Dưỡng Tính

Chương 4




Kỳ Bạch Nghiêm đưa Đường Thi về nhà. Đi được nửa đường, chuông di động vang lên, Kỳ Bạch Nghiêm bắt máy.

“Vâng.”

“Được, cháu sẽ nói với cô ấy.”

“Cháu biết.”

“Không cần đâu.”

Không biết bên kia nói gì, Kỳ Bạch Nghiêm nhìn Đường Thi.

Đường Thi không hiểu gì.

“Vâng, được ạ.”

“Tạm biệt.”

Cúp máy, Kỳ Bạch Nghiêm không nói gì, chỉ lái xe.

Kỳ Bạch Nghiêm không nói chuyện, Đường Thi là hoàn toàn không biết nói gì. Thứ nhất là làm phiền anh lái xe, nguy hiểm; thứ hai là không có gì cần thiết phải nói; thứ ba, cho dù có, cô cũng cần 7749 lòng can đảm.

Xe chạy đến dưới khu nhà của Đường Thi, hai người lên lầu, Đường Thi mở cửa, nhìn thấy tình hình trong nhà, hơi mất tự nhiên nói: “…. Dạo này trên lầu bị dột.”

Để không làm hỏng ghế sofa, Đường Thi đã dời hết tất cả sofa trong nhà sang chỗ khác, để xô nước dưới chỗ bị dột, nhìn vừa chật vật vừa lộn xộn. Phòng khách tất nhiên không ngồi được nữa, nhưng mời người ta vào phòng ngủ ngồi…. Đường Thi không nói được thành lời.

Hai người đứng một lúc ở chỗ này.

Cũng may Kỳ Bạch Nghiêm không có ý định ở lại, anh gật đầu, nói: “Nghỉ ngơi sớm.” 

“Vâng.”

Những ngày tiếp theo, Kỳ Bạch Nghiêm sẽ đưa Đường Thi đến nhà chú Ngụy hai lần một tuần, đến thường xuyên hơn, Đường Thi cũng dần thân quen với chú thím Ngụy, cũng dần hiểu ra Kỳ Bạch Nghiêm làm vậy là có ý gì. Cô không giấu được nụ cười —— đồ ăn trên núi thanh đạm quá, Kỳ Bạch Nghiêm đang cải thiện bữa cơm của cô đây này!

Có lần Đường Thi từng ẩn ý thể hiện rằng không cần phải làm thế, cô ăn được món chay, cũng không cảm thấy khó ăn.

Nhưng Kỳ Bạch Nghiêm lại cho rằng cô quá gầy, phụ nữ trẻ tuổi quan tâm vóc dáng của mình cũng nên có mức độ thôi, làm Đường Thi không biết nên khóc hay cười.

Hôm đó Kỳ Bạch Nghiêm ngồi trong tàng thư các dịch kinh Phật, Đường Thi ở gian ngoài đọc sách. Ngoài cổng lớn có vài chú tiểu vội vội vàng vàng chạy qua, loáng thoáng nghe thấy mấy giọng nói ——

“Cầm theo điện thoại! Cầm theo điện thoại!”

“Lấy rồi lấy rồi!”

“Thần kỳ quá đi! Phật Tổ hiển linh!”

“Nhanh lên ~ nhanh lên, lát nữa là hết á!”

Hết tốp người này vừa chạy qua, đến tốp người khác vội vã nối gót. Đường Thi nhìn ra ngoài, sắc trời ngoài cửa sổ hoa văn bừng sáng, bầu trời âm u, điềm báo mưa to. Đường Thi đặt sách xuống, nhẹ chân nhẹ tay lên lầu, đóng lại toàn bộ cửa sổ trong tàng kinh các. Lúc đóng cánh cửa ngoài cùng phía tây, nhìn thấy trên bầu trời có một đám mây, vàng hơn hẳn so với những đám mây xung quanh, hình dáng kỳ lạ, khá giống với Phật Tổ. Bên cạnh tháp chuông, mấy chú tiểu chen chúc nhau chụp ảnh. Đường Thi mỉm cười, đóng chặt cửa sổ.

Xuống lầu vào phòng sách, thấy Kỳ Bạch Nghiêm đang uống trà, Đường Thi nói: “Lúc nãy Phật hiển linh.”

Kỳ Bạch Nghiêm nhìn cô, không đáp lời.

Hơn một tháng tiếp xúc, khi đối mặt với Kỳ Bạch Nghiêm, Đường Thi không còn căng thẳng như trước nữa, cũng dần dần hiểu được tính cách của Kỳ Bạch Nghiêm — một người rất nhã nhặn, có tầm nhìn rộng, suy nghĩ sâu sắc, giấu kín mọi chuyện trong lòng, trầm lặng và bình tĩnh, không nói thì thôi, đã nói thì phải có nghĩa.

Đường Thi tò mò hỏi: “Thầy không tin?”

Kỳ Bạch Nghiêm đặt trà xuống: “Không tin.”

“Thầy không tin Phật?”

“Không tin.”

Đường Thi thực sự vô cùng kinh ngạc trước câu trả lời này.

“Học Phật và tin Phật là hai chuyện khác nhau.” Kỳ Bạch Nghiêm pha trà cho cô, đưa cho cô, Đường Thi nhận lấy.

“Học phật, sẽ luôn ấp ủ sự tò mò và hoài nghi về Phật; tin Phật, thì Phật là tín ngưỡng, hoài nghi và tò mò là nghiệp chướng, người tin Phật, sẽ không hỏi tại sao, không giải thích Phật có thực sự tồn tại hay không, ‘tin’ đã là tồn tại.”

Đường Thi uống trà, gật đầu, trong lòng vẫn còn ít thắc mắc, đã không tin Phật, vì sao ban đầu lại học về Phật giáo chứ? Cô hỏi: “Thầy không tin Phật, vậy Phật là gì với thầy?” 

Kỳ Bạch Nghiêm không trả lời mà hỏi lại: “Phật là gì với cô?”

Đường Thi nghĩ ngợi: “Thần thoại tôn giáo.”

Kỳ Bạch Nghiêm mỉm cười.

Đường Thi nhìn anh.

Kỳ Bạch Nghiêm hỏi tiếp: “Vậy với cô, những người như Quan Hán Khanh, Vương Thực Phủ, Trương Khả Cửu, thì là gì?”

Quan Hán Khanh, ngoài mọi nguyên tắc, tự đúc câu chữ, ngôn từ trong khúc đượm tình người, câu từ đậm bản sắc, vì vậy đứng đầu nhà Nguyên. 

Vương Thực Phủ, có «Tây Sương Ký» đứng đầu thiên hạ.

Trương Khả Cửu, bậc thầy sáng tác tản khúc thời nhà Nguyên, thanh thoát và đẹp đẽ, lộng lẫy nhưng không hào nhoáng, không nhuốm khói lửa trần gian.

Đều là tác gia khúc Nguyên.

Đề tài nghiên cứu chuyên ngành của Đường Thi. 

“Có khi là bạn tốt.” Đường Thi nói, “Có khi là đối thủ”. Ngày đêm tiếp xúc, không khỏi sinh tình; cách bao thời đại, ngắm hoa qua sương, chẳng thể hiểu thấu.

Đột nhiên Đường Thi hiểu ra.

Phật với Kỳ Bạch Nghiêm, như khúc Nguyên với cô. Mặc dù Đường Thi vẫn còn thắc mắc, nhưng cũng không cần hỏi thêm nữa. Một người xem Phật là đối thủ của mình, hỏi anh vì sao học Phật giáo thì có vẻ buồn cười. 

Hai người không nói gì thêm. Uống xong trà, Kỳ Bạch Nghiêm tiếp tục công việc, Đường Thi rón rén xuống lầu, cầm lên quyển sách lúc nãy, lặng lẽ đọc. Phật Tổ trên bầu trời có lẽ đã nhạt dần, gác chuông bên cạnh không còn ồn ào nữa, trong tàng kinh các thoang thoảng mùi đàn hương và mùi trà, căn phòng chìm vào yên tĩnh.

Hôm nay lại ăn tối ở nhà chú Ngụy.

Vừa vào cửa, một tiếng sấm sét rầm vang, mưa tuôn xối xả. Dùng xong bữa tối, trời vẫn mưa to.

Bốn người ngồi trong phòng khách trò chuyện.

Người lớn tuổi, nói hết quá khứ rồi đến hiện tại, nói hết hiện tại, tất nhiên sẽ nghĩ tới tương lai. Mà người lớn tuổi, còn rất thích quan tâm đến tình trạng hôn nhân của người trẻ tuổi.

Thím Ngụy là một người rất nhiệt tình, hỏi Đường Thi rất nhiều chuyện. Khi biết Đường Thi vẫn còn độc thân, hai mắt lập tức sáng rực.

Đường Thi nhìn, thầm thấy không ổn.

Quả nhiên——

“Một cô gái tốt như cô giáo Đường sao lại còn độc thân?”

“Thím Ngụy giới thiệu cho cháu một người nhé?”

“Bảo đảm tìm một người tốt! Vẻ ngoài kinh tế gia đình không thiếu cái nào!” 

Nhìn thấy đôi mắt cười tươi và mong đợi của thím Ngụy, Đường Thi đau đầu không thôi: “Thím Ngụy à, cháu không có gấp lắm.” 

“Sao không gấp được chớ? Hai mươi sáu cả rồi, yêu đương chừng hai ba năm, hai tám hai chín rồi nha. Phải nhanh lên!” Vẻ mặt nghiêm túc hẳn hoi đó rất giống như đang nói về một sự kiện trọng đại ngàn cân treo sợi tóc của quốc gia.

Đây chính là rào cản giao tiếp giữa người trí thức và người nông dân.

Đường Thi không thể chỉ dùng hai ba câu để nói cho thím Ngụy hiểu rằng chuyện tình cảm sẽ không tự dưng xảy ra ở một độ tuổi nhất định, hôn nhân cũng không phải là tìm một người tạm bợ để chung sống nửa đời còn lại với mình. Nhưng trong mắt thím Ngụy, cưới xin là chuyện đến một độ tuổi nào đó là phải hoàn thành, vợ hay chồng không quá tệ là được.

Đường Thi thở dài, chỉ đành nói: “Thím Ngụy, không phải cháu không muốn tìm…..”

“Vậy là được rồi!” Thím Ngụy vỗ tay nói, “Để thím suy nghĩ kỹ càng cho!”

“Thôi thôi!” Chú Ngụy trừng mắt với bà nhà mình, “Làm ba cái chuyện linh ta linh tinh! Cô Đường nhà người ta xinh đẹp, gia cảnh cũng tốt, còn là phần tử trí thức cao, người mà bà giới thiệu, xứng được hả?”

Thím Ngụy trừng lại với ông nhà mình, nói lớn: “Tôi biết cô Đường tốt chứ bộ! Chắc chắn tìm được người xứng á nha!”

“Rồi rồi rồi, không nói chuyện khác, nói tới trình độ học vấn đây này, ai xứng đây?” Chú Ngụy có chút đắc ý, “Tụi mình không học hành gì, mấy người mà bà quen, có ai học hành đàng hoàng không?”

Thím Ngụy thầm nghĩ, hình như đúng là không có ai có thể xứng với trình độ của cô Đường, tiến sĩ lận nha, người làm nông hơn nửa đời người như bà, ở đâu mà quen được một người có trình độ cao cỡ đó chứ? Liếc mắt thấy chú Ngụy đắc ý nhếch mép, bà không chịu thua, lên tiếng: “Sao không biết được hả? Sao không biết  được hả?” Đảo mắt nhìn thấy Kỳ Bạch Nghiêm, bà hào hứng nói, “Kỳ tiên sinh đó còn gì? Tiến sĩ với tiến sĩ, xứng quá xá!” 

Mặt Đường Thi, lập tức đỏ lên.

Ban đầu thím Ngụy chỉ muốn cãi lại ông nhà mình, nhưng vừa nói ra, càng nghĩ càng thấy đúng, hai mắt sáng hơn cả lúc nãy: “Ông thấy phải không!” Nhưng trong lòng lập tức nghĩ ngược lại, mặc dù cảm thấy Kỳ Bạch Nghiêm xứng với Đường Thi, nhưng nhìn hình tượng thường ngày của Kỳ Bạch Nghiêm là cảm thấy anh không giống người sẽ lấy vợ, cộng thêm sự tôn trọng dành cho anh, bà thực sự không dám nói hai người xứng đôi với nhau nữa, nhưng cũng tìm được đường ra, “Kỳ tiên sinh là tiến sĩ, xung quanh toàn là người có học thức. Nhờ Kỳ tiên sinh tìm vài người tốt, không lẽ không tìm được?”

Chú Ngụy lại trừng mắt với thím Ngụy: “Càng nói càng quá quắt! Bà muốn giới thiệu đối tượng cho cô Đường thì thôi, bây giờ còn muốn kéo cả Kỳ tiên sinh xuống nước, Kỳ tiên sinh….”

“Đừng nói vậy.” Kỳ Bạch Nghiêm lắc đầu, rồi nhìn Đường Thi, “Người xưa có câu, ‘Thà phá hủy mười ngôi đền còn hơn hủy hoại một cuộc hôn nhân’. Không được làm vậy.” 

Anh nhìn ra ngoài, nói, “Mưa tạnh rồi, cô ấy cũng phải về rồi. Chú thím Ngụy nghỉ ngơi sớm nhé.” Nói rồi đứng dậy, Đường Thi đứng dậy theo.

Thím Ngụy nghe vậy thì thấy có hi vọng, đưa hai người ra đầu hẻm, nói với Kỳ Bạch Nghiêm, “Nếu Kỳ tiên sinh có quen biết ai tốt, thì giới thiệu cô Đường cho….”

Kỳ Bạch Nghiêm quay sang bên, ra hiệu cho Đường Thi đi trước. Mắc phải tình huống thế này, Đường Thi cũng thấy rất xấu hổ, bước chân nhanh hơn, tạo khoảng cách với phía sau.

Kỳ Bạch Nghiêm đứng lại, tỏ ý thím Ngụy đừng đi cùng, trời mưa đường trơn, đèn trong đêm còn tối, thực sự không dám để bà đưa ra ngoài, nói: “Thím Ngụy, đừng làm khó [1] nữa.” Rồi nắm tay thím Ngụy, xem như bảo bà cẩn thận, sau đó cất bước đi.

Thím Ngụy thở dài thườn thượt, nhìn Kỳ Bạch Nghiêm đi ra đầu hẻm, sau đó về nhà. “Không phá [2]? Phá gì? Mình có phá đâu…. Hay là nói ‘Không dìu [3]’, bảo mình cẩn thận? Ý của Kỳ tiên sinh là sao đây ta…. Haiz, ông già ơi…..”

SQ: Đây là suy nghĩ của mình, không biết đúng không =))

[1] và [2] là chữ “拆 /chāi/”, nghĩa gốc là xé, tháo, gỡ, phá; còn nghĩa bóng là “vạch trần/phơi bày/nói ra” được dùng trong câu “人艰不拆” (nhân gian bất sách) = cuộc sống đã đủ khó khăn rồi, có nhiều chuyện đừng vạch trần/phơi bày/nói ra để làm khó nhau nữa.” Mình nghĩa ý của thầy Kỳ là bảo thím Ngụy đừng nhắc lại chuyện này nữa, thầy đã nhớ rồi, nói nữa thì Đường Thi xấu hổ. Nguồn giải thích câu “nhân gian bất sách”: https://www.ifanjian.net/jbk/rjbc.html

[3] Từ “dìu, đỡ” đọc là /chān/, đọc gần giống với từ trên.

Đường Thi đứng ở đầu đường chờ Kỳ Bạch Nghiêm, sau khi Kỳ Bạch Nghiêm đi ra, hai người đi về cùng nhau.

Bình thường cả hai không nói nhiều, cũng thường im lặng thế này. Trước giờ Đường Thi không cảm thấy sự im lặng này ngột ngạt gì cả, thế nhưng hôm nay lại thấy rất sốt ruột. Bước đi thầm lặng càng lúc càng nặng nề hơn. Đi được vài chục bước, Đường Thi cảm thấy không chịu nổi nữa, đang định nói chuyện, Kỳ Bạch Nghiêm chợt lên tiếng trước: “Hôm nay mấy câu của thím Ngụy làm cô khó xử, đừng để trong lòng.”

“Vâng.” Đường Thi mím môi trong bóng đêm, “Không đâu ạ.”

Im lặng một lúc, Kỳ Bạch Nghiêm nói: “Cần tôi giới thiệu ai cho cô không?”

“Không cần!” Đường Thi thốt ra, âm lượng hơi lớn.

Lại im lặng hồi lâu.

Hai người ra khỏi hẻm, đi trên đường xá phố phố cổ Bạch Nham, bầu không khí lúc tám chín giờ tối vẫn tấp nập lạ thường, khách du lịch đông như nêm. Hai người vô thức đi cạnh nhau.

“Cũng phải.” Kỳ Bạch Nghiêm quay nhẹ sang nhìn Đường Thi, “Thực ra xung quanh tôi cũng không có ai xứng với cô.” 

“Sao ạ?” Trên đường quá ồn, Đường Thi không nghe rõ, quay sang nhìn Kỳ Bạch Nghiêm, “Thầy mới nói gì vậy ạ?”

“Tôi nói——” Hiếm khi Kỳ Bạch Nghiêm phải tỏ ra nghiêm túc, nghiêng người về phía Đường Thi để cô nghe rõ, “Xung quanh tôi….”

“Á——” Đường Thi đột ngột bổ nhào đến phía trước, trong lúc hoảng hốt vội vã đứng vững lại, khuôn mặt điềm đạm và nghiêm nghị của Kỳ Bạch Nghiêm gần ngay trước mắt, bờ môi sượt qua làn da ấm áp.

Mẹ của cậu nhóc quát lên bảo cậu nhóc dừng lại: “Chạy gì mà chạy! Trúng người ta kìa!”

“Xin lỗi nhanh!”

Đường Thi vờ tỏ ra bình tĩnh, nhìn sang bên cạnh.

Cậu nhóc cầm cây kẹo hồ lô dài một mét, nhìn cô thỏ thẻ: “Chị ơi em xin lỗi……”

“Không sao.”

Người mẹ kéo cậu nhóc lại, liên tục  xin lỗi: “Thực sự xin lỗi cô nhiều! Mới không để ý đến nó….”

“Không sao hết ạ.” Đường Thi cười với họ, hai má đỏ bừng, tim đập thình thịch thình thịch, nhanh đến nỗi đầu hơi choáng váng.

Người mẹ dắt đứa trẻ đi, mất hút trong đám đông. Hai người đứng bê con đường nhộn nhịp, im lặng.