Dưỡng Tính

Chương 11




Editor: SQ 

_____________________ 

“Anh nói cô ấy thích tôi?!” Chử Trần nhìn anh với vẻ bàng hoàng.

Kỳ Bạch Nghiêm mím môi, không muốn nói chuyện.

Chử Trần kinh hãi nhìn anh một lúc lâu, “Ai nói anh biết?”

Kỳ Bạch Nghiêm nhíu mày, “Nhìn ra được.”

Thấy Kỳ Bạch Nghiêm bùng nổ cảm xúc thế này, tâm tình của Chử Trần phức tạp. Thần tiên bị đày không phải thần tiên nữa, mà bây giờ anh còn không được tính là “bị đày”, là một người phàm.  

Chử Trần lại thở dài: “Nói nghe xem, anh nhìn ra được gì?”

Để tránh bị nghi ngờ nên cô không đến lớp, nói chuyện tự nhiên với Chử Trần, cố ý thay quần áo để dự tiệc,… Sự nhạy cảm và điệu đà của cô gái trẻ khi yêu, cô đã thể hiện rất rõ ràng. 

Trong lòng Kỳ Bạch Nghiêm hiểu rõ mười mươi, nhưng không muốn nói. Chử Trần đợi hồi lâu, thấy Kỳ Bạch Nghiêm mãi không nói gì, lần đầu tiên ghét cái tính im ỉm không chịu nói của bạn mình. Người này ấy, chuyện gì cũng để trong lòng từ từ nghiền ngẫm, nghĩ ba mà chỉ nói một, bực chết đi được.

“‘Thích’ là một cảm xúc cấp bách, anh không có hiểu được.” Chử Trần thông cảm cho một trái tim tĩnh lặng như nước suốt ba mươi lăm năm bỗng bị khuấy động nên hoảng loạn ngờ vực, nhưng lại sôi hết cả ruột gan khi thấy người có năng lực nhận thức cực cao đột nhiên ngốc nghếch không chịu nổi, “Nếu anh đã hiểu tường tận ‘thích’ là gì, vậy thì đừng thích nữa.”

Rồi nhìn chằm chằm vào anh, nói: “Tôi không thích cô Đường, cô Đường cũng không thích tôi. Bọn tôi nói thẳng với nhau từ lâu rồi, Bạch Nghiêm, nếu anh thích, thì đừng có thế này. Thích là không chờ đợi được. Huống hồ, tôi thấy cô Đường cũng có ý với anh.” 

Chử Trần không đợi Kỳ Bạch Nghiêm lên tiếng đã nói tiếp: “Anh cũng đừng giới thiệu bạn trai cho cô nàng nữa. Sau mấy tháng nay tiếp xúc, tôi nhận ra cô ấy rất mềm lòng, bình thường không biết từ chối ý tốt của người khác. Nếu anh lại giới thiệu cho cô ấy, bảo đảm cô ấy không nói gì đâu, chỉ lại im lặng chấp nhận thôi.”

Đã đến khách sạn, Chử Trần không vội xuống xe, vẫn ngồi nói tiếp với Kỳ Bạch Nghiêm: “Bạch Nghiêm, lần trước nói chuyện với tôi, anh nói anh không phải người thích hợp. Câu này quá nực cười. ‘Người thích hợp’ là gì? Anh còn chẳng hiểu tình yêu là gì thì sao hiểu được ‘người thích hợp’? Có lẽ ý anh là vì anh không hiểu tình yêu, bản tính lạnh nhạt, cho nên mới không phải người thích hợp, anh không thể cho cô ấy những ngọt ngào vui vẻ, sợ làm trễ nãi thời gian của người ta. Nhưng mà ——” Chử Trần nhìn anh, “đó hoàn toàn là chuyện của anh, không phải của cô ấy. Anh sợ, vậy là anh bỏ chạy, anh chẳng hỏi người ta một câu ‘có bằng lòng không’, lỡ người ta bằng lòng thì sao?”

“Thấy anh thích một ai đó, tôi rất vui. Anh phải trải nghiệm cảm giác thích này. Tôi tin anh mà Bạch Nghiêm.”

Sau khi đưa Chử Trần về, Kỳ Bạch Nghiêm không về nhà, mà đổi hướng quay về chùa Pháp Định.

____

Một học kỳ nhanh chóng trôi qua, bây giờ Đường Thi không có nổi một cơ hội để nói câu “Chào thầy Kỳ”, cả hai quay về cuộc sống của riêng nhau, không một giao điểm.

Vào học kỳ trước, nhóm nghiên cứu dân tộc Di [1] của khoa Lịch sử cần một thư ký bên khoa tiếng Trung, hè năm nay sẽ đi khảo sát thực tế, Đường Thi đăng ký và được chọn, lên đường vào giữa tháng 7.

[1] Dân tộc Di (彝族) chủ yếu sống ở vùng nông thôn và vùng núi phía Tây Nam Trung Quốc. Một số ít sống ở Việt Nam, Lào và Thái Lan thì được gọi là người Lô Lô thay vì người Di.

Khi có danh sách thành viên của nhóm nghiên cứu, không ngờ cũng có Kỳ Bạch Nghiêm.

Địa điểm lần này là thôn Sa Lạp Thác tỉnh Vân Nam của người Di trắng [2]. Đầu tiên phải ngồi máy bay đến Côn Minh, sau đó ở Côn Minh thuê một chiếc xe van nhỏ cho bảy người, ngồi xe gần sáu tiếng đồng hồ, đến văn phòng thôn Sa Lạp Thác.

[2] Trong lịch sử, do sự khác biệt về vùng miền và phương ngữ mà người Di được chia thành Di đen, Di trắng, Di đỏ,… Người Di trắng là một trong những nhánh lớn, phân bố rộng rãi ở các vùng núi Vân Nam, Quý Châu và Tứ Xuyên.

Trưởng thôn, bí thư thôn và các giáo viên đi cùng đã đợi sẵn ở cửa, thấy nhóm người của Phan Tiên Lâm thì vội vàng bước đến bắt tay. Hai bên giới thiệu chào hỏi lẫn nhau, rất nhộn nhịp.

Đã gần đến chạng vạng, sắc trời nhá nhem tối. Sau bữa tối, bảy người có một cuộc họp ngắn. Đây là nhóm nghiên cứu lịch sử, Đường Thi không có quá nhiều kiến thức chuyên môn, công việc của cô chỉ là ghi chép lại lần hai, người khác giao gì cho cô thì cô sắp xếp lại cái đó, xem như là người có công việc nhẹ nhàng nhất trong nhóm. 

Sau khi phân công cho từng người, trưởng khoa Phan dặn dò mọi người nghỉ ngơi sớm, sáng sớm mai đã phải đến làng A Ca.

Đường Thi đến nơi lạ, trằn trọc không ngủ được, nhìn ra cửa sổ thấy bầu trời đẹp đến mức ngỡ ngàng, cô ngồi dậy đeo máy cơ đi lên sân thượng.

Bầu trời đầy sao, dày đặc, một mảng xanh biếc, một mảng đen kịt, như mơ như ảo. Dưới màn đêm lộng lẫy thế này, con người quá đỗi nhỏ bé và tầm thường.

Con người cũng chỉ là một trong muôn vàn sinh vật trên muôn vàn tinh cầu, mà cô, chỉ là một trong những sinh vật bé cỏn con mà thôi, đời người như thoi đưa, một thoáng phù du, không có gì có thể tồn tại mãi mãi. Tình yêu là chuyện khi còn sống, mọi thứ hư vô.

“Xa lìa mộng tưởng điên đảo, cứu cánh Niết bàn [3].” Cô cười khổ, thì thầm, “Chắc mình cũng sắp thành Phật rồi.”

[3] trích trong “Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (Bát Nhã Tâm Kinh).

Hôm sau mọi người đi đến làng A Ca, để nhập gia tùy tục, hai cô gái trong nhóm mặc trang phục địa phương, phần áo được thêu kỹ càng bằng kim chỉ đủ màu sắc, bên dưới là quần màu xanh đen. Đường Thi vừa bước ra thì gặp Kỳ Bạch Nghiêm.

Ánh mắt của cả hai đối diện nhau, trong một thoáng, dường như sự lạnh nhạt và xa cách của cả học kỳ vừa qua chỉ là hư ảo. Ở nơi chỉ có hai người, không ai cần phải ngụy trang.

Đường Thi thấy hơi ngại, nói nhỏ: “…..Chào thầy Kỳ.”

Kỳ Bạch Nghiêm gật đầu, ánh mắt dừng trên người Đường Thi, không có ý định dời đi. Đường Thi không mấy tự nhiên: “Chắc là kỳ cục lắm ạ.”

“Không có.” Kỳ Bạch Nghiêm cười nói, “Đẹp lắm.”

Mặt Đường Thi đỏ bừng: “Dạ.”

“Xuống thôi, họ đang chờ.”

“Dạ.”

Hai người cùng xuống lầu. Tim Đường Thi đập cực nhanh, cảm giác quen thuộc này, cứ như đang ở chùa Pháp Định, như đã cách mấy đời. 

Họ dùng bữa trưa ở nhà một người dân của làng A Ca, trên bàn có một món tên là “O bu”, dịch ra tiếng Di là “O bu”, dịch ra tiếng Trung có nghĩa đen là “bánh bao cá”, dùng cá nhỏ phơi khô nguyên con, không cạo vảy, không bỏ nội tạng, nướng chín trước rồi mới bỏ nội tạng, thêm một lượng lớn gia vị chua cay kích thích như gừng, rau mùi, lá bạc hà, tiêu Tứ Xuyên, ớt hiểm, vân vân, cho hết vào cối đá băm nhuyễn, nặn thành bánh, rồi nướng lại lần nữa đến khi chín vàng.

Đây là một món ăn dân tộc chính gốc, chỉ nhìn bên ngoài thì không thể biết được là món gì. Cô Dương trong nhóm vô cùng tò mò với món này, hỏi: “Món này ăn thế nào? Ăn từng cái từng cái hả?”

Chủ nhà vội xua tay, nói bằng tiếng phổ thông ngắc ngứ: “Không ăn nổi không ăn nổi! Một cái nhiều lắm á, mọi người không chịu nổi đâu!”

Giáo viên người địa phương giải thích: “Món này gọi là ‘bánh bao cá’, vị rất nồng, người địa phương thích ăn món này trong bữa cơm. Mọi người thử chút xíu thôi, chịu nổi hẵng ăn.”

Trong lúc nói chuyện, cô Dương đã xắn một cái, rồi xắn một miếng nhỏ xíu cho mình, xắn thêm một miếng nhỏ cho Đường Thi ngồi cạnh. Hai người là giáo viên nữ duy nhất trong chuyến đi này, ở cùng phòng với nhau.

Đường Thi ôm tâm lý ăn thử xem sao, xắn một miếng bé tí tẹo từ miếng nhỏ xíu đó cho vào miệng. Mặc dù đã được nhắc trước là vị cay nồng kích thích, nhưng Đường Thi không ngờ lại kích thích đến mức này!

Vị rất nặng —— gừng, rau thơm, lá bạc hà, tiêu, ớt, từng hương vị lần lượt nhau làm bùng nổ vị giác, xông thẳng lên đầu. Đường Thi không kịp phòng hờ, ho sặc sụa.

Cô Dương cười lớn, vừa cười vừa gấp gáp lấy nước cho cô, Đường Thi uống hết một ly, lại nhận được thêm một ly từ phía khác, hết ba ly nước, vị cay kích thích này mới dịu đi đôi chút.

Kỳ Bạch Nghiêm ngồi cạnh cô, không khỏi nhíu mày.

Cô Dương cười đủ, ngồi xuống ăn cơm, ăn ngon lành từng miếng từng miếng bánh bao cá.

Đường Thi sầu não nhìn nửa miếng còn lại trong đĩa — cô tuyệt đối không dám ăn nữa, cay đến nỗi cổ họng đau buốt, trong mũi vẫn nồng nặc mùi bánh bao cá. 

Nhưng không ăn…..

“Đưa tôi.” Kỳ Bạch Nghiêm ngồi cạnh đẩy đĩa của mình qua, “Tôi ăn thử.”

Đường Thi nhìn anh, có chút do dự, “Vị nặng lắm….” Kỳ Bạch Nghiêm quen ăn thanh đạm, Đường Thi đã ăn cơm với anh gần hai tháng, tất nhiên biết rõ khẩu vị của anh.

Kỳ Bạch Nghiêm làm như không để ý, “Nhập gia tùy tục. Ẩm thực cũng là một phần của lịch sử.”

Đường Thi gắp cho anh, nhìn chằm chằm Kỳ Bạch Nghiêm với vẻ lo lắng.

Kỳ Bạch Nghiêm nhìn miếng bánh bao cá to bằng đốt ngón tay, mặt không cảm xúc cho vào miệng. Đường Thi chỉ cảm thấy trong miệng cay hẳn lên, ánh mắt sáng quắc.

Cô thấy trán của Kỳ Bạch Nghiêm nổi gân xanh, hai má siết nhẹ, cô chưa từng thấy anh trông thế này lúc ăn cơm bao giờ. Đường Thi vội vã rót nước cho anh, chợt nhận ra một mình cô đã uống hết ba ly nước xung quanh, một ly của cô Dương, một ly của mình, một ly của Kỳ Bạch Nghiêm, cô nào kịp ngại ngùng, lại rót thêm một ly khác đưa cho Kỳ Bạch Nghiêm.

Kỳ Bạch Nghiêm nhận lấy, chậm rãi uống hết. Đường Thi lại rót thêm một ly, Kỳ Bạch Nghiêm cầm lấy uống hết.

Đường Thi rót nước bốn lần, Kỳ Bạch Nghiêm uống hết bốn ly.

Đến ly thứ năm, Kỳ Bạch Nghiêm xua tay, lên tiếng: “Được rồi.” Giọng đã khàn đặc.

Đường Thi thấy buồn cười lẫn cảm động. Không hiểu sao một Kỳ Bạch Nghiêm thế này làm người khác cảm thấy, dễ thương.

Có lẽ ánh mắt của Đường Thi quá trực tiếp, sau khi Kỳ Bạch Nghiêm bình tĩnh lại, vẻ mặt hơi mất tự nhiên, “Ăn cơm thôi.”

Đường Thi đáp “Dạ”, hai người im lặng ăn cơm, không nói chuyện nữa.

Cô Dương ngồi cạnh đảo mắt qua lại, không nói gì.

Sau bữa ăn, mọi người ngồi dưới gốc cây lớn để tránh nắng. Trên thửa ruộng bậc thang bên cạnh, có vài người già dân tộc Di đang ngồi nghỉ ngơi, mấy chàng trai cô gái trẻ người Di đứng nhảy múa trong ruộng, có múa đơn, có múa cặp, âm thanh vang vọng.

Trưởng khoa Phan đặt máy quay trên bờ ruộng, quay lại toàn bộ quá trình. 

Giáo viên đi cùng trò chuyện với họ: “Tuy thế hệ trẻ biết múa, nhưng họ không biết động tác múa có ý nghĩa gì, ngay cả thế hệ của mẹ tôi cũng không biết, chỉ những người già bảy tám chục tuổi trong làng mới hiểu ý nghĩa của vài động tác, biết động tác nào phải múa thế nào mới là đẹp.”

Kỳ Bạch Nghiêm nói: “Văn hóa giao thoa lẫn nhau, có sự lựa chọn của riêng mình.” Giọng khàn hơn lúc nãy nhiều.

Đường Thi không tập trung lắng nghe, cứ không khỏi chú ý đến giọng nói của Kỳ Bạch Nghiêm. Nhỡ hư giọng luôn thì sao đây? Từ đây về văn phòng thôn mất hơn một tiếng, tiệm thuốc cũng gần văn phòng thôn. Kỳ Bạch Nghiêm không ăn cay được, lẽ ra lúc nãy cô không nên để anh ăn.

“Uống nước không ạ?” Đường Thi nói. Không đầu không đuôi, mọi người dưới bóng cây chẳng hiểu gì.

Nhưng Kỳ Bạch Nghiêm gật đầu với cô.

Vậy là Đường Thi đi vào nhà, tìm chủ nhà xin nước.

“Chú Lý có mật ong không ạ?”

“Có có, để tôi đi lấy.”

“Làm phiền chú.”

“Không có phiền không có phiền.” Chú Lý lấy ra một bình lớn, “Mật ong rừng, lấy sau núi, ngọt!”

Chú Lý múc mật ong vào ly nước của Đường Thi, nói: “Nếu cô Đường thích uống, lát nữa múc một ít về văn phòng thôn.” 

“Dạ không cần không cần.” Đường Thi nói, “Cháu không uống. Lúc nãy thầy Kỳ ăn bánh cao cá cay nên cổ họng nóng rát, pha cho thầy ấy ạ.”

“À, tôi bảo mà, bánh bao cá siêu cay, mọi người ăn không quen.” Nói rồi đi vào nhà, tìm kiếm một lúc, lấy ra một túi kẹo thông cổ, “Năm ngoái cũng có một giáo viên đòi ăn cho bằng được, cũng cay không chịu nổi luôn. Cô đưa cho thầy Kỳ ăn đi, hiệu quả tốt lắm.”

Đường Thi cảm ơn.

Cô mang ly nước mật ong và kẹo thông cổ đến, Kỳ Bạch Nghiêm uống nửa ly, ăn hai viên kẹo thông cổ. 

Cô Dương mặt nhăn mày nhó với Đường Thi: “Hồi nãy mình ăn hai cái bánh bao cá luôn nè….”

“Mời cô Dương ăn kẹo.” Một bàn tay từ bên cạnh đưa ra, cắt ngang lời cô Dương đang trêu Đường Thi, trên bàn tay thon dài trắng trẻo là hai viên kẹo thông cổ, Kỳ Bạch Nghiêm cười hiền lành.  

Cô Dương nhận kẹo, điềm nhiên nói: “Thôi được, coi như kẹo cưới vậy.”