Ngủ thêm một lát, lúc
tỉnh dậy đã thấy bóng người cao lớn ngồi bên giường. Tôi hỏi bằng giọng ngái
ngủ:
- Chàng về rồi ư? Lữ
Thiệu gặp chàng vì việc gì vậy? Tôi giật mình, mắt mở thao láo. Ánh mặt trời
chói chang rọi qua ô cửa sổ, chiếu sáng bóng người cao lớn ấy, cặp mắt
sắc lạnh quen thuộc đang nhìn tôi đăm đăm.
- Sao ngài…
Muốn hỏi anh ta vì sao
vào được đây, nhưng lại thôi, vì tôi quá hiểu, anh ta muốn làm gì thì sẽ làm
bằng được.
- Chuyện gì?
Tôi định ngồi dậy,
nhưng anh ta đã cúi xuống, cuộn tấm chăn đắp bên cạnh lại, chèn vào sau
lưng tôi, sau đó ôm eo, giúp tôi ngồi thẳng lên.
Mặc dù anh ta có ý
tốt, nhưng tôi không thích những đụng chạm kiểu đó, má tôi nóng bừng. Anh
ta thì ngược lại, thản nhiên ngồi bên mép giường, sát cạnh tôi. Không làm cách
nào đẩy anh ta ra xa được, vả lại thiết nghĩ anh ta chẳng thể làm gì một bà
bầu, nên tôi không bận tâm nữa, nhìn thẳng vào anh ta, không chút ngần ngại.
Anh ta không nói gì
cả, chỉ chăm chú quan sát tôi. Cặp mắt chim ưng ấy có đôi vệt vằn đỏ, quầng mắt
trũng sâu, vẻ u buồn lạ lùng hiển hiện trong đáy mắt. Ánh mắt bất thường ấy chiếu
vào tôi một cách trực diện, khiến tim tôi đập liên hồi và tôi trở nên bối rối.
- Tướng quân…
- Đến bây giờ vẫn
không chịu gọi ta là Mông Tốn? Anh ta cúi đầu, thở dài ảo não, giọng nói có
phần chua chát.
- Mông Tốn…
Tôi động lòng, không
nhìn anh ta nữa, nghiêm túc hỏi:
- Ngài kiếm cớ để pháp
sư ra ngoài, một mình tới đây gặp tôi, hẳn là có điều muốn nói, rốt cuộc là
điều gì vậy?
Khóe môi anh ta khẽ
nhếch lên, lúc đầu là nụ cười gượng gạo, nhưng đã tắt ngay sau đó, và thay vì
trả lời, anh ta lại hỏi tôi:
- Diêu Trường cử sứ
giả tới mời pháp sư đến Trường An giảng kinh, cô biết chứ?
Tôi gật đầu, trong
lòng không khỏi băn khoăn, vì sao mà anh ta lại hỏi chuyện này?
- Lữ Soạn cho rằng,
nên dùng pháp sư để đổi lấy tiền bạc của Diêu Trường và Lữ Quang đã đồng ý.
Nhưng cô có biết vì sao, pháp sư vẫn không thể đến được Trường An không?
Anh ta không rời mắt
khỏi tôi, vẻ ranh mãnh đột ngột lóe lên trong đáy mắt. Những lúc trò chuyện với
tôi, anh ta luôn gọi thẳng tên tục của cha con họ Lữ bằng giọng điệu mỉa mai, khinh
bỉ.
- Không phải vì
cho rằng pháp sư là người xảo quyệt, nếu đến Trường An sẽ gây bất
lợi cho nhà Lương của họ Lữ hay sao? Anh ta bật cười khinh khỉnh:
- Đúng là như thế.
Nhưng, những lời này không phải của Lữ Quang.
Tô đã hiểu, nhưng muốn
xác minh thêm lần nữa, nên hỏi lại:
-
Là ngài nói phải không?
Anh
ta gật đầu, khuôn mặt vuông vức với những đường nét cương nghị bỗng toát vẻ xảo
quyệt, gian hùng:
-
Chính ta đã mớm lời cho Lữ Thiệu, để tên khờ ấy đi khuyên cha hắn.
-
Vì sao ngài làm vậy?
-
Vì ta không thể để các người ra đi.
Anh
ta đứng lên, chắp tay ra sau, đi đi lại lại trong phòng. Ánh nắng chiếu trên bờ
vai dài rộng, thẳng tắp của anh ta, đẩy gương mặt vào khoảng không gian nửa tối
nửa sáng.
-
Kể cả việc hai người phải vào cung, cũng là chủ ý của ta. Ta mách nước để Lữ
Thiệu đi nói với cha hắn: trước khi các nước tranh giành pháp sư, Lữ
Quang nên thông báo với toàn thiên hạ rằng, pháp sư Rajiva là bề tôi của vua
Lương, để dẹp bỏ dã tâm của các đối thủ.
-
Mông Tốn, làm vậy thì có lợi gì cho ngài?
Anh
ta dừng bước, nhìn tôi trân trân, rồi bật cười lạnh lùng: - Ta đã thay đổi kế
hoạch, ta không giết nàng nữa, nhưng cũng quyết không để kẻ khác có được nàng.
Họ Lữ kia là bầy hung ác, dốt nát, hai người bị đám ngu muội ấy khống chế, ta
mới yên tâm.
Tôi
thở dài chua xót:
-
Ngài đừng lo, tôi chỉ còn vài ngày nữa thôi…
Có
lẽ cũng chỉ còn mấy ngày nữa là tôi phải đi rồi.
Anh
ta chầm chậm bước lại gần tôi, ngồi sát bên tôi, vẻ hung hãn trong ánh mắt đã
biến mất, nhường chỗ cho nỗi buồn thương, bi lụy. Anh ta dường như đang rất xúc
động, rồi bỗng nhiên nắm lấy tay tôi:
-
Nàng có hận ta không?
Tôi
muốn rút tay ra nhưng càng bị nắm chặt hơn, vùng vẫy cũng vô ích, tôi đành để
mặc anh ta. Nhìn vào đôi mắt đẫm bi ai ấy, tôi cười buồn:
-
Ngài nói với tôi những điều này vì muốn tôi hận ngài phải không? Ngài đã đạt
được mục đích rồi đó. Từ nay về sau, tôi sẽ không thể giảng giải cho bất cứ ai
về thuật trị nước, cũng không ai có thể biết được kế hoạch của ngài để cản trở
ngài nữa.
-
Cũng phải, như thế ta sẽ khỏi phải ngày ngày trăn trở có nên giết nàng hay
không.
Anh
ta ngửa cổ cười lớn, nhưng trong giọng cười chứa đựng nỗi buồn mênh mang và cô
độc.
Một
lát sau, điệu cười tắt dần, anh ta nắm tay tôi chặt hơn, như thể muốn nhìn thấy
tôi đau đớn.
-
Nàng chết sẽ có lợi cho ta. Người phụ nữ như nàng không nên sống trên cõi đời
này.
Giọng
nói của anh ta run run, tôi gắng gượng chịu đau, mỉm cười:
-
Mông Tốn, tôi không hận ngài, tất cả đều do số phận sắp bày. Vả lại tôi cũng
không còn thời gian để hận ai nữa.
Cánh
tay khẽ buông, anh ta đăm đắm nhìn vào gương mặt tôi, ánh mắt mơ hồ, sau
đó lắc đầu cười buồn, lẩm nhẩm:
-
Ngay cả hận ta nàng cũng không buồn hận…
-
Mông Tốn, ngài sẽ xưng vương lập quốc, trở thành vua một nước, nhưng ngài
không phải là người được trao cho sứ mệnh kết thúc thời kỳ loạn lạc này.
Tôi
lấy giọng bình tĩnh, nói với anh ta: - Số phận của ngài cũng đã được an bài.
Đôi mắt chim ưng thôi lơ đễnh, tập trung hơn và có vẻ lo lắng hơn, anh ta nhìn
tôi rất lâu mới cất giọng nặng nề:
-
Số phận ư…
Bật
cười mỉa mai, rồi lại thở dài ảo não: - Số phận ư… Hai ta gặp nhau cũng là do
số phận…
Anh
ta lắc đầu, quay mặt sang hướng khác. Lúc trở lại nhìn tôi, nỗi bi thương đã
dần lẩn khuất, trầm ngâm một lát, anh ta cất giọng bình thản:
-
Nàng còn tâm nguyện gì chưa thực hiện không?
-
Mông Tốn, pháp sư mong muốn khai mở động đá, xây chùa Đại Phật trên núi Bậc
Thang, nhưng bị Lữ Quang ngăn cản. Ngày sau, khi tiếp quản thành Guzang, ngài
có thể giúp pháp sư hoàn thành tâm nguyện này không?
-
Được, ta hứa với nàng. Anh ta gật đầu cả quyết: - Sau khi lên ngôi, ta sẽ phong
pháp sư làm quốc sư, và Phật giáo sẽ trở thành quốc giáo.
Chưa
kịp nói lời cảm ơn, anh ta đã lại hỏi tiếp:
-
Còn tâm nguyện gì nữa không? Tôi ngẫm nghĩ một lát, đáp: - Mong ngài yêu
thương, chăm lo cho muôn dân, đừng để thảm cảnh người ăn thịt người xảy
ra tại Lương Châu này lần nữa. Ngoài ra, ngài nên trọng dụng các nho sĩ, giúp
các nhân tài người Hán có thể an cư lạc nghiệp trên mảnh đất Tây Bắc này. -
Được, ta sẽ thực hiện.
Anh
ta gật đầu, lại gần tôi hơn nữa, cặp mắt chim ưng không rời khỏi gương mặt tôi:
- Còn điều gì muốn nói với ta nữa không?
Chợt
nhớ đến Rajiva một mình mòn mỏi chờ đợi suốt mười sáu năm sau khi tôi ra đi,
đột nhiên sống mũi cay xè. Tôi gắng kìm chế cảm xúc, ngước nhìn Mông Tốn:
-
Sau khi tôi ra đi, xin ngài đừng gây khó dễ cho pháp sư. Xin hãy tận dụng mối
quan hệ của ngài với Lữ Thiệu, giúp pháp sư có được chút tự do nhất định.
-
Được, ta còn ở Guzang ngày nào, sẽ dốc sức trợ giúp pháp sư ngày ấy.
Anh
ta tiếp tục sáp lại gần tôi hơn nữa, khoảng cách lúc này chỉ còn là nửa gang
tay, giọng nói cũng hạ thấp hết mức:
-
Còn gì nữa không, còn điều gì muốn nói với ta nữa không?
Tôi
ngoảnh mặt đi khi nghe được giọng nói ấy chất chứa nỗi niềm trông đợi, tôi hỏi:
-
Ngài muốn tôi nói gì?
Anh
ta sững sờ, một lúc lâu sau mới lắc đầu, ngồi thẳng lên, cười buồn:
-
Không có gì…
Anh
ta đứng lên, bước về phía cửa, cánh cửa bật mở, mùa hè rực lửa, ánh nắng chói
chang nhuộm hồng bóng dáng con người ấy. Tiếng bước chân ngập ngừng nơi ngưỡng
cửa, anh ta không quay đầu lại, chỉ có tiếng thở dài man mác đưa đẩy trong
không gian oi nồng:
- Ngải Tình, ra đi
thanh thản…
Sống mũi tôi cay cay,
Mông Tốn không biết tôi rời khỏi thời đại này, anh ta nghĩ rằng tôi sắp chết.
“Ra đi thanh thản” là lời chúc cuối cùng dành cho tôi. Cuộc chia biệt giữa hai
chúng tôi sẽ là “sinh ly” hay “tử biệt”? Ngày sau dẫu có trở lại, tôi cũng
không gặp lại anh ta nữa, giống như tôi không thể gặp lại Pusyseda vậy. Mặc dù
tôi luôn tỏ ra đề phòng và cảnh giác với anh ta, nhưng anh ta chưa từng hại
tôi. Và đúng ra, tôi còn phải cảm ơn anh ta nữa, vì anh ta đã cố gắng giúp tôi
theo cách của mình. Vậy nên, tôi nhìn theo bóng dáng cao lớn ấy, thầm cất
tiếng: cảm ơn ngài, Mông Tốn…
Rajiva giúp tôi mặc áo
chống tia phóng xạ, đeo đồng hồ vượt thời gian và khoác ba lô. Từng thứ một,
từng việc một, cẩn trọng, tỉ mỉ. Tôi vốn nghĩ sẽ không bao giờ phải đụng vào
những vật dụng này nữa, nhưng bây giờ, tôi vẫn phải nhờ vào mối dây liên hệ với
thế kỷ XXI này để giữ lấy tính mạng của mình và em bé của tôi. Rajiva lặng lẽ
quấn rất nhiều lớp áo bông lên phần bụng bầu, để tránh em bé của chúng tôi bị
tổn thương khi tôi tiếp đất.
Mồ hôi lấm tấm trên
sống mũi chàng, lúc chàng cúi thấp xuống, tôi thấy lưng chàng cũng đã đầm đìa.
Lớp áo cà sa dính chặt vào thân người, làm lộ rõ tấm lưng xương xương của
chàng.
Sau khi được quấn ngần
ấy lớp áo bông, mồ hôi trên người tôi trào ra như suối. Chàng lau mồ hôi trên
trán tôi, nâng đầu tôi lên, dịu dàng nói:
- Trước đây, chưa lần
nào ta tiễn nàng đi, lần này thì được rồi.
Chỉ thế thôi tôi đã
thấy mắt mình cay xè, chàng hôn lên mắt tôi, thấm đi những giọt xót xa ấy:
- Đừng khóc, không tốt
cho em bé.
Chàng mân mê chiếc
khăn lụa Atala quấn quanh cổ tôi, lồng tay phải của chàng vào tay tôi, tôi chạm
vào chiếc nhẫn cưới trên tay chàng. Hôm nay, chàng đã tháo chiếc nhẫn thường
ngày vẫn đeo trên cổ xuống, lồng vào ngón tay áp út bên trái, còn trên ngực
chàng lúc này là chuỗi tràng hạt xưa cũ, đã sờn bạc.
Chàng nhẹ nhàng ôm tôi
vào lòng, âu yếm:
- Chúng ta chia tay là
để có ngày gặp lại, bởi vậy không ai được khóc. Nàng chỉ về nhà mẹ đẻ một thời
gian thôi mà, ta sẽ mỉm cười tiễn nàng đi.
Tôi gật đầu, gắng sức
cười thật tươi, vì tôi muốn trong mười sáu năm đằng đẵng sắp tới, mỗi lần nhớ
đến tôi, chàng sẽ nhớ nụ cười rạng rỡ của tôi ở khoảnh khắc này.
- Rajiva, lúc rảnh rỗi
chàng hãy chuyên tâm dịch thuật kinh Phật, đừng gây mâu thuẫn với người nhà họ
Lữ. Em biết chàng không ưa mấy chuyện bói toán, nhưng đôi lúc cũng phải dùng
đến chúng như một cách để bảo vệ mình.
Tôi đã thuật lại cho
chàng nghe mọi việc sẽ diễn ra những năm tháng sau đó. Kể cả những chuyện kỳ bí
được sách “Tấn thư” chép lại, như việc khi gió nổi, chàng dự báo sắp có chiến
loạn, hay khi xảy ra chuyện ly kỳ là có lợn mẹ sinh ra lợn con một đầu ba mình,
chàng đã dự đoán rằng Lữ Soạn sẽ bị soán ngôi, vân vân… Chàng nghe xong chỉ
biết mỉm cười, lắc đầu nhưng tuyệt nhiên không buông lời chỉ trích gay gắt như
những lần trước.
Tôi lôi ra cuốn sổ ghi
chép trong suốt mấy năm qua của mình:
- Đây là cuốn nhật ký
khảo sát của em. Trong này có ghi đầy đủ những sự kiện lịch sử đã và sẽ xảy ra
vào thời kỳ Thập lục quốc, và còn cả những cảm nghĩ của em nữa.
Tôi lật mở cuốn sổ,
bên trong là tấm ảnh của tôi và bố mẹ từ ngày xưa:
- Em đi rồi, nếu nhớ
em, chàng hãy đọc nhật ký và ngắm bức ảnh này. Vì không nghĩ sẽ có ngày để lại
cuốn sổ, nên em ghi chép mọi thứ bằng kiểu chữ giản thể phổ cập ở thời đại của
em. Chàng phải đọc từ bên trái qua bên phải, mà không phải từ trên xuống dưới.
Mấy ngày qua em đã lập ra một bảng đối chiếu, nhưng vì thời gian không có
nhiều, nên bảng đối chiếu này còn rất sơ sài. Chỉ e, chàng không thể hiểu hết
những gì em viết… - Không sao, ta sẽ nghiên cứu tỉ mỉ, ta sẽ tìm hiểu chữ viết
và lối hành văn của thời đại đó.
Chàng trịnh trọng đón
lấy cuốn sổ, ngẩng đầu lên và cười:
- Lúc này có thể không
hiểu, nhưng ta còn cả mười sáu năm để nghiên cứu kia mà. Chờ khi nàng trở về,
ta sẽ hỏi nàng những chỗ ta còn chưa rõ…
Gương mặt gầy guộc,
khắc khổ ấy vẫn đang gắng gượng nở nụ cười lạc quan, đôi đồng tử màu xám nhạt
lấp lánh, bóng tôi in trong hồ nước trong vắt ấy, chập chờn như một làn sương
thu mờ ảo.
Sống mũi lại dội lên
một đợt cay xè, ra sức đè nén nỗi đau ngập lòng, tôi nắm tay chàng, dặn dò từng
chút một:
- Một năm trước khi
chàng lên đường đi Trường An, Guzang sẽ trải qua một trận đói đáng sợ hơn cả
trận đói vừa qua, dân số trong thành mười người thì tám, chín người chết đói.
Tất cả đều là mệnh số, chẳng thể cứu vãn. Khi không thể cứu người, chàng nhất
định phải tự cứu mình, bởi vì, chỉ khi đến được Trường An, chàng mới có thể
hoàn thành sứ mệnh.
Theo tài liệu lịch sử,
thì sau khi Lữ Quang qua đời, Lữ Triện đã giết Lữ Thiệu. Lữ Hoằng tranh giành
ngôi vua với Lữ Triện, nhưng đã bại trận và bị Lữ Soạn giết chết. Hai năm sau,
Lữ Siêu giết Lữ Soạn, đưa người anh ruột Lữ Long lên ngôi. Nhưng chưa đầy nửa
năm, Mông Tốn thừa dịp nạn đói, đã tấn công Guzang, Lữ Long đầu hàng Diêu Hưng.
Trong vòng ba năm sau khi Lữ Quang qua đời, đám con cháu nhà họ Lữ chỉ lo chém
giết lẫn nhau để tranh giành quyền lực, mặc nạn đói hoành hành khắp nơi, tiếng
kêu thương ai oán động trời, dân chúng khốn khổ, lầm than, tình trạng của
Lương Châu trong thời gian đó còn thê thảm hơn thời kỳ Lữ Quang còn tại vị.
Nhưng tôi đã không thể cùng chàng chia sẻ những nhọc nhằn, cay đắng trong những
năm tháng tăm tối ấy. Cứ nghĩ vậy, lòng tôi lại tan nát.
- Ngải Tình!
Chàng nhẹ nhàng đặt
tay lên môi tôi, khẽ lắc đầu, thở dài:
- Ta không còn là vị
pháp sư Khâu Từ ngang tàng, cao ngạo ngày xưa nữa. Ta đã học được cách chung
sống hòa bình với nhà cầm quyền, hiểu rằng phải nhẫn nhịn, chịu đựng. Nàng đừng
lo cho ta, mười sáu năm ấy, ta có thể vượt qua được…
Tôi gật đầu và nhận
thấy mình đã lại khóc tự lúc nào, vội vàng lấy hơi, tiếp tục căn dặn:
- Chàng nhớ phải
ăn uống đúng giờ, không được bỏ bữa, buổi tối phải chịu khó ngâm chân trong
nước nóng, có như vậy, sang mùa đông, vết lở loét mới không tái phát, và đừng
quên bôi gừng lên bàn tay. Chàng thường rất dễ tỉnh khi ngủ, nên thường ngủ
không sâu. Không có em ở đây, chàng phải uống sữa bò sữa dê trước khi đi ngủ.
Buổi tối không được đọc sách quá khuya, nếu không thị lực sẽ kém đi. Em
không muốn đến khi trở về đây phải mang theo kính cận cho chàng đâu. Tôi cứ nói
hoài nói mãi như vậy, thầm ước có thể căn dặn tất cả mọi điều, không để sót bất
cứ thứ gì. Chàng chỉ dịu dàng gật đầu, ân cần lau mồ hôi trên trán tôi. Khi tôi
đã thấm mệt mà vẫn thấy dường như còn rất nhiều điều muốn nói, nhưng không biết
phải tiếp tục thế nào, tôi ngẩn ngơ nhìn chàng.
- Hết chưa vậy?
Chàng cốc nhẹ vào đầu
tôi, cố làm ra vẻ nhẹ nhõm khi cất tiếng:
- Bây giờ đến lượt ta
căn dặn nàng. Trở về đó không có người quản thúc, nhớ không được thức khuya,
ngủ nướng ít thôi, đừng thích ăn gì là ăn, phải ngơi nghỉ, cũng đừng quên…
- Được rồi, em biết
rồi!
Tôi lè lưỡi chọc
chàng, rồi xịu mặt ra khi nhìn xuống lớp áo bông trên bụng, phụng phịu:
- Chàng còn nói nữa,
em sẽ đổ ra cả cân mồ hôi cho mà xem.
Chàng sững lại, ánh
mắt dồn vào bụng bầu của tôi, lặng lẽ quay đi chấm nước mắt, rồi ôm chặt tôi
vào lòng:
- Phải nhớ, tính mạng
của nàng quan trọng hơn cả, sau đó mới đến em bé…
- Chàng đừng lo, trình
độ khoa học kỹ thuật ở thời đại của em rất phát triển, em nhất định sẽ sinh con
an toàn… - Ngải Tình…
Chàng thở dài, đặt tay
lên bụng bầu kềnh càng của tôi, ánh mắt u buồn:
- Xin lỗi vì ta không
thể cùng nàng nuôi nấng con cái, để nàng phải một mình vất vả…
- Bé yêu của chúng ta
sẽ hiểu rằng, con có một người cha tuyệt vời nhất trên đời.
Giọng tôi nghẹn ngào,
tôi đưa cánh tay phải lên để được nhìn kỹ hơn chiếc vòng mã não. Ánh nắng buổi
trưa len qua ô cửa sổ, chiếu sáng cả căn phòng, trên chuỗi hạt mã não, hàng chữ
“Không phụ Như Lai, không phụ nàng” lấp lánh, rạng rỡ. - Em sẽ dành chuỗi
hạt này cho con… Chàng gật đầu, cũng bắt chước tôi, nhấc cánh tay phải lên, để
lộ chuỗi hạt của chàng. Đôi mắt sâu hun hút ấy khép lại, chiếc cổ thiên
nga vươn lên cao, hai hàng lệ lăn theo gò má gầy guộc, nhỏ xuống…
Nụ hôn dài ngút ngàn,
tưởng chừng bất tận rồi cũng phải kết thúc, miệng tôi vẫn còn vương vít mùi đàn
hương dìu dịu của chàng. Chàng nhẹ nhàng rời tôi ra, đeo găng tay
và mũ bảo hiểm cho tôi. Tôi vặn nút, đèn xanh nhấp nháy, bắt đầu tính giờ.
Chúng tôi chỉ có một phút thôi, lắng nghe tiếng đồng hồ tích tắc đều đặn, tự
dặn lòng không được khóc, tôi phải mỉm cười khi ra đi, vì dù tôi đã chụp mũ bảo
hiểm, nhưng tôi tin chàng có thể cảm thấy.
Chàng nhìn tôi, chầm
chậm lùi bước ra phía cửa, ánh mắt lưu luyến mãi nơi tôi. Đến ngưỡng cửa, tay
vịn vào cánh cửa, ánh nắng buổi trưa đổ trên vai chàng, nhuộm màu nâu sòng của
áo cà sa thành sắc vàng rực rỡ, nửa cánh tay để trần lấp lóa màu da bánh mật.
Chàng hít một hơi thật sâu, nhìn thêm một lần nữa, như thể muốn in lại khoảnh
khắc này mãi mãi trong trí nhớ.
Tôi gật đầu mỉm cười,
chỉ còn nửa phút nữa thôi, và chàng vẫn không chịu rời mắt khỏi tôi.
- Rajiva, đóng cửa lại
đi. Giọng tôi cũng đang run rẩy. - Chàng nhớ lát nữa không được quay lại nhìn
chùm sáng đó. Khi xác định chắc chắn trong phòng không còn bất cứ luồng ánh
sáng khác lạ nào, mới được bước vào…
Tôi không nhớ đây là
lần căn dặn thứ bao nhiêu nữa. Nhưng mắt tôi không thể rời khỏi bóng chàng, đây
là khoảnh khắc cuối cùng…
Cánh cửa đóng lại,
đồng hồ hiển thị chỉ còn chưa đầy mười giây…
- Rajiva, chờ em…
- Ừ…
Giọng chàng nghẹn
ngào, len qua khe cửa, trôi đến bên tai tôi.
Sau gần hai năm tôi
mới thấy lại cảm giác lộn nhào khi vượt không gian. Khoảnh khắc vút lên ấy, tôi
vẫn nghe tiếng chàng hét lớn:
- Mình ơi, hãy sống
thật vui vẻ…
Tôi có khóc không, tôi không còn nhớ nữa, trong khoảnh khắc chuyển đổi thời gian
và không gian ấy, tôi đã rơi vào trạng thái u mê, tôi chỉ biết duy nhất một
điều là phải bảo vệ bụng bầu của mình. Con yêu, gắng lên con nhé…
Bên tai tôi vẳng lên
tiếng bước chân hối hả, ráng mở mắt, tôi lờ mờ nhìn thấy mấy người mặc áo blue
trắng. Tôi được đặt lên cáng, cố nắm chặt tay người đi bên cạnh và nhận ra đó
là Tiểu Nhiếp, cán bộ phòng nghiên cứu. Trước lúc rơi vào trạng thái hôn
mê, tôi chỉ kịp nhớ rằng, mình đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần câu nói: Xin hãy
giữ lấy con tôi…