Đang mê mải ngắm nhìn, bỗng cánh tay ai đó kéo tôi giật lùi về phía sau. Tôi quay lại, bắt gặp gương mặt âu lo của Kháp Na, vội hỏi:
- Đi đâu vậy? Ở đây đang vui mà!
Kháp Na không dừng bước, che chắn cho tôi, lách ra khỏi đám đông vây khốn, lí nhí giải thích:
- Đại ca đang ở trên đó, ta sợ huynh ấy sẽ nhìn thấy.
Giọng nói ngập ngừng chốc lát, nhưng rất nhanh đã lấy lại hứng khởi:
- Chúng ta đến khu chợ phía đông nhé, nghe nói ở đó có hội đố chữ, cũng đông vui không kém.
Cậu ấy nắm chặt tay tôi suốt đường đi như sợ tôi lạc mất. Giữa đêm lạnh mà bàn tay cậu ấy nóng rát, lòng bàn tay đẫm mồ hôi. Giữa dòng người nô nức, tôi nhận thấy rất nhiều cặp nam thanh nữ tú điệu bộ thân mật, ngượng ngùng đang vai kề vai thưởng lãm hoa đăng.
Tôi bỗng thấy nao nao khi ngắm nhìn cảnh tượng này. Nếu như... nếu như tôi và người đó có thể tay trong tay cùng nhau ngắm hoa đăng thì sẽ thế nào nhỉ? Hẳn sẽ rất ngọt ngào. Tôi cứ mải mê nhìn từng đôi uyên ương rồi thở dài:
- Tôi còn nhớ, có nhà thơ người Hán từng viết rằng: “Năm ngoái đêm nguyên tiêu – Chợ hoa đèn rực rỡ - Ngọn liễu mảnh trăng treo – Hoàng hôn người hẹn ước” [2]
Kháp Na siết chặt tay tôi, lắc đầu:
- Bài thơ này không hay.
Tôi ngỡ ngàng, tuy tôi biết cậu ấy từng nghiên cứu tiếng Hán nhưng phần nhiều là sách kinh điển của Nho gia và sách sử, tôi đâu ngờ cậu ấy đọc cả thơ ca của người Hán, bèn hỏi:
- Vì sao không hay?
- Em không biết bốn câu cuối sao? “Năm nay đêm nguyên tiêu – Trăng với đèn như trước – Chẳng gặp người năm qua – Tay áo đầm lẹ ướt.”
Cậu ấy dừng bước, quay đầu nhìn tôi:
- Rằm tháng Giêng sang năm, ta vẫn muốn được cùng em đi ngắm hoa đăng.
Chuỗi đèn lồng trên cửa quán rượu ven đường hắt ánh sáng màu đỏ rực rỡ lên gương mặt cậu ấy. Gương mặt hao gầy với chiếc cằm đẹp như tạc, đôi mắt sáng, dịu dàng, đăm đăm nhìn tôi, chờ đợi.
Ánh mắt ấy khiến tim tôi bỗng đập nhanh dữ dội. Tôi cúi đầu, đá viên cuội nhỏ dưới chân:
- Được chứ, tôi hứa với cậu!
Đoán được cậu ấy định nói điều gì, tôi vội ngắt lời:
- Tôi sẽ hóa thành người.
Cậu ấy tươi cười, khuôn mặt bừng sáng, đôi mắt long lanh như vì sao đêm lạnh, má lúm đồng tiền tinh nghịch thoáng ẩn thoáng hiện. Nhiều năm sau, tôi vẫn nhớ như in đêm rằm tháng Giêng lung linh, huyền ảo đó và nụ cười mãn nguyện giữa hàng lông mày thanh thoát, sưởi ấm cả không gian xung quanh của Kháp Na.
Cậu ấy kéo tôi vào sát lề đường, hân hoan nói:
-Chúng ta đi giải câu đố nào!
Người ta chăng kết vô số những chiếc đèn lồng với đủ hình dáng và màu sắc. Dưới mỗi lồng đèn đều treo một mảnh giấy, câu đố được ghi trên đó. Người xem cứ thoải mái kéo mảnh giấy xuống và mang câu trả lời đến cho ban tổ chức, nếu đáp án chính xác, sẽ được nhận những phần thưởng nho nhỏ như hộp phấn, chiếc quạt giấy, hoa giấy, túi thơm. Nếu đáp án sai, phải bỏ vào chiếc hộp đặt ở bên cạnh ban tổ chức năm quan tiền. Tiền phạt không cao, vui là chính. Bởi vậy, trò chơi này thu hút rất đông bà con tới tham dự, bàn làm việc của ban tổ chức chốc chốc lại rộ lên những tràng cười giòn tan.
- Tiểu Lam à, ta đã nhắm một phần thưởng, nhất định sẽ giành lấy để tặng em.
Kháp Na tự tin, hăm hở bước vào trận đồ của vô vàn đèn hoa và câu đối, bắt đầu lật mở từng trang giấy đang bay bay trong gió khuya. Kháp Na lúc đăm chiêu suy ngẫm vẫn đẹp trai lạ thường. Dòng người ào tới, trong nháy mắt cậu ấy bỗng khuất dạng. Không cảm nhận được hơi thở và bước chân cậu ấy nữa, tôi giật mình sợ hãi, quên cả lời căn dặn, cứ thế lao vào biển người tìm kiếm.
Đèn hoa rực rỡ, cảnh tượng như mơ, những làn khói nến nhè nhẹ tỏa trong không trung, bóng người chập chờn, như mơ như thực, tôi mải miết kiếm tìm bóng dáng cao gầy, mảnh khảnh ấy giữa đèn hoa lung linh, huyền hoặc. Không biết đã ngẩn ngơ trước khung cảnh hư ảo ấy bao lâu, tôi mới chợt nghe thấy giọng nói trong như nước suối giữa đại ngàn của cậu ấy:
- Tiểu Lam, ta ở đây!
Ngoảnh lại, thấy cậu ấy đứng cách tôi không xa, gió lạnh thổi làm vạt áo khoác màu lam của cậu ấy tung bay phần phật, đôi mắt long lanh nhìn tôi đăm đăm. Khoảnh khắc ấy, tôi chợt thấy mắt mình nhòe ướt. Cảm giác: “Tìm chàng giữa biển người chìm nổi – Đột nhiên ngoảnh lại – Thấy chàng ngay trước mắt – Dưới tàn lửa lung linh.” [3] là như thế sao?
Cậu ấy cầm trên tay một mảnh giấy, tôi sợ cậu ấy nhận ra vẻ buồn thương vô cớ trên gương mặt mình nên vội chạy đến, cùng cậu ấy đọc câu đố. Lạ lùng quá, đó chỉ là một tờ giấy trắng tinh, không có chữ. Ở một góc nhỏ của mặt giấy bên kia có viết: Đây là tên một loại thảo dược.
Kháp Na bước tới bàn giải câu đố, chìa tờ giấy ra, mỉm cười đọc to đáp án bằng thứ tiếng Hán rõ ràng, mạch lạc:
- Bạch chi.[4]
Ban tổ chức đồng loạt vỗ tay tán thưởng. Vì đây là một câu đố hóc búa nên ban tổ chức quyết định dành cho Kháp Na quyền tự chọn phần thưởng. Không hề do dự, cậu ấy đã lựa một sợi dây buộc tóc màu lam nhạt.
- Tiểu Lam, tặng em. – Cậu ấy nở nụ cười rạng rỡ, ánh mắt lộ vẻ háo hức. – Sợi dây này cùng màu với mái tóc của em, chắc chắn sẽ rất hợp.
Tôi đón lấy món quà, niềm vui ngập tràn. Dưới ánh nến lung linh, sợi dây càng trở nên rực rỡ. Tôi đã dùng sợ dây đó để buộc tóc suốt những năm tháng dằng dặc sau này. Đó là sợi dây kết nối kỷ niệm, nó gợi nhớ về nụ cười trong trẻo, thuần khiết của Kháp Na buổi tối hôm đó. Từ đó về sau, bất kể tôi có món đồ trang sức quý giá nhường nào cũng không thể thay thế sợi dây buộc tóc màu lam bình dị này.
Kháp Na hân hoan lạ thường, kéo tôi vào một quán rượu sang trọng:
- Ta mời em vài món ngon nhé!
- Thưa quý khách, xin hãy gọi một tô chè viên, đây là món đặc sản của quán chúng tôi. Nom các vị không giống người Hán, chắc chắn chưa từng thưởng thức món chè tuyệt hảo này. – Chủ quán thấy Kháp Na ăn vận sang trọng, bèn đưa chúng tôi vào một phòng dành cho khách quý có cửa sổ trông ra phố lớn trên lầu hai, niềm nở chào mời. – Đây là món ăn mà người nước Tống ở miền Nam không thể không ăn vào ngày rằm tháng Giêng. Sau khi ăn món này, gia đình của quý khách sẽ đầm ấm, náo nhiệt, an lành suốt cả năm.
Kháp Na bật cười vì sự hài hước của ông chủ quán:
- Được, vậy cho chúng tôi hai tô thử xem sao. Bao nhiêu tiền một tô?
- Nửa xâu tiền.
Tôi kinh ngạc, kêu lên:
- Sao đắt vậy?
Chủ quán quay sang giải thích với tôi:
- Này cô vợ trẻ ơi, đắt rẻ đều có nguyên do của nó. Món chè viên ở tiệm chúng tôi được làm từ gạo nếp xay nhuyễn, bên trong là nhân óc chó, đường trắng, hoa hồng, mỗi viên đều bự bằng hạt óc chó đấy.
Kháp Na hào phóng rút tiền, cắt ngang thi hứng của ông chủ quán:
- Thôi thôi, cho hai chúng tôi hai tô.
Khi hai bát chè viên thơm nức được đặt chễm chệ trước mặt chúng tôi, nước miếng tứa ra ròng ròng. Chao ôi là thơm ngon, mềm dẻo! Chẳng trách lại đắt đỏ đến vậy. Món chè giản dị là thế những không phải người dân nào trong thời đại đầy biến động này cũng có đủ điều kiện để thưởng thức.
Ngày sau, người ta gọi món chè này là canh bánh trôi, vào dịp Tết Nguyên tiêu, nhà nhà, người người đều hoan hỷ tận hưởng. Và khi đời sống ngày một khấm khá thì món bánh trôi này không còn là cao lương mỹ vị như vào thời nhà Tống nữa.
Không cưỡng nổi lời chào mời ngọt ngào, khéo léo của ông chủ quán, tối hôm đó, chúng tôi đã thưởng thức không biết bao nhiêu món đặc sản của thành Yên Kinh. Nào là bánh đậu, bánh nhân táo, bánh cuốn, quẩy nhúng sữa đậu nành, tất cả đều ngọt ngọt, thơm thơm, ngậy ngậy khiến một kẻ “phải lòng” các món ăn vặt như tôi đây không sao đừng được. Kháp Na ngồi phía đối diện, chốc chốc lại liếc nhìn tôi, tủm tỉm cười. Hôm nay cậu ấy phá lệ không uống rượu, động viên tôi ăn cho thật đã, nhưng cậu ấy lại chẳng động đũa mấy. Mãi cho tới khi tôi nhăn nhó ôm bụng “đầu hàng”, cậu ấy mới tươi cười đứng lên, đi xuống lầu xin cho tôi một chén trà dễ tiêu.
=== ====== ====== ====== ====== ====== ===
[2] Bài thơ Đêm nguyên tiêu của Âu Dương Tu (Trung Quốc), bản dịch của Nguyễn Xuân Tảo. (DG)
[3] Bài từ Thanh ngọc án của nhà thơ Trung Quốc Tân Khí Tật. (DG)
[4] Tên một loại thảo dược Đông y, trong tiếng Trung Quốc, từ “bạch chỉ” đồng âm với từ “giấy trắng”. (DG)