Em Ở Bên Ai Cũng Đều Là Khoảng Trống Trong Anh

Chương 1




Lời mở đầu

"Em sợ ngày gặp lại anh sẽ đến,

em và anh đã biến thành những tảng đá nứt nẻ.

Em cũng sợ em sẽ hôn lên những nêp nhăn của anh,

thà tin rằng sự bất tử có tồn tại trên đời.

Em sợ mãi mãi nhớ tên anh,

càng sợ nhìn thấy anh lắng xuống trong cơn ảo giác.

Sợ nhất hai bên mai của anh nhuốm đầy bụi trần,

trừ phi trên đời này có sự bất tử."

Lâm Tịch (Em sợ).

Chiều hôm ấy, Giang Nguyệt đang đưa giáo sư trường Đại học Colombia đến đây tham quan đi ra nhà ăn. Giáo sư là một ông già béo tròn, trông không mấy bắt mắt nhưng lại là một nhà triết học nổi tiếng thế giới. Trường đại học Z mời ông đến để giảng triết học chính trị một học kỳ. Giang Nguyệt là nghiên cứu sinh được nhà trường chỉ định trợ giảng cho giáo sư. Cái danh "trợ giảng" nghe thì đẹp đẽ thế thôi chứ thực chất cô giống như một trợ lý chuyên lo liệu vấn đề sinh hoạt cho giáo sư, từ việc nghe điện thoại đến vấn đề ăn ở, đi lại, lên lớp… tất cả những chuyện lớn nhỏ đều do cô lo liệu.

Toàn là những chuyện vụn vặt nên Giang Nguyệt khó tránh khỏi cảm thấy tẻ nhạt. Nhưng trước ánh mắt ngưỡng mộ của những người xung quanh, Giang Nguyệt thật chẳng dám lên tiếng oán thán. Được đi theo một giáo sư hàng đầu thế giới, cho dù chỉ là làm chuyện lặt vặt thôi cũng là niềm vinh hạnh trong mắt người khác rồi.

Lại một "niềm vinh hạnh" rơi vào tay Giang Nguyệt khiến trong học viện có không ít người cảm thấy bất bình: "Tại sao lại là cô ta? Tính thì lơ đãng, chuyên ngành lại kém…"

Những gì họ nói là sự thật, Giang Nguyệt là người chuyển ngành sang đây, tính cách không chỉ lơ đãng mà còn lạnh lùng.

Thế là những lời đàm tếu lại lần nữa truyền đi. Bọn họ nói: "Còn không phải là vì bên trên có người đứng ra che chắn cho cô ta sao? Mọi người thấy đấy, con gái có sắc đẹp là lợi thế đấy! Được đi theo cả một học kỳ, không biết cô ta sẽ kiếm được bao nhiêu miếng ngon? Ít nhất thì cũng có thể bảo ông ấy viết cho một lá thư giới thiệu!"

Những người này hoàn toàn không hay biết, hồi đầu lúc Giang Nguyệt nhận nhiệm vụ, cô cũng không thể nào tin được. Cô đã đi hỏi thư ký học viện có phải đã nhầm lẫn không, bởi vì chính bản thân cô cũng vẫn còn xa lạ với môi trường xung quanh, từ việc học cho đến chuyện sinh hoạt, thế thì làm sao có thể lo liệu cho người khác nữa?

Thư ký học việc đáp: "Chuyện này đâu thể nhầm được? Nguyên văn lời nói của chủ nhiệm khoa các chị, em vẫn nhớ như in đây này: Cô Giang có tầm nhìn rộng, chính là cô ấy!"

Rồi một cái phong bì được dúi vào tay cô, cô thư ký học viện lại nói: "Thôi được rồi, chị mau đi liên hệ chuyện xe cộ đi!"

Giang Nguyệt ôm đống giấy tờ trong tay rời khỏi văn phòng. Trên hành lang thỉnh thoảng lại vang lên tiếng giày cao gót nện xuống nền nhà. Nhưng cô không nghe thấy tiếng chân của mình. Đương nhiên cô cũng không nghĩ rằng mình vừa mới quay lại mà tiếng tăm đã lan truyền như vậy, đặc biệt trong đó còn có câu “tầm nhìn rộng”.

Cô vẫn còn rất trẻ, chỉ mới hai mươi lăm tuổi, nhưng cuộc đời như một trận chiến, những chuyện phải trải qua quả không ít. Hai mươi lăm năm ngắn ngủichất chứa đầy sóng gió, nếu phải kể cho người khác nghe, không biết sẽ có bao nhiêu tiếng tặc lưỡi xuýt xoa. Chỉ có điều cô không bao giờ kể, thậm chí cực kỳ hạn chế nghĩ đến.

Cuộc đời không như người ta mong ước, cô chỉ biết chấp nhận số phận, đòng thời luôn giữu thái độ như người đang xem kịch, lặng im chờ đợi xem ông trời sẽ mang điều gì đến, sẽ đưa cô đến đâu.

Giang Nguyệt trầm lặng sống qua ngày, tự nhận mình là người vô hình. Nhưng sống trong tập thể thì khó mà tránh khỏi con mắt của người khác.

Ví dụ như lúc này, ông già đi bên cạnh cô đang ra sức dùng những lời lẽ rất “sến” để tán dương, khen ngợi cô xinh đẹp, thông minh. Giang Nguyệt mỉm cười nói cảm ơn, mặt bỗng đỏ bừng. Cô ở nước ngoài cũng được vài năm, nhưng vẫn không khắc phục được cái tật hoang mang trước sự biểu đạt quá cuồng nhiệt. tại sao ư? Còn chẳng phải là vì người đó hay sao?

Cô đã quen với phương thức hết sức tình cảm, truyền thống của Trung Quốc: khiêm tốn, nhẹ nhàng và tiết chế. Mặc dù cảm thấy rất khổ sở nhưng cô không thể thay đổi. Đây là điều mà trong khoảng thời gian dài anh đã mang đến cho cô. Cô căm hận nhưng cũng yêu thương sâu sắc.

Trong khoảnh khắc ngừng nói chuyện, Giang Nguyệt nghe thấy tiếng chuông điện thoại của mình. Trên hành lang nhà ăn huyên náo, lúc Giang Nguyệt lấy được điện thoại từ trong túi ra thì màn hình đã hiện lên dòng chữ “cuộc gọi nhỡ”. Nhưng đối phương vẫn kiên trì gọi lại, cô nhìn số điện thoại, do dự trong giây lát rồi nói với giáo sư một tiếng xin lỗi, ấn phím nghe.

Ngay lập tức, tiếng một người đàn ông có vẻ thúc giục vang lên từ đầu bên kia: “A lô, Nguyệt à?”

“Là cháu đây!”

“Cháu mau qua đây một chuyến đi!”

Giang Nguyệt ngây ra hỏi: “Đi đâu ạ?”

“Bệnh viện! Anh Quân xảy ra chuyện rồi, tình hình rất khẩn cấp, chú đang làm thủ tục nhập viện cho anh ấy…”

Hồi lâu sau không thấy có phản ứng gì, người đó liền đằng hắng rồi hạ thấp giọng: “Bọn chú đang ở Khang Châu. Bên cạnh chú ấy chỉ có mình chú, không còn ai khác. Chú nghĩ cháu nên qua đây!”

Giang Nguyệt đành hỏi là bệnh viện nào, nghe rồi liền nói: “Được rồi, cháu sẽ qua đó ngay!”

Cô nhét đại điện thoại vào trong túi, đôi bàn tay đang run lên, thầm nhủ: Đừng cuống, đừng cuống!

Vừa ngoảnh đầu lại liền nhìn thấy sư huynh Từ Viêm Huy, Giang Nguyệt vội kéo anh ta lại, nói ở nhà mình có chút việc, nhờ anh ta lo giúp bài giảng buổi tối của giáo sư rồi vội vàng đưa danh sách lớp cho anh. Từ Viêm Huy vừa nhận lời vừa nói đùa: “Sư muội đã giao phó thì anh đâu dám chối từ!”, nói rồi nhìn thấy sắc mặt của Giang Nguyệt có vẻ khó coi liền hỏi: “Sao thế?”

Giang Nguyệt chỉ lắc đầu, quay lại nói chuyện với giáo sư Sandel rằng mình có chuyện gấp, xin lỗi xong liền co giò lao ra ngoài. Lúc này đang là giờ cao điểm, không biết có bắt được xe không, mà bắt được xe rồi không biết đi đến đường Trung Sơn có bị tắc không? Giang Nguyệt chỉ cảm thấy đầu óc trống rỗng, lồng ngực thì tưng tức vì thở gấp. Lúc Giang Nguyệt đến bệnh viện thì trời đã tối đen. Ánh đèn nhờ nhờ hắt lên những bức tường trắng ở bệnh viện, Vương Hạo đang đứng ở hành lang đợi cô.

Giang Nguyệt đến trước mặt anh ta, đứng lại chào một tiếng “Chú Vương”, sau đó bỗng thấy cổ họng nghẹn đắng, gần như không nói ra lời. Cô nói bằng giọng nghèn nghẹt: “Chú…chú…ấy thế nào rồi? Có chuyện gì xảy ra thế?”

Vương Hạo giải thích: "Là chảy máu dạ dày, tình hình rất xấu, nhưng bây giờ đã ổn rồi. Hơn mười giờ sáng nay từ Dubai bay về đây, trưa nay đi ăn với mấy người bạn cũ, uống cũng không ít. Lúc ra xe chú thấy sắc mặt chú ấy không được tốt. Vừa về đến khách sạn là vào phòng nghỉ ngơi. Sau đó Trần Công gợi điện vào máy chú ấy nhưng không có ai nghe nên đã gọi cho chú. Chú liền sang gõ cửa phòng nhưng không có ai trả lời. Chú phải nhờ nhân viên lễ tân mở cửa vào phòng mới biết chú ấy đã ngất trong nhà vệ sinh, trên sàn nhà toàn máu là máu. Mấy hôm nay chạy hết chỗ này đến chỗ kia đúng là quá mệt, hằng ngày lại chẳng ăn uống gì mấy. Khi nào chú ấy tỉnh lại cháu hãy lựa lời khuyên nhủ…"

Lúc Vương Hạo nói chuyện, lông mày của cô nhíu lại. Vương hạo nhìn cô, không khỏi ngây người. Giang Nguyệt lúc này vẫn là cô bé của trước đây nhưng có gì đó khác biệt. Nhưng rốt cuộc khác biệt ở đâu Vương Hạo lại không nói ra được. Từ năm hai mươi tuổi xuất ngũ cho đến giờ, Vương Hạo vẫn làm việc cho Giang Quân, là lái xe, vệ sĩ, dần dần sau này trở thành trợ thủ thân tín nhất của Giang Quân. Vương Hạo tự nhận mình là người hiểu rõ nhất về tình hình nhà họ Giang. Vốn dĩ tình hình nhà họ Giang không mấy phức tạp, chỉ có hai người: một là người đang đứng trước mặt anh, hai là người đang nằm trên giường bệnh, nhưng điều khiến anh không thể hiểu là , hai người trước đây từng thân thiết như vậy tại sao tự nhiên lại tránh mặt nhau, chẳng nhẽ có chuyện gì mà anh không biết?

Vương Hạo vò vò đầu vẻ hối hận, không biết mình gọi điện như thế là có đúng hay không. Anh ta rút một điếu thuốc ra, nói với Giang Nguyệt: "Cháu đi xem sao đi! Ở phòng 1203, chú ra ngoài mua chút gì ăn, nhân tiện về khách sạn lấy đò dùng cá nhân cho chú ấy!", nói rồi Vương Hạo không chờ Giang Nguyệt trả lời mà vội vã đi ra ngoài.

Giang Nguyệt mở cửa phòng bệnh, bước vào rồi khép cửa lại. Người đó đang nằm trên chiếc giường bệnh ở giữa căn phòng.

Người ta thường nói "càng gần càng lo"*. Lúc về Khang Châu, Giang Nguyệt chẳng có nhiều cảm giác, nhưng lúc này đây, cô đột nhiên cảm nhận được cái cảm giác mà câu nói kia thể hiện. Giang Nguyệt từng bước từng bước lại gần, từ ngoài cửa cho đến giường bệnh chỉ cách nhau có vài bước chân, nhưng giữa hai người họ là khoảng cách của bẩy năm dài đằng đẵng.

* Câu nguyên gốc là "cận hương tình khiếp", chỉ những người đi xa quê hương lâu ngày không có tin tức gì, đến khi quay về, càng đến gần quê hương thì càng sợ, sợ sẽ có chuyện không hay xảy ra với quê mình.

Số lần gặp nhau của bọn họ trong bảy năm chỉ đếm trên dầu ngón tay, mỗi khi đến ngày sinh nhật cô, anh lại gọi điện đến chúc mừng, hỏi thăm qua loa về tình hình của cô và nói chuyện phiếm dăm ba câu. Cô thà không nhận được những cuộc điện thoại ấy còn hơn, thà không bao giờ liên lạc, như vậy cô còn có thể đo lường được trọng lượng của mình ở trong lòng anh. Cô căm hận cực độ cái kiểu đối đãi không nóng chẳng lạnh này. Bọn họ vốn dĩ là những người thân thích nhất của nhau, thế mà lại đi đến bước đường này.

Bao nhiêu năm nay trong con mắt của người khác, cô là người muốn gì được nấy, muốn làm sao làm vậy, nhưng chỉ có bản thân cô là biết rõ nhất, đó là bản thân cô đang tự buông thả, càng lúc càng đi xa hơn. Nhiều lúc cô rất muốn quay về, bất chấp tất cả, da mặt phải dày lên. Cái suy nghĩ này hết lần này đến lần khác giày vò trái tim và khối óc của cô, nhưng rồi cô lại nghiến răng gạt nó đi.

Xa cách bẩy năm, khoảnh khắc này chỉ có hai người, thật hiếm có.

Đã gần tám giờ tối, rèm cửa kéo kín, trong phòng chỉ bật đèn mờ mờ. Dưới ánh đèn mờ mờ ấy, Giang Nguyệt chăm chú quan sát anh.

Bao nhiêu năm rồi mà anh ấy vẫn không già đi chút nào.

Tay phải của Giang Quân đang để ngửa, bị cắm kim truyền nước, tay trái đặt ở bên người, lòng bàn tay siết lại thành nắm đấm. Bao nhiêu năm vẫn là cái tư thế này, chẳng thay đổi chút nào. Trên cánh tay nổi lên một khoảng da đỏ tím, chắc là lúc bị ngã đã đập vào đâu đó. Lông mày lúc ngủ hơi nhíu lại, những nếp nhăn giữa hai lông mày càng sâu hơn. Đường nét khuôn mặt vẫn sắc nét, rõ ràng, mái tóc ngắn, dày và mượt bao phủ da đầu.

Giang Nguyệt đưa tay ra định chạm vào người anh nhưng lại kiềm chế được. Những lọn tóc trắng đan xen giữa những sợi tóc đen dường như nhợt nhạt đi. Nếu như không phải cô lại gần như thế, không phải cô chăm chú nhìn như vậy có lẽ không thể nào phát hiện ra những sợi tóc bạc ấy.

Cô bỗng thấy tự trách mình. Nếu như hôm nay cô không đến, cô cũng không nhìn thấy anh như thế này: mặt mày gió sương, tóc đã điểm bạc… vô cùng tiều tụy.

Giang Nguyệt vô cùng áy náy.

Thời gian thấm thoát thoi đưa. Lúc cô quen Giang Quân, Giang Quân vẫn còn rất trẻ, mới hai mươi ba tuổi. Đến giờ đã ngoài bốn mươi tuổi, bệnh tật đầy mình, làm sao có thể không già?

Giang Nguyệt ngồi xuống cái ghế bên giường, đôi mắt chăm chú ngắm nhìn người đang say giấc. Nỗi xót xa trào ra từ trong lồng ngực khiến đôi mắt cô mọng nước…

Trong cơn mơ hồ, tất cả kí ức của gần hai mươi năm qua lần lượt ùa về.

Cô vẫn còn nhớ, nhớ rất rõ, chúng là một phần của cô. Tất cả những gì cô có đều là người này mang lại cho cô. Anh cho cô họ tên, đặt cho cô một cái tên thật đẹp, cho cô cơm áo, cho cô chỗ ở, cô được nhận sự giáo dục tốt nhất, an ủi lúc cô mơ thấy ác mộng, chăm sóc lúc cô bị bệnh.

Anh từng cho cô một gia đình.

Tình cảm của cô đối với anh vô cùng phức tạp, là sự biết ơn không bao giờ thay đổi. Trước đây đọc tiểu thuyết võ hiệp thường thấy có người nói "cha mẹ tái sinh", mà đối với cô, "cha mẹ tái sinh" chẳng phải chính là anh hay sao?

Nếu như không có anh, Giang Nguyệt không thể tưởng tượng mình sẽ lưu lạc phương trời nào, hiện giờ ra sao?

Anh tên là Giang Quân, cô gọi anh là chú. Nhưng bố đẻ của cô lại không phải là anh em với anh.

"Hoàng hôn là quê hương của em

Em là cô gái lớn lên trong sự bình yên của quê hương

Em là cô gái lớn lên trong tình cảm âm thầm

Lặng lẽ thôi

Em bước chân vào trái tim tôi."

Hài Tử (Tặng em)

Giang Nguyệt không biết mình sinh ra lúc nào, bố mẹ là ai, quê hương là nơi đâu.

Cô là một đứa bé bị bỏ rơi, điểm này bà không bao giờ giấu giếm cô.

Bà Liễu nói, một buổi sáng mùa thu bà nhìn thấy cô, rốt cuộc thì ngày nào thì không nhớ nữa. Lúc ấy chắc cô mới được mấy ngày tuổi, người nhỏ xíu. Lúc ấy bà Liễu vừa nói vừa thể hiện bằng tay: "Chỉ bé thế này thôi, giống hệt như con mèo con ấy!", Giang Nguyệt thấy bà hơi cường điệu thái quá, một đứa bé mới sinh cho dù có nhỏ cũng đâu đến mức ấy. Nhưng lúc ấy cô thực sự chỉ nhỏ như con mèo, bị bỏ vào trong một cái hộp giấy, được quấn một chiếc áo bông cũ kĩ của người lớn. Trong cái hộp ấy chẳng để lại bất kì tín vật nào, ngay cả một mảnh giấy cũng không.

Cô đã bị bở lại ở cổng giáo đường như vậy đấy.

Đó là giáo đường Cơ Đốc ở huyện Phượng Hoàng. Giáo đường này là nơi tập hợp và phân tán mọi thông tin. Các giáo đồ đều tụ tập ở đấy vào tối thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu. Chủ Nhật thì làm lễ cả ngày. Vị trí của giáo đường nằm ở trung tâm của huyện, phía trước là chợ, người qua lại rất tấp nập. Vì vậy, hôm bị bỏ rơi, cô đã được người ta bế đến cho một đôi vợ chồng nuôi dưỡng.

Giang Nguyệt cô nghĩ lại khoảng thời gian đã qua, trong lòng khó mà tưởng tượng được, cô chẳng có chút ấn tượng nào về bố mẹ nuôi, thậm chí còn không nhớ mình từng gọi ai là bố mẹ.

Bởi vì lúc cô được ba tuổi, cô lại bị đưa trở lại giáo đường. Nghe bà Liễu nói, người đàn ông của gia đình nhận nuôi cô trong lúc làm việc đã bị điện giật chết, còn người phụ nữ phải về nhà mẹ đẻ để tiện bề tái giá, vì thế làm sao có thể để một đứa bé như cô làm liên lụy, huống hồ cô lại chỉ là đứa con nuôi. Bà ấy đã dẫn cô đến cái giáo đường này, mong rằng có ai đó muốn nhận nuôi cô. Kết quả là từ đó Giang Nguyệt ở với bà Liễu trông coi giáo đường này.

Bà Liễu được gả cho một người nhà họ Liễu. Hồi đầu bà cùng với chồng ở trong căn phòng sát cạnh giáo đường, con gái của họ lớn lên rồi đi lấy chồng, dọn ra ở riêng. Về sau chồng bà Liễu qua đời, bà ở lại một mình, vẫn phụ trách việc trông nom và quét dọn giáo đường. Ở một mình không khỏi cô đơn, thế nên sự xuất hiện của Giang Nguyệt rất đúng lúc, hơn nữa lúc ấy Giang Nguyệt đã ba tuổi, nuôi dưỡng cũng không mấy phiền phức nên bà đã nhận nuôi cô.

Một người phụ nữ lớn tuổi và một đứa bé còn nhỏ dại, mấy năm ấy họ đã sống như thế nào? Giang Nguyệt chỉ có thể nhớ được một vài khoảng kí ức nhỏ, giống như đang lật lại những tấm ảnh cũ kĩ, vẫn chỉ là những cảnh tượng cũ đã biết. Đương nhiên Giang Nguyệt chẳng có lấy một tấm ảnh lúc còn nhỏ, bởi vì chẳng ai chụp ảnh cho cô cả.

Bà Liễu gọi cô là Mala.

Lũ trẻ trên phố đều cười nhạo cô, đặt biệt danh cho cô là "Mala phân ngựa". Giang Nguyệt dáng người bé nhỏ, có đánh cũng không đánh lại, có chửi cũng không chửi lại, mỗi lúc như vậy, mặt mũi đều đỏ bừng, vừa tức vừa buồn, trong lòng thầm trách bà Liễu đã đặt cho mình cái tên khó nghe như thế.

Bà Liễu tết hai bím tóc dài thật dài, cuộn tròn trên đỉnh đầu, những người phụ nữ theo Thiên Chúa giáo trong huyện gần như đều để kiểu tóc này. Giang Nguyệt cũng để tóc dài, tết thành hai bím thả xuống trước ngực. Cô còn nhớ những buổi trưa mùa đông bà Liễu thường thả tóc của cô ra để bắt chấy rồi sau đó gội đầu cho cô. Cô đứng cúi đầu trước chậu nước rất mệt nhưng vẫn phải cố chịu đựng. Có lần cô đứng không vững, người lảo đảo, bất cẩn làm bắn nước lên người bà Liễu là ngay lập tức bị ăn tét vào cánh tay. Bà Liễu tính tình nóng nảy, lúc nóng giận thường chửi mắng cô, còn đuổi cô ra ngủ ngoài đường.

Bà Liễu biết may quần áo, thường nhận may quần áo kiếm tiền. Những miếng vài thừa bà liền ghép lại may cho cô ít quần áo. Buổi tối trước khi tắt đèn đi ngủ, bà Liễu thường quỳ trước giường cầu khấn, cô cũng ngoan ngoãn quỳ theo.

Cô không được đi học, không được đi mẫu giáo như những đứa trẻ cùng tuổi khác mà ở nhà chờ đến tuổi đi học tiểu học. Giáo hội tổ chức một lớp nhỏ, cứ thứ Bẩy hàng tuần lại kể một vài câu chuyện thánh kinh cho lũ trẻ con cái người trong hội nghe. Lần nào cô cũng đi nghe. Cô nhìn những con chữ trên hình vẽ, hỏi cô giáo đang dạy họ chữ này đọc là gì, có nghĩa gì, làm sao để phân biệt một số chữ. Điều khiến cô vui mừng nhất là cô giáo đó biết chơi đàn phong cầm. Lúc giáo đường không có người, Giang Nguyệt thường ở lại đây sờ mó cây phong cầm, nhìn ngắm những bản nhạc phổ, Giang Nguyệt bé nhỏ luôn ôm ấp một mong ước nhỏ, nếu có thể chơi giỏi đàn phong cầm, sau này cô có thể đàn phong cầm khi bọn họ hát xướng ca, như vậy sẽ khỏi phải lo bị họ đuổi đi.

Ngày qua ngày, đứa bé bị bỏ rơi ngày nào là cô đã được bảy tuổi.

Khi Giang Nguyệt được khoảng bảy tuổi rưỡi thì có hai chuyện xảy ra, chẳng hề có điềm báo nào, nhưng đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời cô.

Bà Liễu qua đời.

Giang Quân xuất hiện.

Người này từ đâu "chui" ra vậy? Giang Nguyệt không hề hay biết.

Mùa hè năm ấy, huyện Phượng Hoàng có lốc xoáy và lũ lụt qua đi. Lốc xoáy và lũ lụt qua đi, bà Liễu liền tháo các tấm rèm của sổ giáo đường xuống giặt. Nóc giáo đường vừa cao vừa sâu, cánh cửa sổ lại dựng đứng, rèm cửa từ trên cao rủ xuống. Bà Liễu bắc thang dựa vào tường, cẩn thận leo lên. Đáng tiếc là có cẩn thận mấy đi chăng nữa vẫn bị hụt chân và ngã xuống. Người bị cao huyết áp, ngã một cú như thế, nằm một đêm rồi ra đi.

Con gái bà Liễu cùng những người trong giáo hội đến giúp lo liệu hậu sự cho bà. Lễ tang được tiến hành một cách có trình tự dưới sự giúp đỡ của mọi người. Ngày đi chôn, Giang Nguyệt dậy rất sớm, nhưng người lớn đều bảo đường lên nghĩa trang rất xa xôi, bảo cô đừng đi cho đỡ rắc rối, thế nên Giang Nguyệt phải ở lại.

Mặt trời lên cao dần, không khí nóng nực đến khó chịu. Cô trốn trong giáo đường, thứ ánh sáng nhập nhoạng lúc sáng lúc tối khiến cô sợ hãi và lạnh lẽo. Cô nghe thấy tiếng ve râm ran ngoài cửa sổ, nhưng trong phòng thì tĩnh mịch như tờ. Cô đặt tay lên những phím đàn, không dám ấn dù chỉ một phím. Chẳng biết bao lâu sau, bên ngoài vang lên tiếng bước chân, tiếng nói chuyện huyên náo. Cô thầm nhủ, chắc là họ đã về.

Cô cúi đầu, mặt dán vào nắp cây đàn lạnh ngắt. Liệu họ có phát hiện ra không thấy cô đâu không? Liệu họ có đi tìm cô không? Có ai nhớ đến cô không? Cứ nghĩ như vậy khiến cô bật khóc. Cô không đau lòng, chỉ cảm thấy sợ hãi.

Đột nhiên "két" một tiếng, cánh cửa giáo đường mở ra. Cô giật mình. Vội vàng ngẩng đầu. Bước vào là một người đàn ông, cô chưa gặp bao giờ.

Người ấy đi xuyên qua hàng ghế dài, đi thẳng lên bục, những ngón tay lướt qua những lưng ghế nâu trầm. Khi còn cách bục giảng khoảng bón hàng ghế, người ấy nhìn thấy cô. Một con nhóc bé xíu, đôi mắt mở to, hoang mang và khiếp sợ nhìn anh. Có thể vì không ngờ trong này có người, hoặc cũng có thể vì thích đùa nên anh cũng trợn tròn mắt nhìn con bé. Sau đó anh mỉm cười đi về phía cô: "Chú làm cháu sợ à?"

Cô ngồi dựa sát vào cây đàn, nhẹ nhàng hỏi: "Cháu có biết chơi đàn không?"

Cô khẽ gật đầu.

"Cháu có thể đánh cho chú nghe không?"

Cô lại gật đầu.

Lúc ấy cô vẫn chỉ biết dùng một bàn tay phải đánh ở khu vực C, cô đánh bài thơ mà mình thích nhất.

Tiếng nhạc ấy vô cùng thê lương, anh nghe rất quen tai liền hỏi: "Cháu có biết hát không?"

Cô gật đầu, tiếng hát non nớt vang lên cùng tiếng đàn: "Con cừu đi lạc, mày ở nơi đâu? Chủ nhân đang tìm kiếm mày. Một trăm con cừu bị thiếu mất một, phải chăng chính là mày? Phải chăng chính là mày?"

Câu cuối "phải chăng chính là mày" vang vọng và nhẹ nhàng đi vào trái tim anh.

Anh lây đôi bàn tay che mặt, ngồi im lìm ở hàng ghế gỗ đầu tiên.

Cô đứng dậy đi xuống, quỳ trước mặt anh.

Một cô bé, mặc váy liền màu xanh với cái cổ lá sen màu trắng, khuôn mặt trắng ngần và tròn trịa như trái táo, trông giống như một cọng hành còn xanh, thật sự rất giống. Anh không nhịn được cười, tâm trạng u ám ban nãy đã hoàn toàn biến mất.

Anh khen cô đàn hay, hát cũng hay và hỏi cô tên là gì.

Đứa trẻ nào được khen cũng cảm thấy thích thú cả, thế nên Giang Nguyệt cũng chẳng để tâm đến cái tên đáng ghét của mình nữa.

"Cháu tên là Mala!", cô nghiêng đầu nói, "Thế chú là ai?"

"Xin chào Mala, chúng ta làm quen một chút nhé, chú tên là Giang Quân!" Anh chìa tay ra.

Cô cũng chìa tay ra, bắt tay anh vẻ hiểu biết, miệng nghi hoặc hỏi: "Tướng quân à? Chú đi đánh trận sao?"

Anh phì cười, lắc đầu nói: "Chú không phải là tướng quân đi đánh trận, là cái này…", anh viết lên tay cho cô xem.

"Ờ…" Cô gật gù như thể đã hiểu ra, rồi nói: "Cháu là Mala chứ không phải "Ma" trong từ "ngựa" mà là "Ma" này cơ!" Cô kéo tay anh ra, viết tên mình lên đó.

Giang Quân thấy rất thú vị, cười nói: "Lần sau cháu có thể nói với người khác, cháu là Mala, Ma trong "mã não". Cháu mấy tuổi rồi? Học lớp mấy?

"Cháu bảy tuổi…chưa đi học ạ!" Giọng của Giang Nguyệt nhỏ xíu khi nói đến vế sau. Nhưng chẳng mấy chốc cô đã ngẩng đầu hỏi: "Còn chú thì sao?"

"Chú á? Chú cũng không đi học!"

Giang Nguyệt chun mũi lại. Giang Quân cười nói: "Chú tốt nghiệp rồi!"

"À…" Giang Nguyệt gật gù vẻ hiểu biết rồi lại chủ động hỏi: "Sao chú lại ở đây?"

"Chú đến dự lễ tang…" Giang Quân dựa lưng vào ghế, nói: "Lễ tang của cô chú!" Bà Liễu, tên Giang Tú Châu, là chị gái của bố anh, là cô của anh. Anh không có nhiều người thân, nay lại mất đi một người.

"Chú nói đến bà ư?" Giang Nguyệt ngẩng đầu hỏi, tay chỉ lên trời: "Bà đã lên trời rồi, trước đây bà thường nói với cháu, thiên đường rất tuyệt vời!"

"Cháu gọi là bà à?" Giang Quân ngạc nhiên nhìn cô. "Ai là bố mẹ cháu?" Anh tưởng cô bé này là con gái của anh chị em họ nào đó của mình.

Nhưng cô lại cắn chặt môi. Bởi vì câu hỏi tưởng như đơn giản này đối với cô mãi mãi là câu đố.

Giang Quân nói: "Bọn họ có biết cháu trốn ở đây một mình không?... Ừm, lại không chịu nói à?"

Dưới ánh mắt dịu dàng của anh, cô chỉ khẽ lắc đầu, chẳng có ai biết, chẳng có ai còn nhớ đến cô.

"Không, không có, không có bố mẹ…" Cô lí nhí nói.

Anh nhìn thấy cô bé cố nén khóc, đôi mắt đen láy luôn mở to nhìn anh nay đang nhìn về phía khác. Giang Quân hơi khựng lại, nhớ ra trong thánh kinh, Mala có nghĩa là "đắng". Sau khi ra khỏi Ai Cập, Modes đã lãnh đạo những người Isarel đi suốt bà ngày trên đồng hoang mà không tìm thấy nước. Đến Mala lại không thể uống nước ở đấy bởi vì nước ở đấy rất đắng, vì vậy nơi đó người ta gọi là Mala. Anh còn nhớ có một truyền thuyết khác nói rằng, có một phụ nữ tên là Naomi, chồng con chết hết, sau nhiều năm quay trở lại quê hương đã gặp lại người xưa, cô nói với họ rằng: "Đừng gọi tôi là Naomi, hãy gọi tôi là Mala, bởi vì đức toàn năng đã bắt tôi phải chịu cay đắng!"

Naomi là ngọt, Mala là đắng. Ai lại đặt cho đứa bé vô tội, ngây thơ này cái tên như thế? Vì muốn nói một đứa trẻ bị bỏ rơi có số khổ hay sao?

Giang Quân thở dài, cô bé đang đứng trước mặt anh, hai tay đang bấu chặt vào vạt váy, dáng vẻ cứng cỏi, ngẩng cổ để không cho nước mắt trào ra. Anh lại gần dang tay ôm lấy cô bé.

Cô bé tên Mala này, đã lâu lắm rồi không được ai ôm như vậy. Cô rụt rè dang tay ra, vòng qua cô anh, vùi mặt vào lồng ngực rộng của anh, sụt sùi khóc. Cô nghĩ đến biến cố đột ngột này, nghĩ đến không biết rồi đây mình sẽ bị gửi đến đâu, sẽ thế nào, nên làm thế nào? Cô thực sự sợ hãi!

Anh vỗ lưng cô bé, cô không thể nào nén được nữa liền òa khóc thật to.

Giang Quân ôm cô bé đi tìm con gái bà Liễu, em họ của anh là Liễu Linh.

Liễu Linh nói cho Giang Quân biết thân thế của Mala. Giang Quân biết những chuyện thế này ở đây không phải là chuyện hiếm. Anh chỉ hỏi: "Thế giờ phải làm sao? Sau này con bé sẽ theo ai?"

Liễu Linh ngây người, cô hoàn toàn không nghĩ đến chuyện này.

Mala cố sức đè chặt tiếng nấc trong cổ họng, im lặng gục mặt trên vai anh, không muốn làm gì, cũng chẳng muốn nói gì. Cô lắng tai nghe ngóng, nhưng chỉ nghe thấy tiếng ậm ừ, ngập ngừng của Liễu Linh.

Giang Quân cúi đầu giây lát rồi nói: "Nếu bọn em đều cảm thấy khó khăn, vậy thì thế này đi, cứ để nó theo anh đến Tề Ninh! Nhà anh đang để không, dù gì cũng không phải lo vấn đề ở, ngay gần đó lại có trường học, nó cũng cần phải đi học nữa!"

Toàn thân cô như cứng đờ, bởi kinh ngạc quá đỗi. Nhiều lần nhớ lại khoảnh khắc này, cô đều cảm thấy quá bất ngờ. Giống hệt như kì tích, một người mà cô chưa từng nghĩ đến lại dột nhiên xuất hiện, dẫn cô ra khỏi con đường khốn cùng. Người này hoàn toàn xa lạ, nhưng ai có thể là người thân của cô đây? Cô chẳng có ai thân thích, cũng chẳng còn có cách nào khác để lựa chọn. Đôi bàn tay to của anh ôm chặt lưng cô, khiến cho cô cảm thấy yên ổn và không còn sợ hãi.

Chiều hôm ấy bọn họ rời khỏi huyện Phượng Sơn, ngồi xe đến Tề Ninh. Lúc đến nơi đã là chín giờ tối. Suốt chặng đường đi cô cứ nhìn chằm chằm ra ngoài cửa sổ, lúc gần đến nơi mới mơ hồ chìm vào giấc ngủ. Chắc là vì quá căng thẳng nên cuối cùng đã không chịu nổi.

Giang Quân bế cô xuống xe, rồi lại bế cô lên gác, đến trước cửa nhà mới gọi cô dậy, bảo: "Chúng ta về đến nhà rồi!"

Anh lấy chìa khóa mở cửa, dẫn cô vào trong. Căn nhà nằm ở một khu chung cư mới xây, rộng rãi và thoáng mát, đồ dùng trong nhà rất đơn giản, chẳng có bất cứ một đồ dùng nào thừa thãi. Cô rụt rè đi theo sau anh, tò mò nhìn quanh.

Giang Quân bảo cô ngồi xuống bàn ăn, còn mình thì vào bếp, nấu hai bát mì, mỗi bát có một quả trứng và rắc hành. Anh bê ra, đẩy đến trước mặt cô, nói: "Chúng ta ăn trước no bụng trước đã! Đừng lo, chú sẽ từ từ sắp xếp!"

Giang Quân vừa ăn vừa nói: "Hôm nay là ngày 19 tháng 8, ngày mai chú sẽ nhờ người làm hộ khẩu cho cháu. Sắp khai giảng rồi, chuyện này phải làm thật nhanh mói có thể đăng kí đi học cho cháu được!"

Cô không hiểu, chỉ biết nghe và gật đầu.

Một lát sau, Giang Quân lại nói: "Sau này cháu sẽ mang họ Giang giống chú nhé? Chúng ta không gọi cháu là Giang Mala nữa, cháu nhìn giống như một vầng trăng vừa tròn vừa sáng, giống hệt đôi mắt của cháu, vậy cứ gọi cháu là Giang Nguyệt nhé?"

Cô cảm thấy người này thật tốt bụng, nói chuyện vừa dịu dàng vừa thân thiện. Giang Quân hỏi cái gì cô cũng gật đầu.

Anh viết chữ "Nguyệt" lên giấy cho cô xem.

"Chữ "Nguyệt" này có nghĩa là ngọc trai thần, gọi cháu là Giang Nguyệt, cháu có thích không?" Anh như đang hỏi ý kiến của cô, giọng nói dịu dàng mang sức lôi cuốn lớn.

Thế là cô có tên họ. Về sau, ngày này thành ngày sinh nhật của cô. Anh nói sau này đây chính là nhà của cô.

Giang Quân dẫn cô vào nhà vệ sinh, vặn nước ấm và bảo cô điều chỉnh nước nóng lạnh ra sao, gội đầu thì dùng cái gì, tắm thì dùng cái gì, thay quần áo xong để đâu. Nói xong anh liền ra ngoài, đóng cửa lại cho cô.

Cô, đổi sang tên Giang Nguyệt, mang mái tóc ướt nhẹp từ nhà tắm đi ra, mặc chiếc váy liền thân màu xanh như nước giống kiểu chiếc váy liền màu xanh cọng hành, thân váy đã hơi ngắn. Cô mang từ Phong Sơn lên một cái túi vải, là Liễu Linh sửa soạn cho cô, một cuốn thánh kinh, một tập thơ ca, một cái váy để thay đổi. Liễu Linh chắc nghĩ rằng đến Tề Ninh sẽ chẳng lo thiếu cái ăn cái mặc, hơn nữa Giang Nguyệt cũng chẳng có cái gì đáng giá để mà mang theo.

Giang Quân lấy ra một cái khăn tắm mới, nói: "Nào, dùng tạm cái này đi, nghĩ xem còn cần cái gì, ngày mai chú đưa cháu đi mua nhé!" Giang Quân vỗ vỗ vào cái giường mới trải ga, nói: "Tối nay cháu ngủ ở đây, từ tối nay đây sẽ là phòng của cháu, chú ở phòng kế bên!"

Anh vẫy tay bảo Giang Nguyệt ra ngồi xuống trước mặt mình, dang rộng cái khăn ra, lau tóc cho cô. Tóc Giang Nguyệt rất dày, túm lại thành một bó lớn, hơn nữa lại để rất dài, chỉ có điều tóc hơi khô và ngả vàng. Nhìn thân hình gày còm của cô bé, Giang Quân biết chắc là suy dinh dưỡng, bà Liễu chắc là tiết kiệm lắm.

Lau khô được tóc thì Giang Nguyệt cũng buồn ngủ díp cả mắt, nhưng cô chưa muốn ngủ, cô sợ nhỡ mình đi ngủ, tất cả những thứ này sẽ tan biến.

Cô đưa tay ra, chỉ vào anh rồi chỉ vào mình, hỏi: "Ở đây chỉ có chúng ta thôi sao?"

"Đúng thế, chỉ có chúng ta!"

Cô gật đầu, ngẫm nghĩ rồi hỏi: "Có phải chú cũng không có bố mẹ không?"

Giang Quân xoa đầu cô bé, nói: "Đúng, bọn họ đi cả rồi, chỉ còn lại chú!" Trong cái thế giới mênh mông này, chỉ còn lại anh một thân một mình.

Cô ngây thơ hỏi: "Bọn họ đi đâu thế? Tại sao họ không cần đến chú nữa?"

Giang Quân thở dài, kể cho cô nghe trận bão lũ chín năm trước đã cướp đi bố mẹ của anh, khiến thủa ấu thơ vô lo vô nghĩ của anh kết thúc chỉ sau một đêm.

Giang Quân vẫn còn nhớ, hôm ấy, anh và anh trai Giang Châu đã chạy thoát thân thê thảm đến thế nào. Hai anh em chạy từ trong trường ra, chạy một mạch về nhà, cứ chạy mãi, chạy mãi đến khi không còn đường nữa, cũng chẳng còn nhà nữa, trước mắt chỉ có một bể nước mênh mông, đất đá từ trên núi cuồn cuộn đổ xuống. Năm ấy anh mười bốn tuổi, anh trai Giang Châu mười tám. Thế là hai anh em trai đành phải tự lực tự cường.

Giang Châu thôi học, cùng các thanh niên đồng hương đi tề Ninh học đóng thuyền. Chẳng bao lâu sau, anh bất chấp nguy hiểm, như con cá liều mạng bơi ngược biển, bất chấp tất cả để nắm bắt cơ hội làm ăn, nhân lúc thiên thời địa lợi đã kiếm được một khoản tiền đầu tiên, từ đó càng ngày càng kiếm được nhiều, âm thầm tích lũy vốn ban đầu.

Giang Quân lên cấp ba, về sau thi vào được một trường đại học tốt nhất trong tỉnh. Ngày nhận được giấy báo nhập học, hai anh em đã uống rượu ăn mừng, uống đến mức hai mắt đỏ bừng, là đàn ông nhưng cũng phải rơi lệ. Bao nhiêu năm vất vả cuối cùng cũng vượt qua rồi.

Chỉ có điều Giang Quân không ngờ, chuyện đời thất thường lắm. Bốn năm sau, Giang Châu mất mạng trong một vụ tai nạn, toàn bộ sản nghiệp để lại cho anh. Trong thời gian hơn một năm Giang Châu qua đời, Giang Quân cảm thấy mình như đang ở trên một ốc đảo, cô quạnh không nơi nương tựa, trôi dạt không bờ bến, không cảm xúc.

Người chưa từng trải qua tâm trạng này sẽ không thể hiểu được.

Thấy Giang Quân trầm ngâm hồi lâu, Giang Nguyệt liền chạm vào tay anh, giống như một con chó nhỏ hay mèo nhỏ đang an ủi chủ nhân của mình bằng cách dụi đầu vào tay chủ nhân.

Giang Quân khẽ cười, nhìn cô, thầm nghĩ: có phải bởi vì anh cũng gặp phải cảnh bị bỏ rơi nên khi nhìn thấy cô, anh mới bừng lên lòng trắc ẩn như vậy?

Anh ấn ấn bàn tày nhỏ của cô, nói: "Ngủ đi, đừng dụi mắt nữa!" Anh kéo tấm thảm mỏng đắp lên người cô rồi đứng dậy, tắt đèn và không quên dặn dò: "Cứ yên tâm mà ngủ, chú không khóa cửa phòng, có chuyện gì cứ gọi một tiếng là chú nghe thấy!"

Ra khỏi phòng, Giang Quân không khỏi cười như mếu. Một quyết định thì dễ, nhưng chuyện sau nay mới là phức tạp, trong cuộc sống có biết bao chuyện vụn vặt, huống hồ một thanh niên trẻ tuổi độc thân lại đi nhận nuôi một đứa bé gái, Giang Quân cười mình đúng là đã quyết định quá nông nổi.

Nhưng lúc này anh đã không cho phép bản thân được thoái thác trách nhiệm.

Tình trạng của cô anh đã được nhìn thấy tận mắt. Cô ngoan ngoãn, đáng thương, tội nghiệp, giống như anh năm ấy. Anh hiểu được sự hoang mang, sợ hãi, không nơi nương tựa của cô. Anh nói với bản thân mình phải đối xử tốt với cô, giờ anh là niềm hi vọng duy nhất của cô.

Lúc dẫn Giang Nguyệt tới Tề Ninh, nhận nuôi cô, Giang Quân đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong thời kỳ đầu dựng nghiệp, bắt đầu bước vào thời kỳ bận rộn để phát triển mở rộng.

Tốt nghiệp đại học, Giang Quân không nghe theo sự phân bổ của nhà trường. Anh đến Tề Ninh tiếp quản Hằng Châu mà Giang Châu để lại. Mặc dù suốt mấy đợt nghỉ của năm thứ tư anh đều đi theo Giang Châu nhưng trong lòng Giang Quân hiểu rõ nếu muốn làm nên sự nghiệp thì không thể cứ đi theo con đường cũ.

Cũng giống như tất cả những người mới lập nghiệp, anh em nhà họ Giang có một sự mở đầu hết sức tầm thường, nhiều lúc họ còn mang cả gia sản của mình ra đặt cược. Hằng Châu tồn tại được là nhờ cơ hội xoay chuyển của thời đại, nhưng để cho nó có thể tiếp tục tồn tại, đồng thời ngày một lớn mạnh là nhờ vào sự tỉnh táo của Giang Quân.

Giang Quân là người có trực giác rất tốt. Có lẽ đây chính là khả năng trời phú cho một nhà doanh doanh nghiệp. Năm đó, vì vị trí độc nhất vô nhị của Tề Ninh, các loại đồ gia dụng được tuồn vào khiến Tề Ninh nổi tiếng là nơi tập trung của hàng lậu. Lúc Giang Quân tiếp quản chuyện kinh doanh, anh từ từ chấm dứt hình thức buôn lậu, bắt tay xây dựng một trung tâm mua bán hàng hóa, không lâu sau anh lại bước vào thị trường bán lẻ, dần dần mở ra một chuỗi bách hóa ở các thành phố ven sông. Đến khi có biến động chế độ đất đai, anh lại đấu thầu được hai khu đất xây nhà ở phía tây thành phố, bắt đầu đặt chân vào ngành bất động sản.

Cuối những năm tám mươi, ngành hàng hải quốc tế sa sút trầm trọng, rất nhiều chủ thuyền bị phá sản, phải bán rẻ thuyền đi, Giang Quân liền thu mua mấy con thuyền, trong đó có một con thuyền trọng tải lớn được bán sang tay chẳng bao lâu sau dó, giúp Giang Quân kiếm được một món tiền lớn. Những con tàu trọng tải nhỏ, Giang Quân giữ lại dùng để vận chuyển hàng hóa trên sông, dần dà chuyển sang ngành vận tải đường thủy.

Lúc ấy ngành nào kiếm ra tiền là Giang Quân làm ngành ấy. Chỉ có điều anh vẫn có ý muốn biến Hằng Châu thành một doanh nghiệp chân chính.

Giang Quân cứ như một con quay, quay liên tục không ngừng, anh giải thích tình hình của mình cho Giang Nguyệt nghe và hỏi cô muốn ở trong trường hay là ở trong nhà, anh nói: "Thực ra cháu không thích hợp để theo chú!"

Giang Quân không hề biết rằng chỉ một câu nói không hề có dụng ý gì của mình cũng khiến Giang Nguyệt cảm thấy vô cùng bất an.

Tối đó, anh nghe thấy tiếng khóc từ phòng Giang nguyệt vọng ra, rõ ràng cô đang ngủ nhưng lại khóc lóc thảm thương đến thế.

Lúc mới đến, Giang Nguyệt thường xuyên như vậy, khóc lóc rất thảm thiết trong giấc mơ. Anh nghe thấy liền đẩy cửa bước vào, ngồi xuống bên cạnh, nhẹ nhàng vỗ lưng cô. Cô sẽ tỉnh lại, hai mắt trống rỗng nhìn lên trần nhà, miệng lẩm bẩm mình nằm mơ.

Lần này anh cũng như mọi khi, nhẹ nhàng lay vai cô. Giang Nguyệt mơ màng xoay người lại, đột nhiên chộp lấy tay anh, nói gần như cầu xin: "Chú đừng đuổi cháu đi, chú đừng đuổi cháu có được không?"

Giang Quân nghe xong liền ngạc nhiên vô cùng, giống như có thứ gì đó đang tan rã trong tim mình. Kể từ đó, anh không bao giờ nhắc đến chuyện gửi cô vào trường nữa.

Thời gian ấy, Giang Quân bận rộn việc công ty, Giang Nguyệt tự đi học. Trong nhà có người giúp việc, ngày ngày lo chuyện vụn vặt trong nhà, nấu nướng, ngày hai bữa…

Giang Nguyệt không cảm thấy bị bỏ quên, càng không thấy cô đơn. Lúc Giang Quân ở Tề Ninh, thỉnh thoảng được tan học sớm, cô thường chạy đến công ty anh. Cô bò ra cái bàn trong văn phòng làm bài tập, anh ngồi ở cái bàn đối diện xem tài liệu và nghe điện thoại, thỉnh thoảng cũng có người vào bàn chuyện, nhìn thấy cô thì không khỏi ngạc nhiên. Anh liền cười nói: "Là cháu gái tôi, tan học nên đến đây chơi một chút ấy mà!"

Thỉnh thoảng anh lại dẫn Giang Nguyệt đi dự một bữa tiệc tiếp khachsnhej nhàng, gặp ai anh cũng giới thiệu cô là cháu gái của mình. Đây là thân phận thích hợp nhất, không khiến cho cô cảm thấy mất mặt, mà cũng không cần thiết phải giải thích nhiều. Đương nhiên những anh em biết rõ về anh dều biết anh không có cô cháu gái như vậy, chỉ là không tiện vạch mặt anh trước mặt người khác.

Giang Quân không bao giờ tránh cô khi nói chuyện với người khác. Cho dù gặp phải hoàn cảnh nào anh vẫn điềm đạm nói chuyện, bởi vì trong lòng anh đã có sự quyết đoán. Trong ấn tượng của Giang Nguyệt, Giang Quân là một người có khí phách, rất thẳng thắn, ung dung.

Lúc ấy trụ sở công ty nằm trên đường Tề Đông, cách nơi ở và trường học rất gần, vì vậy cô thường xuyên đến. Văn phòng của anh ở tầng ba. Về sau Giang Nguyệt mới phát hiện ra cho dù là ở đâu, anh luôn thích ở tầng thấp.

Cô từng tò mò hỏi: "Các tổng giám đốc ở trong ti vi, trong tiểu thuyết thường ở trong các văn phòng trên tầng mười mấy lận, lúc rảnh rỗi thường thích ra cửa sổ nhìn xuống dưới, sao chú lại thích ở tầng thấp thế này?"

Đáp án của Giang Quân khiến cho cô kinh ngạc, anh nói: "Nếu như để chú đứng ở nơi cao như thế, có thể chú sẽ muốn nhảy xuống dưới đấy!", lúc ấy Giang Nguyệt chỉ ngạc nhiên, nhưng nhiều năm sau cô mới hiểu được tình yêu và nỗi sợ của Giang Quân.

Trước khi Giang Nguyệt rời đi, bọn họ đã sống chung với nhau mười một năm.

Tiểu học, cấp hai, cấp ba, Giang Nguyệt thuận lợi lên lớp. Hồi còn bé, cô rất hiểu chuyện, không quấn lấy người lớn. Hồi dậy thì, cô không hề có tâm lí chống đối, muôn vàn khó khăn mà anh từng nghĩ đến không hề xuất hiện, ngược lại, Giang Quân thường có cảm giác hai người như đang nương tựa vào nhau mà sống. Anh thậm chí còn thấy mừng vì mình đã đưa ra quyết định như vậy.

Tính cách của Giang Nguyệt vẫn hiền lành và trầm lặng như thế. Nhưng nếu gặp được những thứ mình thích, cô thường chia sẻ với người khác, mà người khác ấy lại chính là anh. Đi trên đường nhìn thấy hoa, những chồi non mới nẩy vào mùa xuân, những con mèo hoang trong sân, đọc được một cuốn sách hay, nghe được bài hát hay, trong trường có chuyện gì thú vị… cô đều kể cho Giang Quân nghe. Những câu chuyện tưởng chừng tẻ nhạt trong mắt người khacslaij được cô kể bằng giọng điệu hết sức sinh động và hào hứng.

Kết thúc công việc của một ngày, Giang Quân thích nhất là nghe cô bé liến thoắng kể chuyện, chia sẻ cảm giác vui vẻ hay buồn bã cùng cô bé. Đây chính là cách thư giãn tốt nhất của anh sau những giờ làm việc căng thẳng.

Đương nhiên, Giang Nguyệt cũng chẳng có bạn bè, có thể là do cô chẳng để tâm đến chuyện kết bạn. Ở trong trường, cô không phải là một nhân vật nổi tiếng, nhưng lại hơi đặc biệt xinh đẹp, nhưng thấp bé, lúc mới đi học, tiếng phổ thông còn nói không sõi, âm uốn lưỡi nói không linh hoạt, âm mũi trước sau không rõ ràng, thường bị mọi người cười nhạo.

Các bạn học đều xì xào với nhau rằng cô là trẻ mồ côi, bởi vì mỗi lần ở trường có việc hoặc là họp phụ huynh đều chỉ thấy chú của Giang Nguyệt đến. Thành tích học tập của cô bé cũng rất tốt, nhưng không bao giờ kiêu ngạo, đối với bạn bè, cô rất hiền hòa, chỉ có điều hơi bí ẩn. Bởi vì cứ tan học là cô về nhà ngay, trong kì nghỉ cũng không đi chơi với bạn bè, lần nào hẹn cũng đều bị cô từ chối, dần dà chẳng còn ai đến tìm cô nữa.

Giang Nguyệt lúc nào cũng nóng lòng về nhà, bởi vì cái nhà là nơi che chắn, bảo vệ cô, là nơi cô một lòng hướng về. Bao nhiêu lâu nay, cái mà cô có chỉ là sự ban ơn của những người tốt bụng. Từ nhỏ cô đã học được cách quan sát sắc mặt của người khác, biết cách làm thế nào để lấy lòng người khác, tránh cho người ta cảm thấy ghét mình.

Bây giờ cô cảm thấy bản thân mình thật may mắn, may mắn đến mức có cảm giác không thật. Do vậy cô càng lúc càng cẩn thận. Nghe thấy tiếng bước chân từ xa của Giang Quân, cô liền chạy như bay ra mở cửa, thò đầu ra bên ngoài chờ đợi. Anh bảo cô làm gì, cô cũng làm với tốc độ nhanh nhất có thể. Giang Quân thích nói đùa, trêu chọc cho cô cười, thế là cô có thói quen, hễ cứ nói chuyện xong là lại liếc xem vẻ mặt của anh như thế nào, liệu cô có làm cho anh cảm thấy vui vẻ không?

Nhưng Giang Quân đối xử với cô thật sự tốt. Điều này khiến Giang Nguyệt dần dần yên tâm. Dần dà cô bắt đầu coi cái nhà vốn cứ tưởng có thể mất đi bất cứ lúc nào này trở thành "nhà" thực sự, bắt đầu có cảm giác về tổ ấm mà trước nay cô chưa từng có.

Nếu Giang Quân ở Tề Ninh, thỉnh thoảng anh có đến đón cô tan học. ra khỏi cổng trường, nếu nhìn thấy chiếc xe hơi màu đen biển 1991 đỗ ở góc đường là Giang Nguyệt lại hớn hở nhảy chân sáo về phía đó. Cô thích con số này, bởi vì nó chính là năm thay đổi cuộc đời cô. Chú Vương mở cửa xe cho Giang Nguyệt, Giang Quân ngồi ở ghế sau, mỉm cười nhìn cô, khoảnh khắc ấy khiến cô cảm thấy vui vẻ và hài lòng, sau này cô không chỉ một lần thầm mong, nếu mình không lớn lên thì tốt biết mấy.

Nếu Giang Quân đi công tác, dì Lí giúp việc sẽ ở lại với Giang Nguyệt. Mỗi lần đi công tác, mỗi tối anh lại gọi điện về, không biết bắt đầu như thế nào, chỉ biết dần dà đã thành thói quen. Trong điện thoại, anh chỉ hỏi cô xem hôm nay thế nào, có chuyện gì mới mẻ không, ngủ có mơ ác mộng không?

Anh đối xử với cô đường nhiên là rất tốt, nhưng dù gì anh cũng là đàn ông, không thể lúc nào cũng tỉ mỉ đến từng li từng tí, cũng không thể hiểu được những bất tiện và rắc rối của con gái tuổi dậy thì.

Mười bốn tuổi, Giang Nguyệt có kinh lần đầu tiên. Bởi vì được học qua loa tiết học giáo dục giới tính, hơn nữa đa số đám con gái trong lớp đều đã trải qua rồi, vì vậy khi phát hiện mình ra máu, cô chỉ ngây ra một lát rồi định thần lại. Sau khi trấn tĩnh lại, cô ra cửa hàng thuốc mua băng vệ sinh, tự mình lo liệu mọi chuyện.

Hôm ấy là cưới tuần. Buổi chiều dì Lí làm cơm xong, dặn dò Giang Nguyệt mọi chuyện rồi về nhà. Tối đó Giang Quân không phải tiếp khách nên về nhà ăn cơm với cô.

Trên bàn ăn, thấy Giang Nguyệt gần như chỉ ngồi chống đũa, anh liền hỏi: "Sao thế? Khó chịu à?"

Giang Nguyệt ôm bụng, cô không ngờ lần đầu có kinh lại đau đớn như thế này, hai chân mềm nhũn, toàn thân bải hoải chẳng còn chút sức lực.

Giang Quân vội vàng đến bên cạnh cô, quỳ xuống, tay đặt lên bụng cô. Anh xoa xoa nhẹ nhàng, quan tâm hỏi: "Đau ở đây à? Trưa nay cháu ăn cái gì?"

Giang Nguyệt mặt mày đỏ bừng, không biết phải trả lời ra làm sao.

"Sao thế? Lại bị sốt nữa à?" Anh lấy môi chạm vào trán cô.

Thấy anh lo lắng nhíu mày, Giang Nguyệt hết cách, đành lí nhí nói ra ba chữ: "Đau bụng kinh."

Giang Quân ngây người hồi lâu rồi mới hiểu ra chuyện gì, bàn tay đang xoa xoa lưng cho Giang Nguyệt dừng lại: "Cháu nói là…"

Anh không nói tiếp, chỉ đưa tay chạm vào gò má đã ửng hồng của cô, rồi vòng tay ôm cô một cái. Anh bùi ngùi thầm than thời gian trôi qua thật là nhanh, cô bé xanh như cọng hành năm nào giờ đã lớn thật rồi.

Cũng trong năm ấy, Giang Nguyệt đột nhiên cao lên rất nhiều. Từ trước cô luôn gầy gò, thấp bé, lúc nào ở trong lớp cũng bị xếp ngồi bàn đầu, xếp hàng lúc nào cũng đứng đầu tiên. Mùa đông năm ấy, cô giống như được bàn tay ma thuật của thượng đế kéo dài ra, đột nhiên cao hơn hẳn mười mấy phân. Về sau, việc dậy thì ngày càng rõ rệt, phần ngực căng đầy, thân hình không còn mỏng như tờ giấy mà đầy đặn như các cô thiếu nữ trong các bức họa cổ điển của châu Âu. Mùa hè, việc mặc áo ba lỗ ở bên trong áo trắng đã không còn thích hợp, cô tự mình ra khu mua sắm, mua chiếc áo ngực đầu tiên cho mình.

Năm cô học lớp mười, dì Lí xin nghỉ việc về quê chăm sóc cháu nội. Giang Quân định thuê một người khác nhưng Giang Nguyệt nhất khoát không chịu, nói cô có thể tự lo liệu cuộc sống.

Giờ nghĩ lại, có lẽ lúc ấy, trong lòng cô đã tồn tại cái tâm lí không muốn cho người khác xen vào cuộc sống của hai người.

Cuối cùng tất cả mọi thứ đều như Giang Nguyệt mong muốn. Cô được tự mình sắp đặt, lo liệu hoàn toàn cuộc sống của hai người, giống hệt một nữ chủ nhân.

Ba năm đó, Giang Nguyệt sống rất thoải mái, tự do tự tại. Ngay tại thời điểm ấy cô cũng có thể cảm nhận rõ ràng rằng đây chính là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của cô.