Vườn Tiêu Dao cách
Trường An hơn bốn mươi dặm, chúng tôi đi mất nửa ngày đường mới tới nơi. Tôi
vén rèm cửa, nhìn ra ngoài. Kinh đô danh tiếng trải mười tám triều đại vua hiển
hiện sống động trước mắt.
Tôi đã đến tham quan
cố đô Tây An thời hiện đại, đường đi rộng rãi, bố cục cân đối, giống như một
bàn cờ, Tây An bảo tồn nguyên vẹn tường thành từ thời Minh. Lầu chuông lầu
trống, tháp Đại Nhạn, tháp Tiểu Nhạn, Bi Lâm (rừng bia đá và mộ chí), phố Hồi
Dân (phố người Hồi, phố ẩm thực nổi tiếng của Tây An), Thư Viện Môn (phố đi bộ
cổng thư viện Quan Trung), đan xen hài hòa với các trung tâm thương mại,
các tòa nhà cao tầng hiện đại, với phố xá nườm nượp xe cộ và người đi lại, tạo
nên một bầu không khí rất đặc biệt.
Tây An thời hiện đại
được xây dựng từ thời nhà Đường, kế thừa bố cục kinh đô của nhà Minh. Còn thành
Trường An trước mắt tôi, hiện nằm ở phía Tây Bắc Tây An, là kiểu kiến trúc đô
thành của thời Hán. Kinh đô trải bao bãi bể nương dâu, vật đổi sao dời này,
cũng chẳng được yên ổn trong thời kỳ Thập lục quốc. Cuối thời Tây Tấn, loạn Bát
vương đã phá hoại nghiêm trọng thành phố này, sau đó, vua Phù Kiên nhà Hậu Tần
phải mất rất nhiều công sức mới khôi phục lại nguyên trạng, nhưng đến khi Mộ
Dung Xung bao vây, tấn công Trường An, đã dung túng cho quân lính hoành hành
ngang ngược, đốt phá, cướp bóc, giết chóc, khiến cho đất Quan Trung trở thành
chốn địa ngục A Tì. Nhưng vào thời điểm này, với nỗ lực của hai đời vua Diêu
Trường, Diêu Hưng, tuy chẳng thể so sánh với quy mô thời thịnh Đường ngày
sau, Trường An cũng có thể được xem là một thành phố phồn hoa, đô hội. Xe ngựa
chầm chậm lăn bánh qua lầu trống, lầu chuông, dòng người qua lại như mắc cửi,
hơi thở đầy sinh khí của cuộc sống ấm no ngập tràn khắp phố phường. Rajiva vòng
tay qua eo tôi, yêu chiều để mặc tôi gác cằm lên thành cửa sổ xe ngựa, quan sát
mọi thứ, ánh mắt tràn yêu thương. Khi ngang qua khu chợ bán đồ thủ công, chúng
tôi thấy bên đường có rất nhiều người ăn mặc rách rưới, trên đầu cắm cọc tiêu
bằng cỏ[1], ánh mắt thẫn thờ. Rajiva cho dừng xe lại, bước xuống hỏi han. Tôi
cũng muốn theo chàng, nhưng ngẫm ngợi một lát lại thôi. Nếu để người ta bắt gặp
chàng đi cùng một phụ nữ ra phố, sẽ ảnh hưởng không tốt đến danh tiếng của
chàng. Lát sau, Rajiva quay lại xe ngựa, bảo tôi đưa cho chàng ít tiền,
tôi không ngần ngại dốc sạch hầu bao. Chàng cho những người tội nghiệp đó
tiền, và lúc quay lại, vẻ mặt chàng trầm buồn.
[1] Cọc tiêu bằng cỏ
cắm trên hàng hóa cho biết là hàng để bán.
- Họ là dân lang thang
đến từ Lương Châu, không còn đường sống, phải bán thân làm nô lệ.
Chàng thở dài não nề:
- Ta sẽ khuyên Bệ hạ
trả tự do cho họ.
Tôi gật đầu đồng tình.
Diêu Hưng không giống Lữ Quang, ngài là một vị vua anh minh, chắc chắn sẽ
nghe lời khuyên của Rajiva.
Xe ngựa đỗ ở cổng phụ
của cung Vị Ương để chờ người vào cung thông báo. Lúc dừng xe, một chàng trai
cao lớn đứng ở phía đối diện đã thu hút sự chú ý của tôi. Cậu ta đứng ngoài
cổng ngó nghiêng vào bên trong, vẻ mặt đầy lo lắng. Tuổi chừng hai mươi, cao
khoảng một mét chín. Nghe thấy tiếng động từ phía sau, cậu ta quay lại nhìn cỗ
xe ngựa. Tôi thầm thốt lên: đẹp trai quá!
Thân thể cao lớn,
cường tráng, các bắp thịt săn chắc, vạm vỡ. Tuy mặc áo bông thường dân, nhưng
cử chỉ nho nhã. Nước da trắng bóc, làn môi đỏ và hàm răng trắng nổi bật. Đôi
mắt đen long lanh đang chăm chú quan sát cỗ xe ngựa của chúng tôi đầy vẻ hiếu
kỳ. Chiếc cằm thuôn nhọn khiến cho gương mặt trở nên dịu dàng, hiền hậu.
Hách Liên Bột Bột cũng
cao lớn, tráng kiện, nhưng gương mặt của hắn quá ư lạnh lùng, dữ dằn, khiến
người ta sợ hãi. Chàng trai trẻ này hoàn toàn không có những nét “ác bá” ấy,
nên nếu đánh giá về mức độ “đẹp trai”, thì cậu ta hơn hẳn Hách Liên Bột Bột.
Nước da trắng ngần này chắc chắn không phải huyết thống của người Hán.
Chàng trai giật mình
thảng thốt khi nghe thông báo người ngồi trên xe là pháp sư Kumarajiva và
phu nhân, kế đó liền rảo bước về chúng tôi. Cả tôi và Rajiva đều băn khoăn khi
nhìn thấy chàng trai ấy, gương mặt mày quen thuộc quá, không biết cậu ta là ai?
Cỗ xe rời đi khi chàng trai chưa kịp lại gần. Ngồi trên xe, tôi quay lại nhìn,
thấy cậu ta có vẻ hụt hẫng, ánh mắt thẫn thờ, ngóng theo cỗ xe đang xa dần.
Sau khi vào cung,
chúng tôi được sắp xếp nghỉ ngơi tại một khu nhà chỉ có một cổng ra vào ở vành
ngoài cung điện. Rajiva đưa Tăng Triệu đến chào hỏi vua Diêu Hưng, chàng biết
bệnh nghề nghiệp của tôi rất “nặng”, nên đã cắt cử viên thái giám họ Trịnh,
chức quan Hoàng môn[2] đưa tôi đi thăm thú Hoàng cung trong phạm vi cho phép.
Hậu cung là chốn cung cấm, không được tự ý ra vào.
[2] Hay còn gọi là Hoàng
môn thị lang, chức quan coi sóc công việc trong cung vua thời xưa.
Nhưng không sao, được
tự do thăm thú vòng ngoài thế này cũng đủ vui lắm rồi. Vua Lưu Bang năm xưa
lệnh cho Tiêu Hà giám sát việc xây dựng cung Vị Ương, đây là cung điện dài nhất
trong lịch sử Trung Quốc còn giữ lại được đến ngày nay. Từ thời Tây Hán, Tiền
Tần, Hậu Tần, đến Tây Ngụy, Bắc Chu thời Nam Bắc triều, các vị Hoàng đế đều đặt
cung Vị Ương làm trung tâm hành chính trung ương, qua nhiều lần tu bổ mở rộng,
cung Vị Ương chiếm 1/7 tổng diện tích thành Trường An. Vì vậy, dù chỉ được phép
đi lại ở khu vực ngoại diên, nhưng diện tích cũng vô cùng rộng lớn, đủ để tôi
khảo sát thoải mái. Tôi hào hứng, nhét vào trong người ít bạc vụn, rồi theo
Trịnh Hoàng môn ra ngoài.
Chợt nhớ đến chàng trai
trẻ khi nãy, lòng hiếu kỳ trỗi dậy, tôi bèn nhờ Trịnh Hoàng môn đưa ra khu vực
cổng phụ khi nãy. Trên đường đi, vị thái giám này giải thích một cách khách sáo
để tôi hiểu rằng, trong cung có rất nhiều quy tắc, không được tự ý ra khỏi
cung, muốn ra ngoài phải có lệnh bài. Lẽ ra Rajiva không cần phải sống
trong cung, nhưng vì Bệ hạ muốn được nghe chàng giảng kinh mỗi ngày, nên
không bằng lòng để chàng ở nơi cách xa ngài. Trịnh Hoàng môn giao cho tôi một
lệnh bài, nói rằng cầm lệnh bài này có thể tự do ra vào cung.
Tôi vừa lắng nghe vừa
cảm ơn, cũng không quên rút ra ít bạc vụn, ý nhị trao cho Trịnh Hoàng môn, ông
ta được nhận hối lộ, càng nhiệt tình dẫn đường cho tôi hơn.
Ra khỏi cung, tôi bàng
hoàng khi mấy tên lính gác cổng đang đánh đập ai đó. Quan sát người đang co gập
người dưới đất, tay ôm đầu chịu đòn kia, tôi nhận ra đó chính là chàng trai hồi
sáng. Tôi vội vàng chạy đến can thiệp. Đám lính gác không biết tôi là ai, nhưng
thấy tôi đi cùng viên thái giám chức sắc không hề nhỏ trong cung, thì lập tức
dừng tay lại.
Tôi đỡ chàng trai trẻ
dậy, trán cậu ta sưng tấy, gò má bị toạc da, nỗi căm phẫn ngập trong đôi mắt
đẹp mê hồn, nộ khí trùm lên gương mặt tuấn tú. Cậu ta chắp tay vái tôi và nói
lời cảm ơn. Hỏi han nội tình mới biết, cậu ta từ Lương Châu tới đây, trên đường
đi, chị gái bị đội kị binh bắt cóc, nghe nói bị đưa vào cung làm ca kĩ. Ngày
nào cậu ta cũng đến cung Vị Ương ngóng đợi, mong sao tìm được cơ hội cứu chị
gái.
Tôi cười buồn, chả
trách cậu ta bị đám binh lính kia đánh đập. Hẳn là vì ngày nào cậu ta cũng qua
lại chỗ này, thậm chí rất có thể đã cả gan chặn xe của các quan lại trên đường
vào cung cũng nên. Tôi hỏi cậu ta về dung mạo và tuổi tác của người chị. Cậu ta
mô tả cho tôi nghe về chiều cao của chị gái, và nói rằng cô ấy hai mươi lăm tuổi,
tuy không xinh đẹp nhưng hiền thục, đoan trang. Tôi hiểu rồi, thì ra là cô gái
ấy.
- Chị cậu tên là
Nghiêm Tĩnh phải không? Cậu ta vui mừng khôn xiết, gật đầu rối rít. Tôi lấy làm
khó hiểu, các nét trên gương mặt cô gái ấy tương đối thô kệch, mắt to, lông mày
rậm, giống người Hung Nô, còn chàng trai cao lớn, da trằng như trứng gà bóc
này, giống người Tiên Tì hơn, sao họ lại là chị em?
Nghĩ vậy nhưng tôi
không nói ta, chỉ gật đầu bảo cậu ta:
- Tôi đã gặp chị cậu.
Cô ấy kết hôn rồi đúng không, vì tối nào tôi cũng thấy cô ấy khóc nhớ chồng.
Cậu ta lấy làm ngạc
nhiên, biểu cảm trong ánh mắt rất phức tạp, hai má hơi đỏ lên.
- Xin chị làm ơn làm
phước giúp đỡ, tôi sẽ không bao giờ quên ơn.
Cậu ta quỳ một chân
xuống, chắp tay lại, đưa lên cao, đầu cúi thấp.
Tôi hơi khó nghĩ. Diêu
Hưng khi đó đã lệnh cho Vương ma ma đưa các cô gái về đội ca múa của triều
đình, sự việc diễn ra được một tháng rồi, không biết tình hình của họ bây giờ
ra sao. Bước vào cửa quan đã khó ra, huống hồ là cửa cung.
Nhìn vẻ mặt đầy hi
vọng của chàng trai, tôi thấy không đành lòng:
- Cậu cứ về đi, đừng ở
đây dò la tin tức nữa. Hãy cho tôi biết tên và địa chỉ nhà cậu, nếu có tin gì
tôi sẽ cử người đến thông báo cho cậu. Cậu ta vui mừng cảm ơn tôi, và cho biết:
- Tôi tên Mục Siêu,
nhà tôi ở phường Hoài Viễn.
Tôi giật mình ngẩng
lên. Cuộc sống lam lũ không hề làm sạm đi nước da trắng bóc của cậu ta, mái tóc
dài đen bóng, một nửa quấn gọn trong khăn vải, một nửa thả xuống ngang vai. Mục
Siêu ư? Nhiều năm trước cũng có một chú bé lém lỉnh tự xưng như vậy. Có phải
chàng thanh niên cao lớn này chính là chú bé ấy, hay đây chỉ là sự trùng hợp?
Tôi suy nghĩ thêm một lát, Nghiêm Tĩnh phải chăng là Diên Tĩnh, cha cô bé từng
nhận tên mình là Nghiêm Bình. Mộ Dung Siêu năm nay hai mươi tuổi, trùng khớp
với độ tuổi của chàng trai này. Và gia đình họ lại có cả người Hung Nô và người
Tiên Tì…
Cậu ta bối rối trước
ánh mắt chăm chú của tôi, hai má bỗng nhiên ửng đỏ. Tôi hỏi khẽ:
- Hồi cậu ba, bốn
tuổi, có từng sống ở Guzang không?
Cậu ta nhìn tôi kinh
ngạc, sau đó quan sát tôi rất kỹ rồi lặng lẽ gật đầu. Tôi hỏi tiếp:
- Khi ấy, cậu sống ở
đâu?
Cậu ta tiếp tục nhìn
tôi không chớp mắt, mấp máy môi:
- Nhà của pháp sư
Kumarajiva. Tim tôi đập mạnh: - Mẹ cậu họ Đoàn, tên Sính Đình, phải không?
- Cô… cô là ai?
Thiếu chút nữa thì cậu
ta nhảy dựng lên, khuôn ngực phập phồng.
Tôi bật cười khanh
khách, đây đúng là duyên trời, cậu ta quả nhiên là chú nhóc đáng yêu ngày đó.
Tôi lôi ra một nắm bút chì giấu trong tay áo:
- Cậu có nhận ra vật
này không?
- Cô cô!
Cậu ta kêu lớn, ôm chặt
lấy vai tôi, vui mừng khôn xiết:
-
Cô chính là cô cô!
Nhưng
cậu ta ngay lập tức lùi lại, vẻ mặt đầy hồ nghi:
-
Nhưng cô cô hơn tuổi mẹ tôi kia mà, vì sao trông lại trẻ hơn cả chị Tĩnh? Hơn
nữa, tôi nghe nói, cô cô đã…
-
Tên ranh, không được trù ẻo cô cô. Cô cô là tiên nữ, trẻ mãi không già. Cô chỉ
về nhà mẹ đẻ một thời gian thôi, sao dám bảo cô chết hả?
Tôi
trêu đùa cậu ta, cố ý làm cho vấn đề kia trở nên mơ hồ.
-
Siêu à, cháu lớn nhanh quá, cao hơn cả cô rồi. Tôi ngẩng lên nhìn cậu ta, vóc
dáng cao lớn, lại đẹp trai ngời ngời thế này, nếu ở thời hiện đại, không làm
người mẫu, diễn viên thì quả là phí của trời. Tôi vui mừng nắm tay cậu ta:
-
Đi nào, đưa cô đến thăm mẹ cháu.
Sính
Đình nheo mắt lại quan sát tôi hồi lâu dưới bóng hoàng hôn ảm đạm lọt vào căn nhà
mái lá tồi tàn, sau đó mới kêu lên:
-
Chị Ngải Tình, chị là chị Ngải Tình!
Cô
ấy kéo tôi ra ngoài cửa, mượn chút ánh nắng cuối ngày để nhìn tôi cho rõ hơn,
sau đó thì hết sức ngạc nhiên:
-
Chị Ngải Tình, vì sao chị không hề già đi? So với mười sáu năm trước, còn đẹp
hơn rất nhiều.
Tôi
chỉ cười không đáp. Mười sáu năm trước sống trong cảnh đói khổ triền miên như
vậy, làm sao mà đẹp nổi. Mấy năm qua, nhờ ăn uống đủ chất, và các loại mỹ phẩm
chăm sóc da của thời hiện đại, nước da của tôi không còn khô héo, vàng vọt như
xưa nữa, cơ thể cũng béo tốt, mỡ màng ra nhiều. Trước mắt tôi lúc này là một
người phụ nữ ăn mặc rách rưới, tiều tụy, héo hon, sắc mặt úa vàng, dáng người
gầy gò, còm cõi, không nhận ra vẻ đẹp của cô gái Sính Đình năm xưa nữa. Mười
sáu năm trước, cô ấy hai mươi hai tuổi, bây giờ mới chưa đầy bốn mươi hai,
nhưng trông cô ấy còn già nua hơn cả phụ nữ năm mươi tuổi. Tôi cảm thấy xót xa,
hẳn là, mười sáu năm qua, gia đình họ đã phải chịu đựng rất nhiều nhục nhằn,
kham khổ. Tôi quan sát căn nhà mái là thấp bé, rách nát, tồi tàn, trong nhà
không có đồ đạc gì đáng tiền. Mộ Dung Siêu vội vã dùng tay áo lau sạch bụi trên
chiếc sạp nhỏ và mời tôi ngồi xuống. Tôi bảo Trịnh Hoàng môn về trước,
nhắn với Rajiva rằng tôi gặp lại người quen, ăn tối xong mới về cung. Sau đó,
ngăn hai mẹ con Sính Đình đang cuống quít, sốt sắng lo tiếp đón tôi lại, mời họ
ra ngoài ăn tối.
Lúc
ăn cơm, Sính Đình đã kể cho tôi nghe cuộc sống của họ mười sáu năm qua. Họ bỏ
trốn đến Thiên Thủy, thuê một mảnh đất, cả gia đình mai danh ẩn tích, làm ruộng
sống qua ngày, đời sống thanh bần, kham khổ, họ cũng không nhớ đã vượt qua
những ngày tháng ấy bằng cách nào. Bà Công Tôn lâm bệnh qua đời khi Mộ Dung
Siêu lên mười. Hô Diên Bình cũng đã ốm bệnh mà qua đời một năm trước, trong
trận đói kinh hoàng ở Lương Châu.
Nhắc
lại cái chết của Hô Diên Bình, mắt Sính Đình đỏ hoe, nước mắt giàn giụa. Khi ấy
họ không còn tiền để bốc thuốc, lại gặp phải trận đói, nên đành bất lực, giương
mắt nhìn Hô Diên Bình chầm chậm đi đến cái chết. Điều an ủi duy nhất với anh ta
là Mộ Dung Siêu và Hô Diên Tĩnh đã bái đường thành thân ngay trước giường bệnh của anh ta. Sau khi Hô Diên Bình qua đời, gia đình họ cũng không mua
nổi quan tài, chỉ bọc thi thể trong một chiếc chiếu cói rồi an táng.
Những
ngày sau đó, vì không thể gắng gượng thêm nữa, lại đúng lúc nhà Tần thôn tính
Hậu Lương, họ đã hòa vào dòng người chạy nạn đến Trường An tìm kế sinh nhai.
Nào ngờ, trên đường đi, Hô Diên Tĩnh bị bắt, hiện không biết sống chết ra sao.
Sính Đình vừa khóc vừa kể, bát cơm chan đầy nước mắt. Cô ấy vốn là một tiểu thư
con nhà quyền quý, sống trong nhung lụa, văn chương thơ phú, cầm kỳ thi họa đủ
cả, vậy mà số phận lại trở nên trớ trêu, thê thảm nhường ấy.
Chúng
tôi chuyện trò, hàn huyên rất lâu, sau khi ăn xong, ra khỏi quán ăn thì trời đã
sẩm tối. Mộ Dung Siêu đề nghị chủ quán gạt hết đồ ăn thừa vào một chiếc đĩa sứ
để cậu mang về. Thấy họ tằn tiện như vậy, tôi không đành lòng, nên đã dốc hết
số tiền mang theo bên mình đưa cho Sính Đình, đồng thời an ủi họ rằng, tôi nhất
định sẽ nghĩ cách cứu Hô Diên Tĩnh ra.
-
Siêu à, cháu cưới chị Tĩnh làm vợ rồi, vì sao vẫn gọi là chị?
Tôi
hỏi Mộ Dung Siêu khi cậu ta đưa tôi về cung.
Phố
xá vắng lặng, trên đường chỉ có tiếng bước chân của tôi và cậu ta vang
lên lạo xạo. Không có đèn đường, chỉ có ánh sáng leo lắt của những ngọn nến hắt
ra từ khe cửa các căn nhà ven đường.
Tôi
nghe trong giọng nói của cậu ta có chút gì đó buồn bã. Cậu ta không muốn thừa
nhận mối quan hệ vợ chồng với Hô Diên Tĩnh trước mặt mọi người, phải chăng vì
đối với cô gái hơn mình năm tuổi ấy, cậu ta biết ơn nhiều hơn là yêu? Chuyện
tình cảm rất khó nói, tôi chỉ khuyên nhủ một cách tế nhị:
-
Cô ấy là một cô gái tốt… - Cháu biết chứ.
Cậu
ta tiếp tục bước đi, cất giọng nhẹ nhàng:
-
Xin cô yên tâm, chị ấy là vợ cháu, cháu sẽ không bao giờ bỏ rơi chị ấy.
Chúng
tôi đến cổng một dinh cơ bề thế, cổng lớn cao ngất, bậc cửa lạnh ngắt, trên
biển đề: Phủ tướng quân kỵ binh. Tôi giật mình, thì ra đây là phủ đệ của Hách
Liên Bột Bột…
-
Ối!
Mải
ngắm nghía cánh cổng vĩ đại nhà Hách Liên Bột Bột, nên tôi đã vấp phải bậc thềm
nhà hắn ta. Tôi đau đớn co cẳng nhảy lò cò, miệng không thôi xuýt xoa. Mộ Dung
Siêu giữ tôi lại và đỡ tôi ngồi xuống bậc thềm. Cậu ta ngồi bên cạnh, cúi xuống
nhấc cổ chân tôi lên, vặng sang trái vặn sang phải và hỏi tôi có bị trẹo chân
không. Tôi đoán là không, có lẽ chỉ bị thương nhẹ, nhưng vẫn rất
đau, tôi bực mình nguyền rủa Hách Liên Bột Bột và bậc thềm chết tiệt nhà hắn.
Chợt
nghe thấy tiếng cười thậm thụt bên cạnh. Tôi tức quá, đưa tay cốc cho cậu ta
một cái. Đây là hành động tôi thường làm khi xưa, mỗi lần cậu ta nằng nặc đòi
tôi kể chuyện.
-
Tên ranh, không được cười!
Tiếng
cười ngày một lớn và sảng khoái:
-
Cháu không ngờ cô vẫn trẻ con như vậy!
Tôi
định nghiêm mặt nạt nộ cậu ta, nhưng chợt nhớ ra là tôi chưa bao giờ biết dạy
bảo người khác, nên sau đó cả tôi cũng bật cười, nhớ lại chuyện xưa, không khỏi
bùi ngùi:
-
Cháu còn nhớ chuyện cháu bắt chuột cống ngày xưa không?
Tiếng
cười tan đi, lúc lâu sau mới nghe tiếng cậu ta khe khẽ vang lên:
-
Cháu làm sao quên được.
Ngừng
lại rất lâu, giọng nói thâm trầm, lành lạnh mới lại cất lên:
-
Sau chuyện đó, cháu hiểu ra rằng, khi anh yếu thế, bất kể kẻ nào cũng có thể
hiếp đáp, bắt bạt anh. Muốn không bị kẻ khác chèn ép, cách duy nhất là làm cho
bản thân mình trở nên lớn mạnh.
Cậu
ta quay lại, ngước nhìn dinh cơ đồ sộ, bề thế kia. Đèn lồng chiếu sáng cả một
góc phố, chiếu rọi cả dã tâm và hào khí dâng lên trong mắt Mộ Dung Siêu. Tôi
bỗng cảm thấy rất đỗi bất an khi nghĩ về kết cục bi thương của cậu ta ngày sau…
Rajiva
đã về nhà từ lâu. Tôi đem chuyện hôm nay tình cờ gặp lại Đoàn Sính Đình và Mộ
Dung Siêu kể lại cho chàng. Sau đó, bàn bạc với chàng làm cách nào để cứu Hô
Diên Tĩnh.
Rajiva
trầm tư giây lát, nói: - Ngày mai gặp Bệ hạ, ta sẽ tâu với ngài rằng con gái
một người quen đã bị bắt và đưa vào cung, ta tin Bệ hạ sẽ thả cô ấy ra thôi,
ngài là một vị vua anh minh. Hôm nay, khi ta cầu xin ngài trả tự do cho các nạn
dân Lương Châu bán mình làm nô lệ, ngài đã lập tức hạ chỉ trả tự do cho họ,
đồng thời cấp phát đất đai cho họ khai khẩn
Tôi
gật đầu. Bây giờ khác với khi còn ở Lương Châu, sức ảnh hưởng của Rajiva ở
Trường An rất lớn.
Chàng ra ngoài và bưng vào một bát thuốc:
-
Nàng về muộn quá, bát thuốc này đã phải hâm đi hâm lại nhiều lần.
Chàng
thổi bớt bọt khí, tự mình nhấp môi kiểm tra nhiệt độ, rồi mới đưa cho tôi. Sau
khi tôi uống hết bát thuốc trong trạng thái nhăn mặt, khó khăn, chàng lau miệng
cho tôi:
-
Bệ hạ còn nói, hiện đã có mấy vị tăng sĩ đến Trường An, họ muốn bái ta làm sư
phụ và trợ giúp ta dịch kinh.
Tôi
vừa bóp vai cho chàng, vừa hỏi chuyện:
-
Họ là những ai thế? Chàng vui mừng đáp: - Ba người học rộng biết nhiều nhất
trong số họ có pháp danh là Trúc Đạo Sinh, Đạo Dung, Tăng Duệ. Tôi “a” lên một
tiếng. Chàng giữ tay tôi lại, quay đầu hỏi:
-
Ngải Tình, nàng biết họ, phải không? Tôi lè lưỡi tinh nghịch, đáp: - Ba vị đó,
cộng với Tăng Triệu được người đời sau mệnh danh là “Thập môn tứ thánh”, là
những đệ tử đắc lực nhất của chàng.
Tôi
nhớ lại những tài liệu lịch sử từng đọc, thuật lại cho chàng nghe một cách tỉ
mỉ về lai lịch của họ.
Trúc
Đạo Sinh sinh cùng năm với Đạo Dung, cả hai chỉ kém Rajiva năm tuổi. Đạo Sinh
xuất thân con quan, rất có tài biện luận, hồi trẻ đã nổi danh khắp vùng vì khả
năng đó.
Đạo
Dung xuất gia năm mười hai tuổi, là người có trí nhớ phi thường. Hồi nhỏ, vào
một ngày nọ, sư phụ sai Đạo Dung vào trong thôn mượn cuốn “Luận ngữ”, Đạo Dung
không mang sách về mà nói rằng mình đã đọc thuộc. Sư phụ không tin, liền lấy
cuốn “Luận ngữ” ra đối chiếu và bảo Đạo Dung đọc thuộc, Kết quả, nhà sư đã đọc
không sai một chữ.
Tặng
Duệ trẻ hơn hai người kia, nhưng năm nay cũng đã ngoài ba mươi. Trước kia, Tăng
Duệ là đệ tử của ngài Thích Đạo An, vị cao tăng rất được vua Phù Kiên trọng
dụng. Người này rất chăm chỉ, năng lực lĩnh hội rất cao.
Rajiva
vừa nghe giới thiệu vừa hết lời khen ngợi, và nói rằng ngày mai sẽ bẩm tấu với
Diêu Hưng, để ba người đó vào sống trong chùa Thảo Đường, trợ giúp chàng
dịch thuật kinh Phật. Có được ba đệ tử tài giỏi như vậy, Rajiva rất vui. Tôi
rót trà cho chàng, hỏi:
- Chàng định sẽ dịch cuốn kinh nào trước?
-
Tất nhiên là…
Chàng
nhấp một ngụm nước, mỉm cười:
-
Cuốn “Kim cương bát nhã ba la mật kinh”.
Tôi
hết sức ngạc nhiên. Chàng đặt cốc nước lên bàn, ôm tôi vào lòng, ghé tai tôi
thì thầm:
-
Nàng thích những bài kệ trong cuốn kinh văn này nhất kia mà…
“Tất
cả các pháp hữu vi
Như
bóng bọt nước có gì khác đâu
Như
sương như điện lóe mau
Hãy
xem như giấc chiêm bao mơ màng”.
Chàng
lầm rầm đọc lại, giọng chàng trầm ấm, đưa hồi ức của tôi trở về buổi tối mùa hạ
năm đó. Khi ấy chàng một mực ép tôi ra đi, tôi đã đau lòng biết bao khi đọc
những câu kệ này. Chớp mắt, đã ngần ấy năm trôi qua…
Chàng
cúi xuống, gác cằm lên vai tôi, khẽ thở dài:
-
Ngải Tình, ta vẫn nhớ như in cảnh tượng lần đầu gặp nàng. Khi ấy nàng rất mệt
mỏi và lo lắng, mắt tròn xoe, miệng há hốc. Nàng không nhớ nổi tên ta bằng
tiếng Phạn, cứ nhẩm đi nhẩm lại một cách vất vả. Lúc đó ta thầm nghĩ, cô gái
này rất thật thà, chất phác, không màu mè, kiểu cách. Ngày tháng qua đi, càng ở
gần nàng, càng bị nàng hấp dẫn bởi tính cách đặc biệt và trí tuệ của nàng. Kể
từ đó, trái tim ta không còn dành riêng phụng thờ Phật tổ nữa, mới đây mà đã
bốn mươi năm, đúng là “như sương, như điện, như chiêm bao”…
Giọng
chàng ấm áp, êm như gió xuân, lướt qua tim tôi, làm rung động những con sóng
cảm xúc, tôi thấy mũi mình cay cay. Trong bốn mươi năm của đời chàng, mười năm
của đời tôi, nếu cộng cả nửa năm ở Trường An, chúng tôi cũng chỉ được sống bên
nhau vỏn vẹn bốn năm. Thời gian còn lại là nỗi khắc khoải chờ đợi mỏi mòn. Ông
trời có bất công với chúng tôi không? Không đâu, tôi lắc đầu, xua đi những suy
nghĩ bi quan. Nếu không trải qua những năm tháng đợi chờ dằng dặc ấy, làm sao
biết quý trọng những khoảnh khắc ngắn ngủi bên nhau.
Tôi
xoay người lại, nép vào ngực chàng, hai cánh tay vòng qua, xiết chặt lấy chàng,
như kẻ chết đuối chới với ghì chặt lấy khúc gỗ cứu mạng giữa đại dương mênh
mông. Tôi thầm nhủ với chính mình: đừng mong cầu gì nhiều, được ôm chàng trong
vòng tay như thế này, là đủ rồi…