Đường Đi Không Nổi Nữa Ca Ca

Chương 84




Đàn Quyên lê lết tấm thân bệnh tật lên trướng nghị sự, quả nhiên chúng tướng nghe nói Hoàn Doãn muốn ngự giá thân chinh, không chỉ không nhận tội mà còn sục sôi ý chí, muốn tìm đến vương Huyền Hạc, thậm chí còn treo cờ xí Võ An công Đàn Tế sử dụng lúc Bắc phạt ngoài cửa nha môn, tuyên bố muốn về với chủ cũ, giành lại non sông. Đàn Quyên bị chúng tướng thúc ép, không còn đường nào thoái lui, đành truyền hịch đi Lạc Dương, đoạn tuyệt với Hoàn Doãn.

Đàn Đạo Nhất bận rộn ở nha thự hai ngày, nhớ đến Như Như, bèn gọi Vương Lao tới hỏi thăm, bấy giờ Vương Lao mới bẩm: “Nương tử được phu nhân đón về phủ trưởng sử rồi ạ.”

Đàn Đạo Nhất sửng sốt, văn thư chất chồng trên bàn, dù là ai cũng chẳng thể thấy nhẹ nhõm cho được, nhưng nghĩ đến Như Như, chàng không khỏi rộ cười. Chàng nhớ đến dáng vẻ bướng bỉnh bất tuân, đôi bàn tay thích cấu véo người khác của nàng. Khi ấy gửi nàng ở lầu trúc nhà Chiêu Chiêu quả thực là vì muốn che giấu tai mắt người khác, nhưng Kinh Tương hôm nay, chàng cũng xem như nói một không hai, Như Như vào phủ trưởng sử, gần chàng hơn đôi chút, chàng càng thêm an tâm.

Nghĩ vậy, cũng chẳng ngồi yên ở nha thự được nữa, chàng đặt bút xuống, vừa dọn bàn vừa hỏi: “Nàng cũng chịu tới à?”

Vương Lao đáp dạ, sợ Đàn Đạo Nhất không yên tâm, còn bảo: “Phu nhân rất khách khí với nương tử.” Hắn là người ngoại lai, biết vị Đàn phu nhân ngoài mềm trong cứng kia về sau chính là trời của mình nên lời lẽ đều có ý lấy lòng và bảo vệ Tạ thị.

Đàn Đạo Nhất xoay người lên ngựa, trên đường đi về phủ trưởng sử, nghĩ bụng: Nàng lớn lên trong bơ vơ không nơi nương tựa, trời sinh đã có lòng đề phòng với nam nhân, nhưng lại có sự ỷ lại một cách mù quáng đối với người cùng giới, đặc biệt là những nữ nhân xinh đẹp ôn nhu như mẫu thân nàng. “Ngốc.” Chàng không khỏi nhíu mày, nhưng lại nhoẻn cười.

Lang quân sắp về phủ, đã sớm có người lanh mồm lanh miệng báo tin cho Tạ thị. Tạ thị mừng rỡ, ngồi trước giá gương chỉnh sửa tóc mây, dán hoa điền, lúc cầm bộ diêu lên thì lại ngơ ngẩn trước bóng hình xinh đẹp trong gương đồng – vội vàng về nhà như vậy là vì biết Như Như đã đến chứ gì? Chứ có phải về thăm mình đâu? Từ khi thành hôn đến nay, Đàn lang kính trọng nàng ta, săn sóc nàng ta, chẳng có gì để oán trách, nhưng trong lòng vẫn không khỏi có phần chua chát.

Tạ thị thở dài não nuột, “Con đường Đàn lang đi tới hôm nay quá gập ghềnh, quá gian nan, nếu có thể khiến chàng vui vẻ, ta hi vọng chàng có thể vui vẻ nhiều hơn một chút.” Nàng ta không nói rõ tâm tư nhỏ của mình với người ngoài: Với thân thế không thể ra ngoài sáng kia của Như Như, dẫu Đàn Đạo Nhất bưng bít, dẫn nàng về Kiến Khang rồi, biết phải ăn nói với bệ hạ thế nào? Cả đời này cũng chỉ có thể là một con chim trong lồng mà thôi.

Nghĩ vậy, nàng ta lại an lòng.

Nàng ta nói với tì nữ: “Nam nhân bất kể bao tuổi, một khi có quyền thế thì đều có cớ để tùy hứng, còn nữ nhân sau khi lấy chồng, lại trở thành mẫu thân, tỷ muội của phu quân, vừa phải dỗ chàng ta vui, vừa phải lo chàng ta làm chuyện hồ đồ. Có đáng thương không?” Buông bộ diêu xuống, đưa mắt ra ngoài – chúng tì nữ đang đốt ngải đuổi côn trùng trong sân, sợ tóc dính mùi, đều bọc kín đầu và mặt, chỉ mình Như Như vẫn mặc bộ váy áo vải xanh mang từ lầu trúc tới, giành trước một bước nhặt rết và bọ cạp bò loạn trong khóm hoa, lén lút ném ra cửa. Đến con muỗi nàng cũng thương xót, sợ chúng mê muội đầu óc mà mất mạng.

“Nó cũng không nhỏ hơn ta bao tuổi đâu chứ?” Tạ thị suy nghĩ, “Sao vẫn như một đứa bé vậy?” Tạ thị chẳng còn lòng dạ chải chuốt nữa, sai tì nữ gọi Như Như về, bảo nàng rửa ráy tử tế, thay y phục tinh tươm.

Nam chủ nhân trở về, vào cửa không tìm Như Như ngay, điều này khiến Tạ thị được an ủi phần nào. Nàng ta đón Đàn Đạo Nhất vào phòng, cởi áo cho chàng. Trút bỏ ngoại bào, để lộ trung y lụa trắng viền đen sạch sẽ, ngón tay chàng cứng cáp, còn vương mùi mực nhàn nhạt. Tạ thị cầm lòng không đậu áp mặt lên ngực Đàn Đạo Nhất, ngắm hàng mày dài mảnh, đôi mắt sáng ngời và khóe miệng ngậm cười của chàng – trong lòng nàng ta nảy sinh một tình yêu sâu sắc hơn, nồng nàn mẫu tính dành cho chàng.

Lưu luyến nắm chặt món đồ chơi quá vãng, không phải chàng cũng bướng bỉnh như một đứa trẻ sao?

Hầu hạ Đàn Đạo Nhất thay thường phục xong, Tạ thị nói: “Hôm nay ăn Tết, lang quân lại đang vui, uống chút rượu nhé?”

Đạo Nhất đồng ý, chúng tì nữ bưng rượu thịt lên. Đất Kinh Man không thể phong phú sản vật bằng Kiến Khang, đại chiến lại ở ngay trước mắt, trên bàn chỉ bày vài món đồ tươi, mấy quả quýt đỏ. Đạo Nhất thấy Tạ thị ân cần, cũng hơi áy náy, nói: “Hôm nay ăn Tết xong, nàng thu dọn hành trang đi, ta tiễn nàng về đoàn tụ cùng nhạc phụ nhạc mẫu trước.”

Tạ thị dừng đũa, “Hoàn Doãn sắp tới rồi à?”

“Sắp,” Trước mặt phu nhân mình, Đạo Nhất chẳng giấu giếm, nói: “Y tập hợp nhân mã các bộ Nhu Nhiên, Thổ Dục Hồn, Nhung Địch, định vây đánh hi châu Kinh Ung. Ta biết y đó giờ bừng bừng dã tâm, muốn ngự giá thân chinh để giành được thanh danh thống nhất thiên hạ, nhưng đáng tiếc là y quá nóng vội, mùa này nước sắp dâng, lợi cho thủy chiến.”

Tạ thị lại rất âu lo, “Chủ lực của triều đình đều đang chống Phàn Đăng ở bờ nam sông Hoài Thủy, nhân mã hai châu Kinh Ung sao có thể chống chọi được với liên quan của Hoàn Doãn?”

Đạo Nhất cười trấn an nàng ta, giọng rất đỗi dịu dàng, “Thế nên ta mới muốn đưa nàng đi trước, tránh cho lúc lâm trận còn vướng bận ưu tư.”

Mắt Tạ thị hoen đỏ, nàng ta nói, có phần cáu kỉnh: “Thiếp đi rồi, ai sẽ chăm sóc cho lang quân? Như Như à?”

Biểu cảm của Đạo Nhất sững lại, một lúc sau mới đáp: “Ngoại trừ ở bên ta, em ấy không còn chỗ nào để đi cả.”

Đây chẳng phải niềm ao ước của chàng ư? Tạ thị hờn dỗi nghĩ bụng, nàng ta không phản bác ngay mặt Đàn Đạo Nhất mà nói với giọng điệu mang chút ít thăm dò và nhắc nhở: “Lúc lang quân phái người đi Lạc Dương thay xà đổi cột, cướp em ấy ra ngoài, đã nói với thiếp là không đành lòng nhìn nghĩa nữ phụ thân sủng ái năm xưa rơi vào tay địch, còn nói đợi có người thích hợp sẽ giao phó chung thân của em ấy cho người ta – Hoa Nùng phu nhân tuẫn tình theo Ngô vương, đã được Hoàn Doãn hạ lệnh an táng tại Mang Sơn, Lạc Dương, không phải lang quân còn định đưa em ấy trở về Kiến Khang đấy chứ? Người trong thiên hạ sẽ thấy thế nào? Bệ hạ sẽ nói thế nào?”

“Ta biết.” Đạo Nhất mím môi, ngữ khí vẫn xem như bình tĩnh, “Đợi có người thích hợp đã.”

Tạ thị biết mình chọc chàng không vui, nhưng hôm nay trong lòng nàng ta cũng có oán khí, không nhịn được bồi thêm một câu: “Lúc trước, Tiết tướng quân kia cũng rất tốt với em ấy…”

“Không thể là hắn.” Đạo Nhất lạnh lùng ngắt lời nàng ta.

Không thể là hắn, chỉ có thể là chàng à? Tạ thị thầm nghĩ, có phần giễu cợt, ăn cũng chẳng thấy ngon. Đúng lúc này thì nghe thấy tiếng bước chân xột xoạt, tì nữ gọi “nương tử”, biết là Như Như đã tới, Tạ thị vội nhìn Đàn Đạo Nhất trước, quả nhiên trong nháy mắt, ánh mắt chàng đã dính vào người vừa tới, không sao dời đi được – cũng chẳng thể trách chàng lộ liễu, cô nàng man di trong lầu trúc đã đổi sang áo lụa vàng tay hẹp, váy lăng trắng, hai bên tai đeo khuyên ngọc bích, đôi má mơn mởn như trẻ con, bên tóc mai còn hơi ẩm ướt.

Nam nhân có thanh cao lỗi lạc đến đâu đi chăng nữa, trong xương tủy vẫn là thói háo sắc. Khóe miệng Tạ thị khẽ giật giật, nàng ta nói với Đàn Đạo Nhất: “Thiếp bảo người chuẩn bị rượu hùng hoàng.”

Đàn Đạo Nhất đâu lọt tai được chữ nào, chàng nhìn Như Như, Như Như lại không chịu nhìn chàng, bưng âu bạc đứng hầu bên cạnh Tạ thị. Nàng còn đang giận chàng, vờ như chuyện mình đến phủ trưởng sử chẳng hề liên quan đến chàng. Nhưng nàng nặng lòng hiếu kì, còn lâu mới điềm tĩnh bằng Đàn Đạo Nhất, mới được chốc lát đã khe khẽ nhấc mí, đưa ánh mắt lướt vụt qua chàng.

Đàn Đạo Nhất làm như chẳng có chuyện gì xảy ra, hỏi thăm Tạ thị tình hình gần đây của Tạ Tiện, nhưng chút thương tích trên khóe miệng chàng thì vẫn chưa khỏi hẳn.

Như Như liếc mắt nhìn thấy, miệng nhếch lên, muốn cười mà gắng nhịn lại.

Đàn Đạo Nhất không nhìn nàng nữa, miệng noi: “Rót rượu.”

Như Như đi tới, rót một chén cho Tạ thị trước rồi mới rót một chén cho chàng, rõ ràng là nhất bên trọng nhất bên khinh. Đàn Đạo Nhất cúi đầu nhìn dịch rượu trong suốt trong chén, lại nhìn sang Như Như: “Nghe nói ban nãy em bắt rết chơi bên ngoài, bị nó cắn vào tay.”

Như Như nhớ đến chuyện này, lòng hãy còn hãi hùng, “Tôi muốn cứu mạng nó, nó lại tưởng tôi định hại nó. Họ nói rượu hùng hoàng có thể giải độc, tôi liền uống một bát to.”

Đàn Đạo Nhất “ồ” một tiếng, “Không phải em không uống rượu à?”

Như Như cứng lại. Chàng cười khẽ, còn nói: “Con rết này không biết điều, đáng chết.”

Tạ thị không nghe nổi nữa, dằn mạnh đũa xuống, nói: “Như Như hầu lang quân dùng cơm đi.” Đoạn nín đầy một bụng tức giận bỏ đi. Như Như rất biết xem mặt đoán lòng, cúi đầu đợi Tạ thị rời đi rồi, lập tức giằng lấy âu bạc ôm chặt trong lòng, Đàn Đạo Nhất muốn lấy, nàng không cho, nói: “Anh uống nhiều rồi sẽ mượn rượu làm càn.”

Đàn Đạo Nhất mỉm cười với nàng, “Ta cũng trúng độc, không uống rượu sao mà giải được?”

Hai mắt Như Như sáng trưng nhìn chàng, đôi môi mỏng mấp máy: “Anh nhịn chút rồi sẽ qua.”

Đàn Đạo Nhất mặc kệ nàng, giành lại âu bạc, tự rót tự uống, âu bạc đã vơi đi hơn nửa. Như Như sợ chàng lại muốn mượn rượu làm càn, cảnh giác đứng ra xa, may mà người này không có dáng vẻ túy lúy khó coi, rượu càng nhiều, mắt càng sáng, vẻ mặt càng bình tĩnh. Hồi lâu sau, chàng mới như chợt nhớ ra, đặt chén rượu xuống, nói: “Em bị cắn ở đâu?”

Như Như thấy hắn không giống đang say, bèn vươn tay ra, đầu ngón tay nàng có một chấm nhỏ đỏ thẫm.

Đàn Đạo Nhất nhìn thử, nắm tay Như Như kéo mạnh một cái, nàng ngã ngồi lên đùi chàng, bị chàng vững vàng giữ chặt – Như Như đã đoán sai, chàng mà hăng máu lên, hành vi sẽ rất phóng đãng, hoàn toàn chẳng màng ban ngày ban đêm, trong phủ ngoài phủ. Tạ thị tránh đi đại khái là vì không chứng kiến dáng vẻ suồng sã này của chàng.

Như Như nghẹn đỏ cả mặt, nói: “Phu nhân sẽ không vui.”

Đàn Đạo Nhất áp mặt lên bầu ngực mềm mại của nàng, lười biếng nói: “Kệ nàng ấy.”

Như Như nhìn khuôn mặt trắng trẻo ưng ửng hồn của chàng, nói: “Rượu của anh không thể giải được độc.”

“Rượu không thể giải độc, chỉ người mới có thể,” Đàn Đạo Nhất phì cười, “Em ngốc quá, ngốc như trẻ con ấy.” Chàng ngậm ngón tay bị rết cắn của nàng vào miệng, nhẹ nhàng cắn cắn, rồi lại liếm liếm, ánh mắt muôn phần dịu dàng. Cảm nhận được người trên đùi không giãy nữa, Đàn Đạo Nhất nắm tay nàng, ngẩng mặt nhìn Như Như, không còn cảm giác dính nhớp nữa, chàng nghiêm túc nói: “Như Như, ta rất vui, thật sự rất vui.” Nhẩm đi nhẩm lại mấy lần, chàng nói tiếp, “Từ khi phụ thân qua đời, đây là thời khắc ta vui nhất.”

Như Như nhẹ giọng hỏi: “Trước đây anh không có lúc nào vui à?”

“Có,” Đàn Đạo Nhất hồi ức, “Nhưng khi ấy ta còn quá trẻ, không hiểu được mất rồi tìm lại đáng quý nhường nào.”

Như Như nói: “Lang quân, anh say rồi, tôi đưa anh về phòng nhé.”

Đàn Đạo Nhất lắc đầu, chàng không say, nhưng thân mình mềm mại của mĩ nhân tựa sát vào chàng, lên sập lại chẳng thích hợp hơn ngồi trơ ở đây? Bèn kéo Như Như trở lại thư phòng. Chàng xử lí sự vụ quan trọng tại đây, ngày thường đều qua đêm trên sập trong thư phòng, rất ít hạ nhân có thể đi vào, là một nơi rất hợp để trộm ngọc cắp hương.

Như Như buông tay, mặc Đàn Đạo Nhất nằm trên giường. Tính nàng tuy trẻ con nhưng cũng cẩn thận lanh lợi, đi đóng cửa sổ trước rồi nhúng khăn tay vào nước nóng, lau mặt và tay cho chàng. Cuối cùng, Đàn Đạo Nhất nắm chặt tay không cho nàng đi, chàng nhắm hai mắt lại, hỏi: “Sao hôm nay em nghe lời thế?”

Như Như đáp: “Phu nhân nói anh đã cứu mạng tôi, bảo tôi phải ngoan ngoãn nghe lời anh.”

Đàn Đạo Nhất nói: “Phu nhân nói không sai.” Chàng nghĩ, Tạ thị rất hiểu chàng, chàng cũng không hề hối hận vì đã cưới nàng ta, thậm chí còn cảm thấy hơi may mắn, nhưng trong mắt trong tim chàng chỉ có duy nhất người trước mặt này. Chàng nhìn nàng không chớp mắt, không có cử chỉ ngả ngớn nào nữa, nhưng nhất quyết không chịu buông tay nàng, một lát sau thì ngủ thiếp đi như một đứa trẻ được thỏa mãn.

“Lang quân?” Như Như gọi khẽ. Chàng không có phản ứng, biến thành một con ma men thuần túy, còn khò khò nhè nhẹ.

Như Như rút tay ra, đảo mắt nhìn quanh thư phòng của Đàn Đạo Nhất.

Không còn thanh nhã và không nhuốm bụi trần như đã từng, thư phòng hiện giờ chật chội ngổn ngang, trên bàn để bừa ấn giám, chất chồng văn thư, kiếm và đàn đều không cánh mà bay, đây là căn thư phòng của một nam nhân bề bộn chính sự, sinh hoạt tẻ nhạt. Như Như đi đến trước bàn, khẽ khàng lật giở văn thư, lục tìm một hồi, sau đó mở cái tráp dưới cùng của kệ sách lên, bên trong là một tràng hạt gỗ đen bọc đại trong một tấm lụa, trên tràng hạt còn lờ mờ có vết máu.

Trái tim Như Như chợt ngừng đập, nhặt tràng hạt lên nắm chặt trong lòng bàn tay rồi áp siết trước ngực, như bông liễu dính bùn, lục bình mọc rễ, trái tim lơ lửng trong không trung cuối cùng cũng chạm đất.

Em không hề ngớ ngẩn, sẽ không đuổi theo người khác chạy lung tung, nếu chàng còn nhớ em thì hãy đến tìm em, nếu chàng đã quên em, em sẽ đi Kiến Khang – nàng hơi giận dỗi nghĩ.

Một chuỗi tiếng bước chân nho nhổ vang lên, Như Như quay phắt lại. Đàn Đạo Nhất thình lình vung tay, hất tràng hạt rơi xuống.

Trước khi Tiết Hoàn rời đi, nàng đã trộm được tràng hạt từ đáy hòm của hắn, từng mang theo bên người, bây giờ nó lại bị chàng đạp dưới chân, Như Như quýnh lên, nhào tới nhặt, bị Đàn Đạo Nhất tóm lấy cánh tay, lực tay chàng rất mạnh, cơ hồ xách nàng lên.

“Ta tưởng cô muốn thăm dò quân tình, vốn còn coi trọng cô đôi chút,” Chàng không mảy may say rượu, con ngươi sắc lẹm mang theo hơi lạnh và ngọn lửa phẫn nộ vì bị lừa gạt, “Đây là cái gì?” Chàng nghiền tràng hạt cũ dưới lòng bàn chân, trông thấy vật này, chàng lại nhớ đến Nguyên Dực, đến Đàn Tế và cả non sông cũ bị gót sắt của Hoàn Doãn chà đạp. Đàn Đạo Nhất cười lạnh ghé sát vào nàng, “Không phải nói muốn lấy trân châu ném ta sao? Không phải muốn làm hoàng hậu sao? Không phải muốn trả thù cho mẹ cô sao? Hả? A Na Côi, một nam nhân không quyền không thế như vậy mà đã khiến cô thỏa mãn, khiến cô đổi tính rồi?”

Đau đớn lan từ cổ tay đến đáy lòng A Na Côi. Nàng gắng nén nước mắt, lắc đầu, “Lòng ta như tùng bách, tình người tựa chi đây? Tôi đi qua bao nhiêu chỗ, đổi qua bao thân phận, đều vẫn là A Na Côi. Người thay đổi là anh.”

Giờ khắc này nghe lại câu thơ này, chẳng khác nào mỉa mai tày trời. Đàn Đạo Nhất cười lạnh: “Nói vậy là ta đã phụ cô?”

A Na Côi lớn tiếng đáp: “Đúng.” Thấy Đàn Đạo Nhất sắp biến sắc, nàng vội nói tiếp: “Nhưng tôi đã tha thứ cho anh rồi, anh đối xử thật tốt với phu nhân anh đi, đừng phụ lòng cô ấy là được.”

Đàn Đạo Nhất khẽ cười ha ha, hất tay A Na Côi đi, chàng nhặt văn thư tán loạn lên. Một lúc sau, tựa hồ nguôi bớt cơn giận, chàng đưa lưng về phía nàng, lãnh đạm nói: “Cô vẫn nên giả vờ tiếp đi, bị người khác phát hiện ra thân phận, cô chỉ còn một con đường chết thôi.”