Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 21: Chiến tranh với tiểu quốc puni (1)










Tiểu quốc Puni, chỉ là một tiểu quốc nhỏ trong vương quốc Majapahit rộng mênh mông. Dù so với các tiểu quốc lân cận cũng là một thế lực đáng kể, nhưng thực tế vẫn cứ là một tiểu quốc nhỏ, lãnh thổ chỉ là một dãy đất hẹp ven bờ phía bắc đảo Kalimantan. Do bị cục hạn bởi khái niệm chiến tranh ở khu vực, tiểu vương Puni đã phái 4.000 quân đi trên 60 chiến thuyền đến tấn công chiếm lại vùng vịnh Mã Ni, tức vịnh An Phú lúc này. Với một lực lượng như thế, hoàn toàn đủ khả năng đánh bại các tiểu quốc khác trong khu vực. Có thể trong ấn tượng của tiểu vương Puni, xứ Mã Ni so với Puni vẫn là rất nhỏ, rất rất nhỏ chăng !



Đoàn chiến thuyền của tiểu quốc Puni, gồm có 3 chiếc ‘đại’ thuyền, dài khoảng 20 mét, rộng khoảng 6 mét, chở được 150 người; 45 chiếc ‘trung’ thuyền, dài khoảng 12 mét, rộng gần 4 mét, chở được 80 người; 12 chiếc ‘tiểu’ thuyền, dài khoảng 6 mét, rộng khoảng 2 mét, chở được 30 người. So với các đoàn thương thuyền vẫn thường xuyên đi lại trong vùng, cũng như thủy sư của các tiểu quốc lân cận, đó đã là một lực lượng rất hùng hậu. Thực tế, tiểu quốc Puni vẫn sử dụng lực lượng này để kiểm soát các thương thuyền và thu thuế.



Trên Soái thuyền, Matavamca tướng quân cùng chúng tùy tướng bàn việc viễn chinh. Trước mặt bọn họ là hải đồ vùng vịnh Mã Ni. Mọi người bàn bạc các phương án đổ bộ lên đó và đánh nhau với thủ quân; đồng thời dự đoán các tình huống có thể xảy ra. Đó vẫn là công việc mà một vị tướng có nhiều kinh nghiệm phải làm trước khi giao chiến.



Khác với chúng tùy tướng thần tình thoải mái vui vẻ, Matavamca tướng quân chẳng có vẻ gì là cao hứng, dù được tiểu vương tin cậy giao cho thống suất đại bộ phận binh lực của tiểu quốc. Matavamca ướng quân không cao hứng, không phải là vì lo lắng cho cuộc chiến. Chẳng qua là tướng quân đã biết trước rằng sau khi cuộc chiến kết thúc, ông ta sẽ lại quay về với cảnh ngồi chơi không như trước giờ. Matavamca tướng quân không có xuất thân quý tộc, nên tuy là đệ nhất danh tướng của tiểu quốc Puni, cũng vẫn không được tiểu vương trọng dụng. Một vị tướng quân mà không được cầm quân thì còn gì là tướng quân nữa.



Một viên tùy tướng thấy chủ tướng không vui, an ủi :



- Tướng quân cứ xem như đây là một cuộc du ngoạn đi.



Matavamca tướng quân cau mày nói :




- Cầm quân đánh giặc không phải chuyện đùa, không được khinh suất như thế.



Một gã tùy tướng khác nói :



- Tướng quân chỉ khéo lo. Chúng ta lực lượng hùng hậu thế này, có khi địch quân vừa thấy là bỏ chạy ngay thôi.



Matavamca tướng quân chỉ nhíu mày, không nói gì. Gã kia là thân tộc của tiểu vương, tuy danh nghĩa là tùy tướng, nhưng Matavamca tướng quân cũng không thể ra lệnh cho gã được. Gã được phái theo quân để làm gì, không cần nói cũng dễ đoán được. Trong quân, hơn một nửa số tùy tướng là người của gã, tự thành một thể hệ riêng. Tướng quân lo nhất không phải là thực lực của địch quân thế nào (theo quan niệm của bọn họ, trận chiến này cũng giống như những trận giao chiến trước đây với các tiểu quốc khác trong khu vực), mà chỉ lo khi xuất trận, mệnh lệnh ban ra không mấy người nghe theo, như thế thật nguy hiểm. Có điều, tướng quân cũng đành chịu, không có cách giải quyết nào cả.



Đột nhiên, cả bọn nghe có nhiều tiếng tù và rúc lên, hiệu lệnh này không phải là của quân đội tiểu quốc Puni, như vậy chỉ có thể là địch quân. Cả bọn chấn động. Bọn họ mới rời cảng hơn 3 ngày, hành trình chưa đi được một nửa mà đã đụng độ địch quân rồi. Xem ra địch quân tự động xuất chiến. Như vậy …



Cả bọn đang nhìn nhau, đột nhiên một gã binh sĩ từ bên ngoài hốt hoảng chạy vào, sắc mặt tái mét, hốt hoảng nói không ra hơi :



- Các vị tướng quân … địch quân … thuyền … rất lớn … vô cùng lớn …



Matavamca tướng quân cau mày hỏi :



- Lớn đến mức nào ?



Gã kia lắp bắp nói :



- Rất … rất lớn … hàng trăm lần …



Matavamca tướng quân thoáng biến sắc, rồi nhíu mày lộ vẻ không tin. Có chiến thuyền lớn đến thế hay sao ? Dù là hạm đội của quốc vương ở Majapahit cũng còn chưa lớn đến thế. Chúng tướng cũng nhao nhao bàn tán. Cả bọn đành kéo nhau ra ngoài khoang thuyền để xem. Phải xem tận mắt mới tin được.



Vừa bước ra ngoài khoang, nhìn về phía trước, cả bọn bất giác sững người. Chấn kinh. Vô hạn chấn kinh. Cái gì kia ? Những tòa lâu đài nổi trên biển. Nhìn hạm đội của đối phương, cả bọn, trên từ chủ tướng, dưới đến quân binh, đều biết rằng đã hết rồi. Tuy đối phương chỉ có 20 chiến thuyền, à không, không thể gọi là chiến thuyền, bởi chiến thuyền cũng không thể lớn đến mức đó, cả bọn cũng biết rằng trận này không cần phải giao chiến nữa. Kết quả quá rõ ràng rồi.



Matavamca tướng quân suy nghĩ thật nhanh, thở dài một tiếng, rồi trầm giọng quát :



- Tử chiến.



Một số gã tùy tướng cả kinh :




- Tướng quân …



Matavamca tướng quân phất tay nói :



- Tử chiến.



Thế nhưng, bọn họ còn chưa kịp tổ chức cho binh sĩ chiến đấu thì đối phương đã phát động tấn công. Mà hải chiến theo kiểu này, bọn họ cũng chỉ mới nhìn thấy lần đầu. Hơn nữa, vừa mới nhìn thấy, cả bọn đều lạnh người. Cả Matavamca tướng quân cũng không còn đốc thúc tướng sĩ tử chiến nữa.



Phía bên kia, Đô đốc Đinh An Bình nhìn đoàn chiến thuyền của đối phương, chỉ lắc đầu, nói với viên tùy tướng :



- Truyền lệnh tấn công. Kết thúc nhanh trận chiến.



Chúng tướng sĩ đều đã vào vị trí, vừa được lệnh lập tức chuẩn bị tấn công. Viên tiểu tướng trên vọng lâu ước lượng vị trí địch - ta xong, hô lớn :



- Khoảng cách 2 dặm 30 trượng.



Một viên tùy tướng liền hô :



- Bắn thử.



Truyền lệnh quân lập tức hô vang :



- Bắn thử …



Hiệu kỳ trên cột buồm cũng chuyển động. Các hiệu lệnh của hạm đội chủ yếu truyền đi bằng cờ hiệu, bởi thanh âm có thể nghe không rõ do sóng gió. Nhận được hiệu lệnh, xạ thủ lập tức điều chỉnh, rồi khai bác. Trên các chiến hạm của Nam Dương Hạm đội đều có trang bị thần công đại bác.



Oanh … oanh … oanh …



Hàng loạt đại bác cùng lúc bắn ra, thanh thế long trời lở đất. Tuy chỉ có một số ít bắn trúng mục tiêu, nhưng thanh thế đó cũng đủ uy hiếp tinh thần địch quân rồi. Sau khi bắn thử xong, hiệu lệnh lại truyền tiếp tục xạ kích, xạ thủ lại điều chỉnh đại bác, sau đó thêm hỏa dược, cho đạn pháo vào đại bác, rồi tiếp tục khai hỏa.



Oanh … oanh … oanh …



Lần này chúng xạ thủ bắn chính xác hơn lần bắn thử trước. Sau khi phát xạ, bọn họ cũng không dừng lại, tiếp tục nạp đạn pháo hỏa dược, rồi khai hỏa, bắn tiếp phát thứ ba.




Oanh … oanh … oanh …



Chỉ sau ba đợt pháo kích, đã có gần một nửa số chiến thuyền của đối phương bị bắn chìm hoặc gãy vỡ ra. Đại đa số là những thuyền ‘lớn’, vì mục tiêu lớn nên dễ bắn trúng hơn. Khi pháo kích, các xạ thủ hầu như đều lựa chọn mục tiêu là các thuyền ‘lớn’. Cả 3 chiếc ‘đại’ thuyền của quân đội tiểu quốc Puni đều chịu chung số phận. Quá nửa số binh sĩ của Puni đều đang phải bơi trên mặt biển. Tình hình nguy ngập, tính mệnh đáng lo.



Đô đốc Đinh An Bình đứng trên đài chỉ huy quan sát tình hình chiến sự, xung quanh là các tùy tướng. Tâm trạng mọi người rất thoải mái, nói cười vui vẻ. Đinh An Bình chợt nghe nhiều tiếng la hét kêu gào từ phía đối phương vọng qua, liền hỏi :



- Bọn chúng kêu gào gì thế ?



Một viên tùy tướng gọi viên hướng đạo kiêm thông dịch (nguyên là người giúp việc cho thương nhân từng đi buôn bán qua xứ Puni) đến hỏi, sau đó hồi báo :



- Trình Đô đốc. Bọn chúng kêu gọi xin được đầu hàng.



Đinh An Bình bảo :



- Truyền lệnh tạm ngừng oanh kích, tiếp nhận hàng binh.



Thế là chúng tùy tướng đã có việc làm, lập tức chia nhau dẫn quân đi tước khí giới và tiếp nhận hàng binh. Toàn bộ quân binh Puni chỉ có vài chục người xấu số bị đạn pháo bắn trúng, chết ngay tại chỗ, còn những người bị rơi xuống biển đều được cứu lên. Tổng số hàng binh đến cận 4.000. Ba chiếc ‘đại’ thuyền vì là mục tiêu quá nổi bật nên bị trọng điểm oanh kích, vỡ tan đầu tiên. Tất cả tướng lĩnh của Puni đều rơi xuống biển, sau khi được vớt lên, liền bị tách ra khỏi sĩ binh, giam giữ riêng.



Nhớ lại lần chiến đấu trước với liên minh các bộ lạc, cũng như cách thức của Định Hải Tướng quân Triệu Phong vẫn đối phó với hàng binh, Đinh An Bình bảo chúng tùy tướng :



- Dẫn theo hướng đạo đến phân loại các tướng lĩnh của địch quân, những kẻ nào thân cận với tiểu vương Puni thì tách ra riêng, xử lý hết.



Trước giờ Triệu Phong khi công chiếm một bộ lạc đều xử lý hết các quý tộc trong bộ lạc, chỉ để lại bình dân, như thế sau này mới dễ cai trị. Xưa nay, trong chiến tranh xử trảm địch tướng vẫn là chuyện bình thường.



Tiếp đó, Hạm đội kéo theo một chuỗi thuyền ‘bé tí xíu’ phía sau, quay trở về vịnh An Phú. Trận hải chiến chớp nhoáng đã kết thúc, bất ngờ nổ ra và cũng nhanh chóng kết thúc.