Rajiva che chắn cho tôi khi chúng tôi len qua biển người đông đúc
trên các con phố lớn trong thành Trường An. Diêu Hưng muốn mời Rajiva
và các vương thân quý tộc ngự trên tòa lầu mới xây trên cổng thành để cùng chiêm ngưỡng lễ hội Sumuzhe, nhưng chàng đã từ chối khéo. Hai chúng tôi cùng đeo mặt nạ, Rajiva vận y phục dân thường, không ai nhận ra chàng, nên chúng tôi thoải mái dắt tay nhau đi trên
phố, hòa vào dòng người sôi động.
Chốc chốc Rajiva lại quay sang hỏi tôi có mệt không, chàng quản thúc
tôi khá chặt chẽ, không để tôi hưng phấn quá độ. Chẳng còn cách nào
khác, tôi đành sắm vai một người già cả, cùng chàng chầm chậm bước theo
đoàn diễu hành. Người Hồ - Tây Vực nhảy múa nhiệt tình trên đường phố,
các động tác vũ đạo bốc lửa của họ khiến tôi mơ màng. Như thể trong đám
nghệ sĩ nhảy múa kia có cả Pusyseda và cậu ấy đang nhướn mày, tinh
nghịch đá lông nheo chọc ghẹo tôi.
Không hiểu sao, bầu không khí và khung cảnh thân thuộc này khiến tôi
nhớ Pusyseda quay quắt, huyễn tưởng mang cậu ấy đến bên tôi, vẫn giọng nói cười cợt, hài hước vang lên bên tai tôi:
- Ngải Tình, nhìn chị ngẩn ngơ và cười ngây ngô trông rất đáng yêu.
Tâm tư đang mê mải chìm trong hồi ức, bỗng tôi thấy một đoàn người Hồ dắt theo lạc đà và ngựa đang tiến vào giữa phố. Giữa đám người cao lớn
ấy, có một dáng hình rất đặc biệt. Dáng người cao lênh khênh, vận bộ y
phục điển hình của quý tộc Khâu Từ, tướng mạo khôi ngô, tuấn tú. Sống
mũi cao, đôi mắt to, long lanh, lông mày dài, rậm, màu mắt là màu xám
nhạt! Trời ơi, là cậu ấy! Nụ cười khinh bạc thường trực trên khóe môi
kia, không phải của cậu ấy thì còn ai vào đây nữa?
Trái tim tôi đập thình thịch như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, tôi lập tức nhấc gót, phi như bay về phía trước, mặc cho Rajiva gào thét tên
tôi ở phía sau. Tôi lao đến trước mặt cậu ấy, không kịp dừng lại thở, bỏ mặt nạ xuống, ôm chầm lấy cậu ấy, vùi đầu vào khuôn ngực rộng lớn của
cậu ấy, mừng phát khóc, nói với cậu ấy bằng tiếng Tochari đã lâu tôi
không dùng đến:
- Pusyseda, là cậu ư, có thật là cậu đấy không? Mừng quá, tạ ơn trời Phật đã nghe được lời khẩn cầu của tôi!
Người ấy bị tôi ôm bất ngờ nên có vẻ sững sờ, giọng nói khàn khàn của một chàng trai trẻ cất lên:
- Chị ơi, chị quen cha tôi ư?
Tôi giật mình, ngẩng lên. Đôi mắt màu xám nhạt đang nhìn tôi chăm
chú, gương mặt quyến rũ với các đường nét sống động như tạc, nước da
sáng bóng, khỏe khoắn, cả con người toát lên sức trẻ dồi dào, giống quá! Nhưng Pusyseda không thể là một chàng trai hai mươi tuổi
được…
Tôi sửng sốt, lập tức buông tay ra, bối rối khôn tả.
- Ngải Tình, bao năm rồi mà chị vẫn ngốc nghếch như vậy! Chẳng thông minh lên chút nào.
Tôi quay đầu lại, thấy một người đàn ông trung niên cao lớn, lực
lưỡng đứng đằng sau chàng trai trẻ hồi nãy, hai tay vắt chéo, đặt trên
chiếc bụng phệ. Người đó đang nheo mắt nhìn tôi, đuôi mắt vằn vện những nếp nhăn. Trên cổ người đó là chiếc vòng gắn ngọc bội sư tử thân thuộc, bộ ria rung rung theo nụ cười, gương mặt dạn dày sương gió.
- Pusyseda!
Tôi dụi mắt, gọi cậu ấy mà giọng run run, nước mắt ở đâu trào ra, che khuất tầm nhìn.
- Chị vừa ôm con trai tôi chặt thế, bây giờ gặp được chính chủ, sao
không thèm ôm nữa vậy? Cậu ấy cười vui vẻ, dang rộng hai tay về phía
tôi:
- Có phải chê tôi già rồi không?
- Làm gì có chuyện đó!
Đang bận đập tay vào người cậu ấy phạt đòn thì cậu ấy đột ngột nhấc bổng tôi lên, quay mấy vòng liền.
Bầu trời Trường An xanh trong xoay tròn trên đầu tôi, nỗi vui mừng,
xúc động trào dâng ngập lòng. Tôi gặp lại cậu ấy rồi, tuyệt biết bao!
Cậu ấy đặt tôi xuống, đuôi mắt phủ đầy những nếp nhăn li ti, nước mắt long lanh:
- Ngải Tình, chị béo lên rồi đấy.
Tôi lừ mắt với cậu ấy, vừa khóc vừa cười vừa mắng nhiếc:
- Không có tôn ti trật tự gì cả! Cười đùa hồn nhiên trước mặt con trai như thế mà coi được à?
- Ôi, khi nãy tôi không làm gì cả nhé!
Cậu ấy giơ tay lên cao, mỉm cười cầu hòa với ai đó phía sau tôi. Tôi
quay lại, thấy Rajiva đứng ngay sau lưng mình, nở nụ cười hiền hòa, tháo bỏ mặt nạ.
- Anh em ruột gặp lại nhau, cũng nên ôm một cái chứ nhỉ?
Chàng nhìn em trai, từ tốn chìa tay ra. Pusyseda sững sờ, sau đó thì
rảo bước về phía trước, ôm chầm lấy anh trai. Thấy hai anh em họ thân
mật trong vòng tay nhau như thế, tôi không cầm được nước mắt, nước mắt
hòa trong tiếng cười đoàn tụ. Lễ hội Sumuzhe năm nay sẽ là kỉ niệm quan
trọng nhất cuộc đời tôi…
Sau lúc đó, chúng tôi không còn hứng thú để xem tiếp các tiết mục của ngày hội nữa. Người thầy mà Rajiva từng theo học luật, pháp Phật giáo ở Khâu Từ, là ngài Vimalaksas cũng theo Pusyseda đến Trường An tìm gặp Rajiva. Pusyseda không cùng đoàn hầu cận đến quán trọ như kế
hoạch ban đầu nữa mà cùng với Cầu Tư và sư phụ Vimalaksas theo chúng tôi về nơi ở trong cung Vị Ương.
Sư phụ Vimalaksas tuổi đã bảy mươi, đường đi xa xôi, trắc trở, hẳn
ngài rất mệt, nên Rajiva đã sắp xếp để ngài nghỉ ngơi sớm. Pusyseda và
Cầu Tư thì chuyện trò không dứt với chúng tôi. Từ cuộc li biệt ở Khâu Từ đến nay, anh em họ đã mười tám năm không gặp lại, cố nhiên là có rất
nhiều điều để nói. Bởi vậy, đến giờ chong đèn thắp nến, họ vẫn thao thao bất tuyệt.
Pusyseda cho chúng tôi hay, Đức vua Bạch Chấn và con trai đều đã qua
đời, vua Khâu Từ hiện nay là Bạch Tô, cháu nội Bạch Chấn. Con gái Vịnh
Tư của Pusyseda hiện là Hoàng hậu Khâu Từ, năm ngoái vừa sinh con trai,
được phong làm Thái tử. Hiểu Huyên lên chức bà ngoại, nên rất bận rộn.
Cô ấy vẫn mạnh khỏe, nhưng cũng hay ốm vặt. Con trai cả Cầu Tư, năm nay
hai mươi ba tuổi, là đội trưởng đội Cấm vệ quân. Điều khiến Hiểu Huyên
lo lắng nhất là cậu cả không chịu cưới vợ, còn mải mê kén chọn.
Nhắc đến Cầu Tư, Pusyseda lắc đầu thở dài. Tôi tủm tỉm cười, Cầu Tư
giống hệt cha mình hồi trẻ, thích chơi bời, ham phong lưu, ghét sự gò
bó, ổn định.
Thấy tôi cười, cậu ta lừ mắt với tôi, nhưng sau đó cũng bật cười theo:
- Chưa biết chừng, nó giống tôi năm xưa, đang chờ đợi sự xuất hiện của tiên nữ cũng nên…
Nãy giờ ngồi im lặng bên cạnh, không nói năng câu gì, nghe cha nói
vậy, Cầu Tư liếc cha một cái, mặt đỏ bừng bừng. Tướng mạo của Cầu Tư là
sự tổng hòa mọi ưu điểm của người Tây vực và người Hán, vì thế chàng
trai trẻ này còn điển trai hơn cả cha cậu ta năm xưa. Ngắm nhìn Cầu Tư,
trong đầu tôi bỗng nảy ra ý nghĩ, không biết ngày sau lớn lên, nhóc
Rajiva có điển trai bằng người em họ này không?
- Ngải Tình, đây là chuyến đi cuối cùng của tôi đến Trường An. Thời
buổi binh đao loạn lạc này, đường đi muôn vàn gian nan, nguy hiểm. Nhà
vua vốn muốn chờ khi cục diện ở Trung Nguyên ổn định mới tiến cống,
nhưng tôi đã khuyên ngài nên kết giao với Diêu Hưng. Thực ra, tôi làm
vậy là vì mong muốn cá nhân, tôi muốn đến thăm anh trai mình lần cuối.
Không ngờ, lại được gặp chị ở đây, vậy là tôi không có gì phải nuối tiếc nữa.
Pusyseda tựa lưng vào chiếc giường La Hán, vòng tay ra sau, vừa đấm
lưng vừa lắc đầu, thở dài: - Tuổi tác không tha cho ai! Không ngờ cũng
có ngày tôi phải già đi. Anh tôi cũng già cả rồi, chỉ có chị là mãi mãi
trẻ trung, chị thật may mắn…
Tôi cười:
- Tôi rồi cũng sẽ già đi, chỉ có điều mọi người không được nhìn thấy mà thôi.
Bàn tay ai đó nắm chặt lấy tay tôi dưới gầm bàn, Rajiva mỉm cười dịu dàng. Chúng tôi nhìn nhau, rồi quay sang Pusyseda:
- Pusyseda, ông trời ưu ái với tôi quá, cho tôi gặp lại cậu trước khi ra đi…
- Ra đi ư?
Cậu ấy kinh ngạc ngắt lời tôi:
- Lại về trời sao? Tôi gật đầu: - Thời gian của tôi sắp hết, tôi phải trở về nơi tôi sống, tôi còn phải nuôi nấng, dưỡng dục con trai khôn
lớn.
Nhận thấy vẻ ngạc nhiên trong mắt Pusyseda, tôi giải thích qua loa:
- Chúng tôi có một cậu con trai, cháu tên nhóc Rajiva, bây giờ cháu đang ở chỗ tôi.
Pusyseda đột nhiên nghiêm mặt quay sang Rajiva:
- Đại ca, trước khi vào thành Trường An, đệ nghe nói đại ca đã cưới
thêm mười người thiếp, trong đó, một người vừa sinh cho huynh một cặp
song sinh, có đúng không? Sao huynh có thể đối xử với Ngải Tình như vậy?
Tôi và Rajiva nhìn nhau, mỉm cười, đem đầu đuôi câu chuyện kể lại
tường tận cho Pusyseda, nghe xong, cậu ấy mới thôi giận dữ. Cặp song
sinh này ra đời chỉ sau nửa năm kể từ ngày Rajiva tiếp nhận mười cung
nữ, như vậy, chỉ riêng về mặt thời gian đã không ăn khớp. Thêm vào đó, phần lớn trong số họ đều đã về nhà với người thân. Nhưng dường
như không ai thèm quan tâm đến điều này. Người ta chỉ thích nghe những
tin đồn động trời, tin đồn càng ngày càng bị thổi phồng lên, sai lệch
hoàn toàn với sự thật, sự thật bị chìm trong nước bọt của bia miệng thế
gian. Sức mạnh của tin đồn, ở thời đại nào cũng thế, đều vô cùng đáng
sợ.
Pusyseda nhìn Rajiva đầy vẻ nghiêm nghị:
- Đại ca, huynh và chị Ngải Tình đã yêu thương nhau suốt bốn mươi
năm, dẫu chị ấy có ra đi, thì huynh cũng không nên tiếp nhận người phụ
nữ khác…
Rajiva lồng tay vào tay tôi dưới gầm bàn, nhìn Pusyseda bằng ánh mắt thấu suốt:
- Tất nhiên rồi…
Pusyseda gật đầu, hít một hơi, đưa tay chấm nước mắt, lúc cậu ấy quay lại nhìn tôi, đôi mắt sáng long lanh:
- Ngải Tình, lần này, hãy để tôi và đại ca cùng tiễn chị. Tôi nhìn
Rajiva, chàng mỉm cười, tôi lại quay sang Pusyseda, cậu ấy đang nhìn tôi khẩn khoản, rất khó diễn đạt tâm trạng của tôi lúc đó. Nước mắt lưng
tròng, tôi gật đầu với cả hai người.
Lúc này, tôi đang chuẩn bị hành trang để lên đường, có rất nhiều thứ
mà tôi muốn mang theo: đồ chơi Rajiva mua cho con trai, đồ thủ công mỹ
nghệ tôi sưu tầm được và rất nhiều đặc sản Khâu Từ mà Pusyseda tặng cho
hai mẹ con. Tôi sắp xếp cẩn thận từng món một.
Cửa phòng bật mở, Rajiva đứng giữa những chùm nắng rực rỡ mùa hạ, chìa tay về phía tôi:
- Ngải Tình, đi nào, theo ta đến gặp sư phụ.
Gặp đại sư Vimalaksas ư? Tôi ngạc nhiên nhìn chàng, nhưng chàng vẫn mỉm cười bình thản. Tôi theo chàng bước vào Phật đường,
đại sư Vimalaksas đang tọa thiền trên đệm cói, nghiên cứu kinh văn mà
Rajiva phiên dịch, thấy tôi ngài không khỏi kinh ngạc.
Rajiva lễ phép thưa:
- Thưa thầy, đây là vợ con, cô ấy tên Ngải Tình.
Tôi luống cuống, chắp tay vái lạy ngài.
Đại sư chắp tay vái chào lại, sau đó, không nhìn tôi lấy một cái, cất giọng hờ hững: - Nghe nói con ở Trường An dịch kinh truyền pháp, được
người Hán rất mực tôn kính, chẳng hay con đã thu nhận được bao nhiêu đệ
tử rồi?
Tôi thầm cười buồn. Đại sư cố ý không nhắc đến chuyện hôn nhân của
tôi và Rajiva, đó là cách ngài bày tỏ thái độ với Rajiva về chuyện này,
đúng không?
Rajiva cung kính trả lời:
- Kinh luật Phật pháp ở đất Hán còn thiếu rất nhiều, kinh văn mới và
các cuốn luận đều do con chuyển dịch. Con truyền pháp và dẫn dắt hơn ba
nghìn tăng nhân, nhưng vì nghiệp chướng nặng nề, nên con chỉ chuyên
tâm truyền pháp mà không thu nhận đệ tử một cách chính thức.
Đại sư ngạc nhiên nhìn Rajiva, sau đó quay sang nhìn tôi, rồi trầm ngâm hồi lâu mới thở dài cất tiếng:
- Chính con đã để cho dục vọng trỗi dậy, bây giờ đã hối hận chưa?
Rajiva mỉm cười mãn nguyện, điềm tĩnh đáp:
- Thưa thầy, con không hề hối hận.
Chàng nhìn tôi âu yếm, rồi ngẩng cao đầu, dõng dạc thưa rằng:
- Giống như hoa sen kia không mọc trên núi cao, đồng rộng mà chỉ mọc
trong bùn đen tăm tối. Thế mới hay mọi phiền não đời này đều là hạt
giống được gieo trồng bởi Đức Như Lai. Lại như, không vượt sóng dữ không vớt được ngọc quý, không trầm luân trong bể khổ, không thể lĩnh hội
được những điều quý báu của đời sống vô tận… Rajiva và vợ không phải
quan hệ nam nữ thông thường theo cách hiểu của người đời.
Rajiva không ngập chìm trong bùn sâu tăm tối, đứt hơi mà chết, trái lại, như sen kia nở hoa rực rỡ, tỏa hương thơm ngát, chính là nhờ có vợ con
bốn mươi năm qua luôn cổ vũ, khích lệ con. Con đưa vợ đến gặp thầy vì
muốn thưa với thầy rằng: Nhờ có người phụ nữ luôn âm thầm, lặng lẽ đứng
đằng sau, sẵn sàng hy sinh tất cả này đây, con mới có được thành tựu như hôm nay.
Tôi khóc nấc lên, cổ họng đau buốt. Rajiva nhìn tôi bằng đôi mắt đẫm lệ, nhưng nụ cười luôn thường trực trên môi chàng.
Chàng ngừng lại một lát, hít một hơi thật sâu, mắt long lanh nhìn tôi, cười dịu dàng:
- Nay vợ con sắp đi xa, Rajiva sẽ không còn cơ hội gặp lại cô ấy nữa. Con đã trải qua mọi thăng trầm, phiền não của kiếp người, đã nghiệm ra
nơi mà ngọc quý vô giá cũng như những tri thức quý báu của đời sống thực sự tồn tại. Những phong ba, trầm luân này phải chăng chính là những cửa ải Phật tổ đặt ra để thử thách và rèn luyện Rajiva? Sau khi vợ con ra
đi, con sẽ dành toàn bộ quãng đời còn lại để hoàn thành sứ mệnh dịch
thuật kinh Phật, cho đến hơi thở cuối cùng.
Đại sư lặng lẽ nhìn hai chúng tôi, vẻ mặt nhân từ, thương xót. Ngài im lặng rất lâu mới buông tiếng thở dài:
- Con là người thẳng thắn, phóng khoáng, không chịu sự chi phối, lệ
thuộc. Người đời chẳng thể thấu hiểu những đắng cay mà con phải gánh
chịu. Thôi thì, kiếp số đã định như vậy, con phải tự mình tháo gỡ mối
nghiệt duyên này…
Rajiva nắm tay tôi, hai chúng tôi cùng vái lạy đại sư Vimalaksas:
- Tạ ơn thầy!
Chàng vươn thẳng lưng, nở nụ cười rạng rỡ với tôi giữa căn phòng ngập nắng…
- Ngải Tình, tôi tiễn chị một lần, đại ca tiễn chị một lần, bây giờ cả hai chúng tôi cùng nhau tiễn chị, thế là huề nhé!
Pusyseda giúp tôi đeo chiếc ba lô nặng trịch lên lưng, bỗng dưng gào lớn:
- Ơ, không đúng, tôi quên mất là lần đầu tiên chị trở về, tôi là
người tiễn chị, mặc dù hồi đó tôi chỉ là chú nhóc mười tuổi. Ha ha, tôi
nhiều hơn đại ca một lần nhé, ghen tị không?
Cậu ấy nháy mắt trêu chọc Rajiva, nhưng chàng chỉ mỉm cười đôn hậu, giúp tôi kéo khóa tay.
- Đại ca ơi, trước lúc chia tay, cho đệ ôm chị dâu một cái được không?
Rajiva không đáp, vẫn cười hiền hòa. Mặc áo chống phóng xạ xong,
Pusyseda chìa hai tay về phía tôi, kéo tôi vào khuôn ngực vạm vỡ của cậu ấy, xiết chặt.
- Ngải Tình, dù chúng tôi không được gặp lại chị nữa, ở trên trời, chị phải nhớ giữ gìn sức khỏe và sống thật vui vẻ nhé!
Giọng nói nghẹn ngào, nhưng cậu ấy vẫn cười thật tươi với tôi: - Hãy
hứa là chị sẽ sống mạnh khỏe đi! Tôi nhìn sâu vào đôi mắt đẫm lệ của cậu ấy, nức nở:
- Tôi hứa. Pusyseda, tôi sẽ luôn nhớ về cậu, cho đến khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời…
Vòng tay xiết chặt hơn nữa, để tôi nép sát vào khuôn ngực rộng lớn,
ấm áp. Nước mắt tôi lã chã tuôn rơi, thấm vào y phục của cậu ấy. Đội ơn
Phật tổ đã cho con được gặp lại Pusyseda…
Pusyseda khẽ buông tôi ra, lau nước mắt, nháy mắt với tôi:
- Thôi, phải nhường ít thời gian cho huynh ấy, không huynh ấy hận tôi đến chết mất.
Pusyseda tươi cười rời khỏi phòng, chỉ còn lại tôi và chàng, yên lặng nhìn nhau.
- Ngải Tình, hãy nghe lời ta…
Chàng nhìn tôi rất lâu, như thể đang suy nghĩ điều gì lung lắm, sau đó, hít một hơi thật sâu, ngập ngừng, do dự:
- Nàng mới ba mươi ba tuổi, một mình nuôi con sẽ rất vất vả. Nếu như… nếu như… gặp được người ưng ý, và người đó thương nàng, thương nhóc
Rajiva, thì nàng hãy…
- Rajiva!
Tôi nghiêm nghị ngắt lời chàng, chìa tay trái ra trước mặt chàng, để chàng có thể thấy rõ chiếc nhẫn cưới:
- Chàng nói gì vậy! Chàng viết đơn bỏ em chưa? Em hỏi chàng, sau khi em ra đi, chàng có cưới vợ nạp thiếp không?
Chàng lắc đầu, nhìn tôi xót xa:
- Nàng biết mà…
- Vậy thì vì sao chàng khuyên em tái giá? Chàng cũng biết, đời này
kiếp này, em không thể đón nhận người đàn ông nào khác ngoài
chàng kia mà…
- Ta biết điều đó.
Chàng kéo tôi vào lòng, khẽ thở dài:
- Nhưng, nàng còn trẻ như vậy, đường đời dằng dặc, chúng ta lại không thể gặp lại nhau nữa, nàng sẽ khổ tâm lắm…
- Chàng đợi em hết mười năm này đến mười năm khác, lần cuối cùng,
thậm chí đã chờ suốt mười sáu năm. Sao chàng biết được, em thậm chí có
thể chờ đợi chàng lâu hơn hay không? Vả lại, em đâu chỉ có một mình, em
còn nhóc Rajiva nữa mà.
Tôi ngước lên, nhìn vào đôi mắt như hai vực nước trong vắt, sâu hun
hút ấy, dịu dàng nói: - Chờ khi con trai nên người, không còn gì phải
bận tâm nữa, em sẽ xuống địa ngục tìm chàng. Chàng nhớ chờ em ở đó…
Chàng hôn tôi da diết, bờ môi êm dịu của chàng vấn vít, quấn quyện lấy môi tôi, không muốn rời buông.
- Mình ơi, sao nàng khờ thế!
Cổ tôi quyện vào cổ chàng, tôi thì thầm vào tai chàng:
- Chàng cũng vậy đó thôi…
Chúng tôi lồng tay vào nhau, chàng đặt tay tôi lên ngực, nhìn tôi thật sâu:
- Được, ta sẽ chờ nàng nơi địa ngục. Nghìn năm thời gian chẳng qua cũng chỉ là một lần chớp mắt. Ta tin rằng ta chờ được…
- Em nhất định sẽ tới tìm chàng. Gặp nhau nơi địa ngục và sẽ không gì có thể chia cách chúng ta được nữa…
Tôi bật đồng hồ thời gian, nhìn chàng lần cuối. Cuộc chia tay này sẽ
là sinh li tử biệt. Sau khi vút bay lên không gian kia, tôi sẽ không thể gặp lại tình yêu của tôi, người yêu của tôi được nữa. Nhưng, cũng giống chàng, tôi không hề hối hận…
Rajiva, hẹn gặp chàng nơi địa ngục.