Đông Cung

Chương 34




Bỗng trong đầu hình dung thấy “Cửa vẩy mực”, nhớ cái cảnh Lí Thừa Ngân từng lấy bột yến, than kẻ mày vẽ bức non sông tráng lệ, tôi nhớ phường Minh Ngọc, nhớ lại điệu múa tối nọ, nhớ cảnh chết chóc tàn khốc tối đó… Tôi nhớ chàng bẻ đôi tên nhọn, cao giọng thề… Tôi nghĩ về cuộc chiến đẫm máu mà đầy chân thực trong mơ, tôi thấy mình ngồi hát trên cồn cát, tôi nghĩ đến Cố Tiểu Ngũ từng gom cho tôi 100 con đom đóm, cơn gió buốt xương trên bờ sông Quên hẵng còn đây… Và sắc mặt chàng đau đớn ngay lúc tôi vung dao cắt lìa dải dây lưng…

Tôi gác bút, rồi vội vã chui tuột vào chăn, tôi sợ mọi thứ hiện về tìm tôi trong trí nhớ.

Vĩnh Nương tưởng tôi vẫn thấy khó chịu trong người, liền xoa nhẹ lưng tôi như vỗ về ru ngủ một đứa nhỏ.

A Độ đã ra ngoài, tiếng đưa chân se sẽ mà tôi vẫn để ý thấy.

Bỗng dưng thấy khó chịu lắm, thậm chí tôi không dám dặm hỏi A Độ, hỏi về Đột Quyết, hỏi về những chuyện trước đây, những chuyện đã nhớ ra trong mơ kia liệu chăng là thật? A Độ hẳn sẽ buồn hơn tôi, hiển nhiên vì nàng ấy là người Đột Quyết, ấy thế mà lại theo tôi đến Trung Nguyên, cùng tôi chung sống với kẻ thù bấy lâu nay… Tôi trở thành 1 kẻ hèn nhát xưa nay chưa từng có, tôi chẳng hay biết một cái gì.

Tôi chập chờn ngủ một giấc kéo dài đến tầm tối thì Vĩnh Nương lay tôi dậy, bón cho tôi bát thuốc đắng kinh người.

Rồi Vĩnh Nương hỏi tôi có thèm món gì chăng.

Tôi lắc đầu, tôi chẳng buồn ăn.

Còn thiết ăn gì bây giờ nữa?

Vĩnh Nương vẫn sai người làm món bánh canh, bà ấy nói: “Bánh canh mềm lại có nước, người ốm ăn cái món này vào là hợp lắm đây.”

Tôi không muốn ăn bánh canh, gắp một đũa rồi buông ngay.

Bánh canh gợi lên hình ảnh của Lí Thừa Ngân.

Mà thực chất mọi thứ ở Đông Cung này đều gợi nhắc cho tôi nhớ Lí Thừa Ngân.

Tôi chỉ mong sao mình đừng nghĩ ngợi về chàng nữa. Chẳng kể những chuyện trước kia thật giả thế nào, tôi hoàn toàn không muốn gặp lại chàng.

Thế mà muốn tránh cũng không được, lúc Lí Thừa Ngân đến thăm, Vĩnh Nương vừa mới bưng bát bánh canh xuống, chàng hồ hởi bước vào, nét mặt rạng cười như thể là trước kia, riêng mình tôi biết, tất cả đã khác xưa rồi. Giữa chúng tôi đã tồn tại một quá khứ đớn đau, dòng sông Quên thần kì cho tôi quên đi tất cả, mà cũng lấy đi trí nhớ của chàng, chúng tôi ngây ngô dại dột, chẳng hiểu sự nào run rủi cho chúng tôi lấy nhau thế này. Và tôi ngây ngô dại dột thế nào mà đã ở bên chàng suốt 3 năm…

Lúc tôi còn nghĩ ngợi thì Lí Thừa Ngân đã rảo bước đến bên giường, tay dợm xoa trán tôi.

Tôi nghiêng mặt tránh né.

Tay chàng chưng hửng giữa chừng, song cũng chẳng lấy làm giận, mà bảo: “Cuối cùng nàng cũng tỉnh rồi, thật làm ta lo quá.”

Tôi đưa mắt nhìn chàng, nét dửng dưng như những người xa lạ với nhau. Cuối cùng chàng nhận ra điều khác thường, hỏi tôi: “Nàng sao rồi?”

Chàng nom tôi không để ý đến chàng, liền nói: “Hôm nàng bị thích khách bắt cóc, lại trùng với tết Nguyên Tiêu, nên chín cổng thành đều phải mở…”

Tôi chỉ cảm thấy có cơn bực mình không nói nổi. Bữa đó dáng chàng đứng trên cổng lầu ra sao tôi cũng quên từ lâu rồi, thế mà bóng hình chàng ngày đứng bên vực sông Quên, chỉ sợ nó sẽ khắc sâu trong tim tôi đến trọn đời. Giờ đây nói những chuyện ấy ích gì? Chàng còn định dỗ ngon dỗ ngọt lừa tôi nữa sao? Chàng đã rũ sạch những chuyện trước kia rồi, thế nhưng tôi lại nhớ ra, tôi đã nhớ lại cả rồi đây!

Chàng bảo: “… mấy ngày lục soát khắp nơi trong thành mà không tìm ra nàng, ta cứ tưởng…” nói đến đó, giọng chàng trầm thấp dần, đoạn bảo, “Ta cứ tưởng sẽ không còn gặp lại nàng nữa…”

Chàng giơ tay định kiếm tìm bờ vai tôi, tôi nhớ đôi mắt sũng lệ chập chờn của cha, tôi nhớ mẹ tôi ngã trên vũng máu, tôi nhớ tiếng gào thét cuối cùng của ông, tôi nhớ đôi bàn tay dính máu của Hách Thất đã đẩy tôi lên lưng ngựa… Thế rồi thoắt cái tôi đã rút cây trâm búi tóc, nhắm đâm ngực chàng thật mạnh.

Tôi dồn tất cả sức lực vào nhát đâm ấy, trước đó, chàng hoàn toàn chẳng đoán biết tôi sẽ đâm bất thình lình, chàng ngây ra, tận lúc sau cùng mới giơ tay chặn trước ngực theo bản năng. Đầu trâm nhọn hoắt chọc xuyên lòng bàn tay, máu ri rỉ ứa, chàng sững sờ nhìn tôi, ánh mắt ấy phức tạp tôi không cắt nghĩa được, tựa như chàng không tin tôi lại có hành động này.

Thực ra, chính tôi cũng không tin, tôi ấn ngực mình, cảm giác cơ thể đang run rẩy.

Thời gian trôi bao lâu, chàng mới nắm chặt đầu trâm, rút thật mạnh. Chóng vánh, mà không hề rên lấy một tiếng, chỉ có đôi chân mày khẽ chụm đầu lại, như thể đây vốn chẳng phải cơ thể của mình. Máu ứa ra tức thì, tôi nhìn máu đầm đìa chảy dọc theo cổ tay dính vào ống tay áo, dòng máu đỏ thắm uốn khúc như một thân rắn con nanh ác trườn mình trên vải vóc. Chàng cầm chiếc trâm còn vương máu, đoạn nhìn tôi, lòng tôi gợn cơn hốt hoảng như thể hụt hơi.

Chàng quẳng cây trâm xuống đất đánh “keng” một tiếng, chuỗi thạch anh rủ mình văng bốn hướng, lanh canh đập nẩy trên sàn. Tiếng chàng hỏi se sẽ, như sợ làm kinh động thứ gì: “Sao lại thế?”

Chàng bảo tôi phải nói thế nào, kể ra những chuyện kinh khủng đã qua ư? Tôi và chàng, giữa đôi ta là ân oán, là đôi bờ cách trở bởi biển máu hận thù. Thì ra lãng quên không hẳn là bất hạnh, có khi may mắn đích thực lại là nó. Ước gì tôi có thể quên như chàng thì tốt biết mấy.

Tôi ngoảnh mặt né, chàng lại cất lời: “Ta hiểu rồi.”

Tôi chẳng rõ chàng hiểu gì, nhưng thoáng nghe trong giọng chàng có nét lạnh lùng: “Bởi nàng bệnh đến nông nỗi này nên ta vốn cũng chẳng muốn hỏi tới. Nhưng một khi đã vậy, ta buộc phải hỏi câu này, sao nàng thoát được tay thích khách? Lúc A Độ ẵm nàng về, có hỏi thế nào ả cũng không chịu tiết lộ hành tung của thích khách, càng không chịu khai ra đã cứu nàng ở đâu. Ta không tiện dùng hình truy cứu dân Tây Lương các nàng. Nhưng thế nào thì nàng cũng phải nói cho ta hay, rốt cuộc kẻ nào đã giật dây sau lưng thích khách…”

Tôi nhìn gã đàn ông này, người đã ôm tôi nhảy xuống sông Quên, chàng đã quên thật rồi, thế nhưng tôi vĩnh viễn không thể quên được, tôi không quên được chính chàng đã giết ông ngoại, tôi không quên được chính chàng khiến tôi chịu cảnh nước mất nhà tan, tôi không quên mình giờ đây chẳng còn Tây Lương để về. Tôi nhếch miệng song chẳng hề lên tiếng, gần như chỉ ném ra cái nhìn mỉa mai. Chàng lại hỏi tôi thích khách là ai cơ đấy? Lẽ nào thích khách là ai chàng không biết ư? Hay từ lúc nhảy xuống sông Quên xong, chàng cũng không nhớ nổi Cố Kiếm là ai nữa rồi?

Tôi nhìn chàng, ánh mắt chúng tôi chạm nhau, bẵng đi bao lâu, rất lâu, chàng bỗng ném ngay trước mặt tôi 1 đôi ngọc bội. Tôi giương mắt nhìn đôi ngọc có màu mỡ cừu, tôi biết chúng, tôi từng cầm chúng ngồi chẵn tròn 3 ngày 3 đêm trên đồi cát. Lúc ấy chàng còn xưng mình là Cố Tiểu Ngũ; lúc ấy tôi rạo rực ngồi đợi miết người tôi nghĩ sắp là chồng mình; lúc ấy lòng bàn tay chàng cầm đôi ngọc bội, mỉm cười ghẹo tôi; lúc ấy sắc đêm trong trẻo phủ trùm hoang mạc Tây Lương, và chúng tôi cùng nhau giục ngựa trở về Vương thành.

Dạo đó, mặt mũi đôi ta nào có thù nghịch như bây giờ. Lúc ấy tôi vẫn là cửu công chúa vô tư lự của Tây Lương, mà chàng, chàng là Cố Tiểu Ngũ buôn chè đến từ Trung Nguyên.

Tay Lí Thừa Ngân còn đương ứa máu, chàng siết chặt cánh tay tôi, chặt đến nỗi xương cốt nhói đau nhức nhối. Ép tôi phải ngước lên, nhìn xoáy vào mắt tôi, hỏi: “Tại sao?”

Chàng lập đi lập lại, tại sao?

Tôi cũng muốn biết, tại sao, tại sao số kiếp lại bỡn cợt, hết lần này đến lần khác dồn chúng tôi vào mối quan hệ đoạn tuyệt này. Tôi nhìn trong mắt chàng có sự khổ sở khó nói nên lời mà thoáng vương tia khát khao cuối cùng, dường như còn mong mỏi tôi sẽ nói ra câu gì.

Tôi hé môi, song vẫn nín lặng.

Máu bàn tay chàng thấm trên mặt tôi âm ấm, chứ không hề nóng hôi hổi, chàng bảo: “Cớ sao nàng bình yên vô sự trốn khỏi tay thích khách, sao A Độ lại không chịu nói cho ta biết hành tung gã thích khách kia, sao trong tay nàng lại có đôi ngọc bội uyên ương này…uyên ương uyên ương cơ à… ta chia cắt đôi uyên ương các người rồi phải không?”

Chàng siết mạnh vai khiến tôi đau nhói, bỗng đâu thấy nguội lạnh trong lòng, lúc ở sông Quên, rốt cuộc chàng nghĩ gì mà lại nhảy xuống với tôi? Phải chăng chỉ để nói với tôi 1 câu đó? Nhưng dạo ấy tôi có biết tiếng Trung Nguyên đâu. Tôi quên mất câu ấy là gì từ lâu rồi. Tôi chỉ nhớ tiếng hét cuối cùng của Bùi Chiếu, chắc hắn phải kinh hãi lắm. Chung quy Lí Thừa Ngân không phải là Cố Tiểu Ngũ, có lẽ, Cố Tiểu Ngũ của tôi đã bỏ mạng trong cuộc chiến ngày đó từ lâu rồi. Cuối cùng, tôi ngước mắt trông lên đôi con ngươi đen láy đổ ngược bóng hình mình. Rút cuộc chàng là ai? Là Cố Tiểu Ngũ từng bắt 100 con đom đóm cho tôi ư? Hay là người chồng đã lên đường ra trận vào đúng ngày cưới của chúng tôi? Có lẽ, lúc ở sông Quên, vẻ hối hận trên khuôn mặt chàng khi thấy tôi cắt lìa dải thắt lưng, liệu chăng chẳng có thật?

Hết lần này đến lần khác tôi bị gã đàn ông này lừa, cho đến tận lúc này đây, có trời mới biết rốt cuộc chàng có lừa tôi không? Chàng bẻ tên thề với thích khách, nói những lời hùng hồn đầy lý lẽ đấy, thế mà thoắt một cái, chàng đã đứng trên Thừa Thiên Môn với Triệu Lương Đệ…Cố Tiểu Ngũ của tôi thực sự đã chết từ lâu rồi, chớm nghĩ thôi mà tôi đã thấy lòng quặn thắt. Tiếng tôi vụn vỡ, đáng sợ như thể đây thật sự không phải tiếng mình. Tôi nói: “Chính chàng chia lìa đôi ta, chính chàng chia lìa ta—và Cố Tiểu Ngũ.”

Chàng thảng thốt trong bao lâu, rồi lại phá ra tiếng cười khinh miệt: “Cố Tiểu Ngũ à?”

Tôi nhìn chàng, máu từ tay chảy ròng xuống áo bào. Lúc đứng bên vực sông Quên, tôi thấy lòng mình đã hóa tro tàn, thế mà giờ khắc này đây, tôi chẳng còn sức lực để vùng vẫy. Tôi thấy bải hoải, tôi thấy rã rời, tôi mệt mỏi lắm rồi, tôi chỉ nhả từng chữ: “Chàng giết Cố Tiểu Ngũ mất rồi.”

Cố Tiểu Ngũ của tôi, chàng giết người duy nhất tôi từng yêu mất rồi. Chàng giết Cố Tiểu Ngũ ngay chính trên mảnh đất Đốt Quyết, Cố Tiểu Ngũ bỏ mạng ngay khi hôn lễ của chúng tôi còn dang dở, chàng ấy đã chết ngay tại Tây Lương.

Tôi ngu ngơ mới quên tất cả những chuyện trước kia, để rồi đến nơi này, để rồi lấy Lí Thừa Ngân. Mà đôi ta đều quên sạch quá khứ, thậm chí tôi còn không biết Cố Tiểu Ngũ đã mất rồi.

Cơn giận của chàng ta hóa thành tràng cười: “Được! Được! Được lắm!”

Thế rồi chẳng đảo mắt nhìn lấy 1 cái, đã quay người bỏ đi.

Lúc Vĩnh Nương quay lại thì kinh ngạc lắm, bảo: “Sao Điện hạ đã đi rồi nhỉ?” tức thì bà ấy thất thanh kêu lên: “Úi trời, sao dưới sàn nhiều máu thế này…”

Bà ấy gọi cung nữ vào lau dọn, sau đó lải nhải hỏi dồn tôi rút cuộc đã xảy ra chuyện gì, tôi không muốn cho bà ấy biết, nên tôi thừ người mặc bà ấy giày vò lên giày vò xuống. Tôi phải làm sao đây? Tôi còn về được Tây Lương không? Cứ cho như tôi về được Tây Lương, nhưng Cố Tiểu Ngũ chết thì cũng đã chết rồi.

Vĩnh Nương nghĩ chắc tôi mệt muốn ngủ, liền thôi không truy hỏi nữa. Bà ấy gọi A Độ vào ngủ với tôi, A Độ vẫn theo lệ cũ nằm dưới thảm trải trước giường tôi.

Song tôi không tài nằm chợp mắt được, tôi bật dậy, A Độ cũng dậy theo, lại tưởng tôi khát nước nên đi rót cho tôi một tách trà,

Tôi không cầm tách trà đó, mà kéo tay nàng ấy viết mấy chữ vào lòng bàn tay.

Tôi hỏi, chúng ta về Tây Lương nhé?

A Độ gật đầu.

Thế là tôi thấy an tâm vô cùng, tôi đi đâu thì cô bé này theo đó. Tôi không biết trước kia nàng ấy từng chịu nhiều gian khổ đến thế, thậm chí tôi cũng không rõ vì sao nàng ấy lại cam tâm tình nguyện theo tôi đến đây. Tôi níu tay nàng ấy, ngơ ngẩn rồi bỗng rỏ giọt nước mắt. A Độ nom tôi khóc thì bối rối lắm, liền dùng gấu tay áo lau nước mắt tôi, tôi lại viết vào lòng bàn tay nàng ấy, đừng lo. Chừng như A Độ xót ruột lắm, nàng ấy ôm tôi vào lòng, nhẹ xoa đầu tôi với cái kiểu dỗ dành một đứa trẻ. Cứ an ủi như thế rồi tôi cũng dần chợp được mắt.

Thực ra, trong thâm tâm tôi biết rằng, thế là tôi xong đời rồi. Trước kia tôi thích Cố Tiểu Ngũ, sau khi mất trí nhớ, tôi lại thích Lí Thừa Ngân. Dù chàng ta lừa tôi từ đấu chí cuối, thế mà tôi vẫn cứ yêu chàng.

Nước sông Quên, đặng quên tình. Hễ ai dầm mình trong dòng nước thánh thần, kể từ đó về sau đều quên sạch tất cả những chuyện đau khổ từng trải. Tôi quên chàng, chàng cũng quên tôi, đôi ta không còn vướng bận tiền duyên. Thế nhưng, tại sao sau khi đã quên được rồi, mà trái tim tôi lại vẫn yêu chàng? Trước kia chàng đối xử với tôi tệ bạc, song tôi không ngăn được mình thích chàng. 3 năm chúng tôi không chỉ một lần đẩy nhau ra thật xa, cớ gì lại đến bước đường ngày hôm nay? Thánh thần đã từng nghe lời khẩn cầu của tôi, để tôi được quên đi những khổ đau những sầu muộn chàng chất chồng trên thân mình. Thế mà ngày hôm nay Thánh thần lại đang trừng phạt tôi chăng? Người khiến tôi nhớ lại tất cả, con tạo trớ trêu xoay vần đưa đẩy tôi lại lần nữa yêu chàng.

Kể từ đó Lí Thừa Ngân không lại chỗ tôi nữa.

Tôi ốm dai dẳng một thời gian, mãi đến khi mở miệng nói được, thì ngọc lan ngoài hiên đã héo rũ, mà anh đào trong đình đuơng rộ phớt hồng như mây.

Cũng bởi anh đào trổ bông sớm hơn cây đào cây mận, nên hoa vừa đơm đó thôi mà đã khiến đất trời tràn ngập khí xuân. Sân vườn có mấy gốc anh đào đương độ sum suê, hoa nở chen cụm chen cành, bung màu như gấm vóc trơn truột, như mây bồng bềnh, như lụa hững hờ đậu dưới mái hiên, có đôi cành nhô đầu qua ô cửa sổ.

Lúc tôi còn đương ốm nằm một chỗ thì ngoài kia đã phát sinh một đống truyện, thảy là do Vĩnh Nương kể tôi mới hay. Thoạt đầu, Thủ Phụ(*) Diệp Thành bị vạch tội mua quan bán tước, thế rồi nghe bảo vụ việc lần này có liên quan sâu rộng, chỉ một thời gian ngắn mà trong triều ai nấy đều nơm nớp bất an, chỉ lo mình bị vu tội “kết bè kết đảng với nhà họ Diệp”. Rồi đợt này mừng đại tướng quân Bùi Huống ca khúc khải hoàn trở về kinh kỳ sau cuộc chinh phạt Cao Ly, bệ hạ đã ngự ban không ít vàng bạc. Thêm vào đó, thời gian qua, Bệ hạ còn nạp thêm 1 vị quý phi tuổi đời còn rất trẻ, mà cũng vô cùng xinh đẹp, trong cung gọi là “Nương Tử”, nghe nói bệ hạ hết mực sủng ái vị tân quý phi này, thậm chí giờ đây người tạm nắm quyền lục cung là Cao quý phi so ra cũng còn kém xa. Sở dĩ người ta nhao nhao bàn tán rằng Bệ hạ liệu chăng sẽ sắc lập vị quý phi kia lên ngôi Hoàng Hậu, là vì kiểu ân sủng này xưa nay quả hiếm thấy. Mà mặc kệ là truyện triều chính hay chuyện hậu cung, tôi nghe tai trái luồn qua tai phải, chẳng mấy mà quên sạch.

(*người đứng đầu nội các. Tham khảo chi tiết tại đây)

Những chuyện này nghe xong lại cảm giác ấm ức, tôi thấy tình cảm của bọn đàn ông thật khó mà tin được, nhất là đàn ông sinh trưởng trong hoàng thất, đứng trước toàn thể thiên hạ, phụ nữ có là cái gì? Cố Kiếm từng nói đấy thôi, một người muốn lên ngôi Hoàng đế, tránh sao được lòng dạ hóa thành sắt đá, máu lạnh và tàn nhẫn. Tôi thấy hắn nói đúng lắm.

Chiều xuống, bỗng nghe tí tách có tiếng mưa rơi. Vĩnh Nương ngóng ra màn mưa ngoài đình, khẽ than bảo: “Năm nay hoa kém tươi rồi.”

Tôi ốm dẫu đã đỡ hơn, nhưng lại vướng cái bệnh ho, Thái y kê nhiều loại thuốc thang, ngày nào cũng uống, uống triền miên, vậy mà chẳng mấy tác dụng. Tôi vừa ho, Vĩnh Nương đã vội kéo cho tôi cái chăn, chỉ lo tôi nhiễm lạnh vào người. Tôi cũng mong ho sớm khỏi, sớm khỏi đi cho tôi và A Độ còn về Tây Lương.

Cho dù Tây Lương của tôi đã thay đổi đến nhường nào, chung quy tôi vẫn cứ phải về.

Tôi ngồi trước cửa sổ, ngắm cánh hoa anh đào mỏng manh oằn mình ủ dột trong cơn mưa, như những miếng lụa cắt vụn no nước nặng trĩu còn bấu dính với cành. Vĩnh Nương đã sai người dựng màn gấm, thứ mà nhà vương giả ở Trung Nguyên hay dùng để giữ hoa, mưa tưới xuống không thể tàn phá được cây cối dưới tấm màn

che. Tôi nom hoa anh đào núp mình dưới lều gấm, bốn góc lều còn mắc chuông vàng nhỏ xinh để đuổi lũ chim non, gió lay chuông đu đưa vẳng tiếng ngân.

Dạo này tôi thường ngổi ngẩn nhiều canh giờ, Vĩnh Nương cảm thấy như thể tôi đã biến thành một kẻ khác, trước kia tôi ồn ào lắm, giờ đã lắng xuống yên tĩnh nhường này, bà ấy thường dành cho tôi ánh nhìn rất đỗi lo âu.

A Độ cũng lo không kém, nàng ấy muốn kéo tôi ra ngoài chơi không chỉ một lần, nhưng tôi không tài nào vực nổi tinh thần. Tôi chưa kể cho A Độ nghe tôi nhớ ra những chuyện trước kia, tôi nhủ thầm có nhiều chuyện, tự mình chịu đựng thì tốt hơn cả.

Lúc hoa tàn thì tiết trời cũng bừng ấm. Trong cung thay áo xuân, Đông Cung cũng chuyển mình để đón tiết mùa xuân và những ngày chớm hè. Vĩnh Nương sai người dựng trong sân đình một cột xích đu, trước kia tôi thích ngồi dây đu đong đưa lắm, có điêu dưới cái nhìn của Lí Thừa Ngân, nó lại bị xem như trò cợt nhả, đâm ra trong Đông Cung xưa nay đã làm gì có xích đu, giờ Vĩnh Nương mới sai người làm 1 cái mới toanh cho tôi, song, nay tôi chẳng thiết chơi trò đó nữa.

Lúc cột đang được dựng thì tôi gặp Bùi Chiếu, bẵng đi một dạo rất lâu, lâu lắm rồi tôi chưa gặp lại hắn, phải từ lúc hắn khuyên tôi đừng nên qua lại với Nguyệt Nương nữa, phải từ dạo ấy trở đi tôi không còn thấy hắn nữa. Tôi lại nhớ ngay cái lần đầu gặp hắn, tôi vẫn nhớ y nguyên hắn từng đoạt dao trên tay A Độ, và cả tiếng kêu kinh hoàng ngày bên sông Quên. Chắc hẳn hắn không biết tôi đã nhớ lại toàn bộ.

Mà tôi sẽ không kể với hắn chuyện tôi đã nhớ ra đâu, nói rồi thể nào hắn cũng tăng cường đề phòng. Người Trung Nguyên toàn lũ bịp bợm, giờ đầu tôi cũng tiếp thu được ít nhiều, tôi phải giấu nhẹm đi, có thế mới rình được thời cơ dắt A Độ bỏ trốn.

Bùi Chiếu mang biếu tôi ít quà, những thứ ấy đều ngự ban từ trong cung, nghe nói là chiến lợi phẩm đại tướng quân Bùi Huống thu được ở Cao Ly, Bệ Hạ ban thưởng không ít người, chỗ tôi cũng có phần.

Toàn là đồ cổ và châu báu, xưa nay tôi chẳng mấy hứng thú với chúng, chỉ bảo Vĩnh Nương thu gom lại rồi thôi.

Bùi Chiếu vẫn bưng trên tay một chiếc làn, đích thân dâng lên tôi.

Tôi không nhận, đoạn sai Vĩnh Nương mở xem, thì ra là một con mèo con, to cỡ một nắm đấm, toàn thân trắng muốt như thỏ. Rõ ràng là mèo, mà hai mắt nó một bên xanh lam một bên xanh lục, nom yêu lắm. Nó nhoài mình dưới đáy làn, se sẽ kêu.

Tôi hỏi: “Bệ hạ ban thưởng cả cái này ư?”

Bùi Chiếu nói: “Con mèo này phụ thân mạc tướng mang về, nghe nói là cống phẩm của Xiêm La, anh em trong nhà nghịch ngợm, chắc không nuôi được, mạc tướng liền đem đến cho Thái Tử Phi.”

Tôi ẵm mèo con, nó nằm mọp trong lòng bàn tay kêu meo meo, cái lưỡi nhỏ xíu màu hồng nhô ra, liếm ngón tay tôi. Cảm giác ngưa ngứa chà lên da tay, tê tê khó chịu mà lại yêu vô cùng, tôi thích con mèo nhỏ này ngay từ cái nhìn đầu tiên, liền cười bảo Bùi Chiếu: “Vậy thay ta chuyển lời cảm ơn tới Bùi lão tướng quân nhé.”

Chẳng hiểu tại sao, tôi lại có cảm giác rằng Bùi Chiếu vừa mới trút hơi thở phào. Mặt mày tôi giãn cười, nhìn hắn chẳng hề kiêng dè,. Thoạt đầu hắn theo Lí Thừa Ngân đi chinh phạt Tây Vực, hắn là người biết chuyện từ đấu chí cuối, lúc đứng bên bờ sông Quên, cũng chính mắt hắn chứng kiến tôi nhảy xuống. Thế mà trước nay hẳn im re không hé lấy nửa lời, tôi nghĩ bụng, thực ra hắn hết mực trung thành với Lí Thừa Ngân, nếu như hắn biết tôi đã nhớ lại từ lâu, liệu hắn có lập tức thay đổi vẻ mặt, đề cao cảnh giác với tôi không? Dân Trung Nguyên quỷ kế thế đấy, tôi phải học từng bước một, rồi mọi đau đớn bọn chúng chất chồng trên thân tôi, tôi sẽ ném trả chúng bằng đủ.