Thành
Khâu Từ cách chùa Cakra chừng bốn mươi dặm, bình thường chỉ một ngày là tới
nơi. Nhưng vì phải chờ Lữ Quang, buổi sáng đã xuất phát rất muộn, tốc độ di
chuyển lại chậm chạp như rùa, vì vậy, khoảng bốn giờ chiều, đoàn người phải
dừng lại nghỉ ngơi qua đêm cạnh một làng nhỏ, tức là ngày hôm sau mới có thể
đến chùa.
Ngôi
làng này rất nhỏ, đám tùy tùng phải tất bật dựng lán trại, nổi lửa chuẩn bị bữa
tối bên sông Tongchang. Chốc chốc những làn khói nhè nhẹ lại vấn vít bay lả
lướt trên những lán trại san sát.
Tôi
được căn dặn là sau khi vào trong lán thì không được ra ngoài. Mặc dù rất muốn
gặp Rajiva, nhưng tôi phải gắng nhẫn nại, không thể để lộ thân phận. Pusyseda
đến dùng bữa cùng Lữ Quang và Bạch Chấn. Cậu ấy đã hứa sẽ giúp tôi mang thuốc
trị vết thương đến cho Rajiva. Hôm qua tôi nhờ Hiểu Huyên tìm mua loại thuốc
bôi ngoài da tốt nhất phòng khi dùng đến, không ngờ hôm nay đã phải dùng tới.
Hiểu
Huyên cử cô hầu gái thân thiết của cô ấy, tên là Mễ Nhi đi theo chăm sóc tôi.
Cô hầu người Hán này theo Hiểu Huyên từ Trường An đến Khâu Từ. Tôi uể oải ăn
cho xong bữa tối, rồi nhờ Mễ Nhi gỡ bỏ những trang sức cầu kì và kiểu tóc phức
tạp mà Hiểu Huyên đã mất cả buổi sáng để vấn buộc cho tôi. Tôi muốn trở lại với
mái tóc xõa ngang vai tự nhiên, nhẹ nhõm thường ngày. Màn đêm dần buông xuống,
ngoài lán văng vẳng âm thanh náo động của tiếng ca hát và tiếng cười đùa. Lữ
Quang coi việc đi chùa lễ Phật như một chuyến du lịch dã ngoại, ông ta mang
theo không biết bao nhiêu ca kỹ. Không biết trong bữa ăn, ông ta có chịu buông
tha cho Rajiva. Rajiva, em đang ở rất gần chàng, nhưng chẳng thể đến để an ủi
chàng. Tôi thầm trách mình vô dụng, trong đầu được trang bị bao nhiêu kiến thức
lịch sử, vậy mà không cứu nổi người mình yêu.
Tôi thẫn
thờ hóng ra phía cửa trại, thời gian chầm chậm trôi, không biết tôi đã ngồi như
thế bao lâu. Bỗng có ai đó vén mở cửa trại. Nửa thân người Pusyseda xuất hiện,
mặt mũi đỏ vang, bước đi chao đảo. Tôi vội vã chạy đến, từ xa đã ngửi thấy mùi
rượu nồng nặc.
Đưa tay
ra định đỡ lấy cậu ấy thì nhận thấy sau lưng đã có người dìu cậu ấy. Trong đêm
nhìn không rõ mặt, sợ bị lộ thân phận, tôi vội trùm khăn che mặt lên.
Vạt áo
cà sa thấp thoáng trước mắt, trái tim tôi đập cuồng loạn. Bóng dáng cao gầy ấy
đang đỡ lấy Pusyseda, dưới ánh đèn mờ ảo, khuôn mặt đẹp như tạc tượng vẫn rõ
nét, đôi mắt thăm thẳm u buồn, chăm chú quan sát tôi.
Như bị
ai đó điểm huyệt, tôi ngẩn ngơ không biết phải nói gì. Mới hai ngày mà chàng đã
gầy rộc đi trông thấy.
- Ngải
Tình, ta đưa cậu ấy về rồi đây.
Pusyseda
mở mắt, lẩm bẩm câu gì không rõ.
Chúng
tôi bất giác giật mình, Rajiva vất vả dìu Pusyseda vào trong lán và đặt cậu ta
nằm lên tấm đệm trải tạm. Nhìn quanh một lượt, cho Mễ Nhi lui ra nghỉ ngơi.
- Anh
nghe đây, mười một năm trước, tôi chấp nhận nhường cô ấy cho anh vì anh yêu cô
ấy sâu đậm và bền bỉ hơn tôi.
Pusyseda
không chịu nằm yên, miệng làu bàu không ngớt, đòi đứng lên, Rajiva phải ra sức
giữ chặt cậu ta lại. Cậu ta túm lấy áo cà sa của Rajiva, gào lên:
- Cô ấy không
nên yêu anh, vì anh mà cô ấy bất hạnh thế này đấy! Nhiều đêm mất ngủ, hôm nay
còn bị ngất đi.
Rajiva
dịu dàng nhìn em trai, cất giọng nhỏ nhẹ:
- Hôm nay
cậu đã vất vả rồi, mau ngủ đi!
- Tôi đã
hứa với cô ấy sẽ lấy một người phụ nữ xứng đáng và sống thật hạnh phúc. Tôi đã
giữ lời, còn cô ấy thì sao?
Pusyseda
đổ mình xuống gối, nhưng bàn tay vẫn nắm chặt áo cà sa của Rajiva không chịu
buông, ánh mắt lờ đờ:
- Cô ấy
yêu anh, nhưng hai người chẳng thể có kết quả. Anh không bảo vệ được cô ấy, anh
chẳng làm gì được cho cô ấy cả. Lẽ ra tôi không nên bỏ cuộc…
Rajiva
quay lại nhìn tôi, mặc cho Pusyseda vẫn túm chặt tay áo, chàng im lặng không
nói. Nỗi buồn trong đáy mắt dâng lên tựa sóng biển, chỉ chực trào ra nhưng
chàng đã cố kìm giữ trong hai vực nước sâu thăm thẳm ấy.
- Cô ấy
không nên yêu anh…
Puyseda
buông tay, mắt nhắm nghiền, hơi thở phì phò, miệng vẫn lẩm bẩm vài ba tiếng gì
đó không rõ ràng, rồi chìm vào giấc ngủ.
Chúng
tôi ngồi đối diện, ngàn vạn lời muốn nói nhưng chỉ có thể trao nhau qua ánh
mắt. Thời gian như lắng đọng, âm thanh như ngừng lặng, giữa trời đất này chỉ
còn tôi và chàng, ước gì có thể cứ ngồi nhìn nhau như vậy cho đến ngày tận thế,
không còn muộn phiền, không cần tương lai.
Không
biết bao lâu sau tôi mới chợt nhớ ra và hỏi chàng:
- Vết
thương của chàng sao rồi?
- Sao
nàng lại ngất xỉu?
Chúng
tôi cùng sững lại vì cả hai cùng đồng thanh hỏi người kia.
- Ta
không sao…
- Em
không sao…
Lại
đồng thanh trả lời. Sự đồng điệu dù rất nhỏ nhoi ấy khiến chúng tôi lặng đi.
Rồi chúng tôi lại nhìn nhau, đưa tay về phía nhau và ôm nhau vào lòng. Khoảnh
khắc áp má vào ngực chàng, tôi ngỡ ngàng, nhắm mắt lại. Đã bao lâu rồi tôi
không được tựa mình trong vòng tay ấm áp này? Tôi không muốn mở mắt ra nữa, tôi
sợ đây chỉ là ảo ảnh. Giá như có thể cứ thế ôm nhau đến suốt kếp, tôi sẵn lòng
ngả vào lòng chàng đến tận khi sông cạn đá mòn.
- Ngải
Tình…
Cuối
cùng, chàng là người cất tiếng xua đi không khí u trầm này trước:
- Vì sao
không chịu quay về?
- Chàng
bảo em về là em sẽ về sao, như thế còn gì là thể diện!
Tôi
phải dùng đến chiêu bài này để né tránh chủ đề mà tôi không muốn nhắc đến ấy.
- Nhưng
nàng liều mình đến đây trong khi ta không có cách gì để bảo vệ nàng…
Chàng
thở dài não nề, ánh mắt dâng lên niềm trách móc, nhưng phần nhiều là nỗi bất
lực.
Có một
vết trầy xước bên gò má phải của chàng, vết thương đã tấy đỏ. Tôi xót xa đưa
tay xoa nhẹ vết xước, gắng gượng nở một nụ cười:
- Chàng
đừng quên, tuy em không phải tiên nữ, nhưng em đến từ tương lai. Dù không thể đưa
chàng đi cùng, nhưng em đủ sức tự bảo vệ mình.
- Ngải
Tình!
Chàng
nắm lấy những ngón tay tôi đang mân mê khuôn mặt chàng, tỉ mỉ quan sát gương
mặt tôi. Cảm xúc bị kìm chế khiến cho giọng nói như lạc đi:
- Ta
không đi theo nàng, là vì…
- Em
hiểu. Vì lý tưởng, vì sứ mệnh. Em sẽ không ép chàng phải từ bỏ, tại em quá tham
lam ích kỷ, em muốn thay đổi lịch sử, muốn hai ta được ở bên nhau tự do tự tại.
Tương lai của chàng, em không biết một cách tường tận, chỉ dựa vào vài dòng chữ
ngắn ngủi, mơ hồ và phần nhiều là những lời đồn đoán. Bởi vậy, em muốn trốn
tránh, em sợ phải đối diện với tương lai. Nhưng em đã quên rằng chàng không
giống những người bình thường khác. Nếu phải từ bỏ lý tưởng và sứ mệnh, chàng
sẽ không còn là chàng nữa. Bất luận những ghi chép về chàng có thể tồn tại
nhiều sai sót, nhưng có một điều chắc chắn, đó là: những cuốn kinh phật chàng
dịch, trải qua 1650 năm lịch sử, vẫn được lưu truyền rộng rãi. Số mệnh đã sắp
bày như vậy, em sẽ thuận theo, em sẽ không chống lại ý trời nữa.
Tôi tách
khỏi khuôn ngực của chàng, để được nhìn sâu vào đôi mắt thăm thẳm, hút hồn của
chàng. Người đàn ông này, tôi không có cách nào bớt yêu chàng, dù chỉ một chút,
vì nếu thế, hẳn là tôi sẽ không có đủ dũng khí để bất chấp tất cả đi theo
chàng.
- Nhưng
xin chàng đừng bao giờ nói với em những lời tuyệt tình ấy nữa. Em không sợ bất
cứ điều gì, chỉ sợ phải nghe những lời đó của chàng, nó khiến em buồn vô hạn…
Chàng
đưa tay đón lấy gương mặt tôi, ánh mắt chứa chan nỗi niềm ân hận và thương xót.
Bờ môi run run:
- Ta xin
lỗi…
- Không
sao.
Tôi lắc
đầu, tươi cười. Đó là cách tự bảo vệ và cân bằng trong nghịch cảnh. Dù xảy ra
bất cứ chuyện gì, tôi cũng sẽ mỉm cười đối diện, dù cho nụ cười không hề có tác
dụng gì trong bối cảnh hiện tại.
- Trong
thời đại của em, phụ nữ có quyền tự chủ, không cần dựa vào đàn ông. Do vậy, em
có chủ kiến của mình.. Dù chàng có nói gì cũng không thể ngăn được em. Dù sau
này có vấp ngã vỡ đầu chảy máu, cũng là do em tự chuốc lấy, không phải lỗi của
chàng. Chàng không cần phải hứa hẹn, cũng không cần phải bảo vệ em, càng không
cần day dứt vì nghĩ rằng em sẽ oán trách chàng.
- Ngải
Tình, nàng… Sao ta có thể vô trách nhiệm như vậy!
Chàng
nổi giận, giọng nói không được kiểm soát, đột ngột vút cao. Chàng có vẻ rất xúc
động, ánh mắt sáng rực. Sau một tiếng thở dài, chàng buông tôi ra, bước đi vài
bước, xoay lưng về phía tôi. Bờ vai chàng khẽ rung động, ánh mắt không rời ngọn
đèn dầu, chàng cất giọng trầm ấm:
- Ta nói
những lời đó, đúng là vì muốn ép nàng ra đi. Ta có thể chịu đựng được mọi sự
hành hạ, nhưng ta không thể để nàng phải chịu dù chỉ một chút uất ức. Nếu như
người phải chịu đựng sự việc ngày hôm nay là nàng…
Chàng
ngừng lại, ngẩng đầu hít một hơi thật sâu để giữ bình tĩnh. Hồi lâu, mới quay
lại đối diện với tôi, ánh mắt ngập tràn nỗi bi thương, cô độc mà tôi không thể
chịu nổi mỗi khi bắt gặp:
- Nàng
rời xa người thân, từ bỏ cuộc sống tương lai tốt đẹp, để đến bên ta, ta hiểu
nàng đã phải hy sinh những gì. Nhưng, ta lại là kẻ vô dụng…
Tôi
định cất lời, nhưng chàng đã ngăn lại:
- Pusyseda
nói đúng, nếu ta không bảo vệ được nàng, thì phải để nàng ra đi, để nàng tự bảo
vệ mình.
Đã thề
với lòng mình sẽ không rơi nước mắt, nhưng sau khi nghe chàng nói, tôi đã không
giữ được lời thề. Vì muốn ép tôi ra đi, chàng mới nói những lời tuyệt tình đó,
điều này có ý nghĩa với tôi hơn tất thảy. Tôi lại gần chàng, đưa tay lên vuốt
ve bờ vai gầy guộc của chàng, dịu giọng nói:
- Rajiva,
chàng không như vậy…
Tôi
gắng gượng nở nụ cười, để khỏa lấp đi những giọt nước mắt:
- Chàng là
người đàn ông nghị lực và kiên cường nhất mà em từng gặp. Em sẽ luôn ở bên
chàng, đến khi nào chàng không cần em nữa mới thôi.
- Sao ta
có thể không cần nàng?
Chưa
từng thấy chàng hốt hoảng như thế bao giờ, chàng kéo tôi vào lòng, xiết chặt,
vùi đầu vào mái tóc tôi:
- Sau khi
nàng đi, ta chẳng thể nào chợp mắt. Suốt hai ngày qua, lúc nào ta cũng tự hỏi:
Rốt cuộc tình cảm ta dành cho nàng là gì? Hơn hai mươi năm qua, hình bóng nàng
tồn tại trong niềm thương nhớ của ta bên cạnh hình ảnh của Phật tổ. Nếu ta
không phá giới, nỗi niềm này chỉ Phật tổ mới thấu hiểu. Phật tổ từ bi, cho phép
ta mỗi ngày được nhớ nàng một khắc. Cả đời được thương nhớ nàng như vậy, ta
cũng đã mãn nguyện lắm rồi!
Chàng
rời bờ vai tôi, nhìn sâu vào mắt tôi, bàn tay với những ngón dài, khẳng khiu
lướt trên gương mặt tôi, hai hàng lệ tuôn dài trên gò má, đọng lại nơi chiếc
cằm nhọn lún phún râu:
- Sau khi
phá giới, ta đã chẳng thể nào xóa bỏ nỗi nhớ và dục vọng. Trước kia chỉ cần nhớ
nàng là đủ, vì ta chưa từng có được nàng. Nhưng giờ đây, khi đã được nếm trải
niềm hoan lạc tột cùng của cõi nhân gian, ta mới biết mình tham lam nhường nào.
Không chỉ nhớ nàng, ta muốn có cả trái tim và thân thể nàng. Ham muốn ấy khiến
ta run sợ. Bởi vì kể từ khoảnh khắc ấy, vị trí của nàng trong trái tim ta đã
trở nên quan trọng hơn cả Phật tổ. Sao có thể như vậy được! Ta biết phải chuộc
tội với Phật tổ thế nào đây? Ta đã cố tìm ra một lí do để an ủi bản thân: Lí do
đó là, nàng là tiên nữ. Nàng là đệ tử do Phật tổ cử đến, nên Người sẽ không
trách tội ta… Sau khi biết được thân thế thật sự của nàng, lẽ ra ta phải nhận
tội với Phật tổ. Nhưng điều đầu tiên ta nghĩ tới lại là, vậy ra nàng không hề
có pháp lực, nếu đi theo ta, nàng sẽ phải chịu khổ. Những lời nói với nàng khi
ấy là những lời nói dối đầu tiên trong đời ta, nó khiến lòng ta đau như cắt.
Trong hai ngày vắng nàng, ta chẳng màng tụng niệm. Chỉ biết nằm dài trên chiếc
giường từng đêm ngày quấn quít bên nàng, chẳng thiết ăn uống. Thậm chí ta cảm
thấy hối hận vì đã để nàng ra đi. Đó là lần đầu tiên trong đời, ta trải qua nỗi
đau khổ, dày vò tâm can nhường ấy.
Chả
trách chỉ hai ngày ngắn ngủi mà chàng trở nên hốc hác như vậy, khóe mắt còn vằn
lên những tia đỏ. Thì ra, nỗi đau khổ, dày vò mà chàng phải chịu đựng còn nặng
nề hơn tôi nhiều lần. Tôi nén nỗi xúc động, khẽ gọi:
- Rajiva…
Chàng
khẽ rời khỏi tôi, vén tay áo trái, để lộ chiếc khăn lụa Atala quấn trên cánh
tay, màu sắc rực rỡ của chiếc khăn nổi bật trên nền da bánh mật của chàng, đẹp
một cách lạ kỳ. Vẻ mặt trang trọng, chàng chậm rãi cất tiếng:
- Khi
Pusyseda đưa nó cho ta, ta biết nàng đang ở gần đây và nàng đang thầm động viên
ta hãy kiên cường chịu đựng. Rốt cuộc, ta đã hiểu ra rằng: Nàng từ đâu đến,
nàng là ai, những điều đó đều không quan trọng. Quan trọng là, nàng đã đến bên
ta, ban cho ta tình yêu mà cả đời này ta không dám mơ tưởng. Chỉ thế thôi đã đủ
rồi… Ngải Tình, ta không muốn giấu giếm tình cảm ta dành cho nàng thêm nữa, ta
muốn thành khẩn thưa với Phật tổ rằng: Ta yêu nàng, yêu như một người đàn ông
và tình yêu đó đã trải suốt hơn hai mươi năm. Không phải vì nàng là tiên nữ,
không phải vì lai lịch kì lạ của nàng. Mà vì nàng là Ngải Tình, là cô gái có nụ
cười ngây ngô nhưng lúc nào cũng kiên cường, quả cảm, mà từ thuở thiếu thời,
hình bóng cô gái ấy đã nhẹ nhàng bước vào trái tim ta.
- Rajiva…
Tôi mỉm
cười nhìn chàng, nhưng nước mắt tuôn rơi, những giọt nước mắt tựa những cánh
hoa sen đậu trên khăn áo. Đây là lần đầu tiên chàng nói với tôi, chàng yêu tôi.
Những lời bộc bạch như vậy, với chàng, khó khăn biết chừng nào. Sự thổ lộ ấy
cảm động hơn tất thảy những lời đường mật trên thế gian này, khiến trái tim tôi
ngây ngất.
- Bởi
vậy, ta sẽ không tiếp tục trốn tránh tình cảm ta dành cho nàng, cũng không kiếm
tìm những lý do nực cười nữa. Ta luôn mong nàng sẽ tránh xa mọi phiền toái, khổ
sở, vậy nhưng nàng vẫn chủ động dấn thân. Ngải Tình, ta không muốn trốn tránh
sứ mệnh của mình, nhưng ta cũng có lòng ích kỷ. Nàng đã đến thì ta sẽ không để
nàng ra đi lần nữa. Có điều, bản thân ta còn chưa biết ngày mai sẽ ra sao, ta
chẳng thể hứa hẹn điều gì với nàng. Con đường phía trước còn nhiều gian nan,
liệu nàng có muốn cùng ta kiên trì đi tiếp?
Tôi hít
một hơi thật sâu, ổn định cảm xúc, nở một nụ cười thật tươi:
- Cách
thời đại của chàng vài trăm năm sau có hai vị cao tăng người Hán tên Hàn Sơn và
Thập Đắc. Giữa họ từng có một cuộc đối thoại như sau: Hàn Sơn hỏi Thập Đắc: Thế
gian có kẻ phỉ báng tôi, ức hiếp tôi, sỉ nhục tôi, cười nhạo tôi, coi thường
tôi, xử tệ với tôi, lừa dối tôi, thì tôi phải xử sự ra sao? Thập Đắc đáp rằng:
Chỉ cần nhịn họ, nhường họ, tránh họ, để mặc họ, kính họ, không để ý đến họ,
sau vài năm, hãy đến gặp họ.
Tôi nắm
lấy tay chàng, truyền cho chàng lòng quyết tâm và niềm hy vọng:
- Chúng
ta không cần phải lo lắng ngày mai sẽ ra sao, cũng không cần những lời hứa hẹn
sáo rỗng, hãy quan tâm đến việc, đêm nay ngủ có ngon hay không. Chúng ta phải
nuôi dưỡng tinh thần thật đầy đủ để có thể ứng phó với ngày mai. Lịch sử sẽ
nhanh chóng chứng minh, Lữ Quang chỉ là một tên hề, chàng mới là bậc vĩ nhân
lưu danh thiên cổ.
- Ngải
Tình, dù người đưa nàng đến bên ta có mục đích gì, ta đều cần phải cảm ơn người
đó.
Chàng
cúi xuống hôn tôi, làn môi của chàng như thiêu đốt đôi mắt, hàng mi và gò má
tôi, chạm đến đâu cũng để lại những làn hơi nóng bỏng. Đó là nụ hôn khi cả hai
chúng tôi đã trút bỏ mọi vướng bận, để có thể thản nhiên với mọi sóng gió.
- Vậy
chúng ta sẽ cùng nhau đối mặt với tất cả. Chúng ta phải ăn đủ ngủ đủ, thì ngày
mai mới có sức để chiến đấu.
Tiếng
ậm ừ của Pusyseda đột ngột vang lên, khiến hai chúng tôi hoảng hốt, vội tách
nhau ra. Tôi đã quên hẳn sự có mặt của cậu ta trong lán trại này. Định thần
lại, thấy cậu ta vẫn đang say ngủ, hơi thở phì phò. Chúng tôi nhìn nhau, bật
cười, đột nhiên nhớ ra, tôi hỏi:
- Sao
Pusyseda lại uống say bí tỉ như vậy?
- Lữ
Quang ép ta phá tửu giới, cậu ấy chắn trước mặt ta, uống hết số rượu có trên
bàn tiệc, đức vua phải đứng ra can ngăn, ông ta mới chịu buông tha.
Trong
tôi trỗi lên cảm giác ấm lòng, sau đó là đau lòng. Cậu ấy…
- Tuy
chưa bao giờ nói ra, nhưng trong thâm tâm, cậu ấy rất thương chàng
- Ta
biết…
Rajiva
kéo chăn đắp cho em trai, ánh mắt chàng nhìn Pusyseda chứa chan tình yêu
thương. Chàng chăm chú ngắm Pusyseda chìm sâu trong giấc ngủ, khẽ thở dài:
- Ta cũng
vậy…
Chàng
đứng lên, xiết chặt lấy tôi:
- Tự
nhiên ta thấy buồn ngủ quá, như thể lâu lắm rồi chưa được ngon giấc.
Chàng
buông tôi ra, thì thào:
- Ta về
lán của mình đây…
Tôi
ngẩng đầu, hốt hoảng:
- Chàng…
chàng để em ở lại đây với cậu ấy ư?
- Nàng
đừng quên bây giờ nàng là phu nhân của cậu ấy. Ngoài kia đều là tai mắt của Lữ
Quang, ta là huynh trưởng, ở lại trong lán của em trai quá lâu, sẽ khiến kẻ
khác nghi ngờ.
- Nhưng
em… cậu ấy…
- Ta tin
tưởng em trai mình…
Chàng
ngừng lại một lát, rồi tiếp tục dặn dò:
- Nàng
nghỉ sớm đi, hãy ngủ thật ngon. Ngày mai, chúng ta phải ứng phó với rất nhiều
gian nan.
- Rajiva!
Tôi giữ
chàng lại:
- Vết
thương trên người chàng, còn cả vết thương trên mặt nữa, để em bôi thuốc rồi
chàng hãy về.
Chàng
mỉm cười, lấy ra lọ thuốc tôi đưa cho Pusyseda ra, lắc lắc trước mặt:
- Ta đã ở
lại quá lâu, phải về thôi. Nàng yên tâm, về lán ta sẽ bôi thuốc.
- Chàng
nhớ phải bôi thuốc đó…
Như đột
ngột nhớ ra chuyện gì, chàng dừng bước. Tháo chuỗi hạt mã não trên cánh tay
trái, đeo vào tay tôi. Chuỗi hạt quá dài, phải quấn thành hai vòng. Chàng đóng
chốt, nhìn tôi mỉm cười:
- Sau này
sẽ làm thành hai chiếc, hai ta mỗi người giữ một chiếc.
Tôi gật
đầu, chợt nhận thấy vẻ bí hiểm, ranh mãnh xuất hiện trên gương mặt chàng. Chàng
cúi xuống hôn nhẹ lên môi tôi. Chưa kịp có phản ứng gì thì chàng đã đi xa. Còn
lại mình tôi ngẩn ngơ đắm chìm trong dư vị ngọt ngào của xúc cảm yêu đương, tôi
khẽ đưa tay lên môi nở nụ cười ngây ngô…
Dù
Pusyseda đã mê man trong giấc ngủ sâu, tôi vẫn trùm khăn che mặt, đến khu lán
của người hầu, vào ngủ cùng Mễ Nhi. Không phải vì e ngại Pusyseda, mà vì tôi
muốn giữ gìn cho người vợ tốt bụng của cậu ấy. Mễ Nhi là người hầu thân cận của
Hiểu Huyên, tuy nói là đi theo chăm sóc tôi, nhưng biết đâu còn dụng ý gì khác.
Tuy nhiên, tôi rất cảm kích tấm lòng độ lượng của cô ấy, khi cô ấy đồng ý để
chồng mình xa nhà cùng người phụ nữ khác và lại đóng giả là cô ấy. Thế nên, tôi
cũng phải hành xử sao cho thật quang minh chính đại, để cô ấy yên lòng.
Buổi
tối hôm đó tôi đã ngủ rất say, như thể lâu lắm rồi chưa được một giấc nào ngon
lành như vậy. Pusyseda nhiều lần bừng tỉnh trong đêm, nôn mửa trong lán, đều do
một mình Mễ Nhi phục dịch, hôm sau cô ấy kể lại tôi mới biết. Trước khi chìm
vào giấc ngủ mê mệt, tôi chỉ tâm niệm một điều duy nhất: Phải nuôi dưỡng tinh
thần thật đầy đủ, để ngày mai tiếp tục chiến đấu!