Mở mắt
ra đã lại thấy Pusyseda ngồi cạnh giường. Tôi không thấy lạ, cũng chẳng thèm để
ý, mặc cậu ta gào thét thúc giục, ngủ nướng thêm một lúc nữa, mới uể oải vươn
vai chào bình minh. Tôi mặc chiếc váy được tặng hôm qua, ra ngoài sân thấy
Pusyseda khoác trên mình một chiếc áo ngắn chít eo màu xanh lục. Dáng người rất
chuẩn, nếu sống ở thời hiện đại mà không làm người mẫu hay diễn viên thì quả là
“phí của trời”. Có điều quần áo mà chúng tôi mặc trên người rất giống trang
phục của một cặp tình nhân. Pusyseda nhìn thấy tôi, huýt sáo tán thưởng, sau đó
đảo một vòng quanh tôi, gật gù tấm tắc. Nhưng, tên ranh này lại phán một câu
khiến tôi rất đỗi đau lòng:
- Sao
chị không trang điểm? Đồ trang sức của chị đâu?
Tối
qua, ngoài chiếc váy mới, Pusyseda còn tặng tôi cả một bộ đồ nghề trang điểm.
Nhưng tôi đã thu dọn và cất vào ba lô, dự định sẽ mang về thế kỉ XXI làm hiện
vật hỗ trợ cho việc nghiên cứu về cách thức làm đẹp của phụ nữ thời cổ đại. Còn
đồ trang sức ư, tôi chưa bao giờ dùng đến, nếu có, tôi cũng sẽ cất đi để làm
hiện vật nghiên cứu. Phụ nữ thời Hán trang trí mái tóc rất đơn giản, quấn tóc
gọn sau gáy, rồi dùng một chiếc trâm cài lên là xong. Ngày nào tôi cũng ra phố
với vẻ ngoài giản dị ấy, có sao đâu, hà cớ gì hôm nay lại bị một gã phong lưu
đẩy đến trước gương, ép tôi trang điểm? Điều đáng ngại là, tôi không biết sử
dụng “mỹ phẩm” của người cổ đại. Thế là gã phong lưu đành phải ra tay.
Pusyseda
thỏa sức bôi quệt trên mặt tôi, lòng đau như cắt, không biết hôm nay da mặt tôi
sẽ phải hấp thụ bao nhiêu chì đây?
Rất lâu
sau, Pusyseda mới ngừng tay, tôi ngắm mình trong gương, ôm bụng cười nghiêng
ngả. Hai hàng lông mày của tôi giống hệt vai diễn bà mối trong các bộ phim của
Ngô Quân Như, vành môi tròn, rộng, đỏ chót, có thể khiến bất cứ đứa trẻ nào
hoảng sợ. Trời cao đất dày ơi, tạo hình kiểu này không khác vai diễn Như Hoa
trong phim hài của Châu Tinh Trì một chút nào! Tôi chạy như bay đi rửa mặt, cầu
trời đừng ai nhìn thấy bộ dạng của tôi!
Sau khi
đã trở lại là chính mình, tôi hạ quyết tâm, nếu Pusyseda vẫn muốn trang điểm
cho tôi, hôm nay tôi sẽ không ra phố nữa, cho dù tôi đã háo hức chờ đợi ngày
thứ sáu của lễ hội Sumuzhe biết nhường nào!
Pusyseda
không o ép tôi nữa, gương mặt cậu xuất hiện dấu hiệu của sự xấu hổ mà xưa nay
tôi chưa từng thấy. Bây giờ đến lượt tôi đảo quanh cậu ta một vòng, lẽ nào đây
là khuôn mặt cợt nhả, phong lưu ngàn năm không đổi ư?
Trên
phố hôm nay toàn là các nam thanh nữ tú, dập dìu tài tử giai nhân, họ không đeo
mặt nạ như mấy ngày trước, ai nấy trang điểm xinh đẹp như hoa như ngọc, rất
nhiều đôi mặc trang phục tình nhân, tay nắm tay tình tứ dạo phố. Tôi hiểu rồi,
ngày thứ sáu của lễ hội Sumuzhe là ngày lễ tình nhân của người Khâu Từ. Sau đó
thì tôi nhận được rất nhiều ánh mắt ghen tị, tức tối khi nhìn thấy trang phục
của chúng tôi và cánh tay như gọng kìm của Pusyseda trên vai tôi. Tôi cứ băn
khoăn sao cậu ta lại tốt bụng đến thế, tặng váy áo cho tôi, lại bắt tôi phải
trang điểm thật đẹp, không ngờ đó là âm mưu đẩy tôi ra làm lá chắn cho mình,
hại tôi vô duyên vô cớ chịu tội với bao nhiêu cô nàng. Tôi giận sôi người, ra
sức vùng vẫy, nhưng kết quả vẫn như những lần trước, không thoát được là không
thoát được.
Các cặp
đôi đã tập trung rất đông trước một sân khấu đặt giữa quảng trường lớn, ai nấy
đều háo hức chờ đợi. Tôi ngó nghiêng xung quanh, không thấy các nghệ sĩ múa
chuyên nghiệp đâu cả. Lẽ nào hôm nay là ngày hội của diễn viên quần chúng?
- Đây
là một cuộc thi hát, từng đôi nam nữ sẽ lên trình diễn các bài tình ca, ban
giám khảo cho điểm dựa vào nội dung ca khúc, phong cách biểu diễn và chất
giọng. Đội chiến thắng sẽ được bình chọn là cặp đôi đẹp nhất Khâu Từ năm nay.
Chị nhìn kìa, đó là giải thưởng.
Tôi đưa
mắt theo cánh tay Pusyseda, thấy hai chiếc hộp đặt trên một chiếc bàn cao, bên
trong hẳn là thứ gì đó quý giá lắm. Vì đứng cách xa nên tôi không nhìn rõ giải
thưởng.
Pusyseda
thở dài thườn thượt:
- Ngải
Tình à, bao nhiêu cô gái muốn hát cặp với tôi, nhưng vì chị mà tôi từ chối tất
cả, chị có biết, tôi muốn giành được giải thưởng đó từ lâu rồi không…
Cậu ta
đưa ánh mắt thèm khát, rất tội nghiệp về phía chiếc bàn đặt giải thưởng.
- Đi
nào!
Tôi dắt
tay Pusyseda bước về phía khán đài.
- Ngải
Tình, đây là lần đầu tiên chị chủ động nắm tay tôi, tôi vui lắm, nhưng chị có
thể cho tôi biết, chị định làm gì không?
- Giúp
cậu giành giải thưởng chứ làm gì?
Tôi
nháy mắt, cười bí hiểm với Pusyseda.
- Xem
như tặng quà cho cậu vì hôm qua cậu đã nhảy rất đẹp.
Sau khi
đăng kí, chúng tôi đứng sang một bên, tôi hát cho cậu ta nghe lời hát bằng
tiếng Hán. Pusyseda cười ngặt nghẽo, nhưng đã bị tôi lườm đe dọa:
- Hãy
tỏ ra nghiêm túc, đây là cuộc thi mà!
Pusyseda
thôi cười, chăm chú nghe tôi hát, sau đó tự dịch sang tiếng Tochari. Tuy điệu
hát giản đơn, nhưng Pusyseda đã dịch rất nhanh và rất khớp nhạc. Chỉ nghe tôi
hát thêm lần nữa, cậu ta đã chuyển ngữ thành một bài hát bằng tiếng Tochari
trọn vẹn. Tôi hết sức kinh ngạc, Pusyseda vốn rất thông minh, có thể không bằng
anh trai, nhưng IQ của cậu chắc chắn vượt xa người bình thường. Nhưng vì thường
ngày cậu ta hay cợt nhả, bông đùa, nên không ai nhận ra trí tuệ của cậu thôi.
Diễn
tập vài lần, kiểm tra thấy không có sai sót, chúng tôi hăm hở bước lên sân khấu
khi nghe thấy người dẫn chương trình gọi đến tên mình.
Chúng
tôi đứng ở hai đầu khán đài, Pusyseda giả bộ đang dạo chơi trên phố, bỗng nhìn
thấy tôi, vẻ mặt ngỡ ngàng vui thích, đảo quanh tôi mấy vòng. Tôi làm bộ xấu
hổ, cúi đầu toan bước đi, anh chàng muốn chặn lại, tôi vội né tránh, anh chàng
bắt đầu cất giọng phía sau tôi:
- Này
cô em, có biết, thứ gì đang đùa chơi, thứ gì đang dựng nhà, thứ gì đang che ô
và thứ gì đang quấn quít nhau trên mặt nước?
Giọng
hát của Pusyseda vút cao, vang xa, khỏe khoắn. Không ngờ cậu ta chẳng những
nhảy múa giỏi mà ca hát cũng tài đến vậy. Tôi nhìn Pusyseda, làm bộ thẹn thùng,
e lệ, bắt đầu cất lời đối đáp bằng chất giọng thanh trong, từng vô địch các
phòng hát Karaoke của mình:
- Này
anh chàng ơi, loài vịt đang đùa chơi, thuyền lớn đang dựng nhà, lá sen đang che
ô và chim uyên quấn quít nhau trên mặt nước đó anh!
Anh
chàng tươi cười hớn hở, muốn tiến lên nắm tay tôi, nhưng tôi đã nhanh nhẹn quay
người né tránh, nhìn anh chàng và cất cao giọng:
- Này
anh có biết, thứ gì có miệng mà không nói năng, thứ gì không miệng nhưng inh
tai cả ngày, thứ gì có chân không chạy bao giờ, thứ gì không chân nhưng nhà nhà
đều ghé.
Nghe
tôi hát, anh chàng làm bộ gãi đầu, đăm chiêu, ra chiều khổ sở, nhún vai xòe
tay, như muốn cầu xin đối phương đừng ra câu đối khó như vậy! Những động tác
này không hề có khi chúng tôi diễn tập, rõ ràng là phần diễn ngẫu hứng của
Pusyseda, cậu ta diễn rất tự nhiên, khiến câu chuyện của chúng tôi càng thêm
hấp dẫn. Tên ranh này quả nhiên rất có khả năng trình diễn. Nhìn bộ mặt giả vờ
như thật của cậu ta, tôi chỉ muốn bật cười.
Tôi đã
kết thúc phần hát của mình nhưng anh chàng không tiếp lời đối đáp lại ngay. Anh
chàng bước vài bước, vẻ mặt đăm chiêu ra chiều suy nghĩ, khiến khán giả ai nấy
đều cho rằng anh ta sắp thua, đếu không khỏi lo lắng. Sau đó mặt mày anh chàng
bỗng trở nên hớn hở, gõ gõ vào lòng bàn tay với vẻ mặt hả hê, xoay người đối
đáp:
- Này
cô em, Bồ Tát có miệng nhưng Người chẳng nói năng, cồng chiêng không miệng
nhưng inh tai cả ngày, nhà giàu có chân không thèm chạy, đồng tiền không chân
đến muôn nhà.
Khán
giả dưới khán đài vỗ tay reo hò tán thưởng, không khí của toàn bộ hội diễn đã
sôi nổi hẳn lên nhờ Pusyseda. Trong lúc mọi người vẫn đang hào hứng sôi nổi,
tôi ngượng ngùng để anh chàng nắm lấy tay mình, cùng nhau song ca:
- Muốn
hát, hãy hát lên. Muốn đánh cá, hãy ra biển. Em cắm sào, anh quăng lưới, ta
theo nhau đi khắp muôn sông.
Pusyseda
không chỉ nắm tay mà còn vòng qua ôm eo tôi, ngả đầu vào vai tôi, tiếng nhạc du
dương trữ tình, chúng tôi kết thúc phần biểu diễn bằng hình ảnh kinh điển của
chàng Jack và nàng Rose trong Titanic. Tiếng vỗ tay rào rào vang dội, hoa tươi
ngập không gian, tôi âm thầm thụi cho tên phong lưu một cú thật đau, nhưng hắn
không hề hấn gì, vẫn ôm chặt lấy tôi. Lẽ ra tôi phải cảnh cáo hắn từ trước mới
phải, giờ hối hận cũng đã muộn.
Đó là
đoạn hát đối trong phim “Chị Lưu Tam”, lời hát gốc còn có thêm các loại hoa quả
vùng nhiệt đới như: đu đủ, chuối, dứa, bưởi, nhưng vì những loại hoa quả này
người Khâu Từ chưa được thấy bao giờ, nên tôi đã lược bỏ.
Kết quả
không ngoài dự đoán, chúng tôi được giải nhất, với lời đánh giá của ban giám
khảo: bài hát độc đáo, ca từ thú vị, diễn xuất tài tình, giọng hát chuyên
nghiệp. Điều đó là tất nhiên, các bạn tìm đọc tiểu thuyết về đề tài vượt thời
gian sẽ thấy các cô gái trổ tài ca múa của mình trên sân khấu thời cổ đại như
thế nào. Tôi sung sướng đắc chí, vì cuối cùng tôi cũng đã có dịp thể hiện. Từ
nay không ai còn phàn nàn về chuyện tôi chẳng giống các cô gái vượt thời gian
chút nào nữa nhé!
Phần
thưởng thật tuyệt vời! Đó là một đôi sư tử (sư tử là tượng trưng của Khâu Từ)
bằng ngọc trắng Khotan trong suốt, thủ công tinh xảo, nếu ở thời hiện đại, chắc
chắn phải trị giá hàng chục nghìn nhân dân tệ. Pusyseda đeo miếng ngọc hình sư
tử cái lên cổ mình, sau đó, không nói không rằng, quàng ngay miếng ngọc hình sư
tử đực vào cổ tôi. Cậu ta sung sướng tươi cười như chưa bao giờ nhìn thấy bảo
bối gì quý giá hơn thế.
Ngày
hôm đó, Pusyseda gần như không lúc nào thôi cười, cậu ta khiến bao nhiêu cô gái
phải ngơ ngẩn nhìn theo, người đụng cột, kẻ đụng tường. Mỗi khi mở miệng gọi
tôi là lại: này cô em. Tôi nhớ một năm nọ, đi du lịch Dương Sóc, trên phố Tây,
nơi tập trung đông khách du lịch nhất, hầu như quán hàng nào bên tai tôi cũng
văng vẳng giai điệu ấy, đến nỗi về đến nhà rồi mà miệng không lúc nào dừng hát:
Này cô em, này anh chàng… Pusyseda giống hệt tôi ngày đó, cậu ta ca đi ca lại
khiến tôi nhàm cả tai. Tôi bực quá phải cảnh cáo, nếu còn hát nữa tôi sẽ bỏ về
một mình, thế là cậu ta nín thinh.
Buổi
tối, gã phong lưu lại lẻn đến phòng tôi, nhưng không nêu ra những chủ đề khiến
tôi phải đỏ mặt nữa, mà nài nỉ tôi hát lại bài hát ngày xưa. Một vài ca khúc
cậu ta còn nhớ, thì ngâm ngợi theo tôi. Khi hát đến bài “Ngủ ngon bé yêu”, tôi
chợt nhớ lại, hôm đó đã hát cùng Rajiva. Kể từ giây phút ấy, tôi nhận ra mình
rất nhớ, rất nhớ cậu ấy, nỗi nhớ cồn cào…
Âm
thanh nghẹn lại, ý nghĩ mông lung, trong lúc sơ ý, tôi lại bị kéo vào một vòng
tay rất chặt. Tôi hối hận vì ngày trước đã không tham gia các buổi học về kĩ
năng phòng thân. Dùng “võ” không được, tôi đành dùng “văn” vậy.
-
Pusyseda, sao cậu thích ôm tôi thế?
- Bởi
vì trên người chị có mùi thơm rất dễ chịu.
Cậu ta
hít hà trên cổ tôi, hệt một chú cún con, làm tôi buồn buồn, tức cười. Tôi nhấc
cánh tay lên ngửi, có mùi gì dễ chịu đâu nhỉ? Tôi không mang theo dầu gội, sữa
tắm, sữa dưỡng thể, cũng không trang điểm, không sức nước hoa, khi tắm, tôi
dùng loại xà bông thông dụng của người Khâu Từ, làm gì có mùi thơm chứ!
- Chị
không giống những cô gái khác, thân thể họ rất hôi, tôi chẳng thiết động vào
họ.
Cậu ta
lại hít hà một hơi, tán thưởng:
- Ngải
Tình thơm lắm!
Tôi đã
hiểu ra vấn đề! Mùi hôi trên cơ thể mà Pusyseda nhắc đến, chúng ta thường gọi
là mùi hôi nách. Trần Dần Khác từng viết một bài nghiên cứu mang tên “Người Hồ
và mùi hôi cơ thể”. Bài viết có đoạn: “Mùi hôi, trước thường gọi là mùi người
Hồ, chỉ mùi cơ thể đặc trưng của người Hồ ở vùng Tây vực. Nhưng sau khi tộc
người Hồ vùng Tây vực hợp hôn với tộc người Hoa Hạ ở Trung Nguyên, thì trong số
những người Hoa vẫn thấy xuất hiện mùi hôi nói trên. Xét thấy nếu tiếp tục gọi
là “mùi người Hồ” thì không hợp lí, lại thấy mùi hôi đó giống mùi hôi của loài
cáo, nên từ đó đổi tên gọi thành mùi hôi của cáo”. Hầu hết người phương Tây
hiện đại cũng có mùi hôi trên cơ thể, tôi cho rằng đó là vì thói quen ăn uống
của họ khác với người phương Đông, họ thích ăn đồ lạnh, lâu dần đã tạo nên mùi
hôi đó. Người da vàng ở phương Đông rất ít khi có mùi hôi cơ thể. Có lẽ vì vậy
mà Pusyseda rất thích hít hà trên người tôi. Tôi bỗng chột dạ, may mà hai anh
em họ đều không có thứ mùi này.
- Còn
nữa, chị rất ấm…
- Cậu
đùa à!
Tôi đẩy
cậu ta ra.
- Là
người thì phải ấm chứ.
- Nhưng
mẹ tôi rất lạnh.
Pusyseda
buông tôi ra, chậm rãi bước đến và chăm chú quan sát bức tường có dán những chữ
Hán ngô nghê năm nào.
- Kí ức
của tôi về mẹ là những lần cha đưa tôi đến chùa thăm bà. Bà mặc thứ trang phục
khiến tôi bực bội, bà nhìn cha với ánh mắt lạnh lùng, với tôi cũng vậy. Cái
người đứng phía sau mà cha bắt tôi gọi bằng anh cũng lạnh lùng như thế. Tôi
chưa bao giờ nói với cha, rằng thực ra tôi ghét phải đến chùa thăm mẹ và anh
trai. Sau đó, họ lên đường tầm sư học đạo, chuyến đi kéo dài suốt bốn năm. Tôi
cảm thấy rất nhẹ nhõm, vì cuối cùng đã không phải gặp mặt những con người lạnh
lùng ấy nữa.
-
Nhưng, tôi còn nhớ, khi họ trở về, cậu đã ôm chầm lấy mẹ và gào khóc rất thảm
thiết.
- Tôi
làm thế vì muốn cha vui lòng.
Pusyseda
quay lại nhìn tôi, nhếch môi cười.
- Cha
luôn mong tôi sẽ yêu mẹ, chỉ cần cha vui, tôi sẽ làm bất cứ điều gì. Mặc dù tôi
thấy hết sức khó hiểu, vì sao cha có thể ngày đêm thương nhớ hai con người vô
cảm ấy.
Tôi
sững sờ. Mới mười tuổi Pusyseda đã biết đóng kịch để làm cha vui lòng! Nhưng,
điều đó cũng không khó hiểu. Kumarayana là người thân duy nhất luôn bên cạnh
Pusyseda từ lúc nhỏ đến lúc trưởng thành, trong khi giữa mẹ, anh trai và cậu
luôn có một bức tường ngăn cách vô hình, chẳng thể vượt qua.
- Đó là
lần đầu tiên trong đời tôi ôm mẹ, tôi cũng muốn biết cảm giác được mẹ ôm vào
lòng sẽ như thế nào, nhưng bà rất dửng dưng. Tôi ghét vòng tay giá lạnh của bà
cũng như ghét vẻ lạnh lùng của bà. Từ đó, tôi không còn muốn ôm mẹ nữa.
Vẻ mặt
của Pusyseda trở nên buồn ảm đạm, nét buồn ấy rất giống Rajiva. Họ là anh em
mà, kể cả khi không có tình cảm với nhau thì trên người họ vẫn chảy cùng một
dòng máu.
- Nhưng
chị thì khác, lúc mười tuổi, trong vòng tay chị, cảm thấy rất ấm áp, khác hẳn
cảm giác khi sa vào lòng mẹ, nên hồi đó, tôi rất thích được ôm chị.
Pusyseda
đưa tay ra, kéo tôi vào lòng, một tiếng thở dài khe khẽ lướt trên cổ tôi.
- Mười
năm sau ôm chị vào lòng, khiến tôi không khỏi bồi hồi nhớ lại hơi ấm ngày xưa.
Tôi
không vùng vẫy cố thoát ra khỏi vòng tay của Pusyseda như lúc trước nữa. Bản
năng làm mẹ của người phụ nữ khiến tôi không nỡ từ chối chàng trai tội nghiệp
này. Cậu ta luôn thiếu vắng và khao khát tình yêu của người mẹ. Không biết khi
mải mê theo đuổi lý tưởng của mình, Jiva có từng nghĩ bà sẽ gây nên những tổn
thương trong lòng Pusyseda? Có lẽ bà cũng yêu thương hai anh em họ như mọi bà
mẹ trên cõi đời này, nhưng tình yêu đó của bà, có phải rất lạ lùng hay không?
Để mặc
Pusyseda ôm mình hồi lâu, tôi nghĩ vẫn nên nói rõ với cậu ấy. Dù những cử chỉ
thân mật này xuất phát từ khát khao tình mẹ, nhưng tôi không thể thay thế Jiva.
Pusyseda giờ đây đang được vây bọc trong vòng tay của rất nhiều phụ nữ, chắc
hẳn chưa bao giờ cậu ta nghĩ đến cảm giác của tôi. Tôi không thể để tình trạng
này tiếp tục. Quan trọng hơn cả là, tôi không muốn Rajiva nhìn thấy những cử
chỉ thân mật này. Tuy rằng giữa chúng tôi chưa có bất cứ lời hẹn ước nào, nhưng
trong trái tim tôi, Rajiva đã là duy nhất.
Tôi thở
dài, lựa lời khuyên nhủ:
-
Pusyseda, cậu đã trưởng thành. Người Hán có câu: nam nữ thụ thụ bất thân, tức
là mọi cử chỉ giữa đàn ông và phụ nữ phải có giới hạn, phải giữ khoảng cách,
điều này gọi là lễ nghi. Vì vậy, cậu không nên tùy ý ôm tôi như thế. Tôi là
người Hán, tôi không quen với việc đàn ông có những cử chỉ quá ư thân mật như
vậy.
- Chị
không thích à?
Nhìn
ánh mắt nghiêm nghị của tôi, Pusyseda thở dài, buông tay ra.
- Tôi
cứ nghĩ, cô gái nào cũng thích được tôi ôm vào lòng.
- Đó là
vì họ yêu cậu. Chỉ những người yêu nhau mới thích những tiếp xúc thân thể như
thế.
- Vậy…
Pusyseda
đột nhiên sáp lại gần tôi, ánh mắt hút hồn chăm chú quan sát biểu cảm của tôi,
hỏi khẽ:
- Chị
có yêu tôi không?
-
Không.
Tôi cố
gắng để giọng nói của mình là rõ ràng và chắc nịch.
- Cậu
giống như em trai tôi. Đừng quên, tôi hơn cậu ba tuổi đó.
- Nhưng
chị là tiên nữ, chỉ vài năm nữa tôi sẽ nhiều tuổi hơn chị. Khi tôi trở nên già
nua, chị vẫn trẻ trung như bây giờ.
Lại
là vấn đề đó. Tôi phải giải thích thế nào để có thể xóa bỏ hoàn toàn lời nói
dối đáng ghét ngày ấy?
-
Pusyseda…
Ánh mắt
Pusyseda bỗng rực sáng, cậu ta vội vàng ngắt lời tôi:
- Thôi
được, nếu chị không thích thì sau này tôi sẽ hạn chế ôm chị.
Vẻ
phong lưu, lãng tử quen thuộc đã trở lại.
-
Nhưng, thỉnh thoảng ôm một cái, không sao chứ?
Chỉ
được vài phút nghiêm chỉnh, Pusyseda lại “hiện nguyên hình” rồi. Đúng là, giang
sơn dễ đổi bản tính khó dời.