Đừng Nói Một Ai

Chương 3




Sáng hôm sau, tôi lao đến văn phòng sớm, hai tiếng trước khi bệnh nhân đầu tiên đến theo lịch khám. Tôi bật máy tính, tìm địa chỉ email lạ, nhắp chuột vào hyperlink. Một lần nữa nó báo lỗi. Không đáng kinh ngạc mấy. Tôi nhìn chằm chằm vào nội dung lá thư, đọc đi đọc lại nó như thể có khả năng tìm ra được một ý nghĩa gì đó ở tầng sâu hơn. Tôi không tìm được gì.

Tôi thử máu tối qua. Xét nghiệm AND sẽ mất đến hàng tuần, nhưng cảnh sát trưởng Lowell cho rằng họ có thể tìm được mối khớp sơ bộ sớm hơn. Tôi ép ông ta cho biết thêm thông tin, nhưng ông ta vẫn ngậm chặt miệng. Ông ta đang giấu giếm chúng tôi điều gì đó. Điều gì, tôi không hề biết.

Khi ngồi trong phòng khám và đợi bệnh nhân đầu tiên đến, tôi ngẫm lại cuộc viếng thăm của Lowell. Tôi nghĩ đến hai thi thể. Tôi nghĩ đến cây gậy bằng gỗ dính máu. Và tôi cho phép bản thân mình nghĩ đến chuyện đóng dấu.

Thi thể Elizabeth được tìm thấy bên Đường 80, năm ngày sau khi nàng bị bắt cóc. Nhân viên điều tra những vụ chết bất thường dự đoán nàng đã chết được hai ngày. Điều ấy có nghĩa là nàng đã trải qua ba ngày còn sống với Elroy Kellerton, cũng được gọi là KillRoy. Ba ngày. Một thân một mình với con quái thú. Ba lần mặt trời mọc và ba lần mặt trời lặn, sợ hãi, trong bóng tối và đau đớn cực độ về thể xác cũng như tinh thần. Tôi gắng hết sức để không nghĩ đến chuyện đó. Có một số nơi đầu óc không nên đến, ở đó, nó sẽ bị lạc.

KillRoy bị bắt ba tuần sau đó. Y thú nhận đã giết mười bốn phụ nữ trong thời gian ngắn: đầu tiên là một nữ sinh Đại học ở Ann Arbor và cuối cùng, một ả gái điếm tại Bronx. Tất cả mười bốn phụ nữ được tìm thấy đều bị vứt giống như rác rưởi bên đường. Tất cả đều bị đóng dấu một chữ cái K. Đóng dấu giống như đóng dấu gia súc. Nói cách khác, Elroy Kellerton đã lấy một thanh cời lò bằng kim loại, cầm nó trong lửa nóng rực, đeo bao tay bảo vệ, đợi cho đến khi thanh cời lò nóng chảy đỏ rực, đột ngột thiêu cháy làn da đẹp đẽ Elizabeth của tôi với tiếng cháy xèo xèo.

Đầu óc tôi đã rẽ nhầm đường, đi vào hướng sai, và những hình ảnh bắt đầu tràn ngập. Tôi ép hai mắt nhắm lại và cầu cho những hình ảnh đấy biến đi. Không có tác dụng gì. Tiện thể xin nói, y vẫn còn sống. Ý tôi là KillRoy. Việc tố tụng của chúng tôi tạo cơ hội cho con quái thú này được thở, đọc, nói chuyện, được phỏng vấn trên CNN, được những người bác ái đến thăm, được mỉm cười. Trong khi đó, những nạn nhân của y thối rữa. Như tôi nói đấy, Chúa quả có khiếu hài hước.

Tôi dấp nước lạnh lên mặt và nhìn vào gương. Trông tôi như quỷ. Bệnh nhân bắt đầu xếp hàng lúc 9 giờ. Dĩ nhiên lòng tôi rối bời. Tôi liên tục nhìn đồng hồ trên tường, đợi đến “thời điểm hôn” - 6:15 chiều. Mấy chiếc kim đồng hồ lê bước chậm chạp về phía trước cứ như thể chúng đang tắm trong nước xi rô đặc.

Tôi tự đắm mình vào việc chăm sóc bệnh nhân. Tôi vẫn luôn có khả năng đó. Khi còn là một đứa trẻ, tôi có thể học hàng giờ. Đến khi là một bác sĩ, tôi có thể tự mất hút trong công việc. Tôi làm như thế sau khi Elizabeth mất. Một số người bảo tôi trốn mình trong công việc, rằng tôi chọn làm việc thay cho sống. Đáp lại kiểu nói nhàm chán ấy, tôi chỉ phản ứng với một câu đơn giản: “Thế ý anh là gì?”

Buổi trưa, tôi nuốt vội một chiếc sandwich giăm bông và một lon Diet Coke rồi tiếp thêm vài bệnh nhân nữa. Năm ngoái, một thằng bé tám tuổi đã đến gặp bác sĩ nắn khớp xương để “nắn thẳng lại cột sống” tám mươi lần. Thằng bé không bị đau lưng. Đó là một trò lừa bịp do vài tên bác sĩ khu vực thực hiện. Họ tặng cho các bậc phụ huynh một chiếc TV hay VCR miễn phí nếu các bậc phụ huynh này mang con đến. Sau đó, họ bắt Trợ cấp Y tế trả tiền cho lần khám bệnh ấy. Trợ cấp Y tế là một tổ chức tuyệt vời và tuyệt đối cần thiết, nhưng thường xuyên bị lạm dụng quá nhiều. Tôi từng có lần khám cho một thằng bé mười sáu tuổi được xe cấp cứu đưa gấp vào bệnh viện - chỉ vì bị bỏng nắng thông thường. Tại sao phải là một chiếc xe cấp cứu thay vì chỉ là taxi hay tàu điện ngầm? Mẹ thằng bé giải thích rằng chính bà ta phải trả cho những thứ này hoặc đợi chính phủ bồi hoàn. Trợ cấp Y tế ngay lập tức chi trả tiền xe cứu thương.

Lúc 5 giờ, tôi tạm biệt bệnh nhân cuối cùng. Bộ phận hỗ trợ rời khỏi lúc 5 rưỡi, tôi đợi đến khi văn phòng về hết rồi ngồi xuống và đối mặt với máy tính. Tôi nghe thấy điện thoại phòng khám reo văng vẳng. Một chiếc máy trả lời cuộc gọi sau 5 rưỡi và nêu ra cho người gọi một vài lựa chọn, nhưng vì lý do nào đó, chiếc máy ấy không nhận cuộc gọi đến hồi chuông thứ mười. Tiếng chuông làm tôi phát bực.

Tôi online, tìm email, và một lần nữa nhắp chuột vào hyperlink chưa hoạt động. Vẫn là một khu vực cấm. Tôi nghĩ đến lá thư lạ này và những thi thể kia. Phải có một mối liên hệ nào đó. Đầu óc tôi tiếp tục quay lại sự việc có vẻ đơn giản ấy. Tôi bắt đầu sắp xếp các khả năng.

Khả năng thứ nhất: hai người đàn ông kia là sản phẩm của KillRoy. Quả thực, những nạn nhân khác của y đều là phụ nữ và được tìm thấy một cách dễ dàng, nhưng chẳng lẽ điều đó loại trừ khả năng y có giết những người đàn ông khác.

Khả năng thứ hai: KillRoy đã thuyết phục hai người đàn ông này giúp đỡ y bắt cóc Elizabeth. Điều này hẳn giúp làm sáng rõ nhiều thứ. Đầu tiên là cây gậy gỗ, nếu vết máu trên cây gậy thực sự là của tôi. Nó cũng giúp giải quyết câu hỏi lớn của tôi về toàn bộ vụ bắt cóc. Theo lý thuyết, KillRoy, như tất cả những kẻ giết người hàng loạt khác, hành động một mình. Tôi đã luôn tự hỏi làm thế nào y có thể kéo lê Elizabeth đến xe và trong cùng lúc đó, nằm đợi tôi lên khỏi mặt nước? Trước lúc thi thể nàng xuất hiện, cảnh sát đã giả định không chỉ có một kẻ bắt cóc. Nhưng một khi thi thể nàng được tìm thấy, bị đóng dấu chữ K, giả thuyết ấy được giải thích một cách khéo léo hơn. KillRoy đã làm việc ấy, theo lý thuyết là thế, nếu y đánh hay bằng cách nào đó chế ngự được Elizabeth và rồi sau đấy quay sang tôi. Đó không phải là một mối nối hoàn hảo, nhưng nếu bạn nhấn đủ mạnh, mối nối sẽ khớp lại.

Bây giờ chúng ta có một cách giải thích khác. Y có những kẻ đồng phạm. Và y đã giết chúng.

Khả năng thứ ba đơn giản nhất: Vết máu trên cây gậy không phải của tôi. Nhóm máu B+ không phổ biến thật, nhưng nó cũng không phải quá hiếm. Trong tất cả các khả năng có thể xảy ra, hai thi thể này không có liên quan gì với cái chết của Elizabeth.

Tôi không thể buộc bản thân mình tin giả thiết này.

Tôi nhìn đồng hồ máy tính. Nó được nối với vệ tinh gì đó có thể chỉ thời gian chính xác.

6:04:42 chiều.

Mười phút và mười tám giây nữa là đến.

Đến cái gì?

Điện thoại vẫn reo. Tôi không nghe chuông nữa và gõ gõ ngón tay. Giờ thì còn chưa đầy mười phút. Được rồi, nếu có thay đổi ở hyperlink, thì điều đó có thể xảy ra trước thời điểm này. Tôi đặt tay lên chuột và hít một hơi thật sâu.

Máy nhắn tin của tôi đột nhiên kêu to.

Tối nay không phải phiên trực của tôi. Điều này có nghĩa hoặc nhầm lẫn - việc cho đến bây giờ là quá thường xuyên bởi những tay trực tổng đài đêm ở phòng khám - hoặc một cuộc gọi cá nhân. Nó lại bíp. Tiếng bíp đôi. Điều đó có nghĩa là chuyện khẩn cấp. Tôi nhìn lên màn hình máy nhắn tin.

Một cuộc gọi của cảnh sát trưởng Lowell, được đánh dấu Khẩn cấp.

Tám phút.

Tôi do dự nhưng không lâu lắm. Bất cứ điều gì cũng tốt hơn là miên man trong những ý nghĩ của riêng tôi. Tôi quyết định gọi lại cho ông ta.

Lowell một lần nữa lại biết ai gọi trước khi ông ta nhấc máy.

“Xin lỗi vì đã làm phiền anh, đốc tờ.” Đốc tờ, bây giờ ông ta lại gọi tôi như thế. Cứ như thể bọn tôi là bạn bè thân thiết. “Nhưng tôi chỉ có một câu hỏi nhỏ thôi.”

Tôi đặt lại tay lên con chuột, di chuyển con trỏ vào hyperlink, và nhấn. Trình duyệt web bắt đầu chạy.

“Tôi nghe đây,” tôi nói.

Trình duyệt web lần này chạy lâu hơn. Không có bảng thông báo lỗi xuất hiện.

“Cái tên Sarah Goodhart có nghĩa gì với anh không?”

Tôi suýt làm rơi điện thoại.

“Đốc?”

Tôi kéo ống nghe ra và nhìn như thể nó vừa bất thình lình xuất hiện trong tay. Tôi thu nhặt từng chút một những mảnh cơ thể mình. Khi tin lại vào giọng nói của chính mình, tôi đưa điện thoại lên tai. “Tại sao ông lại hỏi điều ấy?”

Có cái gì đấy bắt đầu xuất hiện trên màn hình máy tính. Tôi liếc nhìn. Một chiếc camera ngoài trời. Hay camera đường phố, tôi đoán người ta gọi như thế. Bây giờ mọi người sử dụng chúng trên tất cả các trang web. Tôi thỉnh thoảng sử dụng camera giao thông, đặc biệt là để xem tắc đường buổi sáng ở cầu Washington.

“Đó là một câu chuyện dài,” Lowell nói.

Tôi cần thêm thời gian. “Tôi sẽ gọi lại cho ông sau.”

Tôi gác máy. Sarah Goodhart. Cái tên có ý nghĩa với tôi. Có ý nghĩa rất nhiều.

Cái quái gì đang diễn ra ở đây thế?

Trình duyệt ngừng load. Trên màn hình, tôi nhìn thấy cảnh một đường phố trong hai màu đen trắng. Phần còn lại của trang trống không. Không bảng quảng cáo hay tít chữ. Tôi biết thiết kế như thế để tạo khoảng trống cho hình ảnh giãn ra. Thứ chúng ta có ở đây cũng thế.

Tôi nhìn đồng hồ máy tính.

6:12:18 chiều.

Chiếc camera chúc xuống một góc phố khá tấp nập, cách mặt đường chừng 4,5m. Tôi không biết góc phố cũng như thành phố tôi đang nhìn thấy. Rõ ràng là một thành phố lớn. Khách bộ hành di chuyển từ trái sang phải, đầu cúi, vai rụt, cặp da trong tay, mệt lử sau một ngày làm việc, có lẽ đang hướng tới một ga tàu hay xe bus nào đó. Về phía xa bên phải, tôi nhìn thấy gờ đường. Dòng người bắt đầu dâng sóng, có lẽ tương ứng với chuyển đổi của đèn giao thông.

Tôi nhíu mày. Tại sao ai đó lại gửi cho tôi cái cảnh này?

Đồng hồ chỉ 6:14:21 chiều. Còn chưa đầy một phút nữa là đến.

Tôi dán chặt mắt vào màn hình và đếm ngược giây như trong đêm giao thừa. Mạch tôi bắt đầu đập nhanh. 10, 9, 8...

Một đợt sóng người khác đang di chuyển từ phải sang trái. Tôi rời mắt khỏi đồng hồ. 4, 3, 2. Tôi nín thở và đợi. Khi liếc đồng hồ một lần nữa, nó chỉ:

6:15:02 chiều.

Không có gì xảy ra - nhưng mà này, tôi đã mong đợi điều gì cơ chứ?

Đợt sóng người rút dần và một lần nữa, trong một hay hai giây, không còn ai trên màn hình. Tôi ngồi lại, hít lấy không khí. Một trò đùa, tôi nghĩ. Một trò đùa kỳ quặc, chắc chắn là thế. Thậm chí bệnh hoạn. Nhưng dù sao...

Chính lúc này, một ai đó đi ra khỏi vị trí ngay dưới camera. Cứ như thể trong suốt thời gian vừa rồi người đó đã đứng đợi sẵn ở đó.

Tôi chồm người tới.

Một phụ nữ. Tôi nhìn thấy rõ mặc dù lưng cô quay về phía tôi. Tóc ngắn, nhưng rõ ràng là một phụ nữ. Từ góc nhìn ấy, cho đến lúc này, tôi không thể nhận ra bất cứ khuôn mặt nào. Không có gì khác biệt. Đầu tiên thì không.

Người phụ nữ dừng lại. Tôi nhìn vào đỉnh đầu cô, cầu mong cô nhìn lên. Cô bước thêm một bước nữa. Cô bây giờ đang ở giữa màn hình. Một ai đó vừa đi ngang qua. Người phụ nữ vẫn đứng yên. Rồi cô quay lại và từ từ ngẩng cằm lên cho đến khi cô nhìn thẳng vào camera.

Tim tôi ngừng đập.

Tôi đưa tay lên miệng và nén một tiếng thét.

Tôi không thở nổi. Tôi không nghĩ được gì. Nước mắt dâng đầy và chảy tràn xuống hai má. Tôi không buồn lau đi.

Tôi đăm đăm nhìn cô. Cô đăm đăm nhìn tôi.

Một nhóm người đi bộ băng qua màn hình. Một vài người va vào cô, nhưng người phụ nữ vẫn không dịch chuyển. Cô nhìn như bất động vào camera. Cô giơ tay như thể hướng về phía tôi. Đầu óc tôi quay cuồng. Cứ như thể những thứ trói chặt tôi với hiện thực đã bị cắt đứt.

Tôi bị thả trôi nổi bồng bềnh không kiểm soát được.

Cô vẫn giơ tay. Chầm chậm, tôi cố gắng nâng tay mình lên. Những ngón tay tôi chạm vào màn hình âm ấm, cố với được tới cô. Nước mắt lại lã chã. Tôi dịu dàng vuốt ve khuôn mặt người phụ nữ và thấy trái tim mình cùng một lúc vừa tan nát vừa vút bay lên.

“Elizabeth,” tôi gọi thầm.

Nàng đứng đó thêm một hay hai giây nữa. Rồi nàng nói gì đấy vào camera. Tôi không thể nghe tiếng nàng nói, nhưng tôi đọc được môi nàng.

“Em xin lỗi,” người vợ đã mất của tôi mấp máy môi.

Và rồi nàng bước đi.