Dữ Quỷ Vi Thê

Quyển 3 - Chương 207: Tẩm Thủy (Ngâm nước)




Bởi vì anh nhìn thấy ven đường có dư ra một người, người kia cả người đầy máu, gương mặt dữ dằn, vẻ mặt đang dại ra.

Đúng là Trịnh Đào, trong tay gã đang cầm một tờ tiền giấy.

Ngụy Thời cẩn thận quan sát Biên Hiểu Huệ, ấn đường biến thành màu đen, đôi mày tụ khí xấu, dương hư khí yếu, oán khí quấn thân, tình trạng không khác La Chí Dũng là bao, nhưng càng nghiêm trọng hơn một chút, nói một cách đơn giản, nếu La Chí Dũng còn có thể sống được bảy ngày, như vậy thì trong vòng 3 ngày Biên Hiểu Huệ hẳn phải chết không thể nghi ngờ.

Biên Hiểu Huệ hoang mang lo sợ, cứ ở đó khóc mãi.

Ông chủ ở cạnh đó vòng tới vòng lui xem nhiều lần, muốn nói lại thôi, Ngụy Thời suy nghĩ một chút, nói với Biên Hiểu Huệ rằng mình biết một chút đạo pháp, đồng thời đưa tờ tiền giấy trong tay mình cho cô nhìn, nói cô biết mình cũng chịu phải nguyền rủa đáng sợ này, đang suy nghĩ cách giải quyết, để cô tạm thời đi theo anh.

Biên Hiểu Huệ không nói hai lời, lập tức đồng ý.

Biên Hiểu Huệ vốn đã tuyệt vọng tới cực điểm nay cả người hơi bình tĩnh lại một chút. Cô ngượng ngùng lau khô nước mắt trên mặt, miễn cưỡng nở nụ cười với Ngụy Thời. Ông chủ gần đó đại khái cho rằng đây là hai tình nhân trẻ tuổi cãi nhau rốt cuộc cũng làm hòa, nên khuyên thêm hai ba câu, càng khiến Biên Hiểu Huệ xấu hổ.

Ông Trịnh bên kia gọi điện tới, nói đã mời được thầy cúng và gánh hát.

Về phần kịch đèn chiếu thì tạm thời chưa cần gấp, chỉ cần vào ngày cúng đạo tràng cuối cùng thôi, nhưng mà ông Trịnh nói đã bàn bạc xong với người đoàn kịch, có thể đến rồi.

Ngụy Thời liền dẫn theo Biên Hiểu Huệ ngồi xe đi đến nhà ông Trịnh.

Dọc đường đi cả người Biên Hiểu Huệ cứ nép sát rạt vào người Ngụy Thời.

Mặc dù giờ đang là mùa đông, quần áo mặc cũng dày, nhưng mà cho tới bây giờ Ngụy Thời chưa từng thân cận với cô gái nào như vậy, chung quy vẫn cảm thấy có chút xấu hổ, muốn kéo dài khoảng cách, Biên Hiểu Huệ lập tức phát run, đôi mắt ngập nước, cô gái này đã sợ đến mức chẳng thèm để ý đến vấn đề xấu hổ cùng tế nhị như thế này..

Ngụy Thời không còn cách nào khác, đành phải quên chuyện này đi.

Đến nhà ông Trịnh, một cái lều nhỏ đã được dựng bên ngoài ngôi nhà hai tầng, ghim đầy hoa vải trắng, trên bày câu đối phúng điếu, vòng hoa, tiếng nhạc bên trong bi thương đượm buồn, rề rà vang lên. Trong nhà chính, linh đường đã được bày biện chu đáo, thầy cúng cũng mang theo đủ đồ treo lên, chỉ chờ  người chết nhập quan, là có thể chính thức thực hiện nghi lễ khai đạo tràng.

Nhưng mà người đến viếng không nhiều lắm.

Vài người thưa thớt, khác hẳn với mấy lần lập đạo tràng mà Ngụy Thời từng thấy trước kia; người ra người vào, hàng xóm xung quanh ai xúm lại, ai giúp được gì thì giúp, đây là do Trịnh Đào chết rất thảm, sau khi chết lại xảy ra nhiều chuyện ma quái, dọa sợ mấy người sống gần đó nên họ không dám tới.

Những người tới hẳn đều là thân thích nhà ông Trịnh, hoặc hàng xóm không bỏ được mặt mũi hay là mấy người làm thuê gan lớn, phải trả nhiều tiền mời họ đến giúp. Sau đó sự thật đã chứng minh rằng suy đoán của Ngụy Thời hoàn toàn chính xác, trên thực tế phần lớn người tới là nhờ ông Trịnh dùng tiền mời từ bên ngoài đến, người trong thôn có hai ba người, thân thích thì chỉ có người anh em lần trước đi cùng ông Trịnh giải quyết chuyện Trịnh Đào.

Thầy cúng là một ông già hơn sáu mươi tuổi, người khô cằn, gầy đét, đang nói chuyện với ông Trịnh.

Ông Trịnh khúm núm, bộ dáng không biết nên trả lời như thế nào, nhìn thấy Ngụy Thời vào cửa, vội kéo anh tới rồi nói, “Thầy Lý hỏi rốt cục là làm như thế nào, có phải trực tiếp đọc điếu văn khai tràng hay không?” Thầy Lý thấy ông Trịnh là chủ nhà, mà lại đi hỏi ý kiến một người trẻ tuổi chưa đến hàng hai thì có chút ngạc nhiên.

Ngụy Thời không hề nghĩ ngợi, “Cứ theo trình tự đạo tràng bình thường mà làm, đầu tiên là ngâm nước.”

Thường thì sau khi có người chết thì người nhà sẽ lập tức gọi thầy tới, chà lau thi thể, mặc áo liệm, những bước này cũng cần chú ý cẩn thận, nhưng nó không phải là bước quan trọng nhất trước khi cho thi thể nhập quan, bước quan trọng nhất chính là —— ngâm nước và thiêu xác.

Cái gọi là ngâm nước, chính khiêng người chết đến con sông nhỏ, hoặc dòng suối gần đó, nếu không có sông hay suối thì chỉ cần mang đến nơi có nước chảy cũng được,  sau đó tát mặt nước sao cho nước rơi xuống thi thể người chết ít nhiều. Còn thiêu xác thì chính là tìm một cái ngã ba đường gần đấy, đốt những thứ người chết đã từng mặc qua, quần áo hay bất kỳ thứ khác. Có câu đường ba lối rẽ thông âm dương, đường trên thông dương, đường dưới thông âm, cũng vì điều này mà khi đốt vàng mã, người ta thường đốt ở ngã ba hoặc ngã tư đường.

Tất nhiên, lúc thực hiện hai nghi lễ cúng bái này đều cần thầy cúng niệm xướng một chút.

Mục đích của ngâm nước và thiêu xác, một là để cho người chết biết mình đã chết, hai là cắt đứt mối liên quan giữa người chết cùng dương thế, để cho bọn họ có thể buông những gì chưa bỏ xuống được, an tâm quay mặt rời đi, coi như để lại ý tốt cuối cùng cho thân bằng quyến thuộc còn sống tại dương gian.

Đến xã hội hiện đại thời này, nâng người chết ra ngoài ngâm nước đã không còn hợp với thực tế, hơn nữa có rất nhiều nơi dùng phương pháp hỏa thiêu, còn chôn cất chỉ còn tồn tại trong phạm vi nhỏ mà thôi, những thứ đã từng truyền thống nếu có thể thay đổi thì thay đổi, còn không thể sửa thì đơn giản hóa lại để cho phù hợp với ngày nay.

Ngụy Thời nhớ tới thôn Ngụy, nhớ tới mẹ Ngụy.

Cả đời mẹ Ngụy làm việc trong thành phố nhưng quan niệm về mặt này lại không bị đồng hóa bởi suy nghĩ về mai táng ở thành phố, bà kiên định cho rằng, hoả thiêu là đốt hết cả xác, khiến cho bà chết cũng không an lòng. Mỗi lần nói đến chuyện này đều bắt ép hai anh em Ngụy Thời phải đồng ý với bà, một mai bà mất, nhất định phải chôn cất, bằng không thì dù có chết bà cũng sẽ nhảy ra khỏi mộ mắng chết hai đứa con bất hiếu bà khổ công sinh hạ.

Thời điểm đó, tinh thần mẹ Ngụy cũng không tệ lắm, lúc nói chuyện khí thế mười phần, ăn khớp rõ ràng.

Mà bây giờ muốn bà mắng một trận như vậy, chỉ sợ cũng không dễ dàng.

Ngụy Thời giải quyết dứt khoát, thầy Lý gật đầu đồng ý, ông Trịnh liền gọi vài người lại, nâng thi thể Trịnh Đào lên, hướng đến cái mương nhỏ cách cửa không xa. Cái mương này vốn xuôi dòng dẫn nước từ một cái ao lớn chảy ra ngoài, dòng nước quanh co uốn khúc, trước kia dùng để tưới tiêu nhưng mà hiện này đồng ruộng đã sớm bị trưng dụng, xây dựng đủ loại kiến trúc, con mương nhỏ này cũng mất đi tác dụng ban đầu của nó, bên trong chứa đầy rác rưởi sinh hoạt, có nhiều chỗ còn chặn đứt nguồn nước khiến nước dơ lan tràn đầy đất.

Chẳng qua, cuối cùng vẫn có nước chảy qua con mương.

Hơn nữa đoạn mương trước nhà ông Trịnh này, chất nước cũng coi như sạch sẽ.

Thật ra ông Trịnh vốn muốn đi đến bờ sông, nhưng Ngụy Thời gạt đi chủ ý này, Trịnh Đào gặp chuyện không may tại bên bờ sông, nếu ngâm nước mà còn đi bờ sông có lẽ sẽ khiến xác chết vùng dậy, vừa nghe Ngụy Thời nói như thế, ông Trịnh lập tức đánh bay suy nghĩ này đi.

Con mương cách nhà nhà ông Trịnh khoảng chừng năm mươi mét, trên đường có bảy tám hộ gia đình.

Thầy cúng mang theo một đám người nâng người chết tiến đến mương, vừa đi vừa lẩm bẩm, người trong gánh hát gõ khánh đánh chuông xập xõa, thanh âm rất lớn, mấy gia đình nọ đứng ở cửa lớn, lén lén lút lút nhìn về hướng bên này.

Lúc này là chín giờ sáng, thời tiết không tốt lắm, lại là mùa đông, bầu trời âm u, nhiệt độ không khí rất thấp, người đàn ông đi cạnh Ngụy Thời ngẩng đầu nhìn một chút rồi chà chà đôi tay tay, “Nhìn sắc trời sợ muốn tuyết rơi?” Ba người khác cùng nâng người chết với anh ta sôi nổi phụ họa.

Thầy Lý hiển nhiên cũng hiểu được thời tiết không tốt lắm, đến bên cạnh con mương.

Chờ người vừa nằm xuống, ông ta liền lập tức lẩm bẩm, bắt đầu làm lễ cúng bái, hơn nữa còn lén cắt ngắn quá trình không ít, nhưng với thời tiết này thì cũng không ai so đo với ông. Thầy Lý cong lưng múc một chén nước từ trong mương ra, ngón tay chạm mặt nước trong chén, đi vòng quanh người chết đang đắp vải trắng, vừa niệm vừa gảy ngón tay, nước văng khắp nơi, một phần rớt ở trên mặt đất, một phần thì rơi trên xác người chết.

Ngụy Thời đứng cách đó hơn ba thước.

Tới bây giờ vẫn không có gì dị thường, chẳng khác gì so với mấy nghi thức ngâm nước anh đã từng gặp qua.

Đột nhiên, Ngụy Thời nhíu mày, ánh mắt dừng ở trên tấm vải trắng dính nước, từ từ lan ra, hiện lên màu máu, rất nhanh, nguyên tấm vải trắng giống như bị ngâm qua máu, tí tách tí tách, máu loãng không ngừng chảy ra bên ngoài, mà những người đứng cạnh đó lại như thể không thấy gì, vẫn còn tiếp tục làm lễ cúng bái.

Đúng lúc này, Ngụy Thời cảm thấy cánh tay mình truyền tới một trận đau nhức.

Vẫn luôn theo sát anh, Biên Hiểu Huệ kéo cánh tay anh, toàn thân phát run, sắc mặt trắng bệch, ánh mắt đăm đăm nhìn người chết nằm trên mặt đất, môi run rẩy, mắt thấy cô sắp thét ra tiếng, Ngụy Thời vội dùng sức kéo cô lại, Biên Hiểu Huệ vừa run rẩy một bên vừa quay đầu lại nhìn Ngụy Thời.

Ngụy Thời nhìn cô lắc đầu, ý bảo cô không cần lên tiếng.

Sớm đã nói Biên Hiểu Huệ không cần đi theo, ở lại nhà ông Trịnh là tốt, nhưng là cô chết sống gì cũng không chịu, nhất định phải đi theo Ngụy Thời, Ngụy Thời không còn cách, chỉ đành dẫn cô theo, bây giờ lại bị dọa cho hoảng hồn.

Biên Hiểu Huệ cũng coi như nghe lời, lập tức ngậm chặt miệng, nhắm mắt lại.

Ngâm nước không bao lâu sau đã hoàn thành.

Thầy cúng thu dọn đồ đạc, mang theo một đám người trở về nhà ông Trịnh.

Tiếp theo chính là thiêu xác.

Lần này không cần nâng người chết theo, chỉ cần mang theo đồ người chết đã từng dùng ra ngoài là được.

Trịnh Đào chết sớm, không có con cái mặc áo để tang, trên thực tế cũng có thể coi là chết non, cha mẹ vốn không thể mặc áo để tang cho con, ông Trịnh chỉ đành gọi đứa con nhỏ của anh em mình đến giúp, kêu cậu cầm cành phướn đi ở đằng trước, sung vào cho đủ số.

Chỗ cổng vào thôn có một ngã ba.

Một đám người thổi sáo đập trống đi qua, đứng ngay tại ven đường đốt lửa.

Nhang đèn, tiền giấy, quần áo, còn xen lẫn một số thứ khác, một cỗ khối đen dày đặc, cuồn cuộn nổi lên, mang theo mùi hôi thối, tràn đầy khoang mũi mọi người, thỉnh thoảng có vài chiếc xe chạy ngang, nhìn tình hình cũng biết ven đường rốt cuộc đang làm cái gì, lập tức đạp ga, mau mau chạy qua, tránh dính xui vào người.

Ngụy Thời cũng đứng xa xa mà nhìn.

Cỗ khói đen kia lơ lửng trên không, không hề tán đi, hình dạng biến ảo không ngừng. Nên nhớ, bọn họ đang ở ven đường, lại là mùa đông, gió to thổi mạnh không dứt, làm sao có thể xuất hiện tình trạng sương khói ngưng mà không tan được.

Lúc bắt đầu, đám người thầy Lý đều không chú ý tới, đốt được một lúc, thầy Lý ngẩng đầu lên, vừa nhìn thì sắc mặt lập tức thay đổi, tốc độ niệm của ông càng lúc càng nhanh, càng ngày càng mập mờ không rõ, vốn là nghi thức kéo dài mười mấy phút đồng hồ mà bây giờ chỉ trong vòng chưa đầy ba tới năm phút đã làm xong.

Sau đó, thầy Lý cuống quít thu thập đồ, vội vàng bỏ đi không dám quay đầu lại.

Ngụy Thời không có đi.

Bởi vì anh nhìn thấy ven đường có dư ra một người, người kia cả người đầy máu, gương mặt dữ dằn, vẻ mặt đang dại ra.

Đúng là Trịnh Đào, trong tay gã đang cầm một tờ tiền giấy.

Ánh mắt Trịnh Đào ngỡ ngàng nhìn đám tro tàn, giữa tàn tro còn một số thứ đốt chưa hết, bao gồm một tờ áp phích từng dán trong phòng Trịnh Đào, bị mẹ gã tháo xuống, mang tới định đốt cho con mình, Trịnh Đào nhìn một lúc rồi từ từ đi về nhà mình.