Tiếng khóc nho nhỏ quấy nhiễu A Tùng tỉnh cơn mộng mị.
Nàng mở mắt, mành che dày dặn chắn kín sắc trời, trong xe ngựa tối om khó lòng phân biệt được ngày đêm. Chuyến này lên Bắc, trong xe đã thay vải nhung mềm mại nhưng cuộn mình hết ngày dài lại qua đêm thâu trong một tấc vuông này, tứ chi A Tùng đã sớm cứng ngắc. Đầu óc vẫn trong trạng thái nửa tỉnh nửa mơ, nàng ngồi dậy.
Người khóc là con gái cả của Nguyên Tu, Nguyên Mậu Hoa.
Vào cái đêm phế hậu Vương thị tự sát, Nguyên Mậu Hoa bị Phàn Đăng điểm danh phải theo Nguyên Tu lên Bắc. Trải qua hai nỗi kinh hoàng, từ Kiến Khang đến Lạc Dương, cô khóc ngày khóc đêm, A Tùng ngồi cùng xe với cô nàng, nghe mà chai cả lỗ tai.
Thấy A Tùng tỉnh lại, Mậu Hoa xích tới nép vào cạnh nàng. Ở với nhau hai năm trong chùa Thê Vân, cô gần gũi với A Tùng hơn bất kì ai khác. “A Tùng, tôi sợ.”
“Sợ cái gì?”
“Đến Lạc Dương rồi,” Mẫu Hoa siết chiếc khăn lụa ướt đẫm trong tay, “Họ nói ngày mai còn phải tiến cung tạ ơn.”
A Tùng vén mành xe. Chuyến này có nghi vệ của Phàn Đăng dẫn đường, người không phận sự trên đường đều bị xua đi, lá ngô đồng nhuốm màu sương mờ mịt, con đường đá xanh trở nên thênh thang khác thường, đến chân trời cũng trở nên xa xôi hơn.
Gió rét xào xạc đưa tiếng chuông vàng leng keng vọng tới, quanh quẩn giữa những tòa nhà thấp thoáng dưới hoàng hôn.
A Tùng rất quen thuộc với âm thanh này, tim nàng nảy thót một nhịp, vội thò đầu ra hỏi tùy tùng bên ngoài: “Lạc Dương cũng có chùa à?”
“Có, mấy năm nay càng ngày càng nhiều.” Tùy tùng cũng nghe thấy tiếng leng keng trong gió, “Đây là chuông vàng của chùa Vĩnh Ninh. Còn có chùa Kiến Trung, chùa Lai Thu, chùa Dao Quang nữa, nhiều lắm.”
Hẳn là hoàng đế Bắc triều cũng tín Phật, người tín Phật thường đều khoan dung – đoạn đường này chùa chiền san sát, chẳng khác gì Kiến Khang, cõi lòng khẩn trương của mọi người cuối cùng cũng tạm thả lỏng – Thọ Dương công còn chưa đặt chân đến Lạc Dương, hoàng đế đã ban cho một tòa nhà, đó là một vương phủ cũ tọa lạc trong ngõ Diên Niên phía bắc ngự đạo, vô cùng tráng lệ. Mọi người bôn ba mệt mỏi cả một đường, không nói hai lời dọn vào ở ngay trong đêm, hôm sau trời vừa tảng sáng đã được cung sử tới đón, nơm nớp vào cung.
Quần thần đứng theo thứ tự ở thềm son, đang châu đầu ghé tai, chợt nghe một tiếng thông truyền cao vút, bẩm báo Thọ Dương công yết kiến, không khỏi đều dừng lại, nhìn ra sau.
Hoàng đế Nam triều Nguyên Tu của quá vãng đã đổi sang một bộ áo vải mỏng manh, xõa tóc che mặt, chậm rãi lên điện trong đủ loại ánh mắt. Chẳng biết là sợ sệt hay do hơi lạnh buổi sớm, thân thể y hơi run run.
“Tội thần Nguyên Tu bái kiến bệ hạ.”
Hoàng đế nhìn Nguyên Tu, cảm thấy hơi buồn cười – Y và Nguyên Tu xấp xỉ tuổi nhau, nhưng so với vị Thọ Dương công mặt mày sa sút, hình dong hốc hác này, thần thái hoàng đế sáng láng và đắc ý hơn hẳn.
“Thọ Dương công làm gì vậy?” Hoàng đế ra vẻ khó hiểu, nghĩ đến tiếng tăm tàn bạo giết chóc của Nguyên Tu, y đè nén nụ cười gằn.
“Thần có tội.” Nguyên Tu chỉ nói được câu này. Y vẫn chưa quen với việc phải khúm núm với người khác, động tác dập đầu có hơi vụng về.
“Khanh bảo vệ cơ nghiệp tổ tông, có tội lỗi gì?” Vẻ mặt hoàng đế hòa nhã, trấn an Nguyên Tu một câu rồi lệnh y đứng dậy. Mấy vị tể thần bị áp giải theo Nguyên Tu tới Lạc Dương như Tạ Tiện, Lưu Ứng Viên cũng lần lượt đi lên bái kiến, được phong cho chức quan không lớn không nhỏ, ai nấy đều tỏ vẻ cảm động đến rơi lệ, hòa mình vào quần thần, đồng thanh ca tụng hoàng đế nhân đức.
Hoàng đế gặp Nguyên Tu tận mắt, thỏa mãn lòng hiếu kì rồi, tâm thần bắt đầu sao nhãng, nghe quần thần hãy còn đang hô từng tiếng “Bệ hạ thánh minh”, y không nhịn được quay đầu, thấy Nguyên Tu đứng trong đội ngũ cóng đến mặt trắng môi xanh thì thầm phì cười, nói với nội hầu: “Mời Thọ Dương công sang trắc điện, thay áo bào chống rét đi.”
“Phàn Đăng,” Đến lượt vị đại công thần Nam chinh này, hoàng đế mới chính thức phấn chấn, y giơ tấu chương thỉnh công của Phàn Đăng ra xem, hỏi: “Tiết Hoàn đâu?”
Tiết Hoàn chưa có phẩm cấp, bận nhung phục phổ thông, đi từ cuối hàng ra. Hoàng đế thấy hắn trẻ trung anh tuấn thì cũng hào hứng, mông vốn đã nhấc lên định đi, lại ngồi về, quan sát Tiết Hoàn kĩ lưỡng – chuyện làm mật thám ở Nam triều không tiện công bố, hoàng đế chỉ cười bảo: “ Ngươi mới hơn hai mươi? Khá lắm. Ngươi xuất thân thế nào?”
Tiết Hoàn thẳng thắn đáp: “Thần mồ côi từ nhỏ, không có xuất thân gì.”
Hoàng đế “ồ” một tiếng, lấy làm bất ngờ. “Nghe nói thân thủ của ngươi rất tốt?”
Tiết Hoàn đương nhiên lại đáp mấy lời khiêm tốn, Phàn Đăng không nhịn được nói thay hắn: “Kiếm của Tiết Hoàn có thể xưng là độc bộ thiên hạ, vạn phu mạc địch đó ạ.”
“Khanh đừng khoác lác.” Hoàng đế không tin, “Đưa bội kiếm của khanh cho hắn đi.”
Bội kiếm giắt bên hông Phàn Đăng là kiếm ngọc xanh, dùng để trang trí, không sắc lắm. Tiết Hoàn nhận lấy, lùi ra ngoài điện, hoàng đế dẫn quần thần đứng dưới mái cong, thấy một tay Tiết Hoàn cầm kiếm, tùy ý vạch vài đường kiếm, bất đồ, buốt giá bắn tung tứ phía, một trận kình phong cuốn lớp sương mỏng dưới thềm ngọc lên, phập phù như hoa rơi bồng bềnh. Trong sương mù, hoàng đế trợn tròn mắt, còn chưa trông thấy gì thì nghe rầm một tiếng giòn giã, chụp lưu ly trên cây đèn vỡ vụn tung tóe, Tiết Hoàn vội thu tay, tiến lên thỉnh tội: “Thần đáng chết.”
Hoàng đế nhìn kĩ, kiếm ngọc trên tay hắn lại lành lặn nguyên vẹn, không khỏi líu lưỡi, “Là kiếm khí làm vỡ chụp đèn?”
Tiết Hoàn đáp: “Vâng.”
Hoàng đế lẩm bẩm: “Quả thực vạn phu mạc địch.” Trong nháy mắt đã tăng thêm mấy phần kính trọng với Tiết Hoàn. Vốn hãy còn phân vân chuyện ban thưởng cho Tiết Hoàn, lúc này y đã có ý tưởng, nói: “Phong ngươi làm võ tán quan ngũ phẩm trước đã, tạm thời đợi lệnh ở ngự tiền, chờ mai này quang minh chính đại lập chiến công rồi sẽ để ngươi mang binh.”
“Tạ bệ hạ.” Tiết Hoàn tạ ơn.
Hoàng đế trì hoàn ở đây hồi lâu, người hầu còn đang tuyên đọc danh mục ban thưởng cho các tướng lĩnh dài ngoằng bên tai, y chẳng còn kiên nhẫn mà nghe hết, nói: “Thay y phục.” rồi đi vòng ra sau điện, vào nội cung.
A Tùng ngồi trên điện hoàng hậu.
Hoàng hậu của Hoàn Doãn nom ung dung nền nã, song dường như là người rất nặng tâm sự, gặp các nữ quyến Nguyên thị đường xa tới đây mà chỉ chào hỏi một câu nhạt nhẽo rồi chẳng nói năng gì nữa. Trên điện im phăng phắc, chỉ có tiếng xột xoạt của cung tì khi đi lại. Ngẩn ngơ hồi lâu, thị mới hồi thần, thuận miệng hỏi Mậu Hoa mấy câu về tuổi tác, sở thích, nhưng vô tình hoặc cố ý, thị chẳng đoái hoài gì đến A Tùng.
Hoàng hậu xuất thân thế gia, đại khái là xem thường người như nàng. Cũng có thể là vì chính miệng hoàng đế điểm danh Hoa Nùng phu nhân đã chọc giận hoàng hậu… A Tùng hiểu rõ trong lòng, nàng quản được mắt mình, chỉ một lòng chuyên chú nhìn chằm chằm đồng hồ nước bằng ngọc trong góc tường.
Tiếng tí tách đánh thức hoàng hậu khỏi cơn trầm tư, thị thả quả táo đông trên đầu ngón tay vào khay ngọc, hỏi cung tì với giọng điệu lồ lộ chán ngán: “Đi xem xem Thọ Dương công sắp xuất cung chưa.”
Đang đuổi khách đây mà – A Tùng hợp thời đứng dậy. Thọ Dương công tự trói tiến cung thỉnh tội, nàng cũng chẳng trang điểm lòe loẹt, chỉ mặc áo vải, mái tóc đen nhánh tôn lên đôi má trắng trẻo xinh đẹp. Lúc này nàng mới ngước mắt lên, là một đôi mắt sóng sánh sóng nước, lúng liếng đưa tình.
Chỉ một cái ngước mắt này, hoàng hậu càng ghét nàng hơn.
“Điện hạ mệt mỏi rồi, thiếp cáo lui trước.” A Tùng mỉm cười nói.
Hoàng hậu gật đầu, khóe miệng giật giật, “Đi thong thả.”
“Bệ hạ giá lâm.” Nhóm A Tùng vừa rời đi, hoàng đế đã gấp rút đuổi tới.
Trông thấy chỉ có hoàng hậu, y thoáng sửng sốt, tầm mắt không khỏi liếc quanh.
“Bệ hạ tìm gì vậy ạ?” Hoàng hậu vờ như không biết.
“Không có gì.” Hoàng đế sợ để lộ dấu vết, đành cười ngượng ngập, ngồi xuống bên cạnh hoàng hậu – đưa mắt thấy trà cụ chưa kịp dọn đi, y ý thức được rằng nữ quyến Nguyên thị chỉ rời đi mới đây, tức thì hối hận không thôi. Lấy dáng vẻ làm bộ làm tịch của Nguyên Tu ở trên điện ra làm trò cười kể cho hoàng hậu, y cân nhắc câu từ, hỏi dò: “Đám nữ quyến của hắn có xảo quyệt như vậy không?”
Hoàng hậu cười đáp: “Nữ quyến có đến mấy người, không biết bệ hạ muốn nói đến vị nào?”
Hoàng đế cũng cười, tựa vào lưng ghế, tiện tay nhón một quả táo đông lên ăn, nói: “Nghe nói nữ nhi do phế hậu của Nguyên Tu sinh đã cập kê, trông như thế nào?”
Hoàng hậu hơi bất ngờ, đáp: “Không nhìn kĩ, hẳn cũng được.” Lườm hoàng đế, thị nhấn mạnh một câu đầy ngụ ý, “Bệ hạ, nó là con gái của Nguyên Tu đấy.”
“Ta muốn gả nó cho con trai của Phàn Đăng,” Hoàng đế cười lắc đầu, “Nàng tưởng ta định làm gì?”
Hoàng hậu thở phào, không khỏi nở nụ cười hé, “Tuổi tác, tướng mạo kể cũng xứng đôi.” Hoàng đế ăn táo đông xong, lau tay rồi, lòng bàn tay vuốt ve đầu vai hoàng hậu cái không cái có. Hoàng hậu bị động tác đầy nhu tình của y gợi lên một trận tủi thân, đẩy hoàng đế ra, thị sẵng giọng: “Người đã đi rồi, ngài có trơ mắt ếch cũng vô dụng, đi đi.”
Hoàng đế làm bộ không nghe ra ý chế nhạo của thị, vỗ nhẹ một cái lên bàn như đã quyết định, “Hôn sự với Nguyên thị cứ quyết định vậy đi, để ta nói với Phàn Đăng một tiếng. Nàng cũng ướm lời mà bảo Nguyên thị, gọi nó vào tạ ơn.”
Hoàng hậu đứng dậy, tiễn hoàng đế ra điện, “Bệ hạ yên tâm.”
Giao chuyện này cho thị, hoàng đế rất yên tâm, xưa nay hoàng hậu vẫn là người thấu hiểu đại nghĩa. Nhưng hôm nay trong lòng hoàng đế không thoải mái, y dừng bước, quay đầu nhìn hoàng hậu. Y hơn ba mươi, hãy còn khí khái tràn trề, mắt sáng như sao, không phải kẻ dễ lừa. Trong lòng hoàng hậu căng thẳng, hàng mày mảnh nhọn bất giác cau lại.
“Bảo cả Đàn thị vào tạ ơn cùng nữa.” Hoàng đế dịu dàng vuốt ve ấn đường hoàng hậu, giọng điệu có mấy phần ngang ngạnh không cho phép hoài nghi, “Lần sau đừng nóng vội đuổi nàng ta đi, nghe chưa?”
Hoàng hậu im lặng nhìn y. Biết y không vui, thị giấu những u oán phẫn uất kia đi, cung kính khom người với y, cúi đầu ưng thuận: “Vâng.”
Bấy giờ hoàng đế mới hài lòng rời đi. Hoàng hậu trở lại trong điện, vung tay hất đổ đĩa, táo đông như hồng ngọc lăn đầy đất.
Trở lại phủ Thọ Dương công, vật phẩm ban thưởng của hoàng đế cũng tới ngay sau đó. Y rất hào phóng với Nguyên Tu, thưởng cho vài mĩ nhân và vô số vàng ngọc. Sau khi ý chỉ tứ hôn được tiết lộ, Mậu Hoa sợ đến hoa dung thất sắc – cô tuy nhát gan nhưng cũng ghi lòng tạc dạ chuyện Phàn Đăng công phá Kiến Khang, nào chịu lấy con trai ông ta. Cô cuống quít chạy tới trước mặt Nguyên Tu khóc lóc cầu khẩn y.
Nguyên Tu xua lui người hầu, khuyên nhủ vài câu, nhưng Mậu Hoa không nghe, Nguyên Tu cười lạnh nói: “Chính vì Kiến Khang mất vào tay Phàn Đăng nên hắn mới muốn gả ngươi vào nhà họ Phàn để dễ bề lung lạc dân tâm Giang Nam, bằng không gọi ngươi tới Lạc Dương làm gì? Ha ha… Chớ nói ngươi chỉ là con gái ta, dẫu hắn muốn nữ nhân của ta, lẽ nào ta dám chẳng ngoan ngoãn dâng lên?” Lo lắng truyền vào tai Hoàn Doãn, y cũng không dám nhiều lời, chỉ quát Mậu Hoa vài câu không biết điều rồi đuổi cô đi.
Suốt dọc đường từ Kiến Khang đến đây, Nguyên Tu chẳng buồn liếc A Tùng lấy một cái, từ rày lại càng không chịu chung phòng với A Tùng, đêm hôm đó lập tức triệu mĩ nhân Hoàn Doãn ban tặng đến, thỏa thuê phóng túng, uống rượu mua vui trên sảnh đường.
Sau khi thành Kiến Khang bị công phá, A Tùng sống cả ngày trong mây sầu sương thảm, nghe thấy tiếng oanh yến ríu rít, đàn sáo réo rắt trên sảnh, rốt cuộc nàng cũng sống lại! Nhoài trên bệ cửa sổ thò nửa người ra, nàng thích thú dõi mắt theo những bóng hình rực rỡ uyển chuyển trên sảnh.
Phụ nữ Lạc Dương, búi tóc vấn cao, mái đầu đen dày, cài bộ diêu, hoa điền, trâm thoa và các loại hoa lụa, quả thực chói vàng biếc thúy, minh châu tựa sao. Luận về xa xỉ hoa lệ, nữ nhân trong cung nổi bật áp đảo. Thần thái tư thế và cách ăn bận vấn tóc của hoàng hậu quanh quẩn trong đầu, A Tùng chợt bật cười.
Mậu Hoa ngậm nước mắt hỏi: “Cô cười gì vậy?”
A Tùng liếc cô nàng, khóe mắt hơi xếch lên tràn ra chút đắc ý nho nhỏ.
Nữ nhân Bắc triều từ đầu đường cuối ngõ đến vườn sâu cung thẳm, nào có ai cạo đầu? Kể từ lúc đặt chân vào Lạc Dương, tâm tư nàng đã băn khoăn trên kiểu tóc của các chị em cô bà rồi.
Có người đang thương thầm ta đó.
Lạc Dương có gì mà đáng sợ? Dẫu cho nàng cô độc.
A Tùng tủm tỉm nghĩ. Nàng khoan thai đứng dậy, đóng cửa sổ lại.