So với hai người vợ trước, phục sức của cô dâu Kangtsoban hôm nay càng thể hiện rõ mức độ giàu có, xa hoa của nhà gái. Ngọc ngà, châu báu trĩu nặng khiến Kangtsoban khó chịu không yên, cô nàng cứ muốn bứt ra khỏi đầu mình chạc ba châu, biểu tượng của người phụ nữ quyền quý người Tạng. Bà mối phải canh chừng mọi lúc mới giữ được thứ trang sức nặng nề đó trên tóc Kangtsoban.
Sau khi lắng nghe lời chúc phúc từ người làm chứng, Kháp Na hững hờ cài mũi tên bằng vải, nhiều màu sắc vào lưng áo Kangtsoban, tượng trưng rằng, từ nay cô nàng sẽ trở thành người của nhà chồng. Đến nghi thức đặt ngọc Linh hồn lên đầu cô dâu thì chuyện nực cười xảy ra. Kangtsoban vỉ mỏi cổ, kiên quyết không cho Kháp Na đặt ngọc Linh hồn lên đầu mình, Jichoi và Selangqe khuyên nhủ thế nào, cô ngốc cũng không chịu nghe. Đám đông dự lễ thành hôn bật cười khúc khích, Kháp Na thừa dịp, bỏ qua nghi lễ này. Cậu ấy đặt viên ngọc vào lòng mình, ra hiệu cho người làm lễ tiếp tục các nghi thức khác.
Kháp Na và Kangtsoban ngồi khoanh tròn trên một đài cao đặt giữa chính điện. Vạn hộ hầu Ladulo được mời làm chứng nhân, tuyên đọc hôn ước. Nội dung quan trọng nhất của bản hôn ước này chính là những trao đổi lợi ích giữa phái Sakya và Vạn hộ hầu Shalu sau hôn lễ, hai gia tộc sẽ cùng chung hoạn nạn, cùng hưởng vinh hoa, phú quý.
Những người có mặt tại đó đều hồi hộp nín thở, lắng nghe từng điều khoản về quyền và lợi ích phân chia tài sản, chỉ có Kangtsoban là tỏ ra khó chịu, bức bối. Nhân lúc bà mối sơ ý, cô nàng liền nhảy xuống, chạy về phía Kháp Na, kéo tay cậu ấy, kêu gào:
- Kháp Na, chàng ơi, chúng ta đi sinh em bé thôi!
Đám đông sững sờ, Vạn hộ hầu Ladulo ngừng đọc hôn ước. Kháp Na đỏ bừng mặt, vội vã kéo tay Kangtsoban. Nhưng cô ngốc chẳng chịu yên, tiếp tục vỗ vỗ vào bụng dưới của mình, cất giọng ngây ngô:
- Cha và anh trai nói rằng, chàng sẽ đặt em bé vào bụng ta, sau đó ta sẽ sinh em bé. Kháp Na, chàng ơi, chàng giấu em bé ở đâu thế? Vì sao phải chờ đến tối mới đặt em bé vào bụng ta? Chúng ta làm ngay bây giờ được không?
Kháp Na chỉ muốn tìm một khe hở để chui xuống, quay mặt đi, vờ như không nghe thấy. Jichoi và Selangqe muối mặt bước đến kéo Kangtsoban. Nhưng cô ngốc vẫn oang oang khiến rất nhiều người không nhịn nổi, phì cười. Dì năm ghé tai chị Zhouma của Kháp Na, thì thầm:
- Úi giời, Vương phi sốt ruột cũng phải, chú rể đẹp trai thế kia mà! Nhưng không biết cô ta có sinh ra những đứa trẻ giống mình không? Người thừa kế của giáo phái Sakya đấy!
Zhouma vội đưa tay ra hiệu bảo dì năm dừng lại:
- Dì năm!
Những lời “thầm thì” của dì năm đã lọt vào tai Bát Tư Ba. Chàng đưa mắt về phía bà ta, ánh nhìn lạnh lùng, nghiêm nghị. Dì năm sợ hãi cúi đầu, không dám nói năng xằng bậy nữa.
Buổi lễ kết thúc chóng vánh vì những trò phá bĩnh của Kangtsoban, ngay sau đó là tiệc tùng náo nhiệt. Rất nhiều người muốn đến chúc tụng Kháp Na. Cậu ấy không từ chối bất cứ ai, ly rượu mừng nào cũng uống cạn. Nhưng Bát Tư Ba không để tình trạng đó kéo dài thêm, chàng ra mặt ngăn cản:
- Bạch Lan Vương chưa khỏi hẳn, không thể uống rượu.
Ngay cả người anh vợ đến chúc rượu, Bát Tư Ba cũng không hề khách khí. Nhưng Selangqe không lấy thế làm phật ý, cậu ta cười sảng khoái:
- Vậy thì em rể mau vào động phòng đi, đừng để cô út nhà ta chờ lâu.
Kháp Na chưa kịp mở lời ứng đối thì Bát Tư Ba đã khéo léo từ chối thay em trai:
- Xin các vị thông gia chớ sốt ruột. Thầy thuốc căn dặn rằng, Bạch Lan Vương cần tĩnh dưỡng thêm. Lúc này đang là mùa đông băng giá, rất khó lành bệnh, xin hãy cho em tôi thêm thời gian, chờ khi xuân sang, ấy là lúc chú rể hoàn toàn bình phục, đệ ấy tự khắc sẽ đến tìm em dâu.
Lão cáo già Jichoi nghe thấy những lời này thì sa sầm mặt mày:
- Mong rằng quốc sư không chấp những câu nói thơ dại của con gái ta khi nãy. Tuy nó hơi ngờ nghệch nhưng vẫn đủ sức khỏe để hoàn thành trách nhiệm sinh con nối dõi cho Bạch Lan Vương.
Bát Tư Ba hiểu ý Jichoi, bèn trịnh trọng đáp rằng:
- Người thừa kế của phái Sakya nhất định phải do Vương phi của Bạch Lan Vương sinh hạ.
Lúc này Jichoi mới gật đầu yên lòng. Tuy không phản đối Kháp Na cưới thêm vợ nhưng thực ra ông ta rất lo lắng về điều này. Nếu người thừa kế của phái Sakya không phải huyết mạch dòng họ Shalu, ngày sau, khi đã trở nên hùng mạnh, rất có thể phái Sakya sẽ chẳng thèm bận tâm đến gia tộc Shalu nữa. Nhưng quốc sư Bát Tư Ba đã trịnh trọng hứa hẹn như vậy, Jichoi hoàn toàn có thể vững tâm gắn chặt sự hưng vong của gia tộc Shalu với giáo phái Sakya.
Yến tiệc vẫn tiếp diễn trong không khí ồn ào, náo nhiệt không dứt. Bát Tư Ba đề nghị Kháp Na trao tôi cho chàng, căn dặn Kunga Zangpo trông chừng Kháp Na rồi đưa tôi rời khỏi đại điện. Mọi việc diễn ra trong lễ thành hôn của Kháp Na dường như đều nằm trong sự kiểm soát tài tình của Bát Tư Ba. Nhưng, cho đến khi chàng đưa tôi trở lại Lang Như Thư Lầu, tôi vẫn không sao đoán ra chàng định làm gì.
~.~.~.~.~.~
Chàng trai trẻ hỏi tôi:
- Bản khâm của Sakya chính là đại sư trụ trì đền Sakya phải không? Bản khâm Shakya Zangpo có quan hệ huyết thống với gia tộc họ Khon của Bát Tư Ba không?
- Ăn chút điểm tâm lót dạ nào!
Tôi đẩy về phía chàng trai bát bánh nướng nóng hổi, đáp:
- Khi chưa là một giáo phái lớn mạnh, phái Sakya không có chức bản khâm này. Shakya Zangpo chỉ là trụ trì của ngôi đền Sakya mà thôi. Nhưng khi ngài Ban Trí Đạt rời quê hương đến Trung Nguyên, pháp vương không có mặt tại ngôi đền thiêng của giáo phái suốt hai mươi năm nên buộc họ phải tìm kiếm một người đức cao vọng trọng để cai quản công việc thường ngày của giáo phái. Tuy không có quan hệ huyết thống với dòng họ Khon nhưng Shakya Zangpo lại đệ tử được ngài Ban Trí Đạt tín nhiệm nhất. Đại sư đã cống hiến hết mình vì giáo phái.
Chàng trai trẻ vừa nhấm nháp bánh nướng vừa hỏi:
- Tức là chức vị này xuất hiện khi phái Sakya đã trở nên lớn mạnh và do chính Bát Tư Ba sắc phong?
- Đúng vậy. Từ bản khâm có nghĩa là “viên quan lớn”, đó là chức quan có thể thay mặt đế sư cai quản toàn bộ công việc ở Tây Tạng, do chính Bát Tư Ba đặt ra. Shakya Zangpo vốn là đại sư trụ trì đền Sakya nên ông ấy trở thành bản khâm của giáo phái này cũng là điều dễ hiểu.
- Vậy bản khâm có buộc phải xuất gia không?
- Không cần. Tuy ngài Shakya Zangpo đã chịu nhiều lễ thọ giới Tỷ khâu nơi đại sư Ban Trí Đạt, nhưng nhiều vị bản khâm đời sau này đều do những thường dân xuất thân từ danh gia vọng tộc đảm nhiệm. Sakya vốn là giáo phái cho phép nhà sư thành thân nên cũng không đặt ra quy định nghiêm khắc trong vấn đề này. Nếu các đệ tử quyết tâm xuất gia, một lòng hướng Phật thì họ có thể thọ giới trở thành tu sĩ chân chính. Nhưng nếu họ muốn kết hôn thì cũng có thể miễn thọ giới.
- Điều này khác hoàn toàn so với quan niệm của chúng ta về Phật môn.
Chàng trai trẻ đặt bánh nướng xuống, ngẩng đầu nhìn tôi.
- Khi pháp vương vắng mặt thì bản khâm là người thay quyền pháp vương cai quản mọi việc của giáo phái. Như vậy thì người này chỉ ở dưới một người mà trên muôn người.
Tôi gật đầu:
- Không sai. Trong một nhiệm kỳ, bản khâm chỉ do một người đảm nhiệm, địa vị của người này còn cao hơn các vạn hộ hầu. Bát Tư Ba từng ban cho Shakya Zangpo ấn pha lê tam lộ Quân – dân – vạn hộ [1]. Bất kể là việc lớn bé gì, bản khâm đều có quyền quyết định. Chức vị cao, quyền lực lớn, ngoài đế sư, không ai sánh bằng.
Ánh mắt chàng trai thoáng chút lo âu:
- Vậy nếu trao chức vị này vào tay kẻ xấu, hẳn là sẽ gây ra đại họa?
=== ====== ====== ====== ====== ====== ===
[1] Tam lộ Quân – dân – vạn hộ: một chức quan xuất hiện vào thời nhà Nguyên, chỉ người cai quản quân đội, cư dân và các vạn hộ hầu thuộc vùng Wusi (tức Tây Tạng ngày nay). (DG)