Đừng Nói Một Ai

Chương 14




Elizabeth còn giấu tôi chuyện gì nữa?

Khi đi xuống Đại lộ 10 về phía bãi đỗ xe, tôi lại cố gắng xua đi hình ảnh từ những tấm ảnh kia, coi chúng đơn thuần chỉ là thứ chụp lại những vết thương tai nạn xe của nàng. Tôi nhớ Elizabeth đã thờ ơ thế nào với toàn bộ sự việc vào lúc đó. Chỉ là một vụ va chạm nhỏ thôi mà, nàng nói. Không có gì nghiêm trọng cả. Khi tôi hỏi chi tiết, nàng một mực gạt đi.

Giờ đây tôi biết nàng đã nói dối tôi.

Tôi có thể nói với bạn Elizabeth chưa bao giờ nói dối tôi, nhưng điều đó có lẽ là, nhờ khám phá gần đây soi rọi, một luận cứ không thuyết phục lắm. Tuy nhiên, đây là lời nói dối đầu tiên mà tôi biết. Tôi đoán cả hai chúng tôi đều có những bí mật của mình.

Khi đến bãi đỗ xe, tôi phát hiện thấy thứ gì đó hơi lạ - hay tôi muốn nói, ai đó hơi lạ. Ở đó, chỗ góc đường, một gã vận áo khoác nâu.

Gã đang nhìn tôi.

Và gã trông quen đến kỳ quặc. Tôi không biết là ai, nhưng vẫn có cảm giác bứt rứt kiểu déjà vu. Tôi đã gặp gã đàn ông này rồi. Thậm chí ngay sáng nay. Ở đâu? Tôi lục lại sự kiện trong buổi sáng và tìm thấy gã trong trí nhớ nhạt nhòa của mình.

Khi tôi lái xe tạt lại bên đường mua cà phê vào lúc tám giờ. Gã đàn ông vận áo khoác nâu kia đã có mặt ở đó. Ở bãi đỗ xe của Starbucks.

Tôi có chắc không?

Không, dĩ nhiên không. Tôi liếc sang chỗ khác và vội đi lại chỗ quầy người phục vụ. Người phục vụ chỗ bãi đỗ xe - bảng tên của anh ta ghi Carlo - đang xem tivi và ăn sandwich. Anh ta vẫn dán mắt vào màn hình tivi nửa phút rồi mới liếc sang tôi. Rồi anh ta chậm chạp phủi phủi những mẩu vụn bánh trên tay xuống, lấy vé của tôi, đóng dấu. Tôi nhanh chóng trả tiền cho anh ta và anh ta đưa tôi chìa khóa xe.

Gã vận áo khoác nâu vẫn ở đó.

Tôi cố không nhìn về phía gã khi bước lại xe mình. Tôi vào xe, nổ máy, và khi đến Đại lộ 10, tôi nhìn vào gương chiếu hậu.

Gã vận áo khoác nâu không mảy may liếc tôi. Tôi vẫn quan sát gã cho đến khi rẽ sang West Side Highway. Gã không nhìn về phía tôi. Hoang tưởng. Tôi chỉ hoang tưởng dở hơi thôi.

Vậy tại sao Elizabeth lại nói dối tôi?

Tôi nghĩ về chuyện đó và chẳng đi đến được kết luận gì.

Vẫn còn ba tiếng nữa mới tới lúc thông điệp Bat Street xuất hiện. Ba tiếng. Trời, tôi cần phải thư giãn đầu óc. Nghĩ ngợi quá nhiều xem thứ gì rồi sẽ xuất hiện sau rốt ở cái mối nối nhờ mạng Internet kia khiến bụng tôi quặn lên dữ dội.

Tôi biết mình phải làm gì. Tôi chỉ đang cố trì hoãn điều không thể tránh được.

Khi tôi về đến nhà, ông đang ngồi ở chiếc ghế quen thuộc, một mình. Tivi tắt. Cô y tá đang phun liên tục tiếng Nga trên điện thoại. Cô ta không làm được việc. Tôi sẽ phải gọi đến chỗ môi giới và yêu cầu thay người.

Một vài mẩu trứng nhỏ còn dính trên khóe miệng ông, vì vậy tôi lấy khăn mùi soa ra và nhẹ nhàng lau đi. Ánh mắt chúng tôi gặp nhau, nhưng mắt ông dán chặt vào thứ gì đó xa xăm đằng sau tôi. Tôi nhìn thấy tất cả chúng tôi ở chỗ khu hồ. Ông đang thực hiện tư thế giảm cân trước-và-sau đặc biệt yêu thích. Ông quay sang một bên, ngồi sụp xuống, ưỡn cái bụng mềm dẻo ra, và hét “Trước!” và rồi hít mạnh một cái, gập người lại và hét “Sau!”. Ông thực hiện cực điệu nghệ. Cha tôi sẽ cười toáng lên. Cha có tiếng cười giòn tan và dễ lây lan nhất. Nó là sự giải phóng hoàn toàn trong cơ thể. Tôi cũng đã từng có tiếng cười đó. Nó đã chết cùng cha. Tôi không bao giờ có thể cười như thế một lần nữa. Dù thế nào, nó có vẻ xúc phạm.

Nghe tiếng tôi, cô y tá vội dập điện thoại và cười toe toét giấu biến nó vào phòng. Tôi không cười đáp lại.

Tôi quan sát cửa tầng hầm. Tôi vẫn đang trì hoãn việc không thể tránh được.

Không chần chừ thêm nữa.

“Ở lại cùng ông,” tôi nói.

Cô y tá cúi đầu chào và ngồi xuống.

Tầng hầm này đã được thiết kế vào thời kỳ mà người ta chưa thiết kế tầng hầm, và giờ rõ là thế. Một tấm thảm lông từng có màu nâu bị thủng lỗ chỗ và biến dạng do ngấm nước. Gạch trắng giả làm từ thứ chất liệu tổng hợp kỳ dị nào đó được gắn lên bức tường trát hắc ín. Một vài viên đã rơi xuống tấm thảm lông; một số khác nữa lung lay, như những cái cột của Acropolis.

Giữa phòng, màu xanh lá cây của cái bàn chơi bóng bàn đã biến thành thứ màu xanh lục đang rất hợp thời. Lưới ngăn bị rách trông giống như những chướng ngại vật sau khi quân đội Pháp càn quét qua. Những cái vợt chơi bị tháo ra thành gỗ vụn.

Một vài thùng các tông đầy những nấm mốc đặt trên cái bàn bóng bàn. Một lô những thứ khác chất đống ở góc phòng. Quần áo cũ ở trong hộp đựng quần áo. Không phải của Elizabeth. Shauna và Linda đã dọn sạch chúng đi hộ tôi. Bị lòng tốt xui khiến, tôi nghĩ thế. Nhưng một số hộp khác đựng vài đồ lặt vặt cũ. Đồ của nàng. Tôi không thể vứt chúng đi, và tôi không thể để người khác giữ chúng. Tôi không rõ vì sao. Một số thứ chúng ta đóng gói lại, nhét vào chỗ trong cùng của tủ, không bao giờ mong thấy lại - nhưng chúng ta không thể buộc mình vứt đi. Như giấc mơ, tôi cho là thế.

Tôi không chắc mình để nó ở đâu, nhưng tôi biết nó ở đó. Tôi bắt đầu lục xem những bức ảnh cũ, một lần nữa ngoảnh mặt đi. Tôi làm việc đó khá tốt, cứ buông cho thời gian trôi qua, những tấm ảnh đó không còn khiến đau đớn nhiều nữa. Khi tôi nhìn thấy Elizabeth và tôi chụp cùng nhau trong một vài ảnh dùng tấm Polaroid màu táo lục, cứ như thể tôi đang nhìn vào những người xa lạ.

Tôi ghét làm việc này.

Tôi thọc sâu hơn vào cái hộp. Đầu ngón tay tôi chạm phải thứ gì đó làm bằng nỉ, và tôi kéo chữ cái thêu trên bộ đồng phục tennis thời cấp ba của nàng lên. Mỉm cười buồn bã, tôi nhớ đến đôi chân rám nắng của nàng và hình ảnh bím tóc nàng tung lên khi nàng chúi người về phía tấm lưới. Trên sân, mặt nàng nghiêm nghị tập trung cao độ. Đó là cách mà Elizabeth hạ được bạn. Nàng sở hữu kha khá những cú vụt sát đất và giao bóng khá ổn, nhưng cái nâng nàng lên trên đám bạn cùng lớp chính là sự tập trung đó.

Tôi cẩn thận đặt chữ cái đó xuống và bắt đầu thọc tay vào lại. Tôi thấy cái mình đang tìm kiếm dưới đáy hộp.

Quyển sổ ghi chép hàng ngày của nàng.

Cảnh sát đã muốn có nó sau vụ bắt cóc. Hay như tôi được kể thế. Rebecca ghé qua căn hộ và giúp họ tìm. Tôi cho rằng họ tìm kiếm đầu mối trong đó - cũng là việc tôi sắp làm - nhưng khi thi thể xuất hiện với chữ K đóng dấu, họ có lẽ đã thôi.

Tôi nghĩ về chuyện đó chút ít - việc làm thế nào mọi thứ gắn một cách hoàn hảo với KillRoy - và một ý nghĩ khác vụt đến trong đầu tôi. Tôi chạy lên cầu thang đến chỗ máy tính và lên mạng. Tôi tìm địa chỉ trang web của Ban An ninh thành phố New York. Có hàng tỉ thứ ở đó, gồm cả tên và số điện thoại tôi cần.

Tôi thoát mạng và gọi đến Nhà tù Briggs.

Đó là nhà tù giam KillRoy.

Khi nghe đoạn giới thiệu qua thu âm sẵn, tôi nhấn số máy lẻ thích hợp và được nối máy. Ba hồi chuông sau, một người đàn ông trả lời, “Phó giám đốc trại Brown nghe.”

Tôi nói với ông ta muốn đến thăm Elroy Kellerton.

“Và ông là?” ông ta hỏi.

“Bác sĩ David Beck. Vợ tôi, Elizabeth Beck, là một trong những nạn nhân của hắn.”

“Tôi hiểu.” Brown ngập ngừng. “Tôi có thể hỏi mục đích chuyến đến thăm của ông?”

“Không.”

Sự yên lặng lại tràn ngập điện thoại.

“Tôi có quyền đến thăm hắn nếu hắn sẵn lòng gặp tôi,” tôi nói.

“Vâng, dĩ nhiên, nhưng đây là một lời yêu cầu cực kỳ bất bình thường.”

“Dù sao tôi vẫn yêu cầu ông điều đó.”

“Thủ tục thông thường là có luật sư của ông đi cùng...”

“Nhưng tôi không phải thế,” tôi cắt ngang. Tôi biết được điều này tại một trang web nói về quyền của nạn nhân - rằng tự tôi có thể yêu cầu. Nếu Kellerton sẵn lòng gặp tôi, tôi được gặp. “Tôi chỉ muốn nói chuyện với Kellerton. Ông có giờ thăm nom vào ngày mai, phải không?”

“Phải, chúng tôi có.”

“Vậy nếu Kellerton đồng ý, ngày mai tôi sẽ đến. Việc đó có vấn đề gì không?”

“Không, thưa ông. Nếu hắn đồng ý, không có vấn đề gì.”

Tôi cảm ơn ông ta rồi gác máy. Tôi đang hành động. Cảm thấy dễ chịu kinh khủng.

Quyển sổ ghi chép hàng ngày nằm trên cái bàn cạnh tôi. Tôi lại đang tránh nó, bởi cũng có thể gây đau đớn như một bức ảnh hay tiếng nói được thu âm, chữ viết tay thậm chí còn tồi tệ hơn, thậm chí còn riêng tư theo lối trực tiếp hơn. Những chữ cái viết hoa nhô cao vút lên của Elizabeth, kiểu viết cứng cáp hai chữ cái t và s bằng cách gạch chéo, quá nhiều nét chân giữa các chữ cái, cái kiểu tất cả đều nghiêng về bên phải...

Tôi mất một giờ để xem nó. Elizabeth rất cặn kẽ. Nàng không viết tắt nhiều quá. Điều khiến tôi ngạc nhiên là tôi hiểu rõ vợ tôi đến mức nào. Mọi thứ đều rõ ràng và không hề có chút bất ngờ nào. Thật ra, chỉ có một cuộc hẹn mà tôi không rõ lắm.

Ba tuần trước khi nàng chết, có một mục chỉ ghi: PF.

Và một số điện thoại không có mã vùng.

Luôn nghĩ nàng đặc biệt chi tiết ở tất cả mọi điểm, tôi thấy mục này hơi đáng bận tâm. Tôi không có tí manh mối cái mã vùng kia có thể là gì. Cuộc điện thoại được gọi vào tám năm trước. Mã vùng đã được phân lại và thay đổi vài lần kể từ khi đó.

Tôi thử số 201 nhưng không gọi được. Tôi thử 973. Một phụ nữ lớn tuổi trả lời. Tôi bảo bà vừa được một suất đặt mua báo New York Post dài hạn miễn phí. Bà nói tên bà. Chữ cái đầu tiên trong họ và tên không trùng. Tôi thử 212, một thành phố. Và đó là nơi tôi bắt trúng.

“Văn phòng luật sư Peter Flannery,” một phụ nữ vừa nói vừa ngáp.

“Xin cho tôi nói chuyện với ông Flannery.”

“Ông ấy ở tòa án.”

Cô ta nói nghe còn chán hơn nhưng không phải không có một nét đặc biệt nào đó. Tôi nghe rất nhiều tiếng ồn phía đầu dây bên kia.

“Tôi muốn có một cuộc hẹn với ông Flannery.”

“Ông hồi đáp lại lời quảng cáo?”

“Quảng cáo?”

“Ông bị hại?”

“Phải,” tôi nói. “Nhưng tôi không thấy quảng cáo gì. Một người bạn giới thiệu luật sư. Đây là một vụ hành nghề y bất cẩn. Tôi đi chữa trị do một cánh tay bị gãy và bây giờ tôi không cử động được cánh tay đó. Tôi bị mất việc. Cơn đau kéo dài mãi mãi.”

Cô ta sắp xếp cho tôi một cuộc hẹn vào chiều hôm sau.

Tôi đặt điện thoại lên giá và cau mày. Elizabeth có thể làm gì với một tay luật sư mạt hạng chuyên xúi bẩy kiện tụng như Flannery?

Tiếng điện thoại làm tôi giật bắn mình. Tôi vồ lấy cái điện thoại khi nó chưa đổ hết hồi chuông đầu tiên.

“Alô,” tôi nói.

Đó là Shauna. “Cậu đang ở đâu?” cô hỏi.

“Nhà.”

“Cậu cần đến đây ngay lập tức,” cô nói.