_ Công chúa!- Vừa nói, Lệ Uyên vừa dâng bảng tấu màu đỏ cho Ngọc Nhạn.
Đón lấy bảng tấu, Ngọc Nhạn chậm rãi mở ra. Từng cái tên lần lượt hiện lên trước mắt nàng.
_ Thái hậu muốn Người xem qua một lần.
Không nói gì, Ngọc Nhạn Công chúa tiếp tục đọc. Môi nàng khẽ nhếch lên tạo thành kiểu cười nửa miệng.
_ Thái hậu còn nói gì không?
_ Thái hậu nói muốn để mọi chuyện cho Công chúa quyết định vì không muốn Người chịu thiệt thòi.
_ Được rồi!- Ngọc Nhạn Công chúa nhàn nhạt nói.- Ngươi hãy đem đến Lễ Tú phòng, bảo họ cứ theo luật mà làm. Nhớ rõ việc này phải giữ bí mật đến khi hoàn thành.
Nhận lại bảng tấu, Lệ Uyên cúi người thi lễ rồi nhanh chóng rời đi. Một nụ cười có phần mờ nhạt hư ảo được vẽ trên gương mặt nàng.
_ Điện hạ! Lôi Vi! Ta sẽ xem xem hai người đối mặt với chuyện này thế nào.
*
Từ khi chuyển vào Túc Duyên các này, Lôi Vi đã bày sẵn một bộ bàn ghế nhỏ ngay trước sân để vừa ngồi ngắm cảnh vừa thư thái nghỉ ngơi. Chiều nay, sau khi giải quyết xong công việc, Phúc Tuần và Phúc Tường đến Túc Duyên các chơi. Vốn dĩ cái bàn đang được đặt ngay gần hồ song vì trời nắng to nên nó nhanh chóng được dịch chuyển đến ngay bên dưới gốc cây Sưa.
Câu chuyện của họ quả thật không có gì mới. Năm nay người phương Tây lại cử sứ thần gửi thư sang Tân Thục ngỏ ý được giao thương hàng hóa hai bên. Đối với người có tư tưởng hiện đại như Lôi Vi đây quả thật là việc tốt. Nhưng Phúc Tuần và Phúc Tường đều không nghĩ như vậy. Để người phương Tây vào đây lo rằng những người này sẽ truyền bá tư tưởng văn hóa của họ vào đất nước khiến dân chúng làm mất đi cái gốc rễ của dân tộc.
_ Nhưng chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích mà phương Tây sẽ mang lại.- Vừa rót trà, Lôi Vi vừa nói.
_ Đọc bức thư của họ là hiểu rõ rồi.- Vừa nhấm ngụm trà, Phúc Tường vừa nói.- Ngươi thử nghĩ sâu xa hơn đi! Sao có chuyện đơn giản là giao thương hàng hóa được.
Nghe Phúc Tường nói, Lôi Vi phải nén lắm mới không bật cười.
_ Nếu chúng ta giao thương hàng hoá với họ, cũng giống như chúng ta giao thương hàng hóa với Yên Khâu thôi mà. Hơn nữa...Vương gia! Họ viết bằng thứ ngôn ngữ khác, Ngài hiểu họ nói gì sao?
Câu hỏi của Lôi Vi lập tức khiến cổ họng của Phúc Tường ngưng hoạt động làm cho trà trong miệng dần trở nên chát. Bật cười nàng quay về phía Phúc Tuần.
_ Em có thể đọc bức thư đó được không?
Có chút lưỡng lự nhưng cuối cùng Phúc Tuần cũng gật đầu để Lôi Vi đọc thư.
_ Được!- Vừa nói, Phúc Tuần vừa lấy từ trong bức thư ra.
_ Ngươi thì biết gì chứ?- Phúc Tường cố vớt vát lại chút hình tượng.- Cái tấu chương của họ nhìn sao cũng cảm thấy kỳ quái. Một tờ giấy xếp gấp lại bỏ vào trong một tờ giấy được gấp thành một cái túi rồi dùng cái gì đó bịt lại.
Phúc Tường càng nói Lôi Vi càng cười không ngớt. Đến khi có thể dừng được, miệng của nàng đã khát khô hết cả.
_ Cái này được gọi là phong thư dùng để đựng thư vào. Cũng giống như của nước mình thôi. Cái phong thư này rất dễ làm. Hôm nào tiểu nữ sẽ làm cho Ngài xem. Còn "cái gì đó bịt lại" phong thư này chính là nến được đun lên cho chảy ra thành một dạng chất lỏng gần giống nước sao đó họ sẽ đổ một ít vào vị trí này để dán lại, không cho ai xem. Trước khi nến nguội đi, họ sẽ dùng một con dấu đóng vào. Ở đây, con dấu này có hình một chiếc vương miệng chứng tỏ, bức thư này được gửi từ Hoàng gia của một đất nước phương Tây.
Nghe Lôi Vi giải thích Phúc Tường đành muối mặn. Khi nãy trong lúc cao hứng, chàng đã quên mất nàng là đến từ tương lai và lẽ dĩ nhiên nàng hoàn toàn biết những điều này.
_ Được rồi Bát đệ! Chúng ta không nói lại Vi Nhi đâu!- Vừa nói, Phúc Tuần vừa vỗ vai an ủi Phúc Tường.- Nàng thử xem xem họ viết cái gì trong thư. Bọn ta quả thật đọc không ra.
Gật đầu, Lôi Vi nhanh chóng mở thư ra. Nhưng khi mở thư ra, nàng không khỏi cảm thán.
_ Calligraphy sao?
_ Ca-li-ra-phi?- Chất giọng Phúc Tường khó hiểu.- Nó là cái gì?
_ Là một kiểu viết chữ nghệ thuật của phương Tây. Calligraphy! Đây là một lối viết đầy tính nghệ thuật chẳng khác nào thư pháp. Vậy nên để đọc được nó cũng không phải là chuyện dễ dàng gì. Được rồi! Tiểu nữ sẽ ráng nhìn để dịch vậy! Cho tiểu nữ chút thời gian.
Tuy ở trường Lôi Vi học khá môn Anh nhưng dù sao đây cũng không phải là môn chuyên của nàng vậy nên việc dịch nó cũng gặp đôi chút khó khăn. Vào phòng lấy hai tờ giấy, một cây viết chì và Ipad ra, nàng bắt đầu công việc của mình. Vừa đọc, nàng vừa dịch nó. Những chữ nào không thể dịch được liền nhờ tới từ điển trong Ipad giúp sức.
Trong khi đó, Phúc Tuần lẫn Phúc Tường đều chăm chú quan sát nàng. Nàng viết thứ ngôn ngữ gì bản thân họ cũng không biết song họ đoán đây là thứ ngôn ngữ nàng hay dùng. Trong đầu họ đều không khỏi tò mò đây có phải là thứ ngôn ngữ con cháu của họ sẽ dùng sau này?
_ Xong rồi!
Sau nửa canh giờ cuối cùng Lôi Vi cũng đã dịch xong.
_ Xong rồi thì đọc cho chúng ta nghe xem.- Gấp quạt lại, Phúc Tường lên tiếng.
_ Không thành vấn đề!
Vừa nói Lôi Vi cười thật tươi, sau đó nàng cầm bản dịch của mình lên và đọc
"Kính gửi Hoàng đế Tân Thục,
Ta tên là Elisa, Nữ hoàng xứ Donlish.
Đầu tiên, Ta gửi đến Ngài lời chào chân thành nhất xuất phát từ trái tim của Ta.
Donlish của Ta đã nhiều lần cử sứ thần đưa thư đến Tân Thục của Ngài với thiện chí được kết tình giao ban giữa hai nước. Nhưng đến nay vẫn chưa được Ngài chấp thuận.
Từ đất nước xa xôi, Ta rất mong Ngài sẽ suy nghĩ và đồng ý lời đề nghị của Ta. Bởi điều này hoàn toàn mang lại lợi ích giữa hai bên và giúp cho cả hai đất nước cùng vững bền.
Việc giao lưu, buôn bán hàng hóa sẽ giúp cho hai bên có được nguồn lợi kinh tế nhất định. Chúng ta mang đến đất nước Ngài những sản phẩm các Ngài không có và mua những sản phẩm chúng ta không có tại đất nước Ngài. Điều này sẽ thúc đẩy kinh tế hai bên phát triển, giúp đời sống nhân dân hai nước đều được ổn định, đầy đủ.
Bên cạnh đó, nó cũng sẽ giúp dân chúng hai đất nước chúng ta học hỏi và giao lưu văn hóa với nhau. Ta tin rằng, đất nước các Ngài là một đất nước tươi đẹp, phồn thịnh đáng để cho người dân của Ta đến tìm hiểu, khám phá.
Bằng tất cả sự trân trọng của mình, Ta hy vọng Ngài có thể chấp thuận mong ước này của Ta vì sự phát triển của hai đất nước.
Cuối thư, chúc Ngài và Hoàng tộc của Ngài dồi dào sức khỏe, chúc nhân dân của Ngài hạnh phúc, chúc đất nước của Ngài hòa bình."
_ Đó là toàn bộ nội dung của bức thư.- Mỉm cười thật tươi, Lôi Vi đưa mắt nhìn Phúc Tuần và Phúc Tường.
_ Vi Nhi! Đây là tiếng Anh hay tiếng Ý?- Vừa cầm bản gốc lên, Phúc Tuần vừa hỏi.
_ Tiếng Anh hay tiếng Ý là sao?- Phúc Tường ngạc nhiên hỏi.
_ Tiểu nữ nói được ít nhất hai thứ tiếng.- Lôi Vi từ tốn trả lời.- Đây là tiếng Anh.
_ À!- Phúc Tường vỡ lẽ.- Mà trong thư có từ "kinh tế" nghĩa là sao?
Nghe Phúc Tường hỏi, Lôi Vi ngớ người trong giây lát. Nhìn lại bản dịch của mình, nàng nhận ra trong bản dịch có một số từ ngữ được nàng sử dụng ngôn ngữ hiện đại.
_ Kinh tế...đồng nghĩa với giao thương.
_ Người viết bức thư này cho chúng ta là Nữ hoàng sao?
Nhìn dáng vẻ của Phúc Tuần, Lôi Vi phần nào hiểu ra vấn đề. Bốn chữ "Buông rèm nhiếp chính" và ba chữ "Nạn ngoại thích" ngay lập tức hiện lên trong đầu nàng. Xem ra ám ảnh về Lã hậu [1], hoặc Giả Nam Phong [2] cũng như người phụ nữ quyền lực duy nhất, Võ Tắc Thiên [3] vẫn còn đang ám ảnh bọn họ.
_ Nữ nhân cũng có thể can dự vào triều chính sao?- Phúc Tường ngạc nhiên.- Phương Tây thật lạ!
_ Ở phương Tây có rất nhiều Nữ hoàng. Họ nắm giữ quyền lực một cách đường đường chính chính và cai trị đất nước của mình bằng sự thông minh, nhạy bén. Có thể kể đến một vài người như: Cleopatra [4] Nữ hoàng của Ai Cập; Boudica [5] là Nữ hoàng vùng Iceni, phía đông nước Anh thời xưa; Eleanor [6] vùng Aquitaine sau này làm Nữ hoàng của cả nước Pháp. Sau này còn rất nhiều, rất nhiều nữ nhân quyền lực như vậy ở phương Tây. Nhưng hình như...đó không phải là vấn đề chính của chúng ta lúc này thì phải.
Đúng vậy! Đó không phải là vấn đề bọn họ cần quan tâm lúc này. Vấn đề chính đó là việc nên hay không nên giao thương hàng hóa với người phương Tây.
_ Theo tiểu nữ thấy...bức thư này rất chân thành. Hai người nghĩ sao?
_ Ta cảm thấy nghi ngờ!- Phúc Tường chậm rãi lên tiếng.- Biết đâu mục đích của họ là do thám tình hình của chúng ta thì sao?
_ Tân Thục giao thương với Yên Khâu, với Đan Lưu, với Trì Quốc trước kia, với Lăng Quốc trước kia sao Ngài không sợ họ do thám? Mà giờ người phương Tây ngỏ ý giao thương Ngài lại sợ? Không phải là mâu thuẫn sao?
_ Vì đó là các nước lân cận!- Phúc Tuần chậm rãi nói.- Những thương hội đó qua đây đều bị chúng ta kiểm soát chặt chẽ nên vấn đề về do thám tuy có song không đáng ngại.
Nghe Phúc Tuần nói, Lôi Vi càng muốn cười. Nước láng giềng mới chính là nước khó phòng nhất vậy mà chàng lại nói thế. Nàng thật nói không nổi!
_ Vậy ai trong hai người giải thích giúp tiểu nữ hiểu chuyện Khải Phát thương hội là thế nào?
Chỉ với một câu hỏi, hai chàng trai ngồi bên cạnh nàng không biết trả lời thế nào. Vì tính chất của vụ này nào đâu phải nhỏ. Hãm hại Hoàng tử, cấu kết với thương hội trong nước để buôn bán bất hợp pháp làm rối nhiễu triều cương đất nước. Không hề nhỏ một tý nào. Nhìn thấy hai người ai cũng tiu nghỉu như mèo bị cắt tai, Lôi Vi phải nén lắm mới nhịn được cười.
_ Hai người chắc đã nghe qua câu "tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư" [7] rồi phải không? Khải Phát Thương hội của Yên Khâu dạy cho chúng ta bài học về việc phải xiết chặt quản lý các thương hội đến từ nước láng giềng. Phương Tây sẽ dạy cho chúng ta về việc không nên bế quan tỏa cảng [8] với những đất nước không cùng châu lục. Bên cạnh đó chúng ta sẽ học được không ít kiến thức bổ ích từ họ đâu. Vậy nên theo ý kiến của cá nhân tiểu nữ, chúng ta nên giao thương với họ. Còn vấn đề sợ họ do thám này nọ, cái này phải nhờ vào cái đầu của đương kim Thái tử.- Vừa nói, Lôi Vi vừa gõ nhẹ vào đầu của Phúc Tuần.
_ Ngươi chắc họ sẽ đem những điều mới mẻ đến không hay chỉ đem đến rắc rối?
_ Nếu quả thật là rắc rối, chúng ta có tránh cũng không thoát. Còn về những điều mới mẻ, tiểu nữ hoàn toàn chắc chắn.
_ Ta không tin!- Phúc Tường vẫn cố chống chế.
Mỉm cười, Lôi Vi đẩy cây bút chì và Ipad của mình về phía Phúc Tường.
_ Đây là mình chứng cho niềm tin của tiểu nữ. Nhìn bề ngoài, có vẻ như tiểu nữ đang chuộng đồ ngoại. Nhưng quả thật người phương Tây sẽ mang lại chúng ta rất nhiều điều bổ ích trong các lĩnh như công nghệ, kỹ thuật, văn hóa nghệ thuật và nhiều ngành khác.
Trong khi Lôi Vi và Phúc Tường tranh cãi về sự được mất khi cho người phương Tây giao thương với đất nước, Phúc Tuần lại trầm ngâm nghĩ ngợi. Một đất nước muốn cường thịnh là phải giao lưu với các nước khác. Nhưng hiện giờ tình hình các nước láng giềng đang không ổn tý nào, điều này sẽ khiến Tân Thục bị ảnh hưởng. Cho người phương Tây vào triều vào lúc này e không hợp cho lắm. Song nếu cứ khước từ họ mãi đến một lúc nào đó họ sẽ chuyển sang ngỏ lời với nước khác, như vậy không phải sẽ càng bất lợi hơn cho Tân Thục hay sao?
*
"From the moment I met you I just knew you"d be mine. You touched my hand, and I knew that this was gonna be our time..." (Ngay từ khoảnh khắc gặp anh, em đã biết anh sẽ là của em. Từ lúc anh chạm tay vào em và em biết rằng đây sẽ là thời khắc của chúng ta...) vừa hát theo bài hát Best in me của Blue đang mở trong Ipad, Lôi Vi vừa ngắm nghía bức tranh mới vẽ xong lúc chiều. Đã lâu rồi nàng không đụng đến màu nước cứ nghĩ tay nghề đã lụt đi ai ngờ nó vẫn chưa giảm sút. Thật đáng mừng!
Nhưng nhắc đến chuyện này, Lôi Vi lại không khỏi bực mình với Phúc Tường. Trong khi nàng đưa ra cả đống lý lẽ để bảo vệ ý kiến nên giao thương với người phương Tây của mình, chàng ta lại cứng đầu bảo vệ quan điểm sợ gây ảnh hưởng đến an toàn của đất nước. Nhìn bề ngoài phóng khoáng là vậy thật không ngờ chàng ta lại bảo thủ đến thế là cùng. Nàng tự hỏi không biết Băng Luân Công chúa làm sao có thể dung hòa được với chàng Vương gia này.
Cuối cùng để minh chứng cho những gì mình nói, cả hai đã cùng bước vào một cuộc thi mà Phúc Tuần làm giám khảo. À vâng! Phúc Tuần làm giám khảo! Nghe tên giám khảo là có thể thấy được sự thiên vị rồi. Và cuộc thi của hai người chính là cuộc thi vẽ, đề tài là Tĩnh vật. Cả hai sẽ cùng vẽ một mẫu vật có sẵn. Nhưng trong khi Phúc Tường vẽ bằng chất liệu mực, màu của Tân Thục, nàng sẽ vẽ bằng chất liệu màu nước của phương Tây. Sau hơn một giờ đồng hồ vẽ và hoàn thiện bức tranh, Phúc Tuần lại phán cả hai hòa nhau. Rõ ràng chàng cố ý nói thế để tránh việc bị ăn mắng từ một trong hai người. Nàng thật tức không chịu được. May mà lúc đó Băng Luân Công chúa đến đã xả hận cho nàng.
Đơn giản là nàng đã hỏi Băng Luân Công chúa rằng nhìn vào hai bức tranh, nàng ấy thấy bức tranh nào đẹp hơn. Băng Luân Công chúa nhìn hai bức tranh không biết do ai vẽ ngây thơ chỉ vào bức tranh vẽ bằng màu nước đẹp hơn. Khi đó không cần nhìn nàng cũng biết được trên đầu Phúc Tường có mấy cái vạch đen sì như trong các bộ phim Anime của Nhật. Chỉ cần nhớ đến đó thôi là Lôi Vi lại muốn cười ngất cả lên.
"Cốc...cốc...", tiếng gõ cửa nhẹ vang lên.
_ Vi Nhi!- Phúc Tuần bên ngoài vọng tiếng vào.- Là ta đây!
_ Cửa khóa rồi!- Chất giọng của Lôi Vi hậm hực.
Dứt câu, Lôi Vi toan đi vào phòng ngủ song cánh cửa đã bật mở. Phúc Tuần chậm rãi bước vào, đôi mắt nhìn nàng có chút ủ dột.
_ Giận ta sao?
Nhẹ nhàng xoay người lại, Lôi Vi vòng hai tay trước ngực, mặt hơi kênh lên.
_ Ai mà dám giận Thái tử Điện hạ chứ?- Lôi Vi cố tình kéo dài giọng nói ra.- Tiểu nữ chỉ không ngờ Điện hạ lại nhu nhược, không có chính kiến đến vậy.
Thở ra một tiếng, Phúc Tuần tiến về phía Lôi Vi và ôm lấy nàng mặc nàng giãy nảy.
_ Tha cho ta đi có được không? Một bên là Bát đệ, một bên là nàng. Ta phán ai vẽ đẹp hơn cũng không xong nên chỉ còn cách đó thôi.
_ Vậy ngay từ đầu anh đừng có nhận làm giám khảo.- Quay mặt đi, Lôi Vi nói.
_ Là...là hai người ép ta mà.
_ Uhm?
Quay lại nhìn Phúc Tuần, đôi mắt của nàng thật khiến chàng không rét mà run.
_ Là tại ta!- Phúc Tuần xuống nước.- Đáng lý ra ta không nên nhận làm giám khảo chấm tranh của hai người.
_ Biết thế thì tốt! Tha cho anh lần này!
Nghe Lôi Vi nói vậy Phúc Tuần thở phào nhẹ nhỏm. Chưa kịp hoàn hồn trở lại nàng đã đặt một nụ hôn thật khẽ lên gò má chàng. Ngay lập tức hồn chàng bay lên mây. Chưa bao giờ chàng cảm thấy bản thân chịu một chút ấm ức lại xứng đáng đến vậy. Mỉm cười thật tươi chàng tiến về phía nàng lúc này đã thoát ra khỏi vòng tay của chàng từ khi nào và đang ngồi trên chiếc ghế dài cuối phòng.
_ Lúc chiều, nghe nàng nói ta không thể không thừa nhận, người phương Tây quả thật có nhiều thứ hay ho. Nhưng chúng ta không hiểu cái gì thì làm sao học và tiếp thu được.
Hiểu ý Phúc Tuần, Lôi Vi mỉm cười quay sang nhìn chàng.
_ Em sẽ chỉ anh!
_ Nàng có thể?- Phúc Tuần có chút ngạc nhiên.
_ Em biết cái gì sẽ chỉ cái đó. Em sẽ chỉ chỉ những thứ cơ bản nhất thôi. Còn nếu anh muốn biết nhiều hơn thì có Ipad và quyển Bách khoa của em đó, anh có thể lấy đọc bất kỳ lúc nào.
Nghe vậy Phúc Tuần tỏ ra thích thú chẳng khác nào một đứa trẻ được tặng quà.
_ Vậy chúng ta học cái gì trước tiên?
Có chút ngạc nhiên, Lôi Vi chau mày nhìn Phúc Tuần.
_ Học ngay bây giờ sao?
_ Đúng vậy!- Vừa nói, Phúc Tuần vừa vòng tay qua ôm Lôi Vi.- Nàng cũng biết, buổi sáng ta phải lên triều. Sau đó đọc rồi phê duyệt tấu chương, bàn thảo cùng phụ hoàng đến tận chiều có khi đến tối. Thân phận của nàng lại đặc biệt, không thể bị lộ được. Vậy nên chỉ còn có lúc này thôi.
_ Anh...là đang nghĩ cho em hay đang nghĩ cho mình vậy?
_ Cả hai!- Phúc Tuần cười hiền.
Nhìn nụ cười lấy lòng của chàng, Lôi Vi thật không khỏi buồn cười. Chàng vốn đâu phải là người thích lấy lòng người khác chứ, vậy mà giờ lại ra sức lấy lòng nàng. Thật dở khóc dở cười! Nhưng với một người không thân thích, họ hàng gì với mình như nàng, chàng lại can tâm tình nguyện thay đổi tính tình, trở nên ôn nhu hơn, hài hước hơn, ngọt ngào hơn, đó không phải là yêu thì gọi là gì?
_ Được!- Vừa nói, Lôi Vi vừa đứng lên.- Giờ chúng ta học! Đầu tiên là cầm bút.
Nghe Lôi Vi phán hai chữ sau cuối Phúc Tuần không khỏi ngạc nhiên. Đến khi thấy nàng lấy giấy bút ra rồi viết vài chữ, chàng mới hiểu với loại chữ này nếu dùng bút lông viết sẽ khó nhìn ra. Đến khi nàng chỉ chàng cầm bút, chàng mới thấy không đơn giản.
_ Đặt bút vào giữa ngón cái và ngón trỏ sau đó giữ bút bằng đầu ngón cái và ngón trỏ. Các ngón khác gập lại.- Vừa nói, Lôi Vi vừa làm mẫu.- Đây! Anh cầm thử đi.
Dứt câu, Lôi Vi cho bút vào tay phải của Lôi Vi rồi vừa nhìn chàng làm vừa hướng dẫn đến khi chàng có thể làm thành thạo.
_ Đó chỉ mới là cầm bút thôi!- Mỉm cười, Lôi Vi quay sang nhìn Phúc Tuần.- Bây giờ chúng ta sẽ học viết.
Sau đó, Lôi Vi cầm tay Phúc Tuần viết nắn nót từng chữ một. Viết đến chữ nào, nàng đều phát âm chữ đó một cách rõ ràng để chàng đọc theo. Trong khi chàng chăm chú nghe đọc và nhìn theo từng nét chữ nàng phải nén lắm mới nhịn được cười khi ý nghĩ về cậu học sinh 23 tuổi học lớp 1 bay ngang qua đầu nàng.
Cầm tay Phúc Tuần ghi ba hàng đủ 32 chữ cái bao gồm cả các chữ cái tiếng Anh, Lôi Vi thả tay chàng ra để chàng tự viết. Kết quả nét chữ của chàng thực sự rất đúng với câu "phượng múa rồng bay". Xem ra nàng còn phải cầm tay chàng để luyện viết dài dài.
_ Được rồi! Tối nay đến thôi! Bấy nhiêu chữ cái đó anh tự tập viết đi. Nhớ phải viết sao cho tròn chữ rồi hẵng đến tìm lão sư này. Khi đó em sẽ chỉ tiếp.
Nghe Lôi Vi nói vậy, Phúc Tuần có chút hụt hẫng. Vừa nãy khi nàng cầm tay chàng giúp chàng nắn nót viết từng chữ, lòng chàng như tưng bừng, ngọt ngào như tràn đầy khiến chàng không thôi mỉm cười. Cũng may lúc đó nàng đứng sau lưng chàng bằng không chắc chàng không biết phải làm thế nào mất.
Nhìn ra bầu trời, chàng thấy nửa vầng trăng đang dần lên đến đỉnh. Song chàng quả thật không nỡ xa nàng. Hay là nói nàng chỉ thêm cho chàng cái gì nhỉ? Nhưng khuya rồi nàng cũng cần phải nghỉ hơn. Lòng chàng thật mâu thuẫn. Nửa muốn ở bên nàng lâu hơn nửa lại không muốn làm ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi của nàng. Giá nàng là thê tử của chàng thì tốt biết mấy.
_ Khi nãy đứng ngoài cửa ta có thấy âm thanh gì đó.- Vừa xoay người về phía Lôi Vi, Phúc Tuần dịu dàng hỏi.- Hình như...là nhạc...nhưng nghe rất lạ. Ta còn nghe thấy nàng...hát theo bài hát đó.
_ Đó là một bài hát tiếng Anh.- Vừa cười, Lôi Vi vừa trả lời.- Bài hát đó ra đời khi em còn nhỏ. Tên của bài hát dịch ra có nghĩa "Điều tốt đẹp nhất trong em."
_ Vậy sao? Ta rất muốn biết thứ tiếng đó. Nàng có thể chỉ cho ta không?
Nghe Phúc Tuần nói vậy, Lôi Vi không khỏi ngạc nhiên.
_ Anh rốt cuộc là...học trò chăm học hay là...Thái tử học làm sang thế?
_ Thái tử học làm sang?- Phúc Tuần nhăn trán khó hiểu.
_ Đó là tên của một vở kịch em đã từng được học. Nhưng em đã bóp méo tên nó đấy. Tên nó là Trưởng giả học làm sang của Molie, một nhà viết kịch người Pháp. Xét về thời đại, ông ta sinh sau anh vài thế kỷ.
Nghe Lôi Vi nói, Phúc Tuần gật gù. Song nhận ra có điều gì đó không đúng, chàng vội quay lại nhìn nàng.
_ Vở kịch đó nói về cái gì vậy?
_ Nói về một Trưởng giả học đòi giới thượng lưu. Chỉ cần nghe đến giới thượng lưu đều làm như thế này, thế kia, ông ta đều bắt chước làm theo bất kể đúng hay sai, bất kể người nói có đáng tin hay không. Nói chung là "học" không có bài bản. Gần giống như kiểu thích cái nào học cái đó.
Dứt câu, Lôi Vi thấy nét mặt của Phúc Tuần sa sầm xuống.
_ Ta chỉ là nhất thời hứng thú muốn tìm hiểu văn hóa phương Tây thật không ngờ lại bị nàng nói thành ra thế này.
Nghe chất giọng ảm não của Phúc Tuần, Lôi Vi không khỏi bật cười.
_ Được rồi! Em chỉ chọc anh một chút thôi mà.
_ Ta biết rồi!- Trong giọng nói của Phúc Tuần lẩn khuất tiếng cười.
_ Thôi! Anh về nghỉ đi ngày mai còn phải lên triều sớm đó.
Lôi Vi vừa dứt câu, Phúc Tuần đã vội ngưng cười sau đó nhìn nàng một cách chăm chú đến nổi khiến nàng đỏ cả mặt phải quay người đi chỗ khác.
_ Vi Nhi!- Vừa nói, Phúc Tuần vừa xoay người Lôi Vi lại.- Tối nay, ta có thể ở đây với nàng không?
Lời nói của Phúc Tuần chả khác nào sét đánh ngang tai Lôi Vi. Trong chốc lát nàng cảm thấy choáng váng.
_ Hả? Anh...anh...nói cái gì?
_ Ta muốn ở đây với nàng!- Phúc Tuần nhắc lại lần nữa.- Ta sẽ không làm gì đâu, ta chỉ muốn ngắm nàng ngủ, vậy thôi.
_ Nhưng mà...- Vội buông tay Phúc Tuần ra, Lôi Vi đứng thẳng người.- Chuyện này...em là nữ nhân...anh là nam nhân...chúng ta...chúng ta sao có thể ở chung một phòng được chứ?
Càng nói Lôi Vi càng lắp bắp, theo đó cả gương mặt nàng cũng đỏ dần lên. Nàng đọc tiểu thuyết ngôn tình nhiều nên cũng thấy chuyện nam nữ chưa kết hôn mà sống chung với nhau là chuyện bình thường, Song dù sao đó cũng chỉ là trong truyện mà thôi, còn thực tế lại hoàn toàn khác. Dù sống ở bất kỳ thời đại nào, cả hai vẫn phải chịu sự ràng buộc của lễ giáo, của đạo đức xã hội. Dù cho không làm gì cả song cả hai cũng không thể ở chung phòng với nhau một đêm được. Chuyện này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến nàng mà còn đến chàng nữa. Càng nghĩ nàng càng cảm thấy rối.
_ Phúc Tuần à! Không được đâu?
_ Nàng đang lo sợ điều gì?- Đứng lên, Phúc Tuần nhìn Lôi Vi rồi hỏi.- Tiết hạnh của nàng? Nàng yên tâm! Ta sẽ không để tiết hạnh của nàng bị vấy bẩn.- Chàng nghiêm giọng.- Ta sẽ không để bất kỳ ai bôi bẩn tiết hạnh của nàng.
_ Không phải!- Lôi Vi lắc đầu.- Em lo cho anh! Anh vừa mới được sắc phong chưa bao lâu mà đã...đã ở qua đêm với một ca vũ. Một đồn mười. Mười đồn thành trăm. Khi đó mọi người sẽ nghĩ anh có đời sống...bừa bãi...không đáng để tin tưởng, không đáng để đảm nhận trọng trách của một Thái tử, của một vị Hoàng...tóm lại, em không thể để anh vì em mà phải đối mặt với khó khăn.
Phúc Tuần rất nhanh chóng nắm bắt được câu nói hớ của Lôi Vi. Chàng nhìn thẳng vào mắt nàng.
_ Trọng trách của một Thái tử, của một vị...gì?
Biết Phúc Tuần đã nắm được câu mấu chốt, Lôi Vi không biết nói gì hơn. Nếu chàng biết trước mọi chuyện về trận chiến cuối cùng, lịch sử sẽ bị thay đổi. Không! Nàng không thể để điều đó xảy ra. Tân Thục cần một vị minh quân như chàng. Chàng nhất định phải lên ngôi trở thành Linh Phúc Hoàng đế.
_ Vi Nhi!
_ Đừng làm khó em! Em không thể nói!
Nhìn gương mặt muốn khóc tới nơi của Lôi Vi, Phúc Tuần không khỏi thở dài. Thật nhẹ nhàng, chàng ôm lấy thân hình nhỏ bé của nàng.
_ Được rồi! Ta không làm khó nàng. Nàng nghỉ ngơi sớm đi!
Dứt câu, Phúc Tuần chậm rãi buông Lôi Vi ra rồi quay người dời bước. Nhưng trước khi kịp bước chân ra khỏi cửa, nàng đã chạy đến ôm lấy tấm lưng rộng của chàng.
_ Phúc Tuần!
_ Sợ ta giận nàng sao?- Vừa hỏi, Phúc Tuần vừa đưa một tay lên gữa đôi bàn tay của Vi Nhi.- Ta không giận nàng đâu.
_ Có những chuyện em không thể nói được, em xin lỗi.
_ Ta đã nói là không sao rồi mà.- Vừa nói, Phúc Tuần vừa ngẩng đầu lên nhìn ánh trăng đang tròn dần.- Vi Nhi! Nhất định sẽ có một ngày ta rước nàng về làm thê tử của ta, Mạnh Phúc Tuần này. Khi ấy, những lo lắng của nàng vì ta sẽ không còn. Còn nữa, nàng tuyệt đối đừng bao giờ nghĩ rằng vì một chuyện nào đó nàng sẽ trở thành gánh nặng của ta trong triều. Cuộc chiến trong triều là cuộc chiến của nam nhân bọn ta, không liên quan gì đến nữ nhân như nàng cả. Vậy nên ta tuyệt đối sẽ không để bất kỳ kẻ nào có ý lợi dụng, lôi kéo nàng vào cuộc chiến này.
Từng lời nói của Phúc Tuần chứa đầy sự đanh thép nhưng đâu đâu cũng tràn ngập yêu thương khiến Lôi Vi không khỏi xúc động. Có lời nói này của chàng, dẫu bão tố có lớn đến đâu, nàng sẽ cùng chàng đối mặt.
---------------------
[1] Lã hậu: Lã Trĩ (Lữ Trĩ) sau khi Hán Cao Tổ Lưu Bang băng hà, Hán Huệ đế Lưu Doanh lên ngôi, Lã hậu đã buông rèm nhiếp chính. Sau khi Hán Huệ đế qua đời, bà đã dựng nên 2 triều vua là Hán Tiền Thiếu đế và Hán Hậu Thiếu đế. Hai vị vua này được bà lập nên khi còn rất nhỏ nên bà đã đích thân lâm triều, buông rèm nhiếp chính. Và trong khoảng thời gian bà chính thức buông rèm nhiếp chính (khoảng 8 năm) nạn ngoại thích hoành hành khắp nơi. Dòng họ Lã của bà đã thao túng, làm lũng đoạn triều đình.
[2] Giả Nam Phong: là Hoàng hậu của Tấn Huệ đế nhà Tây Tấn. Nàng là con gái của Giả Sung, khai thần công quốc nhà Tây Tấn. Tương truyền Tấn Huệ đế vốn từ nhỏ đã ngờ nghệch nên mới thích một xú nữ như Giả Nam Phong. Vì Tấn Huệ đế là con trai duy nhất của Hoàng hậu Dương Diễm và Tấn Vũ đế nên một phần nghe Hoàng hậu khuyên, phần nữa vì lo lắng cho con trai, Tấn Vũ đế đã lập Giả Nam Phong làm Thái tử phi. Khi làm Thái tử phi, nàng đã hãm hại Dương Chi, vị Hoàng hậu thứ hai của Tấn Vũ đế và một cung nữ vì trót có thai với Thái tử. Khi lên làm Hoàng hậu, nàng đã buông rèm nhiếp chính, thao túng cả triều đình Tây Tấn giết hại đại thần, tông thất trong đó có dòng họ Dương của 2 Hoàng hậu quá cố, khiến Thái tử bị giết chết...Trong cuộc binh biến của Triệu vương Tư Mã Luân, Giả Nam Phong đã bị giết chết. Không những vậy ông còn giết chết Giả Mật (Cháu ngoại của Giả Sung) và 24 người bạn của y cũng như gia đình của họ, trong đó có mỹ nam nổi tiếng Phan Nhạc (người đời sau gọi là Phan An). Tuy Phan An không làm gì nên tội nhưng vì "thờ" nhầm chủ nên bị giết chết cả nhà, chỉ có con trai của huynh trưởng của chàng là thoát chết.
[3] Võ Tắc Thiên: nàng vốn là phi tần của Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Theo tục lệ, khi vua chết các phi tần thường bị tuẫn táng theo. Nhưng Lý Trị lúc này đã là Đường Cao Tông vì sớm đã say mê sắc đẹp của nàng nên tìm mọi cách cứu nàng, đưa nàng đến chùa Cảnh Nghiệp, sau đó lại cho nàng hoàn tục, trở về Hoàng cung. Với sự sắc sảo thông minh của mình, nàng đã không từ bất kỳ thủ đoạn nào, bao gồm cả giết chết đứa con còn trong trứng nước của mình để bước lên ngôi vị Hoàng hậu. Dần dần nàng thay thế Đường Cao Tông lâm triều, giải quyết triều chính.
Sau khi Cao Tông chết, bà dựng nên khoảng 2 đời vua để buông rèm nhiếp chính. Sau đó bà tự mình lên ngôi, đổi Đại Đường thành nhà Võ Chu (Vũ Chu), xưng tôn hiệu Thánh Thần Hoàng đế. Từ khi bắt đầu buông rèm nhiếp chính, bà luôn tỏ ra là một nhà chính trị có tài, song cũng như những nữ nhân chuyên quyền đi trước, bà không thể nào dẹp yên nạn ngoại thích. Về cuối đời bà vướng vào sự lựa chọn nên để con cháu họ Võ của bà lên ngôi hay trả lại Hoàng vị cho nhà họ Lý. Tuy là một nữ nhân tài năng kiệt xuất, nhưng bởi những tội ác bà đã gây ra nên bà bị xem là vết nhơ trong lịch sử Trung Quốc.
[4] Nữ hoàng Cleopatra: là vị nữ hoàng nổi tiếng nhất của Ai Cập cổ đại. Bà vốn là thành viên của nhà Ptolemaios, Hy Lạp. Bà là một nữ hoàng không chỉ xinh đẹp mà còn tài giỏi của Ai Cập cổ đại.
[5] Nữ hoàng Boudica: bộ tộc người Briton Iceni thuộc người Celt đã lãnh đạo một cuộc nổi dậy chống lại lực lượng chiếm đóng của đế chế La Mã.
[6] Nữ hoàng Eleanor: là một trong những phụ nữ quyền lực và giàu có nhất Tây Âu trong giai đoạn Trung kỳ Trung cổ. Bà trở thành Nữ công tước xứ Aquitaine (Duchess of Aquitaine) khi còn là đứa trẻ, nắm vị trí cai trị xứ Aquitaine một cách độc lập. Sau đó, bà trở thành Vương hậu nước Pháp (1137–1152) và Vương hậu nước Anh (1154–1189).
[7] Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư: ba người cùng đồng hành, tất có người là thầy ta.
[8] Bế quan tỏa cảng: chính sách đóng cửa, không chịu giao thiệp với nước khác. Chính sách này vẫn thường được các nước thời phong kiến sử dụng với các nước khác, đặc biệt là các nước phương Tây nhằm mục đích đồng hóa nhân dân, không cho nhân dân bị ảnh hưởng tư tưởng, văn hóa của các nước phương Tây.
---------------------------------
Hết chương 81