Đức Phật Và Nàng: Hoa Sen Xanh

Quyển 4 - Chương 53: Trở lại Trung Đô




Phần 4: Trở lại Trung Nguyên

“Dù khó khăn nhường nào,

Người cao thượng cũng không chấp nhận của cải phi nghĩa;

Dù đói khát đến đâu,

Vua sư tử cũng không thèm ăn miếng mồi ôi thiu.”

(Cách ngôn Sakya)

Năm 1269 – tức năm Kỷ Tỵ, Âm Thổ theo lịch Tạng – tức niên hiệu Hàm Thuần thứ năm, nhà Nam Tống – tức niên hiệu Chí Nguyên thứ sáu, Mông Cổ.

Bát Tư Ba ba mươi lăm tuổi, Chân Kim hai mươi sáu tuổi.

Xuân qua thu tới, thời gian chảy trôi như dòng nước. Từ Sakya đến Đại Đô, chúng tôi đã đi suốt một năm, bốn tháng, đủ thấy mức độ gian khổ của hành trình này. Tháng một năm 1269, Bát Tư Ba trở lại Trung Đô. Có điều, lần này, bên cạnh chàng không còn bóng dáng cao gầy thân thuộc với nụ cười tươi tắn, rặng rỡ luôn thường trực trên môi ấy nữa. Khi ra đi, Bát Tư Ba vừa tròn ba mươi tuổi, ấp ủ biết bao hoài bão. Ngày trở lại, chàng đã ba mươi lăm tuổi, nếm trải bao cay đắng, khổ nạn của cuộc đời.

Buổi lễ nghênh đón Bát Tư Ba được tổ chức trọng thể đến mức ai nấy đều trầm trồ, xuýt xoa. Hốt Tất Liệt cho lập một đàn hương rất lớn ở nơi cách kinh thành một dặm để đón Bát Tư Ba. Trên đàn hương bày một bàn thờ rất rộng, hàng trăm vương công quý tộc và quan lại triều đình xếp thành hai hàng ở hai bên, đội nghi thức trang nghiêm, tề chỉnh, kéo dài từ hương đàn đến tận cửa hoàng cung. Vì là Đại hãn nên Hốt Tất Liệt không đích thân ra đón, nhưng ngài đã cử Hoàng tử Chân Kim cùng Hoàng hậu, phi tần và các đại thần trong triều đi nghênh đón quốc sư. Vinh dự lớn lao này, Hốt Tất Liệt chỉ dành cho Bát Tư Ba.

Khi đoàn chúng tôi vừa đến đàn hương, Chân Kim đã đích thân tới trước xe ngựa của Bát Tư Ba, đỡ quốc sư xuống xe. Nhiều năm không gặp, Chân Kim đã trưởng thành lên rất nhiều, cậu ta để râu, thân hình cao lớn, vạm vỡ, phong thái đường hoàng, bệ vệ. Cậu ấy ứng xử nho nhã, lịch duyệt, chứ không giống đám quý tộc Mông Cổ cục mịch, thô lỗ, chỉ biết bắn cung, cưỡi ngựa kia. Tôi thầm khen, quả là một đấng anh tài, hào kiệt, chả trách Khabi lại tự hào về cậu ta đến vậy.

Thị vệ dắt đến một con voi Thiên Trúc khổng lồ, trên lưng buộc một bảo tọa [1] được trang trí bằng các hàng châu ngọc đan chéo nhau. Sau khi Bát Tư Ba ngự trên bảo tọa, tiếng trống, tiếng nhạc rầm rộ vang lên. Đội nghi thức với cột khắc kinh văn, cờ hoa, ô lọng rợp trời, những dòng cờ phướn tung bay dưới bầu trời xanh. Trên tất cả các con phố, người ta cắm cờ ngũ sắc rực rỡ, dân chúng đứng chen chân hai bên đường, xúc động chiêm bái. Cảnh tượng trang nghiêm, long trọng như thể ngày Phật Đản.

Lúc này, Hốt Tất Liệt đang ngóng chờ trên đại điện. Vừa thấy Bát Tư Ba xuất hiện, ngài đã vội vã bước tới nghênh đón.

- Cuối cùng cũng về tới nơi! Năm năm trời, trẫm ngày đêm thương nhớ quốc sư!

Năm đó, Hốt Tất Liệt đã năm mươi tư tuổi nhưng vẫn tráng kiện như ngày nào, gương mặt hồng hào, rạng rỡ. Trong khi, Bát Tư Ba tiều tụy, ốm yếu hơn trước. Bát Tư Ba quỳ xuống vái lạy, nghẹn ngào:

- Đại hãn...

Hốt Tất Liệt vội đỡ Bát Tư Ba đứng lên, khẽ vỗ vào vai chàng, động viên:

- Tay Chongni của phái Phaktru ấy chỉ giỏi mồm mép, trẫm đã đuổi hắn về rồi. Trẫm vẫn tu tập theo pháp môn của phái Sakya. Quốc sư hãy nghỉ ngơi một thời gian, sau đó mời quốc sư làm lễ quán đỉnh cho trẫm.

- Thưa Đại hãn, bần tăng trở về Trung Đô lần này không phải để tranh giành sự sủng ái của Đại hãn, mà có việc đáng vui mừng bẩm báo với người.

Bát Tư Ba rút trong tay áo ra một bản tấu chương, trịnh trọng dâng lên:

- Thưa Đại hãn, sau tám năm nghiên cứu, Bát Tư Ba đã hoàn tất trọng trách sáng tạo ra loại chữ Mông Cổ mới, xin dâng lên Đại hãn. Đây là bản “Ưu lễ tăng nhân chiếu thư” [2] do Đại hãn soạn thảo, đã được chép lại bằng loại chữ Mông Cổ mới.

Hốt Tất Liệt mừng vui khôn xiết, đón lấy bản tấu chương, càng đọc càng hài lòng, phấn khởi:

- Tốt lắm, hay lắm! Loại chữ viết mới này sẽ bù đắp thiếu sót của triều đại chúng ta, giúp chấn hưng nước nhà! Trẫm sẽ lập tức ban chiếu thư, ra lệnh phổ biến loại chữ này trên toàn quốc!

Tháng Hai năm đó, Hốt Tất Liệt ban lệnh phổ cập chữ viết mới. Kể từ ngày chiếu thư được ban bố, toàn bộ công văn, giấy tờ trao đổi qua lại đều phải được viết bằng loại chữ mới. Khi ấy, người ta gọi văn tự này là “chữ Mông Cổ mới”. Sở dĩ “mới” là để phân biệt với chữ Mông Cổ kiểu Uyghur trước đây. Không lâu sau, loại chữ này được đổi tên thành “chữ Mông Cổ” hoặc “quốc thư Mông Cổ”. Khi loại văn tự này suy vong, người đời sau gọi nó là chữ Bát Tư Ba để kỷ niệm người đã sáng tạo ra nó.

Cậu hai Rinchen và đại đệ tử Drakpa Odzer đã dọn dẹp, bài trí xong xuôi phủ Quốc sư để nghênh đón Bát Tư Ba. Tối hôm đó, Bát Tư Ba thay bộ áo cà sa mới, nói với tôi:

- Lam Kha, tối nay Đại hãn thết tiệc tẩy trần cho ta, em cứ ở lại phủ Quốc sư nghỉ ngơi, chờ ta về.

Rồi chàng ngừng lại một lát, ánh mắt thoáng chút do dự:

- Tối nay Hoàng hậu cũng đến dự tiệc, không có thời gian để gặp em đâu. Ngày mai ta sẽ đưa em đến tìm cô ấy.

Tôi cuộn tròn trên giường, gật đầu.

Sáng sớm hôm sau, Bát Tư Ba giữ đúng lời hẹn, đưa tôi vào cung gặp Khabi. Hậu cung của Hốt Tất Liệt vẫn giữ nếp sống của người Mông Cổ, không thiết lập chế độ ra vào cung quá nghiêm khắc như sau này. Vả lại, Bát Tư Ba là thượng sư của rất nhiều hậu phi, hoàng tử, công chúa triều Nguyên nên chàng được tự do ra vào hoàng cung.

Mái tóc Khabi đã điểm rất nhiều sợi bạc nhưng gương mặt vẫn ngời ngời vẻ trang trọng, đài các, mọi cử chỉ, hành động đều toát lên phong thái của bậc mẫu nghi thiên hạ. Cô ấy lệnh cho đám người hầu lui ra ngoài rồi cúi xuống nhìn tôi, lắc đầu, thở dài:

- Trời đất ơi, sao lại ra nông nổi này? Ba trăm năm tu luyện đã thành công cốc! Trong tộc hồ ly màu lam của chúng ta, làm gì có ai bi đát như cô chứ!

Tôi ngoảnh mặt đi, không thèm để ý đến cô ấy. Tôi đã tàn tạ, thê thảm thế này rồi mà cô ấy vẫn không quên chọc tức tôi.

- Thưa Hoàng hậu, Lam Kha đã trải qua rất nhiều cay đắng, đã nếm đủ những đau đớn, khổ sở mà người thường khó lòng chịu đựng nổi. Cô ấy rơi vào tình cảnh thảm thương thế này, tất cả đều vì bần tăng.

Bát Tư Ba nhẹ nhàng vuốt ve tôi rồi chắp tay, trịnh trọng vái Khabi một vái:

- Bần tăng đưa cô ấy đến gặp người là muốn hỏi, liệu cô ấy có thể khôi phục được linh khí không?

Khabi túm cổ tôi, nhấc lên. Tôi giẫy đạp, vùng vẫy nhưng không ăn thua. Cô ấy quan sát tôi thật kĩ rồi hờ hững đáp:

- Nói là khó thì cũng chẳng khó, chỉ cần chăm chỉ tu luyện, từ từ sẽ khôi phục được thôi.

Tôi quên là cổ mình đang bị thít chặt đến nghẹt thở, tròn xoe mắt nhìn cô ấy. Bát Tư Ba lo lắng hỏi:

- Phải mất bao lâu?

Cô ấy phì cười, đặt tôi vào lòng Bát Tư Ba, liếc xéo tôi một cái:

- Thành quả tu luyện suốt ba trăm năm, làm gì có chuyện muốn khôi phục là khôi phục ngay được! Còn phải xem vận số của từng người ra sao. Người thông minh, tái trí thì chỉ cần ba, bốn năm là đủ, kẻ đần độn, ngu si, có thể phải tu lại ba trăm năm cũng nên.

Tôi trừng mắt lườm cô ấy, nói thế chẳng bằng không nói.

=== ====== ====== ====== ====== ====== ===

[1] Có nghĩa là ghế báu. (DG)

[2] Ưu lễ tăng nhân chiếu thư (Chiếu thư về việc kính lễ các nhà sư) là bản chiếu thư Hốt Tất Liệt ban riêng cho Bát Tư Ba. Trong chiếu thư này, Nhà vua hết lời ca ngợi Bát Tư Ba cùng với tôn giáo mà ngài đang tu tập. Đồng thời yêu cầu mọi người trong thiên hạ phải kính lễ các nhà sư, tăng sĩ, không ai được phép tỏ ra khinh thường họ. (DG)