nhất: Đem đinh sắt đi đun nóng.

Đinh sắt so với đinh đồng thì dễ dùng hơn nhưng bất quá lại đòi hỏi tay nghề phải khéo léo. Bởi vì độ dẻo cùng dát mỏng của sắt không được như đồng cho nên trước tiên phải đun thật nóng mới có thể dùng.

Đương nhiên, hắn chọn tất cả các vật liệu tốt nhất, ông nội liền biết, người này là muốn khảo nghiệm tay nghề một chút.

A Vi cũng biết khách nhân này vô cùng chú trọng đến tay nghề. Bởi vì trước đây chưa từng có người dùng vẻ mặt nghiêm túc như vậy nhìn nàng làm việc, A Vi vô cùng khẩn trương, cảm thấy chuyện mình sắp làm chính là lên núi xuống biển chứ không phải là đun nóng một cái đinh sắt đơn giản. Vốn tâm tình không ổn định lại bị hắn nhìn chăm chú động tác trên tay nàng, trên mặt cùng đáy lòng nàng đều nóng lên như bị thiêu cháy.

"Ai nha, tiểu cô nương này, sao ngươi lại run như vậy?" Không biết là ai trong đám người vây xem nói một câu.

Nàng sợ tới mức giật mình một cái, trên tay buông lỏng, đinh sắt lập tức rơi xuống. Chắc chắn đầu óc của nàng vô cùng hỗn loạn, A Vi thế mà lại ngốc nghếch vươn tay ra đón lấy, lập tức rước lấy vết sẹo này.

Ông nội lập tức mắng nàng như súng liên thanh, hung hăng không dừng. A Vi hiểu, lão nhân không trách nàng, chỉ là người vây xem quá nhiều, không thể để cho một đám người cảm thấy tay nghề của bọn họ không đâu vào đâu, ngày sau có muốn trám sứ cũng không được nữa.

Nhưng bị mắng giữa nhiều người như vậy, nàng vẫn không nhịn được xấu hổ.

Người kia lại thật ôn hoà, tuy rằng vẻ mặt của hắn cũng không hề thay đổi nhưng A Vi cảm nhận được trong ánh mắt của hắn là có thiện ý. Hắn lập tức cởi bỏ bình nước bên người, cẩn thận giúp nàng rửa vết bỏng qua nước lạnh, đem tâm tình lo lắng hỗn loạn của nàng ổn định lại.

Đồ sứ trám xong, hắn nhận lại, đem hơn mấy chục văn tiền giao ra, còn lớn tiếng nói: "Tay nghề của lão trượng là đáng giá." Mấy người xung quanh nghe vậy cũng người một câu ta một câu khen ngợi, khiến cho ông nội cảm thấy rất có mặt mũi.

Lúc rời đi hắn còn không quên nhỏ giọng dặn dò nàng dùng bạc đi bôi thuốc.

Nàng đương nhiên không lấy tiền đi bôi thuốc, đã làm thợ thủ công, chịu mấy loại thương tích thế này cũng là chuyện như cơm bữa, không cần phải nghiêm trọng như vậy.

Nhưng nàng vẫn nhớ rõ thiện ý của nam nhân kia, hắn không chỉ thông cảm cho nàng nàng thất kinh mà còn giúp ông nội giải vây một lần.

Từ từ, trong đầu A Vi hoàn toàn bị vị khách nhân kia chiếm cứ, dung mạo của hắn, thanh âm của hắn, tất cả đều rõ ràng đến từng chi tiết,

A Vi có chút cáu giận chính mình, nàng cũng sắp gả đi, nàng nên lo lắng trượng phu mình sẽ gả là dạng người thế nào, nhà chồng có dễ sống chung hay không, thế nào lại đi chú ý đến một người như vậy làm gì, có thể liên quan gì sao?

Ánh trăng bàng bạc hiu quạnh chiếu soi, khiến tiểu cô nương đầy tâm sự nhìn chăm chú đến thất thần…