Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 24: Thành lập quận huyện










Năm Giáp Thân (1404), mùa xuân, An Phú Thành.



Đoàn thuyền từ Tư Dung lại cập cảng, mang theo phần tài sản cuối cùng của Giang Phong ở Hải Tân và Tư Dung sang đây. Vì thế, Quảng Tế Pháp sư cũng theo sang đây để quản lý nội vụ cho Giang Phong. Ngoài vật tư, lão còn đưa sang đây 5.000 binh sĩ mới chiêu mộ ở Đại Việt theo lệnh của Giang Phong. Số binh sĩ này sẽ hợp với đạo quân 5.000 người mới thành lập, để hình thành Định Hải tam sư. Khi đó, Định Hải tam sư sẽ phụ trách phòng thủ Lã Tống, còn Định Hải nhị sư sẽ xuống đảo Puni giúp Định Hải nhất sư bình định nơi đó. Đảo Puni quá lớn, 1 vạn quân xem ra không đủ.



Ngoài ra, đoàn thuyền còn chở đến một số súng thần công kiểu mới của Đại Việt do Hồ Nguyên Trừng cải tiến, trong đó chủ yếu là loại nhỏ hai người khiêng hoặc một người vác vai. Giang Phong lập tức cho đưa đến Thái Học Viện để chúng thuật sĩ nghiên cứu. Kỹ thuật đúc súng thần công thì hiện tại bọn Giang Phong không bằng Hồ Nguyên Trừng, nhưng kỹ thuật điều chế hỏa dược thì tiên tiến hơn nhiều. Kết hợp cả hai lại, kết quả chắc chắn khả quan.



Hiện tại, vùng duyên hải đảo Puni cơ bản đã bình định xong. Định Hải quân đang tiến dần vào trong nội địa, chiêu an các bộ lạc. Do đảo quá rộng lớn, Giang Phong sử dụng phương thức ôn hòa hơn so với Lã Tống, đại quân chiêu an trước, nếu bộ lạc đồng ý quy thuận thì cho biên hộ tịch, rồi để tù trưởng tiếp tục quản lý như trước, Giang Phong chỉ phái người mỗi năm đến thu thuế mà thôi. Còn nếu chống cự, đương nhiên không cần nương tay làm gì, đại quân tràn vào, bộ lạc xóa sổ, tù trưởng và quý tộc đồng loạt trảm thủ, tài sản toàn bộ tịch biên, cư dân đưa đi làm khổ công.



Tù binh và khổ công từ đảo Puni được chuyển về Lã Tống khai thác mỏ quặng. Trong khi đó, dân bản địa của Lã Tống lại được chuyển một phần đến vùng duyên hải đảo Puni hình thành nên các khu định cư dọc theo vùng duyên hải. Giang Phong cho xáo trộn cư dân, dù tốn kém một chút, nhưng sẽ dễ quản lý hơn. Tại đó, các thành thị lớn nhỏ được dựng lên, lớn thì có vài vạn dân, nhỏ thì chỉ hơn nghìn người. Bên trong thành thị, ngoài khu dân cư còn có một số công xưởng, chuyên sản xuất các mặt hàng gia dụng, để cung cấp cho các bộ lạc trong vùng. Các thành thị này sẽ dùng hàng gia dụng sản xuất tại đó trao đổi với các bộ lạc lấy sản vật của họ, rồi mang bán lại cho các thương đội do Cát Ti quản lý. Những sinh ý này đủ để giúp các thành thị trở nên sung túc. Giang Phong cũng sử dụng những thành thị đó để khống chế cục diện đảo Puni.




Thái An Cung, Tĩnh Tâm Lâu.



Đó là một lâu các ba tầng phía sau Kính Thiên Điện, là nơi Giang Phong thư giãn cũng như khi cần suy nghĩ công việc. Lúc này, Giang Phong cùng Quảng Tế Pháp sư, Triệu Phong, Đinh An Bình và Cát Ti đang ngồi quanh một chiếc bàn lớn, trên bàn có một bức ‘Đông Dương Hải Đồ’. Đó là những thủ hạ thân tín nhất của Giang Phong lúc này. Bức hải đồ trên bàn không phải là bức hải đồ do Giang Phong vẽ trước kia, mà là dựa trên đó, bọn Cát Ti mất mấy năm khảo sát địa hình phương vật, rồi vẽ lại, chi tiết hơn và cũng có độ chính xác cao hơn. Nhờ dựa trên bức hải đồ do Giang Phong vẽ, nên bức hải đồ này trông gần giống với các bản đồ thời hiện đại (chỉ thiếu kinh tuyến, vĩ tuyến và độ chính xác không cao lắm); so với các bản đồ do các triều đình phong kiến vẽ, khác nhau một trời một vực. Giang Phong nhớ rằng bức Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ vẽ vào khoảng giữa thế kỷ 19, thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn, thật sự nhìn không ra làm sao cả.



Bọn Giang Phong đang bàn bạc phân chia đơn vị hành chính cho khu vực kiểm soát hiện tại. Địa bàn đã quá lớn rồi, không thể tiếp tục cai trị bằng các mệnh lệnh của An Phú Thành như trước nữa. Cần phân chia hành chính và có luật lệ cai trị rõ ràng.



Quảng Tế Pháp sư kiến nghị :



- Đại nhân. Chúng ta nên chia thành các trấn, phủ, huyện như ở Đại Việt.



Triệu Phong nói :



- Đại nhân. Nên chia thành tỉnh, phủ, huyện đi.



Quảng Tế Pháp sư thì chủ trương phân chia các đơn vị hành chính theo kiểu Đại Việt, còn Triệu Phong thì muốn phân chia theo kiểu nước Tàu, vì không ưa Hồ Quý Ly. Thật ra hai kiểu trên chỉ khác nhau ở cấp thứ nhất là trấn hay tỉnh mà thôi, chứ về cơ bản thì cũng giống nhau. Cát Ti và Đinh An Bình thì không có ý kiến. Giang Phong suy nghĩ một lúc, phán :



- Khôi phục cổ chế, thiết lập quận huyện.



Đành rằng tỉnh, phủ, huyện thì giống với các triều đại sau này, nhưng Giang Phong không muốn sử dụng, bởi nó giống với các đơn vị hành chính của nước Tàu lúc bấy giờ. Minh triều chia nước Tàu thành hai kinh, mười ba tỉnh; dưới nữa gồm 140 phủ, 193 châu, 1138 huyện (châu và phủ ngang cấp nhau, châu thiết lập ở vùng rừng núi, những nơi hẻo lánh). ‘Tỉnh, phủ, huyện’ là phân cấp hành chính đặc trưng của nước Tàu; đến thời hiện đại cải thành ‘tỉnh, thị, huyện’, về cơ bản cũng giống nhau.



Nghe Giang Phong quyết định thiết lập quận huyện, Triệu Phong hỏi :



- Đại nhân. Vậy trên quận có thiết lập châu không ?




Thời Hán, một số quận hợp lại thành châu, lập thứ sử. Nhưng châu lại không phải là đơn vị hành chính chính thức, thứ sử chỉ có trách nhiệm giám sát các thái thú (cai quản các quận), chứ không phải là cấp trên của thái thú. Thứ sử lãnh lương 600 thạch mỗi năm, trong khi lương của thái thú là 2.000 thạch, mà thời xưa, lương càng cao tức là chức càng lớn. Giang Phong lại không muốn lập châu, nên suy nghĩ giây lát, rồi nói :



- Trên lập tỉnh, dưới đến quận, rồi đến huyện. Dưới huyện là các thôn làng. Cấp tỉnh đặt Chính vụ, Trị an, Tư pháp Tam ty; quận đặt Tam sở; huyện đặt Tam ban.



Giang Phong phân luôn hành chính, quân sự và tư pháp từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Kiểu hành chính đã được quyết định, giờ đến lượt phân chia địa giới hành chính. Giang Phong dùng bút vạch trên bản đồ, chia đảo Lã Tống làm hai, nói :



- Phía bắc là Lã Tống tỉnh, phía nam là An Phú tỉnh.



Lã Tống tức là đảo Luzong, diện tích 104.688 kilômét vuông, bị Giang Phong chia đôi, mỗi tỉnh khoảng hơn 5 vạn. Phần An Phú có vẻ nhỏ hơn một chút, nhưng có An Phú Thành phồn vinh đông đúc. Các đảo nằm ngoài khơi tỉnh nào cũng sẽ do tỉnh đó quản lý, tính ra mỗi tỉnh cũng gần 6 vạn. Tiếp đó, Giang Phong lại khoanh các hòn đảo bên dưới An Phú, nói :



- Khu vực các đảo phía nam An Phú thiết lập Nam An tỉnh.



Khu vực này chính là các đảo Visayas, diện tích 61.077 kilômét vuông. Tiếp đó là nhóm các hòn đảo Mindanao nổi tiếng ở phía nam, diện tích 128.110 kilômét vuông (đảo chính gần 10 vạn), lại bị Giang Phong cắt làm đôi, mỗi phần hơn 6 vạn kilômét vuông, nói :



- Phía tây là Định An tỉnh, phía đông là Hòa An tỉnh.



Đảo Puni, tức Borneo hay Kalimantan, quá lớn, với một dãy núi có đỉnh cao hơn 4.000 mét ở trung tâm; tổng diện tích 743.330 kilômét vuông. Giang Phong suy nghĩ một hồi, rồi bắt đầu từ trung tâm, vẽ chín đường thẳng ra ngoài, phân chia đảo ra thành chín phần, mỗi phần đều có một vùng duyên hải. Bởi vì chỉ có vùng duyên hải mới có các khu định cư vừa được thành lập. Giang Phong phân chia làm sao để mỗi tỉnh đều có 1, 2 khu như thế. Còn chia làm chín bởi vì chín là số tốt.



- Đảo Puni chia thành chín tỉnh là : Puni, Hải An, Hải Châu, Hải Dương, Hải Đường, Hải Hưng, Hải Ninh, Hải Phú, Hải Thanh.



Tạm thời Giang Phong chỉ phân chia trên bản đồ như thế, còn phân chia trên thực tế là việc của bọn Quảng Tế Pháp sư. Giang Phong đương nhiên không thể nhớ chính xác diện tích các đảo, chia tỉnh chủ yếu căn cứ vào Đại Việt, phân chia sao cho mỗi tỉnh bằng khoảng một nửa Đại Việt lúc bấy giờ. Từ các tỉnh đã chia, bọn Quảng Tế Pháp sư sẽ tiến hành thiết lập quận huyện dựa vào các khu dân cư hiện tại. Chỉ có các khu dân cư do Giang Phong cho xây dựng mới có thể làm trị sở của các quận huyện, chứ chẳng lẽ đóng trị sở ở các bộ lạc mà lúc này vẫn còn lạc hậu. Đương nhiên, các khu định cư đó thường được xây dựng ở các cửa sông hay cảng biển, hoặc nếu nằm sâu trong nội địa thì sẽ kiến thiết bên cạnh các mỏ quặng, các nguồn tài nguyên quan trọng.




Giang Phong lại hỏi Cát Ti :



- Hiện tại việc khảo sát các đảo phía nam thế nào rồi ?



Hướng đạo đoàn chủ yếu là thương nhân, do đó Cát Ti cũng phụ trách chỉ huy việc khảo sát tình hình các nơi. Thương nhân rất dễ thiết lập quan hệ hữu hảo với các bộ lạc trong vùng, do đó tiện cho việc khảo sát. Việc này đã thực hiện mấy năm nay rồi. Nghe hỏi, Cát Ti cung kính nói :



- Hồi bẩm Đại nhân. Các đảo vùng Java, Sula, Sumatra, bán đảo Mã Lai đã cơ bản hoàn thành. Chỉ có khu vực Maluku và Timor vì quá xa và nhiều đảo nhỏ nên vẫn chưa xong.



Giang Phong lại nói :



- Trọng điểm sắp tới là vùng Chân Lạp và bán đảo Mã Lai.



Cát Ti vâng dạ nói :



- Đại nhân. Hai vùng trên không vấn đề gì.



Bà con xem thử bản đồ Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ để thấy trình độ vẽ bản đồ hồi xưa :



http://flickr.com/photos/doremon360/2458008277/in/photostream/