Dục Tiên Đồ - Mạc Mạc Tâm

Chương 59: Vứt kiếm




Ngày rời Thanh Kiếm Tông, Vương Cẩn chẳng những vơ vét đồ quý giá mà còn phá hủy phong thủy giúp hút linh khí của môn phái.

Linh khí tại Thanh Kiếm Tông giảm mạnh, linh thực trên núi khô héo và chim muông bỏ chạy. Nơi đây chẳng có mùa xuân quanh năm nữa, nhất là mỗi dịp đông về; gió núi lạnh thấu xương, mưa rơi rả rích, thời tiết lạnh lẽo ẩm ướt. Ngay cả tu sĩ cũng lạnh tới độ run bần bật.

Thanh Kiếm Tông từng dựng tượng Vương Cẩn, bức tượng nằm ở vị trí ngắm được hết các tòa nhà. Về sau bọn họ thiếu đất trồng cây nên sửa toàn bộ những chỗ đó thành vườn thuốc.

Thanh Kiếm Tông trồng linh thực khắp nơi, tạo nên cảnh sắc xanh tươi um tùm. Lâu rồi chả có ai rửa sạch đường đi, vì vậy cỏ dại mọc cao ngất giữa khe gạch.

Từ Viện gạt mấy ngọn cỏ hẹp dài sắc bén sang hai bên, nàng ấy men theo con đường nhỏ lầy lội để tới ao kiếm.

Khi thấy bóng người cô đơn mặc đồ trắng ngồi trên xe lăn từ xa, Từ Viện vừa tăng tốc vừa gọi, “Đại sư huynh!”

Tuân Từ đang ngắm mặt ao phẳng lặng.

Mặt nước phản chiếu tường trắng ngói xanh u ám cùng gương mặt nho nhã của hắn. Hai mắt thanh niên không rực rỡ như xưa, môi hắn tái nhợt còn mặt thì gầy sọm. Cả người hắn bốc mùi bệnh tật lâu năm. Giọng Từ Viện khiến một chiếc lá khô trên cái cây cạnh ao lắc lư, nó rớt xuống mặt nước làm những gợn sóng xóa nhòa hình ảnh nam tử.

Tuân Từ ngẩng đầu, “Muội có chuyện gì mà gấp thế?”

Từ Viện cười, “Không có gì quan trọng đâu, Du thiếu chủ ghé thăm và đang chờ trong điện.”

Tuân Từ nhìn kiếm Thái Hòa nằm ngang trên đầu gối, hắn nhẹ nhàng gật đầu, “Ừm, muội bảo huynh ấy chờ một lát, ta sẽ đến ngay.”

Nói xong, hắn khom lưng để ho dữ dội.

Từ Viện nghe hắn ho như muốn ói ra phổi bèn nhớ tới chuyện đại sư huynh sợ lạnh vì sức khỏe kém, nàng ấy dặn, “Đại sư huynh, mùa thu sắp đến nên huynh mặc dày vào. Nhớ cầm theo lò sưởi nữa, đừng để bị lạnh.”

Tuân Từ mỉm cười đồng ý.

Từ Viện thở dài nhưng không nói gì thêm.

Mười năm trước, đại sư huynh chắn đòn trí mạng từ Vương Cẩn thay nhị sư tỷ. Hậu quả là đan điền hắn hỗn loạn, gân cốt tan tành, kim đan cũng nát.

Hắn sống sót nhờ mấy viên thuốc kéo dài sinh mệnh, sau đấy nằm hôn mê trên giường suốt một năm.

Theo lý thuyết, tu sĩ với kim đan nát bấy khó thoát khỏi cái chết. May có Du thiếu chủ mời y tu lừng lẫy Phù Quang Giới tới để kéo hắn lại từ cửa tử.

Tiếc rằng chả thể thay đổi sự thật kim đan vỡ đã biến đại sư huynh thành người tàn phế. Cả đời hắn phải sống cùng thuốc thang cũng như mất duyên nợ với sự trường sinh.

Đây là điều khiến Từ Viện khâm phục đại sư huynh nhất.

Nếu nàng ấy tỉnh dậy rồi biết mình từ thủ tịch đệ tử với tài năng phi phàm trở thành kẻ tàn phế đi đứng lảo đảo và cầm kiếm cũng không xong, nàng ấy chắc chắn sẽ khóc suốt ba ngày ba đêm.

Song đại sư huynh chẳng oán hận sau khi biết chuyện, chỉ trầm mặc chấp nhận những việc xảy đến với mình.

Hắn trò chuyện cùng đệ tử trong môn phái như bình thường, sắp xếp Thanh Kiếm Tông từ trên xuống dưới, tỉ mỉ chỉnh sửa sổ sách do đám Từ Viện tính sai, ngoài ra còn xin lỗi từng tu sĩ bị vạ lây tại bữa tiệc linh quả. Thanh Kiếm Tông dần khôi phục trật tự, bọn họ từ môn phái lớn của Ba Thục thành môn phái nhỏ ảm đạm giống nắng chiều, nhưng cuộc sống họ không quá tệ.

Thậm chí Từ Viện có ảo giác Thanh Kiếm Tông vẫn huy hoàng như thuở nào. Nếu không nhờ tiếng bánh xe lăn kẽo kẹt của đại sư huynh đánh thức thì chắc nàng ấy còn tưởng bọn họ chả hề thay đổi trong mấy năm qua.



Tuân Từ dõi theo Từ Viện rời đi, sau đó hắn cúi đầu và vuốt ve thân kiếm Thái Hòa lạnh băng.

Bàn tay hắn rất gầy, những ngón tay thon dài gầy trơ xương. Đầu ngón tay trắng xanh ấn thân kiếm cũng mang màu sắc nhợt nhạt y hệt mặt hắn.

Tuân Từ bỗng nhớ về thời niên thiếu, khi hắn luyện kiếm pháp đầu tiên bên cạnh ao. Tên kiếm pháp là Mãn Đường Sương, dựa theo câu thơ “mãn đường hoa túy tam thiên khách, nhất kiếm sương hàn thập tứ châu”[1].

Kiếm pháp đơn giản và chỉ có mười bốn chiêu.

Não hắn nhớ ra kiếm pháp thì tay nắm lấy chuôi kiếm vì muốn múa kiếm một lần nữa. Song thanh kiếm nằm trên gối nặng tựa ngàn cân, hắn dốc toàn lực mà tay phải cứ run rẩy miết. Nam tử dùng tay trái đỡ cổ tay phải mới vất vả nhấc kiếm lên được khoảng mấy tấc.

Trong chớp mắt, hắn kiệt sức thả lỏng năm ngón tay và kiếm Thái Hòa rớt xuống đầu gối.

Tuân Từ ngửa đầu, hắn mệt mỏi tựa lưng vào xe lăn rồi thống khổ nhắm nghiền mắt.

Từ Viện nghĩ hắn khoáng đạt lẫn lương thiện tựa dòng nước mát lành, chẳng ai biết hắn từng một mình nếm trải nỗi tuyệt vọng.

Làm kiếm tu nhưng vĩnh viễn không thể cầm kiếm lẫn vứt bỏ kiếm đạo mà hắn theo đuổi cả đời thì bi ai xiết bao.

Song mỗi lần nghĩ đến mình làm tất cả vì Sở Nhược Đình, Tuân Từ sẽ bình tĩnh lại.

So với kiếm đạo, hắn càng chẳng thể từ bỏ Sở Nhược Đình.

Giả dụ hôm ấy Vương Cẩn đánh trúng nàng thì Tuân Từ không dám tưởng tượng mình sẽ kinh hãi cỡ nào. Hắn thấy may mình chắn đòn kịp thời nên nàng chẳng bị thương dù chỉ một chút.

Về sau Kiều Kiều nghe nói hắn tỉnh dậy bèn nhờ Nam Cung Hiên mang bùa truyền âm đến và hỏi hắn có cần giúp đỡ không.

Tuân Từ cự tuyệt.

Hắn nghĩ nếu Nhược Đình còn ở đây, nàng nhất định không muốn thấy hắn nói chuyện với Kiều Kiều.

Kiều Kiều chả hiểu sao đại sư huynh xa lánh mình, nàng ta từng chất vấn Tuân Từ vô số lần nhưng hắn không bao giờ trả lời. Vào lần cuối cùng, nàng ta hỏi Tuân Từ, “Huynh biến mình thành bộ dạng này vì nhị sư tỷ thì có đáng không?”

Tuân Từ trầm mặc rất lâu mới đáp trả, “Làm gì có đáng hay không, chỉ có tình nguyện hay không thôi.”

Vì nàng, hắn tình nguyện trả giá bằng cơ thể khỏe mạnh, tu vi trọn đời, và kiếm đạo hắn theo đuổi.

Kỳ thật Tuân Từ thấy bản thân vô cùng mâu thuẫn.

Vương Cẩn nhặt hắn ở ven đường, ông ta dạy hắn làm người chính trực, hướng thiện, lỗi lạc và chuyên cứu giúp người gặp nạn. Thế nhưng Vương Cẩn nào phải người như vậy. Thuở thiếu thời, hắn thích tu luyện cùng Sở Nhược Đình; khi Kiều Kiều nhập môn thì hắn cũng thích kết bạn với nàng ta. Thật ra đâu chỉ mỗi Sở Nhược Đình hay Kiều Kiều, hắn có thể chơi cùng các sư đệ lẫn sư muội khác. Trong suy nghĩ của hắn, đồng môn toàn người tốt chứ không có kẻ xấu.

Trước sự kiện tại núi Huyền Hoa, hắn có cảm tình với Kiều Kiều.

Nhưng lúc hắn chọn Sở Nhược Đình còn Lý Phong đưa Kiều Kiều đi, Tuân Từ chẳng thấy khúc mắc gì.

Kiều Kiều là sư muội, Lý Phong là sư đệ, sư đệ và sư muội thành đạo lữ là chuyện tốt. Tương tự, hắn sẽ chịu trách nhiệm với Sở Nhược Đình, từ đấy hết lòng chung thủy rồi vợ chồng ân ái.

Thực tế lại khác xa.

Hắn nghĩ mọi chuyện quá tốt đẹp, cứ tưởng bản thân đánh đổi thể xác lẫn tinh thần thì vận mệnh sẽ hoạt động theo trí tưởng tượng của hắn. Trên thực tế, mỗi người đều sở hữu tính toán riêng, chỉ mình hắn nghĩ đơn thuần. Ngay cả Lý Phong cũng không phải sư đệ tốt như hắn tưởng.



Sự lương thiện bác ái của hắn trở thành trò hề lớn nhất.

Tuân Từ cười tự giễu.

Trong lúc chà lau thân kiếm bằng cổ tay áo, hắn chợt nhớ ngày mình còn nhỏ và mới gia nhập Thanh Kiếm Tông. Hắn mắc lỗi nên bị Vương Cẩn phạt quỳ bên ao để lau kiếm. Sau khi lau một ngày một đêm, Vương Cẩn hỏi hắn đã giác ngộ kiếm đạo chưa. Hắn lắc đầu làm Vương Cẩn phẫn nộ lệnh cho hắn lau kiếm thêm ba ngày nữa.

Lúc trời sẩm tối, một cô bé nhảy lên tường rồi ném cục đá về phía hắn, đồng thời cất cái giọng con nít đặc sệt, “Ê, ngươi làm gì mà chọc giận chưởng môn thế?”

Mái tóc trái đào của cô bé cài hai quả cầu nhung trắng, khuôn mặt kia đẹp rực rỡ.

Tuân Từ không quen cô bé, hắn đáp, “Vì ta chưa giác ngộ kiếm đạo.”

“Không giác ngộ nổi kiếm đạo thì học đao, côn, roi, hay thương đi. Bộ ngươi cứ phải đeo bám một thứ miết à?”

Tuân Từ ăn nói vụng về nên chẳng tìm được lý do phản bác, hắn tiếp tục lầm lì lau kiếm.

Cô bé lại hỏi hắn, “Ngươi tên gì?”

“Tuân Từ.”

“Ngươi là đệ tử thân truyền của chưởng môn?” Cô bé vừa bẻ ngón tay vừa lảm nhảm, “Sắp tới cha mẹ cũng bắt ta làm học trò chưởng môn, phiền gần chết. Ta có muốn đâu nhưng chuyện này không phải do một đứa nhóc như ta quyết định…”

Cô bé lẩm bẩm giống người lớn trong thân xác trẻ con, thế rồi đôi mắt trong veo nhìn hắn, “Tuân Từ, vậy thì ta sẽ thành sư muội của ngươi. Nhớ kỹ nhé, ta tên Sở Nhược Đình, là sư muội đầu tiên của ngươi.”

Tuân Từ chưa theo kịp cuộc đối thoại này.

Sở Nhược Đình phì cười trước vẻ mặt ngơ ngác kia, “Mai sau ta phải gọi ngươi là đại sư huynh đó!”



Tuân Từ bần thần như có người vừa gọi hắn “đại sư huynh”.

Hắn vội vã đưa mắt nhìn đầu tường cạnh ao kiếm, nơi đấy chỉ có cành cây khô queo mọc ngoài tường chứ làm gì có bóng người.

Nội tâm dậy sóng làm hắn ho sặc sụa. Tuân Từ run rẩy lấy ra bình sứ rồi nhét một viên thuốc vô miệng, hắn che miệng ho rất lâu thì cổ họng mới thông thoáng. Tuy nhiên, lòng bàn tay hắn lại dính vệt máu chói mắt.

Tuân Từ cười khổ sở khi rửa sạch vết máu.

Hắn không muốn nghĩ lung tung nữa bèn gian nan nâng kiếm Thái Hòa rồi dốc sức ném kiếm cái “bùm” vào đáy ao.

Kiếm Thái Hòa cất tiếng than khóc ngắn ngủi, gợn sóng lan tỏa khắp mặt ao.

…Cứ vậy đi.

Từ đây kiếm nằm đáy ao, hắn không thể thay đổi gì hết nên sẽ chấp nhận vận mệnh bất hạnh.Chú thích

[1] Dịch nghĩa: Hương hoa khắp nhà làm say lòng vô số tân khách, một thanh gươm bén tiễu trừ mười bốn châu. Hai câu này trích từ thơ của Quán Hưu, một hòa thượng tinh thông thơ ca và hội họa ở cuối thời Đường.