Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 104: Chiến dịch salzburg (1)










Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.519 (Đinh Dậu, 1417). Mùa hạ, tháng 4.



Sau khi đã chiếm lĩnh và bình định hoàn toàn Tyrol, liên quân Thần Thánh Đế quốc – Latium – Trento tiếp tục đông chinh, hướng về Salzburg, nơi liên quân Áo – Bavaria – Bohemia đang tập họp. Đinh An Bình quyết định đánh nhanh thắng nhanh, không thể để kéo dài, nếu không viện quân từ các công quốc thuộc Đế quốc La – Đức kéo đến thì muốn tiêu diệt hoàn toàn địch quân sẽ phiền phức hơn rất nhiều. Salzburg nằm ngay giao giới giữa Áo, Bavaria và Tyrol, có một vị trí chiến lược quan trọng. Đinh An Bình quyết định chiếm nơi đó, làm bàn đạp uy hiếp cả Áo và Bavaria, thậm chí cả Bohemia ở phía bắc.



Salzburg là một Tổng giáo phận của Giáo hội Công giáo La Mã, là lĩnh địa của Vương tử - Giám mục Tổng giáo phận (Prince – Archbishopric). Thời Charlemagne Đại đế, Giám mục Tổng giáo phận Salzburg là Arno de Salzburg rất được Đại đế tôn trọng, giao cho quyền cai trị và truyền giáo ở Salzburg, tức là cai quản cả việc đạo lẫn việc đời ở đấy, trở thành một lĩnh chủ phong kiến. Sau này, trong các cuộc tranh chấp giữa Giáo hội Công giáo La Mã với Thánh Hoàng đế của Đế quốc La Mã Thần Thánh xem Đức Thánh Cha (Papal) và Thánh Hoàng đế (Saint Emperor) ai có địa vị cao hơn, khi ưu thế nghiêng về phía Thánh Hoàng đế, thì các Giám mục Tổng giáo phận Salzburg đã bị trục xuất, giam cầm hoặc lưu đày. Thậm chí thành phố còn bị Bá tước xứ Plain trung thành với Thánh Hoàng đế phá hủy vào năm 1167, và Salzburg đã bị sát nhập vào công quốc Bavaria vốn do con em hoàng tộc cai trị. Sau các cuộc hòa giải giữa song phương, Giám mục Tổng giáo phận Salzburg là Eberhard de Regensberg đã có thể trở lại truyền giáo vào năm 1200, nhưng quyền lực không còn được như trước nữa.



Người Việt có sự hiểu lầm trong các chức vụ của Giáo hội Công giáo La Mã. Người Việt thường cho rằng chức vụ cao nhất là Giáo hoàng, rồi đến Hồng y giáo chủ, các Tổng giám mục và Giám mục, dưới nữa mới đến Linh mục, Phó tế. Thật ra thì đó là cách dịch các chữ Pope (hay Papal, dịch là ‘Đức Cha’, ‘Đức Thánh Cha’ thì chính xác hơn, bởi gốc của nó là chữ ‘papa’ trong tiếng Latinh, có nghĩa là ‘cha’), Cardinal (có thể được dịch thành ‘yếu tố thuộc bản chất, nền tảng, hay trụ cột’, gốc từ chữ ‘cardo’ trong tiếng Latinh, có nghĩa là ‘bản lề’, ‘khớp nối’ hay ‘điểm mấu chốt’, người Việt dịch là ‘Hồng y’ dựa theo màu sắc y phục), Archbishop (Giám mục Tổng giáo phận), Bishop (Giám mục Giáo phận), Priest (Linh mục), và Deacon (Phó tế). Thật ra thì Giáo Hội Công giáo La Mã chỉ có 3 hàng giáo phẩm là Giám mục, Linh mục và Phó tế.



1. Giám mục : là những mục tử kế vị các thánh Tông đồ, các vị này có đầy đủ quyền năng và uy phong như nhau, kể cả Đức Thánh Cha. Nhưng vì Đức Thánh Cha là vị Tông đồ trưởng - là vị thủ lĩnh các Tông đồ (thủ lĩnh mục tử đoàn chiên chúa) nên có địa vị và quyền hạn cao hơn. Các vị Giám mục đứng đầu Linh mục đoàn, cai quản các giáo phận. Các giáo phận này có những giáo phận lớn quản lý các giáo phận nhỏ hơn ở xung quanh, được gọi là Tổng giáo phận. Các Giám mục Tổng giáo phận có địa vị cao hơn các Giám mục Giáo phận. Và trong Giáo hội Công giáo La Mã có 8 Tổng giáo phận quan trọng nhất (Roma và 7 Tổng giáo phận xung quanh), nên các vị Giám mục cai quản các Tổng giáo phận đó sẽ có địa vị cao nhất. Đứng đầu là Giám mục Tổng giáo phận Roma (tức Pope, Đức Thánh Cha); kế đó là Giám mục Tổng giáo phận Ostia (Hồng y niên trưởng, đứng đầu Hồng y đoàn); sau đó là các Giám mục Tổng giáo phận Palestrina, Albano, Frascati, Porto Santa Rufina, Sabina Poggio Mirteto và Velletri Segni. Các vị Giám mục Tổng giáo phận này (trừ Đức Thánh Cha) được gọi là Hồng y Giám mục. Các Giám mục Tổng giáo phận khác được mặc Hồng y thì được gọi là Hồng y Linh mục, còn các Hồng y cai quản các cơ quan ở Tòa thánh Vatican thì được gọi là Hồng y Phó tế.




2. Linh mục : là những người phụ tá theo đúng nghĩa của các Giám mục. Các vị linh mục phải tuân thủ hoàn toàn theo luật độc thân, tiết dục và khó nghèo. Linh mục công giáo luôn luôn là nam, và chưa hề có tiền lệ là phụ nữ. Các linh mục được làm Thánh lễ cũng như các bí tích khác khi có sự chuẩn y của Giám mục. Linh mục cai quản một ‘giáo xứ’. Khi hội đủ những điều kiện cần và đủ, mọi linh mục đều có thể được phong Giám mục.



3. Phó tế : là những người phụ tá cho Linh mục.



Sở dĩ chức vụ lớn nhất trong Giáo hội chỉ là Giám mục, là vì sau khi Đức Jesu qua đời, các môn đệ của Ngài, tức 12 vị Thánh Tông đồ, đã đi các nơi truyền giáo. Saint Peter (người Việt gọi là Thánh Phêrô) đã đứng đầu Công đồng Jerusalem, rồi đến làm Giám mục Antioh, sau lại đến Roma thành lập giáo đoàn tiên khởi, nguồn gốc của Giáo hội Công giáo La Mã ngày nay. Do Thánh Peter chỉ là Giám mục, các Đức Thánh Cha kế vị Thánh Peter không thể có chức vụ cao hơn Ngài. Vì vậy, chức vụ đầy đủ của Đức Thánh Cha là ‘Giám mục Tổng giáo phận Roma, thủ lĩnh mục tử đoàn chiên chúa’, là chức vụ do Thánh Peter truyền lại.



Lại nói về xứ Salzburg, Đức Giám mục Tổng giáo phận không còn nhiều quyền lực, phải chịu phụ thuộc vào Công tước xứ Bavaria, tình thế rất không hay. So ra thì George I de Trento may mắn hơn nhiều. Cả hai đều là Vương tử - Giám mục, nhưng vì lĩnh địa Trento chưa bị Công tước Áo xâm chiếm, nên George I de Trento có nhiều quyền tự chủ hơn. Nhưng dù sao thì Đức Giám mục Tổng giáo phận Salzburg cũng vẫn là người có nhiều uy tín nhất ở đấy. Do vậy, khi đại quân tiến vào Salzburg, George I de Trento đến gặp Đinh An Bình đề nghị :



- Đại vương. Ta với Eberhard III de haus, Giám mục xứ Salzburg, có ít nhiều quen biết. Ta có thể vận động Eberhard III de haus kêu gọi dân chúng Salzburg ủng hộ chúng ta, chống lại liên quân Áo – Bavaria – Bohemia.



Đinh An Bình nhớ đến mật chỉ của Thánh hoàng, mỉm cười hỏi :



- Ông ấy có yêu cầu gì không ?



Thấy Đinh An Bình đã biết mình có liên hệ với Eberhard III de haus, George I de Trento ngượng ngùng nói :



- Hồi bẩm Đại vương. Ông ấy chỉ hy vọng Đại vương cho phép ông ấy được ở lại Salzburg tiếp tục chăm lo cho giáo dân.



Đinh An Bình khẽ cười. Xem ra cả Ngài Giám mục cũng không nhìn thấy liên quân Áo – Bavaria – Bohemia có hy vọng chiến thắng. Cũng phải thôi. Cả ba công quốc khẩn cấp họp quân cũng chỉ huy động được hơn 5 vạn người, trong đó có đến quá nửa là nông dân mới bỏ cuốc cày cầm vũ khí.



Suy nghĩ giây lát, Đinh An Bình gật đầu nói :



- Được rồi. Bản vương chấp thuận. Nếu ông ấy lập được đại công, bản vương còn có thể cho kiêm quản cả quân chính đại quyền của Salzburg.



George I de Trento cả mừng nói :




- Đại vương yên tâm. Ta sẽ đích thân đi lo việc này, bảo đảm hoàn mỹ hoàn thành nhiệm vụ.



Đinh An Bình mỉm cười :



- Bản vương chờ tin mừng của ngươi.



Đại quân tiếp tục tiền tiến. George I de Trento rời khỏi đại quân, đi lo liên lạc với Eberhard III de haus, Giám mục Tổng giáo phận Salzburg.







Bên bờ sông Salzach, xứ Salzburg.



Dưới ánh thái dương chói chang, không khí bắt đầu nóng dần lên. Sĩ binh đi dưới ánh dương quang chỉ lưu lại những bóng dài và phát ra những hơi thở dồn dập. Những đoàn quân đang khẩn trương tiến về Salzburg. Hàng đoàn người đi trong mệt mỏi, tay vẫn chưa quen cầm vũ khí, dáng vẻ thiểu não, mồ hôi nhễ nhại, trông cứ như một đám bại binh. Đây đó lại nghe thấy nhiều tiếng quát tháo :



- Hừ. Đám dân đen kia, đi nhanh lên. Đi nhanh nữa lên.



- Sao lại dừng lại ? Muốn chết phải không ? Tiếp tục đi.



- Tên kia. Sao kéo lê vũ khí dưới đất. Cầm thẳng lên. Nhanh.







Xen lẫn vào đó là những tiếng roi đánh vào da thịt chan chát. Đoàn quân tuy đông đến 2 vạn người, nhưng xem chừng không có chút sĩ khí nào hết. Đó chính là đạo quân của Công tước xứ Bavaria tiếp viện cho Công tước Áo. Quân tinh nhuệ của Bavaria đã tiêu hao phần lớn trong chiến dịch Pavia cùng với quân đội của Hoàng đế Sigismund de Luxembourg, giờ chỉ còn lại một ít phải phụ trách bảo vệ lĩnh địa. Do đó, Công tước xứ Bavaria đã trưng tập nông dân, phát cho vũ khí rồi đẩy ra chiến trường.




‘Đại quân’ Bavaria đang khẩn cấp hành quân. Các tướng lĩnh Bavaria đang tụ tập lại than vãn càu nhàu vì phải hành quân giữa trời nắng chói chang thế này. Chủ soái thì đang vừa bực bội vì hiện tình quân đội, vừa lo lắng cho cuộc chiến sắp tới. Tóm lại, quân tướng Bavaria đều có tâm trạng không được tốt.



Quân đội cứ thế tiền tiến. Bá tước Friedrich Martin de Augsburg, thống soái quân Bavaria, ngồi trên chiến mã, đang nhíu mày nghĩ ngợi, thì chợt có viên cận tướng, Nam tước Jürgen Kotzur de Reibisch, chạy đến trước mặt, bẩm báo :



- Bá tước đại nhân. Phía trước phát hiện đại đội địch quân đang cướp phá các thôn trấn, quân số ước khoảng 2.000 người, thỉnh Bá tước đại nhân định đoạt.



Bá tước Friedrich Martin de Augsburg nhíu mày hỏi :



- Có nhìn thấy cờ hiệu của địch quân hay không ?



Nam tước Jürgen Kotzur de Reibisch bẩm báo :



- Hồi bẩm Bá tước đại nhân. Địch quân mang cờ hiệu của Trento.



Bá tước Friedrich Martin de Augsburg cả mừng nói :



- Tốt. Truyền lệnh quân đội thẳng tiến, tấn công địch quân, bảo vệ dân chúng.



‘Đại quân’ được lệnh khẩn cấp hành quân, quyết không được để lỡ chiến cơ.