Editor: SQ
_____________________
Dương Thành là một huyện lẻ ngoài tỉnh Z, bên trái là Hami, bên phải là Đôn Hoàng. Ở giữa có một dãy núi, bao bọc Dương Thành bên trong. Trong huyện có bốn thị trấn, gần với núi nhất chính là thôn Tiểu Lương với dân số ít nhất.
Trên trấn chỉ có một ngôi trường cấp ba, xây ngay trong trấn.
Từ nhỏ Dư Thanh đã ở nhà bà ngoại, lúc năm tuổi mới về Thanh Hải với bố mẹ để đi học. Lúc còn nhỏ, lần nào đến đây cô cũng leo tuốt lên mái nhà chơi. Lầu trên của nhà phơi ngô và lúa mì, ánh nắng từ bầu trời rọi xuống, sà vào lòng cô. Lúc đó nhà Phương Dương chưa chuyển đi, vẫn ở ngay đối diện, hai cô thường xuyên dính với nhau, đứng trên nóc nhà ngắm nhìn hoa nở khắp núi đồi ở đằng xa.
“Sau này tao sẽ ra chỗ đó học cấp ba.” Phương Dương chỉ về phía bắc của trấn.
Lúc đó, cô nhìn thấy trong ánh nhìn của cô bạn mình ngập tràn tò mò và ngưỡng mộ.
Bà ngoại ở ngoài sân gọi cô xuống ăn cơm, Dư Thanh thôi nghĩ ngợi, chạy xuống cầu thang bên phải. Ông ngoại dọn bàn ra dưới tàng cây, bày cháo trắng và đồ ăn kèm ra, có cả bánh bao nóng hổi mới mua.
“Ăn nhiều vào.” Bà ngoại gắp đồ ăn vào chén cô.
Dư Thanh đang bưng chén húp cháo, cầm đũa cho đồ ăn vào miệng.
Đang ăn cơm giữa chừng, điện thoại bàn đổ chuông. Bà ngoại bỏ đũa xuống vào nhà nghe điện thoại, nói một lúc thì đi ra. Dư Thanh loáng thoáng nghe vài câu thì biết ngay là ai, cúi đầu không nói gì.
Ông ngoại thoáng nhìn bà ngoại, lắc đầu.
Mấy ngày nay, Dư Thanh rảnh rỗi nên đi theo Phương Dương đến trường. Cô bạn lo làm bài của mình, cô ngồi cạnh cầm bút chì vẽ, không nói năng gì với những người khác.
Một tiết nọ, giáo viên gọi Phương Dương trả lời câu hỏi.
Cô bạn đứng lên, miệng không mở ra được, Dư Thanh viết đáp án lên tờ giấy, khẽ đẩy ra giữa bàn. Lúc đó gần như cả lớp cùng quay đầu nhìn Phương Dương, tầm mắt cũng dừng trên người cô.
Dư Thanh cúi đầu thấp hơn nữa.
“Này.” Vừa hết tiết, hai cô bạn ngồi trước cùng quay xuống, “Cậu tên gì vậy?”
Phương Dương trả lời thay cô.
Một người khác hỏi: “Cậu không học ở trường tụi này hả?”
Dư Thanh do dự một lúc, lắc đầu.
Họ không nói gì nhiều, đề tài về cô qua loa kết thúc. Phương Dương tiếp tục vùi đầu làm đề, Dư Thanh cảm thấy nhàm chán nên về nhà trước giờ tự học buổi tối. Cô về đến trấn thì vẫn còn sớm, thế là nổi hứng đi dạo một lúc.
Đi loanh quanh một vòng đến quảng trường phía tây.
Trong khu vực chừng mấy trăm mét vuông có một tiệm tạp hóa, xung quanh bố trí rất nhiều dụng cụ tập thể dục, người già và trẻ em mỗi người ngồi ở một ô vuông. Có hai ba người phụ nữ tuổi đôi mươi bồng con tán dóc với nhau, tiếng cười thỉnh thoảng vang lên.
Cô ngồi ở hàng ghế dài dưới tán cây, nhìn hai bên.
Khi vầng trăng từng chút một lên đến đỉnh đầu, cũng đến lúc Dư Thanh phải về nhà. Cô vừa mới cất bước, phía sau có hai chàng trai đi vào từ phía bên kia, dừng trước bàn đánh bóng bàn. Đèn quảng trường rọi xuống, Lương Tự liếc nhìn về hướng nào đó.
“Nhìn gì đấy?” Người bạn hỏi.
Lương Tự không trả lời, điềm nhiên tâng quả bóng trong tay.
Về đến nhà, bà ngoại có để dành cơm, Dư Thanh vừa ăn vừa xem chương trình lúc 8 giờ trên đài CCTV. Buổi tối người già ngủ sớm, cô cũng dần quen đi ngủ sớm, chỉ vì ban đêm có tiếng gió và côn trùng kêu vang.
Trong hai ngày Phương Dương thi cuối kỳ, cô chui rúc trong nhà.
Ngoài sân, ông ngoại ngồi trên ghế bập bênh nghe đài, bà ngoại ngồi cạnh làm đế giày, thỉnh thoảng mở miệng nhắc câu “mở nhỏ lại chút”, rồi chẳng mấy chốc ông ngoại lại mở lớn hơn.
Ngày tháng ở Tiểu Lương Trương vô cùng tự do và sung sướng.
Đến đầu giờ chiều, hai ông bà đi ngủ một giấc ngắn. Bà ngoại ngủ chưa được nửa tiếng đã dậy, ra sân quét tước, vào làm vài việc. Dư Thanh đi theo sau muốn làm phụ, nhưng bà ngoài cứ không cho.
Bà ngoại đẩy cô đi xem TV, phim Tây Du Ký đã đến tập Họa khởi Quan Âm viện.
Chạng vạng hôm đó, điện thoại bàn trong phòng lại vang lên. Cô chuẩn bị bắt máy, đi giữa chừng thì đứng khựng lại. Bà ngoại đã từ ngoài sân đi vào, không biết bên kia nói gì đó, bà ngoại chỉ thỉnh thoảng đáp tiếng ừ, sau đó cúp máy.
Hai mắt Dư Thanh dán vào TV, trong lòng lại buồn bực không chịu nổi.
Bà ngoại ra sân chốc lát rồi đi vào, hai tay đeo tạp dề vào rồi lại cởi ra ném lên sofa. Bà ngoại mở hộc tủ lấy vài đồng tiền lẻ cho vào túi, kéo cô từ giường đất xuống.
“Đi chợ với bà ngoại.”
Dư Thanh mang giày vào đi theo sau bà ngoại: “Nhà mình hết đồ ăn hả ngoại?”
“Còn mấy củ khoai tây thôi.” Bà ngoại kéo tay cô, vừa đi vừa nói, “Mua thêm ít rau, trưa mai nấu súp rau củ cho hai ông cháu.”
Đường phố ở thôn Tiểu Lương vừa rộng dài dài, quán xá khắp nơi.
Các cô các dì ngoài chợ đã bắt đầu đóng cửa hàng, bà ngoại dắt cô đi từ nhà này sang nhà khác, khom lưng nhìn thấy món này không tươi lắm, món kia thì cũ quá. Khó khăn lắm mới tìm được món mua được, hỏi thử giá cả.
“Cái này để chưa hết ngày là hỏng mà bán ba tệ?” Bà ngoài cầm lên rồi bỏ xuống.
Dư Thanh đi theo sau, nhìn bà ngoại và bà chủ đó lời qua lời lại chỉ vì vài đồng lẻ. Cô quay đầu nhìn con đường dài này, lúc này hầu như chỉ có người già đến đi chợ. Nhìn kỹ còn thấy một bà cụ đang khom người nhặt đống rau mà bà chủ bỏ đi, còn lắc đầu nói ‘mấy này còn ăn được mà’.
Cuối cùng bà ngoại chỉ mua chút cải thìa.
Trên đường về nhà gặp được Phương Dương mặt mày hớn hở. Cô nàng vừa thi xong nên tinh thần phơi phới, cười thưa bà ngoại rồi hỏi cô có muốn sang nhà mình ngủ tối nay không. Dư Thanh tất nhiên muốn đi, cô nhìn bà ngoại.
“Cơm nước xong rồi hãy qua.” Bà ngoại nói.
Phương Dương cười hì hì, nhìn cô: “Lát nữa tao qua đón mày.”
Lúc đồng hồ chỉ 8 giờ, cô bạn gấp gáp đạp xe đến đây, chưa đến trước nhà đã í ới gọi cô. Bà ngoại chất đầy một túi quýt nhỏ cho cả hai, bảo cô mang theo, Phương Dương lái xe hệt như cơn gió.
Thôn Tiểu Lương về đêm yên tĩnh lạ kỳ.
Nhà Phương Dương mở siêu thị, người lớn trông cửa hàng. Hai cô gái không cần lo, chơi giỡn trong phòng. Cô bạn lấy một chiếc hộp dưới bàn ra, trong đó có rất nhiều tem, bưu thiếp, hình dán và vỏ kẹo sưu tầm từ nhỏ.
“Mày còn giữ mấy món này?” Dư Thanh hào hứng nhìn qua nhìn lại.
Phương Dương “Ấy?!” một tiếng, lại cúi người lục lọi dưới bàn một lúc, tìm được vài lọ sơn móng tay đủ màu. Dư Thanh ngạc nhiên cầm từng lọ nhìn, mấy chiếc lọ be bé này vẫn mới tinh hệt như lúc cô tặng.
“Bình thường tao không có sơn.” Phương Dương nói.
Dư Thanh cười: “Biết mày thích sưu tầm rồi.”
“À phải, mấy hôm trước mẹ tao mới trồng mấy chậu cây móng tay ở sân sau, tháng sau hoa nở là lấy sơn móng được rồi, đẹp hơn mua nhiều.”
Dư Thanh nói: “Tao nhớ là phải thêm phèn chua.”
“Mua từ lâu rồi.” Cô bạn cười toe toét.
Trời tối dần, hai cô gái chơi đủ, nằm thẳng ra giường vừa ăn quýt vừa tán dóc. Mí mắt của Dư Thanh dần dần sụp xuống, cô nằm trên gối nghe ‘Mày biết không Dư Thanh’, bên gối là giọng nói ‘năm sau tao chắc chắn sẽ thi đại học thật tốt rồi ra khỏi Thôn Tiểu Lương’, rồi dần chìm vào giấc ngủ.
Sáng sớm hôm sau, tiếng chim ngoài cửa sổ đánh thức Dư Thanh.
Phương Dương ngủ rất say, cô khẽ khàng mặc quần áo vào xuống giường. Mẹ Phương Dương đang trong bếp xào đồ ăn, cô ra sân sau vặn vòi nước rửa mặt qua loa, khóe mắt nhìn thấy bóng người đi vào siêu thị nhỏ.
“Dì ơi, có người mua đồ.” Cô đứng trong sân gọi.
Người phụ nữ nói to, “Dư Thanh à, cháu ra trước xem xem.”
Lúc đó mặt trời mới chỉ ló một góc, xung quanh vô cùng yên tĩnh. Dư Thanh cầm khăn lau nước trên mặt rồi qua đó, siêu thị nhỏ và trong nhà được ngăn cách nhau bằng tấm rèm. Cô vén rèm ra, có người ném một gói thuốc lá và hai mươi tệ lên quầy.
Mãi không nghe thấy tiếng gì, tay đang mò tìm bật lửa của Lương Tự dừng lại.
Cậu ngước mắt nhìn, ánh mắt sửng sốt trong giây lát. Vài hình ảnh sống động dần được ghép lại với nhau, cậu dùng đầu lưỡi chạm nhẹ vào má mình, nhìn cô một cách hứng thú. Mái tóc lộn xộn của cô gái được buộc phía sau rơi ra vài sợi, tóc mái dài ngang trán ẩm ướt nên dán sát vào má trái, đôi mắt trong veo đến mức có thể chảy ra nước.
“Mình,” Dư Thanh hỏi rất nghiêm túc, “phải thối cậu bao nhiêu tiền?”
Lương Tự lười nhác ngước mắt, khóe mắt hiện ra nét gấp sâu.
“Mười tệ.” Cậu nói.
Nghe vậy, Dư Thanh tìm trong ngăn đựng tiền dưới tủ, không có mười tệ, vậy là cô lấy từng tờ từng tờ một tệ, gom lại rồi thối cho cậu. Bất ngờ là chàng trai này không nhận, còn bình chân như vại đút tay vào túi quần.
“Nói mười tệ thì cậu tin ngay?” Cậu cười chế giễu.
Dư Thanh ngẩn người: “…”
Mẹ Phương Dương từ sau nhà chạy ra, Dư Thanh cúi đầu lập tức lùi ra sau, đưa tiền cho mẹ Phương Dương. Lương Tự liếc nhìn cô gái có vẻ như quá bình tĩnh, không thèm nâng mí mắt mà xoay người đi ngay. Lúc mẹ Phương Dương nói câu ‘Lam Bạch Sa đúng không, thối cháu mười tệ’, bóng dáng cô khựng lại.
Lương Tự nở nụ cười nhàn nhạt.
Mặt trời từ trong khe núi dần ló dạng, Dư Thanh ăn sáng ở nhà Phương Dương mới về nhà. Nắng ban mai trải dài khắp các con hẻm dài, thỉnh thoảng có tiếng chó sủa và tiếng mở cửa ken két của vài gia đình.
Ông ngoại đang ngồi ở bậc thềm hút thuốc.
Trên đường có vài ông cụ liên tục đi ngang qua, lúc đi ngang còn dừng vài phút nói vài ba câu với ông ngoại. Lá cây ngô đồng rung rinh trong gió, dưới mặt đất có ít bụi bay lên.
Dư Thanh cũng xách chiếc ghế nhỏ trong nhà ra ngoài ngồi.
Không lâu sau, bà ngoại xách theo hai túi rau củ quả lớn về. Dư Thanh chạy tới cầm, bà ngoại ngồi trên bậc thềm thở hổn hển. Bà cụ dùng tay quạt liên tục, Dư Thanh xách đồ vào nhà rồi bưng ly nước ra.
Bà ngoại uống mấy hớp lớn: “Mệt muốn chết luôn.”
“Ai bảo bà mua nhiều làm gì.” Ông ngoại hừ một tiếng, “Đầu mấy thứ tóc còn không biết lượng sức.”
Bà ngoại “Thôi thôi thôi” vài tiếng: “Ông lo hút đi.”
“…” Dư Thanh nhịn cười.
Dì hàng xóm bưng một thau nước lớn giội ra ngoài cửa nhà, nhìn sang bên này cười trêu ‘ông lại cãi nhau với bà rồi’. Bà ngoại bực bội chỉ chỉ vào ông ngoại với dì hàng xóm, ông ngoại không nói gì, chỉ cười hề hề, nhét tẩu thuốc dài vào miệng.
“Dư Dư à.” Giọng bà ngoại dịu lại, “Bà ngoại tìm việc vặt cho con rồi.”
Cô không hiểu mô tê gì, nghiêng đầu hỏi việc gì.
“Dạy vẽ tranh đó.” Bà ngoại cười, “Sáng nay bà đi chợ thấy nhà kia có cô bé muốn học vẽ, sở trường của con rồi còn gì, dù sao nghỉ hè cũng rảnh rỗi, sợ con chán tới bệnh luôn.”
“Cứ ở trong nhà mãi thế không được.” Ông ngoại giơ tẩu thuốc lên nói với cô.
“Thôi.” Bà ngoại liếc ông ngoại một cái, “Cần ông nói à.”
Nắng lúc tám giờ sáng hòa cùng với tiếng cười của ông ngoại, gà mái trong sân kêu vài tiếng. Làn gió nhè nhẹ thổi mái tóc bạc bên tai bà ngoại bay bay, niềm yêu thích làm lụng bươn chải hiện rõ mồn một trong ánh mắt bà, Dư Thanh cứ mỉm cười mãi trong bầu không khí ấm áp đó.
Thế là chiều hôm đó, cô bé mà bà ngoại nhắc đến đã vui vẻ đến nhà.