Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 59: Minh triều chiến loạn (3)










Lại nói, tấn công vô ích, trốn thoát không đường, quân Minh đành chạy lên một ngọn đồi gần đấy, rồi lăn đá xuống, chặt cây ném xuống ngăn cản kỵ binh, cố thủ trên đấy. Quân Minh không thể chạy được nữa, kỵ binh vệ úy Ngô Minh kể như đã hoàn thành nhiệm vụ, nên cũng không gấp tấn công, chỉ cho quân chia ra bao vây ngọn đồi đề phòng quân Minh đào thoát.




Ngô Minh giục ngựa đi vòng quanh đồi khảo sát địa hình, tìm cách tiêu diệt quân giặc. Trên đồi cây cối rậm rạp, lại đang mùa hạ, có thể sử dụng hỏa công. Thế là Ngô Minh phái mấy đội kỵ binh đi thu gom các vật dễ cháy. Số còn lại chia làm hai đội, luân phiên tuần tra, ngăn không cho quân Minh có cơ hội đào thoát.



Trưa hôm sau, khi đã thu gom được một lượng lớn các vật dễ cháy, lại đang lúc trưa nắng, Ngô Minh truyền lệnh phóng hỏa đốt rừng. Quân sĩ ném vật dễ cháy vào các bụi cây rậm rạp dưới chân đồi, rồi châm lửa đốt. Ngọn lửa dần dần bốc cao và lan dần lên trên đồi. Khói bốc mù mịt. Kỵ binh được lệnh lui ra phía xa xa, và chuẩn bị truy sát số quân Minh có thể vượt qua ngọn lửa mà thoát được xuống đồi.



Ngọn lửa khi đã bốc cao thì lan rất nhanh lên trên đồi. Cả ngọn đồi giờ đây trông giống như một ngọn đuốc khổng lồ. Quân Minh trên đồi bị khói hun, bị lửa đốt kêu la inh ỏi. Cả ngọn đồi chìm trong biển lửa, sức nóng kinh hồn. Phần lớn quân Minh đều bị thiêu chết trên đồi. Chỉ có chưa đến trăm người đào thoát được xuống đồi, nhưng rồi lại nhanh chóng làm mồi cho cung tên của kỵ binh. Đối diện kỵ binh truy sát, bọn họ không ai đào thoát được. Huệ Châu vệ của Minh triều hoàn toàn bị xóa sổ. Sau đó, kỵ binh vệ quay lại cùng bản sư công phạt các xứ đông bắc Quảng Đông, dần dần bức cận Phúc Kiến.



Không chỉ Trấn Phong quân, cả 8 đạo quân thuộc Đông lộ đều tứ diện khai hoa, công thành bạt trại, chiếm lĩnh cướp phá hàng trăm phủ huyện dọc theo duyên hải, nam từ Quỳnh Châu (tức đảo Hải Nam) cho đến tận bờ nam Trường Giang ở phía bắc.




Minh triều hiện tại đang trong giai đoạn suy yếu, có thể nói là suy yếu nhất kể từ ngày đầu kiến quốc đến giờ. Sử sách ghi lại, giai đoạn cường thịnh nhất của Minh triều (năm 1392, thời Hồng Vũ đế Chu Nguyên Chương), quân đội ước tính có 16.489 tướng lĩnh, 1.198.434 binh sĩ và 45.080 chiến mã. Nhưng sau ba cuộc đại quy mô chiến tranh do Vĩnh Lạc đế phát động : Tịnh nạn chiến tranh (1398 – 1402), Đại Minh – Đại Ngu chiến tranh (từ 1406 đến giờ), Đại Minh – Mông Cổ chiến tranh (1410), binh lực suy giảm rất nghiêm trọng, đặc biệt là cuộc nội chiến Tịnh nạn.



Binh chế của Minh triều không thực hiện quân dịch chế độ mà thực hiện quân hộ chế độ, hay còn gọi là vệ sở chế độ. Minh triều tại toàn quốc các nơi quân sự trọng điểm chiến lược thiết lập vệ sở trú quân. Mỗi vệ có quân đội 5.600 người, bên dưới có thiên hộ sở, bách hộ sở, dưới nữa là tổng kỳ và tiểu kỳ. Các vệ sở đều thuộc quyền quản hạt của Ngũ quân đô đốc phủ, chỉ có số ít ngoại lệ thuộc quyền quản lý của Binh bộ, có chuyện gì thì tập trung điều động, không chuyện gì thì trả về vệ sở.



Minh triều không tuyển mộ binh sĩ từ dân chúng (theo kiểu quân dịch chế độ), mà quân đội có nguồn gốc từ thế tập quân hộ (tức quân hộ chế độ), do mỗi quân hộ phái 1 người làm chính đinh đến vệ sở gia nhập vệ sở quân. Binh sĩ tại vệ sở luân phiên tuần phòng và làm ruộng. Lương thực thu được qua làm ruộng sẽ được sử dụng để cung cấp cho tướng sĩ và những nhu cầu cần thiết khác của vệ sở. Mục tiêu của việc này là dưỡng binh nhưng không hao tốn tài lực quốc gia (ngụ binh ư nông chính sách). Quân hộ số lượng cố định, thế tập từ đời này sang đời khác, một người làm lính thì cả nhà đời đời làm lính. Do vậy, binh nguyên của quân đội Minh triều có hạn, chỉ hạn chế trong số binh hộ đó thôi. Mãi đến đời Gia Tĩnh sau này (bối cảnh của Truyện Kiều), do loạn lạc nhiều mới thực hiện quân dịch chế độ, mộ binh từ dân chúng để đối phó với nội ưu (quân khởi nghĩa trong nước) ngoại hoạn (uy khấu ở phía đông, hải tặc ở phía đông nam, quân Miến Điện ở phía tây nam, quân Mông Cổ ở phía tây bắc, quân Nữ Chân ở phía đông bắc). Quân hộ chế độ tuy làm quốc khố bớt tốn kém, nhưng cũng có những nhược điểm nghiêm trọng : binh nguyên bị giới hạn; sĩ binh thiếu thời gian huấn luyện (theo quy chế thì mỗi ngày 2 giờ tuần phòng 8 giờ làm ruộng, nếu huấn luyện thì tính vào thời gian tuần phòng, mà vùng quản hạt không thể không tuần phòng, thành ra ít huấn luyện); nhưng nghiêm trọng hơn cả là nạn kiêm tính đất đai, rất nhiều ruộng đất của vệ sở giao cho quân hộ bị các tướng lĩnh chiếm làm của riêng, quân sĩ không đủ sống, phải tìm nghề khác mưu sinh, đào binh xuất hiện rất nhiều. Không hiếm các vệ sở, quân số thực tế không còn đủ một nửa biên chế, và các tướng lĩnh cũng khai gian để ăn trọn số quân lương cấp cho những binh sĩ thiếu đó (ví dụ vệ sở đủ biên chế 5.600 người, nhưng thực tế chỉ có 2.600 người, thì số quân lương của 3.000 người còn lại các tướng lĩnh sẽ chia nhau). Thời kỳ nông dân Sơn Đông khởi nghĩa, có những vệ như Thanh Châu vệ, mãn biên chế 5.600 người, nhưng thực tế binh lực chỉ hơn nghìn người, thành ra đại bộ phận Sơn Đông nhanh chóng bị quân khởi nghĩa chiếm lĩnh, Vĩnh Lạc đế phải điều động quân tinh nhuệ ở kinh đô đi đàn áp.



Minh triều lại chia lãnh thổ thành 2 kinh là Bắc trực lệ (Bắc Kinh, bao gồm phần lớn vùng Hà Bắc) và Nam trực lệ (Kim Lăng, gồm cả Giang Tô, An Huy); 13 tỉnh là Thiểm Tây, Sơn Tây, Sơn Đông, Hà Nam, Chiết Giang, Giang Tây, Hồ Quảng, Tứ Xuyên, Quảng Đông, Phúc Kiến, Quảng Tây, Quý Châu, Vân Nam. Địa giới phân theo địa hình sông núi (không giống thời hiện đại), có nhiều chỗ không hợp lý lắm, ví dụ như Nam trực lệ bao quát 3 địa khu lớn là Hoài Bắc, Hoài Nam và Giang Nam, hoặc như tỉnh Hà Nam lại quản hạt một bộ phận đất đai ở phía bắc Hoàng Hà (vốn thuộc Hà Bắc), tỉnh Sơn Đông quản hạt cả đất Liêu Đông, tỉnh Thiểm Tây quản hạt từ đất Thiểm Tây về phía tây (gồm cả Cam Túc, Thanh Hải). Hai kinh và 13 tỉnh lại chia thành 153 phủ, 234 châu (gồm cả trực lệ châu thuộc tỉnh và chúc châu thuộc phủ) và 1171 huyện. Các châu phủ lại không thể không có quân đội canh phòng, do đó đã phân bớt một lượng không nhỏ quân đội.



Nguyên bản Minh triều có 1.198.434 binh sĩ (gần 120 vạn), phân cho 2 kinh, 13 tỉnh, 153 phủ, 234 châu, 1171 huyện, trong thời bình tương đối ổn thỏa. Nhưng Vĩnh Lạc đế lại là người hiếu chiến. Cuộc chiến tranh ở Đại Việt chiếm mất 20 vạn. Sau khi đánh nhau với Mông Cổ năm Canh Dần (1410), quân đội trú phòng ở biên giới phía bắc phải tăng cường, kể luôn phòng thủ Bắc Kinh chiếm mất 50 vạn (Bắc Kinh, Sơn Hải quan, Hà Bắc, Sơn Tây, Cam Túc mỗi nơi ước 10 vạn). Quân trú phòng ở Nam Kinh 10 vạn (trước đây phải 20 vạn). Chỉ còn lại chưa đến 40 vạn phụ trách phòng thủ mấy trăm châu phủ, hơn nghìn huyện (nếu không tính huyện, chỉ chia đều cho gần 400 châu phủ thì mỗi nơi chỉ được xấp xỉ 1.000 quân, đó là chưa tính đến quân số khống do các vệ sở khai gian). Đặc biệt, cuộc chiến tranh ở Đại Việt toàn lấy quân ở các tỉnh phía nam, thành ra lực lượng trú phòng ở các châu phủ huyện phía nam càng thêm thiếu thốn. Thậm chí nhiều phủ huyện không thấy một bóng quân Minh.




Chính vì những nguyên nhân trên, khi quân đội Đế quốc tiến công vào các tỉnh phương nam, gần như đánh vào chỗ không người. Tốc độ tiến quân cực nhanh, hầu như ngày nào cũng có phủ huyện bị công chiếm. Theo kế hoạch của quân bộ, quân đội Đế quốc chỉ chiếm lĩnh các xứ Quảng Đông, Phúc Kiến (ở vùng duyên hải, với sự hỗ trợ của Hải quân, dễ phòng thủ hơn). Nam Dương Hạm đội liên tục vận chuyển 10 vạn dân binh các xứ Lã Tống, Mã Lai, Java lên phụ trách trú phòng các phủ huyện chiếm được. Tỉnh Quảng Đông có 19 châu phủ, 75 huyện; tỉnh Phúc Kiến có 9 châu phủ, 57 huyện; 10 vạn dân binh dư sức trú phòng rồi. Quân phòng thủ của Minh triều trước khi quân đội Đế quốc đến còn không được một nửa số đó.



Chinh phạt khoảng 3 tháng, toàn bộ các châu phủ ở Quảng Đông, Phúc Kiến toàn bộ nạp nhập vào bản đồ Đế quốc. Thời gian tiêu hao chủ yếu là quá trình hành quân, chứ công thành chiến hầu như không đáng kể, nhiều phủ huyện còn không có quân Minh phòng thủ, hoặc có nhưng quá ít, thiếu huấn luyện (phần lớn quân tinh nhuệ đã bị điều động cho cuộc chiến tranh ở Đại Việt rồi), vừa nghe đối phương kéo đến đã bỏ thành mà chạy. Cũng do vậy mà chiến tích của các kỵ binh vệ gần đây ngày càng nổi bật. Kỵ binh chỉ chiếm một phần mười quân số, nhưng giết địch đến hơn một nửa.



Trong thời gian đó, đạo quân từ Quảng Đông đi tiếp viện Đại Việt, nghe tin Quảng Châu nguy cấp, vội vã quay về cứu viện, đã bị Trấn Ninh quân đánh tan. Tiếp đó, Trấn Ninh quân khai tiến vào Giang Tây. Nơi đó có một địa điểm trọng yếu mà Giang Phong ra lệnh phải cố gắng công chiếm cho được.