Có tiếng gõ cửa, Hô Diên Bình cùng cả gia đình Mộ Dung, vai đeo hành lý, vừa bước vào phòng đã quỳ sụp xuống trước mặt chúng tôi.
Rajiva và tôi vội vã đỡ họ dậy. Hô Diên Bình chắp tay thưa:
- Pháp sư và phu nhân là những người đại trí đại lượng, chưa từng gạn hỏi về lai lịch của chúng tôi. Nhưng chuyện đã đến nước này, chúng tôi
không thể tiếp tục giấu giếm hai vị được nữa.
Anh ta kéo Mộ Dung Siêu đến bên cạnh, vẻ mặt nghiêm trọng:
- Cậu chủ đây vốn là con trai của Bắc Hải Vương nước Đại Yên. Sau khi Đại Yên phục quốc, toàn thể gia quyến của Bắc Hải Vương và Phạm Dương
Vương ở Trương Dịch đều gặp nạn, duy chỉ có Công Tôn nương nương và
Vương phi Bắc Hải thoát thân[1]. Hô Diên Bình tài hèn sức mọn, mấy năm
qua đã dắt díu họ nay đây mai đó khắp Lương Châu, gắng hết sức cũng chỉ
lo cho họ được no cơm mỗi ngày.
[1] Bắc Hải Vương là tước hiệu của Mộ Dung Nạp, cha ruột Mộ Dung
Siêu. Phạm Dương Vương là tước hiệu của Mộ Dung Đức, chú ruột Mộ Dung
Siêu. Năm 384 Mộ Dung Thùy phục quốc, vẫn giữ tên nước là “Yên”.
Anh ta lắc đầu ảo não:
- Nếu không được pháp sư cưu mang, chúng tôi chắc chẳng thể thoát khỏi cảnh chết đói.
Tôi đã nói với Rajiva về thân thế của họ từ lâu, nay nghe họ thành
thật giãi bày, tôi lấy làm cảm động. Hô Diên Bình thở dài nặng nề:
- Chúng tôi muốn tới Đại Yên, nhưng bị Diên Tần và Thốc Phát cản trở, lại gặp cảnh chiến tranh loạn lạc, mẹ già con dại, muôn nỗi khó khăn.
Chúng tôi vốn định nương nhờ pháp sư, mai danh ẩn tích ở Guzang, chờ
dịp sẽ tới Đại Yên. Nhưng không ngờ hôm nay đã bị người ta
phát hiện ra, nếu hắn tố cáo với Lữ Quang, e rằng họ Lữ kia sẽ bắt Công
Tôn nương nương và cậu chủ Mộ Dung làm con tin để uy hiếp vua Yên và
Phạm Dương Vương. Thêm nữa, chúng tôi ăn nhờ ở đậu trong tư gia của pháp sư mấy tháng trời, pháp sư chắc chắn sẽ bị liên lụy. Pháp sư đã khổ
công bảo vệ huyết mạch nhà Mộ Dung, bởi vậy…
Hô Diên Bình quỳ một chân xuống, chắp tay qua đầu mà rằng:
- Hô Diên Bình không thể gây phiền phức cho pháp sư thêm nữa, hôm nay tôi sẽ đưa cả nhà tiếp tục trốn chạy. Nếu có duyên gặp lại, Hô Diên
Bình cùng cậu chủ Mộ Dung nguyện sẽ báo đáp công đức cao dày của pháp sư và phu nhân.
Rajiva muốn đỡ Hô Diên Bình đứng lên, nhưng anh ta kiên quyết không
chịu. Đoàn Sính Đình kéo Mộ Dung Siêu cùng quỳ sụp xuống. Lòng buồn vô
hạn, tôi cứ nghĩ có thể cho họ một chỗ náu thân yên ổn ở thành Guzang,
nhưng sự thể đã đến nước này, không thể không để họ ra đi.
Rajiva hiểu rằng sự lo lắng của Hô Diên Bình là hoàn toàn có lý. Nếu
có trong tay người thân của Mộ Dung Đức, Lữ Quang chắc chắn sẽ nghĩ cách lợi dụng. Rajiva đưa mắt về phía tôi, tôi gật đầu, đi lấy những đồng
tiền cuối cùng còn lại trong tủ, chưa được một nghìn quan. Suy nghĩ một
lát, tôi rút thêm một ít giấy tốc ký, bút chì và cục tẩy trong ba lô của mình ra.
Tôi trao tiền cho Hô Diên Bình, thuyết phục mãi anh ta mới chịu nhận. Bút chì, cục tẩy và giấy ghi tốc ký, tôi đặt vào tay Mộ Dung Siêu:
- Siêu ơi, cô Ngải Tình không có gì để tặng cho cháu, đây chỉ là một
vài dụng cụ học tập. Dù cuộc sống có vất vả đến đâu cũng phải siêng năng học hành và phải ngoan ngoãn nghe lời mẹ cháu cũng như chú Diên Bình,
biết không?
Mộ Dung Siêu chớp chớp đôi mắt to tròn, đen láy, nước mắt lưng tròng, lao vào lòng tôi nức nở:
- Cô ơi, sau này nhất định cháu sẽ quay về tìm cô, cháu còn muốn nghe cô kể chuyện Lưu Bang, Hạng Vũ, còn muốn chơi trò oẳn tù tì với cô nữa.
Trong vòng tay tôi là người anh hùng bi kịch cuối cùng của nhà Mộ
Dung. Trong hai mươi bảy năm ngắn ngủi của cuộc đời, những tháng ngày
lưu lạc, đói khổ của cậu dài hơn rất nhiều khoảng thời gian yên ổn, an
nhàn. Cứ nghĩ thế, tôi lại không cầm được nước mắt:
- Ừ, cô Ngải Tình sẽ ở đây chờ cháu quay lại. Lớn lên cháu phải trở
thành một nam tử hán đại trượng phu đầu đội trời chân đạp đất nhé!
Tôi bước đến, ôm lấy Sính Đình, ghé sát vào tai cô, thì thầm:
- Sính Đình, niềm hạnh phúc lớn nhất của đời người con gái là “mong
gặp người thật lòng, bạc đầu không xa cách”[2], đừng để đến
lúc mất đi mới nuối tiếc khôn nguôi.
[2] Câu thơ trong bài “Khúc ngâm bạc đầu” của Trác Văn Quân.
Sính Đình đỏ mặt, liếc trộm bà Công Tôn, lo lắng không biết bà có
nghe thấy những gì tôi nói không. Rồi cô ấy quay lại nhìn tôi, mắt ngấn
lệ. Sính Đình dắt tay Mộ Dung Siêu chào từ biệt chúng tôi:
- “Xin người hãy bảo trọng, lòng này hoài nhớ mong”[3].
[3] Hai câu thơ trong bài hành “Cho ngựa uống nước trong hào Trường
Thành” trích trong tập “Văn tuyển” viết vào đời Hán ở Trung Quốc.
Chiến tranh ly loạn, khói lửa binh đao, chia tay hôm nay, chỉ e cách
biệt phương trời, khôn nguôi nỗi nhớ. Cầu chúc pháp sư và chị Ngải Tình
yêu thương bền chặt, gắn bó keo sơn. Dù thân này trôi dạt nơi đâu, Sính
Đình cũng sẽ chúc phúc cho hai vị.
“Cây cao trên đầu núi
Gió thổi lá rơi
Người đi ngoài dặm thẳng
Đợi trông đến rã rời”[4].
[4] Một bài thơ trích trong “Nhạc phủ thi tập” viết vào đời Hán của
Trung Quốc. Cả gia đình họ đã hòa vào dòng người rời khỏi thành Guzang,
từ nay lại bắt đầu cuộc sống phiêu bạt, biết đến khi nào mới được gặp
lại?
Ngày thứ hai sau khi họ ra đi, Lữ Thiệu đã đem quân đến nhà tôi lục
soát, theo sau hắn là Mông Tốn với vẻ mặt lạnh lùng, khó hiểu và kẻ đã
nhận ra Hô Diên Bình ở lầu trống hôm đó. Lữ Thiệu ra lệnh cho cả nhà tôi tập trung ngoài sân, để thuộc hạ của hắn vào từng phòng lục soát. Kết
quả cuối cùng khiến Lữ Thiệu vô cùng tức tối, hắn trừng mắt nhìn chúng
tôi, vẻ nghi ngờ, dò xét hiển hiện trên khuôn mặt ác bá.
- Thưa Thế tử, người dân thành Guzang không ai không biết gia đình
pháp sư cho phép dân vùng thiên tai đến nhà nương náu, nếu gia đình Mộ
Dung cố tình trà trộn vào đây, pháp sư cũng khó lòng phân biệt.
Mông Tốn bước tới khuyên giải Lữ Soạn, cố ý liếc xéo tôi một cái:
- Bọn họ chắc đã bỏ trốn lâu rồi, Thế tử không nên truy tìm phí công vô ích nữa!
Lữ Thiệu hình như rất tín nhiệm Mông Tốn, nghe thấy có lý, hậm hực khoát tay, thu quân ra về.
Tôi thở phào, xách làn ra chợ mua rau. Mấy ngày gần đây, Đỗ Tấn có
ghé qua nhà tôi một lần, Rajiva đã bàn với ông ấy về ý tưởng xây dựng
chùa hang đá của mình và được ông ấy hết lòng ủng hộ. Nhưng điều quan
trọng hơn cả là Đỗ Tấn đã mang đến cho chúng tôi khá nhiều thực phẩm và
tiền bạc, nên chúng tôi không cần phải bóp mồm bóp miệng, tằn tiện như
trước nữa. Tôi định bụng sẽ mua cho Rajiva một miếng thịt dê để chàng
bồi bổ sức khỏe.
- Chào cô giáo, đã lâu không gặp!
Tôi chạm mặt Mông Tốn ở lối rẽ vào một ngõ nhỏ, chắc chắn anh ta đã đứng đợi tôi ở đây lâu rồi.
Anh ta bước về phía tôi, hai tay vắt chéo trước ngực, mặt mày tươi cười, giọng kẻ cả:
- Nạn dân và cả nhà Mộ Dung đều đã đi rồi, cô giáo không bận rộn nữa, vì sao không tiếp tục giảng bài?
Chuyện này trước sau gì cũng phải đối diện. Tôi thở dài, lịch sự đáp:
- Thưa tướng quân, vô cùng cảm ơn ngài vì nhiều ngày qua đã cung cấp
lương thực cho chúng tôi. Nhưng cuốn sách đó, tôi đã giảng xong rồi…
Anh ta tỏ vẻ cười cợt, chế giễu, cúi xuống nhìn tôi:
- Ngải Tình, nếu hơn hai trăm con người đó vẫn còn nương náu ở nhà cô, thì bài giảng sẽ không kết thúc sớm như vậy, phải không?
Anh ta đảo qua đảo lại quanh người tôi, cười khểnh:
- Nhưng điều này cũng khó trách, nếu không vì lương thực đời nào cô
chịu bước chân vào nhà ta! Có điều, hai ta qua lại với nhau cả tháng
trời, vậy mà cô vẫn không chịu gọi tên ta. Mỗi lần đến nhà đều cố tỏ ra
lạnh lùng, xa cách và đề phòng, cười cũng không buồn cười với ta, vì cô
không muốn dây dưa với ta phải không? Điều này khiến ta vô cùng bực bội.
Tôi lập tức vươn lưng đứng thẳng, anh ta nói không sai, tôi cũng không cần giả bộ làm gì nữa:
- Tôi chỉ là một dân nữ, sao dám gọi thẳng tên của tướng quân! Trong nhà còn nhiều việc, xin phép tướng quân tôi đi trước!
Tôi kiên quyết không dạy đấy, anh ta làm gì được tôi nào! Bắt cóc tôi ư, chỉ e anh ta không dám. Đang định bước đi, chợt tôi trông thấy anh
ta lôi từ trong áo ra hai thứ, miệng xuýt xoa:
- Tiếc quá, đang muốn tặng quà cho cô…
- Ngài!
Tôi trừng mắt nhìn anh ta khi biết rõ đồ vật anh ta cầm trên tay là gì.
- Tôi cầm cố ba tháng kia mà.
- Ta muốn gì là sẽ có được thứ đó bằng mọi giá!
Anh ta cười nham hiểm, cất món đồ đi.
- Chỉ cần cô giảng hết kiến thức trong cuốn sách quý đó, ta sẽ tặng
cô hai món ngọc này, xem như thù lao dạy học được chứ? Tôi cắn chặt môi, nhìn thẳng vào đôi mắt chim ưng thâm hiểm của anh ta, đáp:
- Thôi được, ngày mai tôi sẽ đến.
Người học trò ngồi trước mặt tôi đang nghiêm túc, tập trung lắng nghe tôi giảng chương cuối cùng của cuốn “Quân vương” với tiêu đề “Kêu gọi
anh hùng cứu nước”. Cùng là công việc giảng dạy, nhưng tôi
dành trọn tâm huyết khi giảng bài cho Rajiva, tôi vui mừng, hoan hỉ khi
được cùng chàng trao đổi những kiến thức xoay quanh bài học. Còn khi đối diện với Mông Tốn, tôi cảm thấy lo sợ và cảnh giác. Chỉ khi nào giảng
bài xong và rời khỏi nhà anh ta, tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm.
- Sau khi cân nhắc, xét đoán tất cả các sự việc kể trên và suy luận
mọi lẽ, tôi tự hỏi ngày nay ở Trung Nguyên, đã đến lúc để một vị vua mới lập nên danh vọng được chăng? Nếu vị vua mới cho đây là cơ hội để một
người có trí óc khôn ngoan, có tài năng lỗi lạc nắm lấy vinh dự cho mình và mang lại quyền lợi cho nhân dân, Ngài sẽ thấy ngay trước mắt biết
bao nhiêu việc thuận tiện. Thật là một dịp may hiếm có.
Nguyên văn cuốn sách nói về nước Ý, nhưng tôi đã thay bằng địa danh
Trung Nguyên. Tôi ngừng lại, suy nghĩ về đoạn tiếp theo. Machiavelli viết rằng: “Phải có dân Do Thái bị làm nô lệ ở Ai Cập, giá trị của thủ
lãnh Moise mới được minh xác. Dân Ba Tư có bị dân Mèdes đè nén, mới biết khí tiết anh hùng của Cyrus. Dân Athéniens có ly tán, mới
biết rõ tài khôn khéo của Thèsée[5].
[5] Trích đoạn trong cuốn “Quân vương” của Machiavelli, Phan Huy Chiêm dịch, Nhà xuất bản Quán Văn, Sài Gòn, 1971.
Những lý lẽ trên đây của Machiavelli hoàn toàn đứng ở góc độ của một
bậc quân chủ để đánh giá mà không đứng trên lập trường của người dân
cùng khổ. Bởi vậy, tôi vẫn yêu thích lý thuyết “thời thế tạo anh hùng”
của người Trung Quốc hơn. Nhưng tôi không thể tiết lộ những điều này cho “nhà dã tâm” đang ngồi trước mặt tôi đây. Không phải vì khó có thể
giảng giải cho anh ta hiểu cặn kẽ lý thuyết trên, mà vì anh ta không
phải vị minh quân vĩ đại đã được định mệnh lựa chọn để kết thúc thời kỳ
chiến loạn dằng dặc này.
- Thưa tướng quân, vậy là tôi đã giảng xong toàn bộ nội dung của cuốn sách “Quân vương”. Cảm ơn sự trợ giúp của tướng quân suốt hơn một
tháng qua. Ngày mai, tôi không cần đến đây nữa.
Tôi đứng lên, khẽ cúi chào, rồi chìa tay ra trước mặt anh ta.
Anh ta nhếch môi nở nụ cười khinh bạc, hàng lông mày rậm nhướn cao:
- Đừng vội vàng như thế!
Anh ta hướng ra ngoài cửa, vỗ tay, người hầu bưng lên một khay bát đũa. Mông Tốn dịu dàng dỗ dành tôi:
- Ta đã căn dặn nhà bếp nấu riêng cho cô một bát canh táo đỏ mộc nhĩ. Sắc mặt cô vàng vọt xanh xao, khó coi lắm, đàn bà con gái, phải hồng
hào, tươi tắn mới đẹp.
- Cảm ơn ý tốt của tướng quân, tôi không dám! Không buồn nhìn khay đồ ăn đang bốc khói nghi ngút trên bàn, tôi nhã nhặn thưa:
- Tôi chỉ muốn lấy lại đồ ngọc kia thôi…
- Cô tưởng ta không biết ư?
Anh ta ngắt lời tôi, áp sát vào người tôi, ánh mắt đột nhiên trở nên lạnh sắt:
- Hơn một tháng qua, cô không thèm ăn uống bất cứ thứ gì ở nhà ta, kể cả nước trắng, bởi vì cô sợ ta bỏ thuốc mê vào đó, đúng không?
Tôi bình tĩnh lùi lại phía sau, giữ một khoảng cách an toàn với anh
ta. Anh ta không tiếp tục lấn tới nữa, ngó vào khay đồ ăn, gật gù tán
thưởng:
- Cô đã đoán đúng. Ta đã bỏ thuốc mê vào bát canh này. Nếu cô chịu ăn nó, ta sẽ thả cô về, nhưng cô đã không chịu…
Anh ta ngừng lại, ánh mắt mang hình mũi tên:
- Điều đó chứng tỏ ta đã không nhìn lầm người. Ngải Tình, lúc trước,
ta chỉ suy nghĩ đơn giản rằng cô rất có ích cho ta, nhưng sau một tháng
nghe cô thuyết giảng về thuật trị dân, cô thử nói xem, liệu ta có thể
thả cô về, để cô tiếp tục đem những kiến thức đó truyền giảng cho kẻ
khác không?
Tôi lạnh cả người, vậy là những lo lắng của Rajiva đã trở thành hiện
thực. Hôm nay tôi đã giấu Rajiva để đến đây, vì tôi rất muốn lấy lại vật kỷ niệm của Pusyseda. Nhưng tôi đâu biết rằng việc này là không thể.
Thấy tôi im lặng, anh ta tiếp tục lại gần và gắng sức thuyết phục tôi bằng thứ giọng điệu ôn hòa, ngọt ngào mà trước đây tôi chưa từng nghe
thấy:
- Nàng là một cô gái thông minh, giữa thời buổi hỗn loạn này, nàng
nên tận dụng trí tuệ của mình làm nên nghiệp lớn. Chứ sao lại cam chịu
cuộc sống đói rét, kham khổ cùng với một nhà sư hơn nàng chừng ấy tuổi,
lại phải hứng chịu những lời đàm tiếu, chỉ trích chẳng lấy gì làm hay
ho?
Anh ta định cầm tay tôi, tôi vội vàng đẩy ra. Anh ta liền từ bỏ ý định sàm sỡ, tiếp tục cao giọng:
- Ta biết nàng là người hiền lành nhân hậu, nàng yên tâm, dù ta chẳng phải người đức độ, từ bi gì, nhưng ta hứa sẽ không giết người bừa bãi.
Chí ít, ta sẽ chăm lo và xem trọng dân chúng hơn cha con họ Lữ kia. Ngải Tình, ta nhất định sẽ đối xử tốt với nàng, ngày sau, khi đại nghiệp
thành công, nàng sẽ là Hoàng hậu của ta, con trai nàng sẽ là Thái tử của ta. Hãy đi theo ta, ở bên ta, cùng ta giành lấy thiên hạ, chúng ta
cùng đồng tâm hiệp lực kết thúc cuộc chiến tranh này, được không?
- Mông Tốn…
Tôi ngẩng lên, đối diện với anh ta. Anh ta như mở cờ trong bụng, đổ người về phía tôi.
Tôi thở dài, ra sức dùng lý lẽ khuyên giải: - Cảm ơn tình cảm của
ngài dành cho tôi. Tôi chỉ là một phụ nữ bình thường, không tham vọng,
không ham vinh hoa phú quý. Những kiến thức truyền giảng cho ngài, tôi
hứa sẽ không truyền lại cho bất cứ ai dù chỉ một chữ… - Nàng không muốn
vinh hoa phú quý ư? Anh ta ngắt lời tôi một cách thô bạo, hậm hực vài
tiếng, hai mắt đảo khắp người tôi:
- Vậy, cô muốn gì?
Tôi cúi người, khiêm cung và thành khẩn:
- Tôi chỉ mong được ở bên pháp sư cho đến cuối đời. Chúng tôi đã trải bao hoạn nạn mới kết thành vợ chồng, người đời nói gì, tôi không bận
tâm. Tâm nguyện duy nhất của pháp sư là truyền bá rộng rãi Phật pháp,
nên chắc chắn không gây bất cứ trở ngại nào cho tiền đồ to lớn của ngài, xin ngài đừng lo lắng:
Anh ta bật cười ngắt lời tôi, lắc đầu mỉa mai:
- Đàn bà các người chỉ biết có tình yêu. Nhưng tiếc thay, thứ đó
không giúp đổi được lương thực, không giúp đoạt được giang sơn. Đó là
thứ mà Mông Tốn ta khinh rẻ nhất!
Anh ta nhìn tôi chằm chặp, ánh mắt lạnh lùng, thâm hiểm, từng bước tiến lại gần tôi:
- Ngải Tình, ta đã hết sức mềm mỏng với nàng. Kể từ sau khi nàng bị
tấn công, ngày nào ta cũng cho người âm thầm theo sát, bảo vệ nàng. Nàng đến chỗ ta, ta những muốn nàng được no bụng, nhưng nàng kiên quyết
không chịu. Ta nghĩ đủ mọi cách để lấy lòng nàng, nhưng nàng ngày càng
xa cách với ta. Lẽ ra ta không muốn dùng vũ lực với nàng, nhưng mọi biện pháp mềm dẻo đều đã vô tác dụng.
Anh ta đột nhiên bóp mạnh cằm tôi, giãy giụa cũng vô dụng, bàn tay thô bạo của anh ta vờn trên khuôn mặt tôi, khiến tôi bị đau.
- Chính nàng đã nói với ta rằng, để đạt được mục đích phải bất chấp
thủ đoạn. Hôm nay, nếu nàng bằng lòng thì không sao, bằng không…
Anh ta ngừng lại, gầm gừ, vẻ tức giận trùm lên gương mặt to bè.
- Nàng biết đấy, ta không phải chính nhân quân tử gì cả, xử trí một
phụ nữ yếu đuối như nàng, chẳng phải việc gì khó khăn đối với ta.
Tôi thầm thở dài, nói lý lẽ không xong thì đành phải sử dụng “kế
hoạch B” vậy. Chưa kịp luồn tay vào ống tay áo rộng, tôi đã bị anh ta
sáp đến và nhấc bổng lên. Mặt anh ta kề sát mặt tôi, ánh mắt lóe lên
khát khao chinh phục con mồi của kẻ đi săn mà trước đây tôi từng thấy.
Đúng vào khoảnh khắc đó, cơn buồn nôn ập đến, dồn lên cuống họng, ruột
gan tôi như lộn tùng phèo. Tôi đã phải ra sức kìm chế để không nôn ra
ngoài, vì nếu chuyện đó xảy ra, Mông Tốn chắc chắn sẽ vô cùng tức giận.
Anh ta ôm tôi đến bên chiếc giường lớn, đổ cả thân hình vạm vỡ, săn
chắc lên mình tôi. Hơi thở nóng ran, vẫn còn vương mùi thịt dê ấy phả
lên mặt tôi, khiến tôi suýt nữa thì nôn ọe.
- Sao thế, khi nãy tránh né ta dữ dằn lắm mà, sao bây giờ lại ngoan ngoãn như vậy?
Tôi gắng hít một hơi thật sâu, ra sức kìm chế cơn buồn nôn, giữ giọng bình thản, đáp:
- Trốn tránh có tác dụng gì đâu, chi bằng dưỡng sức là hơn.
Anh ta bật cười ha hả, tiếng cười lớn làm rung cả thân giường:
-Ngải Tình ơi Ngải Tình, nàng luôn khiến ta phải bất ngờ. Bình tĩnh
trong mọi trường hợp, không màng danh vị, tiền tài, quyền lực, trong khi bản thân nàng lại có trí tuệ hơn người.
Anh ta chuốt một lọn tóc của tôi trong các kẽ tay, đặt lên mũi hít
hà, miệng cười hỉ hả. Ánh mắt nhìn tôi đắm đuối, giọng nói ngọt ngào:
- Và điều quan trọng nhất là, nàng luôn một lòng chung thủy, sẵn sàng kề vai sát cánh bên người mình yêu để cùng vượt qua hoạn nạn. Một người con gái hiếm có như thế, làm sao ta có thể bỏ qua. Cứ tiếp tục thế này, chưa biết chừng một ngày nào đó, ta sẽ phải lòng nàng mất…
Anh ta sáp lại gần tôi, ánh mắt rực lửa khao khát. Tuy không điển
trai, tuấn tú nhưng anh ta rất mạnh mẽ, và nguy hiểm như một con cọp
vậy! Đúng vào khoảnh khắc chuẩn bị hôn tôi thì anh ta bỗng nhiên run bắn lên, chưa kịp ngạc nhiên, hai mắt đã lờ đờ, sau đó toàn thân đổ vật
xuống.
Đúng như tôi dự liệu, anh ta đã không nhìn thấy vũ khí của tôi. Tôi
đã cố nhẫn nại để chờ đợi khoảnh khắc anh ta lơ là ấy, tôi không thể để
anh ta nhìn thấy súng gây mê của mình được, nếu không, lần tiếp theo,
tôi làm sao có thể dễ dàng áp dụng chiêu thức này được nữa.
Tôi đẩy thân thể nặng trình trịch của anh ta sang bên, chưa kịp ra
khỏi giường thì một cơn buồn nôn dữ dội ập đến. Tôi gập mình xuống cạnh
giường, nôn thốc nôn tháo. Sau khi gần như toàn bộ bữa trưa của tôi đã
ra ngoài cả, thì cơn buồn nôn mới tạm buông tha cho tôi, ruột gan tôi vô cùng khó chịu.
Tôi tựa lưng vào thành giường, nghỉ ngơi chốc lát, chỉ một lát thôi,
rồi tôi vội vã đưa tay áo lên lau miệng, thở dốc, lục tìm hai miếng ngọc trong ngực áo anh ta. Sau đó, kéo anh ta nằm ngay ngắn, trùm chăn lên.
Tôi lấy lại nhịp thở đều đặn, ra ngoài gọi người hầu vào quét dọn
sạch sẽ những thứ tôi vừa nôn ra, căn dặn họ rằng: Mông Tốn uống say,
phải ngủ một ngày một đêm, trước giờ này ngày mai không ai được làm
phiền. Bước ra khỏi phủ đệ của Mông Tốn, quay đầu nhìn cánh cổng quét
sơn đen bề thế, trong lòng tôi cảm thấy vô cùng nặng nề. Rajiva từng
nhắc nhở tôi nhiều lần, rằng không nên gây sự với Mông Tốn, nhưng tôi đã không để tâm.
Anh ta tỉnh lại sẽ phản ứng thế nào? Anh ta không sợ thần thánh,
không tin bói toán, lại hiểu biết và khôn ngoan hơn đám người nhà họ Lữ
kia rất nhiều. Chính tôi đã gây ra chuyện này, tôi tự làm thì phải tự
chịu. Bây giờ muốn thoát khỏi nanh vuốt của anh ta, lẽ nào chỉ bằng vài
lần hôn mê là xong? Sử dụng súng gây mê nhiều lần, chắc chắn sẽ bị anh
ta phát hiện ra, đến lúc đó phải làm sao?
Tôi thở dài buồn bã, chầm chậm bước về nhà, chân như đeo đá. Hơi ấm
len trong làn gió cuối tháng ba, tơ liễu lả lướt trên vai áo. Cây cối
ven đường đang vào độ đâm chồi nảy lộc, cỏ non tươi xanh mơn mởn. Phố xá hân hoan, nô nức, niềm vui của những con người vừa trải qua kiếp nạn.
Nhiều người trong số họ đang trồng cây, cất tiếng chào tôi, nụ cười
trong gió xuân phơi phới. Tôi gượng cười đáp lễ, nhưng trong lòng nguội
lạnh. Hơi ấm của mùa xuân mang đến cho người dân Guzang sức sống mới,
nhưng chẳng thể xua tan nỗi niềm chất chứa trong tôi. Vì với tôi, Mông
Tốn giống như một cơn ác mộng vẫn còn dai dẳng, đeo bám…