Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 118: Đức thượng phụ và ngài hồng y phó tế










Gia Định Thành.



Long nhi đứng trên đầu thuyền, nhìn về phía thành Gia Định ở phía xa. Lục Tinh cấp chiến hạm khi tiến vào Gia Định Giang, mọi thuyền bè khác đều phải nhường đường. Đã hơn một năm rồi Long nhi mới trở lại Gia Định. Ba năm trước, Long nhi lần đầu đến Gia Định cùng Hồng y Giám mục George I de Trento và quản gia Ferdinand Caracciolo (giờ đây là Bá tước Ferdinand de Artois) với thái độ lo lắng hoang mang. Giờ đây, thân phận của Long nhi đã khác đi, và thế lực của Long nhi ở Âu châu chỉ có đi uy hiếp nước khác chứ không sợ bị nước khác uy hiếp nữa.



Hiện tại, trên thuyền ngoài những người cũ năm xưa như Hồng y Giám mục George I de Trento và Bá tước Ferdinand de Artois, còn có thêm hai em trai của Long nhi là Réne de Anjou – 8 tuổi và Charles de Le Maine – 3 tuổi; Hồng y Phó tế Otto de Colonna của San Giorgio in Velabro, người đại diện cho Công đồng Constantine của Giáo hội Công giáo La Mã; Linh mục Jan Želivský, đại diện của Hội đồng quý tộc vương quốc Bohemia, và cũng là lĩnh tụ của những người ủng hộ Huss (Hussites); Thượng phụ giáo chủ Theophilus II của Jerusalem, tức là lĩnh tụ của Giáo hội Nguyên thủy, còn gọi là Giáo hội Cơ Đốc giáo Nam phương (để phân biệt với Giáo hội Công giáo La Mã ở phía tây và Giáo hội Chính Thống giáo Đông Phương ở phía đông). Vậy là chỉ còn thiếu đại diện của Tòa Thượng phụ Constantinople nữa là đủ mặt đại diện các hệ phái của Cơ Đốc giáo.



Tòa Thượng phụ của Jerusalem có thể tự xưng là Giáo hội Nguyên thủy, bởi vì nó có nguồn gốc từ tổ chức Giáo hội đầu tiên của Cơ Đốc giáo, với vị Giám mục đầu tiên là James the Just, người được xem là James Adelphotheos, nghĩa là James người anh em của Chúa (có những cách gọi như “the brother of God”, “Jesus’ cousin”, “the brother of our Lord”), người đã Tử vì đạo vào năm 62. Bách Khoa Toàn Thư Công Giáo (Catholic Encyclopedia, phát hành lần đầu tiên ở Mỹ năm 1907) viết : “Trong suốt nhiều thế kỷ đầu tiên của Cơ Đốc giáo, các nhà thờ nơi đây đã là trung tâm của Cơ Đốc giáo ở Jerusalem, ‘Thần thánh và vinh quang Sion, mẹ của tất cả các nhà thờ’ (Holy and glorious Sion, mother of all churches). Chắc chắn không có nơi nào trong Cơ Đốc giáo đáng kính hơn so với vị trí của Last Supper, nơi đã trở thành nhà thờ Cơ Đốc giáo đầu tiên”. Do vậy, Jerusalem mới trở thành thánh địa của toàn thể những người thờ phụng Cơ Đốc, dù theo hệ phái nào, và Tòa Thượng phụ của Jerusalem có thể tự hào về nguồn gốc của mình.




Cũng vì những nguyên nhân đó, tuy rằng quan hệ giữa Hồng y Phó tế Otto de Colonna và Linh mục Jan Želivský khá là căng thẳng, thì quan hệ giữa Thượng phụ giáo chủ Theophilus II với hai người họ vẫn tốt đẹp. Cũng giống như địa vị của nhà Anjou đối với các chi tộc thuộc các triều đại Angevin ở Âu châu vậy.



Từ sau cuộc Đại Ly giáo Đông - Tây, thế lực của Giáo hội Chính thống giáo Đông Phương (còn gọi là Đông Chính giáo) và Giáo hội Công giáo La Mã (còn gọi là Công giáo, nhưng bị các hệ phái Cơ Đốc giáo khác phản đối, khi có quan hệ với các hệ phái Cơ Đốc giáo khác, Tòa thánh Vatican phải dùng danh hiệu Giáo hội Công giáo La Mã) gần như tương đương nhau. Nhưng khi Đế quốc Byzantine ngày càng suy yếu, thì cán cân thế lực giữa song phương càng ngày càng nghiêng về phía Tây phương. Đến khi quân đội Thần Thánh Đế quốc tiến vào Jerusalem thuộc Vương triều Mamluk ở Ai Cập, thế lực Cơ Đốc giáo ở đây quật khởi, và Giáo hội Chính thống giáo Đông phương bị chia làm hai : phía bắc thuộc về Giáo hội Chính thống giáo Đông phương ở Constantinople và phía nam tách ra thành lập Giáo hội Nguyên thủy ở Jerusalem. Theo lẽ thì thế lực của hai hệ phái này càng yếu hơn nữa. Nhưng chỉ có Đông Chính giáo là yếu đi, còn Giáo hội Nguyên thủy dựa vào Thần Thánh Đế quốc mà phát triển mạnh mẽ, nhất là khi chế độ Cộng quản ở thành Jerusalem được thiết lập, rất nhiều tín đồ Cơ Đốc từ Âu châu đã kéo đến đất thánh hành hương và chạy loạn, lánh nạn chiến tranh ở quê nhà, đặc biệt là những người giàu có, mang theo cả gia tài đến đây lập nghiệp, càng khiến cho thế lực của Giáo hội Nguyên thủy tăng lên nhanh chóng. Đặc biệt là sự thành lập Vương triều Latium, đã trở thành bàn đạp cho thế lực của Giáo hội Nguyên thủy tiến vào Âu châu lục địa. Nên nhớ rằng toàn bộ quân đội cũng như đại bộ phận quan viên của Vương triều Latium đều được tuyển mộ từ các tín đồ Cơ Đốc ở Jerusalem và Syria.



Lúc này đây, cũng ở đầu thuyền, cách chỗ Long nhi không xa, Hồng y Phó tế Otto de Colonna và Thượng phụ giáo chủ Theophilus II đang đứng nói chuyện, không khí xem có vẻ rất hòa hảo. Thượng phụ giáo chủ Theophilus II thực tế là lĩnh tụ của Giáo hội Cơ Đốc giáo Nam phương, lại có chỗ dựa là Thần Thánh Đế quốc, nên có thế lực vững chắc, địa vị đặc thù. Còn Hồng y Phó tế Otto de Colonna mặc dù tương lai có thể trở thành lĩnh tụ của Giáo hội Công giáo La Mã, một trong ba hệ phái lớn của Cơ Đốc giáo, nhưng lúc này vẫn chưa trở thành Đức Thánh Cha, vẫn còn là Hồng y Phó tế. Hơn nữa, chỗ dựa của Giáo hội Công giáo La Mã là các quân vương Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức, mà đứng đầu là Hoàng đế Sigismund de Luxembourg, thì lúc này Hoàng đế Sigismund de Luxembourg đã thất thế, và Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức danh tồn thật vong, dần dần bị thay thế bằng Đế quốc Đức tứ phân ngũ liệt. Đó là nguyên nhân chuyến đi đến Gia Định của Hồng y Phó tế Otto de Colonna. Do vậy mà khi đối diện Thượng phụ giáo chủ Theophilus II, Hồng y Phó tế của chúng ta cảm thấy ít nhiều tự ti. Cũng vì thế, câu chuyện giữa hai người họ ít nhắc đến chuyện giáo hội, mà chỉ đàm luận thời cuộc, cũng như Đức Thượng phụ giới thiệu với Ngài Hồng y Phó tế về Thần Thánh Đế quốc. Kể từ khi thuyền rời Sinai, Ngài Hồng y Phó tế đã có khái niệm rõ ràng hơn về sự rộng lớn và hùng mạnh của Thần Thánh Đế quốc.



Cả hai nói chuyện một hồi thì Long nhi đi đến chỗ bọn họ. Hai người họ vội chào hỏi :



- Điện hạ.



- Bệ hạ.



Thượng phụ giáo chủ Theophilus II gọi Long nhi là Điện hạ bởi Long nhi là Hoàng tử của Thần Thánh Đế quốc. Còn Hồng y Phó tế Otto de Colonna gọi Long nhi là Bệ hạ do chức vụ Quốc vương Latium. Đế chuẩn bị cho chuyến đi này, Hồng y Phó tế đã học tập ngôn ngữ của Thần Thánh Đế quốc, tuy chưa thể nói viết thông thạo, nhưng cũng có thể giao tiếp thông thường được. Ở Âu châu lúc này tràn ngập thương nhân của Thần Thánh Đế quốc hoặc có quan hệ với Thần Thánh Đế quốc (đa phần là người Âu châu và người Do Thái ở Jerusalem), nên việc học tập ngôn ngữ của Thần Thánh Đế quốc cũng không khó khăn gì. Long nhi mỉm cười hỏi :



- Sắp đến Gia Định rồi. Nhị vị không gặp vấn đề gì chứ ?



Thượng phụ giáo chủ Theophilus II nói :



- Điện hạ. Thuyền rất vững vàng, chúng ta không bị gì cả.



Hồng y Phó tế Otto de Colonna cũng nói :




- Đúng thế. Thuyền quá lớn, đi trên biển mà vẫn yên ổn như trên đất liền vậy.



Long nhi mỉm cười nói :



- Lát nữa đến Gia Định, nhị vị cứ đến ở tại Cung điện của ta.



Thượng phụ giáo chủ Theophilus II biết Cung điện của Long nhi nằm bên trong Trường Thanh Cung, nên cả mừng nói :



- Đa tạ Điện hạ.



Hồng y Phó tế Otto de Colonna tuy chưa hiểu rõ ý nghĩa của việc đó, nhưng thấy Đức Thượng phụ nói vậy thì cũng nói theo :



- Đa tạ Bệ hạ.



Ba người hàn huyên một lúc nữa thì chiến hạm tiến vào khu vực Quân cảng. Ở Gia Định Thành có hai bến cảng : Thương cảng và Quân cảng. Để bảo đảm an ninh cho bọn Long nhi cũng như các sứ đoàn, chiến hạm của bọn họ sẽ ghé vào Quân cảng. Thương cảng long xà hỗn tạp, không chỉ khó tiến hành việc bảo vệ mà còn gây cản trở cho việc buôn bán của dân chúng. Chỉ có điều, lúc này chiến hạm đã đến trước Quân cảng, nhưng lại không thể cập cảng được. Trong bến cảng đang có hàng trăm hạm thuyền neo đậu, trong đó có cả Thất Tinh cấp chiến hạm và Lục Tinh cấp chiến hạm, chiếm hết diện tích của cầu cảng. Long nhi ngạc nhiên nói :



- Hôm nay làm gì mà Quân cảng có nhiều hạm thuyền thế nhỉ ?



Hồng y Phó tế Otto de Colonna hỏi :




- Bình thường nơi đây không có nhiều hạm thuyền ư ?



Thượng phụ giáo chủ Theophilus II giải thích :



- Bình thường các hạm thuyền của Hải quân đều neo đậu ở căn cứ Hải quân Long Sơn. Còn dân thuyền thì neo đậu ở Thương cảng.



Giữa lúc đó thì Đinh An Bình đi đến. Long nhỉ hỏi :



- Vương gia có biết ở Quân cảng đang có chuyện gì không ?



Đinh An Bình gần đây uy danh hiển hách, chấn động Âu châu các xứ. Đức Thượng phụ và Ngài Hồng y Phó tế vội chắp tay chào hỏi. Đinh An Bình gật đầu đáp lễ, rồi nói :



- Hạm thuyền chở cống vật từ các tỉnh. Chúng ta phải chờ thêm một lúc nữa. Quan viên của Quân cảng đang thu xếp để hạm của chúng ta có chỗ neo đậu.



Long nhi gật đầu nói :



- Không sao. Chờ một lúc cũng không hề gì !