Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 92: Chinh phục sicily










Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.518 (Bính Thân, 1416). Mùa xuân tháng 2, ngày rằm. Quân cảng Sinai.



Đối với người phương đông, những ngày đầu tháng và giữa tháng đều là những ngày tốt, còn gọi là ngày sóc và ngày vọng, là những ngày mà triều đình thiết đại triều. Còn đối với người phương tây, đêm trăng tròn cũng là một đêm huyền diệu. Do đó, ngày rằm tháng 2 đã được chọn làm ngày đại quân xuất chinh.



Quân cảng Sinai, nằm trong căn cứ hải quân ở vịnh Buhayrat al Mazilah, cách không xa cửa biển của nhánh phía đông sông Nile, hôm nay đột nhiên náo nhiệt khác thường. Hơn hai phần ba số chiến hạm của Hắc Long Hạm đội, gồm 2 chiếc Lục tinh cấp chiến hạm, 5 chiếc Thất tinh cấp chiến hạm, 12 chiếc Tuần dương hạm và 12 chiếc đại hình chiến thuyền được tập trung ở quân cảng, phụ trách vận chuyển đại quân đến Napoli và Sicily. Trên bến cảng, các đạo quân Chiêu Viễn, Chiêu Đức, Bảo Tiệp, Linh Tiệp cũng đã chuẩn bị hoàn tất, sẵn sàng lên thuyền xuất chinh.



Ngoài ra, theo thông lệ của Thần Thánh Đế quốc, mỗi khi đại quân xuất chinh đều có dân binh đi theo hỗ trợ. Theo lệnh của Chiêu Đức Vương Đinh An Bình, các tỉnh ven bờ Địa Trung Hải đã tuyển mộ 1 vạn dân binh, toàn là người Âu châu, để đi theo hỗ trợ đại quân. Nhiệm vụ của dân binh là phụ trách phòng thủ những địa bàn mà đại quân chiếm được. Sau khi Thần Thánh Đế quốc kiểm soát Sinai, rồi tiếp đó là các khu vực duyên hải phía đông và phía nam của Địa Trung Hải, đặc biệt là thánh địa Jerusalem, không chỉ có vô số thương nhân đổ đến tìm cơ hội phát tài, mà số người Âu châu đến đấy tránh loạn cũng không ít. Do đó, việc tuyển mộ dân binh không gặp nhiều khó khăn. Tổng chỉ huy lực lượng dân binh là Long nhi, để sau này sẽ chuyển đổi dân binh thành quân đội vương quốc của Long nhi. Các tướng lĩnh chỉ huy dân binh được tuyển chọn trong số những người thuộc gia đình phú thương, hoặc bình dân có học thức – những người hy vọng có thể thông qua quân công để trở thành quý tộc. Đối với người Âu châu, thân phận địa vị giữa bình dân và quý tộc cách biệt vô cùng lớn.



Đến giờ hoàng đạo, Đinh An Bình và Long nhi bước lên kỳ đài giữa quân cảng, nói lời động viên quân đội trước lúc xuất chinh. Long nhi hướng về lực lượng dân binh, chỉ nói đơn giản 4 chữ : “Phú quý, yên bình”, nhưng đã làm cho cả bọn nhiệt huyết sôi trào, hừng hực khí thế, muốn lập tức ra ngay chiến trường giết giặc lập công. Hưng phấn hơn cả là giới tướng lĩnh dân binh, bọn họ đã được cho biết rằng, trong tân triều đình sẽ có chỗ của bọn họ, đương nhiên là bọn họ phải biểu hiện năng lực của mình trước đã, triều đình sẽ không thu nhận những người vô dụng.



Sau đó, đại quân lần lượt xuống thuyền, để Hải quân chở đến địa điểm tác chiến. Hai đạo Chiêu Viễn, Bảo Tiệp tiến đến Napoli; còn hai đạo Chiêu Đức, Linh Tiệp tiến đến Sicily. Mỗi lộ đại quân được phối thuộc 5.000 dân binh.




Quãng đường từ Sinai đến Sicily khoảng 1.800 kilômét, đến Napoli gần 2.000 kilômét. Hạm đội đến Sicily trước, đổ 2 đạo quân Chiêu Đức và Linh Tiệp lên bờ biển phía đông. Sau đó Hạm đội tiếp tục vượt qua eo biển giữa Sicily và Napoly, tiến lên phía bắc. Theo kế hoạch, 2 đạo quân Chiêu Viễn và Bảo Tiệp sẽ được đưa đến vùng biên giới phía bắc của vương quốc Napoli, rồi từ đó sẽ đánh dần về phía nam, mục đích là để ngăn chặn không cho giới quý tộc và quân đội Napoli chạy lên phía bắc vào khu vực lĩnh địa của Giáo hội Công giáo La Mã (Papal of States). Vương quốc Napoli nằm trên bán đảo, chỉ cần đại quân ngăn chặn phía bắc, vùng biển lại bị Hải quân Đế quốc kiểm soát, thì địch quân sẽ chẳng thể chạy đi đâu được. Quân đội Đế quốc có ưu thế tuyệt đối, không cần sử dụng chiến thuật ‘vi tam khuyết nhất’ (vây 3 mặt, để trống 1 mặt).



Sicily trước đây là một vương quốc độc lập, nhưng đến năm 1409 đã bị sát nhập vào Aragon. Tuy nhiên, do Sicily không được triều đình Aragon xem trọng lắm, nên ở đấy chỉ có 3.000 quân, chia nhau trấn giữ các thành phố quan trọng trên đảo, như Palermo, Messina, Catania, Syracuse và Ragusa, trong đó thủ phủ Palermo tập trung đến 1.000 quân.



Ngày 27, Linh Tiệp quân bao vây Syracuse, thành phố cảng ở phía đông nam đảo. Ba vạn đại quân tấn công thành phố chỉ có 500 quân phòng thủ, chỉ mất chưa đến một buổi là đã chiếm được. Sau đó, 1.000 dân binh được phái trú đóng tại đây, đồng thời phụ trách bình định các thôn làng, thị trấn trong vùng.



Ngày 28, Linh Tiệp quân chia làm hai đạo tiến đánh Ragusa ở phía tây và Catania ở phía bắc; đồng thời Chiêu Đức quân bao vây Messina, thành phố cảng quan trọng nằm bên bờ eo biển giữa Sicily và Napoli. Cuộc tấn công không gặp phải trở ngại nào đáng kể. Các Hiệp sĩ của Aragon khi thấy mấy vạn đại quân dàn trận bên ngoài thành phố, chẳng mấy ai dám dẫn vài trăm quân ra nghênh chiến, đa phần cố thủ trong thành phố một cách tuyệt vọng. Và cũng có không ít tùy nghi di tản, quyển khoản tiềm đào, hay nói nôm na là gom tài sản bỏ trốn.



Ngày 1 tháng 3, khu vực phía đông đảo Sicily tràn ngập quân đội Thần Thánh Đế quốc. Người dân Sicily lần đầu phải đối diện với hình thức chiến tranh khác hẳn Âu châu. Đối với quân đội Đế quốc, tinh thần Hiệp sĩ của người Âu châu không có nghĩa lý gì cả. Dù chỉ đối diện vài trăm kẻ địch, hàng vạn đại quân cũng đồng loạt tấn công. Đầu tiên là hàng nghìn cung thủ đồng loạt bắn tên, rải mưa tên xuống đầu đối phương. Sau đó, khi đối phương đã trúng tên gần hết, thì chỉ cần một lượt xung phong là kẻ địch sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn.



Ngày 5 tháng 3, thủ phủ Palermo bị Chiêu Đức quân bao vây. Thành phố nằm bên bờ biển, nên cũng nằm trong tầm pháo kích của Hải quân Đế quốc. Sau một ngày pháo kích vào thành phố, cổng thành bị phá hủy, thủ quân không dám xuất hiện gần khu vực cổng thành và đại quân dễ dàng tràn vào bên trong. Thành phố thất thủ.



Sau đó, đại quân phân thành các nhóm nhỏ, chia nhau đi bình định toàn đảo. Đại quân đến nơi nào, dân chúng đều được tập họp lại để phân biệt nghịch dân và lương dân (địa bàn chưa bình định, thuận dân chưa thể xác định), hễ ai tỏ ý chống đối, thậm chí là bất hợp tác, đều bị xem là nghịch dân, là kẻ địch, sẽ bị tiêu diệt hoặc bắt giữ, trở thành tù binh chiến tranh. Theo thông lệ của Âu châu thời bấy giờ, tù binh chiến tranh nếu không có tiền chuộc thì đều bị biến thành nô lệ. Nhưng quân đội Đế quốc không cần tiền chuộc, hễ trở thành tù binh chiến tranh thì tương lai chắc chắn trở thành nô lệ. Ngoài ra, toàn bộ giới quý tộc của Sicily đều bị xem là người của Aragon, là kẻ địch, không ai được tha thứ. Giang Phong quyết định chế độ tương lai ở vương quốc của Long nhi sẽ là trung ương tập quyền, do dó mà lĩnh chủ phong kiến theo kiểu Âu châu không được phép tồn tại, nhân lúc chiến tranh giải quyết hết bọn họ là thích hợp hơn cả. Bọn họ thần phục Fernando I de Aragon, một trong những kẻ tranh chấp ngai vàng với Long nhi, nên bị xem là kẻ địch cũng không có gì là không đúng.



Đến giữa tháng 3, toàn cảnh Sicily cơ bản đã được bình định. Ở Sicily giờ đây không còn ai là quý tộc, chỉ còn lại toàn bình dân. Không còn quý tộc nghĩa là việc chống đối hầu như cũng không còn. Việc trị an trở nên tốt hơn, và được chuyển giao hoàn toàn cho lực lượng dân binh. Do mất đi quý tộc cùng với thuộc hạ và gia nhân của bọn họ, dân số Sicily giảm khoảng 1 phần 10, nhưng không vấn đề gì. Hệ thống chính quyền theo kiểu Đế quốc được thiết lập ở đây. Toàn đảo Sicily được thành lập 1 quận, có 5 huyện là 5 thành phố chính của nó. Quan viên được tuyển chọn trong lực lượng dân binh.



Chỉ trong vòng nửa tháng, 6 vạn đại quân đã tiêu diệt hoàn toàn 3.000 quân Sicily và bình định toàn cảnh (chiến quả chẳng có gì huy hoàng). Sau đó, Hải quân lại vận chuyển 5 vạn đại quân sang đảo Sardinia ở phía tây bắc Sicily. Còn lại 1 vạn tiến sang chiếm lĩnh Reggio trên đất Napoli nằm bên kia eo biển.



Trong khi đó thì cuộc chiến ở Napoli thì có nhiều kịch tính hơn. Khi khu vực phía bắc đã bị các đạo quân Chiêu Viễn và Bảo Tiệp khống chế, James de Bourbon ở Napoli vội vã triệu tập quân đội bảo vệ Napoli. Do dưới thời Ladislaus de Napoli, vương quốc đã tổ chức nhiều cuộc chiến tranh, quân lực giảm sút nghiêm trọng, do vậy lúc này toàn vương quốc chỉ có hơn 300 Hiệp sĩ và 5.000 quân. Trong diễn văn động viên quân đội, James de Bourbon tuyên bố :



- Ngày xưa, người Hy Lạp chiến tranh với Đế quốc Ba Tư, tuy thành Atens bị thiêu hủy, nhưng cuối cùng người Hy Lạp với chỉ 10.000 quân cũng đã đánh bại 5 triệu quân Ba Tư của Xerxes Đại đế (sử gia Hy Lạp cổ đại Herodotus ghi nhận có 5 triệu người, với một nửa là binh sĩ lấy từ 46 tiểu quốc thuộc địa, nhưng các sử gia hiện đại cho rằng chỉ có khoảng 200.000 – 250.000 người). Nếu chúng ta đồng tâm hợp lực, chắc chắn cũng sẽ đánh bại kẻ thù, bảo vệ Napoli.



Sau đó, quân đội của James de Bourbon tiến đến pháo đài Aversa ở phía bắc Napoli.



Có thể bà con chưa biết :




Các loại tước hiệu của quý tộc Âu châu (phần 1)



1. Các loại tước hiệu chính :



Ở phương đông, mà cụ thể là Trung Quốc có nhiều loại tước hiệu, tùy triều đại, nhưng có 5 loại tước hiệu chính là Công, Hầu, Bá, Tử, Nam.



Ở Âu châu cũng có 5 loại tước hiệu chính, nên được phiên dịch đối ứng với các tước hiệu của phương đông là Công tước, Hầu tước, Bá tước, Tử tước, Nam tước. Ngoài ra còn có Chuẩn nam tước và Hiệp sĩ, tuy có tước hiệu nhưng chưa chính thức là quý tộc.



2. Pháp Lan Tây (Française) :



Nhóm 1 :



Emper - Hoàng đế



Royaume - Quốc vương



Dauphin - Thái tử



Prince - Vương tử



Nhóm 2 :



Duché - Công tước



Marquisat - Hầu tước



Comté - Bá tước




Vicomté - Tử tước



Baron - Nam tước



Nhóm 3 :



Seigrie - Lĩnh chủ



Chevalier - Hiệp sĩ



Ngoài ra còn có lĩnh địa của giáo hội, gồm :



Évêché - Lĩnh địa Giám mục



Archévêché - Lĩnh địa Tổng Giám mục



Nhóm 1 là thành viên Hoàng gia, nhóm 2 là quý tộc, nhóm 3 phi quý tộc.



Đến năm 1870, chế độ Cộng hòa thành lập, tước hiệu quý tộc bị bãi bỏ.



(chú : lĩnh chủ, ngày xưa còn gọi là lãnh chúa, giống như : chúa nhật, bang chúa, hội chúa ... Nhưng ngày nay thường dùng chủ, như chủ nhật, bang chủ, hội chủ ....)