Emily Trên Dải Cầu Vồng

Chương 6: Những ngày đầu ở Shrewsbury




Teddy, Ilse và Perry reo lên mừng rỡ khi Emily báo tin cô sẽ tới Shrewsbury. Ngẫm đi ngẫm lại, Emily cũng thấy khá vui. Điều tuyệt vời là cô sẽ được học trung học. Cô không hào hứng gì với chuyện phải ăn nhờ ở đậu tại nhà bà Ruth. Đây là chuyện không ngờ mà tới. Cô vẫn cho rằng bà Ruth sẽ không đời nào sẵn lòng chấp nhận cho cô ở cạnh, và cô cũng luôn đinh ninh rằng nếu có quyết định cho cô đến Shrewsbury chăng nữa thì bà Elizabeth hẳn cũng sẽ cho cô trọ ở chỗ khác… có thể là với Ilse. Chắn chắn, cô thích phương án này hơn nhiều. Cô biết khá rõ cuộc sống sẽ chẳng thể dễ dàng khi sống dưới mái nhà bà Ruth. Ấy là chưa kể cô còn không được phép viết truyện nữa.

Cảm thấy nỗi khát khao sáng tạo thiêu đốt trong tâm nhưng lại bị cấm thể hiện ra ngoài; nỗi vui mừng râm ran khi thai nghén được trong óc những nhân vật hài hước hay đầy kịch tính, ấy vậy nhưng lại bị cấm mang lại sự sống cho chúng; đột nhiên choáng ngợp bởi ý tưởng về một cốt truyện xuất sắc, ấy vậy nhưng ngay lập tức lại nhận ra rằng ta chẳng thể phát triển nó được. Toàn bộ những điều này chính là một sự tra tấn chẳng ai có thể ý thức được, ngoại trừ những người có khao khát sáng tác bẩm sinh. Hết thảy các bà Elizabeth trên đời này cũng chẳng bao giờ hiểu được điều đó. Với họ, đây chỉ được coi là sự ngu ngốc thuần túy.

Hai tuần cuối tháng Tám ấy, trang trại Trăng Non chìm trong bầu không khí tất bật. Bà Rlizabeth và bà Laura bàn đi bàn lại không biết bao nhiêu lần về chuyện váy vóc của Emily. Cô phải có trang phục không làm mất thể diện nhà Murray, nhưng một tiêu chuẩn chọn lựa nữa là phải mang tính thường thức và không thời thượng. Bản thân Emily không được đóng góp ý kiến trong vấn đề này. Một hôm, bà Laura và bà Elizabeth đã tranh luận “từ giữa trưa cho tới tận chiều tối ướt đẫm sương” về việc liệu Emily có được phép có một chiếc áo lụa hay không – Ilse có ba cái – rồi cuối cùng quyết định bỏ phiếu chống trước nỗi thất vọng vô bờ của Emily. Nhưng bà Laura có cách nghĩ riêng liên quan đến cái mà bà không dám gọi thẳng ra là “váy dạ hội”, vì chỉ cần bà Elizabeth nghe thấy cái tên đó thôi thì số phận của nó sẽ được định đoạt xong xuôi vô phương cứu vãn: cái váy bằng vải sa xinh đẹp vô cùng, màu xám phớt hồng – tôi cho rằng đây chính là cái sắc màu mà thời đó người ta gọi là tro của hoa hồng; không cổ - quả là một bước nhượng bộ vĩ đại của bà Elizabeth; với hai ống tay áo phồng to ắt hẳn vào thời này sẽ khiến người ta thấy chướng mắt lắm, nhưng vào thời đó, giống như mọi xu hướng thời trang khác, lại vừa đẹp vừa duyên khi được khoác trên người một cô gái xinh xắn. Đây là cái váy đẹp nhất Emily từng có trong đời; và lại còn dài nhất nữa, một đặc điểm mang ý nghĩa vô cùng lớn lao vào thời kỳ đó, vì người ta chỉ được coi là trưởng thành khi đã được mặc váy “dài”. Váy dài chấm đôi mắt cá chân xinh đẹp của cô.

Một tối, trong lúc và Laura và bà Elizabeth đều đang đi vắng, cô đã mặc chiếc váy đó, bởi hy vọng chú Dean sẽ được nhìn thấy cô trong trang phục này. Ông dành cả buổi tối đến chơi cùng cô – ngày hôm sau ông sẽ khời hành, quyết định lên đường đi Ai Cập – và họ cùng dạo bước trong vườn. Emily cảm thấy mình chín chắn và sành điệu hẳn, vì cô phải nhấc cái chân váy đẹp lung linh lên để không dính vào đám cỏ hoàng yến. Cô quấn quanh đầu chiếc khăn nhỏ màu hồng phớt xám, và dưới con mắt của ông Dean thì cô quả là giống một vì sao hơn bao giờ hết. Hai con mèo đi hộ tống – Daffy, chú mèo mướp lông bóng mượt và Sal Ngổ Ngáo, cho đến giờ vẫn đang nắm quyền thống trị trên khắp các kho chuồng ở trang trại Trăng Non. Bọn mèo đến rồi lại đi, nhưng Sal Ngổ Ngáo thì mãi mãi vẫn luôn ở đó. Hai con mèo tung tăng đùa nghịch trên các luống cỏ, núp sau các bụi hoa rậm rạp rồi nhảy chồm lên người nhau, luồn lách chạy quanh chân Emily. Ông Dean sắp đi Ai Cập, nhưng ông hiểu rõ mười mươi rằng cho dù ở bất cứ nơi nào, thậm chí ngay giữa bầu không khí mê hoặc huyền bí của những đế quốc đã chìm vào quên lãng, ông cũng không chứng kiến được bất cứ điều gì khiến ông thích thú hơn bức tranh tuyệt đẹp mà Emily và đàn mèo con đã khắc họa nên trong khu vườn Trăng Non lâu đời trang nghiêm ngào ngạt hương hoa này.

Họ không trò truyện hào hứng như thường lệ, và sự im lặng dệt nên một bầu không khí có phần kỳ dị giữa hai người. Đã từng có một đôi lần, trong cơn bốc đồng, ông Dean bất chợt nảy sinh cái khao khát điên rồ được vứt hẳn chuyến đi Ai Cập sang một bên mà ở lại nhà hết cả mùa đông; có lẽ sẽ tới Shrewsbury; ông nhún vai cười nhạo chính mình. Cô nhóc này đâu cần ông chăm lo cơ chứ… các quý bà quý cô ở trang trại Trăng Non là những người giám hộ cực kỳ hiệu quả. Cô vẫn chỉ là một đứa trẻ, bất chấp vóc dáng cao ráo mảnh mai và đôi mắt sâu thăm thẳm. Nhưng cái ngấn cổ trắng ngần của cô mới hoàn hảo làm sao chứ… cái viền môi cong cong đỏ thắm ngọt ngào kia mới quyến rũ biết nhường nào. Chẳng mấy chốc mà cô sẽ thành một người phụ nữ; nhưng không phải người phụ nữ dành cho ông; không phải dành cho gã Lưng Bình Priest khập khiễng vốn cùng thế hệ với cha cô. Đã hàng trăm lần, ông Dean tự nhắc nhở bản thân đừng biến mình thành một gã ngốc. Ông phải lấy làm thỏa mãn với những gì số phận đã trao cho ông – tình bạn và tình thương mếm của ngôi sao thanh tú này. Nhiều năm sau, tình yêu của cô sẽ là một điều kỳ diệu – dành cho một người đàn ông nào đó khác. Chắc chắn, ông Dean ấm ức nghĩ, cô sẽ lại lãng phí nó cho một gã lùn tốt mã nào đó trên thực tế sẽ chẳng xứng đáng nhận một nửa tình cảm đó.

Emily đang nghĩ không biết cô sẽ nhớ ông Dean da diết đến nhường nào; cô sẽ nhớ ông hơn bao giờ hết. Mùa hè đó, họ đã bầu bạn thân thiết xiết bao. Bất kể lần nào chuyện trò cùng ông, dẫu chỉ trong vài phút ngắn ngủi, cô cũng đều có cảm giác cuộc sống của mình trở nên phong phú hơn nhiều. Những câu châm ngôn thông minh, hóm hỉnh, hài hước và đẫm chất tròa phúng của ông luôn đáng cho người khác học hỏi. Chúng khơi dậy sự quan tâm; khiêu khích và truyền cảm hứng cho cô. Những câu ngợi khen thảng hoặc của ông giúp cô tự tin hơn. Ông luôn cuốn hút cô theo một cách lạ kỳ mà không ai trên thế giới này có thể làm được. Cô cảm nhận được điều đó, nhưng cô không tài nào phân tích cho rõ ràng được. Còn Teddy… cô ý thức được rõ ràng tại sao cô lại yêu quý Teddy. Chỉ đơn thuần xuất phát từ cái chất Teddy riêng của cậu thôi. Và Perry nữa… Perry là một cậu nhóc rám nắng tinh quái, vui nhộn, tính tình bộc trực và huênh hoang mà dù có cố ta cũng chẳng thể nào không yêu quý được. Nhưng ông Dean thì khác. Liệu có phải sức mê hoặc của ông bắt nguồn từ sự hấp dẫn của những điều chưa biết; của trải nghiệm; của sự hiểu biết khôn ngoan; của một trí tuệ được mài giũa mỗi ngày một thêm sắc sảo nhờ bao cay đắng đã trải qua trong cuộc đời; hay của những điều ông Dean biết rõ trong khi có thể cô sẽ chẳng bao giờ biết? Emily không sao trả lời được. Cô chỉ biết rằng nếu đem so sánh với ông Dean, tất cả những người khác đều có phần hơi nhạt nhẽo; thậm chí ngay cả Teddy cũng vậy, dù cô yêu quý cậu nhất. Ôi chao, đúng vậy, Emily không bao giờ mảy may nghi ngờ gì chuyện cô yêu quý Teddy nhất. Tuy nhiên, có vẻ như ông Dean lại thỏa mãn được phần nào bản chất tinh tế và phức tạp của cô mà nếu không có ông thì lúc nào nó cũng luôn trong tình trạng đói khát.

“Cảm ơn chú vì tất cả những gì chú đã dạy cho cháu, chú Dean ạ,” cô nói khi hai chú cháu dừng lại đứng bên cái đồng hồ mặt trời.

“Lẽ nào cháu nghĩ rằng cháu chẳng dạy ta điều gì cả, hả Sao Trời?”

“Làm sao có thể chứ? Cháu nhỏ như thế, ngây ngô như thế…”

“Cháu đã dạy ta cách cười không nhuốm vị cay đắng. Ta hy vọng cháu sẽ không bao giờ nhận ra đó là một ân huệ lớn lao đến mức nào. Đừng để người ta làm hư cháu ở Shrewsbury nhé, Sao Trời. Cháu đang quá háo hức vì được đi đến đó nên ta chẳng muốn dội một gáo nước lạnh vào làm gì. Nhưng ở Trăng Non này, cháu sẽ sống sung túc… dễ chịu hơn nhiều.”

“Chú Dean! Cháu muốn được học gì đó…”

“Học hành! Học hành đâu đồng nghĩa với việc bị nhồi sọ bằng môn đại số và thứ tiếng Latin hạng hai. Ông cụ Carpenter có thể dạy cháu nhiều hơn và bổ ích hơn hết thảy những tay mơ, cả nam lẫn nữ, ở trường trung học Shrewsbury.”

“Ở đây, cháu không thể tiếp tục đến trường được nữa,” Emily phản đối. “Cháu sẽ cô đơn lắm. Tất cả học sinh tầm tuổi cháu nếu không tới Queen hay Shrewsbury thì cũng sẽ ở nhà. Cháu không hiểu nổi chú, Dean ạ. Cháu cứ tưởng chú sẽ lấy làm mừng vì các bác ấy cho phép cháu đến Shrewsbury chứ.”

“Ta mừng chứ… vì điều đó mang lại niềm vui cho cháu. Chỉ có điều…những tri thức mà ta mong muốn cháu tiếp tục thu được sẽ chẳng hề được dạy trong các trường trung học, và cũng chẳng thể đo lường được bằng các bài thi cuối kỳ. Cho dù cháu có thu hoạch được bất kỳ điều giá trị nào ở bất kỳ trường học nào đi chăng nữa, thì đó cũng là nhờ cháu phải tự mình tìm tòi. Đừng để người ta biến cháu trở nên khác với con người thật của mình, thế thôi. Ta không nghĩ là họ sẽ làm được thế đâu.”

“Không, họ không làm thế được đâu ạ,” Emily quả quyết. “Cháu cũng giống như con mèo trong truyện của Kipling ấy – cháu bước đi trong sự cô đơn tự do, và vẫy cáo đuôi tự do mỗi khi đến nơi nào khiến cháu hài lòng. Bởi vậy nên những người nhà Murray mới nhìn cháu bằng ánh mắt ngờ vực như thế. Mọi người nghĩ là lẽ ra cháu lúc nào cũng nên có bầy đàn. Ôi chú Dean, chú sẽ viết thư thường xuyên cho cháu chứ? Chẳng ai hiểu cháu được như chú. Và cháu đã quen với sự hiện diện của chú quá rồi, đến nỗi chẳng thể nào thiếu vắng chú được.”

Emily nói – và nghĩ trong lòng – về điều này một cách khá đơn giản, nhưng khuân mặt xương xương của ông Dean đỏ bừng lên. Họ không chào tạm biệt nhau – theo đúng như thỏa thuận bấy lâu giữa hai người. Ông Dean vẫy tay chào cô.

“Chúc cháu mỗi ngày đều may mắn,” ông nói.

Emily chỉ trao cho ông nụ cười chậm rãi huyền bí quen thuộc của mình…ông đã đi rồi. Khu vườn có vẻ cô đơn biết bao dưới ánh chiều tà xanh nhạt, với những cây trúc đào đang bung hoa trắng xóa như những bóng ma thấp thoáng chỗ này một ít, chỗ kia một ít. Cô vô cùng mừng rỡ khi nghe tiếng huýt sáo của Teddy vang lên trong rừng cây bụi của ông John Ngạo Mạn.

Vào buổi tối cuối cùng trước khi xa nhà, cô đã tới thăm thầy Carpenter và xin thầy góp ý về mấy bản thảo cô để lại cho thầy đọc và phê bình tuần vừa rồi. Trong số đó có mấy câu chuyện mới nhất, được cô sáng tác ngay trước khi bà Elizabeth đưa ra tối hậu thư. Riêng về vụ phê bình thì thấy Carpenter lúc nào cũng rất sẵn lòng đóng góp ý kiến, và lần nào thầy cũng nói thẳng thừng chẳng chút kiêng nể gì; nhưng thầy rất công bằng, và Emily luôn tin tưởng vào những nhận định của thầy, ngay cả khi thầy nói những điều nhất thời như dao sắc cứa vào tâm hồn cô.

“Câu chuyện tình này chẳng có gì hay ho cả,” thầy nói thẳng thừng.

“Con cũng biết đây không phải câu chuyện con muốn viết,” Emily thở dài.

“Chẳng có câu chuyện nào tuân theo ý muốn hết,” thầy Carpenter nói. “Trò sẽ không bao giờ viết được thứ gì có thể khiến trò thực sự hài lòng, cho dù nó có thỏa mãn những người khác đi chăng nữa. Về chuyện tình yêu, trò không thể sáng tác chúng được, vì trò không thể cảm nhận được chúng. Đừng cố gắng viết bất cứ thứ gì trò không thể cảm nhận được… rồi sẽ thành thất bại thôi…’những tiếng vọng chẳng có giá trị gì hết’. Này, còn câu chuyện này nhé, chuyện về bà cụ này này. Cũng không đến nỗi nào. Hội thoại thông minh đấy…thắt nút đơn giản và ấn tượng. Và ơn Chúa, trò có khiếu hài hước đấy. Theo ta thì đó là lý do chủ yếu khiến trò không giỏi viết truyện tình yêu. Chẳng người nào có thể viết được truyện tình yêu nếu người ta không có khiếu hài hước đích thực.”

Emily không hiểu tại sao lại vậy. Cô thích viết truyện tình…và chúng là những câu chuyện bi thương ủy mị vô cùng.

“Shakespeare có thể đấy chứ ạ,” cô bướng bỉnh đáp.

“Trò khó lòng được xếp vào cùng đẳng cấp với Shakespeare,” thầy Carpenter nói khô khốc.

Emily đỏ bừng hết mặt mày.

“Con biết là con không được như thế. Nhưng chính thầy nói là chẳng có ai mà.”

“Và ta vẫn giữ ý kiến đó. Shakespeare là ngoại lệ càng làm sáng tỏ quy tắc này. Mặc dù chắc chắn khiếu hào hước của ông ấy không được vận dụng khi ông ấy viết Romeo và Juliet. Tuy nhiên, hãy quay lại với Emily ở trang trại Trăng Non nào. Câu chuyện này – chà, một người trẻ tuổi nếu vẫn chưa bị ô uế thì có thể đọc truyện này.”

Dựa vào cách uốn giọng của thầy Carpenter, Emily ý thức được thầy không đánh giá cao câu chuyện cô viết. Cô giữ im lặng trong lúc thầy Carpenter nói tiếp, phẩy tay gạt những bản thảo quý giá của cô sang bên chẳng chút e dè.

“Cái này xem chừng na ná tác phẩm bắt chước một cách kém cỏi phong cách Kipling. Dạo gần đây trò đọc truyện của ông ấy hả?”

“Vâng ạ.”


“ Ta cũng đoán thế. Đừng cố bắt chước Kipling. Nếu nhất thiết phải bắt chước, thì bắt chước Laura Jean Libbey ấy. Ngoại trừ tên truyện ra thì cái này chẳng có gì hay ho cả. Một câu chuyện hư cấu vặt vãnh sặc mùi đọa đức giả. Và Tài sản chôn vùi không phải là một câu chuyện; nó chỉ là cái máy. Nó kêu cót két. Không một giây một phút nào nó có thể khiến ta quên đi thực tế nó là một câu chuyện. Bởi vậy nên nó không phải một câu chuyện.”

“Con đang cố viết một truyện sát với thực tế,” Emily cãi lại.

“Ái chà, đó mới chính là lý do. Tất cả chúng ta đều nhìn cuộc sống thông qua một ảo tưởng – ngay cả với người bị vỡ mộng nhiều nhất trong chúng ta. Chính vì vậy, nếu các sự kiện quá sát với thực tế thì chúng sẽ chẳng thuyết phục được ai hết. Để xem nào – Gia đình Madden - lại thêm một nỗ lực bám vào chủ nghĩa hiện thực nữa. Nhưng nó chỉ là bức ảnh chụp chứ không phải chân dung.”

“Những chuyện thầy vừa nói chẳng thuận tai chút nào,” Emily thở dài.

“Nếu chẳng ai nói bất cứ điều gì không thuận tai thì thế giới này ắt hẳn sẽ dễ chịu lắm, nhưng nó cũng sẽ rất nguy hiểm,” thầy Carpenter bắt bẻ lại. “Trò đã nói với ta trò muốn nghe phê bình chứ không cần lời đường mật. Tuy nhiên, cũng có đôi chút đường mật dành cho trò đây. Ta đã giữ nhận xét này để nói sau cùng. Chút khác biệt tương đối ổn, và nếu không sợ làm hỏng trò thì ta hẳn sẽ nói rằng nó quả là xuất sắc. Sau mười năm nữa, trò có thể viết lại truyện này và biến nó thành một tác phẩm ra trò. Đúng vậy, mười năm… đừng có nhăn mặt, Ngọc Bích. Trò có tài năng; và trò có sự nhạy cảm ngôn ngữ tuyệt vời… lần nào trò cũng tìm được cách dùng từ đắt nhất… đó là món quà vô giá. Nhưng trò cũng phạm phải một vài lỗi tệ hại. Những chỗ in nghiêng này này… chừa cái thói ấy đi, Ngọc Bích, chừa cái thói ấy đi. Và một khi đã xa rời hiện thực thì trò phải kiềm chế trí tưởng tượng của mình chứ.”

“Giờ thì nó bị kiềm chế rồi đấy ạ,” Emily ủ rũ nói.

Cô kể lại cho ông nghe về thỏa thuận giữa cô và bà Elizabeth. Thầy Carpenter gật gật đầu.

“Tuyệt.”

“Tuyệt!” Emily nhắc lại, giọng vô hồn.

“Phải. Đó đúng là thứ trò cần đấy. Nó sẽ dạy trò cách kiềm chế và tiết kiệm. Trong ba năm ấy, hãy bám sát hiện thực và thử xem trò có thể hiểu gì về chúng. Hãy để cho vương quốc tưởng tượng được yên mà bám chặt vào cuộc sống bình thường.”

“Làm gì có cái gọi là cuộc sống bình thường chứ ạ,” Emily nói.

Thầy Carpenter nhìn cô một lúc lâu.

“Trò nói đúng… quả là không có,” thầy nói chậm rãi. “Nhưng người ta vẫn luôn băn khoăn vì ta hiểu về điều đó mới ít ỏi làm sao. Chà, cứ tiếp tục đi…tiếp tục đi…cứ đi theo con đường trò đã chọn… và tạ ơn thần thánh vì đã cho trò tùy ý bước trên con đường đó.”

“Bác Jimmy nói chẳng ai có thể làm gì tùy ý khi sau lưng có đến cả nghìn bậc tổ tiên.”

“Ấy vậy mà người ta cứ bảo ông ấy ngốc nghếch đấy,” thầy Carpenter lầm bầm. “Tuy nhiên, có vẻ như các bậc tổ tiên của trò không đặt cho trog một lời nguyền đặc biệt nào. Họ chỉ đơn giản đặt ra cho trog mục tiêu hướng tới các đỉnh cao, và họ sẽ chẳng đời nào để trò sống thanh thản khi vẫn chưa thực hiện được điều đó. Cứ gọi nó là tham vọng đi…hay khát vọng…cacoethes scribendi…muốn gọi là gì cũng được. Dưới sự khiêu khích… hay sự quyến rũ của nó… người ta phải không ngừng leo lên cao…cho tới khi thất bại… hoặc…”

“Thành công,” Emily nói, hất mái tóc đen nhánh ra đằng sau.

“Amen,” thầy Carpenter nói.

Tối đó Emily viết một bài thơ – Tạm biệt Trăng Non, nước mắt ướt đẫm trên từng con chữ. Từng câu từng dòng như thấm vào trong lòng cô. Thật tuyệt vời xiết bao khi được đến trường… nhưng cô lại phải rời xa trang trại Trăng Non yêu dấu! Mọi thứ ở Trăng Non đều gắn bó với cuộc sống và tâm hồn cô… là một phần máu thịt của cô.

“Không phải chỉ có mình cô yêu căn phòng, cây cối và những rặng đồi… chính chúng cũng yêu mình,” cô nghĩ.

Cái va ly nhỏ màu đen của cô đã chật ních đồ. Bà Elizabeth đã coi sóc để mọi món đồ cần thiết đều được cất vào đó, trong khi bà Laura và ông Jimmy thì để ý sao cho ngay cả một vào món đồ không thật sự cần thiết cũng được đóng gói theo. Bà Laura đã bảo Emily rằng cô sẽ tìm thấy một đôi tất ren màu đen cất trong đôi dép quai hậu – ngay cả bà Laura cũng chẳng dám liều đến mức chọn tất lụa – còn ông Jimmy cho cô ba cuốn sổ Jimmy kèm với một chiếc phong bì bên trong có đồng năm đô la.

“Để mua bất cứ thứ gì cháu muốn, Mèo Con ạ. Nhẽ ra ta định bỏ mười đô cơ, nhưng bác Elizabeth chỉ cho ta ứng trước năm đô tiền lương tháng tới thôi. Có lẽ bác ấy cũng đoán ra được.”

“Nếu có thể tìm ra cách kiếm được mấy con tem của Mỹ thì cháu có được phép lấy một đô để mua chúng không ạ?” Emily hồi hộp nói nhỏ.

“Cháu thích mua gì cũng được,” ông Jimmy kiên định nhắc lại, mặc dù ông vẫn chẳng thể hiểu nổi tại sao lại có người thích mua mấy con tem của Mỹ chứ. Nhưng nếu Emily muốn mua tem Mỹ, thì cô cũng nên có tem Mỹ.

Ngày hôm sau trôi qua giống y như một giấc mơ đối với Emily… con chim véo von trong rừng cây bụi nhà ông John Ngạo Mạn khi cô tỉnh giấc lúc bình minh… hành trình tới Shrewsbury trong buổi sáng mát lành đầu tháng Chín… màn đón chào lạnh nhạt của bà Ruth… khoảng thời gian trong một ngôi trường lạ… tổ chức ở các lớp năm nhất… về nhà ăn tối… chắc chắn bằng đấy việc chẳng thể chỉ gói gọn trong một ngày được.

Nhà bà Ruth nằm cuối một con ngõ trong khi dân cư, mấp mé vùng nông thôn. Emily nghĩ ngôi nhà thật xấu kinh lên được, trang trí lờ loẹt đủ các thể loại hầm bà lằng. Nhưng ở Shrewsbury, chẳng có gì ngoài một bãi cỏ nhỏ trơ trụi, khô khan; nhưng có một thứ Emily vừa nhìn thấy đã thích. Phía sau ngôi nhà là một bãi đất rộng với những cây linh sam mảnh mai cao vút – những cây linh sam mảnh dẻ nhất, thẳng tăm tắp và cao chót vót nhất mà cô từng nhìn thấy, trải về đằng sau nhà hòa vào trong một cảnh sắc mơ màng sanh ngắt dài vô tận.

Bà Elizabeth ở Shrewsbury cả ngày, mãi đến sau bữa tối mới về nhà. Ra đến ngưỡng cửa, bà bắt tay Emily, nhắn nhủ cô hãy tỏ ra ngoan ngoãn và phải tuyệt đối làm theo lệnh bà Ruth. Bà không hôn Emily, nhưng so với bình thường thì giọng bà Elizabeth đặc biệt dịu dàng. Emily đứng trên ngưỡng cửa, nước mắt đầm đìa, nghẹn ngào nhìn theo cho đến khi bóng dáng bà Elizabeth đã khuất khỏi tầm mắt – bà Elizabeth đang quay về trang trại Trăng Non dấu yêu.

“Vào nhà đi thôi,” bà Ruth nói, rồi thêm “và xin cháu đừng có đóng sầm cửa lại đấy.”

Ơ này, Emily có bao giờ đóng sầm của đâu.

“Chúng ta sẽ rửa bát đĩa ăn lúc tối,” bà Ruth nói. “Từ rày về sau ngày nào cháu cũng phải làm thế đấy. Ta sẽ chỉ cho cháu chỗ để đồ đạc. Chắc bà Elizabeth đã bảo cháu là ta muốn cháu làm vài việc nội trợ lặt vặt để đổi lại việc trọ ở đây.”

“Vâng,” Emily đáp ngắn gọn.

Cô không lăn tăn chuyện phải làm việc nhà, nhiều đến đâu cũng thế… nhưng chính giọng điệu của bà Ruth mới gây khó chịu.

“Tất nhiên cháu mà ở đây thì chi phí sinh hoạt của ta sẽ đội lên rất nhiều,” bà Ruth tiếp tục. “Nhưng cũng là chuyện hợp tình hợp lý khi tất cả chúng ta cùng phải đóng góp nuôi dưỡng cháu. Ta cho là, và lúc nào ta cũng nghĩ như vậy, đáng ra sẽ tốt hơn nhiều nếu cho cháu đến trường Queen để kiếm cái chứng chỉ làm giáo viên.”

“Cháu cũng muốn thế,” Emily nói.

“Hừm.” Bà Ruth bĩu môi. “Ra là thế. Nếu vậy thì ta thật không hiểu nổi tại sao bác Elizabeth lại không cho cháu đến Queen. Xét trên nhiều phương diện khác thì ta dám chắc bà ấy đã chiều chuộng cháu quá đủ rồi… ta vẫn cho rằng nếu bà ấy nghĩ cháu thực lòng mong muốn điều này thì kiểu gì bà ấy chẳng nhân nhượng. Cháu sẽ ngủ ở buồng bếp. Mùa đông chỗ đó ấm hơn những phòng khác. Trong đó không có khí đốt, nhưng dù sao đi nữa thì ta cũng chẳng đủ khả năng sắm khí đốt để cho cháu học hành. Cháu phải dùng nến thôi; mỗi lần dùng hai cây cũng được. Ta muốn cháu giữ phòng riêng gọn gàng ngăn nắp và có mặt ở đây để ăn cơm đúng vào giờ giấc ta đã đề ra. Ta cực kỳ để ý đến chuyện này đấy. Còn một việc nữa mà cháu cũng cần phải hiểu ngay lập tức. Cháu không được phép đưa bạn bè về đây. Ta không có ý định mua vui cho bọn chúng đâu.”

“Ilse cũng không được ạ, hay Perry, hay Teddy cũng vậy ạ?”

“Chà, Ilse là một người nhà Burnley và cũng có quan hệ xa. Con bé thỉnh thoảng đến cũng được, không có chuyện lúc nào cũng chạy lăng quăng ở đây đâu nhé. Theo những gì ta nghe được thì con bé không phải một người bạn đồng hành phù hợp với cháu lắm. Về phần đám con trai… chắc chắn là không. Ta chẳng biết gì về Teddy Kent, và cháu phải thấy đủ tự trọng để đừng có mà giao du với Perry Miler.”

“Cháu đủ tự trọng để giao du với cậu ấy,” Emily vặc lại.

“Đừng có xấc xược với ta, Em’ly. Cháu cần phải hiểu ngay bây giờ rằng ở đây, cháu sẽ không được phép thích làm gì thì làm như khi cháu ở trang trại Trăng Non đâu. Cháu bị chiều quá hóa hư rồi. Nhưng ta sẽ không cho phép những thằng bé làm thuê được đến thăm cháu gái ta. Rõ là ta không thể hiểu nổi cái sở thích thấp kém đó của cháu từ đâu mà ra. Đến cả cha cháu có vẻ như cũng ra dáng một quý ông đấy chứ. Lên nhà dỡ đồ đạc ra đi. Rồi sau đó học đi. Chúng ta sẽ đi ngủ lúc chín giờ!”

Emily bừng bừng phẫn nộ. Ngay cả bác Elizabeth cũng chưa bao giờ nảy ra ý nghĩ cấm Teddy đến trang trại Trăng Non. Cô khóa mình trong phòng và ủ rũ tháo dỡ hành lý. Căn phòng mới xấu xí làm sao chứ. Vừa nhìn là cô đã thấy ghét rồi. Cửa ra vào đóng không chặt; trần nhà dốc thấm mưa lỗ chỗ, sả xuống quá sát giường đến độ giơ tay ra là đã chạm vào được. Sàn nhà trống trơn trải một tấm thảm lớn “thêu móc” khiến Emily nhức cả mắt. Tấm thảm không mang phong cách Muray – nói một cách công bằng thì cũng chẳng phải thị hiếu của bà Ruth Dutton. Một người họ hàng ở quê của ông Dutton quá cố đã tặng nó cho bà. Chính giữa là mảng màu đỏ tươi lòe loẹt, sống sượng, xung quanh là những trang trí hình xoắn ốc màu cam chói mắt và màu xanh lục đậm thái quá. Ở bốn góc thảm là những bó dương xỉ tím và hoa hồng xanh.

Đồ gỗ trong phòng sơn màu nâu sô cô la trông đến là gớm guốc, bốn bức tường dán loại giấy với hoa văn thậm chí còn gớm guốc hơn nhiều. Các bức tranh cũng mang lại ấn tượng tương tự, đặc biệt là bức thạch bản rực rỡ có hình nữ hoàng Alexandra, nữ trang lấp lánh khắp người, được treo ở một góc độ dễ khiến người ta có cảm giác người phụ nữ vương giả ấy thế nào cũng ngã giập mặt cho xem. Bức thạch bản chẳng thể biến nữ hoàng Alexandra trở nên xấu xí hay tầm thường, nhưng đáng thương thay, cảm giác mà nó mang lại thì cũng chẳng kém cạnh là bao. Trên cái giá hẹp màu nâu sô cô la, có một bình hoa giấy cắm đầy những bông hoa giấy dễ chừng đã hai mươi năm tuổi. Thật chẳng ai có thể tin nổi trên đời này có có bất cứ thứ gì xấu xí và sầu não như chúng.

“Căn phòng này chẳng thân thiện chút nào… nó không muốn mình… mình sẽ chẳng đời nào tìm được cảm giác thận thuộc thoải mái ở đây,” Emily nói.

Cô thấy nhớ nhà da diết. Cô muốn những những ánh nến ở Trăng Non tỏa sáng chiếu rọi những cây bu lô… mùi hương của những dãy hoa bia tắm ướt sương… lũ mèo gừ rừ của cô… căn phòng yêu dấu đong đầy ước mơ của cô… sự thính lặng và những bóng đen trong khu vườn cũ… những bài ca oai hùng của sóng gió cất lên giữa vịnh… thứ âm nhạc lâu đời vang vọng mà cô nhớ đến quay quắt giữa sự im lặng của vùng nội địa này. Thậm chí, cô nhớ cả khu nghĩa địa nhỏ vốn là nơi yên nghỉ của những thế hệ Trăng Non quá cố.

“Mình sẽ không khóc.” Emily siết chặt hai tay. “Bác Ruth sẽ cười nhạo mình cho xem. Mình chẳng thể yêu nổi bất kỳ thứ nào trong này. Liệu bên ngoài có thứ gì không?”

Cô đẩy cửa sổ lên. Ô cửa trổ ra hướng Nam, mở thẳng ra vạt linh sam, và mùi nhựa thơm bay đến chỗ cô như vuốt ve âu yếm. Phía bên trái, có một khoảng trống giữa rừng cây, làm thành một cái cửa sổ xanh mái vòm, và xuyên sang phía bên kia, người ta sẽ nhìn thấy một khoảnh đất nhỏ chan chứa ánh trăng quyến rũ đến mê người. Và nó cũng dẫn vào khung cảnh hoàng hôn tráng lệ. Phía bên phải trông ra sườn đồi rải rác những mái nhà của cư dân phía Tây Shrewsbury; ngọn đồi lốm đốm ánh đèn giữa ánh chạng vạng ngày thu, đắm chìm trong một vẻ đẹp như miền cổ tích. Đâu đó gần đây, vẳng lại tiếng chim uể oải chắc hẳn của vài chú chim non đang mơ màng buồn ngủ nhún nhảy trên một cành cây sấp bóng.

“Chao ôi, cảnh tượng này đẹp quá,” Emily thì thào, thò hẳn người ra ngoài để hít căng lồng ngực bầu không khí đượm hương linh sam. “Cha từng bảo mình rằng chỉ cần tìm thấy được một nét gì đẹp đẽ thì con người ta có thể yêu mếm được bất cứ nơi đâu. Mình sẽ yêu nơi này.”

Bà Ruth bất nhờ ngó đầu vào phòng qua cửa ra vào.

“ Em’ly, sao cháu lại để cái áo ghế kia nằm xộc xa xộc xệch trên sofa phòng ăn thế hả?”

“Cháu… không… biết,” Emily bối rối nói. Cô thậm chí còn chẳng ý thức được mình đã làm xáo trộn cái áo ghế ấy. Sao bà Ruth lại hỏi cô như thế chứ, cứ như thể bà nghi ngờ cô đang ấp ủ một mưu đồ nham hiểm đen tối khó lường nào đó vậy.

“Xuống chỉnh nó ngay ngắn lại đi.”

Đúng lúc Emily ngoan ngoãn xoay người lại thì bà Ruth kêu lên,

“Em’ly Starr, hạ cửa sổ xuống ngay lập tức! Cháu điên à?”

“Phòng ngột ngạt quá ạ, “ Emily nài nỉ.

“Ban ngày thì cháu có thể thông gió được, nhưng mặt trời đã lặn rồi thì đừng có bao giờ mở cái cửa số đó ra. Bây giờ ta chính là người chịu trách nhiệm cho sức khỏe của cháu đấy. Cháu phải biết là người bị lao phổi nhất thiết cần tránh khí đêm và gió lùa chứ.”

“Cháu không bị lao phổi,” Emily kêu lên phản đối.

“Tất nhiên là phải cãi rồi.”

“Mà nếu cháu có bị thật, thì không khí trong lành lúc nào cũng tốt nhất cho cháu. Bác sĩ Burnley đã nói vậy rồi. Cháu ghét cảm giác tù túng lắm.”

“Những người trẻ tuổi cứ nghĩ người già thật ngốc nghếch, trong khi người già biết rõ bọn trẻ mới ngốc nghếch làm sao.” Bà Ruth cảm thấy nguyên câu cách ngôn đó đã truyền tải hết những gì cần nói rồi. “Đi giũ thẳng cái áo ghế ra đi, Em’ly.”

“Em’ly” nín nhịn bước đi. Cái áo ghế gây khó chịu được chỉnh lại tư thế chuẩn xác.

Emily đứng nhìn quanh một lúc. Phòng ăn nhà bà Ruth tháng lệ và “tân thời” hơn hẳn căn “phòng khách” ở Trăng Non, nơi họ vẫn thường tổ chức những bữa ăn “quây quần”. Sàn lát gỗ cứng… thảm Wilton… đồ nội thất bằng gỗ sồi theo phong cách thời Tiền Anh. Nhưng, Emily nghĩ, căn phòng chẳng có được dù chỉ một nửa sự “thân thiện” của căn phòng cổ kính ở Trăng Non. Cô thấy nhớ nhà hơn bao giờ hết. Cô không sao thuyết phục được bản thân tin rằng mình sẽ thích bất kỳ điều gì ở Shrewsbury… việc sống cùng bà Ruth, hay chuyện đi học. So với thầy Carpenter sắc sảo chua cay thì giáo viên ở đây dường như ai nấy đều nông cạn và nhạt nhẽo, chưa kể ở lớp năm hai còn có một đứa con gái mà vừa nhìn cô đã thấy ghét ngay rồi. Ấy vậy mà cô những tưởng quãng đời này sẽ tươi sáng xiết bao… được sống tại Shrewsbury xinh đẹp và đi học trung học. Chà, trên đời đâu có chuyện gì y như ta hằng tưởng tượng đâu, Emily tự nhủ trên đường quay lại phòng, trong tâm trạng bi quan nhất thời. Chẳng phải chú Dean từng có lần kể rằng chú đã dành cả đời ấp ủ mơ ước được chèo thuyền gondola băng qua các dòng kênh Venice dưới đêm trăng sáng sao? Ấy vậy mà đến khi thực hiện được ước mơ đó, thiếu chút nữa chú đã bị bịn muỗi xơi tái.

Emily nghiễn chặt răng trong lúc mò mẫm bước lên giường.

“Mình chỉ cần tập trung suy nghĩ vào ánh trăng và không khí lãng mạn, phớt lờ lũ muỗi đi thôi,” cô nghĩ. “Chỉ có điều… bác Ruth châm chích độc địa quá thể.”