Đức Phật Và Nàng: Hoa Sen Xanh

Quyển 2 - Chương 24: Đi theo Hốt Tất Liệt




Phần 2: Vị đế sư trẻ tuổi



“Người uyên bác, trí tuệ và đa mưu túc trí,

Sẽ dễ dàng thuyết phục kẻ nắm uy quyền;

Đại bàng tuy thống trị bầu trời,

Nhưng bằng lòng làm vật cưỡi của tiên ông.”

(Cách ngôn Sakya)

Năm 1253, tức năm Quý Sửu, Âm Hỏa theo lịch Tạng, tức niên hiệu Bảo Hựu thứ nhất, nhà Nam Tống, tức niên hiệu Mông Kha Hãn thứ ba, Mông Cổ.

Bát Tư Ba mười chín tuổi, Kháp Na mười lăm tuổi, Hốt Tất Liệt ba mươi tám tuổi.

- Em tỉnh rồi à?

Tôi uể oải hé mắt, bắt gặp nụ cười tươi rói, rạng rỡ hơn cả ánh mặt trời đang ghé sát bên mình. Đưa mắt nhìn xung quanh, thấy màn đêm bao phủ, đoàn người dựng trại trên một khu đất trống, bằng phẳng. Tôi thiếp đi trên chiếc chiếu trải trong lán trại của cậu ấy, sợ đêm trên núi khiến tôi bị lạnh, cậu ấy chu đáo đắp cho tôi một mảnh chăn. Bát Tư Ba bóp nhẹ đầu mũi tôi, nở nụ cười ấm áp:

- Lần này tiến bộ nhiều lắm, em chỉ thiếp đi có ba ngày, tám canh giờ, ít hơn lần trước hai canh giờ.

Tôi ngượng ngùng không biết nói sao.

Mười bảy tuổi đã trở thành lãnh tụ của một giáo phái, tháng Tám, năm thứ hai sau khi trở thành tân pháp vương Sakya, Bát Tư Ba tổ chức nghi lễ khai quang[1] tòa tháp thờ linh vị đại sư Ban Trí Đạt tại Lương Châu. Sau đó, cậu lên đường trở về Sakya từ hướng Dogans[2] theo di nguyện của người bác. Cậu phải trở về Sakya trước sinh nhật lần thứ hai mươi để chịu lễ thọ giới Cụ túc do đại đệ tử Ngũ Do Ba của đại sư Ban Trí Đạt chủ trì. Chuyến đi này kéo dài một năm, Bát Tư Ba đã trải qua sinh nhật tuổi mười chín của mình trong cỗ xe ngựa tròng trành trên những cung đường quanh co, hiểm trở.

Tôi vọt lên lòng cậu ấy, ngước nhìn nụ cười ấm áp của cậu ấy, báo tin khẩn:

- Kháp Na nhờ tôi nói với cậu, cậu ấy nhận được thư từ Sakya gửi đến, báo tin đại sư Ngũ Do Ba đã viên tịch từ hai năm trước, ngài mất sau đại sư Ban Trí Đạt khoảng ba ngày.

Kể từ lúc Bát Tư Ba lên đường, tôi gánh trọng trách đưa tin cho hai anh em họ. Sau khi được đại sư Ban Trí Đạt truyền cho phương pháp tu luyện quý báu, phép thuật của tôi ngày càng tiến bộ, cơ thể nhẹ như chim én, tốc độ nhanh như bay, chỉ bốn hoặc năm canh giờ là tôi có thể chạy cả ngàn dặm đường. Nhưng điều đáng xấu hổ là, cứ chạy đến nơi là tôi ngã vật ra, ngủ li bì mấy ngày liền. Nản quá, rõ ràng là tôi học hành không đến nơi đến chốn đây mà!

Xa quê hương gần mười năm, Bát Tư Ba không còn nhớ rõ dung mạo của đại sư Ngũ Do Ba nữa, chỉ nhớ mang máng rằng, đó là một ông lão hiền từ, nhân hậu. Nghe tin đại sư qua đời, Bát Tư Ba trở nên trầm buồn, cậu chắp tay, nhắm mắt tụng niệm một đoạn kinh văn. Tôi ở bên bầu bạn với cậu, cùng chia sẻ nỗi buồn. Tôi hỏi:

- Bây giờ cậu tính thế nào? Có trở về Sakya nữa không?

Sau một năm trời vượt núi cao, sông sâu, lúc này chúng tôi đang tiến vào địa phận của vùng Đức Khâm, thuộc Vân Nam, cách La-ta, cố đô của vương triều Tufan không còn bao xa nữa. Tuy nhiên, từ La-ta đến Sakya còn phải vượt qua mấy ngọn núi tuyết sừng sững, hiểm trở, hành trình này cũng mất chừng nửa năm. Năm mười tuổi, Bát Tư Ba đã rời xa đất Tạng nên giờ đây, cậu ấy rất khó thích nghi với khí hậu vùng cao nguyên băng giá này, trên đường đi, thường hay bị nhức đầu, khó thở, nhưng cậu ấy luôn kiên cường chịu đựng. Mùa đông sắp tới gần, trên các đỉnh núi, tuyết trắng đã bao phủ, đường đi càng gian nan. Bởi vậy, tôi luôn cầu mong, với lý do này, cậu ấy sẽ không đi tiếp nữa.

Bờ môi của cậu ấy nứt nẻ, tím tái vì thiếu dưỡng khí nhưng vẻ mặt nghiêm nghị, kiên định, từng lời thốt ra chắc như đinh đóng cột:

-  Chắc chắn sẽ về! Ta sẽ viết thư mời các vị cao tăng đại đức khác chủ trì buổi lễ thọ giới Cụ túc cho ta. Ta rời đất Tạng khi tuổi còn quá nhỏ nên mối quan hệ giao hảo với các giáo phái khác ở quê hương không mấy khăng khít. Ta muốn nhân dịp này, mời tôn sư của các giáo phái lớn đến chủ trì lễ thọ giới Cụ túc cho ta, để khỏa lấp những cách ngăn giữa ta với họ bấy lâu nay.

Cậu ấy vuốt ve sống lưng tôi, trầm ngâm hồi lâu, giọng nói bỗng chất chứa nỗi xót xa:

- Tuy bác ta lập ta làm pháp vương, nhưng chỉ e các thế lực khác trong giáo phái Sakya sẽ không chịu phục tùng. Nếu đại sư Ngũ Do Ba còn sống, với danh tiếng của một danh sư đức cao vọng trọng, chắc chắn ngài sẽ thuyết phục được mọi người. Nhưng ngài đã viên tịch, ta lo rằng nội bộ phái Sakya sẽ xảy ra tranh chấp. Bởi vậy, ta nhất định phải trở về.

Trong lòng tôi cũng canh cánh nỗi bất an. Em trai thứ hai và thứ ba của Bát Tư Ba năm nay cũng đã mười chín tuổi, và họ không có chút quyền thừa kế chỉ vì luật lệ đặc biệt của giáo phái này. Bây giờ, khi đại sư Ngũ Do Ba đã viên tịch, rất có thể hai người em trai và các thế lực của gia tộc họ ngoại của họ sẽ sinh lòng đố kỵ, muốn tranh đoạt quyền lực. Thêm vào đó, họ lại sinh ra và trưởng thành ở Sakya, có lợi thế của cư dân bản địa.

- Lâu Cát à, Kháp Na còn một thông tin nữa muốn báo cho cậu. – Tôi gõ gõ bộ vuốt lên đầu, ra sức nhớ lại mớ thông tin khô khan, phức tạp đó. – Mông Kha Hãn ban bố chiếu thư, chia đất Tạng cho các em trai của ngài là Hốt Tất Liệt, Húc Liệt Ngột và A Lý Bất Ca làm đất phong vương.

Mặt mày biến sắc, đôi môi của Bát Tư Ba càng tím tái:

- Vậy… còn phái Sakya thì sao?

- Được cắt cho công tử Khởi Tất. Nhưng công tử Khởi Tất cũng chỉ được cai quản vùng Sakya, vùng đất đai khác thuộc Wusi đều bị tước.

Tôi thở dài ảo não. Sakya thuộc vùng Hậu Tạng nghèo nàn, hẻo lánh, dân không quá vài nghìn, đất canh tác không quá nghìn mẫu. Xem ra, Mông Kha Hãn muốn tống khứ triệt để cháu con nhà Khoát Đoan ra khỏi trung tâm quyền lực của đất Tạng rồi!

Bát Tư Ba đặt tôi xuống chiếu rồi đứng lên, đi đi lại lại trong lán, dưới ánh sáng leo lét của ngọn đèn dầu chiều muộn, gương mặt cương nghị với những đường nét như tạc tượng của cậu toát lên vẻ suy tư, đăm chiêu, già dặn không tương xứng với lứa tuổi của cậu. Cậu ấy trầm tư rất lâu mới quay lại nhìn tôi:

- Lam Kha, ta nhờ em một việc: hãy về đất Tạng trước và nghe ngóng xem phản ứng của các giáo phái lớn đối với chiếu thư của Mông Kha Hãn ra sao.

=== ====== ====== ====== ====== ====== ====== ===

[1] Một nghi thức của Phật giáo. Sau khi hoàn tất một tòa tháp, một bức điêu khắc tượng Phật,… tín đồ Phật giáo chọn ngày lành tháng tốt, tổ chức nghi lễ kéo tấm vải niệm đỏ phủ trên công trình kiến trúc xuống, đánh dấu việc bắt đầu thờ cúng tượng Phật, tháp thiêng đó. (DG)

[2] Dogans: tiếng Trung Quốc cận đại gọi tắt là vùng Khang, chỉ phía đông bắc Xương Đô, Tây Tạng ngày nay, là một bộ phận của khu tự trị tộc người Tạng, huyện Ganzi và huyện Aba, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. (DG)